Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Duyên gặp gỡ hoa cỏ bên đường – Lê Tuấn

Lê Tuấn

Duyên gặp gỡ hoa cỏ bên đường

Tôi đến tham dự một buổi ra mắt sách Hoa Cỏ Bên Đường tác giả là cựu nữ phóng viên chiến trường Kiều Mỹ Duyên, do Văn Thơ Lạc Việt tổ chức tại 70 W, Hedding thành phố San Jose Ngày 25 tháng 6, 2022.

Lần này đến tham dự buổi ra mắt sách tôi đem theo cả máy quay phim và máy ảnh, vì tôi có ý định thực hiện một video clip cho buổi ra mắt sách hôm nay.

Tôi vừa bước qua cổng chính đi vào hội trường, đã nhận thấy bên ngoài hành lang có dãy bàn với nhiều người đẹp trong tà áo dài, đang giới thiệu những quyển sách in thật đẹp.

Hoa cỏ bên đường là quyển sách in hình màu, sách in khổ 6X9 dầy 496 trang, đây là một quyển sách do nữ sĩ Phương Hoa và nhạc sĩ Thái Phạm thuộc ban in ấn của Văn Thơ Lạc Việt phụ trách phần layout và in ấn tại nhà in Lulu printing USA.

Trên bích chương quảng cáo ra mắt sách, đã nêu rõ ý định của tác giả. Tất cả tiền bán sách đều dành cho việc từ thiện.

Nhìn quanh hội trường tôi nhận thấy có nhiều ký giả nhà báo của các đài truyền hình địa phương San Jose, đến thực hiện phóng sự.

Nhiều quan khách tên tuổi đến tham dự như: Giáo sư bác sĩ Trần Công Luyện, Thẩm phán Phan Quang Tuệ, Linh mục Trần Đình Thảo, Luật sư Nguyễn Quốc Luân và còn nhiều nữa mà tôi không nhớ hết tên. Diễn giả giới thiệu sách là nhà hoạt động văn hoá Văn thi sĩ Quốc Nam đến từ Seattle.

Buổi lễ ra mắt sách được ban tổ chức cho xen kẽ những tiết mục văn nghệ do các cháu thiếu nhi của thành phố San Jose trình bày, cùng với ca sĩ địa phương.

Với máy quay phim trên tay, tôi đã thâu hình gần như toàn bộ buổi lễ ra mắt sách, khi về nhà tôi đã edit và ráp nối từng đoạn phim để cố gắng thu ngắn lại, những đoạn video clip sau khi hoàn tất và chia sẻ trên Youtube nó vẫn có chiều dài 56 phút.

Mở đầu cho đoạn video clip là khung cảnh hành lang với dãy bàn các cô trong tà áo dài đang giới thiệu sách cho khách mua, background cho hình ảnh này là một dòng nhạc nhẹ, tôi đã đọc bài thơ ngẫu hứng với chủ đề

Hoa Cỏ Bên Đường

Hoa cỏ mọc bên đường

Khép nép mà dễ thương

Hoa mang đầy sức sống

Theo tình sử quê hương.

Hoa không ngại gió sương

Mọc trong cõi vô thường

Từ ngàn trùng sóng vỗ

Xông pha mọi chiến trường.

Hoa kết nối trăm năm

Dòng quân sử can trường

Bài phóng sự ghi dấu

Nữ phóng viên chiến trường.

Lê Tuấn – Viết tặng tác phẩm “Hoa cỏ bên đường” của nữ phóng viên chiến trường Kiều Mỹ Duyên

Thật ra tôi không hề quen biết chị Kiều Mỹ Duyên, tôi chỉ nghe tên tuổi của chị như là một cựu nữ phóng viên chiến trường thế thôi. Hôm nay tôi đến tham dự và có duyên gặp gỡ tác giả Kiều MỸ Duyên, bên trong hội trường chi ngồi hàng ghế trước mặt tôi, tôi ngồi phía sau với máy thu hình, tôi nhận thấy có nhiều người đến tặng chị những món quà.

Sẵn trong tay tôi đang cầm tuyển tập Lặng Im Tiếng Đời, đây là quyển sách thứ 6 tôi mới in, tôi ký tặng chị tập thơ.

Tôi nói xin gửi tặng chị tập thơ, vừa nói vừa đưa sách tặng chị

Chị nói lời cảm ơn và bỏ vào túi xách, ngay khi ấy chị không biết tôi, vì đây là lần đầu đối diện, tôi tặng chị tập thơ bời vì tôi biết chị là người viết sách và sẽ đọc sách chỉ có thế thôi.

Tôi chợt nhớ lại một câu nói của nhà hoạt động, người Ấn Độ đã phong thánh cho ông, đó là Mahatma Gandhi ông đã nói:

Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi.

You don’t have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them.”

Dường như tôi nhận ra một sự đồng cảm với chị Kiều Mỹ Duyên đó là, chúng tôi là người viết sách và vẫn còn mang một hoài bão, hãy phổ biến cho nhiều độc giả cùng đọc sách.

Video Clip buổi ra mắt sách Hoa Cỏ Bên Đường sau khi chia sẻ trên Youtube được nhiều người đón nhận, tôi forward video này gửi đến email của chị, và chị đã đón nhận cùng lời cám ơn.

Phải chăng đây là một cơ duyên, hay một sự khởi đầu quen biết để sau này đi đến gần gũi hơn. Tôi lại liên tưởng đến Thuyết duyên khởi của đạo Phật.

Mọi hiện hữu trong thế giới này đều vận hành theo nguyên tắc của sự tương quan lẫn nhau. Sự vật, hiện tượng này sinh khởi do hội đủ điều kiện hỗ trợ cho sự sinh khởi ấy.

Do cái này có mặt, cái kia có mặt đã kết hợp lại thành một mối tương quan lẫn nhau. Chắc có lẽ sự quen biết của tôi với Chị Kiều Mỹ Duyên bắt đầu từ đó.

Về sau này tôi gọi chị là chị Hai, vì trong câu chuyện trên phone chị cho biết chị có một người em trai còn lớn hơn tôi vài tuổi, do đó tôi gọi chị là chị Hai, và chúng tôi trở nên gần gũi hơn, email qua lại rồi chị nói với tôi:

Tập thơ lặng im tiếng đời của lê tuấn tặng, chị rất trân trọng, và chị đem vào văn phòng, có nhiều người mượn đọc và hỏi mua sách. Chị nói đây là sách tặng không bán. Và chị ngỏ ý muốn tôi gửi tất cả những tác phẩm của tôi cho chị.

Tôi đồng ý và đóng gói toàn bộ sách của tôi bao gồm 6 quyển, một quyển đã tặng trước và lần này là 5 quyển sách đóng gói đem ra xe đò Hoàng gửi đến Orange County, tôi nhắn tin và chị đã ra bến xe đò Hoàng nhận sách trong ngày.

Chị nhắn tin qua email, hãy đến nhà anh Chinh Nguyên để nhận hai quyển sách chị gửi tặng đó là Hoa Cỏ Bên Đường và Cảm nhận vế tuyển tập Hoa cỏ bên đường, tôi đã đến nhà Chinh Nguyên nhận sách.

Chị còn nhắn nhủ tôi hãy viết thêm cho chị đọc. Vâng thưa chị em sẽ tiếp tục viết sách và sẽ ấn hành quyển thứ 7 với chủ đề Tuyển tập truyện ngắn Tháng Ba Hoa Táo trong năm tới.

Sau khi đọc xong tác phẩm Hoa cỏ bên đường tôi nhận thấy đây là một sự tổng hợp những phóng sự, tuỳ bút mà ký giả Kiếu Mỹ Duyên đã ghi nhận trên khắp các nẻo đường đi tham dự các đại hội, hay gặp gỡ phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng trên thế giới.

Tôi phải nể phục tác giả đã chọn một chủ đề rất phù hợp với tác phẩm, bởi vì tất cả những bài viết ngắn dài trong tác phẩm chính là những loài hoa cỏ mọc bên đường, chính là những mảnh vụn trên con đường làm phóng sự.

Tôi chợt nhớ đến một bài thơ tôi đã viết trong tác phẩm Triết Học và Thiền. Bài thơ với tựa đề Loài hoa dại bên đường, tôi xin trích dẫn vài đoạn.

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Ta muốn nâng đất cao hơn tí nữa

Và khéo mây trời xuống thấp cho gần

Nhìn tận mắt em

Loài hoa khờ dại

Trong hố thẳm nào đen tối

Mà sao che dấu

Cả hồn ta.

Lê Tuấn – Trích đoạn bài thơ “Hoa cỏ dại bên đường”

Trong tuyển tập HCBĐ chị đã viết.

“Làm truyền thông đi đâu cũng viết được. Lên rừng xuống biển, đi đâu tôi cũng viết được, nhưng phải biết quan sát tỉ mỉ”

Theo như quan niệm của chị Kiều Mỹ Duyên chị đã viết trong tác phẩm:

“Tôi không viết truyện mơ mộng lên cung trăng, tôi viết về người thật việc thật, viết hoài không hết, cần gì bay lên trời, hay bay lên cung trăng thăm chị Hằng.

“Tôi sống thật, thương thì nói là thương, ghét ai thì im lặng, không nói ghét, vì người nào cũng có điểm dễ thương của họ. Họ không thích mình vì mình không khéo léo thế thôi.”

Vẫn là những bài viết, những dòng chữ, chị đã viết trong tác phẩm HCBĐ

tôi rất thích quan niệm sống của chị, quan niệm này rất gần gũi với quan niệm của cá nhân tôi.

Chị đã viết:

Sống lạc quan đời sống sẽ đẹp hơn. Hãy yêu thương, yêu người, yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu tiếng chim hót líu lo trong vườn buổi sáng, yêu những cành đào, cành mai rung rinh trong gió thì lòng mình sẽ thanh thản hơn nhẹ nhàng hơn. Đâu phải giàu có mới hạnh phúc.”

Quan niệm của chị theo đúng với phong cách của một phóng viên, viết về người thật việc thật. Chính vì thế tên tuổi của chị đã trở nên một ngôi sao sáng trong ngành báo chí và phóng viên chiến trường.

Tôi đang viết về một người rất nổi tiếng trong giới truyền thông, mà không biết gì về tiểu sử của chị, thì cũng uổng phí. Bởi vì Chị Kiều Mỹ Duyên là một điển hình. Một sự nỗ lực vượt qua chính mình, sự nghiệp của chị đã để lại nhiều cảm hứng cho các thế hệ trẻ sau này.

Tôi xin phép chị để giới thiệu cho độc giả biết đôi nét về tiểu sử của tác giả Kiều Mỹ Duyên.

Tên thật là Nguyễn Thị An. Bút hiệu Kiều Mỹ Duyên. Danh tiếng của chị rất quen thuộc và nổi tiếng trong giới báo chí Việt Nam trước năm 1975. Nổi tiếng là một phóng viên chiến trường gan dạ và xuất sắc trong chiến tranh Việt Nam chống cộng sản hơn 20 năm, trên khắp chiến trường, trên khắp bốn vùng chiến thuật.

Chị cộng tác với nhiều tờ báo ở Sài Gòn như nhật báo Hoà Bình, Công Luận, Trắng Đen.

Năm 1960 chị KMD được học bổng sang Úc (Australia) theo học ngành báo chí. Trở về Sài Gòn, từ năm 1964 chị KMD chuyên viết phóng sự về xã hội và chiến trường cho nhiều tờ báo. Chị KMD phụ trách chương mục Người Yêu Của Lính và Thương Người Hậu Phương trên tờ báo Công Luận.

Chị KMD có một ý chí phấn đấu mãnh liệt, chị luôn nỗ lực vượt qua chính mình. Chị không chấp nhận theo thuyết Định Mệnh An Bài, chị vượt qua mọi định mệnh của đời sống để tự quyết định lấy số phận của chính mình.

Chị đã viết:

“Bỏ lại sau lưng những người thân yêu, cha mẹ anh em, bà con và tất cả người thân, tôi vượt biên một mình cùng với bằng hữu, tôi trên chiếc thuyền mong manh chở 47 người, người lớn và trẻ con, được tàu Mỹ cứu mạng định cư ở California”

Năm 1976, chị KMD vượt biên và định cư tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Năm 1982, bà tốt nghiệp Báo Chí, Chính Trị và Địa Ốc tại California State University of Fullerton.

Chị đã viết:

Tôi chờ đợi hơn 10 năm, mẹ và em tôi mới được định cư tại Hoa Kỳ. Sau này Mẹ tôi và em gái có nhà riêng ở Little Sài Gòn, đi bộ ra Bolsa và Magnolia.”

Chị KMD không viết về tiểu sử của chính mình, chỉ thoáng qua một vài đoạn nằm rải rác trong các bài viết của chị.

Trong bài viết Tình Mẹ Tuyệt Vời, trang 326 chị đã viết:

Tôi có 4 chị em gái, chết hai còn lại một em và tôi. Sau này mẹ tôi sinh được một đứa con trai. Em trai của tôi rất thông minh, thích binh chủng không quân, nên sau này vào không quân được du học ở Mỹ 2 lần sửa máy bay F5. Em trai tôi cưới vợ làm nghề dạy học và sinh được 2 con, một trai một gái. Đứa con trai đầu lòng của em tôi, mẹ tôi nâng niu như trứng.”

Tôi đọc tiếp phần sau thì được biết người cháu trai của chị là Nguyễn Hưng.

Bây giờ Hưng Nguyễn đỗ tiến sĩ Kinh tế tại Los Angeles Hoa Kỳ. Cháu Hưng Nguyên đã đem lại niềm tự hào cho gia đình.

Tóm lại tiểu sử của chị vắn tắt chỉ vài nét như thế. Tuy nhiên chị viết rất nhiều về công việc kinh doanh địa ốc, cùng với việc làm từ thiên mà chị đã thực hiện.

Người ta thấy. Sau một ngày miệt mài làm việc ở văn phòng địa ốc Ana Funding, góc đường Euclid – Westminster, thành phố Westminster, với vai trò broker có dưới tay hàng chục nhân viên địa ốc, tối tối người ta lại thấy bà đi thoăn thoắt trong các hội nghị, phòng họp, cầm micro phỏng vấn, trò chuyện, chụp ảnh để làm phóng sự, bản tin cho đài truyền hình…

Những tác phẩm của Kiều Mỹ Duyên phải nhắc đến tác Phẩm (Chinh Chiến Điêu Linh). Theo như tác giả cho biết, những trang bút ký viết tay hay đánh máy mất hết rồi, tác giả sao lục lại ở thư viện quốc hội Hoa Kỳ và cho xuất bản năm 1994 tác phẩm Chinh Chiến Điêu Linh.

Tác phẩm Chinh Chiến Điêu Linh của Kiều Mỹ Duyên, là cách nhìn của một phóng viên chiến trường, đã nhìn một cách trực diện vào cuộc chiến qua chiến hào của các tiền đồn Địa Phương Quân, mà qua nhiều hình ảnh còn lưu lại, người lính Địa phương Quân hay Nghĩa Quân, cầm súng đứng dưới chiến hào mà người vợ bồng con vẫn đứng nép mình ngay bên cạnh.

Hay cuộc chiến của đoàn quân mà nữ phóng viên chiến trường Kiều Mỹ Duyên tham dự, bị vây hãm nơi chiến tuyến bởi các sư đoàn của quân cộng sản bắc Việt như:  Sư Đoàn 3 Sao Vàng, Sư Đoàn 304 và 308, trong những trận địa chiến bị pháo kích như mưa bởi những họng đại bác của Trung Đoàn Pháo 38, bởi những dàn phóng của Trung Đoàn Tên Lửa 84. Hay những dàn tên lửa 122 ly của cộng quân bắc Việt.

Đọc Chinh Chiến Điêu Linh như nhìn lại toàn cảnh cuộc chiến khốc liệt, khi bắt đầu là mùa hè đỏ lửa 1972.

Một vài trích đoạn trong CCĐL:

“Mùi máu tươi trong hàng cây khuynh diệp”bắt đẩu bằng kinh nghiệm và trực giác.

“trong sự yên tĩnh của hôm nay, hình như người chiến sĩ đang chờ đợi một cái gì đó sẽ xảy ra.. Chỉ có ngư ông mới nhìn thấy những luồng sóng ngầm dưới lòng biển cả. Chỉ có những người lính chiến đầy kinh nghiệm mới có trực giác bén nhạy trước những toan tính của địch quân… và sự chờ đợi đã đến”

Không thể kết luận được tác phẩm Chinh Chiến Điêu Linh là một thiên phóng sự đầy máu và nước mắt, mà nó chính là bản anh hùng ca của Quân Lực VNCH.

Đọc qua tác phẩm này tôi lại chợt nhớ đến câu chuyện ngắn mà tôi đã viết chủ đề Trận Chiến Lấn Đất 1972, có in trong tác phẩm Đội Đập Đá Trại 6 Nghệ Tĩnh. Trong đó có bài thơ kết thúc câu chuyện, tôi xin mượn để viết ra đây:

Trăm năm trong cõi vô thường

Ta ngồi viết lại đoạn trường vô thanh

Cho người chiến sĩ vô danh

Bước vào huyền thoại hoá thành vĩ nhân.

Lê Tuấn

Cho đến hôm nay khi viết bài cảm nghĩ này tôi đã lấy chủ đề Duyên Khởi là mạnh đề chính và Hoa Cỏ Bên Đường là mạnh đề phụ bổ túc cho Duyên Khởi, để từ đó tôi và chị Kiều Mỹ Duyên mới quen biết nhau, tôi vẫn nghĩ rằng tình cảm này sẽ trở nên gần gũi hơn.

Chị đã mời tôi hãy cùng với vợ chồng Văn thi sĩ Chinh Nguyên đến tham dự buổi lễ mừng 15 năm thành lập đài truyền hình VNATV tổ chức tại Orange County.

Thật ra tôi và nhà thơ Chinh Nguyên cùng với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng đã thực hiện rất nhiều Video clips talk show cho đài VNATV. Những video clips mạn đàm về những áng văn thơ nổi tiếng của VN, như Truyện Kiều Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm, Cung oán ngâm khúc, Hồ Xuân Hương, Lục Vân Tiên, Bích Câu Kỳ Ngộ, Tỳ bà Hành, Bà Huyện Thanh Quan và rất nhiều những mạn đàm về thời sự, hay những buổi giới thiệu tác giả và những sách mới ấn hành. Vân vân.

Cho đến thời gian gần đây tôi mới ngừng thực hiện chương trình này vì lý do bận rộn với con cháu, tất cả đều ở xa cách nhau cả tiếng lái xe, do đó không tiện việc đi lại.

Để kết luận. Tôi xin mượn ý tưởng một chút triết lý về duyên khởi. Một sự vật, một hiện tượng mới nảy sinh trong môi trường thân thiện thì sẽ hội đủ điều kiện hỗ trợ cho sự hình thành một mối dây liên lạc bền vững.

Lê Tuấn
Viết Xong.  July 16, 2022

Leave a comment