Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Mặt Trận Đại Học thời Việt Nam Cộng Hòa – Lê Bình

Lê Bình

Mặt Trận Đại Học thời Việt Nam Cộng Hòa

Một buổi chiều có nắng đẹp, hơi lạnh sau cơn bão đến Bắc California, vùng Thung lũng Silicon…Một số anh chị em cựu sinh viên các trường đại học Sài Gòn, đặc biệt là Văn Khoa và Luật Khoa đã đến gặp nhau trong một buổi họp mặt thân hữu để “trình làng” tập sách có tựa: Mặt Trận Đại Học thời Việt Nam Cộng Hòa.

                                 – Lê Bình –

Cali Today News – Tác phẩm là tập hợp những bài viết từ năm 2009 của những sinh viên đại học Sài Gòn có tinh thần quốc gia, yêu tự do dân chủ, đã tham dự trong mặt trận “tình báo” để chống lại sự xâm nhập của cộng sản Bắc Việt vào sân trường Đại Học, tiêu biểu chóm nhóm sinh viên Cộng sản là Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng…với sự chỉ huy của Trần Bạch Đằng.

Buổi trao sách, diễn ra trong tình gia đình tại tư gia của một cựu sinh viên, trên đường Ridgeview Way, San Jose. Có khoảng gần 50 thân hữu tham dự, phần lớn là những cựu sinh viên Văn Khoa, Luật Khoa trong nhóm A 17, các cựu chủ tịch Ban Đại Diện Văn Khoa như Cựu Chủ Tịch Nguyễn Hữu Tâm, Phan Nhật Tân, cựu Phó Chủ tịch Ban Đại Diện VK Biện Thị Thanh Liêm, cựu thủ quỹ Ban Đại Diện VK Huỳnh …và một số nhân viên cảnh sát đặc biệt thuộc Phủ Đặc Ủy. Đặc biệt có sự hiện diện và nói chuyện của cựu Đặc Ủy Trưởng, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình.

Buổi nói chuyện xoay quanh những hoạt động của các cựu sinh viên Văn Khoa, Luật Khoa trước năm 1975. Những nhân chứng còn sống nói về một thời sôi nổi của tuổi trẻ dấn thân “Vừa miệt mài đèn sách vừa ý thức bổn phận của người sinh viên Quốc Gia, hăng hái tham gia các hoạt động nhằm loại bỏ ảnh hưởng của cán bộ Thành đoàn Cộng sản ra khỏi môi trường đại học…” Những tên tuổi gắn liền với những cuộc đấu tranh chống cộng sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật. Tác phẩm cũng trình bày những sự thật mà chưa có sách vở, báo chí nào nói đến mặt thật của những “sinh viên” Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm…v.v.

Cũng trong buổi mạn đàm “Mặt Trận Đại Học” người ta biết thêm về những hoạt động quả cảm của những sinh viên chân yếu tay mềm, các chị sinh viên Văn Khoa, Luật Khoa tham dự trong công cuộc đấu tranh chống cộng và đã trả giá bằng những năm tù khổ sai sau 1975. Có người 8 năm, có  người 13 năm. Chị Thanh Liêm tâm tình “Cuộc chiến đã qua hơn mấy chục năm, với tư cách một nữ sinh viên Văn Khoa bé nhỏ trong hàng ngũ sinh viên Quốc Gia, chúng tôi không khỏi tự cảm thấy chút hãnh diện vì ngày xưa đã sát cánh cùng bạn bè góp công sức mình vào việc ổn định tình hình Đại Học nơi hậu phương để ngoài tiền tuyến các anh chiến sĩ VNCH yên lòng chiến đấu chống lại Cộng quân xâm lăng.”

Điểm qua tác phẩm Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hòa, Chủ tịch Sinh viên Kiến Trúc Lý Bửu Lâm nhận xét “Làm sống lại linh động một thời sinh viên của chúng ta. Nội dung cuốn sách vinh danh hàng ngũ Sinh Viên Quôc Gia, vinh danh Giáo Sư, Sinh Viên đã thực sự đổ máu, đã ngã gục trước họng súng bạo lực phi nhân của Thành Đoàn Cộng Sản…”

Cựu sĩ quan Cảnh sát Đặc Biệt, Trần Hùng, người đã từng sát cánh cùng sinh viên trong Mặt Trận Đại Học cho biết “Quyển sách đã nói lên một phần khác của cuộc chiến đấu chống cộng sản. Cuốn sách cần được phổ biến rộng rải đến nhiều người vì cho đến bây giờ bọn cộng sản vẫn ra sách để nói “tốt” về phía họ.”

Nhiều người có nhận xét tác phẩm là một phản biện, là chứng tích rõ ràng cho thấy những tác phẩm của cộng sản viết về thòi kỳ sinh viên “đấu tranh” là sai sự thật. Trong bài số 9 (trang 187) nói về những sự không thành thật của LM Chân Tín khi trả lời phỏng vấn về những vụ mà theo LM Chân Tín “Bắt bớ sinh viên”, sự thật về cái gọi là Ủy Ban Vận Động Cải Thiện Chế Độ Lao Tù do LM Chân Tín thành lập năm 1970 để vận động thả những tên VC đội lốt sinh viên đã bị bắt. Tác phẩm cũng nhắc đến Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoảng Phủ Ngọc Phan, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan,  Nguyễn Đăng Trừng, Lê Hiếu Đằng…về tên sinh viên trùm tranh đấu Huỳnh Tấn Mẫm.

Nhìn chung, tác phẩm Mặt Trận Đại Học không phải là “sử” nhưng đó là tài liệu sống rất cần cho những nhà nghiên cứu viết sử sau nầy. Tiến sĩ Trần An Bài nhận xét “Lịch sử gắn liền với sự thật. Nhưng những chế độ độc tài đảng trị luôn bóp méo sự thực khi viết lịch sử. Trong cuốn “Mặt Trận Đại Học” không chủ ý viết sử mà chỉ muốn trình bày sự thực như một nhân chứng, một người tham dự ở góc cạnh khá đặc biệt trong cuộc chiến Việt Nam. Đó là cuộc chiến tại các trường Đại Học của VNCH nhằm chống lại sự xâm nhập, phá hoại của VC. Cuộc chiến nầy đang bị cộng sản xuyân tạc và bóp méo sự thực để viết thành “lịch sử” truyền lại cho hậu thế.”

Một số tham dự cho biết nhận xét “Mới đọc lướt qua một vài bài nhưng đã thấy được nhiều sự thật cần được nói lên, viết ra cho mọi người thấy. Nhất là gìới trẻ sau nầy cần biềt về cha anh của họ đã làm gì.”

Sau cùng Ban Tổ Chức khoản đãi bữa ăn trưa. Buổi họp mặt trao sách chấm dứt lúc 3:00pm. Tưởng cũng nên viết thêm. Trong buổi trao sách có sự hiện diện của cựu Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, ông đã nói về những cuộc chiến tình báo, trong đó có Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, xin ghi lại một vài nét về Phủ Đặc Ủy.

Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo (tiếng Anh: Central Intelligence Office, viết tắt là CIO) là cơ quan tình báo chiến lược trung ương của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trực thuộc Phủ Tổng thống.  Trụ sở đặt tại số 3 Bạch Đằng.

Phủ Đặc ủy được thành lập năm 1961 theo sắc lệnh số 109/TTP do Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký ngày 5 tháng 5 năm 1961. Cơ quan này có nhiệm vụ điều tra, thu thập tin tình báo chiến lược của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các nước có liên quan; cố vấn cho chính phủ về an ninh quốc gia.

Phủ Đặc ủy gồm các cơ quan trực thuộc như:

– Cục Tình báo Quốc nội (gồm các nha: Điệp báo (ban K), Phản gián (ban U) và Chính trị (ban Z));

– Cục Tình báo Quốc ngoại;

– Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia.

Trong vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa, ở mỗi vùng chiến thuật có 1 Đoàn công tác đặc biệt, thuộc Cục Tình báo Quốc nội. Ở nước ngoài, có các biệt cục trực thuộc Cục Tình báo Quốc ngoại như:

– Biệt cục Phú Xuân ở Pháp,

– Lam Sơn ở Anh,

– Thái Bình Dương ở Nhật,

– Tiền Giang ở Thái Lan,

– Phú Quốc ở Campuchia,…

Các Đặc ủy trưởng qua các thời kỳ: Trung tá Lê Liêm, Đại tá Nguyễn Văn Y, Trung tướng Mai Hữu Xuân, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Trung tướng Linh Quang Viên, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, Ông Nguyễn Phát Lộc

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 hầu như tất cả nhân viên của Phủ Đặc ủy đều bị kẹt ở lại và bị đi tù.

Lê Bình

Leave a comment