Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Winston Phan Đào Nguyên: CHƯƠNG XVIII – Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan Lâm Mãi Quốc, Triều đình Khí Dân” – diendantheky.net

Winston Phan Đào Nguyên: CHƯƠNG XVIII - Phan Thanh Giản và vụ án "Phan Lâm Mãi Quốc, Triều đình Khí Dân”

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2022/01/winston-phan-ao-nguyen-chuong-xviii.html

LỜI GIỚI THIỆU CỦA TÒA SOẠN DĐTK

Để làm sáng tỏ hơn hiện tượng cấm đoán của chính quyền CSVN trong việc dùng tên các danh nhân Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký qua bức thư của Ban Tuyên Giáo đảng CSVN vừa gửi ra ngày 5 tháng 01, 2022 –một sự việc đã cũ mèm từ bảy mươi năm trước, bây giờ chạy lại như một cái đĩa đã rè — chúng tôi xin mời độc giả xem Chương XVIII của cuốn sách Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân’  của tác giả Winston Phan Đào Nguyên. Cuốn sách này, được xuất bản năm 2021, đã vạch trần những hành vi hèn mọn và gian trá của chế độ CSVN khi tạo ra “vụ án” Phan Thanh Giản vào giữa thập niên 50 của thế kỷ 20.

CHƯƠNG XVIII.

TÔN CHỈ VỀ CÔNG TÁC LỊCH SỬ VÀ BẢN LÃNH CHẾ TẠO BẰNG CHỨNG CỦA ÔNG TRẦN HUY LIỆU

Winston Phan Đào Nguyên

Như người viết đã trình bày trong các chương trên của Phần 3, ông Trần Huy Liệu, vị Viện Trưởng Viện Sử Học của miền Bắc, chính là người đã chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, cũng như câu chuyện chung quanh nó.

Chính ông Trần Huy Liệu là người đầu tiên giới thiệu câu này và câu chuyện về nghĩa quân Trương Định, trong một bài viết vào giữa năm 1955 trên số 9 tờ Văn Sử Địa.

Còn trước đó, vào năm 1954, trong số 1 của tờ Văn Sử Địa (Sử Địa Văn), ông Trần Huy Liệu đã viết một bài nghị luận dưới bút hiệu “Chiến” để giành lấy chính nghĩa cho phe mình, khi cho rằng đảng và chính phủ của ông ta đã tiếp nối sự nghiệp chống Pháp của những lực lượng như Trương Định, trong việc chống lại bọn phong kiến bán nước quay ra câu kết với thực dân đế quốc.Trong bài viết vào năm 1954 nói trên, ông Trần Huy Liệu đã lên án bọn phong kiến là “bán nước bỏ dân”, và do đó lực lượng nghĩa quân của Trương Định đã đem điều này để đề lên trên lá cờ khởi nghĩa của mình. Tức là ông đã có đầy đủ những yếu tố cho câu; chỉ còn thiếu nhân vật “Phan Lâm”.

Để rồi chỉ một năm sau đó, trong một bài viết đăng trên số 9 Văn Sử Địa vào năm 1955, thì nhân vật “Phan Lâm” đã được ông Trần Huy Liệu thêm vào, và tội “bán nước” đã thành ra “mãi quốc”. Và câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã được hoàn tất.

Trong cả hai bài viết nói trên, cũng như trong các bài viết sau này dùng để lên án Phan Thanh Giản vào năm 1963, ông Trần Huy Liệu đã cho thấy mục đích tối hậu là giành lấy chiến thắng ở miền Nam. Và do đó, ông đã viết lại lịch sử để chứng minh rằng chế độ của ông có chính nghĩa – vì đứng trên lập trường dân tộc nhân dân cũng như lập trường giai cấp nông dân để chống lại bọn phong kiến đầu hàng và câu kết với giặc Pháp/Mỹ ở miền Nam. Cho nên bên cạnh việc tranh thủ cảm tình của “nhân dân miền Nam” với sự ca ngợi họ qua hình ảnh “anh hùng dân tộc” Trương Định, thì ông Trần Huy Liệu còn cần phải lên án phe “địch”, mà người đại diện (đã được chính ông chọn) là Phan Thanh Giản.

Nhưng việc lên án hay bôi nhọ kẻ địch số 1 này chứng tỏ là rất khó khăn, vì Phan Thanh Giản từ lâu nay đã đi vào lịch sử như một vị quan thanh liêm tài đức, vừa thương dân lại vừa trọn nghĩa với vua. Cũng vì lý do đó nên ông Trần Huy Liệu đã từng phải sáng chế ra những bằng chứng khá nhảm nhí để cho rằng “nhân dân” đã lên án Phan Thanh Giản. Như việc ông mập mờ sửa chữ “danh nho” mà dân chúng Nam Kỳ dùng để gọi Phan Thanh Giản, Phan Hiển Đạo và Tôn Thọ Tường ra thành “danh nhơ”, mà người viết đã dẫn ra trong các chương trên.

Rồi có lẽ vì việc giả vờ chơi chữ kiểu này không thuyết phục được ai, nên sau đó thì không bao giờ ông Trần Huy Liệu nhắc tới “giai thoại” ấy nữa. Nhưng qua việc sửa chữ kiểu này của ông ta, có thể thấy được rõ ràng hai điểm. Trước nhất, ông Trần Huy Liệu rất thiếu thốn, hay nói thẳng ra là không có một bằng chứng nào hết để cho thấy là “nhân dân” Nam Kỳ đã lên án Phan Thanh Giản. Thứ hai, nếu không có bằng chứng thì ông Trần Huy Liệu sẵn sàng chế tạo ra bằng chứng. Như việc ông đã giả vờ cho rằng có lẽ “nhân dân” Nam Kỳ gọi Phan Thanh Giản là “danh nhơ” thay vì “danh nho” nói trên.

Mà thật sự thì những bằng chứng theo loại chơi chữ kiểu này của ông Trần Huy Liệu không thể nào đáp ứng được cho yêu cầu cụ thể của ông ta trong việc viết lại lịch sử Nam Kỳ vào thế kỷ 19, là chia ra hai phe chính tà theo lằn ranh giai cấp và dân tộc chống ngoại xâm. Nó không thể tạo nên cái chính nghĩa như đã được ông Trần Huy Liệu gán cho Trương Định và nghĩa quân “nông dân” của ông ta, trong tư cách là đại diện của “nhân dân” Nam Kỳ. Và nó cũng không nói lên được việc “nhân dân” Nam Kỳ – khác với các sĩ phu Nam Kỳ đương thời luôn luôn khen ngợi Phan Thanh Giản – đã “nguyền rủa” và đã “lên án” Phan Thanh Giản như thế nào.

Giống như câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó.

Chính vì vậy, cho nên câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó phải, và đã, được ông Trần Huy Liệu cho ra đời. Để đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của ông ta trong công việc viết lại lịch sử nhằm mục tiêu đem lại thắng lợi cho chế độ mà ông ta phục vụ.

Và ông Trần Huy Liệu chứng tỏ là một người hoàn toàn có đầy đủ khả năng cũng như bản lãnh để chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó, nhằm đáp ứng nhu cầu viết lại lịch sử để trợ giúp cho mục đích đánh chiếm miền Nam  của ông ta.

Nhưng trước khi xét đến khả năng và bản lãnh nói trên, hãy nhìn lại tôn chỉ hay vấn đề đạo đức trong công việc viết sử của ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu.

A. Tôn Chỉ Về Công Tác Lịch Sử: Nghiên Cứu Để Phục Vụ Chế Độ, Không Phải Chỉ Để Nghiên Cứu

Trước nhất, cứu cánh luôn luôn biện minh cho phương tiện, qua cái nhìn của một sử gia Cộng Sản như ông Trần Huy Liệu. Do đó, với mục đích tối hậu là “giải  phóng miền Nam”, thì một sử gia đầu đàn như ông ta phải dẫn đầu trong việc hạ nhục địch thủ cũng như khen tặng phe mình. Chứ không thể chỉ làm nhiệm vụ của một sử gia chân chính, là đưa ra những suy nghĩ vô tư dựa trên những tài liệu uy tín khi viết sử.

Và chủ trương hay tôn chỉ nói trên đã do chính ông Trần Huy Liệu khẳng định trong một bài viết để giảng dạy cho các cán bộ của mình. Theo ông Trần Huy Liệu trong bài viết này thì nhiệm vụ của một sử gia hay một cán bộ sử học trong chế độ xã hội chủ nghĩa của miền Bắc Việt Nam là để phục vụ chế độ, chứ không phải là để viết sử. Và đây là điều mà ông Trần Huy Liệu đã không chút ngại ngùng khi viết ra cho các cán bộ của ông noi theo, về công tác nghiên cứu lịch sử:

“Ba là đứng trên cương vị công tác sử học để phục vụ cho cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốcxây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đây là một điểm rất quan trọng, vì những người công tác sử học, cũng như các người công tác khoa học khác, không phải nghiên cứu để nghiên cứu, nhất là không được phép đứng bên lề cuộc đấu tranh của dân tộc và cuộc xây dựng của nhân dân. Nắm vững vũ khí của mình, những người công tác sử học hãy đề cao lòng tự tin dân tộc, tin vào lực lượng vĩ đại của nhân dân qua những cuộc chiến đấu chống ngoại xâm và sản xuất xây dựng đất nước; hãy phát huy tinh thần yêu nước, gắn chặt việc yêu nước với việc yêu chế độ xã hội chủ nghĩa; chứng minh Tổ quốc ta là một khối thống nhất về lãnh thổ , kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa; chứng minh chế độ ta là một chế độ tốt đẹp hơn hẳn chế độ thối nát của Mỹ – Diệm ở miền Nam. Thực ra, khoa học lịch sử tự bản chất của nó đã chứa đựng những tính chất chiến đấu rất sôi nổi, rất mãnh liệt. Để phục vụ cho hai nhiệm vụ lớn kể trên, những người công tác sử học nhất định phải giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng

… Vì, như chúng tôi đã nhắc đến nhiều lần, các nhà công tác lịch sử của chúng ta không phải nghiên cứu để nghiên cứu, mà là nghiên cứu để phục vụ cho những nhiệm vụ công tác trước mắt.”

Như vậy, ông Trần Huy Liệu đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng một cán bộ sử học của miền Bắc khi nghiên cứu lịch sử thì không phải “chỉ để nghiên cứu” một cách đơn thuần. Mà là để phục vụ cho công tác trước mắt, và đó là phải “đề cao lòng tự tin dân tộc” và phải “gắn chặt việc yêu nước với việc yêu chủ nghĩa xã hội”, để đánh thắng “chế độ thối nát của Mỹ- Diệm ở miền Nam” nhằm “thống nhất” “lãnh thổ”.

Và để thực hiện những mục tiêu cụ thể nói trên, ông Trần Huy Liệu nói rõ ra rằng các cán bộ sử học cần phải chứng tỏ là chế độ của mình ưu việt hơn và có chính nghĩa hơn, vì đứng về phía “nhân dân” trong việc đấu tranh cho “độc lập” dựa trên lập trường dân tộc. Trong khi cần phải gán cho phe bên kia là phong kiến đầu hàng và câu kết để bán nước cho bọn thực dân đế quốc.

Nghĩa là ông Trần Huy Liệu đã nói huỵch toẹt ra hết trong đoạn văn trên, lý do tại sao ông ta và các sử gia miền Bắc cần phải viết lại lịch sử cận đại của Việt Nam.

Rồi ông Trần Huy Liệu đã làm đúng với những điều ông viết trên đây, như ta đã thấy. Đó là việc ông ta đã dùng lịch sử Nam Kỳ của thế kỷ 19 để so sánh với tình trạng đương thời.  Và mục đích là để phong cho lực lượng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lòng yêu nước giống như lực lượng nghĩa quân Trương Định trước kia, trong khi so sánh chính quyền miền Nam đương thời với Phan Thanh Giản và triều đình Huế, trong việc “bán nước” cho ngoại bang.

Thế nhưng việc khen tặng Trương Định là điều tương đối dễ dàng, vì dù sao đi nữa ông ta cũng là một người đã hết lòng vì chủ mà đánh giặc, để đến cuối cùng phải hy sinh tính mạng do lý tưởng này. Và người dân miền Nam cũng đã tỏ rõ lòng kính trọng của họ đối với Trương Định, khi họ gọi ông ta là Trương “Công” Định. Do đó, việc ông Trần Huy Liệu mập mờ gán cho Trương Định cái mác “nông dân” để làm đại diện cho nhân dân Nam Kỳ, hay thậm chí là một “anh hùng dân tộc”, đã không hề gặp một sự chống cự hay phản đối nào.

Trong khi đó, như đã thấy, việc ông Trần Huy Liệu muốn bôi nhọ và hạ bệ Phan Thanh Giản chứng tỏ là một điều cực kỳ khó khăn. Vì ông ta không thể kiếm đâu ra được tài liệu hay bằng chứng nào để làm điều này. Như đã trình bày trong Phần 2, toàn thể Nam Kỳ, từ sĩ phu cho tới thường dân, đều kính mến tài đức của Phan Thanh Giản. Do đó, việc tìm ra bằng chứng “nhân dân” Nam Kỳ đã hạ nhục Phan Thanh Giản trong khi ngợi khen Trương Định – giống như câu chuyện mà ông Trần Huy Liệu muốn kể về hai phe chính tà tại Nam Kỳ vào thế kỷ 19 – là một điều bất khả thi.

Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi ông Trần Huy Liệu đã phải vay mượn tội “đầu hàng” từ một tài liệu tuyên truyền của vị tiền bối cách mạng Phan Bội Châu, và tội “mãi quốc” từ một bài thơ với ý niệm trung quân của các nhà nho Nghệ Tĩnh trong phong trào Cần Vương. Để từ đó chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó, như đã trình bày trong các chương trên.

Tóm lại, vì đã từng dạy dỗ đàn em và tự nhận là có trách nhiệm phải trợ giúp chế độ trong công cuộc “giải phóng miền Nam”, nên khi muốn đáp ứng yêu cầu này để “phục vụ” cho công tác trước mắt, là giành thắng lợi trên mặt trận tư tưởng qua việc “chứng minh chế độ ta là một chế độ tốt đẹp hơn hẳn chế độ thối nát của Mỹ- Diệm ở miền Nam”, ông Trần Huy Liệu phải, và đã, sáng tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” cùng với câu chuyện chung quanh nó, để thực hiện điều trên.

Chứ ông Trần Huy Liệu hoàn toàn không bận tâm với nhiệm vụ đích thực của một sử gia, là viết lịch sử một cách chân thực, dựa trên những tài liệu khả tín.

Và ông Trần Huy Liệu chứng tỏ là một người hoàn toàn có đầy đủ bản lãnh cũng như thành tích để thực hiện tôn chỉ phục vụ chế độ này. Tuy vậy, sự chế tạo bằng chứng để phục vụ tôn chỉ này của ông ta, cho dù có khéo léo cỡ nào đi nữa, thì cũng vẫn còn những nhược điểm mà ta sẽ thấy sau đây.

B. Bản Lãnh Chế Tạo Bằng Chứng Và Lỗi Lầm Của Ông Trần Huy Liệu Qua Câu Chuyện “Người Bác Cách Mạng”

Trong thời gian sau này, tên tuổi ông Trần Huy Liệu được vực dậy và biết đến nhiều nhờ câu chuyện về một “anh hùng cách mạng” của miền Nam, mà ông Trần Huy Liệu được cho là tác giả đã sáng tạo ra nhân vật đó. Theo lời kể của giáo sư Phan Huy Lê, một đàn em và là một cộng sự viên thân tín của ông Trần Huy Liệu, thì nhân vật “cây đuốc sống” Lê Văn Tám là một nhân vật không có thật – mà do ông Trần Huy Liệu đã chế tạo ra. Rồi cũng theo lời kể nói trên thì ông Trần Huy Liệu có nhắn nhủ với giáo sư Phan Huy Lê là sau này hãy nói lên sự thật rằng nhân vật Lê Văn Tám cũng như câu chuyện đốt kho xăng là do chính ông Trần Huy Liệu sáng chế ra.

Cần biết rằng trong thời gian của câu chuyện Lê Văn Tám, với tư cách là bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền của miền Bắc, ông Trần Huy Liệu rất có khả năng cũng như có động lực để làm việc này. Và ông Trần Huy Liệu đã được phong làm bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền cũng có lý do rất ư chính đáng. Đó là vì ông Trần Huy Liệu đã từng là một nhà báo lão luyện, với nhiều năm lăn lộn trong trường văn trận bút, từ thập niên 1920 ở Sài Gòn. Do đó, ông Trần Huy Liệu có thừa bản lãnh để sáng tạo ra những câu chuyện kiểu như Lê Văn Tám nói trên, nhằm mục đích khích động lòng dân.

Tuy vậy, giáo sư Phan Huy Lê chỉ thuật lại câu chuyện và lời nhắn nhủ của ông Trần Huy Liệu với ông ta. Mà giáo sư Phan Huy Lê lại không hề cho biết rằng ông Trần Huy Liệu đã sáng tạo ra nhân vật Lê Văn Tám lúc nào, ở đâu, trong bài viết nào, và trên tờ báo nào. Nghĩa là giáo sư không đưa ra một bằng chứng nào cả cho sự chế tạo câu chuyện này của ông Trần Huy Liệu.

Trong khi đó, chỉ cần xem những bài viết về Phan Thanh Giản của ông Trần Huy Liệu mà người viết đã dẫn ra trong bài viết này không thôi, thì ta cũng đã có thể thấy rằng ông Trần Huy Liệu là người có bản lãnh, và chuyên môn sáng tác ra những câu chuyện trong bài viết, để làm cho ý tưởng và lập luận của mình thêm phần vững chắc.

Hãy xét đến tài nghệ sáng tác nói trên của ông Trần Huy Liệu, qua một thí dụ điển hình dưới đây:

Trong bài viết “Góp Ý Về Phan-thanh-Giản” dưới bút danh Hải Thu mà đã đưcợ nói đến nhiều lần trong các chương trên, ông Trần Huy Liệu có thuật lại một câu chuyện để minh họa cho bài viết của ông ta về thái độ của “nhân dân” đối với Phan Thanh Giản – qua hành động của nhân vật “bác tôi” là một chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đó là khi người bác này của ông Trần Huy Liệu biểu hiện đạo đức cách mạng cũng như sự căm thù của mình, trong việc xé vụn trang Quốc Văn Giáo Khoa Thư có bài khen ngợi Phan Thanh Giản, trang sách mà tác giả Hải Thu – Trần Huy Liệu đang học.

Xin chép lại câu chuyện nói trên, do ông Hải Thu tức Trần Huy Liệu kể, như sau:

‘Riêng tôi, có một sự kiện mà tôi nhớ mãi. Một hôm, năm 1934, lúc tôi đang nghê nga về tài đức của Phan-thanh-Giản trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp ba thì bác tôi tới chơi. Bác tôi là một chiến sĩ Xô-viết Nghệ-Tĩnh mới ra tù. Bác giật sách, xé vụn trang giấy và viết cho thầy học tôi, bạn bác, mấy chữ như sau: “Anh T. có lẽ không nên cho con em ta noi gương xấu của loại Phan-thanh-Giản, Đỗ-hữu-Vị, Trương-vĩnh-Ký”.

Như vậy, ông Hải Thu – Trần Huy Liệu đã thuật lại cho ta một câu chuyện để cho thấy rằng bọn “thực dân” và “phong kiến” đã câu kết với nhau, qua việc đề cao Phan Thanh Giản trong cuốn sách giáo khoa mà họ viết cho bọn trẻ con như ông học, như thế nào, vào năm 1934.

Trong khi đó, “nhân dân” ta, nhất là những chiến sĩ cách mạng như ông bác cựu chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh từng đi tù của ông Hải Thu – Trần Huy Liệu, đã thấy rõ ràng âm mưu đó, và đã sớm vạch ra cho ông Trần Huy Liệu cũng như gia đình ông ta được biết.

Thật không còn gì rõ ràng hơn để chứng tỏ việc “nhân dân” ta đã lên án Phan Thanh Giản, như sự kiện một chiến sĩ cách mạng, người bác anh hùng của ông Trần Huy Liệu, đã xé vụn trang giấy trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp ba nói trên! Vì trong cuốn sách đó các tác giả thuộc bọn phong kiến như Trần Trọng Kim đã ca ngợi Phan Thanh Giản. Rồi chẳng những vậy thôi, mà ông bác cách mạng này còn khuyên thầy học của ông Hải Thu – Trần Huy Liệu là không nên cho “con em ta” học hỏi từ những tấm gương xấu như Phan Thanh Giản.

Tóm lại, có lẽ vì cảm thấy rằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó như đã kể vẫn chưa đủ sức để chứng minh việc “nhân dân ta” đã lên án Phan Thanh Giản như thế nào, cho nên trong bài viết “Góp Ý Về Phan-thanh-Giản” dưới bút danh Hải Thu nói trên, ông Trần Huy Liệu đã kể ra thêm một câu chuyện có vẻ rất riêng tư và có vẻ rất “thật”, vì chính ông là người trong cuộc, để minh họa cho sự lên án đầy kịch tính này. Bởi câu chuyện nói trên tuy rất ngắn gọn nhưng lại diễn tả đầy đủ tất cả những đại ý về sự lên án Phan Thanh Giản bởi “nhân dân” đương thời, qua đại diện là một nhà cách mạng đã từng đi tù, người bác anh hùng của ông Hải Thu – Trần Huy Liệu.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ về một vài chi tiết của câu chuyện này, thì ta sẽ thấy rằng nó được ông Trần Huy Liệu bịa ra để minh hoạ cho bài viết lên án Phan Thanh Giản của ông ta. Đó là vì ông Trần Huy Liệu sinh năm 1901. Và lúc ông mới ngoài 20 tuổi, tức trong thập niên 1920, thì ông đã vào Nam và làm chủ bút một tờ báo lớn ở Sài Gòn. Rồi sau đó ông theo Việt Nam Quốc Dân Đảng làm chính trị và bị đi tù Côn Đảo hết mấy năm trời; cho đến năm 1934 mới được thả ra. Vậy thì làm sao mà ngay trong năm 1934, tức là khi đã 33 tuổi rồi, ông Trần Huy Liệu lại có thể hóa phép để biến thành một đứa con nít đang học lớp 3 và đang ê a đọc bài Quốc Văn Giáo Khoa Thư về Phan Thanh Giản, như ông đã kể trong chuyện nói trên cho được?

Nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì ta sẽ thấy là ông Trần Huy Liệu có ý tứ lắm chứ không phải không, khi ông chế tạo ra câu chuyện này với những chi tiết như trên. Đó là vì phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ vừa mới xảy ra vào đầu thập niên 1930. Và cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư cũng vừa được nhà xuất bản Đông Pháp phát hành vào cuối thập niên 1920 (rồi tái bản nhiều lần trong thập niên 1930). Do đó, nếu muốn cho một nhân vật có thẩm quyền “cách mạng” và đại diện “nhân dân” với thành tích đã từng tham gia Xô Viết Nghệ Tỉnh và bị Pháp bỏ tù lên án Phan Thanh Giản và chế độ thực dân phong kiến – như ông “bác” của ông đã làm trong câu chuyện – thì ông Trần Huy Liệu phải cho câu chuyện nói trên lùi lại đến thập niên 1930 mới hợp tình hợp lý.

Rồi cẩn thận hơn, ông Trần Huy Liệu còn dùng một bút hiệu ít ai biết đến là “Hải Thu”, thay vì tên thật Trần Huy Liệu, để viết bài này. Chỉ có điều là sau khi ông ta chết thì tòa soạn tờ Nghiên Cứu Lịch Sử lại tiết lộ rằng Hải Thu chính là một bút hiệu của ông Trần Huy Liệu, trong phần thư mục của ông ta. Qua đó, có thể thấy rằng ông Trần Huy Liệu là một người sử dụng rất nhiều bút hiệu, đến mức tờ Nghiên Cứu Lịch Sử đã phải lên tiếng yêu cầu các độc giả của tờ báo là nếu có biết thêm bút hiệu nào khác nữa của ông Trần Huy Liệu thì xin cho họ biết để bổ sung!

Như vậy, qua câu chuyện ông bác cách mạng nói trên, có thể thấy rằng với kinh nghiệm làm báo cũng như làm chính trị, cộng thêm tài nghệ sáng tác, khi ông Trần Huy Liệu cần sáng tạo một câu chuyện để minh họa cho lập trường và lý luận của mình thì ông ta đã dựa vào những sự kiện hay nhân vật có thật để tạo nên câu chuyện, rồi sau đó mới thêm thắt hay sửa đổi chút xíu cho hợp tình hợp lý hơn.

Vì vậy, câu chuyện về ông bác cách mạng của ông Trần Huy Liệu khi mới nghe qua thì rất ư là xúc động lòng người. Bởi đó là một chiến sĩ cách mạng đã từng đi tù vì chống thực dân, lại là một chiến sĩ thuộc phe “nhân dân” trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Và vị chiến sĩ cách mạng đại diện cho “nhân dân”này đã hùng hồn lên án cả nền giáo dục của bọn phong kiến câu kết với thực dân, với một hành động đầy kịch tính là xé vụn trang giấy ngợi khen Phan Thanh Giản trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư!

Câu chuyện “xé sách” này cũng tương tự như câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, khi “nhân dân” miền Nam, mà đại diện là nghĩa quân và anh hùng Trương Định đã từng “nguyền rủa” và “lên án” Phan Thanh Giản, bằng cách dùng câu này làm “khẩu hiệu”, rồi thậm chí đề lên cả lá cờ khởi nghĩa của mình, như một bản tuyên ngôn để chống lại cả triều đình phong kiến lẫn bọn thực dân cướp nước! Cả hai câu chuyện đều có mục đích làm xúc động lòng người, trong khi cùng lúc minh họa cho lý luận của tác giả. Và lý luận đó trong cả hai câu chuyện nói trên cũng chỉ là một, rằng “nhân dân ta” đã lên án Phan Thanh Giản.

Chỉ có điều là bất cứ việc gì nếu không có thật thì sớm muộn gì cũng sẽ bị phát giác và lôi ra ánh sáng. Cho nên mặc dù ông Trần Huy Liệu đã dùng một bút hiệu khác cho bài viết, đã khéo léo sắp đặt cho những sự kiện trong câu chuyện xảy ra đúng theo thứ tự thời gian, đã dàn dựng nên nhân vật “bác tôi” với đầy đủ thành tích cách mạng và thẩm quyền để phê phán Phan Thanh Giản, nhưng ông Trần Huy Liệu chắc không thể ngờ rằng bút hiệu Hải Thu của mình sẽ được tiết lộ bởi các đàn em sau này.

Tóm lại, “giai thoại” về người bác cách mạng nói trên đủ để chứng minh về tài nghệ và bản lãnh của ông Trần Huy Liệu trong việc sáng tạo ra những câu chuyện nhằm minh họa cho lý luận của mình. Và đó là do ông ta biết sắp xếp, biết thay đổi một vài chi tiết nhỏ nhặt, để cho câu chuyện trở thành hợp tình hợp cảnh. Và thật sự nếu người đọc không biết rằng Hải Thu cũng chính là Trần Huy Liệu, cũng như không biết rằng năm 1934 ông đã 33 tuổi, thì câu chuyện nói trên quả là khó để mà bắt bẻ.

Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Lớp Dự Bị. In lần thứ tám (Hà Nội), Nha Học Chính Đông Pháp, 1933, trang 86

C. Bản Lãnh Chế Tạo Bằng Chứng Và Lỗi Lầm Của Ông Trần Huy Liệu Qua Câu Chuyện “Người Vợ Miền Nam”

Nhưng ngoài thí dụ về người bác cách mạng nói trên, còn có một thí dụ khác nữa cho thấy tài nghệ và bản lãnh sáng tạo của ông Trần Huy Liệu, và cũng vẫn nằm trong một bài viết lên án Phan Thanh Giản của ông Trần Huy Liệu. Đó là bài “Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu Tranh Cách Mạng” đăng trên tờ Văn Sử Địa số 9 vào tháng 8, 1955. Sau khi giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lần đầu tiên với độc giả, thì ông Trần Huy Liệu đã chấm dứt bài viết này bằng một câu chuyện minh họa như sau:

“Để kết luận bài này, tôi giới thiệu mấy câu thơ trong một bức thư của một phụ nữ miền Nam gửi cho chồng đi tập kết ngoài Bắc. Bức thư nói lên lòng mong mỏi thống nhất xây dựng miền Bắc, đẩy mạnh cuộc đấu tranh ở miền Nam, cột chặt hạnh phúc gia đình với hạnh phúc dân tộc:

‘Ai đi non Tản sông Hồng

Để Cô-tô (1) với Cửu-long đợi chờ

Ai đi xây dựng cơ đồ

Ai ở lại phất cao cờ đấu tranh

Nước non chan chứa bao tình

Mong chóng thống nhất để mình trở vô

Mình vô chẳng một mình vô

Mình còn phải dẫn bác Hồ vào Nam’

(1)Cô-tô là một mỏm núi cao nhất trong giải núi Thất-sơn ở Châu-đốc”

Một lần nữa, trong bài viết để chuẩn bị cho công cuộc “giải phóng miền Nam” này, ông Trần Huy Liệu đã cho thấy tài nghệ khích động lòng người mà cũng đồng thời chứng minh cho những ý tưởng lập luận của mình, qua câu chuyện về người phụ nữ miền Nam có chồng đi tập kết như trên.

Bài thơ này, tiếc thay, lại cho thấy rằng nó là một sản phẩm của ông Trần Huy Liệu! Bởi vì người miền Nam, trừ những người ở tại địa phương Châu Đốc gần biên giới Cao Miên thì chắc không mấy ai biết rằng có một ngọn núi tên “Cô Tô” ở Nam Kỳ! Cùng lắm là họ biết có Thất Sơn. Bởi vì miền Nam là một vùng đất toàn sông nước, cho nên không mấy ai để ý rằng có những ngọn “núi” ở đây. Thêm nữa, họ chỉ biết đến những cái “núi” đó qua tên gọi bình dân của chúng như núi Cấm, núi Dài, núi Tô. Chứ không mấy ai để ý tới cái tên gọi văn hoa là “núi Cô-tô” như trong bài thơ nói trên!

Nhưng đối với một nhà báo, nhà nho, và nhà thơ như ông Trần Huy Liệu thì vấn đề lại khác. Bởi một khi đã nói về sông Cửu Long thì phải có một ngọn núi nào đó để đem ra để mà đối trọng. Cũng như khi bài thơ nói về miền Bắc với sông Hồng, thì cũng phải nói đến núi Tản (Viên) cho đối xứng. Do đó, nếu bài thơ này chỉ nói về sông Cửu Long cho miền Nam không thôi thì chắc là không hợp nhãn với nhà thơ Trần Huy Liệu. Thành ra ông ta phải đưa thêm ngọn núi “Cô-tô” nói trên vào câu thơ, cho đối xứng với sông Cửu Long, và cho ngang hàng với núi Tản sông Hồng của miền Bắc. Chỉ khổ nỗi là ông Trần Huy Liệu lại phải cất công chú thích về núi Cô Tô ngay dưới bài thơ, vì thật sự chẳng ai biết ngọn núi này ở chỗ nào và tại sao mà nó lại có mặt trong bài thơ như trên!

Nhưng vẫn chưa hết. Ông Trần Huy Liệu cho ta thấy tác giả của bài thơ là một người đàn bà miền Nam, qua cách cô/bà ta dùng chữ “vô” đến ba lần trong bài thơ, giống như kiểu “Vân Tiên cõng mẹ chạy vô”, như sau:

“Mong chóng thống nhất để mình trở vô

Mình vô chẳng một mình vô”.

Tuy nhiên, sau khi đã dùng chữ “vô” nhiều lần như vậy, người phụ nữ miền Nam này lại bỗng nhiên chuyển sang dùng chữ “vào” ngay sau đó:

“Mình còn phải dẫn bác Hồ vào Nam”

Nếu đã dùng chữ “vô” một cách rặt Nam Kỳ ba bốn lần như trên, thì thật khó mà giải thích tại sao mà người phụ nữ miền Nam này lại bỗng nhiên quay sang dùng chữ “vào” cho một hành động cần dùng chữ “vô” như trong câu thơ nói trên. Trừ khi tác giả bài thơ không phải là người Nam, nhưng lại muốn giả giọng Nam, và cần đem một hình ảnh chính trị quen thuộc là “bác Hồ vào Nam” vào trong bài thơ, nên đã vô tình dùng chữ “vào” trong câu mà không để ý!

Và do đó, với thành tích và bản lãnh sáng tạo như đã thấy, tác giả bài thơ được cho là của một người “phụ nữ miền Nam” nói trên chắc chắn không phải là ai khác hơn ngoài ông Trần Huy Liệu! Chỉ có điều là giống như câu chuyện về ông bác cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, cũng bởi vì ông Trần Huy Liệu đã cố gắng thêm thắt một vài chi tiết cho câu chuyện hợp tình hợp lý hơn, nên đã lòi ra những điều bất hợp lý như trên.

Tức là vì quá cẩn thận cho nên ông Trần Huy Liệu đã bị tổ trác! Giống như trường hợp ông Trần Huy Liệu đã sáng tạo và sử dụng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” cùng câu chuyện chung quanh nó để lên án Phan Thanh Giản mà ta đã thấy.

Trong phần dưới đây, người viết xin nhắc lại về hai lỗi lầm rất lớn đó của ông Trần Huy Liệu, trong việc chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó để chứng minh cho lập luận của mình.

D. Bản Lãnh Chế Tạo Bằng Chứng Và Lỗi Lầm Của Ông Trần Huy Liệu Qua Câu “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân”

Như có thể thấy, ông Trần Huy Liệu đã chứng tỏ tài nghệ và bản lãnh sáng tạo của ông ta, khi sáng chế ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó để minh họa cho bức tranh lịch sử Nam Kỳ vào thế kỷ 19 nhằm mục đích phục vụ chế độ. Tuy nhiên, cũng như hai thí dụ về “người bác cách mạng” và “người vợ miền Nam” kể trên, ông Trần Huy Liệu đã mắc phải những lỗi lầm khá hệ trọng trong việc chế tạo bằng chứng này.

Lỗi lầm thứ nhất là có lẽ vì quá cẩn thận muốn lên án Phan Thanh Giản bằng mọi giá, nên ông Trần Huy Liệu đã gán cho Phan Thanh Giản đến hai tội cùng một lúc, là tội “đầu hàng” (thất bại chủ nghĩa) và tội “bán nước” (mãi quốc). Như người viết đã giải thích, hai tội này không thể nào đi chung với nhau được. Vì nếu đã “đầu hàng” rồi thì không thể “bán nước” được nữa, do chẳng còn gì để mà “bán”.

Cho nên nhà cách mạng Phan Bội Châu trong cuốn sách tuyên truyền “Việt Nam Vong Quốc Sử” đã gán cho Phan Thanh Giản tội vì nhát gan sợ giặc mà đầu hàng và dâng đất cho Pháp. Nhưng ông ta không hề gán tội “bán nước” hay “mại quốc” cho Phan Thanh Giản.

Cho nên tác giả bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” đã gán tội “mại quốc” cho Phan Thanh Giản, nhưng lại không hề cho rằng Phan Thanh Giản đã vì sợ giặc mà đầu hàng. Ngược lại, tác giả bài thơ này cho rằng Phan Thanh Giản là một “gian thần” đã phản chủ qua việc “cầu hòa” với Pháp, và là người mặc dù đã ăn lộc chúa ở xứ sở này nhưng lại không biết báo đền, mà còn “cam tâm” làm điều khi quân qua hành động “mại quốc”.

Nhưng ông cựu bộ trưởng bộ Tuyên Truyền Trần Huy Liệu thì đã gán cả hai tội nói trên cùng một lúc cho Phan Thanh Giản, do ông ta quá cẩn thận không muốn cho Phan Thanh Giản thoát tội. Hơn nữa, như đã giải thích trong chương II, ông ta cần phải gán thêm tội “đầu hàng” để bác bỏ tất cả những lời xin khoan hồng cho tội “mãi quốc” vì đạo đức của Phan Thanh Giản. Đó là những lời xin khoan hồng mà ông Trần Huy Liệu không thể không nói đến, bởi tài đức và danh tiếng tốt đẹp của Phan Thanh Giản đã được lưu truyền ở Nam Kỳ trong bao nhiêu năm nay.

Lỗi lầm thứ hai là ông Trần Huy Liệu đã dùng chữ “mãi” mà không dùng đúng chữ “mại” theo tiếng Hán, như trong bài “Việt Nam Chính Khí Ca”. Và một lần nữa, đó là vì ông Trần Huy Liệu đã quá cẩn thận và muốn cho chữ này phải được phát âm đúng như giọng nói miền Nam của Trương Định và các nghĩa quân người Gò Công của ông ta!

Và đó là vì chính Trương Định đã từng “nói” như vậy. Người viết xin nhắc lại với bạn đọc về một tài liệu đã được trích dẫn trong Phần 2, đó là bài “Hịch Quản Định” do học giả Petrus Trương Vĩnh Ký chép lại bằng chữ Quốc Ngữ. Như đã biết, Petrus Ký là một trong những người Việt tiên phong trong việc dùng chữ Quốc Ngữ tại Việt Nam vào thế kỷ 19. Vì là người Nam Kỳ, lại đang trong thời kỳ phôi thai của chữ Quốc Ngữ, nên Petrus Ký viết giống y như cách ông phát âm. Tức là ông viết như ông nói, theo “giọng Annam ròng”! Mà trong trường hợp này là giọng miền Nam. Và đó cũng chính là giọng nói hay cách phát âm của người Gò Công, của những nghĩa quân Trương Định. Thậm chí còn có thể của cả Trương Định, một người gốc gác ở miền Trung nhưng sinh sống ở miền Nam lâu năm, rồi lấy vợ và lập nghiệp luôn ở miền Nam.

Cho nên trong bản chép bài “Hịch Quản Định” bằng chữ Quốc Ngữ của Petrus Ký, đã có những câu như sau:

“Thậm tiếc nhg. (những) ng. (người) làm quan mà ăn lộc

Nỡ đem lg (lòng) mãi quốc mà cầu vinh

Tiếc nhg (những) tay tham lợi an mình

Mà lại khiến vong ân bội tổ”.

Như vậy, trong bài hịch mà cũng là lời tuyên bố này của Trương Định, ông Petrus Ký đã chép ra rất rõ ràng chữ “mãi quốc”. Và đó là cách chép ra chữ Quốc Ngữ theo giọng nói của người Nam Kỳ, như ông Petrus Ký đã làm.

Rồi trong thời gian của Petrus Ký và cả mấy chục năm sau đó, sách vở miền Nam vẫn tiếp tục thường dùng chữ “mãi” thay vì chữ “mại”. Như đã trình bày, nhóm chữ “mãi quốc cầu vinh” là những chữ rất thường được gặp trong sách truyện miền Nam, nhất là loại sách dịch truyện Tàu. Còn “gái mãi dâm” cũng là những chữ thường gặp trong sách báo miền Nam.

Mặc dù đúng ra nó phải là chữ “mại”!

Và như đã biết, ông Trần Huy Liệu là một người từng làm chủ bút một tờ báo lớn ở Sài Gòn, lại từng sống trong Nam nhiều năm. Cho nên ông ta chắc chắn rất có ý thức về giọng nói, về cách phát âm của người miền Nam, và về cách dùng chữ của người miền Nam. Nhất là một khi nói đến chuyện “bán nước” thì người miền Nam hẳn là đã quá rành và quá quen thuộc với cái tội “mãi quốc cầu vinh” mà họ thường thấy trong các sách báo bằng chữ Quốc Ngữ.

Do đó, với kiến thức cũng như ý thức về những điều này, đặc biệt là với tài liệu “Hịch Quản Định” nói trên, ông Trần Huy Liệu chắc chắn đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định gọi tội danh của Phan Thanh Giản là tội “mãi quốc”, thay vì “mại quốc”, cho câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.

Và đó là do ông Trần Huy Liệu có quá nhiều kinh nghiệm. Lại thêm sự cẩn thận thường có của ông khi sáng tác một câu chuyện, bằng cách thêm thắt hay sửa đổi một vài chi tiết cho hợp tình hợp cảnh. Cho nên nguyên văn tội danh “bán nước” mà ông đã từng sử dụng trong năm 1954 đã được ông Trần Huy Liệu dịch ra và sửa lại thành “mãi quốc”, cho đúng theo kiểu người miền Nam thường nói, thay vì là “mại quốc” như trong bài “Việt Nam Chính Khí Ca”.

Nhưng nếu như ông Trần Huy Liệu dùng đúng chữ Hán (Việt) là “mại quốc” thì câu này sẽ trở thành “Phan Lâm mại quốc”, và do đó sẽ khác hẳn với cách nói của người Nam Kỳ. Cho nên, khi ông Trần Huy Liệu sửa ra thành”mãi quốc” như vậy, thì đó là một sự dụng tâm rất công phu của ông, chứ không phải là một sự hớ hênh, đặc biệt với một người rất giỏi chữ Hán như ông.

Và như người viết đã trình bày, đây là một câu nghe rất lọt tai. Và nếu ông Trần Huy Liệu chỉ nói rằng đó là một “khẩu hiệu” của nghĩa quân Trương Định mà thôi, thì cách dùng chữ “mãi quốc” như trên của ông có lẽ rất ư hợp lý, cho dù sai ý nghĩa. Bởi vì đó chính là cách nói hay cách phát âm thường thấy của “nhân dân” Nam Kỳ.

Nhưng khổ nỗi là đằng này ông Trần Huy Liệu lại muốn làm cho câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” long trọng hơn và chính thức hơn – bằng cách cho tám chữ đó được “đề lên lá cờ” khởi nghĩa của Trương Định. Mà như người viết đã giải thích, một khi đã viết lên lá cờ thì phải viết bằng chữ Hán, nhưng vậy thì “mãi quốc” lại là “mua nước” chứ không còn là “bán nước” nữa.

Tức là nếu ông Trần Huy Liệu chỉ giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” như một “khẩu hiệu” không thôi thì đã không có vấn đề. Nhưng vì ông phải kể thêm một câu chuyện chung quanh câu này để vẽ lại bức tranh lịch sử Nam Kỳ thời đó, để cho thấy rằng phe ta đã dùng câu này như một bằng chứng, như một lời tuyên ngôn, hay như một bản án, để kết tội phe địch. Và như vậy thì còn có chỗ nào long trọng hơn và oai hùng hơn, là ngay trên lá cờ khởi nghĩa của vị anh hùng dân tộc Trương Định!

Nhưng khi sáng tác ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó thì chắc ông Trần Huy Liệu đã không nghĩ đến một chi tiết; là Trương Định và nghĩa quân của ông ta tuy là người miền Nam và tuy có thể nói hay phát âm “mãi quốc”, nhưng họ lại không viết như vậy. Vì họ không biết chữ Quốc Ngữ, và chắc chắn cũng đã không dùng chữ Quốc Ngữ để đề câu này lên trên lá cờ khởi nghĩa của họ.

Và có lẽ đã thấy ra điều này sau khi sáng tác và phổ biến câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, nên ông Trần Huy Liệu đã giữ một sự im lặng tuyệt đối về chữ “mãi” nói trên, cũng như về nguồn gốc xuất xứ của câu , trong bao nhiêu năm trời.

Nhưng khi ông Trần Huy Liệu qua đời năm 1969 thì gánh nặng giải thích câu này được chuyển hết qua cho ông Trần Văn Giàu, người đã phổ biến nó cùng một lúc với ông Trần Huy Liệu. Và ông Trần Văn Giàu đã phải rất chật vật để giải thích câu này, bằng cách cho rằng chính vua Tự Đức cũng đã nói như vậy, và đưa ra một bài thơ mà ông nói là của vua Tự Đức, trong đó có chữ “mãi quốc”.

Thế nhưng đến năm 2003 thì có lẽ đã quá chán ngán vì việc phải giải thích dùm cho ông Trần Huy Liệu, nên ông Trần Văn Giàu đã khéo léo trình bày như sau:

Câu Phan Lâm mãi quốc, tôi có nhờ ông Trần Huy Liệu giải thích. Ông nói câu đó là của Trương Định và những người theo Trương Định. Đó là nhân dân ở đây (Nam bộ) và nhân dân cả nước người ta lên án. Chữ mãi ở đây có nghĩa là bán.”

Như vậy, chỉ với một câu trên đây thì ông Trần Văn Giàu đã phủ nhận hoàn toàn mọi trách nhiệm về việc sáng chế ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Hơn nữa, ông còn gián tiếp cho biết rằng tác giả của nó chính là ông Trần Huy Liệu.

Vì nếu ông Trần Văn Giàu là tác giả, thì không lý gì mà ông lại phải đi hỏi ý nghĩa của câu này với ông Trần Huy Liệu. Và có biết bao nhiêu là bậc túc nho ở miền Bắc trong thời gian đó, nhưng tại sao ông Trần Văn Giàu không nhờ họ giải thích dùm, mà lại đi nhờ ông Trần Huy Liệu! Rồi sau hết, ông Trần Văn Giàu cũng không quên nhắc lại với mọi người rằng chính ông Trần Huy Liệu đã cho ông ta biết là “nhân dân ở đây (Nam bộ)” nói vậy, và “chữ mãi ở đây có nghĩa là bán”. Trong khi ông Trần Văn Giàu lại là một người chính gốc Nam bộ! Nhưng lại phải đi hỏi ông Trần Huy Liệu, một người gốc miền Bắc, về ý nghĩa câu này, nhất là chữ “mãi”!

Hơn nữa, những sự việc kể trên quả đã diễn ra đúng như ông Trần Văn Giàu thú nhận trong đoạn văn này. Năm 1955, trên số 9 của tờ Văn Sử Địa, khi giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lần đầu với độc giả, mặc dù không cho biết nguồn gốc xuất xứ của nó, nhưng ông Trần Huy Liệu đã rất cẩn thận mà chú thích rằng “Phan Lâm mãi quốc” có nghĩa là “họ Phan họ Lâm bán nước”.

Sau cùng, điều ông Trần Văn Giàu tiết lộ là ông ta phải hỏi nhờ ông Trần Huy Liệu giải thích dùm ý nghĩa câu này cũng rất hợp lý. Vì như đã thấy, mặc dù từng phổ biến câu này, mặc dù đã từng đem nó vào trong bộ sách giáo khoa lịch sử của mình là bộ “Chống Xâm Lăng”, nhưng ý nghĩa của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” thì rõ ràng là ông Trần Văn Giàu đã không nắm được. Cho nên mới có tình trạng ông dịch chữ “khí” trong câu ra thành hết “khinh” rồi “dối” trước khi dịch đúng là “bỏ”.

Tóm lại, ông Trần Văn Giàu đã hùng hồn phủ nhận qua đoạn văn trên; rằng ông không phải là tác giả của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, cũng như không đủ trình độ để làm việc này! Rồi ông Trần Văn Giàu gián tiếp cho biết tác giả chính là ông Trần Huy Liệu, qua sự “tiết lộ” rằng ông ta phải hỏi ông Trần Huy Liệu về ý nghĩa của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, và chữ “mãi” trong câu đã được giải thích rõ ràng là “bán” bởi ông Trần Huy Liệu.

Như vậy, có thể cho rằng đây là lỗi lầm thứ ba trong của ông Trần Huy Liệu trong sự chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Đó là việc ông không ngờ hay không chuẩn bị trước cho việc bí mật sẽ bị tiết lộ bởi một người cộng tác. Giống như việc bút hiệu “Hải Thu” đã bị chính tờ Nghiên Cứu Lịch Sử tiết lộ là của ông ta. Giống như câu chuyện “cây đuốc sống Lê Văn Tám” đã bị giáo sư Phan Huy Lê khai ra là bịa đặt.

Nhưng như người viết đã trình bày trong bài viết này, sự sáng tác câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó của ông Trần Huy Liệu là một thành công rực rỡ trong sáu mươi năm qua. Bởi câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện “đề cờ” chung quanh nó đã được đưa vào lịch sử một cách chính thức tại Việt Nam, và đã trở thành một thứ “sự thật lịch sử”, “siêu tài liệu” hay “siêu bằng chứng” được chấp nhận bởi hầu hết dân chúng ở Việt Nam.

Cho nên người viết đã gọi nó là một câu “thần chú vạn năng”.

Mặc dù nó chính là một sản phẩm đã được chế tạo ra bởi ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu!

Chú thích :

1. Trần Huy Liệu, “Mấy Ý Kiến Về Công Tác Sử Học Của Chúng Ta”, Nghiên Cứu Lịch Sử Số 3, 1959, pp. 9-16, 13-14. https://nhatbook.com/2020/02/02/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-3-thang-5-1959/

2. https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_V%C4%83n_T%C3%A1m

3. Ibid, Thư Mục Của Trần Huy Liệu, Nghiên Cứu Lịch Sử số 125, 1969, p. 21

4. Hịch Quản Định, Ibid

5 Ibid, Trần Văn Giàu, “Cần Có Một Người Để Mà Soi Gương, Phải ‘Cần Kiệm Liêm Chính, Chí Công Vô Tư”

Leave a comment