Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Một dòng ý thức trôi chảy miên man – Nguyễn Xuân Hoàng

Nguyễn Xuân Hoàng

Một dòng ý thức trôi chảy miên man

Bìa sách “Phòng 111”

Tôi chỉ viết chơi chơi, khơi khơi để tôn vinh hạnh phúc và đau khổ của mình. Tôi vẽ vời biết bao nhiêu cảnh huống mơ mộng buồn bã rồi đặt những mối tình của tôi vào [để] nhìn ngắm.” (trang 60)

Một nhân vật của Đặng Mai Lan trong truyện Chiếc Bóng đã nói như thế. Tôi cho rằng không khí bao trùm toàn tập tác phẩm đầu tay này của cô đã được dựng trên ý tưởng đó.

Mười ba truyện ngắn [tại sao mười ba?] của Đặng Mai Lan là một tổng thể những mảnh vụn của hạnh phúc và đau khổ ráp lại thành một bức tranh được vẽ bằng một thứ màu xám, tối, ảm đạm, đẹp đẽ một cách buồn bã.

Một người đàn ông [đã có gia đình], một người đàn bà [đã có chồng] và một cuộc tình [không lối thoát] là cái nền chung của tập truyện này. Một tập truyện cực kỳ lãng mạn…Và cái làm thành đặc tính của ngòi bút Đặng Mai Lan chính là trên cái nền chung ấy, cô đã sử dụng những chi tiết đa dạng và cá biệt, như thể cô nhập thân vào những mảnh đời khác nhau khiến cho cái Tôi trong Chiêm Bao khác với cái Tôi Trong Sương Mù, cái tôi trong Cơn Mưa không phải là cái Tôi trong Đêm Ngày… Tuy nhiên người đọc tinh ý có thể bắt gặp một vài chi tiết nhỏ qua đó sẽ khám phá ra một sự thực: Tất cả chỉ là một Cái Tôi. Cái Tôi đó hóa thân thành cô Hiên trong Về Một Nơi Khác, thành Bích trong Bờ Xa Đã Cạn, Hảo trong Phòng 111, là Chị trong Tát Biển Đông, là Cô trong Mùa Nắng Cuối Cùng… Cái Tôi đó, nhân vật trung tâm của Đặng Mai Lan, là một “người đàn bà mơ mộng và lãng mạn,” (tr. 83) là một người nữ “lãng mạn và đầy đam mê” (Bờ Xa Đã Cạn, tr. 103; Trên Từng Đốm Lửa, tr. 137).

Có thể nói truyện của Đặng Mai Lan là một dòng ý thức trôi chảy miên man, miên man không bờ bến. Như một lần nhân vật nữ tự hỏi “không biết chuyến xe này sẽ đi về đâu, sẽ đổ ở bến nào?” (Phòng 111, tr. 155) và “Tôi vẫn sống bởi vì đâu và đến bao giờ?” (Đêm Ngày, tr. 76).

Nhân vật của Đặng Mai Lan không sống bằng thực phẩm của trần gian mà sống với một bông hồng, không, đúng ra, họ sống trong một vườn hồng, mặc dù ngôi vườn ấy đôi khi bị tơi tả dưới những trận mưa đá.

Thơ mộng, lãng mạn và đẹp là những đặc tính làm thành tác phẩm của Đặng Mai Lan. Nhưng như ta biết cuộc sống thực tế còn có bề trái của nó là sự tàn bạo và nhẫn tâm, phản bội và tội lỗi, cái xấu xa và sự nhục nhã… Không có cái đẹp nào không mang theo nó sự chua xót. Không có tình yêu nào không mang dấu ấn của sự chia ly. Chiến Tranh và Hòa Bình. Đỏ và Đen. Âm và Dương. Bóng Tối và Ánh Sáng. Tất cả những nghịch lý hai mặt đó làm nên cuộc sống của chúng ta.

Tôi nghĩ là Đặng Mai Lan biết thừa điều này. Chẳng qua cô viết như một cách ẩn mình vào một thế giới khác, một thế giới ảo. Cô tự vẽ lấy cho mình một bầu không khí ảm đạm mà đẹp đẽ để có cớ chối bỏ một thế giới rực rỡ mà quá đắng cay. Viết đôi khi là một cách phủ nhận thực tại. Trong một thư riêng, tác giả viết “So với những gì đang nghĩ trong đầu hiện nay, tôi thấy tập truyện này êm quá, thiếu chất “động”…Nhưng thôi, phải bước qua thì mới đi được đến một nơi khác. Những truyện ngắn trong tập sách này coi như đánh dấu một khoảng thời gian tôi còn nhìn đời bằng con mắt lãng mạn, còn cố công đi tìm cái đẹp của đời sống.”

Nhẹ nhàng, tế nhị, thơ mộng và đầy xúc cảm, nhân vật của Đặng Mai Lan, dù sao, cũng đã đào xới tận cùng nỗi đau của một tình yêu không đáp số. Nhân vật ấy, bầu không khí ấy và một thứ chữ nghĩa sàng lọc đã làm cho tác phẩm đầu tay của cô trở thành một khúc bi ca mới.

Đất nước của Marguerite Duras, Nathalie Sarraute,… cái nôi của văn học thế giới, nơi đang khẳng định tài năng của một nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp là Linda Lê, cũng đang là nơi dung chứa một Miêng sắc nét, một Thụy Khuê đa dạng, một Phan Thị Trọng Tuyến phong phú, một Trần Thị Diệu Tâm hiện thực, sung sức,… và giờ đây là một Đặng Mai Lan tràn ngập những trang chữ của tình yêu lãng mạn.

Với sự ra đời của “Phòng 111” Đặng Mai lan đã cùng với những người viết nữ đang đóng góp sức mạnh cho sự hình thành một khuynh hướng nữ hóa trong nền văn học Việt Nam hải ngoại.

Nguyễn Xuân Hoàng (1940-2014)

Leave a comment