Cổ Ngư
Mở ký ức giữa phố sương mù
Đâu khoảng tám, chín tuổi, lần đầu tiên tôi thực sự “chạm mặt” với sương mù. Thủ Đức, thuở đó, tháng mười hai, sương mù bảng lảng không phải là chuyện hiếm, càng gợi hứng cho chúng tôi rủ nhau chơi năm-mười giữa vườn cây dầu, phân cách ngôi trường và khu đệ tử viện Lasan. Tìm, nhận ra nhau thật khó giữa những thân cây, bóng người mập mờ ẩn-hiện. Nhưng hôm ấy, ngày cuối năm, sương đậm trắng, quánh đặc. Bố lái xe đưa hai anh em đi học, để đèn pha loang loáng, nhưng không soi thủng được năm ba thước đường trước mặt. Từ Viện Bài lao Ngô Quyền, bố lái xe thật chậm qua ngã tư xa lộ. Bốn cột đèn xanh-đèn đỏ ở đầu ngã tư không nhìn thấy đã đành, mà cả đài chứa nước khổng lồ, nghễu nghện đứng gần đó cũng biến mất tăm tích. Mãi, mới đến trường. Con đường đi-về thường ngày nhìn mòn con mắt, qua lớp sương mù phủ dày, mất hình mất dạng. Con đường đi-về thường ngày xe phóng vèo vèo, qua lớp sương mù che chắn, bố đạp thắng ở các khúc quanh, rề rà trên từng đoạn dốc đổ, dọ dẫm giữa mỗi ngã ba, ngã tư. Mắt tôi dán vào kính xe, mở to mà không thấy gì cả. Tim thình thình đập: hồi hộp, thấp thỏm, lo, sợ. Hôm ấy, sương mù không góp phần tạo hứng thú cho trò chơi của tuổi thơ. Hôm ấy, sương mù giương móng đe dọa!
Lần thứ hai, sương mù phủ xuống quanh tôi cùng với cái rét buốt bất thường của tháng chạp 1975. Sài Gòn lặng lẽ co rút giữa cái lạnh, cái sợ, và bắt đầu, cái thiếu, cái đói. Chạng vạng, từ đường Gia Long, tôi đạp xe ngang qua viện Văn hoá Pháp, nhà thương Grall, trực chỉ trường Saint Paul, rồi rẽ trái, qua chủng viện thánh Giu-se, qua Văn khoa, Dược khoa, qua đài truyền hình, qua sân vận động Hoa Lư, theo đường Đinh Tiên Hoàng, cứ thế mà về nhà. Sương là đà trước mặt, phủ mờ đèn đường, phố xá, quệt những mảng đục bịt lấp tàn cây. Sương mù mịt che khuất con đường trước mặt, che mất những ngày tháng sắp tới, bưng kín tương lai. Sài Gòn vật vờ chìm vào giữa một biển sương đục. Hòn ngọc Viễn Đông, cuối năm ấy, thoi thóp sáng trong bụi nước li ti.
Có lẽ vì sương mù đã dày đặc trong ký ức, nên những năm sau này, tôi thật dửng dưng với vài sợi sương mù ẻo lả của thị xã Đà Lạt hay chỉ thoáng chút rung động khi nhìn tháp Eiffel cụt đầu vùng vẫy lóe sáng giữa từng khối sương cứng đặc, có thể lấy dao cắt ra được, như người Pháp thường ví von. Cũng có lẽ vì thế mà tôi đã đọc thật chậm, dò dẫm trên từng hàng chữ để mong hiểu được phần nào những tâm, tình của các nhân vật trong quyển truyện dài đầu tay của nhà văn Đặng Mai Lan, “Sương ký ức”, theo vết những con người cất công gặp nhau để cùng bươi tìm lại trong ký ức những mảnh kỷ niệm chung-riêng, phai, vỡ, mù mờ, ẩn-hiện, nhàu nhò, thất tán. Ký ức của hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm cũ, bao nhiêu bụi thời gian đã phủ, bao nhiêu tro than của thư tình, ảnh tặng đã bay bốc, thì, đào xới nào, níu kéo gì từ quá khứ? Hay lại lờ mờ như đi trong sương đậm, nhìn mà không tỏ, với mà chẳng nắm, có mà như không?
Ký ức của Tôi. Tôi là Ly. Tôi là Linh. Ly và Linh, thời ấy, là những cô gái đang tuổi bẻ gãy sừng trâu giữa một Sài Gòn hừng hực nắng nóng. Ly và Linh, hôm nay, tỉ tê chậm rãi gợi nhắc chuyện cũ đã quên-nhiều-hơn-nhớ về một “Sài Gòn xưa” ở hai thành phố cao nguyên còn chút lạnh, còn chút sương, còn chút thiên nhiên thác thông hoa cỏ. Đầu truyện là Đà Lạt, với trùng trùng những sợi nhớ đan xen, bện, cuộn, nùi rối của Tôi-Ly. Cuối truyện là Kontum, phảng phất hồn Pleiku, phố núi cao, phố núi đầy sương (1), phố lính xanh, với tấm ảnh thất lạc của “người tình mất chân dung” một Tôi thứ hai, Tôi-Linh. Nối giữa Đà Lạt và Kontum hôm nay là cõi Sài Gòn thời huyền thoại, xen thoáng Nha Trang (là miền quê hương cát trắng (2)…) lúc chưa có khách sạn mọc san sát ven biển như nấm dại sau mưa. Nối giữa Ly và Linh là hàng chục nhân vật gần xa, đậm nhạt, tỏ mờ. Người đọc sẽ gánh trên lưng những thắc mắc của mình để đi tìm suốt quyển truyện xem bé Vy và mẹ đang chờ ai trước những tấm kiếng cửa tự động đóng mở, Thanh có liên hệ thế nào với hai người bạn trai Minh và Thiện, và những chị Kim, Nghị, Đoan, Mai…, họ gây ảnh hưởng gì lên tâm tư, tình cảm, hành động của Ly ở thì quá khứ, có thể trong hiện tại, và biết đâu, cả tương lai?
Khi xây dựng nhân vật, không biết do vô tình hay cố ý, nhà văn Đặng Mai Lan, như muốn thử thách người đọc, để Ly lần lượt yêu hai thanh niên trùng tên, một chú Thịnh, người chú họ-bắn-cà-nông-không-tới, và một Thịnh đã-yêu-từ-cái-nhìn-đầu-tiên. Ly (có lẽ cả người đọc nữa), khi nhắc đến Thịnh này, không thể nào không nhớ đến Thịnh kia, và cứ loay hoay so sánh giữa hai người thanh niên đã biến mất khỏi đời sống thực của cô, bằng cách này hay cách khác.
Mối tình tay ba giữa Ly, chú Thịnh, cô Ánh là một mối tình lãng đãng, không sóng gió, ít giận hờn, thiếu ghen tuông, chưa có cả đến một nụ hôn. Có thật sự họ hàng máu thịt với nhau, hay chỉ do những quê lề đất thói từ miền Bắc đem vào theo cuộc di cư năm 54, chẳng ai biết, nhưng bộ ba sàn sàn tuổi nhau ấy xưng hô chồng chéo: Ly gọi chú Thịnh và cô Ánh; Thịnh cũng gọi Ánh bằng cô, và chẳng ai mạnh miệng gọi người đối diện là cháu cả! Mối tình chưa kịp chớm đã vội tàn ấy kết thúc bằng cái chết của chú Thịnh. Tử trận. Còn Thịnh “gia giáo đông phương nhưng không chuộng nhạc Việt” đến sau, nhưng cũng không đem thêm được chút hạnh phúc nào cho Ly, và anh biến mất khỏi đời cô cùng với cơn lốc thời cuộc, chỉ vài ngày trước khi miền Nam thất thủ. Thêm Thiện và người chồng không tên tuổi, không nhân dáng của Ly, những người đàn ông chỉ biết trao tặng cho cô nhiều trái đắng hơn mật ngọt. Quang, như một bóng mát bên đường, một cơn mưa rào bất chợt giữa mùa nắng hạn, đem đến chút cảm thông của tình bạn. Ngoài ra, chẳng còn gì! Ly có tìm được chút hạnh phúc trong suốt cuộc đời trôi nổi? Hình như không, khi cô cố công mò mẫm lục tìm trong ký ức mù mờ, rối ren của mình. Một tuổi thơ bất hạnh, một tuổi trẻ không phương hướng, một tuổi xế chiều cô đơn. Cha hoang đàng, mẹ nhẫn nhục, ông lạnh nhạt, bà nghiệt ngã, từ cái nôi gia đình không chút hạnh phúc ấy, thử hỏi, làm sao Ly có thể tự tin đi tìm niềm vui cho riêng mình khi bước vào đời? Ở đâu, cô cũng thấy mình đơn độc. Ở đâu, cô cũng thấy mình bị phụ rẫy. Đà Lạt, thành phố của tình yêu, của mộng mơ hay nhục cảm, với ảnh Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh, tranh Đinh Cường, văn Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Công Sơn, nhạc Phạm Duy, Song Ngọc, Hoàng Nguyên, Phạm Mạnh Cương, Lê Uyên Phương, thơ Hàn Mặc Tử…, với Ly, cũng chỉ là một thành phố của sự ruồng bỏ, chia lìa, hắt hủi: chồng trong khách sạn với người đàn bà khác, người yêu bắt đầu hẹn hò với người tình mới. Chỉ còn lại Ly, giữa Đà Lạt, với những vạt sương ký ức, không chỉ ôm ấp màn đêm, thung lũng, núi đồi, mà còn che luôn cả mặt trời, biển rộng và những lớp cát ẩm ướt dưới chân.
Một điểm đáng chú ý trong “Sương ký ức”: nhà văn Đặng Mai Lan đã dành riêng hai chương sách cho hai nhân vật rất phụ: cô giáo Phương Anh và ông nội của Ly. Nếu những nhận xét của cô giáo về con bé học trò buồn bã, lạc lõng chính là tấm gương phản ảnh lại tuổi thơ thui thủi của Ly, thì chỉ qua một chương truyện, với những nét chấm phá có chọn lọc, tác giả đã phác họa lại cả cuộc đời của người ông, thoắt chốc đưa một “diễn viên quần chúng” mờ nhạt ra trước ánh đèn chói lòa của mặt tiền sân khấu, khiến người đọc cứ phải đau đáu nghĩ về.
Tôi đoán nhà văn Đặng Mai Lan mạng Thuỷ hay mang tuổi Bảo Bình, vì, ngoài nhiều đoạn nhắc đến sương mù đây đó trong suốt quyển truyện, hai đoạn văn viết về mưa ở đầu và cuối sách thể hiện rất rõ nét bút pháp tinh tế và đầy chất thơ của chị.
Đây, mưa của Tôi-Ly:
“Con bé sợ tiếng động từ chiếc điếu của ông, nhưng nó thích nghe mưa, tiếng mưa của những cơn mưa về sáng. Mưa lộp độp vỗ ào ào trên mái tôn, mưa mang theo những cơn gió se sắt luồn qua song cửa lành lạnh. Nằm nghe mưa, tưởng tượng mưa rơi trên những tàn lá đu đủ ngoài vườn. Những tàn lá xòe to như chiếc dù, che chắn cho lũ ốc sên lóp ngóp bò dưới nền đất ướt. Mưa rửa sạch đám bụi bặm trên cây, trên lá. Mưa làm đầy những chiếc vại cũ ông nội để ngoài sân. Mưa làm đầy cái hốc nhỏ sát bờ rào cuối vườn, chỗ của cây dừa mà ông nội bứng đi vì tiếng kẽo kẹt khi trời gió, vì những nguy hiểm khác. Cái hốc cổ tích, nơi mà thỉnh thoảng nó thấy cả những con ễnh ương nhảy ra và tin rằng có cả một bầy đàn họ hàng nhà ếch nhái bên trong.
Những trái ổi, đám cây lá ngoài vườn sẽ xanh hơn sau cơn mưa. Nằm nghe mưa, tưởng tượng nhiều điều thật thú vị. Nhưng cơn mưa nào cũng rơi xuống theo dòng nước một nỗi buồn. Nỗi buồn con bé vùi kín trong chăn…”
Và mưa của Tôi-Linh:
“Đâu phải chỉ có nắng để nhớ nhung. Đã có một buổi chiều tôi vào bưu điện trú mưa. Đắm đuối với hàng me trong làn mưa trắng xóa mù mịt phía bên kia đường Nguyễn Du. Bao nhiêu cảm xúc rào rạt. Đứng bên trong nhưng cảm thấy như những giọt mưa lạnh đang mơn man da thịt. Hơi mưa cùng với không khí ướt át mang theo mùi hương của quá khứ học trò. Một lũ kỷ niệm hiện về xô đẩy.
Mưa làm tôi nhớ những buổi tan trường. Sau cơn mưa, những tà áo lại dập dìu xuống phố, những vòng xe quay dưới bao con đường lá mướt. Những giọt nước không thể làm ướt áo, nên tôi và cô bạn gái chạy xe lượn lờ trên những con đường đầy cây xanh và ngẩng mặt hứng những giọt nước long lanh mát lạnh còn đọng trên lá, rơi xuống tóc, nhòe mắt ướt môi từ những cơn gió thoảng. Cũng là một trò chơi, một thụ hưởng đầy thú vị của tuổi học trò.
Tôi đã cám ơn cơn mưa bất ngờ buổi trưa hôm đó. Tưởng đâu là dễ ghét nhưng thật đáng yêu.
Nắng nơi nào thì cũng thế. Còn mưa, ôi những cơn mưa nhiệt đới! Mưa bất ngờ, dồn dập, hối hả trút xuống lòng đường, mưa dai dẳng lê thê. Tôi nhận ra rằng từ lâu, bên kia trời, tôi không còn thấy được những cơn mưa mù trời như thế.”
Ly và Linh, có phải, đâu đó, là sự phân thân của người viết, Lan (Mai Đặng)?
Cổ Ngư
Thiais 05.2021
(1) “Còn chút gì để nhớ”, thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc
(2) “Nha Trang”, nhạc và lời Minh Kỳ