Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Mảnh Da Vàng, đứa con tỵ nạn – Chu Lynh

Chu Lynh

Mảnh Da Vàng, đứa con tỵ nạn

Lang thang trên đường phố Sài Gòn những ngày đầu tháng 5 năm 1975, tôi tình cờ đi ngang qua đường Thống Nhất. Đứng từ xa, tôi bất ngờ chứng kiến rừng cờ đỏ trước Dinh Độc Lập. Người Cộng sản đang mừng ngày chiến thắng 30.4.1975 và tuyên bố thống nhất đất nước.

Một ý nghĩ chợt lóe lên. Tôi phải viết về “lịch sử sang trang” của đất nước, của miền Nam tôi, của những nạn nhân chiến tranh. Ý nghĩ vang vang trong đầu. Tôi không biết mình sẽ viết khi nào, viết thế nào, nhưng thấp thoáng trước mắt một tên gọi: Mảnh Da Vàng.

Bìa sách Mảnh da vàng

Vào trại giam Chơn Thành, “cửa ngõ thiên đường” của chuỗi hành trình hơn mười trại tù, cuộc đời bỗng sụp đổ khi tiếng bấm ổ khoá lạnh lùng sau cánh cửa trại giam.

Tôi bắt đầu viết trên những mẩu giấy vụn lượm quanh trại giam. Viết bằng mật mã. Những mảnh giấy vụn như những hạt giống nảy mầm từ trại giam này đến những trại tập trung khác.

Số phận lao đao của những mẩu giấy vụn trong trại giam hay những trang giấy nâu rẻ tiền khi ra khỏi lao tù, đã theo tôi trên mọi nẻo đường đất nước. Để rồi bốn mươi bảy năm sau, tôi thấy hạt giống bất ngờ trở thành những hoa trái hái được trong ngày ra mắt sách, vây quanh bởi những người Việt tỵ nạn, những Mảnh Da Vàng đầy thương tích.

Tôi muốn giới thiệu Mảnh Da Vàng đến với mọi người, không theo cách thường tình của những nhà văn nổi tiếng, hay nhà thơ nức tiếng. Tôi chỉ muốn gởi đến những người Việt nạn nhân của một thứ “hòa bình nấm mồ” như lời của một vị nguyên thủ quốc gia quá cố, về đứa con tỵ nạn của tôi vừa mới chào đời ngày 10-9-2022.

“Mỗi dòng chữ của Mảnh Da Vàng đều có nước mắt của tôi hòa vào mệnh nước…

“Núi xương và sông máu, qua hằng thế hệ trên quê hương tôi, là bài học lịch sử quả đắt giá hơn bất cứ đất nước nào, hôm nay với kẻ hậu sinh phải được gẫm suy để đưa vận nước thoát khỏi cơn mê lầm thế kỷ. Chiếc xe lịch sử phải chăng đã thản nhiên lăn trên con đường đầy máu và nước mắt, cán nát cả những kẻ thân yêu của mình, bởi vì lịch sử chỉ có một con đường để đi”.

Chu Lynh

Cuối thu, bên rừng Newington

30-9-2022

Leave a comment