Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Hồi Ký ‘Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong’ Theo Vận Nước Nổi Trôi – Huỳnh Kim Quang

Huỳnh Kim Quang

Hồi Ký ‘Kiều Chinh - Nghệ Sĩ Lưu Vong’ Theo Vận Nước Nổi Trôi

Nguồn: https://vietbao.com/a309869/hoi-ky-kieu-chinh-nghe-si-luu-vong-theo-van-nuoc-noi-troi

Nữ tài tử Kiều Chinh, tác giả cuốn Hồi Ký “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong” đang ký sách tại nhà sách Tự Lực, thành phố Garden Grove, Quận Cam trong buổi ra sách tại đây hôm 10 tháng 10 năm 2021. (Photo: Thanh Huy)

Nhà văn Mai Thảo khi còn sinh tiền đã có lần viết về nữ tài tử Kiều Chinh:

“Nhưng chỉ nói đến Kiều Chinh như một minh tinh màn ảnh lẫy lừng, chưa đủ. Giữa hai vai trò, bà còn là một nhân vật phụ nữ lỗi lạc, trong cái ý nghĩa tốt nhất của một phụ nữ Việt Nam dấn thân và tiến bộ trước xã hội và thời đại của mình. Một quan tâm thường xuyên tới mọi vấn đề của phụ nữ. Những hoạt động tích cực không ngừng trong mọi công tác xã hội.” (Hồi Ký: ‘Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong’, trang 414)

Có lẽ đó là cái nhìn bao quát và đầy đủ nhất về người nữ nghệ sĩ Việt Nam lừng danh Kiều Chinh. Và đó cũng là những gì người đọc sẽ tìm thấy trong cuốn Hồi Ký “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong,” vừa được Nhà Xuất Bản Văn Học Press ấn hành và theo sau là nhiều buổi ra mắt sách đã liên tục diễn ra tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ từ cuối tháng 9 năm 2021. 

Chào đón cuốn Hồi Ký tại Quận Cam 

Cho đến nay đã có 3 buổi ra mắt Hồi Ký “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong”: Một tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 26 tháng 9 năm 2021; một tại thành phố Houston, Texas vào ngày 3 tháng 10 năm 2021; và 2 lần tại vùng Little Saigon ở Quận Cam vào ngày 9 và 10 tháng 10 năm 2021.

Nữ tài tử Kiều Chinh và nhà văn lão thành 99 tuổi Doãn Quốc Sỹ trong buổi ra mắt sách tại nhà sách Tự Lực, 10-10-2021. (Photo:  Thanh Huy)

Tối Thứ Bảy, ngày 9 tháng 10 năm 2021, một buổi giới thiệu và văn nghệ đặc biệt để chào mừng cuốn Hồi Ký “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong” đã được tổ chức tại tư gia của anh chị Linh & Roman ở thành phố Irvine. Đây là lần đầu tiên cuốn Hồi Ký được ra mắt tại Quận Cam. Trong buổi ra mắt này ngoài phần phát biểu của tác giả cuốn Hồi Ký là nghệ sĩ Kiều Chinh, còn có phần giới thiêu và phát biểu cảm tưởng của nhà văn Nhã Ca, Bảo Nguyễn và Naja Pham Lockwood là nhà sản xuất, giảng viên và nhà kinh doanh về phim, cũng là người đã sản xuất cuốn phim tài liệu “Last Days of Vietnam” do Rory Kennedy là đạo diễn. Buổi ra mắt Hồi Ký còn có phần trình diễn của ca sĩ nữ hoàng chân đất Khánh Ly với những nhạc phẩm mà mọi người yêu thích.

Nhà văn Nhã Ca phát biểu giới thiệu Hồi Ký “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong” trong buổi ra mắt sách tại tư gia anh chị Linh-Roman tại thành phố Irvine, hôm 9 tháng 10, 2021.
Anh chị Linh & Roman trong đêm ra mắt sách ngày 9 tháng 10 năm 2021.
Ca sĩ Khánh Ly trình diễn các nhạc phẩm trong đêm ra mắt Hồi Ký Kiều Chinh tại tư gia anh chị Linh-Roman tại thành phố Irvine, hôm 9 tháng 10, 2021.

Buổi ra mắt cuốn Hồi Ký lần thứ hai tại Quận Cam là vào trưa Chủ Nhật, ngày 10 tháng 10 năm 2021 ở Nhà Sách Tự Lực trên Đường Brookhurst, thành phố Garden Grove đã thu hút hàng trăm người đến tham dự, mua sách và xin chữ ký của tác giả Hồi Ký Kiều Chinh. Có thể nói đây là một trong những buổi ra mắt sách thành công nhất trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam trong nhiều năm qua. Đến tham dự buổi ra mắt sách tại Nhà Sách Tự Lực có rất nhiều khuôn mặt thân quen trong giới văn nghệ sĩ gốc Việt, cũng như những người hâm mộ nữ tài tử Kiều Chinh. Đặc biệt có nhà văn lão thành 99 tuổi Doãn Quốc Sĩ và nhà văn cũng là nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã đến để chúc mừng nữ nghệ sĩ Kiều Chinh phát hành cuốn Hồi Ký. Trong số người đến tham dự còn có các dân cử Mỹ-Việt như Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang California Tom Umberg, cựu Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Harley Rouda và phu nhân Kaira Rouda là nhà văn nổi tiếng ở Mỹ có sách thuộc loại bán chạy nhất của Báo USA Today, Amazon…, Thị Trưởng Thành Phố Westminster Trí Tạ, v.v… 

Về cuốn Hồi Ký “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong” 

Cuốn Hồi Ký dày khoảng 500 trang, khổ lớn, với phần biên tập và thiết kế sách của Trịnh Y Thư, phần thiết kế bìa của Nina Hòa Bình Lê, và gồm 7 phần chính, ngoài Lời Ngỏ và Kết Từ.

Phần I, tác giả nhớ lại thời còn ở Hà Nội trước năm 1954 với bố mẹ và anh chị;

Phần II kể về chuyến di cư đầu đời một thân một mình của cô gái 16 tuổi từ Hà Nội vào Sài Gòn, lập gia đình và những cơ duyên đưa đẩy vào ngành nghệ thuật điện ảnh Miền Nam trước năm 1975;

Nữ tài tử Kiều Chinh và Christopher Namer from Cardinal du Four Armagnac.

Phần III kể chuyện lưu vong ra hải ngoại trong biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, làm người tị nạn Việt Nam đầu tiên tại Canada, với hai bàn tay trắng làm lại cuộc đời và những phấn đấu gian lao cực khổ để bước vào sân khấu điện ảnh lộng lẫy của Hollywood;

Phần IV thuật lại những chuyện vinh quang trong sự nghiệp điện ảnh và những buồn vui của bản thân, gia đình, và những mối giao tình với bạn bè trong cuộc sống tại Hoa Kỳ;

Phần V kể chuyện “đứng dậy, đứng thẳng, đi tới” sau những lần vấp ngã để trở thành nhà diễn thuyết khắp thế giới, đồng sáng lập Hội Vietnam Children’s Fund (VCF), những chuyến về VN gặp người thân và làm từ thiện xây trường học cho các em nhà nghèo ở những tỉnh lẻ;

Phần VI gồm những bài viết về Kiều Chinh của nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, nhà thơ Trần Dạ Từ, nghệ sĩ Nguyễn Long;

Phần VII là phụ lục những hình ảnh của nữ tài tử Kiều Chinh qua bao năm, bao nơi chốn và bao sự việc.

Câu chuyện về cuộc đời của người “Nghệ Sĩ Lưu Vong” Kiều Chinh bắt đầu với chuyến bay từ thành phố Los Angeles về Hà Nội vào tháng Tư năm 1995 cùng với phái đoàn của Hội Vietnam Children’s Fund trong công tác từ thiện xây trường học cho trẻ em nghèo tại Việt Nam. Ngồi trên chuyến bay trở về sau 20 năm xa quê hương, nữ tài tử Kiều Chinh dâng trào niềm cảm xúc và bao nhiêu ký ức xa xưa đã hiện về: Chào đời năm 1937 và lớn lên ở Mã Gia Trang tại Hà Nội;  năm 16 tuổi di cư vào Nam một thân một mình, rồi sau đó lập gia đình với người con trai Nguyễn Năng Tế của gia đình bác Nguyễn Đại Độ – là bạn thân của bố của Kiều Chinh là ông Nguyễn Cửu, một doanh nhân có tiếng tại Hà Thành – đã có ơn bảo bọc cho Kiều Chinh nơi xứ lạ quê người của Sài Gòn; cơ duyên bất ngờ như một định mệnh đã an bài để bước vào nền điện ảnh Miền Nam và sau đó trở thành một nữ tài tử nổi tiếng khắp Châu Á; biến cố 30 tháng 4 năm 1975 khi cộng sản Bắc Việt chiếm Miền Nam đã làm bà mất tất cả và bị buộc phải lưu vong ra hải ngoại để làm người tị nạn Việt Nam đầu tiên tại Canada vào cùng ngày Miền Nam thất thủ 30 tháng 4 năm 1975, với đôi bàn tay trắng, nhưng người nữ nghệ sĩ lưu vong Kiều Chinh vẫn tiếp tục phấn đấu không ngừng để vượt qua bao gian nan thách đố và một lần nữa bước vào thế giới điện ảnh Hollywood với những khó khăn lúc ban đầu nhưng cuối cùng là sự thành công vang dội như hôm nay; dù cuộc hành trình vinh quang ấy lắm lúc cũng không tránh khỏi những khắc khe cay nghiệt của định mệnh con người, nhưng người nghệ sĩ lưu vong Kiều Chinh đã vượt qua tất cả và được thương yêu mến mộ của mọi người nhờ tấm lòng hiếu thuận, nhân hậu, từ tâm, quả cảm và tài năng cùng trí tuệ của một người phụ nữ Việt Nam khả ái.    

Đọc Hồi Ký “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong” 

Trong phần Kết Từ, nữ tài tử Kiều Chinh viết một cách rất khiêm tốn:

Nữ tài tử Kiều Chinh, tác giả cuốn Hồi Ký “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong” trong đêm ra mắt tại tư gia anh chị Linh-Roman tại thành phố Irvine, hôm 9 tháng 10, 2021.

“Tôi không phải là nhà văn, tôi không viết truyện. Đây chỉ là những trang giấy kể lại cuộc hành trình dài mà tôi đã đi qua, bao lục địa, bao gặp gỡ, người còn kẻ mất.

“Người Việt lưu vong rải rác khắp năm châu. Mỗi người mỗi hoàn cảnh. Mỗi hoàn cảnh một câu chuyện. Tôi chỉ là một trong hàng triệu câu chuyện kể.” (tr. 493)

Dù nữ tài tử Kiều Chinh nói “tôi không phải là nhà văn,” nhưng đọc cuốn Hồi Ký của bà tôi thấy bà đã không thiếu những đặc tính của một nhà văn, nhà thơ:  tâm hồn nghệ sĩ lai láng, sự bén nhạy tinh tế, và xúc cảm dạt dào trước hoàn cảnh. Có những câu chuyện bà kể khi đọc tôi thật sự cảm xúc. Chẳng hạn, trong đoạn bà kể lại giây phút chia tay đầy bất ngờ và đau đớn với người bố khi ông đẩy bà lên máy bay để đi vào Nam còn ông thì ở lại Bắc. Bà viết đầy cảm xúc:

“Mãi tới khi mặt trời lặn, chuyến bay cuối cùng đáp xuống, “cửa há mồm” ở đuôi máy bay mở tung. Người ta ồ ạt chen lấn, réo gọi nhau trèo lên. Bố theo sát bác Độ. Gia đình bác đã trèo lên được. Thình lình bố ôm tôi, nhấc bổng khỏi mặt đất và ném tôi lên phi cơ. Lẫn trong tiếng động cơ, tiếng người réo gọi nhau, tôi nghe tiếng nói như gào lên của bố:

 “Chinh, con đi trước, bố ở lại tìm anh Lân. Bố sẽ vào Nam sau.

“Không! Không!… Bố ơi!”

“Tôi gào thét vùng dậy, cố nhào ra với bố, nhưng chỉ nhìn thấy dưới đất bố đứng im như một cái xác không hồn. Tôi giơ tay thật cao cho bố nhìn thấy, và lại gào lên:

“Bố ơi!…”

“Tôi gắng hết sức mình nhào ra, nhưng bị đám đông đẩy ngã chúi xuống sàn sắt. Tôi vùng dậy, kiễng được chân mình lên nhìn về phía cuối tầu, thì cũng là lúc bửng máy bay sập xuống.

“Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy, và nghe được tiếng bố.

“Ngồi co rúm trên sàn máy bay, gục đầu. Tôi khóc. Khóc suốt chuyến bay.”(tr. 65, 66)

Làm sao không khóc, không cảm thấy bơ vơ lạc lõng và lo sợ khi một cô bé 16 tuổi lần đầu tiên bị đẩy vào tình cảnh không còn đường chọn lựa phải ra đi xa lìa người bố thân yêu cùng quê cha đất tổ! Với hoàn cảnh đó dễ hồ ai có thể cầm lòng!

Hay trong một đoạn khác, tác giả Hồi Ký đã kể lại một cách tinh tế cảm xúc bà biểu lộ nỗi đau không nói nên lời khi biết người chồng đã có vợ khác ở Mỹ:

“Tôi lắc đầu, ôm chặt đứa con gái mới hơn ba tháng tuổi. Tội nghiệp con tôi, ngay cả nếu cháu có lên ba cũng sẽ không thể hiểu tại sao tôi thình lình siết chặt nó như vậy. Chắc chắn, Mỹ Vân sẽ không thể hiểu được rằng cử chỉ của mẹ nó, giống như đi tìm nơi đứa con nguồn nương tựa mong manh, để sống tiếp những ngày trước mặt.” (tr. 84)

Người mua sách xếp hàng chờ tác giả Kiều Chinh ký sách tại nhà sách Tự Lực hôm 10 tháng 10 năm 2021. (Photo: Thanh Huy)

Đó chỉ là một vài khía cạnh nhỏ trong cách kể và viết Hồi Ký đầy nghệ thuật văn chương và cảm xúc của nữ tài tử Kiều Chinh. Nhưng, đọc cuốn Hồi Ký: “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong” tôi còn thấy đây là một tác phẩm chứa đựng nhiều dữ liệu lịch sử quý giá về thời buổi ban đầu của ngành điện ảnh Việt Nam, về những biến động lớn của đất nước Việt Nam trong vòng hơn nửa thế kỷ qua mà bà là một nhân chứng sống.

Bắt đầu sự nghiệp điện ảnh của nữ tài tử Kiều Chinh là vào năm 1957 với phim “Hồi Chuông Thiên Mụ.” Nhưng tác giả Hồi Ký đã cho người đọc biết thêm một thông tin mà ít người biết về sự khởi nghiệp điện ảnh của bà:

“Rất nhiều người chỉ biết cuốn phim đầu tay trong hành trình điện ảnh của tôi là phim Hồi Chuông Thiên Mụ do hãng phim Tân Việt của cựu đại sứ Bùi Diễm sản xuất, và ông Lê Dân làm đạo diễn.

“Sự thực tiếng hô “Action!” của đạo diễn ra lệnh trên sàn quay cho diễn viên bắt đầu phần diễn xuất của mình, tôi nhận được rất sớm, trước phim Hồi Chuông Thiên Mụ.” (tr. 87)

Rồi bà kể chuyện đạo diễn Joseph Manquiewics và ê-kíp quay phim của ông trong lúc đi tìm vai nữ chính cho cuốn phim The Quiet American của họ. Một hôm đoàn làm phim này đã nhìn thấy bà đang đi bộ trên đường Tự Do ở Sài Gòn và đã có ý muốn mời bà đóng vai nữ chính. Họ đến mời bà gặp mặt đạo diễn để nói chuyện. Mọi việc đã xong xuôi nhưng vì bố mẹ chồng không cho nên bà đã từ chối.

Tác giả cuốn Hồi Ký cho người đọc biết về tình hình sinh hoạt điện ảnh tại Sài Gòn trong giai đoạn đầu trong đoạn bà giới thiệu hãng phim Alpha Films như sau.

“Alpha Films là hãng phim tư nhân duy nhất và lớn nhất của miền Nam thuở đó. Hãng có đầy đủ máy móc, phòng thâu và dàn chuyên viên chuyên nghiệp, được đào tạo chính quy, có bài bản. Chủ nhân Thái Thúc Nha có thừa khả năng và hiểu biết về điện ảnh, lại là người thông thạo cả hai ngoại ngữ Anh và Pháp. Có lẽ chính vì thế mà Alpha Films cũng là nơi lui tới thường xuyên của các nhà báo, nhà làm phim ngoại quốc mỗi khi họ tới Việt Nam.” (tr. 91)

Alpha Films cũng là nơi nữ tài tử Kiều Chinh đóng phim Mưa Rừng vào năm 1959 cùng với kịch sĩ Kim Cương và nam tài tử Hoàng Vĩnh Lộc, sau phim “Hồi Chuông Thiên Mụ.” Cũng tại công ty điện ảnh này, nữ tài tử Kiều Chinh đã lần đầu gặp nhà văn Mai Thảo, theo Hồi Ký cho biết.

Trong một đoạn khác của cuốn Hồi Ký, nữ tài tử Kiều Chinh đã cho độc giả biết về tình hình phát triển của ngành điện ảnh Miền Nam trong 20 tính tới năm 1975:

“Tôi nhớ Tết Nguyên Đán 1975 vẫn được dân chúng đón chào với tất cả tưng bừng, hy vọng, cầu nguyện hạnh phúc, tốt lành đúng như truyền thống đã có từ bao nhiêu ngàn năm của người Việt. Cùng thời gian này, ở phạm vi nghệ thuật Điện ảnh, thì sau khi Asian Film Festival 1973 tổ chức tại Sài Gòn rất thành công, kỹ nghệ Điện ảnh Việt Nam cũng bước vào thời kỳ non trẻ để cất cánh bay tới những điểm cao.

“Tôi muốn nói sự phát triển hay trưởng thành của điện ảnh Việt Nam ở thời điểm này chính là sự ra đời dồn dập, liên tiếp của phim Việt Nam, do các nhà sản xuất, đạo diễn, tài tử Việt Nam đảm trách. Tôi nhớ, giữa không khí phấn khởi, hầu hết các rạp chiếu phim lớn nhỏ ở Sài Gòn đã hân hoan mở cửa chào đón sự vươn vai lớn dậy của nền Điện ảnh Việt Nam thuở đó, cũng là thời kỳ tôi bận rộn, sôi nổi nhất với nghề nghiệp chuyên môn của mình.”
 (tr. 129)

Naja Pham Lockwood và đạo diễn Tony Bui trong đêm ra mắt sách ngày 9 tháng 10 năm 2021.

Cuốn Hồi Ký Kiều Chinh cũng là tài liệu lịch sử liên quan đến những biến cố lớn đã xảy ra tại Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, trong đó có cuộc chiến tranh Việt-Pháp 1945-1954, trận đói Ất Dậu năm 1945 với hơn 2 triệu người Việt chết vì đói, cuộc di cư của hơn 1 triệu người Miền Bắc chạy trốn cộng sản vào Miền Nam, cuộc chiến tranh Việt Nam 21 năm từ 1954 đến 1975, sự sụp đổ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa khi quân Bắc Việt chiếm Miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975 mà hệ quả là cuộc vượt biên vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đất nước với hàng triệu người bỏ nước ra đi bằng đường bộ và đường biển để trở thành những “thuyền nhân” lưu vong trên khắp thế giới. Một đoạn trong cuốn Hồi Ký, tác giả Kiều Chinh đã kể về nạn đói Ất Dậu như sau:

“Một buổi sáng khác, cũng tại đầu đường, tôi trông thấy một người đàn ông gầy còm giật chiếc bánh chưng của bà già bán bánh bầy trên sạp. Người đàn ông vội vã bỏ chạy, bà già bán bánh nói to theo:

“Con ơi, ăn đi! Cục gạch đấy!”

“Thì ra chiếc bánh bầy hàng chỉ là cục gạch gói lá dong!

“Hằng ngày đi học, ngày nào chúng tôi cũng thấy xác chết nằm bên vệ đường, có những xe bò đi nhặt xác.

“Đó là năm đói Ất Dậu 1945 đã cướp đi trên hai triệu mạng người mà sử sách có ghi chép rõ ràng.” (tr. 42)

Hồi tưởng lại sự hoảng loạn trong biến cố 30 tháng 4 năm 1975 ở Sài Gòn và khắp Miền Nam, tác giả cuốn Hồi Ký đã viết:

“Về Sài Gòn, từng giờ chứ không phải từng ngày tôi thấy sau Huế, Đà Nẵng là Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết rồi Bình Tuy, Long Khánh liên tiếp thất thủ, Sài Gòn càng lúc càng trở nên hoảng loạn, điên dại trong tuyệt vọng. Từng đoàn người lũ lượt, rồng rắn từ các vùng kéo nhau đổ về thành phố, trong lúc dân Sài Gòn và hàng vạn người khác lại nháo nhào tìm đường ra đi! Đường phố đông nghẹt người, ai nấy hớt hơ hớt hải, vội vàng lo lắng đi tìm nhau, tìm đường ra đi. Đủ loại xe máy, xích lô, cam nhông, công-voa nhà binh… chạy ngược xuôi, hoảng loạn.” (tr. 126)

Đó là tình hình hỗn loạn chung của Miền Nam trong biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng cũng từ biến cố đổi đời này đã đưa đẩy nữ tài tử Kiều Chinh trở thành người tị nạn Việt Nam đầu tiên tại Canada. Tác giả cuốn Hồi Ký đã viết về những ngày định mệnh ấy như sau:

“Sau bốn ngày ba đêm sống vất vưởng giữa trời, từ Singapore, Bangkok, Hong Kong, Korea, Tokyo, Paris, New York, Toronto… mà giữa các chuyến bay là những giây phút khắc khoải chờ đợi, ở các phòng đợi phi trường, uống nước máy phông-tên, ăn những mẩu bánh mì cũ để dành từ những bữa ăn trên máy bay, trong xách tay chỉ còn vỏn vẹn vài chục dollar. Khi tới Tokyo tôi gọi điện thoại báo tin cho chị Tĩnh biết giờ máy bay sẽ tới phi trường Charles de Gaulle. Trong khi tôi bay trên trời mây thì dưới đất chị Tĩnh ngồi trên chuyến xe lửa đi từ Marseille lên Paris.

“Cuối cùng tại Paris, chúng tôi được nhìn thấy mặt nhau qua bức tường kính. Chị ra dấu bảo tôi ra chỗ có điện thoại. Trên điện thoại, chị la lên: ‘Sài Gòn sắp mất rồi. Em cứ ở đây chờ đừng đi tiếp nữa. Em đừng sợ, có chị và bác Nghị sẽ lo cho em tất cả, rồi em sẽ đón các con sang đây…’

“Tôi nhìn chị lắc đầu. Hai chị em áp tay trên tường kính, nước mắt trào ra. Tôi không nghe lời khuyên của chị Tĩnh cứ ở lại Paris chờ tình hình miền Nam biến chuyển rồi sẽ xin tị nạn. Tôi quay lưng lại chị tiếp tục leo lên những chuyến bay kế tiếp…

“Từ New York tôi gọi điện thoại cho các con ở Toronto.

“Đúng 6 giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, phi cơ đáp xuống phi trường Toronto, ôm các con vào lòng, tim tôi thắt lại khi nghe tin Sài Gòn đã thất thủ.

“Tôi trở thành người Việt tị nạn đầu tiên tại Toronto, Canada.” (tr. 132)

Từ đây nữ tài tử Kiều Chinh bắt đầu cuộc sống của một “nghệ sĩ lưu vong.”

Khi đọc Hồi Ký Kiều Chinh tôi còn chiêm nghiệm được nhiều điều giá trị khác như bà là một phụ nữ Việt Nam rất có hiếu, rất tình cảm, rất đam mê nghệ thuật điện ảnh, và cũng rất kiên cường.

Bàng bạc trong cuốn Hồi Ký tôi thấy bóng hình của người bố (Ông Nguyễn Cửu) của tác giả Kiều Chinh có mặt khắp nơi. Có lẽ đó là hình ảnh ghi đậm nhất trong ký ức của bà. Hễ có dịp là tác giả nhắc đến người bố của bà với lòng kính yêu hết mực. Từ khi bà di cư vào Nam một mình còn bố của bà thì ở lại Hà Nội cho đến 41 năm sau khi bà lần đầu về lại Việt Nam hình ảnh người bố kính yêu vẫn còn nguyên vẹn.

Năm 1995 trong chuyến về Việt Nam đầu tiên để làm từ thiện xây trường học cho trẻ em Việt Nam, tác giả Kiều Chinh đã không thể quên chuyện về thăm mộ bố mẹ của bà. Khi được gia đình người anh ruột là anh Lân dẫn đến mộ của bố bà, nữ tài tử Kiều Chinh đã kể lại với nỗi lòng thổn thức:

“Bước nhanh tới mộ bố, tôi áp cả hai bàn tay lên tấm bia. Tôi như thấy bố ở ngay trước mặt và tôi đang ôm bố.

“Bố ơi, con đây. Con Chinh đây, bố ởi!” Tôi quỳ xuống, thì thầm trong nước mắt, “Con đã về đây, bố ơi!” Tôi nghẹn ngào xin bố tha lỗi vì đã không ở bên bố khi bố cần tôi nhất.

“Anh Lân đặt tay lên vai tôi:

“Chúng ta đều có lỗi với bố. Chinh ạ. Anh còn có lỗi nhiều hơn em.”

“Tôi cứ đứng lặng như thế không biết trong bao lâu. Những hình ảnh quá khứ ào ạt tuôn về như thác lũ. Tôi nghe buốt nhói nơi trái tim, nó như thắt lại bởi những nhịp đập bất thường. Thổn thức. Tan rã. Bồn chồn. Và không sao giải thích được.” (tr. 197-198)

Còn nữa, trong cuốn Hồi Ký cũng lập đi lập lại hình ảnh của những người thân trong gia đình của tác giả Kiều Chinh như người Mẹ, anh Lân, chị Tĩnh, các con Mỹ Vân, Hùng, Cường và các cháu, kể cả những người bạn thân. Đối với những người thân và bạn bè, nữ tài tử Kiều Chinh đều sống hết mình và hết lòng với họ. Trong cuốn Hồi Ký, tác giả Kiều Chinh đã dành một phần khá đặc biệt để viết về nữ tài từ Tippi Hendren là người bảo trợ cho nghệ sĩ Kiều Chinh sang Hoa Kỳ và sau đó trở lại nghệ thuật điện ảnh Hollywood trong giai đoạn đầu bà mới tị nạn tại Canada vào năm 1975. Nữ tài tử Tippi Hendren cũng là ân nhân của nhiều người Việt tị nạn vì bà là người đã giúp mở trường dạy ngành làm nail mà sau này đã trở thành là nghề nghiệp phổ biến nhất của người Việt tị nạn tại Bắc Mỹ.

Đọc Hồi Ký “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong” tôi thấy nữ tài tử Kiều Chinh là người đam mê nghệ thuật điện ảnh và vì vậy việc bà thành công trong lãnh vực này cũng là điều tất yếu. Nếu không có sự đam mê và kiên cường thì có lẽ nữ tài tử Kiều Chinh đã không vượt qua được những khó khăn đầy thử thách ban đầu khi bước chân vào phim trường Hollywood. Tác giả Hồi Ký đã kể:

“Tháng 9 năm 1975, sau ba tháng đặt chân tới Mỹ, tôi kiếm được vai trò đầu tiên: Một người bán hàng rong trong tiệm bán thuốc lá ở Phố Tàu. Chỉ nói vỏn vẹn hai câu trong chương trình TV ‘Joe Forrester.’” (tr. 162)

Chưa hết, những khó khăn còn ở phía trước trên hành trình nghệ thuật điện ảnh ở hải ngoại của nữ tài tử Kiều Chinh. Bà kể tiếp:

“Đợi tới 4 giờ chiều mới có một cô gái tóc vàng xinh đẹp đến bảo tôi đi theo cô về phía sàn quay ở cuối con đường. Cô thân mật gợi chuyện:

“Bà đã thuộc đối thoại chưa?”

“Thuộc rồi.”

“Đừng hồi hộp sợ hãi gì hết. Khi nào đạo diễn hô ‘Action!’ thì cứ bắt đầu nói một cách tự nhiên. Điều quan trọng nhất là đừng nhìn vào ống kính nghe.” (tr. 163)

Rồi bà kể tiếp câu chuyện ngày đầu đi đóng phim ở Hollywood nhưng chang đầy nước mắt:

“Tôi còn nhớ quay xong cảnh đó, chúng tôi đi ngược trở lại về chỗ tài tử ngồi nghỉ ngơi, người tài tử chính, Lloyd Bridges tiến nhanh lên đi cạnh tôi, khoác tay tôi, nói nhẹ: “I know who you are.” Tôi nhìn ông rồi quay đi… nước mắt đoanh tròng.

“Tối về đến nhà tôi còn thấy nghèn nghẹn trong cổ họng.

“Tôi kể chuyện cho mọi người trong nhà nghe. Các con tôi thấy xót xa cho mẹ, nói:

“Thôi mẹ ạ, mẹ nên quên mình là diễn viên, ‘quên’ cái nghiệp điện ảnh đi.”

“Quên hay nhớ? Bỏ hay không bỏ? Những câu hỏi này cứ xoáy mãi trong đầu tôi suốt đêm trằn trọc trên giường ngủ.

“Tôi biết cổ họng mình sẽ còn bị nghẹn thêm nhiều lần nữa, nhưng tôi cũng biết rằng mình sẽ không chịu… quên! Không chịu… bỏ!” (tr. 163-164)

Nhưng định mệnh không phải lúc nào cũng trớ trêu với con tạo mà có lúc cũng chìu lòng người và đó chính là cơ may đã đến với nữ tài tử Kiều Chinh vào năm 1977 khi bà được nhà sản xuất phim ảnh Burt Metcaff mời đóng chung với nam tài tử nổi tiếng Alan Alda trong loạt phim truyền hình được công chúng ưa chuộng thời bấy giờ M.A.S.H, nói về các quân nhân Mỹ tham dự cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trong Hồi Ký, nữ tài tử Kiều Chinh đã bày tỏ niềm hạnh phúc khi thời bỉ cực của bà đã qua đi:

“Đó là những ngày hạnh phúc nhất của tôi ở lãnh vực nghề nghiệp, kể từ ngày tôi đến Mỹ. Trên sân quay, ngay bên ghế của Alan Alda có ghế riêng để tên Kiều Chinh.”(tr. 166)

Tác giả Hồi Ký cũng kể chuyện nam tài tử Alan Alda đã có lần nói về bà trong một cuộc phỏng vấn trên báo và trên chương trình Johnny Carson rằng:

“She’s so talented, there must be a place for her in Hollywood, somewhere.” (Câu này cũng được trích lại và đăng trên tờ TV Guide).” (tr. 166)

Còn rất nhiều điều để đọc, để biết và để chiêm nghiệm về cuộc đời của người nữ nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng, Kiều Chinh, mà cuộc sống của bà đã trải qua bao nổi trôi của vận nước. Bà có hai cuộc sống và hai kinh nghiệm mà không phải ai cũng có. Đó là cuộc sống và kinh nghiệm trong đời thường ngoài xã hội và cuộc sống và kinh nghiệm trong phim trường của nghệ thuật điện ảnh. Giá trị đặc thù của cuốn Hồi Ký “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong” nằm ở chỗ này. Đọc Hồi Ký người đọc sẽ nhìn thấy được rất rõ cuộc đời trong phim trường và cuộc đời ngoài đời thường của một người nghệ sĩ.

Quân bình được hai đời sống đó trong cuộc đời bình thường là điều không phải dễ làm, bởi vậy có khoảnh khắc nào đó rất bất chợt đã gần như muốn xô đẩy nữ tài tử Kiều Chinh sang thế giới bên kia. Hồi Ký đã kể lại giây phút lạ lùng này như sau:

“Một đêm khuya, và như mọi đêm khác, tôi trằn trọc mãi trên giường. Tôi muốn ngủ, ngủ một giấc thật dài. Trong một giây phút điên rồ, như bị sai khiến bởi vô thức, tôi đã nốc hết lọ thuốc ngủ, mười mấy viên gì đó tôi không nhớ, với một ly nước đầy. Tôi uống từng viên, từng viên cho đến hết lọ.“…

“Tôi muốn níu lại, muốn mở mắt ra, nhưng đã muộn, và tôi lịm dần. Thiếp đi. Linh cảm… bơ vơ trong gió…” (tr. 257-258)

Trong lúc nằm bệnh viện để chờ hồi phục sau đêm uống thuốc ngủ quá nhiều, nữ tài tử Kiều Chinh đã được một nữ bác sĩ già khuyên giải:

“Đời chúng ta nhỏ bé như hạt cát trên biển, sóng trào tới, bao phủ ta, rồi sóng lại đi… và sẽ trở lại. Hãy sống, hãy thở khi còn có thể. Hãy tìm thấy ý nghĩa khi còn cảm thấy gió.” (tr. 262)

Có lẽ từ lời khuyên sâu sắc ấy của một người bác sĩ già mà nữ tài tử Kiều Chinh đã tỉnh ngộ ra:

“Một đêm mùa đông trời tuy không lạnh lắm, nhưng tôi cũng đốt lò sưởi. Ngồi nhìn ngọn lửa bập bùng với ly vang đỏ trong tay, tôi hiểu rằng từ nay chỉ có mình tôi sống cô đơn trong căn nhà này. Hãy chấp nhận, lật qua một trang mới trong cuốn Sổ Đời.” (tr. 263)

Và người nghệ sĩ Kiều Chinh đã leo lên tận núi Hy Mã Lạp Sơn để trải nghiệm sự cô đơn tịch mịch của cuộc sống tâm linh ở chốn Thiền Môn nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma cư trú trong núi rừng bạt ngàn:

“Rạng đông. Những viền núi nổi bật trên vòm trời. Mặt trời bắt đầu ló ra khỏi một đỉnh núi. Những tia sáng xuyên qua những ngọn thông cao vút đẹp như một bức tranh tuyệt vời. Một bức tranh có âm thanh… vọng tiếng kinh cầu. Tôi vội quàng chiếc khăn, bước ra khỏi phòng, đi theo tiếng kinh cầu vang vang.” (tr. 401)

Xin mượn “tiếng kinh cầu vang vang” mà nữ tài tử Kiều Chinh vừa nghe và đi theo đó để kết thúc bài viết này ở đây.

Kính cảm ơn nữ tài tử Kiều Chinh và kính giới thiệu với quý độc giả cuốn Hồi Ký “Kiều Chinh – Nghệ Sĩ Lưu Vong.”

Huỳnh Kim Quang

Leave a comment