Giới thiệu Tủ Sách Trẻ: Nơi một rừng Nhan Như Ngọc
Nguồn: https://vietbao.com/a310774/g
Tôi mê đọc sách từ thơ ấu. Cũng như rất nhiều người sinh trưởng trong thời kỳ chưa có các phương tiện truyền thông như máy truyền hình và Internet của một nước Việt thời trước 1975, đọc sách là niềm vui, là một cách để học người xưa, là để tắm gội trong trí tuệ của nhiều ngàn năm văn hóa nhân loại.
Thời đó, có những lời thầy dạy như, “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc, Thư trung tự hữu hoàng kim ốc.” Trong sách có thiếu nữ khuôn mặt đẹp như ngọc, tự trong sách cũng có ngôi nhà bằng vàng. Đó chỉ là một kiểu nói tượng trưng thôi. Bời vì thời đó, mở sách ra đọc là để theo dõi Trương Vô Kỵ với Kiều Phong, chẳng hơi đâu mà bận tâm với các cô Chu Chỉ Nhược và A Châu. Thế thì, nói gì tới nhà vàng. Mà, hình như, các ông chủ nhà khổng lồ chẳng mấy người quan tâm về sách vở. Ra hải ngoại, dĩ nhiên là có bận tâm khác. Thêm nữa, thời gian, mỗi tuổi, là mỗi làn sóng đời cuốn đi theo bận tâm mới. Chữ nghĩa nếu còn được quý trọng, hẳn là trong nước; còn ngoài này thì, có lẽ, thứ yếu thôi.
Tuy nhiên, nếu bây giờ, có ai hỏi về một trang web mà người mê đọc sách cần quan tâm, tôi sẽ giới thiệu trang Tủ Sách Trẻ — https://tusachtre.com/ . Nơi đây, nơi trang web chỉ mới hình thành từ, có lẽ, mới vài tuần qua, tôi đã nhìn thấy nhiều tác phẩm tôi đã từng đọc và say mê học trong đó. Và cũng gặp nhiều tác phẩm tôi chưa có cơ duyên đọc, nhưng tôi tin là sẽ học được rất nhiều. Hoặc là học về tư tưởng Phật học, như các tác phẩm của Thầy Tuệ Sỹ. Hoặc là học về bút pháp chữ Việt, như khi tôi đọc truyện của Trần Vũ, Phạm Thị Hoài, Nhã Ca và nhiều người khác. Hoặc là tôi đọc để nhớ lại một số chi tiết lịch sử trong sách Phan Nhật Nam, Cao Xuân Huy. Và nhiều nữa. Có rất nhiều điều cho tôi để học, để nhớ, và để sống với niềm vui của đọc.
Từ thời còn là sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn các năm đầu thập niên 1970s, tôi đọc nghiền ngẫm một số tác phẩm và sách dịch của Thầy Tuệ Sỹ, rồi nhiều lúc tự thấy mình trở thành một đứa trẻ ngồi sân chùa, như dường đang nghe cả ngàn vị Thiền sư rủ nhau về kể chuyện. Làm sao thằng nhóc như tôi có thể nghe và thấu đáo vô lượng lời dạy khó hiểu như thế. Và có lúc tôi mơ, trong một giấc ngủ sâu lắng, bình lặng và hạnh phúc, một vị sư già hiện ra, tay cầm bông hoa đưa lên cao, y hệt như chuyện “niêm hoa vi tiếu” trong cổ thư. Những lúc đó, sách trở nên cái gì rất mực thiêng liêng.
Có những buồi chiều ngồi trên căn gác gỗ, mở ra nghe một làn sóng phát thanh, nghe lời nhà thơ Nguyễn Đình Toàn giới thiệu nhạc. Tôi say mê với văn phong đó, với giọng nói đó, và không bao giờ dám nghĩ rằng, nhiều thập niên sau, bản thân mình sẽ được trực tiếp gặp họ Nguyễn, dể rồi đọc thơ, nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn. Sách… có uy lực như thế. Những buổi chiều nhìn nắng quê nhà đã trở lại trong ký ức của tôi, khi từ một nơi rất xa quê nhà và có cơ duyên mở ra đọc từng trang sách Nguyễn Đình Toàn.
Nơi trang Tủ Sách Trẻ cũng có những lời giới thiệu, những lời bình luận hay những bài phân tích về một số tác phẩm. Sự đa dạng đó có thể giúp cho nhiều bạn trẻ hiểu thêm về tác phẩm và tác giả. Tôi có cơ duyên vào nghề báo ở Quận Cam, nơi được gặp gỡ nhiều nhà văn lớn, với tôi, họ là những ngọn núi, không chỉ về cách viết mà cả về cách sống. Thí dụ, các bậc trưởng thượng như Nghiêm Xuân Hồng, Phạm Công Thiện, Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Đỗ Quý Toàn… Mỗi người là một lâu đài văn học độc đáo, nơi tôi nhìn tới, đọc tới và nghiệm ra một số điều để học, để ghi nhớ và để trân trọng sâu thẳm hơn với cuộc đời này. Mỗi một tác giả là một thế giới rất riêng; khi mở ra một cuốn sách của một nhà văn tiền bối, tôi vẫn kinh ngạc về những thế giới họ ghi lại trong sách – rằng tâm như họa sư, sao lại có những thế giới tâm đẹp huyền ảo như thế.
Nơi trang Tủ Sách Trẻ, bạn cũng có thể giúp cho con em tìm hiểu về sử hay văn hóa Việt. Các em không đọc được tiếng Việt? Bạn hãy ngồi bên cạnh thế hệ trẻ đó, vào xem các tác phẩm viết bằng tiếng Anh hay Pháp. Sách tiếng Anh và Pháp hiển nhiên không nhiều như sách tiếng Việt trên trang web này, nhưng cũng có thể là một cánh cửa giúp thế hệ trẻ nhìn vào một góc văn học quê nhà. Thí dụ, các bản tiếng Anh sách của Nhã Ca, Cao Xuân Huy, Trần Vũ, Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, và nhiều nữa.
*
Tôi không nghĩ rằng bản thân mình có thể đọc nhiều nữa. Vì đọc chậm rồi, phần vì sức khỏe và mắt không còn nhanh nhẹn như nhiều năm trước, phần vì phải lo một số việc khác, kể cả viết và dịch. Tuy nhiên, cơ hội được giới thiệu trang Tủ Sách Trẻ cũng là một duyên lành, để từ một nơi rất xa quê nhà, giúp độc giả tìm một nơi có thể lắng nghe hồn chữ Việt, qua những tác phẩm được giới thiệu rất trân trọng.
Trang Tủ Sách Trẻ đã tự giới thiệu, “Là nơi sách tiếng Việt được tập hợp từ mọi nguồn để độc giả thuận tiện tìm thấy hoặc mua qua đường link, và có thể trao đổi với tác giả. Chúng tôi cũng sẽ giới thiệu sách ngoại quốc có liên quan đến Việt-Nam. Mục đích của chúng tôi là giúp độc giả tìm lại sách cũ còn đang bán và khám phá sách mới, với phần điểm sách hoặc phê bình tác phẩm. TỦ SÁCH TRẺ sẽ được cập nhật thường xuyên. Muốn giới thiệu tác phẩm của mình, xin vui lòng liên lạc: tusachtre@trenews.net. CC: bientap@trenews.net.”
*
Hãy nhìn bốn bức vách kìa, nơi các tủ sách nhà bạn đang nghiêm trang vây quanh. Không gian với cả ngàn cuốn sách đó, từ các tác giả đã từng một đời miệt mài nơi thư viện như cụ Vũ Khắc Khoan, cho tới các nhà văn từng một thời lặn lội núi rừng như Phan Nhật Nam, cho tới các nhà thơ thế hệ trưởng thành ở hải ngoại như Linh Dinh, và nhiều nữa. Không ai mong đợi rằng chúng ta sẽ ngưng đọc. Cả ngàn tác giả đó đang chờ được hồi sinh khi chúng ta mở ra và đọc từng trang sách. Nhiều ngàn tác phẩm đó, chính là nhiều ngàn khuôn mặt văn học với nhan sắc đẹp như ngọc, đã muốn nói chuyện với chúng ta — nơi hải ngoại, nơi quốc nội, trên kệ sách, nơi thư viện, và trên trang Tủ Sách Trẻ. Nơi đó, từng trang đều là lời vui mừng hồi sinh của văn học.
Phan Tấn Hải