Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đọc Khả Thể của Đặng Thơ Thơ – Đinh Từ Bích Thúy

Đinh Từ Bích Thúy

Nếu luân hồi là những bản nháp của hữu thể

Đinh Từ Bích Thúy

Tuyển tập truyện ngắn Khả Thể của Đặng Thơ Thơ được chia ra làm hai phần. Phần Một, Khả thể của Mơ, với những truyện “Con Yêu Tinh Thứ 108,” “Mở Tương Lai,” “Lịch Sử Nhìn Từ Âm Bản,” và “Ký Ức của Người Loạn Tính,” biểu hiệu cho phản ứng của nhà văn trước những hiện thực của chính trị, lịch sử, xã hội và đời sống cá nhân. Phần Hai, Khả thể của Viết, với những truyện “Bản Nháp cho Một Tình Yêu,” Người Vợ Khổng Tử và Cô Giáo Nữ Quyền,” “Lý Lịch Hoang Tưởng của Tôi,” “Cấy Óc,” và “Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối” là phản ứng của nhà văn trước sự hiện hữu cùng ảo hóa của ngôn ngữ và văn bản.

Nhưng nói cho cùng thì cả hai khả thể đều liên hệ với nhau: những điều đã trải nghiệm trong đời sống, cùng những văn bản đã được đọc, rồi được biến thể qua quá trình viết của nhà văn, cũng là một hình thức của mơ, để tái tạo những tương lai và hiện thực khác, để minh họa những khía cạnh và quan điểm chưa được nhìn nhận hoặc khai phá.

Và như vậy, khái niệm “khả thể,” ngoài nghĩa chính là những điều có thể xảy ra, còn có nghĩa là quá trình luân hồi, là những “bản nháp” có thể viết đi rồi xóa bỏ, hay viết lại, duyệt lại liên tục. Chúng ta sinh sống trong thời đại internet. Những biên tập hoặc cập nhật cho một văn bản đăng trên mạng có thể làm tức thời, không còn bị ảo giác bất di bất dịch của sách in chế ngự. Khả thể hàm ý năng tính vô biên và phục hưng của hành trình sáng tạo. Khả Thể biểu tượng cho hoài vọng của Đặng Thơ Thơ, của mọi cá nhân còn quyến luyến với văn chương: một tác phẩm xuất bản sẽ được tồn tại và hiểu theo nhiều cái nhìn khác nhau bởi những người cùng thời, hoặc sinh sau tác giả, bởi những dịch giả, trong muôn vàn môi trường và ngôn ngữ khác.

Cho dù trong trường hợp bi thảm nhất là văn bản Việt ngữ của nhà văn sẽ không tồn tại, sẽ bị xóa bỏ, sẽ bị mất link liên kết trên mạng, không được ai dịch sang tiếng Anh hoặc sang những ngôn ngữ khác, thì những quan tâm của Đặng Thơ Thơ về lịch sử và văn hóa miền Nam Việt Nam, về tháng 4 năm 1975, về thân thế và sự nghiệp của Hoàng Đạo, những vấn đề về giới tính, tình yêu, tình dục, và tôn giáo, có thể vẫn sẽ được dựng lại bởi những Đặng Thơ Thơ khác, hiện sống cùng thời đại với chị hoặc sẽ sinh ra và lớn lên sau này. Như nhân vật Hồng Trang đã tuyên bố sau khi chết trong truyện “Mở Tương Lai”: “Nhưng cái chết tôi không vô nghĩa. Tương lai không có quyền thay đổi một cái chết trong quá khứ. Mọi giá trị sẽ thay đổi. Nhưng giá của cái chết thì không.” (“MTL,” tr. 65). Theo cách hiểu riêng của tôi thì mỗi cái chết là một hứa hẹn cho sự sống lại, và khái niệm này cũng thích ứng với ý nghĩa sâu xa của mùa Phục Sinh.

Cũng trong truyện “Mở Tương Lai,” chính Đặng Thơ Thơ nhận xét, “Tự tử không phải tự giết mình. Đó chỉ là định nghĩa đơn giản nhất và lừa dối nhất.” (“MTL,” tr. 65.)

Nhận định sâu sắc và bí hiểm của chị làm tôi nghĩ đến truyện ngắn “Ngôi Sao” của Arthur C. Clarke, nhà văn Anh chuyên viết truyện khoa học giả tưởng, tác giả của tiểu thuyết 2001: Space Odyssey mà về sau đã thành một phim nổi tiếng cùng tên của đạo diễn Stanley Kubrick. Trong truyện “Ngôi Sao” – thắng giải thưởng Hugo về khoa học giả tưởng năm 1956 – những nhà thám hiểm không gian đang trên đường trở về trái đất sau một hành trình lâu dài và gian khổ. Họ đã khai phá Tinh vân Phượng Hoàng để tái dựng nguyên nhân đã gây ra sự bùng nổ của nó. Một nhà thiên văn học, cũng là tu sĩ Dòng Tên, đã bị dằn vặt kể như đến mức mất niềm tin tôn giáo sau hành trình này. Trong thời gian thám hiểm Tinh vân Phượng Hoàng, phi hành đoàn đã tìm thấy di tích một nền văn minh tiến bộ và ôn hòa hơn nhân loại trên trái đất nhưng đã bị tiêu diệt hoàn toàn sau hiện tượng ngôi sao nổ. Hóa ra ngôi sao đã xóa sạch toàn bộ nền văn minh ngoài hành tinh cũng chính là ngôi sao Bethlehem tuyên dương sự xuất hiện của Chúa Giêsu trên trần gian khoảng 2000 năm trước. Nhà thiên văn Dòng Tên đã chất vấn ở đoạn cuối của truyện, “Mục đích hy sinh cả một nền văn minh vào biển lửa để tỏa sáng Bethlehem là gì?”

Cách hiểu truyền thống, và có phần hạn hẹp, của nhiều người, sau khi đọc truyện “Ngôi Sao” của Arthur C. Clarke, là sự mất uy tín của những biểu tượng tôn giáo trước ánh sáng của khoa học. Theo cách đọc này, vũ trụ không có Tạo Hóa, nó hoàn toàn duy vật, lạnh lẽo và ngẫu nhiên. Nhưng tôi nghĩ khác. Arthur C. Clark là một người viết đồng tính luyến ái nhưng không muốn công bố điều này hơn nửa thế kỷ trước vì ông sợ đời tư của ông sẽ lấn át sự nghiệp văn chương. Đề tài song sinh về sáng tạo và hủy diệt là cách ông muốn người đọc nhận diện những quan điểm từ trước chưa được khai phá, những quan điểm không phải của đám đông, những quan điểm thường bị bài trừ hay vắng mặt. Tương tự, qua tuyển tập Khả Thể, Đặng Thơ Thơ đã dùng ẩn dụ “tự tử” để khai phá những góc cạnh mới, tái tạo những gì đã mất, từ những hiện tượng tưởng đã bị xuyên tạc hoặc xóa nhòa bởi chính trị, thời gian và sự mất tin cậy của ký ức.

Đối với những người đã quyết định rời Việt Nam để tìm tự do vào thời điểm tháng Tư 1975 và nhiều thập kỷ sau đó, qua phương tiện máy bay, tàu, thuyền, qua các chương trình nhân đạo cho tù nhân chính trị hoặc những nỗ lực ủng hộ sự đoàn tụ gia đình ở ngoài biên giới nước Việt Nam, sự ra đi cũng là một hình thức “tự tử,” vì họ phải lìa bỏ quê hương.

Khái niệm “tự tử” từ quan điểm của người lưu vong muốn hội nhập vào văn hóa dòng chính, hay từ quan điểm một trí thức hay chính khách không muốn bị loại ra rìa, là cách tự bôi xóa những cá biệt về bản sắc cá nhân để hòa mình vào một lý lịch tập thể đại diện cho các “lý lịch nhỏ.” Vấn đề là, nỗ lực tự kiểm duyệt/đồng hóa này thường bị đánh giá bởi tầm nhìn chủ quan của kẻ trị hoặc nhu cầu của đám đông, như nhân vật chính trong truyện “Lý Lịch Hoang Tưởng của Tôi” đã nhận xét: “Điều phiền phức thường xảy ra là đôi khi các lý lịch nhỏ cộng lại không giống đáp số là lý lịch lớn.” (“LLHTCT,” tr. 145).

Khái niệm tự tử, từ quan điểm của một người viết, mà trong tiếng Anh gọi là kill your darlings – là bổn phận phải giết đi những gì mình ưu ái nhất, nhưng không hẳn là những điều cốt yếu hoặc hoàn toàn khách quan: đó là cách người viết tu sửa, duyệt lại văn bản trước khi xuất bản, để trình bày dữ kiện và thái độ viết trong chiều hướng hiệu nghiệm nhất. Sự hiện hữu của một tác phẩm được in ra cũng là sự hủy diệt những văn bản khác mà nhà văn, như một tạo hóa, không cho phép sống sót. Trong truyện “Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối (DTBKTC),” nhân vật thầy tu dòng Tín Giáo đã nhận xét: “Các vị thánh cũng có thể ghi lại những điều họ tưởng là họ nghe, họ nghĩ là họ thấy. Cũng có thể những điều họ ghi chép là có thật, nhưng còn rất nhiều sự thật khác mà họ không thấy hoặc không nghe.” (“DTBKTC,” tr. 197)

Đồng thời, chính sự hiện hữu của một tác phẩm cũng là cách hồi phục một hay nhiều quan điểm trước đây đã bị lấn át hay chôn vùi. Cũng trong truyện “Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối,” thầy tu trong sứ mệnh hồi phục phúc âm của Mary Magdalene kết luận:

“… [N]iềm tin của tôi đang thay đổi, ngoài ý muốn của tôi. Những gì tôi đọc là cánh cửa mở ra một con đường mới trong tôi. Một con đường mòn đã phủ bụi thời gian, một con đường bị treo bảng cấm vào, một con đường mà có người nói là ngõ cụt, có người nói dẫn đến thiên đàng. Giáo chủ nói đó là con đường lầm lạc vì Phê-rô đã trở thành dòng chính và Mary mãi mãi đứng bên lề. Thánh kinh cũng có những dòng chảy ngầm. Nó là câu chuyện do quyền lực phụ hệ kể lại. Việc đọc những cuốn kinh ngoài lề khiến tôi dần nhìn khác đi, nghĩ khác đi, trở nên một cái tôi khác, một thầy tu khác. Chúng thật sự là những cuốn kinh khai ngộ, hiểu theo nghĩa đó. Hay chúng là những cuốn sách tà đạo, cũng hiểu theo nghĩa đó.” (“DTBKTC,” tr. 199)

Như vậy việc đọc và hiểu một văn bản trong một môi trường tự do và đa nguyên luôn cho người đọc hai sự lựa chọn: (a) hủy diệt và tái tạo bản sắc của chính mình; hoặc (b) hủy diệt những tiền định để tạo ra những khả thể, kết luận khác.

“Khả thể” ở đây cũng nên được hiểu như thai nhi trong thời kỳ được cấu tạo và cưu mang.

Bao hàm trong khái niệm khả thể cũng là sự bất định/bấp bênh của hiện thực, nếu hiện thực được hiểu như một minh họa của ngôn từ. Vì vậy, một bản kinh thánh không tuân theo truyền thống hay giáo điều có thể bị lên án là tà đạo, hay cũng là kinh khai ngộ cho những người lúc trước bị mê hoặc.

Khi chấp nhận sự bấp bênh của hiện thực là lúc người đọc cũng thấy được tính chất “kính bách sắc” (kaleidoscope) trong văn chương của Đặng Thơ Thơ, phản ảnh nhiều cảnh đời tưởng đã mất đi mọi “khả thể,” của những thân phận con hoang, bứt rễ hay ngoài lề: tâm trạng người con hoang của Hồ Chí Minh, cũng là đảng viên Đảng Cộng sản trong truyện “Con Yêu Tinh thứ 108”; sự hoang mang bất tận về lý lịch một nhân vật nghĩ mình là con hoang của Tổng Thống Obama, với cái tên đảo ngược là Amabô; ký ức bi thảm của một người loạn tính; lịch sử qua cái nhìn từ âm bản của những hồn ma các sĩ quan đã tự sát cuối tháng Tư 1975, quan điểm của một nam nhi ủng hộ nữ quyền nhưng kén/ế vợ trong truyện “Người Vợ Khổng Tử và Cô Giáo Nữ Quyền”; sự “thất bại” của một nhà văn viết về tình yêu trong truyện “Bản Nháp cho Một Tình Yêu.”

Những nhân vật đa diện trong các truyện của Đặng Thơ Thơ phản ảnh mệnh đề linh hoạt về quyền tự do phát biểu của người viết và người đọc trong một môi trường nhân bản ôn hòa. Ở hầu hết mọi truyện trong Khả Thể, nhà văn luôn chất vấn tư thế của quyền lực. Một văn bản nếu chỉ được hiểu qua một nghĩa nhất định và tuyệt đối cũng không khác gì cái xác ướp của Hồ Chí Minh. Những cách đọc quá trang trọng, những thái độ quá tôn kính về những trào lưu văn chương hay chính trị cũng tiêu biểu cho hình thức hủy hoại và phản bội quá khứ, nếu không muốn nói là mị dân.

Dưới đây là một đoạn trong truyện “Con Yêu Tinh Thứ 108” tả lăng Hồ Chí Minh – cũng có thể áp dụng cho vấn nạn kiểm duyệt ở Việt Nam:

Toàn bộ lăng là một khối đa giác huyền bí. Mắt nhìn không bao giờ chạm đến đỉnh trần. Ở đây rất khó ước chừng khoảng cách. Ở đây không gian được tạo bằng một chút ánh sáng và rất nhiều bóng tối để xóa mờ những góc cạnh. Ở đây chúng ta được quan sát như chuột trong lồng kính. Tư thế thăm lăng là đi nghiêm thẳng hàng và hai tay buông sát bên hông. Mọi bước đi đều phải đặt trên đường vạch sẵn, nhìn nghe đều giới hạn và tuyệt nhiên không được sờ chạm, không được cử động cánh tay. Ở đây chúng ta không được phép làm gì khác ngoài việc chiêm ngưỡng xác. (“CYTT108, tr. 27)

Nếu một chính quyền không bao giờ nên tôn kính hay tô điểm cho một xác chết, thì một nhà văn cũng phải cảnh giác về chuyện tái dựng quá khứ của tiền nhân, vì cảm tính của người trong cuộc sẽ đánh mất phần nào cái nhìn khách quan, làm thu hẹp không gian của một văn bản mà điều cốt yếu là nên luôn luôn mở. “Yêu tinh” là monster, nhưng chữ “yêu” cũng như chữ darling — một người yêu quá thân thuộc trở nên ngạo mạn rồi biến thành ma quỷ, nếu đối tượng không biết cách kìm hãm thế lực của y.

Trong truyện “Cấy Óc,” Đặng Thơ Thơ đã “chép xuống” những ghi chú của Hoàng Đạo:

Ghi chú 2: “Người ta nên sống bằng cách đi tới tương lai. Đừng dựng lại một người đã chết.”

Ghi chú 3:

Dù chết là một cách vượt qua giới hạn thân xác, dù chết là một cách kéo dài linh hồn, không cái bóng nào cứ dài ra mãi vào lúc hoàng hôn.”

(“CO,” tr. 170)

Tóm lại, “Khả Thể Mơ” hay “Khả Thể Viết” đều là hành động đập vỡ kính chiếu yêu, để nhìn thấy chính mình, hay đối tượng của mình. Dùng truyện “Con Yêu Tinh Thứ 108” – cũng như công án thiền của nhân vật Thiền Sư Làng Sen trong truyện — người đọc có thể giải mã tất cả các truyện khác trong tuyển tập. Từ vai trò của tác giả, sự khả thể đã trở thành hiện hữu, vì truyện đã được kết cấu, cho ra đời, xuất bản. Khả thể ở đây là lời mời tham dự cuộc đối thoại từ tác giả đến độc giả, vì một tác phẩm không thể, hay không chỉ là một xác chết đơn giản. Với sự tham dự của độc giả, chuyện khai thác văn bản sẽ có thể là một trò chơi exquisite corpse – cái xác tuyệt diệu – gần như một trò chơi vi tính với nhiều chọn lựa cho mọi tình tiết và kết thúc.

Văn bản, như đã nói ở trên, cũng là một bào thai. Chuyện có thể giết con yêu tinh, để mở tương lai cho nhân vật hay người đọc, còn tùy vào cách tiếp nhận của đối tượng, qua mọi hành động chiêm nghiệm sự sống, cái chết, thời gian, không gian, lịch sử, cũng như tiểu sử các nhân vật trong truyện, hay của chính người đọc. Chính sự thử thách của định luật văn chương, cũng như sự thử thách từ những dị biệt về chính trị, quan điểm, giới tính, và màu da là “hình thức/thể diện” mà người đọc phải vượt qua. Chính những thử thách giữa văn bản và người đọc giúp tác phẩm được cưu mang trong một hiện tại vĩnh hằng.

Trong truyện “Mở Tương Lai,” viết vào thời điểm tháng 2 năm 2005 để tưởng niệm 30 năm biến cố tháng Tư 75, Đặng Thơ Thơ viết:

Ba mươi năm đủ để một đứa bé lớn lên, thành người, rồi chết đi mà không cần đến chiến tranh bom đạn. Ba mươi năm đủ để xóa sổ một cuộc đời. Ba mươi năm mất đi là mất mãi.” (“MTL,” tr. 62).

Nhưng đọc qua những truyện khác trong Khả Thể, nếu dùng ẩn dụ bản nháp để ngụ ý sự biến hóa trong cách một cá nhân tiếp nhận lịch sử hoặc ký ức, thì thời gian bị mất sẽ được hồi phục qua nhiều ấn bản, và sẽ không có một ấn bản chót cho đến khi quá khứ được siêu thoát, hay những dị biệt được giải tỏa. Lịch sử nhìn từ âm bản, hay từ văn bản, sẽ là một hành trình co giãn, bất tận cho người viết và người đọc sáng tạo:

Chúng tôi đi ròng rã nhiều năm, vẫn đang đi tới, đi không ngừng nghỉ. Chúng tôi đi theo dấu máu chảy và máu chúng tôi vẫn đổ ra không thể nào cầm. Máu của chúng tôi phải dư thừa, phải sung mãn, phải đủ để chia đều cho lương tâm thắng trận và danh dự của miền Nam bại trận.” (“LSNTAB,” tr. 78)

Đinh Từ Bích Thúy

Leave a comment