Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nhìn về nửa vầng trăng – Phan Tấn Hải

Phan Tấn Hải

Nhìn về nửa vầng trăng

Nguồn: https://dutule.com/a7167/phan-tan-hai-nhin-ve-nua-vang-trang-

Vậy là tuyển tập truyện ngắn “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” của nhà văn Lê Lạc Giao đã ấn hành và đang lưu hành trên mạng Amazon.

Với cơ duyên là bạn của tác giả Lê Lạc Giao từ thời cùng tới trường ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, biết tài năng của anh từ những ngày cùng làm báo thời sinh viên, biết tính của anh từ trong những phản ứng tế nhị giữa đời thường, biết các suy nghĩ lãng mạn của anh từ một số những cơ duyên kỳ ngộ thời áo trắng… nhưng tôi vẫn bất ngờ trước những trang truyện rất mực thơ mộng này.

Xin mời đọc những trang giấy này, nhiều chữ có thể trượt qua, và trí nhớ chúng ta cũng không đủ để lưu giữ hết các nhân vật và biến chuyển cốt truyện.

Điều nhớ lại, một khi nào đó, khi lái xe về nhà và trên đường, bạn chợt thấy một vầng trăng và sẽ nhớ lại một trang sách. Cũng như tôi, trong một ngày đầu tháng 12-2015. Sẽ không y hệt như vầng trăng nơi biển Nha Trang nơi tác giả thường nhắc trong tập truyện, cũng không hẳn y hệt vầng trăng mà cô bé Khanh, người bạn thời thơ ấu, nhìn thấy vỡ trên mặt nước bàu Gáo… Và bạn biết đó, không vầng trăng nào y hệt vầng trăng nào.

Nhưng đây đúng là nửa vầng trăng ký ức nơi mỗi người. Một hình ảnh cô bạn gái thời thơ trẻ của chúng ta, thời không dám nắm tay nhau, thời không dám nhìn thẳng vào mắt nhau cho dù vẫn đi học bên nhau, vẫn ngồi cạnh nhau trong một niên học, hay vài niên học. Vẫn còn nhớ chứ, khi bạn thấy một vành nón lá nghiêng xuống che mặt, và cũng đủ kịp cho một tia mắt liếc vội.

Nửa thế kỷ sau, cũng hệt như tác giả Lê Lạc Giao, chúng ta ngẩng lên nhìn, chợt thấy nửa vầng trăng kia; đó là nửa vầng trăng mang hình ảnh một cô bạn thời xa xưa. Và rồi ước mơ, để sẽ chỉ cần một đêm, một đêm thôi, được ngồi lại bên nhau bên bờ sông ký ức, và rồi kéo nhau về, nằm bên nhau, gối đầu bên nhau, và ngủ thiếp đi trong khi cửa sổ dọi vào ánh trăng mờ nhạc. Chỉ thế thôi. Và chỉ thế thôi. Chỉ để hai mái đầu hoa râm tựa vào nhau, và tiếc cho thời tóc xanh, khi những bàn tay rụt rè một cách mơ hồ. Đó là những gặp gỡ tiền định, và rồi những xa nhau tiền định, và là mối tình vượt ra ngoài hiểu biết đời thường, vượt ra ngoài cảm xúc của thịt da.

Truyện của Lê Lạc Giao cho thấy vầng trăng mát lạnh cũng có âm vang trách móc, rằng tại sao những câu nói thời học trò tới nửa thế kỷ sau mới có thể hiểu được.

Một điểm dễ thấy trong truyện Lê Lạc Giao là hình ảnh những người khai phá, nơi đó ông nội của nhân vật chính trong truyện “Lối Cũ” từ miền Bắc Trung Bộ tiến về phương Nam – khi đi bộ, khi cỡi ngựa, nhắm bước về hướng Nam trong nhiều tháng, và ngừng chân làm nhà bên một dòng sông tỉnh Khánh Hòa. Nơi đó, ông nội của nhân vật chính cùng bạn hữu là những người vỡ đất đầy nghĩa khí, ưa thích uống rượu và đi quyền, múa kiếm nhưng vẫn quý trọng chữ thánh hiền, khi dạy con và trao truyền cả những ước mơ văn nghiệp và võ nghiệp.

Hình ảnh về thế hệ đầy nghĩa khí đi vỡ đất đó được Lê Lạc Giao so sánh như những “nốt nhạc, những trường canh dài vô tận trong cái ngắn ngủi của đời người mà anh đã trải qua”…

Những chữ đó ngắn gọn, và thơ mộng. Gói trọn những mấy trăm năm tiến về phương Nam khai phá, dựng nhà bên sông, làm ruộng và dạy con sống cho trọn đạo làm người.

Hồn dân tộc đã hiện thân trong chữ viết của Lê Lạc Giao, không phải qua các lý luận phức tạp, nhưng đó là trí nhớ thời thơ ấu về tiếng trống chầu giòn giã của ông nội “trong đêm hát bội, những chiếc thẻ tre thưởng tiền màu đỏ ông tung lên sân khấu…”

Đọc tới những dòng chữ đó, tôi đã ngưng lại, áp sát tai vào trang giấy, để nghe xem tiếng trống chầu đêm hát bội ra sao, và rồi tôi nghe tiếng tim mình đập nhẹ nhàng, khẽ khàng…

Vâng, chính đó là hồn dân tộc truyền từ đời này sang đời kia, đã làm cho cậu bé trong truyện muốn “biến mình trở thành hiệp sĩ cứu khổ phò nguy.”

Với phong cách viết truyện độc đáo, Lê Lạc Giao đã để llơ lửng những khoảng cách khó hiểu, và rồi độc giả phải đoán, kiểu như điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa. Tôi cũng đã phải đoán vài chỗ, nhưng rồi không có gì bảo đảm là mình đoán trúng.

Như trong truyện “Ngày Ấy Bây Giờ,” ghi lại hình ảnh nhân vật chính tên Quân về thăm lại một thành phố biển (không ghi rõ, nhưng dễ đoán là Nha Trang), và rồi nhớ tới cô bạn thời tuổi thơ có tên viết tắt là T. chia tay Quân để về Bạc Liêu. Trong đó, có vài chữ có thể làm nhiều độc giả nhíu mày, suy đoán, trích:

“Những giấc mơ ấy dài buồn bã. Cô gái ngực trần trong khu phố cũ, đã để màu nắng vàng lên đôi vú nhọn và Quân giã từ tuổi thơ đi về vùng…”

Truyện không nói rõ đó là chuyện gì. Có phải trước khi hai cô cậu học trò chia tay, đứng nơi phố cổ Nha Trang giữa trưa nắng, cô đã cởi khuy áo, mở áo ra cho nắng chóa trên đôi vú nhọn, và cho cậu học trò sửng sờ ngó vùng ngực chớp nhoáng làm kỷ niệm; thế rồi cô bé kéo che lại liền, để như một lời chào từ biệt? Và tại sao khi ngó thấy như thế, cậu bé Quân xem đó như là giã từ tuổi thơ?

Vậy đó, đọc truyện của Lê Lạc Giao cũng như xem phim ảnh Hoa Kỳ. Có rất nhiều khoảnh khắc thoáng qua trong phim Mỹ, và bây giờ trong truyện Lê Lạc Giao… không được giải thích. Nhưng rồi hình ảnh đó cứ vương mãi trong hồn người xem phim và đọc truyện.

*

Đó là những truyện rất buồn, rất đẹp, gói trọn những nỗi đau tan tác của nhiều thế hệ Việt Nam trong thời nội chiến và hậu chiến – nơi đó, tôi nhìn thấy thế hệ của tôi hiện ra trên các dòng chữ.

Tập “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” của Lê Lạc Giao gồm 14 truyện ngắn, trong đó ba truyện lấy bối cảnh ngoài nước. Hầu hết bối cảnh truyện là các ngôi làng và thị trấn vùng cát trắng Miền Trung VN, và rồi Sài Gòn… nơi đó, một số nhân vật chính trưởng thành với nắng gió và rồi bị xô vào một cuộc nội chiến. Tác giả không viết về chiến tranh, nhưng trên trang giấy là nỗi đau của chiến tranh một thời hiện lên.

Lê Lạc Giao viết bằng ngôn ngữ điềm tĩnh, lặng lẽ ghi các chuyển biến. Như trong “Lối Cũ,” anh kể về dòng sông tuổi thơ đổi màu như mái tóc cô Năm:

“…dưới chân anh dòng sông của thời thơ ấu trôi lặng lẽ, nó quá nhỏ bé và khiêm tốn so với chiếc cầu dài nửa cây số này. Anh nghe nói lượng nước sông bị lấy đi quá nửa ở đầu nguồn để làm thủy lợi, bây giờ nó chỉ là con suối, con lạch nhỏ. Con sông cũ giờ đã nên đồng… Cô Năm không nhận ra anh, ngày rời quê hương anh chỉ là đứa trẻ bắt đầu lên bậc trung học. Bây giờ bốn mươi bốn tuổi trở về thì cô Năm của anh ngày nào còn son trẻ đã là một bà già tóc trắng phau, hiền hòa ngồi nhai trầu trên chiếc phản mun đen bóng nhìn anh vừa ngỡ ngàng vừa xa lạ…” (hết trích)

Và anh nhớ về thời chạy trốn bom đạn, khi mẹ đặt anh vào đầu quang gánh:

“Mảnh đất phù sa màu mỡ dọc dòng sông Cái hiền hòa này đã một thời dung nạp bao điều tang tóc. Cha mẹ anh đã gồng gánh bồng bế chị em anh sáng về ngoại tránh Tây ruồng, tối xuống quận để không bị liên lụy đến người anh em trên núi. Những ngày lửa đạn ấy, chị anh và anh chia hai đầu quang gánh nằm lọt thỏm trong chiếc thúng cái ngủ ngon lành bên tiếng rít, tiếng nổ inh tai của bom đạn….” (hết trích)

Trong truyện “Gió Vẫn Thổi Trên Sông,” kể qua mắt nhìn của thầy giáo Nam, dạy cùng trường với cô giáo Huệ, nhìn về chuyện trong làng, nơi đó ông hiệu trưởng say mê sưu tập đồ cổ:

“Ông giáo Hai, cha của Huệ là hiệu trưởng của một cái trường có hai lớp học ấy…. Theo Nam, ông giáo Hai không may mắn chút nào, vì cả đời sưu tập như thế mà ông không vớ được thứ gì quí giá ngoài đống đồ như phế liệu kia trừ một thanh kiếm rỉ sét mà ông vẫn cho là thanh kiếm lệnh của Đức Trần Hưng Đạo dùng để ra quân…” (hết trích)

Nơi ngôi làng ven biển này, lão Thứ là một người đã bỏ nghề phù thủy, nhìn dưới mắt thầy giáo Nam:

“…Chiếc búa thủy tinh cán bạc của lão Thứ đã năm đời cha truyền con nối. Chính lão cũng không biết xuất xứ của nó như thế nào, nhưng quyền năng của nó ghê gớm lắm. Đời cậu lão Thứ là lão đồng Hạc đã dùng chiếc búa ấy sai khiến âm binh tát nước hằng đêm nên hai thửa ruộng cao trên gò của lão lúc nào cũng đầy ắp nước. Lão đồng Hạc sang sông không cần đò. Lão chỉ ngồi lên chiếc nón lá là âm binh đưa lão sang bờ bên kia. Có lần chỉ vì một câu nói móc của một phú hộ bên kia sông, mà ngay đêm đó lão đồng Hạc đã sai âm binh vặt hết vườn cam chín của ông ta vứt xuống sông dù vườn cam ấy lúc nào cũng có hai người lực điền và hai con chó săn canh giữ…” (hết trích)

Đó là những hình ảnh rất đặc biệt Việt Nam. Cũng vậy, trong truyện “Vòng Quay Thời Gian, Nỗi Niềm Thời Đại,” nhân vật Hậu đã ở Quận Cam, California, hơn một thập niên, kể về cô bạn:

“… Đậm đặc giọng Bắc Thanh Hóa với phát âm hỏi ngã trái ngược nhau, Thảo thuộc những người miền bắc vĩ tuyến 17 sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chịu ở lại quê nhà. Họ không những cố chạy vào miền Nam sinh sống mà từ đó còn chen chân lên tàu vượt biên để được sang Mỹ hoặc Châu Âu.

…Thảo chỉ còn mẹ, cha cô là bộ đội phục viên, cụt cả hai chân vì đạn pháo của Trung Quốc trong trận chiến bảo vệ một cao điểm ở Hà Giang tháng ba năm 1979. Ông về và sống chỉ thêm được hai năm rồi mất.” (hết trích)

Vì sao bố của Thảo chết sau 2 năm phục viên? Nhà văn Lê Lạc Giao ghi lại lời cô Thảo:

“Năm đầu tiên phục viên cha em sống bình thường, nhưng sang năm thứ hai ông bắt đầu nghiến răng và không thèm nói chuyện với ai. Bất kể lúc nào, ngay cả trong giấc ngủ ông cũng nghiến răng. Âm thanh nghe phát khiếp! Anh có biết tiếng tre nghiến khi gió lớn hay không? Cha em nghiến răng đến độ nhà bên cạnh cũng nghe thấy. Ban đầu người ta sang nhà em bảo là tre ngoài ao do dông bị nghiêng hay sao mà nghiến như thế. Sau biết tiếng nghiến răng do cha em tạo ra họ trợn mắt rồi bịt tai trở về nhà.” (hết trích)

Vâng, chết vì nghiến răng. Và bây giờ, cả ngôi làng đó, ở Thanh Hóa, rất nhiều người bệnh nghiến răng.

Nơi truyện “Mặt Trời Buồn,” ghi lời nhân vật chính tâm sự:

“…Anh còn gì bây giờ, anh đã đánh mất tất cả chưa kể chính bản thân anh. Mùa xuân làm hoa dại nở rực khắp cả núi đồi thì anh lại âu sầu với những thua lỗ chồng chất, phiền muộn nửa vời. Anh nhớ về mái nhà nhỏ xinh xinh, nơi đó có mẹ anh những buổi chiều lặng lẽ gánh hàng từ chợ về trên con đường đất nhỏ hẹp qua những cánh đồng lúa non thơm ngát. Dáng nhẫn nại của một người đàn bà suốt đời an phận góa bụa nuôi con. Anh đã ra đời nơi ấy, bên hàng giậu xanh chen chúc những cánh hoa bạch hạc, hàng vú sữa, hàng me xanh ngát mát lạnh. Ở thôn xóm vắng vẻ đìu hiu đó, anh lớn lên âm thầm theo màu tóc mẹ, theo gánh hàng trĩu nặng trên đôi vai còm cõi vì tuổi già.” (hết trích)

Nơi truyện “Ngày Ấy Bây Giờ,” khi Quân về thăm nơi anh lớn dậy một thời ở Nha Trang:

“Phố biển đang vào tháng sáu. Đứng trên bờ cầu Đá xóm Bóng, Quân nhìn những con thuyền đến và đi. Mùi cá, muối đậm đặc quyện trong tiếng ruồi bay ầm ì. Âm thanh quá khứ vang vọng. Sóng biển trong cầu tàu sóng sánh ánh nắng sáng. Quân nhớ lần bơi thi của trường bốn mươi hai năm trước, anh đã vứt xuống biển những viên phấn trắng và nhìn theo nó chìm dần xuống đáy. Tuổi trẻ của Quân cũng từng chôn ở đây vài kỷ niệm. Khi mơ hồ lúc rõ ràng quen thuộc nhưng không thế nào quên. Ánh mắt long lanh của người con gái. Nụ cười buồn của mùa hè và hàng phượng vĩ trong sân…” (hết trích)

Quân nhớ thời 1962, lúc đó cuộc nội chiến lặng lẽ tới phố biển:

“Chiều mùa thu ấy, làng Quân thiếu mất hai người chăn trâu mướn. Hai cậu thanh niên bỏ làng lên núi. “Vào khu theo bên kia!” Có người kháo như thế. Quân cũng không hiểu bên kia là gì vì không ai nhắc đến nữa bởi hai cậu ấy mồ côi. Đêm trong làng từ ngày ấy dài, buồn và bí hiểm. Rồi tiếng mõ râm ran đầu làng cuối xóm bắt trộm. Vườn mía trước nhà xào xạc tiếng chân người. Những bó đuốc bã mía lập lòe trên những chân ruộng khô. Quân thiếp đi trong cái âm thanh khốn khổ của những xáo trộn chính trị bắt đầu. Tiếng súng nổ xa xa và những xác người trôi sông với mảnh giấy nhòe máu đính trên lưng…” (hết trích)

Sau này, được biết, “người chủ tịch tỉnh vốn trước kia là một trong hai cậu bé chăn trâu bỏ làng lên núi mùa thu năm sáu mươi hai.”

Và trong khoảng thời gian nhiều thập niên đó, trong trí nhớ Quân là:

“Tháng năm năm bảy mươi ba, Quân trở lại phố biển rồi về thị trấn và sang sông. Chiến tranh hiện diện khắp nơi. Tiếng đạn bom thay cho tiếng ve sầu ngày hạ. Cái chết phục vụ chiến tranh tận tình và hoang phí. Cầu làng cũ sập nhiều lần nhưng dân làng vẫn bền bỉ xây dựng lại dù những lần về sau nó biến dần thành cầu khỉ đơn sơ vắt vẻo ngang sông như nụ cười mỉa mai thế cuộc. Làng Quân thình thoảng thành bãi chiến trường và người ta giành giật nhau từng tấc đất bằng súng đạn…” (hết trích)

Nơi truyện “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” là hình ảnh thơ mộng kiểu tranh Marc Chagall, nhưng đang lấm tấm những trận mưa axít đôc hại, như dường sự chết vẫn ẩn tàng trong cõi đất trơi như dường thơ mộng:

“…sau cơn mưa mọi người có cảm giác không phải trời mưa dù trên mặt đất còn những vệt nước lõm xuống chưa kịp chìm sâu vào lòng đất, bởi ai cũng ngửi trong không gian mùi khét của lưu huỳnh. Ông Trương, người bán sách báo đầu xóm nói với những người dân còn đứng rải rác ven đường đang hít lấy hít để cái mùi hăng hắc như thuốc súng ấy, “Không chừng núi lửa đâu đó sắp phun…” Nghe ông nói, ai cũng quay đầu nhìn lên dãy núi hình voi phục phía Tây mà dù có khói người ta cũng biết chỉ là đốt rẫy, và buổi tối còn thấy những ánh lửa khai nương lập lòe như ma trơi trên đỉnh núi…” (hết trích)

Trong truyện này, “Ngãi và Khanh là bạn từ thuở ấu thơ, Ngãi lớn hơn Khanh hai tuổi. Khi Khanh mười hai tuổi, Ngãi theo cha lên cao nguyên sinh sống và chỉ về quê vào dịp nghỉ hè.”

Văn trong truyện “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” viết y hệt như thơ, như các đoạn sau:

“Ngãi nhớ những đêm mùa hè làng quê, Khanh muốn xem trăng rằm, Ngãi đã xin phép mẹ Khanh dắt Khanh chạy xuống bàu Gáo. Hai đứa ngồi trên bờ bàu ngửa mặt nhìn trăng qua tàng cây gáo thưa lá. Khanh bảo, “Trăng xa quá!” Ngãi vỗ vai Khanh chỉ xuống bàu. Vầng trăng tròn trĩnh phản chiếu trên mặt nước tĩnh lặng như một tấm gương lớn. Khanh đứng lên nhìn trăng một cách chăm chú say mê. Ngãi ngồi dưới chân Khanh rồi quay ra nằm ngửa nhìn trăng trên tàng cây cao. Chỉ một lúc Ngãi thiếp ngủ, sau đó giật mình với cảm giác vừa ngủ một giấc dài, lúc mở mắt vẫn thấy Khanh đứng nhìn trăng. Khanh cứ lặng lẽ đứng nhìn chiếc đĩa trăng lấp lánh trên mặt nước bàu như một pho tượng khiến Ngãi phải bật đứng dậy hỏi:

“Em thấy gì trong trăng mà nhìn lâu như thế, chúng ta đi về thôi.” Bấy giờ Khanh thì thầm:

“Em không chỉ nhìn mà còn nghe trăng hát.” Ngãi cười nhặt một hòn sỏi ném xuống bàu. Mặt trăng vỡ tan trăm nghìn mảnh.

Khanh đấm mạnh lên vai Ngãi rồi cả hai đi về nhà.

Những năm tiếp theo trăng trở thành người bạn thân thiết của cả hai người và riêng đối với Khanh thực sự có hai vầng trăng. Vầng trăng trên trời của Khanh và vầng trăng dưới nước dành cho Ngãi. Những ngày trăng tròn cả hai thường đến bàu Gáo xem trăng. Ngãi thường hỏi:

“Trăng nào hát cho em nghe?” Khanh trả lời:

“Cả hai”. Ngãi hỏi lại:

“Thế sao anh không nghe?”

“Tại anh không biết hát!” Lúc bấy giờ thỉnh thoảng Khanh cất tiếng hát. Bài ca ngẫu hứng được một cô gái chín tuổi có giọng cao trong trẻo ngân vang rất xa…”(hết trích)

Họ xa nhau. Khanh vào Sài Gòn học nhạc, và du học ở Đức, trở thanh một nhạc sĩ nổi tiếng, trải qua hôn nhân rồi tan vỡ. Ngãi trở thành thầy giáo, vẫn độc thân. Khi họ gặp lại, truyện kể:

“…Đêm ấy Khanh sang phòng Ngãi ngủ. Nằm gối đầu lên cánh tay của Ngãi, Khanh mỉm cười nói, “Hiếm hoi trăng của chúng ta mới gặp được nhau!” Rồi hồn nhiên ngủ say sưa như một cô bé sau buổi học trưa nắng đi bộ thật xa về nhà. Chiều hôm sau về đến nhà Ngãi ở thị trấn Liên Thủy, Khanh được Ngãi xếp ở căn phòng dành cho khách…

…Khanh lấy đàn vĩ cầm và trước khi đàn nàng nói:

“Hiếm khi trời có trăng mà lại mưa, nhưng thực tế cuộc đời đôi khi những cái tưởng như hiếm khi vẫn xảy ra. Ánh sáng dịu dàng của trăng, không khí dịu mát của mưa cùng âm thanh tiếng mưa rơi tiếp nối dồn dập bất tận là một khai tấu tuyệt vời cho hạnh phúc tình yêu. Đời chúng ta mất quá nhiều cơ hội để có một bắt đầu cho một hạnh phúc lâu dài, thay vào đó chỉ là các ước mơ ngắn ngủi từ vầng trăng cô đơn lẻ loi từng đêm xuất hiện ở đáy sâu thẳm tâm hồn của mỗi người. Ba mươi sáu năm qua dường như vẫn không hề thay đổi. Em viết khúc nhạc này tặng anh để khi em đi rồi, anh nghe may ra trong chính dòng âm thanh ấy cảm nhận được ước mơ của cả hai chúng ta. Em cũng mong nó còn là khát vọng cả đời của một ai đó, hôm nay đang mong đợi một cơn mưa lành mạnh và một vầng trăng thanh bình trong khi sự ô nhiễm đang lan tràn tàn phá không ngơi nghỉ thiên nhiên cho đến cả tâm hồn con người trên hành tinh này.”…”(hết trích)

Hiển nhiên, Lê Lạc Giao viết truyện rất lạ. Mối tình cũng rất là trên mây. Cặp bạn tình thơ ấu gặp lại sau gần bốn thập niên, nàng vào phòng chàng ngủ, gối đầu lên cánh tay chàng và ngủ say sưa như một cô bé. Thế thôi, không thấy cả môt nụ hôn, lẽ ra là phải say đắm. Tình yêu của họ như dường đã vượt qua chăn gối đời thường…

Nơi truyện “Đường Gió Bụi,” khi gánh hát Cửu Long tới ngôi làng của cậu bé tên Khoa:

“…ông nội dẫn Khoa đi xem vở tuồng “Hoa Mộc Lan”. Hai ông cháu ngồi hàng ghế hạng nhất thật gần sân khấu. Tấm lòng hiếu thảo của Hoa Mộc Lan đối với gia đình và đất nước làm Khoa cảm động. Nhưng có lẽ nét diễn tả độc đáo trên khuôn mặt gái giả trai của cô đào chính kết hợp với câu ca lời hát làm Khoa thích thú nhất. Cái nhăn mặt, liếc mắt, nụ cười pha lẫn chút khinh bạc của nàng khi uống rượu trong thân phận nam nhi làm Khoa say mê. Khoa nghe tiếng vỗ tay của mình hòa lẫn với tiếng vỗ tay của khán giả khi tấm màn đỏ vừa hạ. Ra khỏi rạp hát, chen chúc trong đám người ra về Khoa nghe nhiều người bảo rằng Hoa Mộc Lan do cô đào Bích Thủy chỉ mới mười tám tuổi thủ vai.”(hết trích)

Và khi đoàn hát rời ngôi làng:

“…mang theo cô gái đã đặt trong tim Khoa một chiếc ngăn kéo chứa bao tình cảm mơ hồ đầu đời. Khoa đứng chôn chân bên góc chợ nhìn theo con đường làng heo hút chạy xuyên qua chân núi. Con đường ấy dẫn đến một chiếc đèo dốc thẳm và bên kia là đại dương…”(hết trích)

Nơi truyện “Còn Một Giấc Mơ…” Lê Lạc Giao kể về ông cụ tên Của, là người đánh quần vợt nhà nghề xếp hạng sáu của nước Pháp, sau nhiều thập niên định cư ở Paris, thế rồi nằm mơ thấy lũy tre Việt, và ông nhớ quên hương tới mức phải tìm cách để nghe tiếng mưa rơi quê cũ:

“…Kìa là lũy tre làng năm xưa, nọ là khóm trúc vàng đầu nhà nơi ông được sinh ra. Tiếng gió thổi rì rào, xào xạc, rồi kẽo kẹt như tiếng võng đưa chen lẫn mơ hồ có tiếng ru con vẳng lại. Tỉnh giấc, ông Của còn bâng khuâng với dư âm giấc ngủ quê nhà.

Giấc mơ ấy đến với ông và lớn dần theo ngày tháng. Cho đến một hôm ông nhận ra đó là nỗi nhớ quê nhà của một con ngựa đã già, cất tiếng hí dài mỗi khi gió Bấc trở lại. Ông Của không lừa dối mình được nữa mà tự bảo lá rụng tất về cội. Từ đó mỗi đêm trước khi đi ngủ, ông nới thật nhẹ vòi nước để từng giọt chầm chậm rớt xuống chiếc đĩa sứ dưới sàn. Tiếng nước rơi nghe tí tách trong đêm như tiếng mưa từ mái tranh quê cũ…”(hết trích)

Năm 1968, ông Của về nước; lúc đó, ông 61 tuổi. Ông mua một căn nhà bề thế ở đường Tú Xương và làm huấn luyện viên quần vợt cho CSS, một câu lạc bộ thể thao lớn nhất Sài Gòn. Sau năm 1975, ông bị chính phủ lấy nhà, và rồi ông thất nghiệp, bán dần dần đồ đạc để sống qua ngày. Chỉ đỡ hơn một chút, khi đi bán dạo báo Tin Sáng, thế rồi báo này cũng đóng cửa. Khi chính quyền đổi mới, nghề dạy quần vợt của ông Của được ưu đãi trở lại. Tác giả kể:

“Năm ấy ông Của bảy mươi bốn tuổi. Ông mất đúng mười ký lô tính từ ngày miền Nam mất vào tay cộng sản. Ông cầm lại cây vợt như đoàn tụ với người yêu quý nhất dù đôi tay ông không được nhanh nhẹn dẻo dai như trước. Ông Của tạm sống ổn định trong vai trò tổ trưởng tổ huấn luyện quần vợt của Câu lạc bộ Lao Động cùng ba người bạn thế hệ sau ông, sáng đạp xe đi chiều đạp xe về như những viên chức thư lại của chế độ.

Mỗi tháng ông dự hai kỳ họp tổ để báo cáo kết quả huấn luyện cho cán bộ văn hóa thể thao của câu lạc bộ. Bấy giờ ông không nề hà bất kỳ công việc gì miễn nó liên quan tới nghề cầm vợt của ông. Ông tận tình chỉ dạy đám môn sinh mới cách cầm vợt hai tay, chặn banh, kéo vợt từ đàng sau, đỡ cú đánh trái phải, và đặc biệt các cú giao banh thần tốc là cả một nghệ thuật của môn quần vợt. Ông Của tỉ mỉ nói về các mánh khóe và tập quán của những tay vợt quốc tế trong khi thi đấu.

Học trò quý mến ông thực tình, chăm chỉ thực hành những điều ông chỉ dạy. Họ là đám thanh niên mới lớn, con cán bộ đảng viên và đám người giàu có mới nhờ thời cuộc.”(hết trích)

Ông Của trở thành bạn vong niên với người xưng tôi trong truyện. Ông kể về cuộc đời của ông, để lại cuốn tiểu thuyết đầu tay, và rồi:

“…. Ông đứt mạch máu não khi vung tay đỡ một cú đập tay trái quá mạnh của một người học trò. Ông ráng quá sức vào đúng giữa trưa trong cái nắng gay gắt trên sân quần vợt Hai Bà Trưng và đã ngã xuống trên mảnh đất từng nuôi sống ông cũng như cho ông mọi thứ trên đời.

Ông Của hưởng thọ bảy mươi chín tuổi. Chung sự của ông dù lúc còn sống ông không thèm đếm xỉa tới nhưng lúc chết lại tốt đẹp vô cùng. Đám học trò lo cho ông đầy đủ không kém cái chết một người khá giả, từ cỗ áo quan đến lúc thiêu xác. Đông đảo người đi đưa tiễn ông, trừ tôi còn ở tận dưới quê.”(hết trích)

Nơi truyện “Mọi Nỗi Buồn Đều Riêng Tư,” nhân vật chính tên Chinh, quen với:

“Tammy bốn mươi tuổi, là nhân viên tài chính của một công ty địa ốc lớn của San Diego County. Cô dong dỏng cao, ăn mặc giản dị nhưng vẫn không che giấu được một vẻ đẹp tiềm ẩn, duyên dáng và sắc sảo. Trên khuôn mặt cô lúc nào cũng ẩn hiện sự buồn bực kỳ dị, Chinh không hề thấy Tammy mở miệng cười trong suốt hai tháng đầu quen biết cô. Sau khi hoàn tất bộ hồ sơ tài chính mua căn nhà mà Chinh đã dọn vào ở được ba tháng, anh cố làm quen Tammy qua những lần gọi điện thoại xin ý kiến về việc tái tài trợ căn nhà vừa mới mua vì phân lời xuống thấp. Muốn làm bạn, Chinh thẳng thắn nói với cô mình ly dị vợ.”(hết trích)

Cô Tammy kể với Chinh rằng cô được ba mẹ ru bằng thơ tiền chiến, và cô bệnh vì quên thơ:

“… Tammy nói tiếp:

“Tôi khó ngủ từ thuở bé và chỉ khi cha mẹ tôi ngâm thơ, hay đọc thơ tôi mới ngủ được. Cha tôi ngâm thơ rất hay và mẹ tôi thì thuộc hầu hết các bài thơ tiền chiến. Khi còn ở bậc tiểu học, tôi đã nhạy cảm với thơ, những bài thơ nào cha mẹ từng ru tôi ngủ, tôi có khả năng nghe một lần là thuộc.”

“Thế bây giờ cô còn nhớ hay không?”

“Lúc gia đình sang Mỹ tôi chỉ mới mười tuổi nhưng trong đầu tôi đã thuộc hơn trăm bài thơ.”

“Tất cả đều là thơ tiền chiến?”

“Đúng vậy! Sau này vì chỉ học tiếng Mỹ nên tôi quên dần những bài thơ ấy. Và do quên nó dần nên tôi đồng thời bắt đầu bị bệnh mất ngủ.”…”(hết trích)

Và sau khi ba mẹ mất, cô đang học năm thứ hai đại học, rồi cô lang thang bụi đời:

“…Kết quả lang thang ấy đã cho cô người bạn trai Mỹ, Harry. Hai người chung sống với nhau được hơn sáu tháng thì Harry bị bắt vì tham gia đường dây buôn bán ma túy. Lúc Tammy đang dự tính trở về nhà cô gặp lại Ngân, người thầy Việt Nam dạy môn toán năm cô học lớp 12. Họ kết hôn.

Tammy bảo ngày ấy cô và Ngân rất yêu nhau, nguyên nhân họ ly dị là vì Ngân không thể chịu đựng được đêm nào Tammy cũng phải nghe ngâm thơ và đọc thơ thì cô mới có thể thiếp đi trong giấc ngủ bình yên.”(hết trích)

*

Vậy đó, tôi đã say sưa đọc tập truyện “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” của Lê Lạc Giao. Những trang giấy lật qua, những ngày trong đời trôi đi, và rồi những mảnh trăng tan vỡ, rơi chìm vào lòng tôi.

Khi trang giấy khép lại, vẫn còn vọng lên những tiếng nghiên răng của một ngôi làng Thanh Hóa, và rồi nghe như tiếng nghiến răng của cả quê hương, nơi những cậu chăn trâu một hôm bỏ bờ cát trắng để vào núi và nhiều thập niên sau trở thành chủ tịch tỉnh.

Xen lẫn giữa tiếng nghiến răng và tiếng đàn vĩ cầm của một tuổi thơ dưới vầng trăng xẻ đôi, là ký ức của cậu Khoa văng vẳng tiếng hát của cô đào Bích Thủy trong vai Hoa Mộc Lan khi gánh cải lương tới hát ở một ngôi làng miền trung.

Đẹp, thơ mộng và đau đớn. Truyện của Lê Lạc Giao đã trải được hồn dân tộc lên giấy mực, nơi đó ngay cả một phụ nữ 40 tuổi như Tammy với ký ức tiếng Việt của thời 10 tuổi sang Mỹ, vẫn mất ngủ hàng đêm cho tới khi ý thức rằng cô cần đọc lại thơ tiền chiến, những dòng thơ ba mẹ dùng để ru cô từ thơ ấu.

Tôi đọc truyện của Lê Lạc Giao, và như chết đuối giữa những mảnh hồn tan tác trong truỵện. Tất cả các nhân vật trong truyện đều đau đớn, tan vỡ theo hoàn cảnh riêng theo dòng chảy lịch sử.

Trân trọng cảm ơn nhà văn Lê Lạc Giao. Chữ của anh rắc vào truyện chính là các mảnh trăng vỡ ra trên dòng sông tuổi thơ — của anh, và cũng là của những người bị lịch sử những thập niên vừa qua vùi dập, như tôi.

Tập truyện dày 306 trang, bán giá 20 USD trên mạng Amazon.com — tìm bằng cách gõ “le lac giao” hay gõ “nua vang trang ky uc”…

Phan Tấn Hải

Leave a comment