Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Những thế giới mù của Đinh Linh – Đinh Từ Bích Thúy

Đinh Từ Bích Thúy

Những thế giới mù của Đinh Linh

Nguồn: https://damau.org/18381/nhung-the-gioi-mu-cua-dinh-linh

Đinh Linh

(Lời Bạt trong Tuyển Tập Thư Lạ (Văn Mới: 2007))

Tên say #2: Nhà văn phải biết xào nấu
Những chuyện khai vị về bọn người cận thị
Với cái nhìn mù mờ về hạnh phúc ….

Drunk #2: Writers should learn how to dish up
Small tales about myopic people
With a dim view of happiness ….

Đinh Linh, “What’s Wrong with American Literature?” (“Có điều gì sai lạc về văn chương Hoa Kỳ?”)1

Trong tuyển tập Thư Lạ, phần lớn những truyện của Đinh Linh nói lên ý niệm mù: mù lòa trong nghĩa đen như một khiếm khuyết của giác quan; mù lòa như một tình trạng lưu đày, tù tội; mù lòa như sự mê tín; mù lòa như những mập mờ về ngôn ngữ, bản sắc, văn hóa và lịch sử; mù lòa như một trạng thái duy ngã; mù lòa như một cách trốn tránh trách nhiệm và sự thật. Trong truyền thống văn chương khai phá, Đinh Linh, cận thị, đã nối gót James Joyce và Jorge Luis Borges. James Joyce bị bệnh tăng nhãn áp (glaucoma) và dục thể thủy tinh (cataract), đã có hơn 12 lần mổ mắt trước khi chết. Borges than vãn bị lưu đày trong mê lộ đen kịt của bệnh mù gia truyền cùng lúc nhà văn được ủy phong chức quản lý thư viện quốc gia của Argentina: “Tôi được món quà của gần một triệu cuốn sách đúng lúc mắt tôi không còn đọc được những tựa đề ngay trên gáy sách.”2 Tuy nhiên, Borges đã kết luận,

Nếu nói đến trách nhiệm của người nghệ sĩ, sự đui mù không phải là một bất hạnh hoàn toàn… Một người cầm bút, hoặc bất cứ một người nào đi nữa, cần phải tin rằng bất cứ những gì xảy ra cho họ là một phương cách… Mọi thứ đã xảy ra vì một mục đích nào đó… để giúp chúng ta chế biến những thảm trạng khốn cùng của đời sống thành những điều vĩnh cửu, hoặc hướng về vĩnh cửu. Nếu một người mù nghĩ như vậy, hắn sẽ được cứu rỗi.”3

Thảm trạng bị mờ mắt kinh niên hình như đã làm Joyce thành một nhà văn… nổi loạn tiền phong. Không chịu được sự đè nén ngộp thở của ý thức hệ gia đình, quốc gia và tôn giáo, Joyce chối bỏ quê quán làm nhà văn tha hương chuyên nghiệp, tá túc ở Zurich, Trieste, Rome và Paris. Stephen Dedalus, hiện thân của Joyce, đã cao ngạo tuyên bố trong tiểu thuyết Chân Dung Người Nghệ Sĩ (Portrait of the Artist as a Young Man), “tôi muốn rèn luyện trong lò rèn của tâm hồn ý thức chưa thành hình về chủng tộc tôi.”4 Cũng có thể so sánh, trong những tác phẩm văn xuôi (và cả thơ) của Đinh Linh, khái niệm mù vừa được dùng như một ẩn dụ trong văn chương, vừa như một sự cảnh giác liên tục trong đời sống người cầm bút có chút ý thức hệ về lịch sử, xã hội và chính trị. Trong cách phanh phui những trạng thái mù, Đinh Linh, như Joyce, như Borges, như nhà tiên tri mù lưỡng tính Tiresias trong bài thơ Đất Hoang của T.S. Eliot, đã cho người đọc dần thấy một hiện thực “toàn diện” trong vô số những vụn vỡ và phức tạp của tư tưởng, ngôn ngữ, và đời sống.

Trong “Tới Nơi Đã Ngủm,” một truyện có thể được coi như “tự truyện” của tác giả, Đinh Linh đề cập thẳng đến sự khiếm khuyết—một trạng thái mù, hoặc “chết yểu”—trong lịch sử cá nhân của chính anh: trong một xã hội chiến tranh, anh đã bị mất đi lăng kính trong veo của hạnh phúc tuổi thơ và nền tảng giáo dục căn bản. Với bố mẹ ly dị, “cậu bé” Đinh Hoàng Linh đã mất đi cột trụ gia đình. Nhà thờ cũng không phải là nơi trú ngụ lý tưởng, mà ngược lại là luyện ngục nóng bức, với những bài giảng buồn ngủ và vô nghĩa về… trâu bò và những con lạc đà không thể chui qua lỗ kim vào thiên đàng. Nhà trường là bãi chiến trường thử nghiệm của bạo lực: một thứ bạo lực được hun đúc trong đám học trò con trai bởi yếu tố lịch sử đầy những chuyện giết người cướp ngôi và cùng lúc yếu tố thời sự—những hình ảnh chết chóc trên báo hàng ngày, hay những cảnh đâm chém ngoạn mục của… Hiệp Sĩ Mù trong những phim chưởng thịnh hành ở Sàigòn trước 1975. Xã hội lai căng chỉ dạy cho thằng bé một ngôn ngữ tàn tật, phản ảnh thành kiến của truyền thống văn hóa thực dân: “Tôi biết năm thứ tiếng. Ngoài tiếng Việt, tôi biết tiếng Pháp: ‘Foo? Shoo tit shoo? Lơ, La, Lơ, La!’; tiếng Tàu ‘Xí xọn, xón xị!’; tiếng Anh: ‘Well well?’”

Là một nhà văn sáng tác trong cả hai ngôn ngữ Anh, Việt, và trong bảy năm qua đã sinh sống ở Việt Nam, Ý, và Anh, Đinh Linh hiểu được những điểm mù trong ngôn ngữ. Anh đã dùng tâm trạng “Tên Tù với Cuốn Tự Điển” để nói về hiện tượng của con người sáng tạo mất căn bản ngôn ngữ mẹ đẻ—sự đui mù như một lưu đày ra khỏi ngôn ngữ và văn hóa bẩm sinh, giam hãm nguời nghệ sĩ trong những tương đối chênh vênh bất tận:

Mặc dầu không hiểu nghĩa chỉ định của các từ trong thực tế, hắn tự cho đã hiểu chúng qua định nghĩa. Và bởi vì đang tồn tại bên trong ngôn ngữ, như một bào thai quẫy đạp tử cung, có lúc hắn tự tin có thể đoán được nghĩa chỉ định của các từ, tối thiểu là một động vật hay loại cây, một ý nghĩa tích cực hay tiêu cực. Các phán đoán của hắn luôn sai, dĩ nhiên. Chẳng hạn từ “bàng quang” với âm thanh gợi cảm giác mênh mông, mơ hồ khiến hắn đoán là từ chỉ điều gì đó trong thiên nhiên, như thời tiết, gió cuốn, mưa rào hay sấm chớp. Từ “cha” với âm sắc cô độc, trầm trọng khiến tên tù nghĩ đến chết chóc, mục nát: một xác người hay đống rác. Hắn đoán “giết người” là tên một loài hoa. Hắn đoán “tháng Bảy” là “tháng Tám.”

Sự khiếm khuyết trong ngôn ngữ và văn hóa làm cho người ta có những cái nhìn sai lệch về đối tượng, dần dà xói mòn biên giới giữa thật và giả (ngụy). Trong “Cảnh Đẹp Cali,” một thanh niên Việt Nam chủ quan đã tưởng mình được gián tiếp làm “Việt Kiều” khi hắn bận áo Ralph Lauren “hàng nhập Trung Quốc,” quần jeans “Levy’s” được trả giá rẻ; đi ăn tiệm “Cảnh Đẹp Cali” có “[Pi-dà] với lát thịt [pepperoni] trông thật nhưng phó-mát là đồ dỏm;” mua tiểu thuyết dịch của Sydney Sheldon và nhạc CD của Trịnh Nam Sơn(!)

Sự mập mờ giữa thực và hư cũng là đề tài của “Thư Lạ,” một “tự truyện” khác của Đinh Linh. Tác giả phân tách những nghịch lý về bản sắc và quốc tịch, thế nào là “người Việt”? Thế nào là “người Mỹ”? Có phải sự khác biệt không phải ở yếu tố ngôn ngữ, lãnh thổ, hoặc kinh tế, mà chỉ hoàn toàn trên phương diện giấy tờ—một mảnh hộ chiếu chứng minh quốc tịch Hoa Kỳ. Nhưng bằng chứng hộ tịch này liệu có cung cấp tức thời “độc lập tự do và hạnh phúc”? Cùng lúc, sự đui  của hoài vọng muốn thay đổi vận mệnh đã được thể hiện qua “lá thư lạ” của người em họ bên nhà vợ.
Trạng thái mù lòa có lúc không phải là khiếm khuyết của số mệnh hay thời thế, mà chính là sự chối bỏ quá khứ, xóa trắng những mất mát chiến tranh, và kiểm duyệt lịch sử. Sự mù lòa, qua chính sách mị dân, cũng được coi như một nỗ lực hướng về hạnh phúc vĩnh cửu, vì người dân mù trong một xã hội mù, như những nhân vật trong tiểu thuyết  Lòa (Blindness) của nhà văn Bồ Đào Nha José Saramago, sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy sự xấu xa của chính họ hay những chuyện xấu xa bẩn thỉu chung quanh họ. Trong “Saigon Pull,” nhân vật chính, một thương binh Việt Nam về hưu, đã suy ngẫm,

Sự thật là thế hệ trẻ rất ít khoan dung với những gì xấu xí, tồi tàn, thương tật hay không ăn ảnh. Tất cả những nhắc nhở về chiến tranh chỉ khiến chúng bối rối. Bản thân cuộc chiến đã đáng xấu hổ. Một tính toán sai lầm khổng lồ, chúng nghĩ thế. (Và dĩ nhiên chúng đúng, nhưng ai lại đi trách người như tôi vì tham dự chiến tranh, cứ như thể chúng tôi đã chọn lựa). Bây giờ chúng thấy người Mỹ thân thiện rủng rỉnh tiền bạc trên đường phố và không thể hình dung tại sao chúng tôi đã từng chiến đấu chống Mỹ.

Jacques Derrida, trong Hồi Ký của Người Mù (Memoirs of the Blind), đã đi xa hơn Borges, không coi trạng thái mù như một “tai nạn may mắn,” mà là một ý thức trừu tượng nhưng hiện hữu trong giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. Một họa sĩ vẽ theo bản năng hội họa là một họa sĩ vẽ… mù, vì hành động vẽ không hệ thuộc vào nhãn quan mà đã dựa trên ký ức và hoài bão của y. Hành động vẽ của họa sĩ thay thế cách nhìn trực tiếp với cách nhìn gián tiếp. Hành động vẽ, cũng như hành động viết, trở thành một dẫn giải riêng tư của người sáng tạo, thay vì là một sao chép thẳng từ thế giới vật thể (tuy sự “sao chép” thẳng từ thế giới vật thể khó là điều khả thi trong thời hiện đại). Đinh Linh đã là một họa sĩ trước khi trở thành nhà văn và nhà thơ. Hội họa—trong thể châm biếm—có lẽ cũng ảnh hưởng đến quá trình sáng tác văn chương của anh. (“Chợ” nên được coi như một bài thơ văn xuôi, hay một bức tranh cấu tạo bằng ngôn ngữ với sắc thái lấm láp thập cẩm của Hieronymus Bosch). Nếu ta áp dụng ý niệm mâu thuẫn về sự mù lòa của Derrida vào văn chương của Đinh Linh, thì để “nhìn rõ” văn của Đinh Linh, độc giả, như họa sĩ vẽ mù, cũng phải đọc mù.

Như những đường vẽ sẽ mãi mãi bấp bênh ở tư thế trừu tượng qua ánh nhìn của người xem tranh nếu họ không trở thành “họa sĩ nội tâm,” những điểm mù—những tình trạng thiếu ổn định về ngôn ngữ, vật thể, bản sắc, địa thế, lịch sử, xã hội—trong thế giới của Đinh Linh cần sự soi sáng từ người đọc để phát hiện toàn diện. Trong quá trình tìm ẩn dụ, người đọc trở nên người du hành trên phi cơ của “Một Chuyến Bay.” Như Đấng Sáng Tạo, người đọc chỉ có một ánh nhìn bao quát từ trên cao khi đã thu nhập tất cả những hẻm hóc và trớ trêu của đời sống—điều mà các nhân vật trong truyện, vì “mù,” đã không có ánh nhìn siêu thoát này. Nhân vật kể chuyện trong “Hai Nhà Vua” có lẽ chỉ am hiểu được bản chất của một lãnh tụ Việt Nam khi đã nhận thấy sự lầm lẫn của chính hắn về hình diện của người đàn ông mà hắn đã tưởng là một hoàng đế. Vì không thể thoát ra ngoài giới hạn của lịch sử, ông chủ đồn điền Stewart Crenshaw và người nô lệ da đen Moses bị tù túng trong vai trò “giải phóng” trao đổi tài sản và vị trí quyền lực xã hội. Crenshaw và Moses không thể hiểu được tầm mức lớn lao của cuộc trao đổi này khi còn sống trong thời đại của họ mà tưởng rằng “đời mỗi người hoàn toàn vô định, và không biểu tượng điều gì”; Skinny và Dercum, đôi bạn đồng tính luyến ái trong “Nhạc Tây,” sẽ mãi mãi như hồn ma của người lính Mỹ… mất chân vì họ không thể vượt qua bản chất duy ngã của chính họ. Trong quá trình đi tìm “thiên đường,” Skinny và Dercum không thành những nhà thám hiểm mà đã bị lưu đày trong trạng thái vị kỷ của đám người du lịch, vì họ đã không nhìn thấy những di tích chiến tranh, những bàn thờ người vong trận ở những địa danh mà họ đã đi qua. Tương tự, trong “Thị Trấn Cỗ Quan Tài Bí Ẩn,” sự lãnh đạm của xã hội trước thảm trạng nghèo đói của một vùng quê đã được “giải đáp” bằng một truyện mê tín hoang đường của một quan tài đi “lùng” xác chết; trong “Cảnh Đẹp Cali,” người thanh niên muốn trút bỏ mặc cảm tự ti về văn hóa, nhưng không khác Lọ Lem… hoàn diện Lọ Lem sau buổi dạ vũ, hắn chui xuống gầm bàn “tìm mãi tìm mãi nhưng chẳng thấy vật muốn tìm.”

Cuối cùng, có lẽ chân lý của đời sống sáng tác là sự thành đạt của “Ông Nội Ngoại Hạng,” người đã nhìn thấy tất cả và đã thấu hiểu sự bình đẳng hiện sinh của kiếp người, “Tất cả lão già đều giống hệt nhau, kinh tởm và bị kinh tởm.” Cuối cùng, có lẽ Borges, một nhà văn mù thật sự, chứ không phải Derrida, một triết gia bị bệnh không chợp được mi mắt trong một thời gian ngắn, là người chính xác hơn. Tác động nghệ thuật chính nó không phải là tác động trừu tượng, mà là một tác động tự nhiên và căn bản cho kinh nghiệm làm người, phát xuất từ ý chí được bảo tồn, để gây dựng lại một tân thế giới hoàn hảo và bất diệt—vượt qua hết những bế tắc giữa cá nhân và tập thể, như Hồ Mười đã kết luận , trong “!”:

Khởi đầu mọi sự có vẻ hỗn loạn, nhưng chẳng có gì hỗn loạn cả. Người ta có thể tưởng mình đang vẽ tranh trừu tượng, nhưng chẳng có tranh trừu tượng nào, chỉ có những hình thể được (hay bị) trừu tượng hoá. Mỗi mặt phẳng nằm ngang là một phong cảnh bởi vì chúng biểu lộ chân trời. Mỗi màu sắc đều có những liên hệ chung và riêng. Màu đỏ có thể gợi kinh hoàng trong nền văn hóa này, hay một hứng khởi trong nền văn hóa khác,nhưng màu đỏ vẫn là màu đỏ, vẫn là máu. Màu xanh lục luôn gợi đến hình ảnh cây lá và áo dài xanh xinh đẹp.

Trước thế giới “có vẻ hỗn loạn” của Đinh Linh, người đọc đã được mở mắt vĩnh viễn.

Hoa Thịnh Đốn, 6-4-07

Ghi chú:
1 American Tatts (Chax Press, 2005), p. 88. (Đinh từ Bích Thúy trích dịch đoạn thơ của Đinh Linh và những đoạn về Borges và Joyce đề cập trong chú thích dưới đây.)
2 Virginia Stem Owens, “Led by the Blind,” trong tạp chí Books & Culture, May/June 2003.
3 Như trên.
4 Như trên.

Leave a comment