Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Mặt trời phía sau – Trần Vũ

Trần Vũ

Mặt trời phía sau

Trương Vũ

Luôn bắt đầu bằng một hình ảnh. Điểm xuất phát phải là một hình ảnh trong đầu mà tôi muốn người đọc nhìn thấy. Hình ảnh ấy mang một xúc động, một cảm giác mà tôi cố gắng tường thuật trên giấy. Tôi chưa rõ nội dung khi bắt đầu viết, tôi không biết liệu sẽ tạo ra một câu chuyện hai trang hay một trăm năm mươi trang, hay cuối cùng sẽ không thành gì hết – chỉ một đoản thiên rồi không đi đến đâu, không khai mở điều gì…”

Eduardo Halfon, cách đây nhiều năm kể về cách hình thành văn bản của chính mình. Halfon chuyên truy lùng căn cước di dân qua trôi giạt rồi tìm về cội nguồn bị áp bức. Có gì giống giữa Trương Vũ với Halfon, một nhà văn Do Thái sinh tại Guatemala?

Giống ở sự trôi giạt. Sự ly tán gia đình. Nhìn cách này, Trương Vũ gần với Halfon: “Nhiều thứ đã đi vào quá khứ nhưng vẫn để lại những dấu vết sâu đậm trong tim mình. Tôi muốn nói về một câu chuyện thật, được kể lại để làm nền cho tác phẩm The Bridge on the Drina (Chiếc Cầu trên sông Drina) của nhà văn Nam Tư (Yugoslavia) Ivo Andric’, người đoạt giải thưởng văn chương Nobel 1961. Tác phẩm lấy bối cảnh của thành phố Visegrad của Bosnia từ thế kỷ 16 trở về sau. Đây là nơi thường xuyên chứng kiến những tranh chấp tàn bạo giữa hai đế chế Thổ và Áo-Hung, và cũng là tranh chấp giữa Hồi Giáo với Thiên Chúa Giáo (gồm Công Giáo và Chính Thống Giáo) liên tục suốt 400 năm. Để ngăn chận sự phát triển của Thiên Chúa Giáo, người Thổ tổ chức bắt cóc những đứa con nít thuộc gia đình Thiên Chúa Giáo, thường là những gia đình nghèo, đưa sang vùng cai trị của Thổ, bên kia sông Drina. Những đứa bé này được cải sang đạo Hồi và lớn lên như người Thổ. Rất nhiều bà mẹ đưa con đi chợ với mình, quay nhìn lại không thấy con đâu, rượt theo kẻ cướp cho đến bờ sông Drina, dừng lại, ngơ ngác nhìn theo chiếc phà chở con qua sông. Lúc đó, phà là phương tiện duy nhất để qua sông. Bên kia là vùng cai trị của đế quốc Thổ.

Thời gian đầu ở Mỹ, cả gia đình tôi còn lại Việt Nam. Hình ảnh những bà mẹ đứng ngơ ngác bên này sông Drina luôn ám ảnh. Có nhiều đêm, tôi nằm mơ thấy dẫn các con đi chơi, đang ngồi ăn uống vui vẻ, chợt nhìn lại không thấy con mình đâu.” [Trương Vũ/ Mưa Ướt Vị Thành] 

Halfon không khác, trong sự phát tán: “Bốn ông bà tôi sinh ra: một ở Liban, một ở Ba Lan, một ở Ai Cập và một ở Syrie. Tình cờ tất cả đều đến Guatemala vào giữa thế kỷ 20, bằng lang thang du mục không có gì khác ngoài Do Thái giáo. Nhưng tôn giáo không đủ lấp mất mát và ngơ ngác. Họ đánh mất người thân trên các lục địa khác. Đánh mất vì nhiều lý do mà tôi chưa biết hết. Khổ đau và cô độc thì tôi đã nhìn thấy trong mắt họ.”

Eduardo Halfon và Trương Vũ còn chung cách hình thành văn bản từ một hình ảnh.

Ở Halfon, là trận nắng: “Khi viết Tu Viện, hình ảnh mà tôi có trong đầu là cảm giác khó chịu của một ngày về đến Israël, không muốn về, nhưng bị thúc đẩy bởi một thứ bổn phận đầy phiền toái bắt buộc tham dự đám cưới của chị mình. Bên trong tấm ảnh ký ức còn tất cả sức nóng ngột ngạt của sân bay Tel Aviv. Là hình ảnh đầu tiên khi tôi đặt bút viết.” [Eduardo Halfon/ La Fiction m’aide à passer de l’Individuel à l’Universel].

Ở Trương Vũ, là trận mưa: “Tôi nhớ những cơn mưa ở Việt Nam, Nha Trang hay Sàigòn. Mưa Sàigòn thường đến ào một cái rồi ngưng. Mưa Nha Trang kéo dài lâu hơn, nhiều khi dầm dề, và cái cảm giác ướt át lành lạnh nó để lại thường dai dẳng. Tôi nhớ những buổi tối, ở xa về, tôi lang thang trên bãi biển dưới mưa, nhiều đêm mưa tầm tã vẫn không muốn về. Tôi nhớ những ngày còn ở trung học, ngồi trên thềm nhà đọc sách, nước mưa rơi xuống từ mái hiên, thỉnh thoảng những giọt mưa tạt nhẹ vào người. Tôi nhớ những đêm mưa tôi dạy học trong một lớp luyện thi. Học trò từ nhiều trường khác nhau, Lê Quý Ðôn, Võ Tánh, Nữ Trung Học… Lớp học mượn của đình Phương Câu, trống một bên. Khi gió lớn, cả thầy lẫn trò đều ướt. Bốn mươi lăm năm đã qua rồi, tôi vẫn còn nhớ rất rõ nét mặt một số học trò trong lóp đó. Tôi còn cảm nhận được cái lành lạnh của nước và mường tượng âm vang tiếng cười giòn của các em khi cố lách mình tránh mưa.” [Trương Vũ/ Những Cơn Mưa Ngày Cũ].

Đến đây chấm dứt sự giống nhau, vì Halfon truy tìm nguồn gốc của thảm kịch, còn Trương Vũ tìm sự lạc quan sau bi kịch. Trận nắng của Halfon là trận nắng của thực tại bực bõ khi về quê. Cơn mưa của Trương Vũ không phải mưa bi lụy mà mưa qua lớp học, với học trò. Halfon xây cất tiểu thuyết trên sân phi đạo Tel Aviv của một Do Thái kiều hồi hương, Trương Vũ xây cất tiểu luận trên nền gạch ướt mưa của sân trường cũ. Hai tâm thức. Hai hướng đến.

oOo

Tháng 5-1979 tôi đạp xe vào ngôi hẻm trên đường Hiền Vương. Ngôi hẻm có hiệu phở đầu ngõ trông sang cây xăng dẫn vào đường Duy Tân. Tôi đến chào thầy Lâm Ngọc Oánh. Tôi nói với thầy: “Em đến chào thầy.” Hai chữ vượt biên không thốt ra. Thầy Lâm Ngọc Oánh nhìn tôi đăm đăm, thầy không một lần hỏi vì sao, không một lần phát âm hai chữ vượt biên. Tháng 5-1979 là cao trào của vượt biên bán chánh thức, các học trò của thầy thay nhau biến mất. Thầy hiểu nên không cần hỏi và ban lời duy nhất: “Em đừng làm gì để bản thân, gia đình và dân tộc bị khinh.” Tôi không gặp lại thầy nữa.

Tháng 5-2019 tôi nhận sách tặng của một người thầy khác: thầy Trương Hồng Sơn, bút danh Trương Vũ. Tôi không học với thầy Sơn nhưng thầy Oánh và thầy Sơn đối với tôi không khác lắm, cả hai là sản phẩm của miền Nam, những giáo chức tận tụy và nhận lại ở học sinh lòng kính trọng cùng thương mến. Khác biệt là thầy Oánh ở lại và thầy Sơn ra đi. Chính nhờ ra đi mà thầy Trương Hồng Sơn trở thành khoa học gia rồi nhà văn, họa sĩ Trương Vũ. Nhưng thầy Sơn trở về và cho xuất bản Đuổi Bóng Hoàng Hôn.

Vì sao tựa này?

Đuổi theo chiếc bóng tuổi trẻ của chính mình khi bóng xế chiều tà hay xô đuổi ánh chạng vạng để thấy mặt trời phía sau bóng tối? Đọc hết tập sách, tôi có câu trả lời: cả hai. Chính ý nghĩa của cả hai: Mặt trời đã sau lưng vì tuổi già ập đến nhưng vẫn còn phía trước, phía sau hoàng hôn cho một tuổi trẻ khác. Ý nghĩa này là tựa sách. Một mặt trời của quá khứ và tương lai, từ một điểm nhìn là sân trường Việt.

Vị trí ấy giải thích vì sao Đuổi Bóng Hoàng Hôn là một tập tiểu luận pha tùy bút. Vì sao Trương Vũ chọn lối văn tâm tình ngay cả trong những chương thuần tiểu luận. Không hành văn hàn lâm, không phương pháp luận giải đại học mặc dù tác giả rất am tường. Vì là lời khuyên và tâm tư của một thầy giáo. Nếu, vẫn còn chút ít chất sư phạm mà Trương Vũ thừa nhận: “nghề dạy học, với thêm chút tự phụ, dần biến tôi thành một người mô phạm trong cái nghĩa nghiêm túc và nghiêm khắc.” thì ưu điểm nằm trong cách trao đổi thẳng thắn với các học sinh mà Trương Vũ xem đã trưởng thành, ngang hàng. Đuổi Bóng Hoàng Hôn phải nhìn ở góc độ này: 2/3 được viết cho học trò cũ và tuổi trẻ ngày mai, 1/3 còn lại cho các bạn cũ. Trong tổng thể, vẫn là cho tuổi trẻ.

Thể tiểu luận khá hiếm trong ngành xuất bản tiếng Việt. Vì ít bán chạy. Vì khô khan. Đuổi Bóng Hoàng Hôn không vậy. Nhờ vào tính chất trữ tình của giọng văn. Nhờ vào điều Trương Vũ tự nhận xét: Sau này lên dạy đại học, tôi càng trở nên nghiêm khắc hơn với học trò mình, với nhiều người xung quanh nhưng lại ít nghiêm khắc với chính mình hơn.” Chính sự thiếu nghiêm khắc đó cho chúng ta những chương Mưa Ướt Vị Thành, Nói Với Chàng Siêu, Lá Mùa Thu, Nắng vàng Trong Rừng Khô, Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương, Về Lại Sorrento.

Đuổi Bóng Hoàng Hôn còn bật lên hình ảnh những ngôi trường. Giáo Dục Việt Nam: Những Vấn Đề Căn Bản là chương quan trọng. Trương Vũ là nhà văn tỵ nạn đầu tiên đặt vấn đề cải cách giáo dục quê nhà, ở vào thời điểm chưa ai bàn đến và chưa nhiều sự kiện tha hóa. Khi biết những kiến nghị, đề nghị, hay đề xuất ngay cả của những nhân sĩ thậm chí của các công thần khai quốc “phục viên” vẫn không được Đảng đương quyền liếc mắt, càng thấy sự tha thiết của một giáo chức miền Nam, là thầy Trương Hồng Sơn. Vĩ tuyến 17 còn hay mất? Thắng trận hay bại trận? Không trầm trọng. Trầm trọng là tương lai. Chức năng của một giáo sư là đào tạo và chuẩn bị cho học sinh bước vào tương lai. Trương Vũ, tức thầy Trương Hồng Sơn không quên điều này. Chương 7 của tập sách là tâm huyết của thầy.

Bỏ ra nhiều công sức thâu thập tổ chức học đường của các quốc gia Á châu, cập nhật với giáo dục Hoa Kỳ và phóng chiếu ngược vào học đường miền Nam, Trương Vũ so sánh từng quốc gia, chỉ ra bất cập căn bản của hệ thống XHCN và đề xuất cải cách. Ba suy nghĩ chính của Trương Vũ là Đại học tự trị, Đãi ngộ giáo chức và Sự Tự do bình đẳng giữa sinh viên với giáo sư trên lĩnh vực tư duy và phát kiến. Không mới với phương Tây, nhưng là hy vọng của một thầy giáo vẫn nghĩ còn trách nhiệm với tuổi trẻ quê cũ.

“Ðiều cần ghi nhận trong giáo dục toàn diện, không riêng gì cho Singapore, là phần đức dục phải bao hàm tính trung thực, trong sáng, hồn nhiên; phần trí dục phải bao hàm khả năng suy tư độc lập và tôn trọng sự khác biệt; phần mỹ dục phải bao hàm khả năng sáng tạo và khả năng làm đẹp cuộc đời; và phần giáo dục tính xã hội phải bao hàm khả năng biết tôn trọng tính đa dạng của cộng đồng và xã hội. […] Một nền giáo dục thực sự phát triển con người toàn diện không thể là một nền giáo dục nhằm phục vụ một chế độ, một quan điểm chính trị, một tập thể lãnh đạo, một giai cấp, một tôn giáo,v.v. Lỗi lầm quan trọng nhất trong giáo dục Việt Nam lại nằm ở điểm này. Ở miền Bắc trước khi chiến tranh chấm dứt, và ở cả nước trong khoảng gần 20 năm tiếp theo đó, nó là một nền giáo dục của xã hội chủ nghĩa, nó không chấp nhận những mô hình xã hội khác, những tư duy khác. Bên cạnh đó nó là một nền giáo dục mang tính giai cấp, dành đặc quyền giáo dục cho một thành phần của xã hội. Ngày nay, tính giai cấp quả thật đã giảm đi nhiều. Riêng về các môn học như Triết học Mác-Lê-nin, Chủ nghĩa khoa học xã hội, Lịch sử Ðảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v. dù thực tế cho thấy sự thất bại không thể chối cãi của mô hình xã hội chủ nghĩa, chúng vẫn còn là những môn học bắt buộc và chiếm một thời lượng không nhỏ trong chương trình học và cả trong thi cử. Dù rằng, không phải đến bây giờ mà đã hơn mười năm trước đây, các môn học này đã được xem là những môn mà “thầy không muốn dạy, trò không muốn học”. Sự bắt buộc này kéo theo một vấn nạn khác của giáo dục: buộc học trò chấp nhận và sống với sự giả dối và bất công. Nhất là bất công với những triết thuyết khác, những đóng góp trí tuệ khác trong suốt quá trình phát triển của nhân loại. Theo Quốc Việt, “Việc đưa lịch sử đảng cộng sản, chứ không phải lịch sử quốc gia và dân tộc thành một môn học bắt buộc là một việc không những đi ngược lại với yêu cầu của xã hội mà còn phản lịch sử, phản dân tộc, và phản tiến bộ.” […]

Giáo dục Việt Nam cần giảm bớt mô thức giảng dạy áp đặt và tăng cường mô thức gợi ý.

Cần giảm thiểu sự mệt mỏi của học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học. Ðặc biệt, nên giảm bớt lượng kiến thức hay thông tin trong chương trình học. Nhắm đến một hành trình lâu dài hơn của con người. Không nên để họ gục ngã sớm về đầu óc.

Ðặt nặng vào việc đào tạo giáo chức và dành những đãi ngộ đặc biệt cho họ. Trong trường hợp các nước đang phát triển như Việt Nam, giáo chức phải được tuyển chọn từ thành phần ưu tú nhất của đất nước. Trong thực tế, một thanh niên ở tuổi 18 mới bước chân vào đại học chưa có ý niệm gì về những vấn đề như yêu trẻ, như hết lòng đào tạo tốt những thế hệ tương lai của đất nước. Chỉ có lòng tự hào, sự đãi ngộ và vị trí xã hội mới lôi kéo được các sinh viên ưu tú nhất vào các trường sư phạm, gần giống như cái cách mà nước Pháp đã dành cho sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm của họ, hay chính sách của Ðại Hàn như đã trình bày trên đây. Ðiều này đòi hỏi một chính sách ưu đãi từ phía chính quyền và một thái độ yểm trợ tinh thần từ xã hội.

Ðối với các trường đại học, ngoài việc áp dụng chương trình giảng dạy theo mô hình của các quốc gia tiên tiến tây phương, quyền tự trị đại học cần được ban hành cho đại học Việt Nam. Thiếu sự tự trị, đại học Việt Nam khó thể hoàn tất vai trò đào tạo trí thức của nó. Ðây có thể là một liều thuốc đắng nếu chính trị xem đại học như một lực lượng đối kháng nguy hiểm. Nhưng, đây lại là một điểm chuyển hướng quan trọng để những thành phần tốt nghiệp đại học trong tương lai không mang mặc cảm nào với những đồng nghiệp ở các nước tiên tiến, đặc biệt ở các nước Á châu vốn trước đây có cùng điều kiện văn hóa, giáo dục, kinh tế với Việt Nam, như Ðại Hàn và Ðài Loan. Từ điểm chuyển hướng đó, họ mới có thể đóng góp cho đất nước bằng tất cả sức mạnh tinh thần, lòng hăng say, và niềm kiêu hãnh của họ. Ðừng nên quên một thực tế này, một sinh viên Việt Nam nếu bằng cách nào đó ra khỏi nước, vào học các trường đại học của tây phương, khi trở về (ngay cả khi  quyết định ở lại ngoài nước) thường được coi trọng hơn là nếu anh ta chọn ở lại với trường đại học trên quê hương. Sự kính trọng đó phát sinh từ những điều kiện về giáo dục mà sinh viên đó được hưởng ở nước ngoài, bao gồm những điều kiện mà anh ta hoàn toàn bị từ chối nếu chọn ở lại trên quê hương. Ðây là một bất công rất khó giải thích.

Ðề nghị sau cùng, và có lẽ là đề nghị quan trọng nhất, là nhà nước Việt Nam nên xem phát triển giáo dục toàn diện là ưu tiên hàng đầu của quốc gia, xem nguồn nhân lực được đào tạo qua giáo dục là tài nguyên quí giá nhất của đất nước. Và, khi làm chính sách giáo dục đặt trọng tâm vào những mục tiêu lớn như đào tạo con người trung thực, có sáng tạo, có tư duy độc lập, biết tôn trọng sự khác biệt, v.v. bên trên sự chuyển giao tri thức.  Và, quên đi những gì thực sự không còn giá trị nữa. [Trương Vũ/ Giáo Dục Việt Nam: Những Vấn Đề Căn Bản]

Những điều trên, thầy Trương Hồng Sơn viết đã hai thập niên, còn nguyên giá trị.

oOo

Đuổi Bóng Hoàng Hôn bao gộp 8 tiểu luận với 2 điểm sách và 10 tùy bút. Đặt sang bên những ghi của tác giả dành cho những người bạn, rồi tùy bút kỷ niệm, còn lại là những luận đề và kiến giải mang những chủ đề vô cùng khác biệt, tách bạch và riêng rẽ. Thông điệp nào chung giữa chúng?

Chương 12: Trương Vũ khảo sát bối cảnh lịch sử hình thành của tạp chí Sáng Tạo (như Lukács luôn yêu sách) với khả năng đổi mới sáng tác của từng thành viên, từ Duy Thanh, Ngọc Dũng đến Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền xuyên qua đánh giá công lao của Mai Thảo. Điểm gây chú ý là tác giả trình bày chi tiết những va chạm với Nhất Linh khi Nhất Linh rời Đà Lạt cho ra mắt Văn Hóa Ngày Nay.

Trương Vũ trích tấn công của Duy Lam: “Không biết rõ trong thực yế phản ứng của nhóm Sáng Tạo như thế nào đối với VHNN, nhưng sự cọ xát phải lên đến một mức độ trầm trọng. Ðến nỗi Nhất Linh đã cho đăng những bài công kích hay chế giễu Sáng Tạo. Một cách không công khai như bài viết của Thu Vân trên VHNN số 3, hay tương đối công khai như bài viết của Duy Lam trên số VHNN Giai Phẩm Xuân 1959: “…đến gần mới biết đó là một họa sĩ của nhóm Sáng Tạo (…) Họa sĩ vẽ tài thật, tác phẩm của họa sĩ thật thể hiện được hết tinh thần và tinh túy nội ngoại của đống rác (…) Bước chân vào tòa báo Sáng Tạo tôi lấy làm lạ vì thấy mỗi người đứng một góc phòng trước một bàn thờ nhỏ treo một bức ảnh bán thân. Họ làm đèn khấn vái rất thành kính và lễ luôn tay. (…) Tôi đến sau lưng văn sĩ M.T. người chủ trương nhóm S.T. anh cũng không hay biết. Lắng tai tôi nghe thấy anh khấn: ‘Trời ơi! Người là một người siêu phàm! Người là tất cả. Người ngự trị trên thế giới này! Ta kính phục người, trọng người vô vàn!…’

Tò mò tôi nhìn lên bàn thờ thì chợt giật mình kinh hoảng vì lạ thay anh M.T. đang lễ ảnh anh M.T.! Qua thăm những bàn thờ khác thì đại loại đều thế cả (…)” 

Rồi đúc kết: “Thực tế, mặc dầu được sự đón nhận vô cùng nồng nhiệt từ lúc đầu, trong sự cọ xát đó, người đọc hờ hững với Văn hóa Ngày nay (VHNN). Tạp chí VHNN kéo dài không được hai năm thì đình bản. VHNN quy tụ được rất nhiều cây viết có thực tài. Thế nhưng, nếu nhìn VHNN như một vận động văn học thì ảnhh ưởng của nó trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam lại rất khiêm nhường.

Ghi lại những cọ xát đó cùng với cách kết thúc đó chỉ để nói lên một điều: miền Nam đã thay đổi nhiều lắm. Mặc dầu rất kính trọng Nhất Linh, người đọc sách ở miền Nam không còn muốn thu mình trong cái thế giới văn chương của ông nữa. Họ gần với Sáng Tạo hơn. Không có gì sai trong chủ trương “văn phải dựa vào thời gian và dựa không gian để vượt không gian”. Rất đúng là đằng khác. Tuy nhiên cái thế giới văn chương của Nhất Linh ở VHNN vẫn còn quẩn quanh trong văn chương của trường ốc. Ngoài văn chương cổ điển Việt Nam và Trung Quốc, nó thu hẹp trong ảnh hưởng văn chương Pháp của thế kỷ 19 cộng với Leo Tolstoi và Dostoievski của Nga. Trong suốt các số VHNN, người đọc không thấy sự hiện hữu của thế kỷ 20, cũng như không thấy có dòng văn học nào khác ở thời đại này.

Vào thời điểm đó, sự khao khát sống vượt ra ngoài cái thế giới nhỏ bé của miền Nam đã rất lớn. Những ý thức về độc lập và bình đẳng cũng đã bắt đầu ăn sâu. Có lẽ vì vậy mà tính cách của xã hội miền Nam và của văn học miền Nam gần với Sáng Tạo hơn là với VHNN.” [Trương Vũ/ Vị Trí Của Sáng Tạo Trong Sự Phát Triển Văn Học Miền Nam Sau 1954]

Trong đúc kết này, người đọc bắt gặp lại câu kết của Chương 7 Giáo Dục Việt Nam: Những Vấn Đề Căn Bản: “Và, quên đi những gì thực sự không còn giá trị nữa.” tức là trong văn chương, phải hướng đến các giá trị phổ quát mới của thời đại, phải nhìn ra thế giới. Phải tìm đến một mặt trời khác, đang trước mặt.

Chương 5: “Vấn đề đáng nói ở đây là sự thức tỉnh của dân tộc Tiệp Khắc. Để nói về sự thức tỉnh này, không có gì hơn là ghi lại một câu viết trên bức tường một hầm xe điện ngầm ở Prague: Chúng ta đã tập bay như chim và tập lặn như cá. Có phải đây là lúc chúng ta bắt đầu sống như những con người?” [Trương Vũ/ Mùa Đông Prague] 

Vẫn cùng một thông điệp: “quên đi những gì thực sự không còn giá trị nữa.”

oOo

Trong 10 tùy bút, nếu Mưa Ướt Vị Thành thành công nhất ở lối văn tâm tình thì Cung Giũ Nguyên, Tác Giả và Tác Phẩm gây tò mò. Xuống đến thế hệ thiếu niên của miền Nam vào năm 75, rất ít ai còn biết đến thầy Cung Giũ Nguyên, ngay cả mối tình với Nguyễn Thị Hoàng.

Trương Vũ viết về thầy mình với tất cả kính trọng. Một vị thầy thông thạo Anh-Pháp-Việt, một tiểu thuyết gia phá cách, có nhân sinh quan và sáng tạo. Một con người đã thăng trầm từ Xứ ủy Trung kỳ sang đến Nền Cộng hòa để cuối cùng thu mình vào “xó góc của Trần Đức Thảo”, như Louis Althusser đặt tên cho đất Việt Cộng sản. Là học trò của thầy Cung Giũ Nguyên, Trương Hồng Sơn cũng không thoát khỏi tao loạn: sinh ra giữa chiến tranh Việt-Pháp, lớn lên trong nội chiến để rồi phải thành công dân Hoa Kỳ và làm nhà văn tỵ nạn. Hai thế hệ nối nhau. Sự tan vỡ cũng liền nhau, tan vỡ này viết về tan vỡ kia. Nhưng vẫn cố gắng giữ Chân-Thiện-Mỹ. Cố gắng gieo vào lòng hậu sinh hy vọng. Điểm này thầy Cung Giũ Nguyên đã thành công khi trao cho môn sinh Trương Hồng Sơn.

Đọc Cung Giũ Nguyên, Tác Giả và Tác Phẩm, người đọc cảm giác đang nhìn một miểng chai thủy tinh đã bể nhưng còn sáng và đang phản chiếu mảnh vỡ của một miểng chai khác, bể đã lâu, còn nằm đó. Cả hai, dưới nắng Nha Trang, lấp lánh trên mặt cát. Cát chứa trong mình thủy tinh vì cát làm ra thủy tinh.

Chương 14 đặc biệt mang bi kịch của hai thế hệ: đã trang bị rất nhiều tri thức, chung khát khao vun bồi để cuối cùng bị cuốn phăng theo bão táp. Sự tan biến ấy, hay khoảng trống không sau cuồng phong, được Trương Vũ nhắc lại nhiều lần, bằng chính văn của Cung Giũ Nguyên: “… một vật lơ lửng trên vực thẳm, được những sợi tơ mành của hy vọng giữ lại. Hy vọng nơi ai? Hy vọng nơi gì? Và có lý do nào để hy vọng? Nhờ biệt lệ nào được nâng đỡ như thế này, trong thời gian có giới hạn nhất định. Hay ta lại muốn cho thời gian còn kéo dài mãi, hay ít ra còn lâu nữa mới chấm dứt. Bởi tánh cách đột ngột của sự việc quá rõ ràng, nhưng một mối đầu luôn luôn phải có đối ứng tất yếu là đầu mối kia. Tuy sự quên lãng những quy luật thường đi đôi với ảo tưởng. Dưới kia là một vực thẳm âm u cuồn cuộn…”

Thầy Cung Giũ Nguyên hẳn am tường những câu Pháp văn: « Toutes nos espérances sont mortes, nous en venons à espérer en un plus grand désespoir./ Tất cả những hy vọng của chúng ta đã chết, chỉ còn trông chờ sự tuyệt vọng lớn hơn.» Vậy thầy hy vọng gì? Boujoum!

Qua giới thiệu của Trương Vũ, Boujoum là tác phẩm quan trọng nhất của Cung Giũ Nguyên. Nhưng trông chờ Boujoum là trông chờ gì? Không ai biết! Và Boujoum là gì? Không ai hiểu! Chính vì tương lai là điều không thể đoán ở vào thời điểm 1976-1980 khi Cung Giũ Nguyên viết Boujoum giữa một Nha Trang Walking Dead.

Nhiều thập niên sau có thể phân tích: Boujoum đây là Boojum. Tiếng Pháp nhại âm tiếng Anh, có thể là nhại âm bản địa Baja California; có thể là đâu đó trong trí tưởng của di dân Tô Cách Lan. Boojum là snark. Là con vật vô nghĩa trong trường thi Hunting of the Snark/ Chuyến Săn Snark của Lewis Carroll. Thơ của Carroll chơi với giữa sự có nghĩa và vô nghĩa của thanh âm và hình tượng trong ngôn ngữ. Qua trích dẫn của Trương Vũ, người đọc hồ như thấy được cái mỏng manh rung động giữa thời này và thời khác, giữa có nghĩa và vô nghĩa, giữa vật chất và tưởng tượng, giữa hy vọng và tuyệt vọng. Nhưng Trương Vũ không viết nhiều về nội dung của Boujoum, vì: “nếu bạn cố gắng đi tìm cốt truyện thì không khéo bạn lạc vào một khu rừng rậm không lối ra, cho dù sau khi bạn tin rằng bạn đã tìm được nó.” Rồi Trương Vũ viết: “Amdo và Domicella được tái tạo từ Vườn Địa Đàng, cùng với cái đối đãi giữa âm và dương, cái quan niệm trong dương có âm, trong âm có dương, hoặc ý niệm đâu là chỗ bắt đầu, đâu là chỗ kết thúc, ý niệm về chiều thời gian, lúc nào tới lúc nào lui, v.v.. Tính cách này cũng được biểu lộ rõ rệt khi tác giả chọn hai chữ Thái Huyền cho bản dịch tiếng Việt.”

Vậy tiểu thuyết Boujoum nội dung là gì? Đầy bí ẩn! Như khi người ta hỏi ý nghĩa trường thi Chuyến Săn Snark của Carroll, thì Lewis Carroll trả lời là chính ông không biết… Thế hệ sau khó mường tượng ra Boujoum, nhưng ngờ ngợ bản thể của boojum và snark.

Nhưng nỗi khổ của Boujoum là đây: một cuốn tiểu thuyết muốn ra đời trong dạng vật chất của giấy mực in để đến tay đọc giả qua ngôn ngữ mẹ đẻ của những đọc giả ấy, nhưng dù được khen bởi một giáo sư Tây nào đó trên một tạp chí Pháp văn nào đó, và lẽ ra được nhà Fayard xuất bản năm nào đó, đã phải lặng lẽ biến mất vì lý do tài chánh của Fayard. Rồi Boujoum biến thành Thái Huyền được nhà Đại Nam xuất bản tập 1 mà vĩnh viễn không có tập 2. Cũng vì lý do tài chánh… Cuối cùng các môn sinh của thầy Cung Giũ Nguyên, nặng tình thầy trò, đã quyên góp xuất bản năm 2003. Nhưng Văn học Pháp không biết đến Cung Giũ Nguyên. Đọc giả Pháp càng không. Riêng lý do tài chánh, thì chỉ cần nhìn vào thư mục sách đồ sộ của nhà Fayard phồn thịnh từ 1857 là hiểu lý do ấy thuần lịch sự. Boujoum, là một thất bại nhập vào dòng chính của văn chương Pháp.

Qua gian truân của Boujoum, người đọc mường tượng ra những rối rắm đan chéo trong cảnh huống của người Việt: Nhà văn Cung Giũ Nguyên dùng Pháp văn trên nền Pháp văn ngoài lãnh thổ Pháp, rồi dịch sang tiếng Việt trên nền Việt văn ngoài lãnh thổ Việt Nam, với cách nhìn của một môn sinh lưu vong, trong nỗ lực xuất bản của những học trò còn tôn sư trọng đạo, hoài niệm quê quán…  Chỉ riêng Chương 14 này thôi, đầy ắp những nghịch lý của một sự tan nát.

Trương Vũ kể: “Cách đây hơn 30 năm, các cựu học sinh của trường trung học Võ Tánh Nha Trang tổ chức một buổi họp mặt tại trường cũ, để thăm lại trường xưa và đồng thời cũng để tỏ lòng nhớ ơn thầy cô giáo cũ của minh. Nhiều cựu học sinh lên phát biểu cảm tưởng. Có người cho rằng cái thời còn đi học ở mái trường thật là tuyệt vời và ước sao mình vẫn còn cặp sách đến trường như thuở nào. Có người tiếc rằng hồi đó mình còn trẻ thơ nên không hiểu được lòng thương yêu vô bờ của thầy cô đối với mình, nếu bắt đầu trở lại, chắc chắn sẽ khác đi, v.v… Nghĩ thật mà nói cũng có, nói cho đúng “sách vở” cũng có, và nói cho phải đạo cũng có. Khi đến lượt thầy Nguyên lên phát biểu, thầy kể câu chuyện về Orpheus trong thần thoại Hy Lạp. Orpheus là vị thần của âm nhạc. Những bài thơ và tiếng hát của ông có khả năng cứu sống cả một đoàn thủy thủ bị ma quỷ hóa hình mỹ nhân ngư để dụ dỗ và ám hại. Ông có một người vợ rất đẹp mà ông rất yêu quí là Eurydice. Trong một cuộc săn đuổi vì chính sắc đẹp của mình, Eurydice bị rắn độc cắn chết. Vô cùng thương xót, Orpheus tìm mọi cách để cứu vợ. Nhờ tiếng đàn tuyệt vời khiến những vị thần giữ cửa địa ngục sao nhãng, ông lẻn vào được âm cung. Cảm động trước tấm lòng và tiếng hát của Orpheus, các tử thần đồng ý cho Eurydice đi theo ông trở lại thế gian, chỉ với điều kiện là trên đường đi Orpheus không được ngoái nhìn lại Eurydice. Nhưng Orpheus đã ngoái lại, Eurydice liền tan biến và mất vĩnh viễn. Orpheus trở nên điên loạn, cuối cùng kết thúc cuộc đời mình một cách thảm khốc.

Câu chuyện thần thoại đó hầu như ai cũng biết, nhưng những lời phát biểu của ông vào lúc đó gây cho chúng tôi một ấn tượng mạnh về cái ngụ ý ông muốn gởi đến chúng tôi. Có điều, không phải bất cứ bài học nào của thầy cũng được học trò mang theo ra khỏi cổng trường. Nhưng với ông, về điều ông muốn nhắn nhủ chúng tôi, tôi tin ông sống rất thật với nó. Tôi tin chắc thầy Nguyên có rất nhiều mất mát trong đời ông, và dĩ nhiên là ông ý thức rất rõ về những mất mát đó, nhưng ông không bao giờ chịu để những mất mát đó đánh gục ông. Tinh thần này bàng bạc trong những sáng tác của Cung Giũ Nguyên. Đồng thời, trong Le Boujoum, cũng có rất nhiều bài thơ và tiếng hát biểu lộ phong cách đó.” [Trương Vũ/ Cung Giũ Nguyên, Tác Giả và Tác Phẩm]

Trương Vũ không kể rõ thầy Cung Giũ Nguyên muốn khuyến cáo môn sinh điều gì? Phải chăng câu chuyện Orpheus chính là thông điệp của Boujoum? Đừng đánh mất lòng tin vào ý nghĩa của ngôn từ vô nghĩa nhất, sau đợt tàn phá của bạo lực Cộng sản đánh vào văn chương? Ngay cả những khi không hiểu gì hết, vẫn phải tin vào chữ? Hay Cung Giũ Nguyên muốn nhắc những học trò đã ra đi đừng nhìn lại, vì nhìn lại là định hình (người) và định vị (quá khứ) trong chiều thời gian vẫn chảy tới? Đời sống là một đường thẳng tiệm tiến không có điểm dừng, phải đi tới?

Khi không xác định nội dung của Boujoum, có phải vì Trương Vũ hiểu rằng nếu quay nhìn lại tác phẩm sẽ định vị Cung Giũ Nguyên trong ngữ nghĩa và định vị văn bản kỳ lạ ấy? Phải chăng Trương Vũ cũng đã đi tìm Cung Giũ Nguyên như Carroll săn Snark:

In the midst of the word he was trying to say,
In the midst of his laughter and glee,
He had softly and suddenly vanished away —
For the Snark was a Boojum, you see.
(Lewis Carroll, The Hunting of the Snark)

Suốt tập sách, Chương Cung Giũ Nguyên, Tác Giả và Tác Phẩm là chương lạ lùng nhất. Nhưng cũng chính Chương 14, áp đáy tuyệt vọng này, bật lên tinh thần của Trương Vũ đã cố hiểu thầy mình và đi tìm giải đáp trong chiều hướng tích cực nhất. Trong Người Đọc Sách Với Cái Thật, Cái Giả Trong Văn, khi Trương Vũ viết: “Sức mạnh của chúng ta là ở cái đầu và con tim. Chính những ý thức về văn minh, về tiến bộ, về tự do, về dân chủ, cùng với khát vọng được sống một đời có phẩm cách của một con người ở thời đại này đã đánh gục chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Âu, chứ không phải là súng đạn”, là thành quả của Boujoum.

Thầy Cung Giũ Nguyên và cùng với gia đình Trương Vũ tại Nha Trang khi tác giả trở về.

oOo

Tháng 7-1994, mười lăm năm sau vượt biên tôi đạp xe vào ngôi hẻm trên đường Hiền Vương. Ngôi hẻm có hiệu phở đầu ngõ trông sang cây xăng dẫn vào đường Duy Tân. Tôi đến tìm thầy Lâm Ngọc Oánh. Tôi muốn nói với thầy: “Em đã không giữ được lời hứa với thầy. Em đã đi xin ăn ở đảo Liminangcong và bị dân Phi khinh. Nhưng em đỗ tú tài và cao đẳng nhờ học tích phân, giải tích, ma trận với thầy. Em đến để cám ơn thầy.” Tôi muốn nói với thầy Oánh thật nhiều, là không có thầy, tôi đã bỏ học vì nhà bị đánh tư sản ở trường về nhìn thấy phường đội đóng chốt kiểm kê từng đôi đũa và khuân đi hết những gì quý giá… Thầy Oánh đã khuyến khích, ân cần khuyên nhũ và mở lớp dạy phụ đạo thêm mỗi chiều cho tôi có chỗ đến và tập trung học toán không phải suy nghĩ… Tôi muốn tâm sự với thầy, vì thời điểm 78-79 quá khắc nghiệt khiến thầy trò không dám thố lộ nhiều và tôi có biết bao chuyện muốn kể cho thầy nghe… Nhưng thầy Lâm Ngọc Oánh không còn ở đó, cánh cửa sắt sơn xanh im lìm.

Tháng 5-2019 đọc Đuổi Bóng Hoàng Hôn, tôi không ngừng nghĩ đến thầy Lâm Ngọc Oánh vì toàn tập sách là những câu chuyện tâm tình giữa thầy trò, giữa thầy Trương Hồng Sơn với sinh viên, giữa thầy Cung Giũ Nguyên với học sinh Trương Hồng Sơn. Những câu chuyện hướng thượng, những ý cao tình đẹp, những ý niệm cao vời về tình người, về con người với con người. Tôi thuộc thế hệ xem văn bản là chỗ để đập nát hết các giá trị nên với tôi, Đuổi Bóng Hoàng Hôn là một vật lạ. Sự hiếm quý đã biến mất.

Đứng trước câu hỏi: Hình ảnh ban đầu luôn là tự truyện?”, Eduardo Halfon đã trả lời: “Vâng, luôn luôn. Tôi viết về cuộc sống của tôi, thời thơ ấu của tôi, mối quan hệ tôi có với cha tôi, ký ức về người tôi yêu… Mỗi nhà văn, bằng cách này hay cách khác, luôn bắt đầu bằng tự truyện của mình. “Bà Bovary, là tôi”, phải không? Tự truyện có thể được ngụy trang, đeo khăn che mặt hoặc đeo mặt nạ, nhưng người ta luôn viết bằng một phần của chính mình, về đời sống của một con người. Trong trường hợp của tôi, không có mạng che mặt hoặc mặt nạ. Tấm khăn che mở toang, là tôi… Tự truyện là cuộc đời của một người nhưng trong chiều sâu, tất cả mọi người đều giống nhau. Tất cả mọi người là một người. Tôi không biết cảm giác của người khác, nhưng sử dụng cảm xúc, lo lắng, mong manh, sợ hãi của tôi, nếu tôi làm đúng công việc của mình, những người đọc tôi sẽ nhận ra những lo lắng, cảm xúc, sự mong manh của họ.” 

Trương Vũ cũng có thể trả lời như vậy, từ hình ảnh đầu tiên Những Cơn Mưa Ngày Cũ và về tự truyện của mình qua thể tùy bút và tiểu luận. Đuổi Bóng Hoàng Hôn là mặt trời đã sau lưng nhưng vẫn còn phía trước, cho một tuổi trẻ khác.

Trần Vũ, 25 tháng 6-2019

Leave a comment