NHÂN VĂN GIAI PHẨM và vấn đề Nguyễn Ái Quốc
Nhà phê bình văn học Thụy Khuê
Dự định tìm lại dấu vết phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã đến với tôi từ cuối thu 1984, khi trở lại lần đầu, sau ba mươi năm xa Hà Nội. 1984, lúc ấy tôi chưa cầm bút, và 1954, khi rời Hà Nội, tôi mới lên mười. Như phần lớn học sinh miền Nam, tôi đã thuộc lòng không chỉ những câu thơ nổi tiếng của Trần Dần:
Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà
chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ
mà còn cả những câu thơ ít nổi tiếng hơn, nhưng không kém phần đau xót:
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió.
Bắc Nam ơi! Ðứt ruột chia đôi.
Tôi cúi xuống quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ, khổ nhiều rồi!
Những tiếng thơ của một thời, thời còn yêu thương, thời vết thương chia cách hai miền chưa đỏ máu, chỉ có nhớ thương và thương nhớ bay bổng như Giấc mơ hồi hương của Vũ Thành:
“Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm heo may về, lệ sầu tràn mi…
… nghẹn nghào thương nhớ em, Hà Nội ơi!”
Đó cũng là thời lạc quan, thời hy vọng đất nước sẽ thống nhất trong hoà bình, Phạm Ðình Chương viết Hội Trùng Dương, Phạm Duy viết Tình Ca, Tình Hoài Hương, … thiết tha gửi cho một quê hương toàn vẹn trong giao tình Nam Trung Bắc. Và trên đôi bờ vĩ tuyến chưa manh nha mầm mống hận thù chết chóc.
Nhưng rồi yêu thương nhạt dần, nhường chỗ cho tuyên truyền, cho hò hét chiến tranh, cho “lý tưởng thống nhất”, “giải phóng dân tộc”, cho một mất một còn, cho ngày mai chiến thắng bằng mọi giá bất kể ngàn tấn thịt vạn tấn xương và cũng chẳng nề hà sự lệ thuộc gần như tuyệt đối vào các cường quốc.
Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm xuất hiện. Miền Bắc đàn áp Nhân Văn, quy kết Nhân Văn như một mầm mống phản động, theo địch. Miền Nam khai thác phong trào, để chứng minh điều kiện cần và đủ cho một cuộc “Bắc tiến”. Đó là một trong những lý do, khiến cho học trò miền Nam thuộc lòng thơ Trần Dần. Nhưng phải công bằng mà xét, nếu không có hậu ý tuyên truyền này, thì ảnh hưởng Nhân Văn Giai Phẩm đã không bao trùm lên toàn thể hai miền Nam Bắc, như một cao trào đấu tranh cho dân chủ, lớn nhất thế kỷ XX, trong văn học Việt Nam.
Năm 1984, khi trở về Hà Nội, tôi muốn tìm lại, dù chỉ một dấu vết nhỏ, chứng minh sự hiện diện của Nhân Văn Giai Phẩm trong lòng người dân Bắc. Nhưng vô ích. Tất cả đều đã bị xóa sổ. Kín đáo dò hỏi những người thân trong gia đình sống ở Hà Nội, thuộc thế hệ “phải biết” Nhân Văn, xem có ai còn nhớ gì không? Nhưng không, tuyệt nhiên chẳng ai “nghe nói” đến những cái tên như thế bao giờ: linh hồn Nhân Văn đã bị xóa trong ký ức quần chúng, và như vậy, “nọc độc” Nhân Văn đã hoàn toàn bị tẩy sạch.
Ðó là lý do chính khiến vài năm sau, khi thực sự bước vào nghề cầm bút, tôi đã coi Nhân Văn Giai Phẩm là một trong những nghi vấn văn học hàng đầu, cần phải tìm hiểu. Bài viết đầu tiên của tôi về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đăng trên nguyệt san Văn Học, California, số 27, tháng 4 năm 1988; tiếp theo là những buổi phát thanh trên đài RFI, trong nhiều chương trình từ 1991 đến 2004, trong số đó có những buổi phỏng vấn các tác nhân chính của phong trào: Lê Đạt, Hoàng Cầm và Nguyễn Hữu Đang.
Cuốn sách này tổng kết công việc tìm kiếm và thu thập các dữ kiện xung quanh phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong hơn 20 năm, từ 1988 đến ngày nay.
Trong quá trình làm việc, có những ngã rẽ bất ngờ: khảo sát về Phan Khôi, tôi thấy sau khi đi Pháp về, Phan Châu Trinh giao cho Phan Khôi nhiệm vụ viết lại lịch sử đời mình, từ đó, phải tìm hiểu về những ngày Phan Châu Trinh ở Pháp, dẫn đến mối tương quan giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh, người tự nhận là lãnh tụ đầu
tiên của phong trào Việt kiều Yêu Nước.
Tôi tìm đọc nguyên văn tiếng Pháp các bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc, mới thấy tác giả những bài viết này phải là người biết tiếng Pháp rất sâu và có văn tài; không thể là người mà Trần Dân Tiên mô tả trong cuốn hồi ký “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Vậy có một sự giả mạo lịch sử quan trọng cần phải tìm hiểu đến nguồn cội.
Đó là lý do tại sao có phần biên khảo về Vấn đề Nguyễn Ái Quốc trong cuốn sách này.
Thụy Khuê
Paris 2/2005-8/2011