Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Kiều Mỹ Duyên và Chinh chiến điêu linh – Nguyễn Lệ Uyên

Nguyễn Lệ Uyên

Kiều Mỹ Duyên và Chinh chiến điêu linh

Nguồn: https://t-van.net/nguyen-le-uyen-kieu-my-duyen-va-chinh-chien-dieu-linh/

Trước năm 1968, thỉnh thoảng đọc nhật báo Công Luận và thỉnh thoảng ghé mắt vào mục Người yêu của lính: những lá thư lãng mạn cả các em gái hậu phương và anh chiến binh nơi tiền tuyến, như một cách bày tỏ tâm tình cho nhau ở một dạng thức khác của Chinh phụ ngâm cách tân: “Chàng thì đi cõi xa mưa gió/ Thiếp trở về buồng cũ gối chăn”. Ghé mắt rồi lãng quên, bởi đó là thời gian vắt giò lên cổ để học. Học để khỏi thi rớt, để khỏi phải làm một “chàng ngoài cõi xa”. Sau biến cố Mậu Thân, lại thấy Kiều Mỹ Duyên xuất hiện với những loạt bài phóng sự chiến trường. Đọc và biết vậy, không thắc mắc, không tra hỏi, mặc dầu lúc đó đôi lúc vẫn gặp anh Dương Nghiễm Mậu lúc ở Cần Thơ, khi ở Tịnh Biên (Châu Đốc) đi viết tin bài cho Đài Phát Thanh Quân Đội.

Nhưng rồi những loạt bài về Đại Lộ Kinh Hoàng của ký giả quân đội Ngy Thanh, Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam và nhiều ký giả khác, cuối cùng cũng trôi dần về quá khứ. Quá  khứ một thời ảm đạm, một thời đau thương của cả dân tộc.

Mãi đến mấy năm gần đây, lang thang trên mạng, lại thấy bút danh Kiều Mỹ Duyên và đọc được một vài bài đã từng đọc trước kia, nhưng nghe đâu không còn ở trong nước.

Rồi cũng rất tình cờ, sau khi tạp chí Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán thực hiện số chủ đề tưởng niệm nhà văn Y Uyên và in lại một số truyện ngắn của nhà văn tài hoa mệnh bạc này, đến bốn năm năm sau Trần Hoài Thư chuyển về một điện thư của một độc giả xin được hỗ trợ cho gia đình Y Uyên. Tôi trả lời điện thư đó, đại ý rằng, mọi việc tu sửa lại bức tượng Y Uyên, số báo tưởng niệm và tuyển truyện cho nhà văn quá cố này đã hoàn tất, gia đình không phải gặp khó khăn gì về vật chất, tốt nhất, nếu có thể và có dịp, bỏ chút thời gian ghé nhà thắp cho anh ấy nén hương với bó huệ trắng (sinh thời anh rất thích huệ trắng) là trọn vẹn rồi.

Vậy là chúng tôi quen nhau. Niềm hân hạnh ấy thuộc về tôi. Bởi tôi được nói chuyện với nữ ký giả chiến trường năm xưa, chưa một lần tiếp xúc, gặp mặt… Tôi tự hỏi, điều gì khiến một người phụ nữ, vốn dĩ thuộc về cái đẹp lại từ chối sự yên ổn trong thành phố, có một địa vị rạng rỡ để xông “vào nơi gió cát”, đối mặt với làn đạn mũi tên, bất chấp mọi hiểm nguy?

Và rồi, không hiểu bằng cách nào, mùi thuốc súng, tiếng đạn pháo, tiếng la khóc  trẻ thơ, những trận đánh lớn nhỏ, những cuộc hành quân tái chiếm… cùng  những thước phim kinh hoàng ở Quảng Trị ngày nào: từ cầu Mỹ Chánh, đến nhà thờ La Vang qua Cổ Thành… nằm trong tay tôi: Chinh Chiến Điêu Linh.

Ngay đầu tập sách này Kiều Mỹ Duyên viết: “Trước năm 1975, là một phóng viên chiến trường, tôi có dịp theo bước chân hành quân của các chiến sĩ Miền Nam Việt Nam khắp bốn vùng chiến thuật. Hơn mười lăm năm làm báo, tôi đã viết về sự can đảm, hào hùng, gian khổ và sự hy sinh quá nhiều của người lính Miền Nam. Cho dù hôm nay, chung cuộc như thế nào, trong lòng tôi, những hình ảnh oai hùng và sự hy sinh cao cả của các anh vẫn không bao giờ phai lạt. Cuốn sách này như một đóa hồng nhỏ gửi đến tất cả chiến sĩ QLVNCH để tri ân và để tưởng niệm những chiến sĩ đã đi vào lòng đất mẹ”.

Nói như nhà văn Nguyên Minh “viết như trả nợ” đời đối với mỗi một người cầm bút, thì Kiều Mỹ Duyên còn vượt lên trên thế, lăn xả vào chiến trường sôi bỏng, mà nguyên nhân chính là vì “sự hy sinh quá nhiều của người lính Miền Nam” xả thân bảo vệ tự do và sự thật.

22 bài viết trong thời kỳ chiến tranh bùng nổ dữ dội, đã được nữ ký giả tài hoa, gan dạ một thời, bỏ nhiều công sức và thời gian, tập hợp lại từ nhiều nguồn: Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, tư liệu cá nhân và bạn bè, để làm nên một Chinh Chiến Điêu Linh “đồ sộ”, dày gần 400 trang.

Đọc Chinh Chiến Điêu Linh là nhìn lại lại toàn cảnh cuộc chiến khốc liệt tại Miền Nam, bắt đầu là thời điểm 1972, giữa tháng Giêng, khi có nhiều nguồn tin tình báo cho biết, Bắc quân đang rầm rộ chuyển quân, chuẩn bị cho những trận đánh lớn có thể là Tây Nguyên cũng có thể là vùng địa đầu giới tuyến; và khi mà TT Hoa Kỳ Nixon đang đến Bắc Kinh hội đàm với Trung Cộng. Những thông tin này là phần mở đầu cho những trang sách kế tiếp, trong đó người đọc sẽ nhìn thấy chiến tranh hiển hiện trước mắt tàn khốc đến mức độ nào. Nó ào tới như một cơn lốc mạnh, cuốn phăng đi tất cả, không chừa một cái gì trên đường đi. Nó là tiếng súng. Nó là chiến tranh, là sự dã man của một chủ nghĩa không tưởng được lũ cuồng điên mang về đổ ập lên đầu người dân vô tội với một tham vọng “tất cả dân tộc sẽ bay lên thiên đường!”. Khốn thay, cánh bay hoang tưởng kia chưa mở ra đã vỡ bung, dự báo một cảnh đổ máu vô ích, hoang phí của hai phía. Máu đổ và làng xóm thì tan hoang: “…Nhìn những ruộng vườn xanh tươi, những hàng cau, hàng tre thấp thoáng, nếu không có tiếng súng… Cái nhìn sẽ thoải mái hơn biết bao nhiêu trước cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương, nhưng làm sao thoát cho khỏi thực tế của chiến tranh…” (SĐD, trg 45). Cái thực tế sẽ được nhìn thấy ngay là “mùi máu tươi trong rừng cây khuynh diệp”, bắt đầu bằng kinh nghiệm và trực giác: “Trong sự yên tĩnh của hôm nay, hình như những người chiến sĩ đang chờ đợi một cái gì đó sẽ xảy ra… Chỉ có ngư ông mới nhìn thấy những luồng sóng ngầm dưới lòng biển cả. Chỉ có những người lính chiến đầy kinh nghiệm mới có trực giác bén nhạy trước những toan tính của địch quân. Và sự chờ đợi đã đến…” (trg 41). Đó là chi khu Ba Tơ bị địch quân tấn công dữ dội hầu cắt đứt yết hầu, cô lập Quảng Ngãi, làm bàn đạp để tiến về đồng bằng. Nhưng nếu như chỉ có quân hai bên đánh nhau thôi, thì sự thể không tàn nhẫn, đau thương đến vậy. Họ đã kéo theo cả những người dân vô tội vào trò chém giết, chết chóc một cánh đau đớn nhất, dã man nhất! Hãy nghe lời kể của một sĩ quan trong chi khu qua bài viết này: “Hầm trú ẩn của đồng bào rất chắc chắn, sâu dưới 2 mét. Nhưng khi VC tràn vào, chúng đốt nhà, ngăn không cho dân chạy, đồng bào bị chết cháy dưới hầm… chúng tôi tìm được nhiều xác đàn bà trẻ con chết cháy trong hầm. VC đốt đi hơn 200 căn nhà của dân và bắt đi khoảng 120 người gồm đàn bà trẻ con. Những người dân còn sống sót, trốn thoát được kể cho chúng tôi nghe rằng, VC bắt đồng bào làm bia đỡ đạn cho chúng. Bởi vậy, trong trận này, dân chết và bị thương nhiều hơn lính” (trg 50).

Đọc tới đoạn này, tôi bỗng nhớ đến bức ảnh em bé trần truồng chạy ra khỏi làng của Nik Ut và bài viết của nhà văn Trần Hoài Thư: “Rồi ầm ầm, tự nhiên một chiếc khu trục từ đâu ào đến, đâm xuống ngôi làng, rồi bom rớt xuống, rồi lửa cháy, khói đen bốc lên cuồn cuộn. Cái cảnh oanh kích như một màn đón chào đám phóng viên. Rồi sau đó là một đám trẻ chạy ra, một đứa bé lỏa lồ, một đứa bé trai kinh hoàng khóc thảm. Đàng sau là 6 người lính dàn ngang, như che chở đám trẻ.

Trong vụ ném bom này, người phi công đã ném theo yêu cầu và dựa theo  tin tức cung cấp từ tiểu đoàn 1 trung đoàn 50 sư đoàn 25 BB, dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Lê Quang Ninh.

Tiểu đoàn này được xem là Tiểu Đoàn cưng của trung đoàn 50. Trước ngày 30-4-75, chính tướng Lý Tòng Bá đã tin tưởng, và Trung Đoàn trưởng đã tin tưởng nên đã chỉ định Tiểu Đoàn giữ phòng tuyến quan trọng nhất, để ngăn chặn bước tiến của Bắc quân. (Nhưng sau đó không ngờ cả Tiểu Đoàn đã đầu hàng. Thiếu tá Ninh chạy xe cắm cờ trắng…) (nguồn Talawas.org)

Trong khi đó, ngược lại với một Lê Quang Ninh nhẫn tâm chấm tọa độ cho phi cơ oanh kích vào một làng toàn dân thường, thì tại căn cứ Tân Cảnh đã thất thủ, Dakto bị cô lập, được lệnh di tản chiến thuật, nhưng quận trưởng Dakto nhất quyết tử thủ, và khi không thể tử thủ được nữa thì phải ra đi, nhưng ra đi không chỉ có gia đình và những người lính dưới quyền ông mà còn có cả những người dân trong quận. Ông đưa 500 dân lành mở đường máu thoát khỏi vòng vây địch quân, về tới Kontum an toàn: “Rút ra khỏi quận Dakto, Trung Tá Bảo chỉ huy một đoàn khoảng 500 người gồm có sĩ quan, binh sĩ, gia đình binh sĩ và thường dân. Một đoàn nhắm vào rừng mở đường máu mà về Kontum. Đoàn người vượt rừng, vượt suối, vừa dìu dắt nhau vừa chống cự với địch quân đang truy đuổi. Họ đi suốt 4 ngày và 3 đêm liên tiếp trong rừng với bao nguy hiểm chờ chực” (trg 220).

Một bên thì mang dân ra làm bia đỡ đạn, lấy dân làm mục tiêu thả bom hủy diệt để chứng tỏ lòng trung thành, để lập thành tích; còn bên kia, bên bị gán cho nhiều từ xấu xa nhất trên cõi đời này thì từ chối ra đi một mình (với bộ tham mưu), mà gồng gánh cả đoàn người dân vô tội – là mục tiêu cho địch quân truy cản, tiêu diệt – như bảo vệ những đứa con do chính mình sinh ra, không để rơi vào tay hung thần. Cùng tham dự vào cuộc chiến phi nghĩa, nhưng hai bên là hai thái cực khác nhau. Điều gì khiến ông Tiểu Đoàn trưởng Ninh phải làm vậy? Và điều gì khiến ông quận trưởng Bảo phải hành động như vậy? Chỉ tiếc, những tấm lòng nhân ái  “thương dân như con đẻ” đã không đủ nội lực để thắng những thế lực bạo tàn. Phải chăng đó cũng là phản đề giữa giả chân, thiện ác không rạch ròi, bôi trơn  vẽ màu lên bộ mặt giả nhân nghĩa!

Hệ quả cho những dối trá chính là những thường dân vô tội, bị phá vỡ sự yên ổn, bị bịt miệng những câu hát đồng dao trẻ thơ. Thân kiếp đọa đày của họ không phải ở một thế giới khác, mà ngay chính trên quê hương họ. Tất cả phải cam chịu, không than oán, bởi đó là chiến tranh: “Một em bé chống nạng đứng thập thò ngoài cửa, đầu cúi thấp. Bàn tay em gầy gò run run vì vui mừng mỗi khi có người khách ném vào chiếc nón rách vài đồng bạc. Một chân của em bị cưa lên khỏi đầu gối, khúc chân còn lại ốm tong teo và đen đúa” (trg 189). Em bé 15 tuổi, đã bị chiến tranh “nuốt” mất một chân cùng với cha mẹ bị pháo địch quân vùi dập trong đợt pháo kích vào một ngôi làng nhỏ tại Bình Sơn. Em phải đi xin ăn để nuôi ba đứa em nhỏ! Tôi chắc những em bé như em bé Bình Sơn không phải là hiện tượng đơn lẻ, mà xuất hiện rất nhiều ở cả hai miền Nam Bắc, khi Bắc quân pháo bừa bãi vào làng mạc, trường học (Cai Lậy); hay máy bay Mỹ oanh kích những khu dân cư ngoài vĩ tuyến 17! Nếu có một phiên tòa đưa ra xét xử, thì các bị cáo sẽ đổ tội cho chiến tranh, cho phía đối đầu bên kia. Nhưng cốt lõi là chiến tranh từ đâu và do ai gây ra, ai phải gánh chịu trách nhiệm trước dân tộc? Không ai nhận cả và đổ lỗi do “xâm lược”. Đơn giản vậy đó. Đơn giản đến mức phủi sạch xương máu của hàng triệu người dân và binh lính của hai bên, cùng một màu da, chung một nguồn gốc, văn hóa và tiếng nói.

Và khi mà con người phủ nhận sạch trơn nguồn cội, đưa vào mớ lý luận hoang tưởng, dựng lên một thứ chủ nghĩa toàn năng cứu vớt cả thế gian khỏi lâm vào bước đường cùng, giải phóng con người, vẽ ra sự bình đẳng cho nhân loại thì nó lại biến ra thứ toàn trị. Chính vì điều đó, nếu có nhìn thấy, nhận ra những sai lầm cũng chẳng ai dám kêu, khác với cảnh sinh viên biểu tình, nhà sư tự thiêu… kêu gào tự do, hòa bình… để chung cuộc tự thiêu luôn cả một phần tự do còn lại, cùng một chút hòa bình mong manh. Nó là đại họa, là bi kịch của cả dân tộc khốn khổ này!

Trong thời điểm ác liệt đó, không có chỗ cho sự bình yên, tĩnh lặng, dù chỉ đôi phút. Mà nếu có đi chăng nữa, cũng chỉ là những phút giây tĩnh lặng vờ trong một không gian vờ. Sống trong giai đoạn đó, hẳn chúng ta sẽ đồng ý khi Kiều Mỹ Duyên đưa ra nhận xét: “Ngay trên cùng một mảnh đất, cùng trong một giây phút, có những người đang chờ đợi, người thanh niên ngồi chờ những giọt cà phê nhỏ xuống đầy tách cho hết giờ rảnh rỗi; người lính đang ghìm mũi súng chờ dấu quân thù trong đêm đi kích; người đàn bà đang vừa thành góa phụ đang chờ ngày mai đi nhận xác chồng và đứa bé đang chờ một vài đồng bạc ném vào chiếc nón rách…” (trg 191). Đúng là cả dân tộc đang chờ cái sẽ xảy ra, sẽ đến với cuộc đời không phải là hòa bình mà là cái chết bất ngờ ập đến bất cứ lúc nào, không báo trước. Đó là cảnh chạy loạn ở Kontum sau khi Tân Cảnh, Dakto thất thủ. Hàng ngàn người dân đổ về Pleiku, đồng bào thiểu số ở các buôn làng thì chạy về Kontum… được quân đội Miền Nam di tản bằng tất cả các phương tiện, bảo vệ họ bằng bất cứ giá nào, cho dẫu phải trả giá bằng máu! Có sống trong thời khắc kinh hoàng đó mới thấy hết giá trị của lòng nhân ái, bao che từ các trại tị nạn của chính phủ, của tôn giáo. Cảnh hoảng loạn ở Kontum đầu năm 1972 được tái hiện qua từng trang sách, được ghi lại qua những mẫu đối thoại ngắn với những người dân: “… Chạy đến chảy máu chân cũng không hay. Về tới đây mới biết mình còn sống… Mấy đứa con tôi thất lạc hết rồi. Không biết chúng còn sống hay đã chết. Ngày nào tôi cũng đi tìm chúng nó” (trg 213).

Còn tại vùng địa đầu giới tuyến, cảnh hàng ngàn người dân bồng bế, gồng gánh… xuôi QLI về Huế càng khủng khiếp hơn, mà chúng ta đã từng đọc trên các trang nhật báo trong quá khứ. Cái quá khứ ấy tưởng đã lùi xa, ngủ yên, nay bỗng thức dậy từ Chinh Chiến Điêu Linh, ghi lại một cách trung thực, sống động: “Đoạn đường từ Quảng Trị vào Huế vẫn còn hàng ngàn, hàng ngàn người, di chuyển thành một đoàn dài cả mấy cây số, toàn là ông già, bà già, đàn bà và trẻ con, họ cố gắng bỏ xa vùng trận tuyến. Nhưng đã có hàng trăm, hàng ngàn người đã bỏ xác lại bên đường hoặc cố dìu nhau lết đi với những vết thương không được băng bó vì đạn pháo kích của Cộng quân bắn như mưa vào đám người đang cố chạy vào phương Nam…” (trg 77). Đoạn đường này một thời được mệnh danh là Đại Lộ Kinh Hoàng. Kinh hoàng bởi hàng ngàn dân đổ xuôi về Nam và trong số họ, rất nhiều thường dân vô tội đã bỏ xác bên đường. Và sau khi đọc những bài viết của nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên về vùng đất lửa, từ Lời Thề bên dòng sông Mỹ Chánh đến Trở Lại Cổ Thành, tôi băn khoăn tự hỏi: Tại sao họ, những thường dân không ngược ra hướng Bắc, qua bên kia cầu Hiền Lương mà lại xuôi vào Nam, chạy theo đoàn “quân bán nước và cướp nước”? Những băn khoăn cứ gặm nhấm tâm trí thành nỗi ám ảnh, và tôi quyết định thực hiện một chuyến đi về vùng đất máu lửa năm xưa bằng đường tàu lửa.

Đến Đông Hà, tôi thuê xe ra ngay sông Bến Hải. Chiếc cầu cũ được rào chắn lại và phải mua vé để bước lên đó. Tôi không mua vé và không bước lên những nhịp cầu gỗ mà chỉ đứng nhìn. Nhìn và buồn, vì nó bị giành làm của “riêng” trong khi quá khứ là nỗi ô nhục chen lẫn niềm cay đắng vinh quang. Tôi quay lại Dốc Miếu, Cồn Tiên theo từng trang viết trong sách, quay lại Ái Tử, Mỹ Chánh với lời thề của Đại Tá Chung và tưởng tượng giây phút ông “đứng yên lặng buồn bã nhìn đoàn người tị nạn đang chen nhau vượt qua cầu Mỹ Chánh, đổ vào thành phố Huế. Cây cầu nhỏ chỉ chừng vài chục thước. Qua khỏi cầu đó là vào vùng an toàn” (trg 79). Giờ đây tôi đang dựa trên vai cầu, nhìn xuống dòng nước xanh lơ mà mấy mươi năm trước, máu đã nhuộm đỏ ra tới đầu cửa phá Tam Giang!  Và nhà thờ La Vang vẫn đứng đó với nóc tháp chuông nhận rất nhiều lỗ đạn, trơ lỳ với thời gian u uất. Và Cổ Thành thì ngược lại, cửa mặt Đông được tô  vẽ để bán vé cho du khách và các cửa khác thì vẫn tiêu điều, cỏ dại mọc tràn từ mặt đất lên đỉnh thành, nơi mà có hàng trăm ngàn tấn bom đạn trút xuống, nơi mà có hàng ngàn chiến binh và thường dân đổ máu. Bước đi trên những con phố nhỏ ngỡ như đang bước qua các thân người đổ gục năm nào. Ngoái nhìn Cổ Thành lần cuối và bỗng nhớ đến Binh I Hồ Khang: “Rồi trong bóng đêm, ngay hướng của toán người vừa tiến vào, trên mặt thành, một bóng người đột nhiên nhô lên giữa bầu trời, bay bay theo chiều gió… Binh I Hồ Khang, người chiến sĩ cắm lá cờ trên bờ Cổ Thành Quảng Trị đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại đồng đội, bỏ lại cuộc chiến sắp diễn ra đêm nay, bỏ lại vợ và ba đứa con thơ đang chờ đợi chồng, chờ đợi cha…” (trg 168&169).

Đêm nằm lại một khách sạn nhỏ ở Đông Hà. Nửa khuya lên sân thượng, đưa mắt nhìn bốn phương tám hướng, lòng càng chùng hơn với những trang người nữ ký giả viết về nơi này năm xưa, mặc dù vẫn biết chiến tranh đã qua đi từ lâu, nhưng sao câu nói của cụ già chiều qua ở Dốc Miếu như thể chính mình lội trong đám ruộng đó: “Hồi đó, khúc ruộng ni máu ngập tới mắc cá chân. Thảm lắm chú ơi!”, Và một đoạn ngắn trong bài Trở Lại Cổ Thành của: “Thành phố Quảng Trị chỉ còn là những đống tro tàn và gạch vụn, hôm nay một lần nữa lại rung chuyển vì những tiếng súng nổ không ngừng…” (trg 157).

Khép lại tập sách, Kiều Mỹ Duyên viết: “Mà thật sự thì Nguyên đã hy sinh, hy sinh cả một tuổi thanh xuân của chàng cho chiến trận, hy sinh cả một tình yêu như mật ngọt trong khung trời Đà Lạt mộng mơ này, để lăn mình vào nơi gió cát…” (trg 392).

Và tôi nghĩ tác giả của tập sách trên, cũng vậy, đã hy sinh nhan sắc một thời son trẻ để lên “đường rong ruổi lưng đeo cung tiễn” xông pha nơi đầu sóng ngọn gió của bão táp lửa đạn với các binh chủng và để lại cho chúng ta những trang tư liệu quí giá này.

Nhưng không chỉ dừng lại ở phần tư liệu hiếm quý bổ sung vào kho quân sử, mà còn gieo vào lòng người đọc chút nhan sắc phấn son trong cuộc sống vốn dĩ đầy tai ách, vì đôi lúc chen vào những đoạn phóng sự mang yếu tố trung thực, khách quan đến trần trụi thì Kiều Mỹ Duyên lại gây chút ngọt ngào của hội họa, thơ ca trong một loại ngôn ngữ đã loại trừ súng đạn ra khỏi một vài giòng: “… Huế là một vùng đất xa xôi với nhiều huyền thoại lịch sử. Huế của cung miếu, đền đài. Huế như người tình vừa kiêu sa vừa lãng mạn. Huế như đấng quân vương đến hồi sa cơ thất thế, vẫn kiêu ngạo với một thời vàng son dĩ vãng, và cả những khổ đau mà hiện mình đang gánh chịu” (trg 119). Và một đoạn khác: “Những lần thức giấc giữa đêm khuya, chung quanh chỉ toàn một màu đen tối và những âm thanh ghê rợn của núi rừng… Tôi sợ nhất là những chiều mưa rừng. Rừng núi đã âm u, lạnh lẽo, khi một cơn mưa đổ xuống, ánh sáng chỉ còn là những vệt mờ phản chiếu trên màu xanh của lá rừng, gây nên một cảm giác như chung quanh mình cái gì cũng xanh xao, lạnh lẽo và có vẻ ma quái… (trg 318).

Không thể nói Chinh Chiến Điêu Linh chỉ là một tập ký sự chiến trường, chỉ có máu và nước mắt chảy dài theo tiếng nổ vỡ của bom đạn, của đắng cay tủi nhục kèm với vinh quang, xa hơn, nó còn là khúc bi ca thời Đặng Trần Côn. Và vì vậy, Chinh Chiến Điêu Linh còn mang tố chất của văn chương mượt mà, thấp thoáng màu sắc lãng mạn giữa một trời khói lửa điêu tàn.

Cảm ơn Kiều Mỹ đã cho chúng tôi sống lại những ngày hào hùng mà rất đỗi đắng cay, vinh quang và tủi nhục chen lẫn, quàng vai nhau bước tới, tiếp tục bước tới.

Nguyễn Lệ Uyên

Kiều Mỹ Duyên, Chinh Chiến Điêu Linh, bản in lần II, HK 2008.

Tiểu sử:

Kiều Mỹ Duyên tên thật là Nguyễn Thị Ẩn, trước năm 1975 cộng tác với các báo Công Luận, Hòa Bình và Trắng Đen. Từ 1964 chuyên viết phóng sự về xã hội và chiến trường. Năm 1976, vượt biển và định cư tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Năm 1982, tốt nghiệp Báo Chí, Chính Trị và Địa Ốc tại California State University of Fullerton.

Từ lúc định cư tại Orange County (Quận Cam) cho đến nay, vẫn viết cho hầu hết các báo Việt Ngữ tại Hoa Kỳ về những vấn đề chuyên môn, sinh hoạt của cộng đồng người Việt tị nạn, cũng như cuộc sống của các cựu tù nhân chính trị.

Tác phẩm đã xuất bản:

Chinh chiến điêu linh (tái bản lần 2 tại HK)

Leave a comment