Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nói Về Khả Thể Của Đặng Thơ Thơ – Hồ Như

Hồ Như

Nói về Khả Thể của Đặng Thơ Thơ

Hồ Như

Trước tiên, tôi xin khẳng định lập trường và vị thế của mình: tôi viết bài này không phải như một nhà phê bình, không phải như người ái mộ, cũng không phải như bạn bè của tác giả. Tôi muốn nói về Khả Thể với cương vị một người đọc, một trong số những người sẽ bỏ thì giờ kinh qua tập truyện và có ý kiến nhiều hơn là những nhận định chung chung kiểu “cũng được”, “cũng hay”.

Là một người đọc, tôi cũng như mọi người thưởng ngoạn khác, thường tò mò về những điều có thể liên quan hoặc hoàn toàn không liên quan đến nội dung và giá trị của tác phẩm. Chẳng hạn câu hỏi thông thường nhất: những chi tiết trong truyện, có phải người thực việc thực không nhỉ? Hoặc một câu hỏi nghiêm chỉnh hơn: tại sao nhân vật A lại làm thế? Tại sao tác giả lại chọn tình tiết ấy?

Để thỏa mãn những thứ tò mò ấy dưới danh nghĩa tìm hiểu tác phẩm, tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nho nhỏ với Thơ Thơ và sẽ dùng kết quả trong bài viết này.

Trước hết, tôi xin nói về hình bìa cuốn sách, vì tuy đấy chỉ là bề ngoài, nhưng đối với một tác phẩm nghệ thuật thì chúng ta không thể xem thường tầm quan trọng của bề ngoài. Khi tôi cầm trong tay cuốn sách, nhìn hình bìa có khối đá như một hòn giả sơn và những đám mây, trông như một bức tranh thủy mặc, thú thực tôi hơi bất ngờ, vì trong suy đoán của tôi hình bìa sách của Thơ Thơ phải hiện đại hơn, khác lạ hơn. Khi tôi đặt câu hỏi về hình bìa ấy, Thơ Thơ đã trả lời như thế này:

Thơ Thơ đã nhờ Đạo diễn Đặng Trần Hiếu làm bìa, và hình bìa là thể hiện cảm nhận của anh về tác phẩm. Anh tự pha màu nền theo công thức riêng và đặt tên là màu blue thể. Anh cũng tự thiết kế kiểu chữ Khả Thể và tên đặng thơ thơ. Những hình tượng của đá, cây, mây cũng là chính anh chụp. Anh muốn diễn tả ý tưởng: văn chương như ngọn gió có thể cắt vỡ đá tảng, những khả thể của văn chương là vô hạn, như thân cây bay lên mây, như ngọn núi trở thành phi trọng lực, và đám mây tụ thành hơi nước là thứ có thể bào mòn những hữu thể tưởng như bất khả xâm phạm. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy ngọn núi đá như bị chìm vào cuốn sách còn mây hồng thì dâng cao lên khỏi bề mặt. Dòng chữ Khả Thể nổi lên trên tất cả trong một phối cảnh không gian ba chiều. Toàn hình bìa gợi ý và mang biểu tượng của chuyển động không ngừng trong tự nhiên.

Câu trả lời của Thơ Thơ không những giải thích tác phẩm (tức là bìa sách) rất rõ ràng theo quan điểm của tác giả, mà còn chỉ ra một điều quan trọng: khoảng cách đôi khi là mênh mông giữa tác giả và người thưởng ngoạn, một khoảng cách nối liền bằng tác phẩm, hoặc nói đúng hơn là những khả thể của tác phẩm.

Văn chương nói riêng, và nghệ thuật nói chung, là một thứ vừa riêng tư lại vừa san sẻ. Tác giả mang tâm tư của mình vào tác phẩm, một công trình rất riêng tư, nhưng sau khi hoàn thành lại mang ra chia sẻ với mọi người. Thưởng thức tác phẩm ấy cũng là một quá trình rất riêng tư của mọi người, như thế tác phẩm vừa là gạch nối giữa tác giả và người thưởng ngoạn, vừa là những “khả thể” cho dù tương tự nhưng vẫn khác biệt giữa tác giả và người thưởng ngoạn, cũng như giữa những người thưởng ngoạn khác nhau.

Là người đọc một tác phẩm văn chương, ở đây là cuốn Khả Thể, tôi có đặc quyền yêu hoặc ghét thành quả mà không cần phải cân nhắc đến công sức trong quá trình tạo dựng. Là người đọc, tôi cũng có quyền phê bình, có quyền diễn giải, thậm chí những diễn giải có thể không hề là ý định của tác giả. Là người đọc, tôi không cần phải giữ khoảng cách “kính nhi viễn chi” cần thiết cho nhà phê bình, mà có thể đến sát gần, hoặc nhập vào trong tác phẩm, suy diễn tình tiết và tâm lý trong tác phẩm qua chính con người và kinh nghiệm sống của mình. Những “khả thể” trong nhận định của người đọc rất tự do, vì trong thưởng thức riêng, họ không cần thiết phải đặt tác phẩm vào một bối cảnh hoặc phong trào văn chương nhất định. Nhìn theo một lối nào đó, có thể nói quan hệ tác giả, tác phẩm và mỗi người đọc là một quan hệ tay ba khá nhiều phức tạp.

Là người đọc, tôi phải nhắc đến cuốn sách đầu tiên của Thơ Thơ, tuyển tập Phòng Triển Lãm Mùa Đông. Theo ý kiến riêng của tôi, Khả Thể già dặn hơn Phòng Triển Lãm Mùa Đông, một sự già dặn có thể ví như rượu vang đỏ ủ lâu năm, tròn đầy, sâu sắc hơn, nhiều hương vị khác nhau hơn. Không như Phòng Triển Lãm Mùa Đông, và rất nhiều những tác phẩm khác của những tác giả khác, Khả Thể dường như không muốn và không chịu bị trói buộc bởi những tình tiết, hoặc đúng hơn, những tình tiết không phải là cái khung đóng gói câu chuyện, mà chỉ là những gợi ý. Không có những diễn tiến và kết luận rành mạch, không có những lý giải, tâm tình suông sẻ, Khả Thể cũng không cho phép tôi đứng ngoài nhìn ngắm, mà cuốn tôi vào không gian của truyện, đòi tôi phải có những suy tưởng riêng của mình.

Có nghĩa là, nếu có ai hỏi tôi về “cốt truyện” của Khả Thể, đấy sẽ là vấn đề nan giải. Cho dù suy nghĩ bao lâu chăng nữa, tôi chắc mình vẫn chưa có được một câu trả lời rõ ràng, dễ hiểu hơn những cảm xúc, tư tưởng phức tạp tôi cảm thấy khi đọc truyện. Mà hình như tôi không phải đọc Khả Thể, mà chỉ là lang thang trong truyện.

Vì lẽ, trong Khả Thể, Thơ Thơ đã tạo được những tâm trạng, không khí riêng, và chúng vừa u ám vừa cuốn hút đến khó cưỡng. Đọc Khả Thể, tôi thấy mình như đi trong sương mù với những bóng hình, cảm xúc, tư tưởng vất vưởng, không nguồn cơn, không có bắt đầu và kết thúc, như trong một cơn mê sảng.

Nhưng tôi không cho đấy là điểm đáng phàn nàn, một nhược điểm. Trái lại, đó là ưu điểm của tập truyện, trung thành với cái tên chung và luôn luôn nằm trong sự mơ hồ bất trắc nhiều ngã rẽ, thường là chuyện tất nhiên trong quá trình tìm kiếm những điều khả thể trong cuộc sống và tâm thức con người.

Một trong những điều mơ hồ và nhiều suy diễn là cái chết và sự chết, và sự hiện hữu trong một hình thức nào đó sau cái chết. Trong chín truyện của Khả Thể, có đến 6 truyện nhắc đến cái chết và sự chết. Khi tôi hỏi Thơ Thơ về vấn đề này, Thơ Thơ nói rằng “Cái chết tất nhiên là một bí ẩn, và cái chết còn mang vẻ quyến rũ nữa” khiến Thơ Thơ muốn tìm hiểu, và vì Thơ Thơ viết từ việc muốn tìm hiểu, nên Khả Thể mang rất nhiều suy tưởng về cái chết. Một điểm thú vị là trong câu trả lời, Thơ Thơ nói rằng “chết cũng là đi một chuyến du lịch thú vị, nhắm mắt mà đi, không có một ý niệm nào về nơi sẽ đến”.

“Không có ý niệm về nơi sẽ đến” có thể là đề tài để bàn thảo, nhưng còn chuyện “nhắm mắt mà đi”? Tôi không chắc Thơ Thơ có ý gì khác hơn sự nhấn mạnh, gạch dưới khái niệm rằng cái chết là một chuyến đi đến một nơi chưa biết rõ là nơi nào, nhưng những khả thể từ ẩn ý đến tiềm thức đến tâm trạng của tác giả suy ra từ mấy chữ dường như rất tình cờ “nhắm mắt mà đi” đã khiến tôi bận rộn nhiều phút.

Tôi nghĩ Thơ Thơ sẽ thông cảm cho chuyện vẽ rồng vẽ rắn trên câu trả lời của Thơ Thơ, vì đấy cũng có thể gọi là một sự sáng tạo nhất định, tuy nó không thể so sánh trong cường độ với những đầu tư tim óc Thơ Thơ đã bỏ vào tập truyện. Không hiểu dùng hai chữ đầu tư có đúng hẳn hay không, vì hai chữ ấy hàm ý tính toán và cân nhắc, và tôi chắc Thơ Thơ đã có rất nhiều tính toán và cân nhắc trong khi dựng truyện và chắt lọc chi tiết, diễn đạt của mình, nhưng khi đọc truyện, tôi không nhận ra chút gì đong đếm, mà chỉ cảm nhận sự sôi nổi, nồng nhiệt, thái độ lao mình vào cuộc, đi đến tận cùng, không khoan nhượng, không thỏa hiệp.

Một ví dụ của lối viết “hết mình” này, qua chính lời của Thơ Thơ: “Khi viết những đoạn về cyanide, tôi đã sống cảm giác hít chất nước độc ấy vào người và chìm vào cảm giác nhiễm độc, đến độ tôi phát bệnh thật, như thể máu trong đầu tôi toàn màu đen, làm tôi ngộp thở, và nhiều khi phải ngừng viết. Đó là kết quả của việc muốn đẩy xa hơn mọi khả năng của các lựa chọn sống”.

Có lẽ vì thế mà Khả Thể có những tư tưởng dữ dội, quyết đoán, ấn tượng. Ấn tượng, không chỉ vì cường độ khẳng định và tầm cỡ của ngôn ngữ, mà còn vì khả năng bắt người đọc suy nghĩ. Tôi xin chia sẻ ở đây một vài câu khiến tôi phải dừng lại, đọc lại, nghĩ lại

Nói về ngày giỗ: mỗi lần giỗ là một tảng đá chồng lên mộ, xác nhận sự bất diệt của cái chết

Chúng ta thường nghĩ đến ngày giỗ như một sự tưởng nhớ, hoặc một níu kéo sự sống lay lắt trong một hình thức nào đó, nhưng chỉ cần xoay cái nhìn, ngày giỗ có thể là sự khẳng định cái chết, không chừng lại là ăn mừng cái chết của người được cúng giỗ

Nói về sự phản bội, hay đúng hơn là phản bội của Judas theo lệnh Chúa: Giá của một niềm tin tuyệt đối là sự phản bội tuyệt đối

Lòng tin càng nhiều thì sự phản bội càng đau đớn, điều ấy đã hẳn, nhưng câu này dường như chỉ ra khả năng rằng lòng tin tuyệt đối sẽ tuyệt đối dẫn đến sự phản bội, vì lòng tin tuyệt đối khiến người có lòng tin dễ cảm thấy bị phản bội.

Nói về một thiền sư, mở ngoặc kép đóng ngoặc kép, trong một chế độ không nêu tên nhưng dễ đoán: từ hồi phản chiến ông đã tuyên bố nhiều điều thuận lợi cho cuộc cách mạng giải phóng đất nước của chúng tôi. Khả năng lèo lái tốt. Thấu triệt tình hình quốc tế. Rất bức xúc để tiến tới giải Nobel Hòa bình.

Câu này, vừa liên quan đến chính trị vừa liên quan đến tôn giáo là hai đề tài nhạy cảm, tôi xin để người đọc tùy nghi suy diễn.

Nói về lý lịch: Mọi lý lịch chỉ là tạm thời. Lý lịch chỉ để băng qua những cánh cửa.

Cái chết bôi xóa lý lịch hay hoàn tất lý lịch? Hay đó là cách tốt nhất để thoát khỏi một lý lịch?

Ở đây, tôi sẽ rất chủ quan mà cho rằng những ai chưa sống trong chế độ cộng sản Việt Nam sẽ khó hiểu được những ẩn ý của chúng. Hoặc nói rõ hơn, chỉ những thành phần lý lịch đen theo định nghĩa của cộng sản Việt Nam và đã sống ở Việt Nam sau 1975 mới hiểu thấu đến tận xương tủy những câu này.

Khi dừng lại, đọc lại, nghĩ lại, đấy là những lúc tôi cảm thấy sự tương tác giữa mình và tác giả, tuy rằng tác giả không giải thích xa hơn những chữ đã chọn, tuy rằng suy diễn của tôi có thể rất khác những gì tác giả muốn biểu tả. Từ điểm gặp gỡ nhất định có hình dáng là những chữ trong câu, tôi nhìn thấy những ngã rẽ tư tưởng khác mở ra, xuống những lối mòn trải dài đến như vô tận cùng với vô số những ngã rẽ khác. Như thế, tác phẩm vừa là cánh cửa sổ để người đọc nhìn vào một thế giới tâm hồn và suy tưởng khác, vừa gieo những hạt mầm lạ vào suy tưởng của người đọc.

Quá trình đọc và thưởng thức ấy, cuối cùng mang đến cho mỗi người đọc một tác phẩm dựa trên nguyên bản của tác giả nhưng không hoàn toàn giống nguyên bản. Tôi nghĩ Thơ Thơ đồng ý, vì Thơ Thơ đã nói về quan hệ và cảm nhận giữa hai người như thế này: Mỗi người đàn ông đến gõ cửa sẽ lôi ra, từ tôi, một người đàn bà riêng, của hắn. Theo đó, tôi, và mỗi người đọc, sẽ lôi ra, từ tập truyện, một tác phẩm riêng của mình.

Hồ Như

Leave a comment