Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Cùng Đặng Mai Lan đi tìm quá khứ – Nguyễn Xuân Thiệp

Nguyễn Xuân Thiệp

Cùng Đặng Mai Lan đi tìm quá khứ

Ở đâu đó tôi có viết:

Nguyễn lâu nay vẫn tự cho mình là một trong những người yêu thích văn của Đặng Mai Lan. Thời gian qua, đã may mắn được đọc những trang Ký văn học đượm phong vị tùy bút của tác giả viết về những kỷ niệm với Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Xuân Hoàng, Phùng Nguyễn, Du Tử Lê… Phải nói rằng mình rất thích những trang viết này. Ngoài ra đôi khi được đọc trích đoạn truyện của Đặng Mai Lan. Những truyện này phản ảnh thực tại xô xảm, đôi khi u tối, nhưng lung linh qua một màn sương đục. Cũng là niềm vui khi thấy văn của Đặng Mai Lan đôi chỗ rất gần với thơ của mình cho nên mới có những dòng này.

Trải qua thời gian càng đọc văn của Đặng Mai Lan càng thấy nhận xét trên là đúng.

Trước hết, Ký Văn Học của Đăng Mai Lan đượm phong vị tùy bút. Cũng có thể gọi đó là tùy bút. Xin ghi lại tựa đề những bài ký văn học của Đặng Mai Lan khi viết về các nhà văn nhà thơ nghệ sĩ trong những bài tản văn. Những Đêm Nhớ Lại (viết về Nguyễn Đình Toàn), Nỗi Buồn Của Lá (Du Tử Lê), Nhớ Anh Tôi Đi Tìm Những Trang Sách (Nguyễn Xuân Hoàng), Người Đi Không Đợi Mùa Xuân (Phùng Nguyễn), Tiếng Hát Lên Trời (Lệ Thu). Thế rồi, như viết tùy bút, Đ. Mai Lan ghi lại những vẻ đặc sắc của nơi chốn, thời tiết, nhân vật -tạo dựng lại không gian hồi tưởng. Để rồi từ đó Mai Lan đưa chúng ta gặp những nhân vật của một thời, những nhà văn nhà thơ nghệ sĩ yêu mến.

Với Đặng Mai Lan, mỗi bóng hình được tưởng nhớ nằm trong một cõi riêng. Mỗi người đều có một không gian. Nguyễn Xuân Hoàng thì trên những trang chữ và trong lớp học ngày xưa. Du Tử Lê -những đường phố, ngôi nhà và ánh đèn khuya của Paris. Phùng Nguyễn và những quán cá phê, quán ăn ở Orange County CA, Nguyễn Đình Toàn ở một căn gác nhỏ của Sài Gòn những đêm thứ năm rồi sách báo trên hành lang lớp học…

Văn Đặng Mai Lan trong sáng, nhẹ nhàng, tinh tế. Nó là loại văn thích hợp cho tùy bút. Nó không sắc nét, cô đọng mà dàn trải với những vệt màu loang rực rỡ của một bức họa ấn tượng. Ở đó hầu như ta không tìm thấy một lỗi nhỏ nào. Xin mở sách đọc một vài đoạn và lắng nghe âm vang của từng con chữ như tiếng ngân của khúc vĩ cầm trong bản serenade

Tôi muốn được cùng Mai Lan đi tìm lại Quá Khứ. Nhưng tìm ở đâu?

* Ở những tấm hình cũ và những cơn mơ. Vì là hình cũ nên có tấm rõ tấm mờ. Dù là vậy, những tấm hình đó cũng gợi lại những giấc mơ. Mơ thì không thể nào giống hệt như thực được. Và Đ. Mai Lan phải chắp nối để quá khứ sống lại, và giấc mơ đã gợi một bóng hình, anh đến ngừng xe trước cửa nói nói cười cười rồi đi, để lại ai đó trông vời thổn thức. Trong số những tấm hình cũ, có tấm đưa Đ. Mai Lan trở về thuở học trò, cùng các bạn đi dạo chơi ở Hồ Con Rùa, ngồi trên bờ đá nhìn nước phun, nhìn những hàng cây nhìn trời và mơ mộng. Thời nhỏ qua đi, và rồi qua những tấm hình cô thấy mình cùng anh đi dạo phố. Anh mặc quân phục ngày mới ra trường, còn cô ôm cặp sách khi tuổi vừa mười bảy. Rồi cô thấy hình ảnh anh lao vào trận mạc, cao nguyên rồi Hạ Lào nắng cháy. Và anh đi không về nữa. Đi vào cõi thiên thu, để lại cô thiếu nữ ngày ngày ngồi trên căn gác nhìn qua cửa sổ xuống con đường quen thuộc.

Đi tìm quá khứ với Đặng Mai Lan ta còn gặp gì nữa? Qua đi. Qua đi… Những dãy phố Sài Gòn với đèn đường và những quán ăn vỉa hè. Những bạn bè của một thời tuổi nhỏ. Những khuôn mặt văn nghệ cùng thời. Những tác phẩm văn chương đã đi vào lịch sử với tâm tình của người viết Mai Lan hôm nay. Những ca khúc đẹp mà ngày nào đó chúng ta đã cùng nghe và còn nghe mãi. Cùng Đ. Mai Lan, ta gặp lại những đêm Thứ Năm của Sài Gòn xưa. Trên một căn gác khép kín, ta nghe một giọng nói âm vang cùng tiếng đàn tiếng ca, đưa ta qua những phút giây hò hẹn, qua những cuộc tình với nắng mưa bốn mùa vương gót, những chia ly hội ngộ ở một thành phố nào đó hay một bến sông xa. Và… Cùng với Mai Lan chúng ta gặp một hành lang nhà trường với những mắt sáng và môi tươi, các cô trao nhau những cuốn sách những tạp chí văn học.

Ôi, những kỷ niệm đẹp làm nên giá trị của đời sống trên một vùng đất nay đã đổi chủ và đang đi vào ngõ chết. Đúng vậy. Và buồn thay dòng đời chuyển dịch cũng đưa Đ. Mai Lan và cả Nguyễn này về với Sài Gòn của bóng tối đọa đày. Không còn nghe tiếng cười. Cõi tôi bây giờ đã hoang phế. Bây giờ là những giọt lệ và những đôi mắt nghi ngờ, thù hận. Ôi, chiếc thẻ bài trên bàn tay góa bụa, run rẩy. Cũng may là ta còn đây trên căn gác của giấc mơ những tiếng hát bay trên thành phố thương yêu những khúc ca mở ra bầu trời thắp sáng và những trang văn. Như những trang văn của Đặng Mai Lan bây giờ…

NXT

Leave a comment