Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nhà Báo Kiều Mỹ Duyên Ấn Hành Tuyển Tập ‘Hoa Cỏ Bên Đường’ – Phan Tấn Hải

Phan Tấn Hải

Nhà báo Kiều Mỹ Duyên ấn hành tuyển tập "Hoa Cỏ Bên Đường"

Nguồn: https://vietbao.com/a310380/nha-bao

Nhà báo Kiều Mỹ Duyên ký tặng sách

Tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường của nhà báo Kiều Mỹ Duyên đã chính thức phát hành tại Quận Cam. Tuyển tập dày 500 trang đã gói trọn tấm lòng của một người rất mực yêu thương cuộc đời, và với quê nhà. 

Chúng ta có thể nghe tác giả giải thích về những cơ duyên sáng tác tuyển tập này. Nhà báo Kiều Mỹ Duyên viết nơi trang 86-87 của sách Hoa Cỏ Bên Đường, trích: 

“Nhờ làm nghề truyền thông mà tôi được nhiều cơ hội gặp mọi người, từ anh lính đến Đại tướng, từ người dân đến Tổng Thống, từ một người giáo dân đến Đức Cha chủ tịch Hội Đồng giám mục Hoa Kỳ, Đức Cha chủ tịch Hội Đồng giám mục Việt Nam. Đi đến đâu, tôi cũng được giúp đỡ một cách tận tình để được phỏng vấn. 

Tôi phỏng vấn nhiều nhân vật quan trọng trên thế giới và tôi được cử làm phóng sự, thuyết trình, gồm có: Tổng Thống Gerald Rudolph Ford, bộ trưởng Elizabeth Dole, Tổng Thống Nga Mikhail Sergeyevich Gorbachev. Tổng Thống Nga nói sở dĩ nước Nga có tự do, nhờ ông và Tổng Thống George W. Bush làm việc ròng rã suốt 10 năm, thường họp ở Canada. Ông cho biết ông tham gia chánh trị lúc 18 tuổi nhưng chỉ một lần thất bại. Ông bị bắt giam gần bờ biển, chiều chiều nghe tiếng sóng vỗ và nhìn lên núi, ông nhất định phải trở lại chính trường và phải làm Tổng Thống. Khuôn mặt ông rất lạnh, ông có bằng Tiến sĩ toán, cô con gái đi theo ông khuôn mặt cũng rất lạnh. Tôi gặp Tổng Thống Nga hai lần, một lần ở Anaheim. Truyền thông có chỗ ngồi riêng, gần sân khấu, an ninh cho từng người truyền thông rất kỹ, cẩn thận không kém gì lúc tôi gặp Tổng Thống Ronald Reagan ở Anaheim hồi mới sang định cư ở Mỹ, mấy năm đó tôi đang làm báo cho Mỹ.” 

Trong tập bút ký Hoa Cỏ Bên Đường, nhà báo Kiều Mỹ Duyên cũng ghi lại những cơ duyên phỏng vấn quý Thầy Phật Giáo VN, như ngài Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thiền sư Thích Thanh Từ, Hòa Thượng Giác Nhiên, Thầy Tuệ Sỹ, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, Hòa Thượng Thích Mãn Giác…

Trong sách này chị Kiều Mỹ Duyên cũng kể lại một vài chi tiết lịch sử, có thể gây xúc động cho Phật Tử. Thí dụ, như chị kể lại nơi trang 94-95: 

“Học trò của Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu rất giỏi, rất giỏi và hiện nay trụ trì nhiều chùa ở khắp nơi trên thế giới. Có lần, thầy nhờ tôi gửi tiền về cho thầy Tuệ Sỹ. Thầy Tuệ Sỹ rất gầy, gầy không thể tưởng tượng được. Năm 2001, tôi cùng với phái đoàn từ thiện quốc tế dành thì giờ ghé thăm thầy Tuệ Sỹ. Chúng tôi đang ngồi quanh thầy thì một cụ bà, sau này chúng tôi biết bà cụ có người con trai làm trụ trì một ngôi chùa, cụ vừa đến quỳ xuống lạy thầy Tuệ Sỹ. Chúng tôi phải vội vội, vàng vàng tránh xa ra. Phòng khách của thầy Tuệ Sỹ nhỏ xíu, thầy ra tù về trú ngụ ở chùa Già Lam, Gò Vấp, không có hộ khẩu, không đi mua gạo được.” 

Trong tuyển tập bút ký Hoa Cỏ Bên Đường, nhà báo Kiều Mỹ Duyên còn nhiều bài khác, mang chủ để sinh hoạt cộng đồng, hay khắc họa chân dung nhiều nhân vật — như viết về Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, về Giáo sư võ Aikido Đặng Thông Phong, về phóng viên Phan Trần Mai…

Nhà báo Kiều Mỹ Duyên đã trở thành một trụ cột lớn trong cộng đồng qua nhiều hoạt động, trong đó viết sách chỉ là một mảng hoạt động của chị. Gần như là chị có mặt khắp nơi trong cộng đồng. Chị xông xáo làm từ thiện, chị say mê làm đài phát thanh, chị mưu sinh bằng nghề địa ốc, chị tham dự guồng máy đại bồi thẩm đoàn của Quận Cam, và vân vân. 

Nói theo một kiểu từng nghe được, thì nhà báo Kiều Mỹ Duyên có mặt trên từng cây số của cộng đồng Việt. Trong đó, tuyển tập bút ký Hoa Cỏ Bên Đường là một dấu mốc của nhà báo Kiều Mỹ Duyên, nơi đó độc giả sẽ nhìn rõ hơn chân dung và hoạt động của một người đã từng là phóng viên trước 1975 và bây giờ thỉnh thoảng làm phóng viên vì muốn đóng góp cho cộng đồng. Hy hữu mới có người như chị. Dễ dàng đoán được rằng tuyển tập bút ký Hoa Cỏ Bên Đường của nhà báo Kiều Mỹ Duyên hẳn là sẽ được cộng đồng đón nhận nồng nhiệt.

Độc giả muốn có sách này, xin liên lạc tác giả Kiều Mỹ Duyên:
kieumyduyen1@yahoo.com

Phan Tấn Hải

Leave a comment