Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đọc Lục bát tản thần 1 của Nguyễn Hàn Chung – Du Tử Lê

Du Tử Lê

Đọc Lục Bát Tản Thần 1 của Nguyễn Hàn Chung

Một trong những đặc tính có tính di truyền của người Việt, theo tôi là máu trào phúng, nói theo ngôn từ hôm nay là tính “giễu nhại”.Tôi vẫn nghĩ, có dễ nhờ tính giễu nhại (bản chất ít nhiều kỳ thị) nên dân tộc Việt Nam trải qua nhiều đời, với nhiều thời kỳ bị xâm lăng, đô hộ nhưng vẫn không bị đồng hóa (?)Nhiều người chưa quên nhớ rằng, khi người Tàu xâm lăng Việt Nam, thì người Việt đã lố bịch hóa kẻ thù bằng những danh từ cho thấy rõ sự khinh miệt, bỉ thử như “Tàu phù”, “Tàu Ô”… Khi quân Pháp thôn tính Việt Nam thì, cha ông chúng ta, có ngay những danh từ chỉ đám ngoại xâm này là “Mũi Lõ”, “Phú Lãng Xa”… Gần hơn nữa, khi người Mỹ đổ quân vào, giúp miền Nam, thì dân gian cũng có ngay danh từ “Mẽo” để chỉ họ…

Trước tháng 4-1975, dù những người lính Mỹ đã hy sinh rất nhiều cho miền Nam tự do, nhưng những phụ nữ Việt lấy chồng Mỹ theo đó, cũng vẫn bị gọi một cách “xách mé” là “Me Mỹ” thay cho hai chữ “Me Tây… (Hiện tại người Việt đã có cái nhìn khác hẳn…)

Trước đây, chúng ta có một nhà thơ Trào phúng gắn bó với một giai đoạn lịch sử: Nhà thơ Tú Xương (1870-1907). Ngay từ thời đó, Tú Xương đã dùng thơ để giễu nhại, để đả kích hay, lố bịch hóa tất cả những hiện tượng ngoại lai diễn ra tại Việt Nam. Điển hình, như hai bài thơ dưới đây của Tú Xương, lố bịch hóa không chỉ những người theo Tây mà, ngay cả tiếng Pháp cũng bị ông đem vào cõi thơ “thần kỳ” của mình. Chúng như “những bức tranh, mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử đất nước:

Ô Tây Đi Tu

“Rứt cái mề đay ném xuống sông

Thôi thôi tôi cũng “mét xì” ông!

Âu đành chùa đó, âu đành phật

Cũng chẳng con chi, cũng chẳng chồng.

Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ

Ai ngờ chữ “sắc” hoá ra “không”!

Tôi đây cũng muốn như cô nhỉ

Cái nợ trần duyên rũ chửa xong.” 

Và:

Giễu Người Thi Đỗ

“Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,

Nó đỗ khoa này có sướng không!

Trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt,

Dưới sân, Ông cử ngỏng đầu rồng.”

Dường như thời thế càng nhiễu nhương, sa đọa, đảo lộn bao nhiêu thì hiện thực đó, càng là mảnh đất mầu mỡ cho văn chương trào phúng bấy nhiêu.Phải chăng vì thế mà tác phẩm thứ 6 của nhà thơ Nguyễn Hàn Chung, tựa đề:“Lục bát tản thần”, với 200 bài ngắn , dài đều là những bài thơ được viết trong ánh sáng soi đường của ngọn hải đăng trào phúng?Thi phẩm “Lục bát tản thần” của Nguyễn Hàn Chung viết nhiều về các khía cạnh hiện thực của xã hội. Từ tình yêu thời a còng (@), cảnh vật đất nước, đạo đức con người xuống dốc một cách thảm hại… mà thực tế cho thấy trong mấy nghìn năm lập quốc, chưa bao giờ thực trạng xã hội, con người lại sa đọa đến mức như vậy. Dĩ nhiên, như tên gọi, tất cả mấy trăm bài thơ của họ Nguyễn đều được dựng trên cót lõi trào phúng, giễu nhại của tinh thần Việt Nam. Ngay bản thân ông, cũng được tác giả đem lên trang giấy, soi rọi một cách tận tình, không ngần ngại…

Bài lục bát đầu tiên, “Về thôi, lục bát” mở vào tác phẩm của Nguyễn Hàn Chung, đã như lời “Tự bạch”, cho toàn thể thi phẩm:

“…Từ ngày anh biết đau thơ

Đã xông vào cõi bơ vơ lắm lần

Từng quay lưng với mái tranh

Đi tìm lửa đáy biển xanh rã rời

Về đem lục bát ra phơi

Có em đang cắp nón cời đợi nhau

Anh từng chiết giải thâm sâu

Chiều quê vẫn sững sờ câu “chiều chiều…”

Bước sâu vào nội dung sau đấy, người đọc sẽ thường gặp những câu thơ như:

Về nghe tiếng cát làng đầm

Vẫn là kiếp kiếp ngư dân mỏi mòn

Về làm chi nữa các ôn

Chỉ nghe sóng vỗ bãi buồn điêu linh…”

(Trích “Một chiều về thăm lại phá Tam Giang”)

Hoặc:

Mẹ chừ hết biết ngày ni

Vợ chừ cũng chẳng biết chi ngày này

Con chừ quần quật đi cày

Ngày nào phụ nữ hết cay đắng là…

(“Ngày phụ nữ”)

Và, khép lại tập thơ dày trên 240 trang, với bài “Làm tình & thơ tình”:

Thơ tình khác với làm tình

Khác nhau xa chẳng phải hình như đâu

Thơ tình mê hoặc rất lâu

Làm tình mê muội rất mau lẹ mà

Làm tình không có thăng hoa

Có khi giết cái bóng tà khỏe re

Thơ tình như suối như khe

Nghìn năm, không nói quá nghe, vẫn tình”

Được biết nhà thơ Nguyễn Hàn Chung còn có nhiều bút hiệu khác, như: Nguyễn Phong Hàn, Nguyễn Đức Mù Sương. Sinh quán của họ Nguyễn thuộc quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông dạy học từ năm 1971 tới năm 2006, ở Quế Sơn, Đà Nẵng; định cư tại Hoa Kỳ 2006… Ông đã cộng tác với rất nhiều tạp chí văn nghệ từ trong nước, ra tới hải ngoại.

DTL

Nhà thơ Du Tử Lê

Leave a comment