Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Gió Mỗi Ngày Một Chiều Thổi – Phan Tấn Hải

Phan Tấn Hải

Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Gió Mỗi Ngày Một Chiều Thổi

Nguồn: https://vietbao.com/a246854/nguyen-thi-hoang-bac-gio-moi-ngay-mot-chieu-thoi

Đó là một tập truyện, và chúng ta có thể đọc truyện như đọc thơ. Đó là tuyển tập “Gió Mỗi Ngày Một Chiều Thổi” (sẽ viết tắt: GMN) của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc, trong đó có một truyện vừa, nhiều truyên ngắn và một số bài thơ… Trong đó, những dòng chữ đã hiện lên những mảng trí nhớ của nhà văn, trở thành một chuỗi những bài thơ về cuộc đời, chở theo hình ảnh của đất nước Việt Nam từ những ngày thơ ấu của nhà văn, từ những kinh ngạc khám phá về các khu phố, hàng xóm và bạn hữu chung quanh… cho tới những ngày xa xứ ngồi lặng lẽ trong đêm, gõ lên những dòng chữ để kể truyện, ghi lại ký ức và cảm xúc.

Cái nhìn của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc ngay cả khi nói về những đau đớn của cuộc đời, của gia đình, của bản thân và của những người cùng thế hệ vẫn nhân hậu, và ngôn ngữ có khi cười cợt, nhưng vẫn mang những nỗi xót xa. Tiếng cười trong các dòng chữ của nhà văn đôi khi như dường ẩn tàng nước mắt thương xót cuộc đời.

Đó là công việc của một nhà văn đầy gian nan, thức trắng đêm với chữ, như lời tự kể: “Có một đêm, tôi thức viết một mạch đến 5 giờ sáng thì xong cái truyện nhào lộn trộn trạo gan ruột tùng phèo, mấy tháng liền liên miên. Rồi như cơn bệnh hành hạ quá trời mà con/thằng bệnh cứng đầu chưa chịu chết, một ngày tự nhiên bệnh trôi đi, biến mất êm ru, con bệnh chống tay ngồi dậy bàng hoàng nghe nắng mới ngoài sân…” (GMN, truyện ngắn “Chấp Bút Cho Người uổi Ngọ” – trang 193)

Ngay cả khi viết về sự chết, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc cũng trầm tĩnh, suy nghĩ về các tình cờ phi lý của cuộc đời – nơi đó, chúng ta bị xô vào đời, bị xô vào dòng lịch sử và rồi bị xô vào những cái chết. Nhà văn, trong truyện vừa dẫn, kể về cái chết của người cậu, và rồi tự hình dung về cái chết của mình:

“Một người cậu chết rất trẻ ở Côn Lôn năm mới 21 tuổi, không phải chết vì làm cách mạng mà chết bởi cách mạng một cách oan khiên lãng xẹt. Mẹ nói lại, lúc Nhật đảo chánh Pháp, cậu đẹp trai và cao lớn và nói tiếng Tây như Tây, Nhật tưởng là Tây nên bắt đi Côn Đảo, Côn Đảo trời cao đất hẹp đảo điên, cậu vào tù không án, nghe nói, trẻ tuổi háo thắng ngông nghênh trong tù nên các bạn đồng tù xử chết. Có những hy sinh gần như không cho một điều gì, không đáng gì, có những cuộc đời sống chết nhỏ nhoi vẫn là ẩn số hư vô. Năm ấy mẹ tôi mới 22 tuổi, mới có con đầu lòng, và anh trai tôi chết trên tay mẹ lúc tám tháng tuổi sau cái chết của cậu. Những cơ duyên kỳ lạ, khi sống cậu là thuỷ thủ và khi chết thì về với biển. Tôi có thể tưởng tượng ra cái chết theo ý của mình nhưng vẫn muốn giữ bí mật cho đến phút cuối. Khi tôi chết thì như thế đó.” (trang 196-197)

Nơi truyện vừa ở đầu tập, độc giả sẽ nhìn thấy hình ảnh một Nha Trang ngày tác giả mới lớn, khi hàng xóm chung quanh là những cô “chị em ta” mà nhà văn những ngày thơ ấu gọi là “các chị” – một hình ảnh được mô tả là “buồn tủi… không hay ho gì…” Họ hiện ra trong turyện như những người chị có khi hiền lành, có khi dữ dằn, thường khi chửi thề, nhưng đều tốt bụng. Trong đó có những chị bị lính Tây bắt cóc, hiếp dâm rồi đẩy vào khu nhà bọc-đền này.

Đó là những ngày thơ ấu hòa lẫn nhiều cảm xúc. Như khi nhà văn kể về giây phút kinh hoàng, vào đêm Pháp đưa quân bố ráp:

“…lính tuần xông thẳng vào nhà, giở giường lục chiếu để lùng xét Việt Minh, mẹ và em bé út ngủ trên giường kê bên cửa sổ, và đám ba chị em tôi chen chúc trong đi-văng gỗ kê sát góc phòng, bừng tỉnh dậy ngái ngủ, ngơ ngác.” (GMN, Chương 1, trang 10)

Hay là khi kể về hình ảnh thân thương của người cha:

“Kỷ niệm về ba, khi chưa đến tuổi đi học, khi ba còn ở tù và chưa bị trục xuất ra chiến khu, đôi ba tháng một lần, cả gia đình đi ra mé biển thăm ba vào những kỳ ba được xuất lao đi làm tạp dịch…”(trang 11)

Người cha sau này trở thành một hình ảnh buồn thảm, không vui gì với chế độ mới, ngồi trong bóng mờ của chế độ, và có khi buông lời chỉ trích lãnh tụ.

Cô bé xưng tôi trong truyện lớn dần qua những ngày tháng dao động của đất nước, trải qua một vài mối tình mơ hồ, vượt biên ra nước ngoài và rồi trở thành nhà văn, ghi lại những hình ảnh xa gần, những suy nghĩ về sự sống và nỗi chết, về bạn hữu và văn chương, về những Việt kiều vô số chuyện, về tuyết xứ người và về những đêm ngồi lặng lẽ, viết xuống trang giấy những dòng chữ thơ mộng…

Tập truyện của Nguyễn Thị Hoàng Bắc hiện ra như một bức tranh phức tạp, đa dạng về những gì trong ký ức nhà văn. Khi ký ức này trở thành chữ viết, tất cả đã hiện lên chất thơ chở theo cảm xúc về một thời, về những hỗn loạn và bình lặng của quê mình, quê người…

Hãy hình dung rằng tập truyện này là một thành phố Sài Gòn. Sau khi bạn đọc xong một lần để mơ hồ có khái niệm về đường phố Sài Gòn, bạn có thể đọc lại từ bất kỳ trang nào, theo bất kỳ thứ tự nào, cũng sẽ nhận ra chất thơ trong tác phẩm. Cũng y hệt như chúng ta có thể trở về Sài Gòn, từ bất kỳ hướng nào — dù đi từ Phú Lâm hay Thủ Đức vào, dù đi từ Khánh Hội hay từ Hóc Môn vào — cũng vẫn thấy một Sài Gòn rất mực từ bi nhưng cũng vô cùng dữ dội, rất mực thơ mộng trầm lắng nhưng vẫn xô bồ ồn ào… Vậy đó, tập truyện này sinh động, đa dạng và thơ mộng như một Sài Gòn thế đó.

*

Chúng ta dễ dàng thấy chất thơ trong truyện ngắn Bí Mật của Con Đường” (GMN, trang 263-273). Có thể đoán những dòng chũ này kể về một Nha Trang, trước ngày tác giả vượt biên. Trích như sau:

“1. Nhà ga vui tươi bắt đầu và kết thúc con đường bằng vòng biên nối khu trung tâm chợ chính ồn ào ban ngày, ẩm mốc buồn thiu khi về đêm.

Thuở xe ngựa còn chạy lọc cọc trên đường, trong một ước hẹn không lời, nó chỉ lọc cọc lóc cóc những sáng sớm tinh mơ trời còn nhá nhem tối sáng, gồng gánh, xốc nách, móc níu, chồng chất ngổn ngang một cách gọn gàng: trái cây, gà vịt, rau cải; và mấy bà buôn chợ từ Thành đang lên đồng lắc lư ngái ngủ theo nhịp xe lắc lư cho kịp phiên chợ sáng. Chiều tối lại, mới là lúc xuất hiện khó hiểu lờ đờ vài ba chiếc xe bò rề rà cà rịch cà tang chở gạch đá, vôi cát, đen trắng đỏ bụi mù, cung cấp hàng cho các khu xây dựng ngoại ô. Khoảng thời gian sáng trắng cho đến xế trưa là thời dụng biểu được đăng ký ngầm của các loại xe văn minh: xe đò, xe hơi, xe jeep, xe nhà binh tám bánh, xích lô, ba gác, xe đạp, vélo, honda dame, vespa chen nhau xuôi xuôi ngược ngược. Người đi chơi thả bộ chọn đi đường biển, bát phố ở phố chính hai bên buôn bán, tiệm ăn, tiệm chụp hình, radio, nhảy đầm, café nhạc nhẹ, nhạc giựt, và khách sạn sang trọng, sáng đèn.

Tôi ngồi dậy trong bóng tối khi tiếng vó ngựa phi, tiếng roi vút vút bình thường, có khi chỉ là quất vu vơ vào không khí hơn là vào lưng ngựa, nghe chẳng dữ dằn gì của anh nài ngựa, chỉ là như đánh nhịp cho vui thôi, vó ngựa phi lộp độp trong gió, nắng nóng chưa lên để khiến người ngựa mệt phờ để anh nài phải vung roi vụng về thúc giục. Thì cũng coi con ngựa quý như con mình, không có nó, lấy tiền đâu ra anh nuôi vợ nuôi con? Bác bán xôi bắp gánh một gánh xôi trĩu một đầu, một đầu kia là lỉnh kỉnh hành mỡ, đậu xanh, lá bàng, muối mè, đường cát, bọn con nít xúm xít co ro trong gió chớm lạnh, thúng xôi bắp nóng bốc hơi ngùn ngụt thơm lừng, mỗi đứa một gói, co ro nhai, ngậm, ngửi, nuốt, vừa lắng nghe mùi bắp nóng trôi tuột, chạy đến đâu ấm từ từ một luồng hơi dễ chịu cả người. Còi tàu xa từ phía sân ga rúc lên một hồi, thức tỉnh những người còn ngái ngủ, và đúng y chang như sách Quốc văn của tôi nói, tiếng còi xé màn đêm…”(ngưng trích)

Nguyễn thị Hoàng Bắc, Mai Thảo và Tô Thùy Yên

Đó là những dòng chữ chúng ta có thể đọc nhiều lẫn, có thể đọc từ bất kỳ chõ nào trong trích đoạn, có thể đọc một, hay hai, hay ba câu cuối cũng được… và đó là thơ.

Hình ảnh của một Nha Trang trong ký ức thơ mộng, đầy sương khói (sớm tinh mơ…), đầy âm vang (xe ngựa chạy lóc cóc, tiếng xe bò cà rịch cà tang, tiếng còi tàu xa…). Nơi đó, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc hít thở ký ức về phố biển, từ mùi bắp nóng cho tới hình ảnh bọn con nít ngồi quanh gánh xôi trong gió chớm lạnh…

Có một truyện, như lời tự kể về công việc cầm bút, tựa đề “Chấp Bút Cho Người Tuổi Ngọ” (trang 193-199). Những dòng chữ sau đây cho thấy sau một ngày làm việc, nhà văn bị cuốn hút vào công viết sáng tác, trích:

“…Tham lam viết là tham lam muốn khám phá, muốn hiểu, muốn đạt được. Ý tưởng của nghệ nhân tạo ra pho tượng bốn mặt nhìn ra bốn phía là khát vọng muốn nhìn được muôn vẻ của cuộc đời bốn phương tám hướng trọn vẹn, pho tượng trăm tay nghìn mắt phải chăng là nghệ thuật khát khao chới với trăm tay vươn tới mọi ngóc ngách của ý thức hư vô hữu hạn trong ba ngàn thế giới, là tham vọng thấu suốt tình ý lẽ đời. Những đêm dài, trăm ngàn cánh tay mọc nhánh trong tôi vươn ra rối rắm khắc khoải ôm vào những mảng tối, những đốm lửa tranh sáng tranh tối, những ẩn hiện thiện ác, những gì dường như đã hiểu bỗng một sớm một chiều đảo ngược, những thành những bại, những phải và chưa phải, những ai đúng ai sai, những chiều tà rực sáng, những buổi mai trầm lặng tối căm, những mảnh đời vang dội chói loà, những kiếp sống lặng thầm trong bóng tối, những chân trời không biết bao giờ mới tới được mà nghe như gần gũi, những người bên cạnh tưởng như thân quen mà là đá tảng, những cảm tình mẹ con không nói nên lời mà là lời tri kỷ thâm sâu, những bọn đàn ông dâm đãng, đàn bà nhạt nhẽo, những kỳ thị, những vọng ngữ giấu đằng sau môt đống dao găm, hàng ngàn sao băng, những que diêm chập chùng đốm sáng, và những đêm đen đốt đèn vẫn đen và không ngủ.

Tôi làm thế nào để có được trăm ngàn cánh tay.”(hết trích)

Đó là những dòng đầy chất thơ từ lời kể truyện của tác giả Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Nơi đó chúng ta đọc nhiều lần, dù từ bất kỳ chữ nào trong trích đoạn, cũng vẫn thấy sức mạnh của thi tính.

*

Quê người cũng hiện ra trong tập truyện đầy thi tính của tác giả. Như trong truyện “Đợi Tuyết” (trang 229-235), nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc kể về những ngày tuyết rơi ở Virginia, và về người bạn họa sĩ tên Vang bị mù dần đi, và rồi bước sang cửa tử. Xin mời đọc thật chậm những dòng chữ thơ mộng này như sau, trích:

“Tôi uống từng ngụm rồi từng chữ, bất ngờ nhắm mắt lại để nghe chữ tan ra từng vị đắng, ngọt, lại trân trối mở mắt chơi vơi ngó ra khơi, chầm chậm đọc lại, và ước gì nước mắt không chỉ cay cay mà phải chảy dài. Tai nạn đến oái oăm bất ngờ, Vang tâm nguyện chỉ một đời sống chết với cây cọ và không làm nghề gì khác, một ngày đột nhiên bị mù, nét nhỏ dần đến nét to, bác sĩ kiếm mãi thì ra bệnh sưng cuống não đã đánh hỏng thị giác. Vang ra đi vội vàng sau đó như trốn chạy một cuộc đời không muốn sống, bao nhiêu người đã trốn chạy thành công như Vang, nếu không vẽ không tranh. Những dòng mail phút cuối trao đổi của hai chúng tôi chữ in đậm và to như con gà mái những ngày Vang nằm viện, như chứng cớ hiển thị nỗi bất toàn bất xứng cho chính cuộc đời của mỗi người, của Vang, thề độc thân để tang bồng hổ thỉ nữ nhi trái, một chiều nắng rớt bờ mi ở đại học xá nữ, Vang vừa cười gật gù nhịp chân tập tành rít thuốc vừa ôm đàn phổ nhạc và hát bài hát nói cải biên tang bồng hồ thỉ.

Mở mắt dậy, tuyết đang ngập trời. Vang đã tan thành tro, đã bay theo gió cũng là hay, nếu không, ba thước tuyết chồng lên ba thước đất, bộ xương tàn của hắn chắc sẽ lạnh thấu xương…

Bão tuyết lại đến ào ào, quật gió, ngã cây, tuyết nhích lên từng lớp tiến công, ào ào vùi lấp. Nhưng lẽ thường vẫn còn một mặt trời sẽ lên, đành phải đợi. Chúng ta ào ra đường xúc tuyết đi, dồn những đống ngỗn ngang kia thành một đống, và thật buồn, cái màu trắng trong giả dối chốc lát kia đã nhão nhoét tan ra lẫn lộn cùng đất cát đen ngòm, mặt trời chói chang nheo mắt, vài sự thật gì đó ít nhất cũng là đối với tôi và ông sẽ được quật mồ phơi bày trên mặt đất. Chờ tuyết đến là một kinh nghiệm nghiêm túc và chờ tuyết tan là một kinh nghiệm thử thách, người bạn gái đã chết đã nói.

Sang ngày thứ hai, thứ ba, tuyết vẫn ào ạt tuôn trào, lúc thưa lúc dày, tivi chả bảo là trận bão tuyết lịch sử gì đó hay sao, nhưng tiểu thuyết tôi đang đọc đã sắp đến hồi kết thúc, và ít nhất có hai nhân vật nữ đang toan tính tự sát. Hay Vang cũng đã tự sát, bằng một cách nào đó, cái con người đi mây về gió?”(ngưng trích)

Đợi tuyết, hay đợi cái chết? Chúng ta không có câu trả lời minh bạch. Nhưng phải chăng, cái chết đã tàng ẩn trong từng hơi thở của chúng ta… Và làm cách nào, tác giả Nguyễn Thị Hoàng Bắc viết về những cái chết bằng ngôn ngữ thơ mộng, cũng hệt như k viết về những ngày thơ dại mới lớn ở Nha Trang…

*

Tác phẩm “Gió Mỗi Ngày Một Chiều Thổi” dày 316 trang, hiện đang bán trên mạng Amazon.com.

Nguyễn Thị Hoàng Bắc là tên thật và là bút hiệu của tác giả, sinh tại Thị Nghè, Gia Định, đi học ở Nha Trang và Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, Văn Khoa Sài Gòn, từng dạy tại các trường trung học ở Việt Nam. Sang Hoa Kỳ, cư ngụ ở Virginia, viết văn và làm thơ, tác giả cũng từng là giáo viên tại Học viện Ngoại giao, thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đã ấn hành nhiều tập truyện tại Hoa Kỳ.

Tập truyện là tác phẩm nên có trong mọi tủ sách gia đình, nơi đó quê nhà và quê ngừời đã hiện ra trong các dòng chữ rất mực thơ mộng. Đọc từ đâu cũng cảm nhận được sức mạnh của ngôn ngữ Việt, và đọc nhiều lần cũng vẫn thấy như tươi mới. Độc đáo, thơ mộng, và rất mực thiết tha với quê nhà.

Phan Tấn Hải

Leave a comment