Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ngu-Yên, nghệ sĩ và thi sĩ – Lương Thư Trung

Lương thư Trung

Ngu-Yên, nghệ sĩ và thi sĩ

Nguồn: http://www.gio-o.com/HoangXuanSon/LuongThuTrungNgheSiVaThiSi.html

Với lần gặp gỡ Ngu-Yên bất chợt vào mùa Hè năm nay đã khiến tôi tìm đọc cuốn “Thi sĩ và tôi”(1) của ông. Được biết đây là tác phẩm thứ sáu của Ngu-Yên nhưng với tôi đây là cuốn sách đầu tiên của ông mà tôi được đọc. Cái đặc biệt của cuốn sách này, Ngu-Yên đã lựa chọn một hình thái mới cho cuốn sách là pha trộn giữa thơ và văn tùy ký, một cách phối trí đặc biệt giữa những suy nghĩ và thể nghiệm trong việc sáng tạo thi ca của ông. Do vậy mà cảm nhận trước tiên của một người đọc là tôi thấy đây là một quyển sách lạ. Nó lạ về cách trình bày, về văn phong và đặc biệt là nó lạ trong phần ý tưởng .

Được biết Ngu-Yên làm thơ rất sớm, lúc học lớp ba tại một trường nữ tiểu học, cái thuở mà tuổi thơ cắp sách đến trường chỉ lo việc học hành thì Ngu-Yên đã biết để ý, biết yêu và làm thơ:”Tôi làm bài thơ đầu tiên cùng một lúc với mối tình đầu tiên. Năm ấy tôi vào học lớp Ba. Trường Trưng Vương ở Qui Nhơn là trường dành riêng cho phái nữ do các ma soeur dạy. Năm ấy, các bà thử thí nghiệm nhận một số nam học sinh vào các lớp tiểu học. Tôi có mặt, ngồi hàng đầu bên nam”(trang 70).

Ba mươi lăm năm cho trò chơi thơ đã đủ để Ngu-Yên có được những kinh nghiệm làm thế nào tách bạch giữa thơ hay và thơ dở, giữa thơ mới và thơ cũ, giữa sáng tác và sáng tạo, giữa ý thơ và tứ thơ, giữa thơ ngâm và thơ diễn, giữa làm đẹp nghệ thuật và làm xấu thơ ca và giữa nhiều thứ khác mà người đam mê tìm hiểu về giá trị của một nền văn học nghệ thuật muốn đi tìm. Mỗi mỗi ý tưởng lạ như thế là sự chan hoà giữa những trải nghiệm trong sáng tác và cả trải nghiệm trường đời của một chàng trai lúc nào cũng chỉ muốn ham vui, ham vui trong đời sống và ham vui khi làm thơ.

Với nhãn quan đó, dưới mắt Ngu-Yên, làm thơ mới chỉ là bước đầu của sáng tác. Và trong lúc sáng tác, tác giả tự lựa chọn cho mình cái cách làm thơ riêng với chữ dùng mới, sự kiện mới và chừng đó mới có sáng tạo trong thơ:”Sáng tạo trong sáng tác là bất chợt nẩy sinh trong lúc sáng tác một con đường sáng tác khác hẳn những con đường đã đi… Sáng tạo trong sáng tác có khi nằm trong ngôn từ, có khi nằm trong câu cú, có khi nằm trong hình thể, có khi nằm trong ý tứ, có khi nằm trong tiến trình, có khi nằm trong nhạc điệu, có khi nằm trong cách diễn đạt, có khi nằm ngoài không khí..”(trang 219) Để kết luận về những suy nghĩ của mình trong việc sáng tạo, Ngu-Yên trong một tùy ký khác có ghi lại:”Sáng tạo là một hành động. Hành động phát ra từ một quyết định. Quyết định là kết quả chọn lựa của suy luận. Suy luận cách nào là tùy thuộc vào cá tính và sự tu luyện. Nói cách khác, sự nghiệp thơ của mỗi thi sĩ là kết quả của hành động làm thơ do sự lựa chọn và suy luận.”(trang 301)

Nhắc về ý niệm sáng tạo của Ngu-Yên, chúng tôi nhớ có lần Krishnamurti có bàn qua sự tương quan giữa kiến thức và sáng tạo:”Phát triển một kỹ thuật hoàn thiện không làm các ngài trở nên sáng tạo được. Các ngài có thể biết cách vẽ vời một cách tuyệt diệu, các ngài có thể học được kỹ thuật nhưng các ngài không thể là họa sĩ sáng tạo được. Các ngài có thể biết cách làm thơ, về mặt kỹ thuật có thể tuyệt mỹ; nhưng các ngài không thể là thi sĩ được. Phải chăng muốn là thi sĩ ngụ ngầm ý nghĩa rằng có khả năng đón nhận điều mới lạ; biết nhạy cảm để đáp ứng lại sự đời mới lạ, tươi tắn.”(2)

Ở một chỗ khác, Krishnamurti viết:”Có được tinh thần sáng tạo, đúng nghĩa là sáng tạo, là giải thoát khỏi qúa khứ trong từng giây phút một, từ giây phút này đến giây phút khác, vì chính quá khứ đã thường xuyên ám bóng hiện tại.”(3)

Từ đó, chúng tôi thấy, với Ngu-Yên chỉ có sáng tạo khi nào thi sĩ bắt đầu hành động bằng cách “chọn lựa và suy luận”; theo Krishnamurti, anh không thể sáng tạo khi anh cứ khư khư ôm lấy “kiến thức và học vấn”. Hai ý niệm về một chủ đề sáng tạo, cả hai tác giả dù đưa ra hai định hướng tuy không giống nhau nhưng có chung nhau một con đường là hãy tự mình vượt qua khỏi chính mình thì mới thật sự có sáng tạo. Bằng không, các tác giả chỉ là những người làm công việc lặp lại những gì người khác đã viết, đã làm hoặc mình lặp lại chính mình qua những gì quen biết từ trước qua “kiến thức và học vấn”..

Theo Ngu-Yên, thơ thật sự có giá trị, trước tiên là phải có sáng tạo. Nếu không, chẳng qua người làm thơ chỉ bắt chước người xưa mà làm thơ chứ chưa thực sự là một thi sĩ thứ thiệt. Từ ý tưởng đó, Ngu-Yên cho ta biết trong giới làm thơ có hai loại thi sĩ. Đó là thi sĩ thật và giả dạng thi sĩ. Ông cảnh báo:”Công chúng bình thường không phân biệt nổi thơ nào thật thơ nào giả. Thơ nào thốt lên từ thôi thúc, thơ nào viết ra từ thủ thuật. Những nhà thơ giả rất giỏi về ngôn ngữ, bộ tịch và thuộc lòng nhiều câu thơ mà công chúng yêu thích. Họ chuyên nghiệp giả hình nên giống thi sĩ hơn những nhà thơ chân chính. Thật ra, họ rất dễ bị nhận diện. Thi sĩ thật giống người thường. Thi sĩ giả giống thi sĩ.”(trang 66-67). Ngu-Yên kết luận:”Giả làm thi sĩ thì chẳng bao giờ là thi sĩ thật. Họ vừa chết đi, người ta quên ngay.”(trang 68).

Ngu Yên

Một trong những biểu hiện một ý thơ là cách dùng chữ và khi quan niệm về “thi sĩ” như thế, Ngu-Yên nghĩ gì về cách dùng chữ của họ:”Một người làm thơ đã ăn uống ngôn ngữ của dân tộc, lại thấm nhuần cái hay cái dở của ngôn từ địa phương mà cố bắt chước cách sử dụng ngôn năng của địa phương khác thì giống như đa số người da đen. Họ thường dẫn đầu khi chơi thể thao hoặc ca nhạc nhưng bước sang lãnh vực công chức hạng A, B thì dở trăm bề.” Và rồi ông tiếp:”Có những nhà văn nhà thơ người miền trong lại giả giọng bắc khi sáng tác vì họ nghĩ văn chương “chính thống” tràn từ bắc vào nam. Đọc họ. Tôi cảm thấy có giả lợn cợn như người bắc hát cải luơng, như người nam hát chèo.”(trang 114-115) Dẫn về điều này, ông đưa ra hình ảnh cái bánh tráng Bình Định vừa dày, vừa lớn và dai. Ông kết luận:”Tôi càng già càng thích bánh tráng Bình Định. Có chất ồ cháy, chất thàng và củ mì.”(trang 115)

Riêng phần này, chúng tôi nghĩ, việc dùng những phương ngữ cho thơ văn nó mang cái nét riêng của từng vùng và cá tính của tác giả vì đất nào văn nấy ! Dĩ nhiên, một tác giả chuyên sử dụng phương ngữ của mình một cách tài tình, nhuần nhuyễn lúc nào cũng hấp dẫn hơn một tác giả không rành các phương ngữ của vùng khác mà thích nhại chữ. Điều này không thể chối cải. Nhưng bên cạnh cái ưu điểm làm nổi bật cái cá tính của tác giả, nếu các tác giả cứ cố gò từng chữ để khỏi mang tiếng nhại chữ lại của miền khác lại là một trở ngại khác trong sáng tác do tính chất gò ép, óc địa phương.

Hơn thế nữa, khi tiếng Việt không có khác biệt nhiều về cách phát âm và nghĩa nằm bên trong các chữ, thì việc dùng các từ ngữ sử dụng chung cho mọi người Việt, nó sẽ giúp cho cái vốn liếng tiếng Việt của tác giả giàu có thêm và cái sức truyền đạt của tác phẩm cũng sẽ rộng rãi hơn. Như dòng sông thì cứ chảy hoài qua hết cánh đồng này rồi làng mạc khác, không nhất thiết sông chỉ chảy có một khúc, một đoạn rồi không chịu chảy nữa vì nơi này, nơi kia không phải là nơi của sông. Chừng ấy sông không còn là sông mà thành ao hồ, nhà văn không còn là nhà văn mà là người viết chữ của địa phương mình và trong các tác phẩm của họ càng ngày càng nghèo từ ngữ chung của tiếng Việt!

Ở một chỗ khác khi bàn về thơ hay, thơ dở cùng bản lãnh người nghệ sĩ, tác giả nhắc lại lời dạy của ông ngoại ông khi còn sanh tiền đã lập đi lập lại như một lời dặn dò, nhắn nhủ đứa cháu ngoại khoái làm thơ:”Danh tiếng nếu không đến bằng tài năng hoặc tâm đức thật sự sẽ như các bộ y phục lộng lẫy loè loẹt mà thôi.” Kể về gánh hát Trăng Ngàn Nơi, ông ngoại của tác giả luôn nhắc:”Những nghệ sĩ nào phải dùng lời rao giảng hoặc hình thức khác ngoài nghệ thuật để làm tác phẩm tăng thêm giá trị với mục đích đánh bóng cá nhân, những kẻ ấy giống như người gánh hát.” Và rồi ông ngoại của ông kết luận:”Mỗi khi lễ lạc tết nhất, gánh Trăng Ngàn Nơi cũng qui tụ được một số bà con lối xóm nể mặt. Đông nhất là con nít. Họ diễn tuồng thì ít mà la hét thì nhiều. Giả dạng thế nào, thực chất vẫn dở. Ngoại tôi vẫn nói: Những thi sĩ, văn sĩ nào phải tự ca tụng họ, hoặc thủ đoạn để được khen thường thì giống như các diễn viên trong gánh Trăng Ngàn Nơi. Sống nghe người cười. Chết bị người chê.”(trang 167).

Phải chăng đây cũng chính là những ý nghĩ của Ngu-Yên nữa. Vì ở một trích dẫn bên trên, Ngu-Yên cũng đã quả quyết về số phận các người giả làm thi sĩ: “Họ vừa chết đi, người ta sẽ quên ngay” (trang 68)

Trên đây là mấy ý chính trích từ “tùy ký”ù và “vở nháp”, phần nào đã nói lên được cái tựa sách “Thi sĩ và tôi” của Ngu-Yên. Nhưng sẽ còn thiếu nếu chúng tôi không nhắc qua các hình thái thơ của Ngu-Yên mà người đọc có đầu óc không mới mẻ gì như tôi sẽ thấy thơ ông qủa là quá mới. Nào là thơ bằng tranh, thơ cụ thể, thơ trình diễn, thơ đồng tác, thơ phỏng vấn, ca khúc thơ, tùy thơ và còn nhiều nữa với những chữ dùng mang nhiều ẩn dụ và nhất là không giống bất cứ những bài thơ nào người đọc theo khái niệm cũ đã đọc, tôi nghĩ đây là cái cách làm thơ rất Ngu-Yên.

Lấy một ví dụ bài thơ “Ong và kiến”, ở trang162, tác giả viết:

“Trên trời—————————————-

                           ong

ong ong ong ong ong ong ong ong ong ong

ong ong ong ong ong ong ong ong ong ong

ong ong ong ong ong ong ong ong ong ong

ong ong ong ong ong ong ong ong ong ong

ong ong ong ong ong ong ong ong ong ong

ong ong ong ong ong ong ong ong ong ong

ong ong ong ong ong ong ong ong ong ong

ong ong ong ong ong ong ong ong ong ong

ong ong ong ong ong ong ong ong ong ong

ong ong ong ong ong ong ong ong ong ong

Dưới đất—————————————–

kiến nếik kiến kiến kiến kiến kiến kiến kiến

kiến kiến kiến kiến nếik kiến kiến kiến kiến

kiến kiến nếik kiến kiến kiến kiến kiến kiến

kiến kiến kiến kiến nếik kiến kiến kiến kiến

kiến kiến kiến kiến kiến kiến nếik kiến kiến

kiến kiến kiến kiến kiến kiến kiến kiến kiến

kiến kiến kiến kiến kiến kiến kiến nếik kiến

kiến kiến

                                       nếik” (trang 162)

Với 80 chữ “ong” trên trời và 66 chữ “kiến” dưới đất, đặc biệt trong bài “kiến” có 7 chữ “kiến” viết ngược “nếik” mà tôi làm dấu đậm là một dụng công của tác giả. Qua bài thơ này, thuộc loại thơ “cụ thể”, tác giả muốn khi đọc người đọc cùng ông tìm ra ý thơ và tứ thơ trong bài này. Phải chăng, đời sống này bao quanh chúng ta là những bất trắc như “ong” và “kiến”, một loài mà mỗi khi chúng gặp loài người chỉ biết mỗi một điều là chích và cắn. Những bất trắc đó nhiều lúc con người chịu đựng quen qúa rồi đăm ra không thấy tai ương là bất hạnh nữa nên nhìn “ong và kiến” như những đoàn diễu hành ngày lễ lạc, mới nhìn thấy lạ, riết rồi thấy đội hình ong bay kiến bò có chút gì vui vui, lâu dần đăm ra quen thuộc và thấy những con ong bay đầy trời và những con kiến bò đầy mặt đất như một thú tiêu khiển. Lâu lâu có vài anh kiến lại bò ngược, quay đầu nhìn lại đàn kiến đang bò vừa tưởng mình bò nhanh hơn bạn vừa sợ mình thua bạn rồi cố bườn lên để sau cùng chỉ còn một con kiến bò ngược lạc lõng giữa dòng đời, nhưng khi bò ngược một mình có lúc bị lạc bầy, cô đơn và nhỏ teo tóp lại. Phải chăng chung quanh chúng ta lúc nào cũng lúc nhúc “ong” và “kiến”, để thấy sống bình thường ở đời đâu có dễ; sở dĩ sống được là nhờ sống quen.

Ngu-Yên còn có những bài thơ “cụ thể” chỉ đơn thuần là một bức tranh như hai bài “thơ đinh” và “thơ tên”; ở đây người đọc sẽ không thấy một chữ nào khác ngoài hai cái tựa bài thơ bên dưới hai bức tranh. Bức tranh bài “thơ đinh”, nhìn kỹ chúng ta thấy đây là một đống đinh được đổ tràn lên mặt phẳng của nền nhà với những vòng tròn đồng tâm. Nhìn kỹ chút nữa người đọc sẽ nhận ra khuôn mặt của một hay nhiều con người với tai mắt mũi miệng với nhiều góc cạnh vừa dạn dày vừa nhăn nhúm lộ vẽ khó chịu. Ở đây hầu hết các nét chấm phá không để lộ chút bình an vui thú nào cả. Càng nhìn bức tranh thơ này ta càng hình dung ra nhiều khuôn mặt khác của một xã hội với đầy đủ mọi khía cạnh của đời sống.

Còn bức tranh bài “thơ tên” thì toàn là những mũi tên phát xuất từ một vách đứng và hướng về cùng một hướng, ngắn có dài có, gồm cả thảy 23 mũi tên. Nhìn lên hình và đánh dấu bằng số, chúng tôi thấy các mũi tên có mấy đặc điểm sau: mũi tên số 1, số 17, 18 và số 23 có điểm chung là dính sát vào vách đứng; các mũi tên còn lại thì cách vách đứng một khoảng cách rất nhỏ. Về chiều dài thì có mũi tên 16 là dài nhất và mũi tên số 12 ngắn nhất và mũi tên cuối cùng số 23 ngắn thứ ba. Trong khi đó có các nhóm mũi tên có chiều dài bằng nhau như sau: nhóm số 1, 6; nhóm số 7, 8; nhóm 10, 14, 18, 21; nhóm số 4, 20, 22; nhóm số 5, 17; nhóm số 3, 15; riêng các mũi tên đứng riêng không thuộc nhóm nào gồm số 2, 9, 11, 12, 13, 16, 23. Đặc biệt mũi tên số 19 dội ngược lại với đường đi hơi nghiêng như chúi nhủi xuống đất hướng về vách đứng làm gốc của các mũi tên đước bắn ra.

Nhìn ngắm hình dạng và các đường tên bay cùng chiều dài ngắn dài của 23 mũi tên trong tranh, người đọc đã đọc được ý thơ trong bức tranh thơ này một phần do óc tưởng tượng của mình vì Ngu-Yên chỉ vẽ những mũi tên mà không có lời chú thích nào. Đó là cái khó trong tiếp xúc với thơ Ngu-Yên. Thơ ông cụ thể đến đổi không có lấy một lời diễn tả mà chừng như diễn tả rất nhiều lời. Bởi người đọc phải tưởng tượng và bài thơ này sẽ hay hoặc dở, tứ thơ phong phú hay nghèo nàn, thể thơ hấp dẫn hay khô khan chán ngắt, nhất nhất đều là do người đọc ; lúc bấy giờ tác giả chỉ còn là người ngồi ở đâu đó để lắng nghe tiếng vọng lại từ người đọc đang luận bàn về thơ của ông. Và tại sao chỉ có 23 mũi tên mà không là con số nào khác? Phải chăng với con số 23 vừa gợi cho người đọc về tuổi đời của thi sĩ , vừa biểu hiệu cho một nỗi niềm chán nản nào đó với con số 23 không tròn trịa này trong dòng sống mà tác giả đã trải qua? Nhưng dù với con số nào đi nữa, với vỏn vẹn những mũi tên dài ngắn khác nhau không có một lời giải thích không giấu giếm được ước vọng của một con người muốn vươn tới một tương lai nào đó chẳng khác nào muốn bắn những mũi tên về cái đích nào đó vào những thời điểm khác nhau trong đời mình! Khi lòng hăng sai và còn sức lực, mũi tên sẽ đi thật xa; lúc nản lòng hoặc mỏi mệt, mũi tên rớt ngay dưới chân mình; nhưng không loại trừ trường hợp có một mũi tên dội ngược và thay vì hướng tới một đích nào đó, thì nó lại quay về với chính người đã cố sức bắn nó đi xa !!!

Nhìn ngược về quá khứ, thơ ca Việt Nam từ cổ thi, thơ Đường, lục bát, song thất lục bát rồi qua tiền chiến với thơ mới mãi cho tới về sau này với thơ tự do, cách tân vân … vân… và tới thơ “cụ thể” này quả đây là một biến đổi vô cùng. Nó làm cho người đọc nhớ lại thời kỳ thơ “ám thị và gợi y”ù của thơ văn Trung Hoa, chẳng hạn một họa sĩ Trung Hoa vẽ được tiếng chuông chùa, vẽ được hương thơm của một loài hoa như Lâm Ngữ Đường đã ghi lại(4). Rồi đến quan niệm về thơ của Matsuo Bashoo (1644-1694):” Thơ cần nhẹ nhàng, đơn giản, trong sáng, gần với đời sống. Thi nhân nâng tâm hồn lên thành thơ để rồi quay trở về với đời thường.” Ông còn kêu gọi “đừng bắt chước theo những thành tựu của các thi hào xưa mà chỉ nên truy tìm điều họ đã muốn tìm”. Trong tinh thần này, dù lúc bấy giờ có các trường phái Haikai rất nổi tiếng trong thế kỷ XVII, ông vẫn tự lập nên một phong cách mới gọi là Shoofu (Tiêu Phong) trong đó chứa đựng những quan niệm nghệ thuật của riêng ông và ông phát triển phần Hokku thành thể thơ độc lập và Masaoka Shiki (1867-1902) tiếp tục hoàn thiện sự tách biệt này và chuyển sang gọi nó là thể Haiku”(5).

Điều này cho thấy, từ trước các thi nhân đã có ý niệm tách rời thể cách cũ đã có từ trước ra khỏi cách làm thơ trong thời đại của mình để thơ mới thực sự là mới. Qua những thể cách sáng tác trong thơ Ngu-Yên là những thử nghiệm như thế. Ngay cả những suy tư về con người, về cuộc đời, những điều tưởng chừng từ khi có loài người nhiều triết gia, nhiều văn nhân thi sĩ , người ta đã nghĩ rồi, nhưng Ngu-Yên muốn nhìn ngắm đời sống bằng chính mắt ông qua những gì ông đã sống với người, bên người:

“Khi thực tế vào thị trường chứng khoán

Mong nghĩ ra cách giảm nợ làm người

Cây nợ trái huống chi tình nợ nghĩa

Đã là người không dễ tự riêng chơi.”

(Hỡi ơi, trang 28)

“Khi đời sống người dính nhau như lưới

Gút tay nhau lưới những chuyện ngu phiền

Xin nới lỏng cho đời nhau dễ thở

Như lưới trời mây gió gút tự nhiên.

Vì đời sống như một ngày phải sống

Sớm chưa vui gắng gượng đã đến chiều

Dù bất chợt nắng mưa hay giông bão

Sẽ cuối cùng là đêm tối quạnh hiu”

(Hỡi ơi, trang 33)

Trên đây là vài trích đoạn trong thi tập Hỡi Ơi (6), một loại “tùy thi” của tác giả gồm 4 phần với 29 đoạn mà theo ghi chú ở cuối sách, tác giả viết từ đầu Hè 1987 và chấm dứt vào mùa Thu năm 1990, do nhà Văn Nghệ (Hoa Kỳ) in và phát hành vào năm 1991, là một loại trường thi với những suy nghĩ về đời sống, về thân phận làm người. Nhưng có lẽ “bài thơ ngoài mục lục” sau đây mới là “hỡi ơi” hơn cả những “hỡi ơi” vừa dẫn:

“Tôi muốn phế bỏ tên tôi

Trở thành không lý lịch

Tôi muốn quên chính tôi

Người nhớ không trí nhớ

Những phiền muộn vừa thả khỏi gánh vai vẫn

Kéo trong quá khứ nặng nề

Phiền muộn khác chất lên vai liểng xiểng thấy

Choáng váng tương lai

Tuổi không còn trẻ

Lòng không còn vững tin

Những sợ hãi trào ra

Mệt mỏi chán chê càng nghĩ càng rũ liệt

Tưởng đã chết lâu rồi sao còn thở

Làm người kiểu nào đây?

Tôi đã làm những gì khiến đất trời điên lên thịnh nộ?”

(Thi sĩ và tôi, trang 446)

Nỗi chán nản của một tâm hồn nghệ sĩ có chút gì khác với người thường là ông đã nói lên được điều mình thất vọng bằng thơ. Thơ Ngu-Yên là thế, nhà văn Lê Thị Huệ đã gọi “Ngu-Yên, người gây tiếng động”(7). Hơn thế, chúng tôi cảm nhận một điều là ông đã sống với tất cả nỗi đam mê và niềm hoan lạc của “tiếng động” mà chính ông đã gây ra đó dù vài bận ông vẫn cảm thấy lẻ loi cô độc giữa chốn văn chương . Nhưng chắc chắn một điều ông không thể bỏ thơ ông như người cha không thể bỏ rơi con mình dù đôi lúc ông muốn quên chính ông, muốn phế bỏ tên ông và ông còn khuyên người đời hãy quên ông như một người “trí nhớ không còn nhớ”.

Ở tuổi ngoài ngủ thập với hơn 35 năm suy nghĩ về thơ và làm thơ, mê nhạc và viết nhạc, Ngu-Yên đã có đủ chất liệu và dữ kiện để “tri thiên mệnh” một đời rồi ! Có đọc ông và nghe ông qua những chương trình văn học nghệ thuật, nhạc chủ đề giữa những giờ khuya khoắt trên làn sóng điện của một đài phát thanh chuyên phát về đêm mà ông làm giám đốc, người đọc mới thấy ông sống với nhạc và thơ bằng trái tim rạo rực của một tâm hồn nghệ sĩ. Mặc dù nhìn thi ca và cuộc đời mình qua những trang “tùy ký và vở nháp”, một loại bút lục không thành bút lục, chẳng khác nào lời ông tự nhủ “tôi muốn quên chính tôi” nhưng Ngu-Yên đã là một nghệ sĩ và là thi sĩ thứ thiệt mà trước đây tôi chưa hề nghĩ và tin như thế!

Lương thư Trung
Hoa Kỳ, tháng 10 năm 2006

Chú thích:

1/ “Thi sĩ và tôi” của Ngu-Yên, nhà xuất bản Lũy Tre Xanh, Hoa Kỳ, 2002. Số ghi trong các ngoặc đơn là số trang trích từ quyển sách này.

2/ “Tự do đầu tiên và cuối cùng” của Krishnamurti, Phạm Công Thiện dịch, nhà xuất bản An Tiêm, Sài gòn (không ghi năm), nhưng bản tôi đang có mua ngày 01 tháng 12 năm 1968.

3/ “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, sđd.

4/ “Nhân sinh quan và thơ văn Trung hoa” của Lâm Ngữ Đường, Nguyễn Hiến Lê dịch, nhà xuất bản Ca Dao, Sài Gòn, năm 1970.

5/ “Về miền sâu thẳm” của Đồng Vọng,tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng xuất bản, trang 17 và18, Hoa Kỳ, năm 2000.

6/ “Hỡi ơi”, của Ngu-Yên, nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, năm 1991.

7/ Lời bạt của Lê Thị Huệ trong cuốn “Thi sĩ và tôi” của Ngu-Yên, trang 426, sđd.

Leave a comment