Đọc Lục Bát Tàn Thần 2 của Nguyễn Hàn Chung
Nguyễn Hàn Chung làm thơ rất sớm, ngay từ khi còn ở trong nước, trước năm 1975. Anh đã từng có mặt trên các tạp chí Khởi Hành, Đối Diện. Ra hải ngoại những năm 2000, anh tiếp tục viết, tự làm mới thơ mình, trở thành một trong những tác giả có nhiều người đọc. Ở anh hiện rõ sự đam mê đối với chữ nghĩa, với nghệ thuật. Anh tham dự các sinh hoạt văn học, các lối đi mới, các thể loại khác nhau. Nguyễn Hàn Chung viết nhiều thơ tự do, thơ lục bát, tân hình thức. Sở thích và tài năng của anh là ở sự pha trộn các giọng điệu khác nhau: hài hước và trữ tình, đùa cợt và phê phán. Anh viết thơ thời sự, thơ thế sự, nhưng thơ tình nhiều hơn. Loại thơ sau cùng tập trung vào mối quan hệ thường ngày giữa người đàn ông và phụ nữ, vợ và chồng, giọng bỡn cợt, chữ bình dân, nhưng ý tứ sâu xa, hoặc lắt léo, hoặc cả hai.
Có thi sĩ mượn chuyện văn
chương là cái cớ lên giường mà thôi
Nguyễn Hàn Chung sống qua thời kì chiến tranh ở miền Nam, sau năm 1975, anh dạy học và viết văn, chứng kiến nhiều cảnh đời ngang trái. Anh gần gũi với đời sống của người bình dân trong nước lẫn hải ngoại; những kinh nghiệm ấy, lối nói ấy thể hiện trong văn chương của anh, và đó là một thành công đặc biệt. Tôi gọi đó là khuynh hướng bình dân hóa trong thơ.
Nhớ em nhớ đến bơ phờ
dù rằng tái ngộ chẳng xơ múi gì
Thơ anh là cơn mộng có ý thức.
Trong những thời đại khó khăn, tuyệt vọng, ngôn ngữ cũng cần một thứ tuyệt vọng mới, sự phá chấp, một thứ “lục bát tản thần” theo như cách nói của Nguyễn Hàn Chung. Anh cố gắng nổi loạn trong thơ, nhưng sự nổi loạn ấy khá hiền lành, hạn chế trong những quan hệ cá nhân, quan hệ nam nữ.
Tôi nghĩ rằng nếu anh phát triển năng lực ấy vào các chủ đề khác, chúng ta sẽ được đọc những tác phẩm lạ hơn nữa. Thơ anh giàu tính địa phương, lối nói miền Trung, nhưng sự quan tâm của anh là dân tộc và phổ quát. Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Hàn Chung khó nhận ra nhưng ngấm ngầm sâu xa giữa các hàng chữ, đôi khi hiện ra như sự giận dữ, đôi khi than vãn, và theo tôi trong những bài thành công hơn cả, chất khí khái tâm sự trong thể hành ngày trước. Tôi thích cách anh viết về những gặp gỡ đời thường, tình cảm hàng ngày, nhẹ nhõm, châm biếm nhưng không cay đắng.
Tôi về Đà Nẵng
Tôi về Đà Nẵng thăm tôi
tìm ngây thơ cũ tìm hồi hộp xưa
Tôi về Đà Nẵng nghe mưa
Nắng như lửa đốt ngày chưa xuống đò
Bạn bè có đứa hay ho
Đứa khô như tép buồn xo hát xàm
Đứa bắt tay ngó lạnh òm
Đứa làm thơ phải diễn tuồng ruồi bu
Tôi về tìm bến Đò Xu
Sân bay Nước Mặn kín phu quán tàu
Bạn văn trợn mắt lắc đầu
Kẻ nhăn, người nín kẻ cau người buồn
(Tôi về Đà Nẵng– Lục Bát Tản Thần I)
Văn xuôi hóa câu thơ là khuynh hướng lớn của các nhà thơ hiện đại và đương đại. Điều này có thể dẫn đến nhầm lẫn ở một số người viết, khi họ tin rằng có thể dễ dàng vượt qua đường biên giữa hai thứ ấy mà không tốn công sức gì cả. Thực ra vượt qua đường biên, người Việt gọi là vượt biên, tốn kém nhiều năng lượng: nguy hiểm. Nguyễn Hàn Chung là người có kinh nghiệm, anh đẩy xa công cuộc văn xuôi hóa ấy. Đối với Nguyễn Hàn Chung, văn xuôi hoá cũng là dân gian hóa một hồn thơ hiện đại. Nhưng đôi khi anh cũng không tránh được những câu dễ dãi:
Anh biết em ưa son phấn
nên mới mua về tặng em
Có nhiều cách hài hước trong văn chương Việt hiện nay, và tôi nghĩ rằng khuynh hướng ấy sẽ còn tăng lên mãi. Với chữ hài hước tôi muốn nói về các khái niệm khác nhau: hài hước, giễu cợt, giễu nhại, mỉa mai, trào phúng, tự trào, bông lơn, chọc ghẹo. Hài hước là phương cách để triệt tiêu sự thân mật, đẩy xa khoảng cách giữa người viết và người đọc, nhưng mặt khác, trong khi người viết hôm nay đã thay đổi thì người đọc hôm nay cũng không còn là người đọc trước nữa: họ di chuyển cùng với các bạn, và thường thì thông minh hơn chúng ta, người viết. Trong thơ, khác với văn, nếu không tài hoa thì phải thành thật, hoặc ngược lại, và hai thứ đó không mấy khi đi với nhau. Đây là một bài kết hợp được hai thứ ấy, cảm động:
Giỗ cha hai vợ chồng mình
mâm cơm nho nhỏ một bình hoa tươi
cha đang trên mấy từng trời
hay cha cưỡi hạc xa chơi niết bàn
Ngày xưa còn mẹ lo toan
giỗ cha cố xứ bạn sang dặt dìu
bây chừ viễn xứ liêu xiêu
tàn hương ngồi ngó mâm nhiều hơn ăn
Ba mình không mấy ham văn
cày sâu cuốc bẩm thường hằng đăm chiêu
cả đời ba mẹ hẩm hiu
cả đời ba mẹ khổ nhiều hơn vui
Giỗ cha ở chốn phương người
nén hương thắp vội vắng người hàn huyên
mâm cơm không có láng giềng
bà con nên vẫn còn nguyên giữa bàn
(Giỗ cha đất khách)
Chia sẻ cách viết như Nguyễn Hàn Chung ở hải ngoại, còn có những người đi trước anh hoặc sau anh, như Nguyễn Đăng Thường, Vương Ngọc Minh, trong nước như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lý Đợi, Lê Vĩnh Tài, Inra Sara, Liêu Thái. Đó là một thứ thơ gạt bỏ các xúc cảm thông thường, làm cho ngôn ngữ trở nên trần trụi, thấm đẫm các hoàn cảnh bi đát, không từ bỏ bất kỳ một góc nhìn nào, tiếp cận sự thật không nhân nhượng, sử dụng các phương ngữ, các tiếng lóng, các kinh nghiệm dưới đáy và bình dân, sự không chia sẻ của các xúc cảm cá nhân. Vì vậy thơ Nguyễn Hàn Chung có nhiều tính chất hậu hiện đại, mặc dù đó chưa chắc là chủ trương của anh. Thơ anh vừa dễ hiểu vừa khó hiểu, và điều này đến lượt chúng làm nên giá trị của bài thơ.
mây đen gió rít cuống cuồng
buông em ra ngọn đèn buồng tắt câm
Thắp đèn như xuống cõi âm
cứ leo lét sáng mấy lần lung lay
em nằm nhắm riết lông mày
gió giông hãm hiếp cơn say vợ chồng
Mưa chưa rơi gió vẫn quầng
sấm hung hãn đánh ầm ầm trên cao
thôi em ta phải thoái trào
biết đâu mưa xuống nơi nào trú thân
Chiều trời xưa ấy thu phân
tiếc không thể tiếc quên dần, không quên
(Gió giông quê cũ– Lục Bát Tản Thần I)
Qua những tập thơ như Lục bát tản thần, Dự cảm rời, Mót chữ trong kinh, Nguyễn Hàn Chung đã có những người đọc yêu mến của mình. Bây giờ anh lại tiếp tục Lục Bát Tản Thần 2 và Mót Chữ Trong Kinh 2. Chỗ của anh nằm ở đâu giữa những tác giả cùng thời? Rất khó trả lời câu hỏi này, không những vì trong thời đại chúng ta, mọi giá trị đều hỗn loạn, mà còn vì hệ tọa độ của Nguyễn Hàn Chung vẫn thay đổi, anh không ngớt tìm kiếm và lặng lẽ gõ nhiều cánh cửa, thay đổi phương vị. Trong tình huống khan hiếm các nhà phê bình, các nhà thơ Việt Nam đơn độc trong công việc của họ, không có ai khích lệ, không có ai phê phán. Không có một hệ thống có tính nâng đỡ (supportive), các nhà thơ Việt Nam tốn nhiều sức hơn để làm ra cái mới, và cái mới của họ không dễ dàng được thừa nhận, và họ phải kiêm nhiệm nhiều thứ công việc lặt vặt khác, như chống cự với tiếng ồn, hay chống cự với chính mình như Don Quixote chống cự với cối xay gió.
Tôi đơn phương ly hôn tôi
với tôi mỗi đứa một đời sống riêng
một tôi bằng lặng bình yên
nuôi con dại giúp vợ hiền đảm đang
một tôi loạn đả hoang toàng
câu thơ như bộc phá tan biên thùy
(Tôi đơn phương ly hôn)
Trong những nhà thơ cùng thế hệ, ở hải ngoại và trong nước, Nguyễn Hàn Chung là một trường hợp như vậy, bên dưới một vẻ ngoài giao thiệp cởi mở và khá rộng, làm thơ liên tu bất tận trên mạng và trên báo chí, bàn luận về mọi thứ trên đời không giữ kẽ, anh lặng lẽ đơn độc đi con đường của mình, dũng cảm thăm dò khả năng của chữ, cười cợt nhưng say đắm, hoang đàng và nghiêm khắc, ngày càng làm ngạc nhiên những người đọc trung thành và yêu mến của anh. Tôi nghĩ rằng Nguyễn Hàn Chung thực sự là một tiếng nói mới, tài năng, những năm gần đây, và tin rằng anh đang góp phần làm mới thơ Việt Nam.
Nguyễn Đức Tùng