Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ngọc Châu – Hồ Đình Nghiêm

Hồ Đình Nghiêm

Ngọc Châu

Gia đình tôi theo đạo (nếu có thể xem đó là đạo) thờ cúng ông bà. Góc khuất trong nhà, khuất nhưng cao ráo sạch sẽ nhất, đặt để một cái bàn khá lớn dùng chưng ảnh những người đã khuất núi, bày biện hoa quả lễ vật nhang đèn có màn che bên ngoài. Đã là nơi dùng làm chỗ thờ phụng thì tự khắc giang sơn nhỏ bé kia vẫn toát ra được chút trang nghiêm, ai bước tới thảy kính cẩn cúi đầu, vụng dại tỏ bày thành tâm, lâm râm chừng như muốn sám hối một điều gì.

Tôi nghĩ những ai thờ cúng ông bà, không nhiều thì ít, họ có hấp thụ đôi điều cơ bản về triết thuyết Phật giáo. Từ nhà họ đến chùa, lối đi ngắn hơn so với những kẻ vô thần. Nếu muốn chứng nghiệm nỗi đau để tìm cách giải thoát, chỉ bảy bước họ có thể chuyển đổi cảnh giới để làm Tỳ Khưu (Bhiksu), là người phát nguyện tu hành, xuất gia theo giới luật của Phật. Đắc đạo hay không lại là chuyện khác. Đổ thừa cho phận mỏng, chẳng có căn tu. Tôi nhớ Bùi Giáng có hai câu, lạm bàn sự lầm lạc nọ:

tôi về nhà cửa sương thâu

bước đi mà chẳng thấy đâu con đường. (BG)

Lại có bốn câu khác, đọc lên là biết ngay do Trung niên Thi sĩ làm ra:

Phật ngồi dưới gốc bồ đề – Tiên nương dừng bước tóc thề chấm vai – Thưa rằng: “Phật thật là tài – Thấy mà như chẳng, tự ngoài vào trong.”(Bùi Giáng)

Hình bìa tập thơ Liên Hoa Thi của Luân Hoán

Nói tới Phật, buộc phải nghĩ tới Tây Tạng, xứ cheo leo trầm lắng với độ cao khắc nghiệt nọ, từ 1960 họ đã xây dựng  hơn 6000 ngôi chùa, hơn hai trăm tu viện chất đầy kinh sách hiếm quý. Thử nghe một bài ca của dân du mục hát, cũng đủ chứng nghiệm ra đôi điều (mượn tư liệu từ cuốn Hoa Sen Trên Tuyết do Nguyên Phong phóng tác. Nxb Văn Nghệ, Cali. 1990):

tôi không tìm thấy người yêu – tôi đã cất công dọ kiếm khắp nơi – tôi lên núi tuyết, tôi xuống lũng sâu – tôi đi từ Đông qua Tây – từ Nam lên phương Bắc

tôi tìm kiếm… tôi kiếm tìm… – rốt cuộc tôi thấy – người tôi yêu đang ở  -ngay trong xó bếp.

Họ thôi hát. Họ đọc một câu chú quen thuộc mà đã là người Tây Tạng thì dường như ai cũng biết: “Om Mani Padme Hum”.

Người Việt thì có vô số chữ chứa đầy thơm thảo: Duyên, Rằm, Nhập Thể, Buông Bỏ, Cà Sa, Từ Bi, Tràng Hạt, Bình Bát, Từ Thiện, Bồ Đề, Hoa Sen, La Hán… Bao nhiêu đó chừng cũng chưa vừa cho một người vừa viết nên ngàn trang thơ mang đủ Phật tánh.

Một thi sĩ từng kể cho “chúng sinh” nghe về đề tài chiến tranh, về hòa bình, về ngàn lẻ một con đường tình, về Ngơ Ngác Cõi Người, về đời ngập chìm trong bể khổ… và giờ đây, với từ tâm, anh dắt tôi tới chốn an trú bình yên nhất, Nam Mô A Di Đà Phật! Anh trao vào lòng sân si tôi những hình ảnh dễ thương, ví như:

Không dám mời Phật vào thơ

nhưng chắc Ngài đến đang sờ đầu tôi.

Anh là ai? Dạ thưa, tôi đang nói đến nhà thơ Luân Hoán. Hồi nhỏ nhà thơ được mẹ cho đeo lá bùa ở cổ, qua bao loạn lạc giờ này thế chỗ bằng tượng Phật ngọc xanh. Nhà thơ tâm sự, rằng vấp hồ đồ và dễ nói ngọng khi dùng chữ nghĩa mang hơi hám Phật. Nhà thơ chỉ hiểu lờ mờ tới những rao giảng của kinh sách, biết chung chung rồi tự trào “thế cũng đủ tự cứu mình”.

đôi khi tôi rất ba hoa

nhưng xảo ngôn ấy thật thà lòng tôi.

Với thật thà dùng làm kim chỉ nam, nên thi tập sắp ra đời mang tên Liên Hoa Thi biến thành một bài kệ dài dung dị, dễ hấp thụ. Trang sách sẽ mở ra, tụng nó mà chẳng cần nương vào tiếng mõ hồi chuông. Thi sĩ tự lập ra một am tự bằng vào những con chữ hiền hòa thường gặp trong cuộc sống. Do từng được Phật sờ đầu nên thi sĩ quay lưng với những rao giảng cao xa tối nghĩa. Thơ như trốn trong bình bát, đầy tràn vì “khất thực” đã lâu trên cuộc lữ, lời trải theo chân đi bình thản, khác hẳn cảnh giới mà Tuệ Sỹ từng trăn trở vẽ nên:

“Đá mòn phơi nẻo tà dương

Nằm nghe con nước khóc chừng cuộc chơi”.(Tuệ Sỹ)

Khác, do bởi Luân Hoán chưa từng bước lên những bậc thềm của thiền viện. Nhà thơ cũng chỉ là người riêng biết “thờ cúng ông bà” giống như tôi. Nhà thơ luôn đè nén tiếng khóc khi đứng bên cuộc chơi sắp tràn bóng tà dương. Tôi mến lời thơ thật thà kèm theo chút lạc quan của thi sĩ, an tâm khi chung hưởng với mộc mạc, hít thở được hương sen để nghe tâm tịnh đôi phần. Từ nhà tôi đến chùa, dọc đường được thi sĩ Luân Hoán đã đưa tay dẫn dắt, cho quá giang. Tôi u mê ám chướng trước câu nói của Lão Tử: “Người sáng suốt nghe đạo thì gắng sức mà thi hành, người bình thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ, người tăm tối nghe đạo thì cười rộ. Nếu không cười thì đạo đâu còn là đạo nữa”. Qua tới nhà thơ Luân Hoán, anh cho hay:

Riêng tôi tu đạo biết cười

Và cũng biết khóc tùy thời khắc riêng.

Đạo đó, với tôi e dễ tu tập, dễ thành “chánh quả”, để ăn nằm qua vài đêm sẽ bỏ sa mù mà đắc đạo sáu phần. Tiêu biểu một vài lời kinh lạ:

đi tu không phải xa đời

mà mang cái đạo vào đời sâu hơn

ngã lòng nhiều lúc bon chen

xách thân bụi đất mon men cửa chùa

em nào còn tính ham chơi

muốn tu cứ ghé cùng ngồi viết kinh.

Muốn viết kinh liền lạc, có nên tập cho em đó ngồi xếp bằng trên bồ đoàn mà ngó lá rụng? Ngoài động từ rụng, thông báo việc lìa đời, nhà thơ Luân Hoán giải thích cho “em ham chơi” biết rằng:

lá rơi khác với lá bay

lá rơi chao đảo lăn quay rớt liền

lá rơi rụng một cái vèo

lá bay thong thả gắng gieo nỗi buồn

tôi khi hoàn tất vai tuồng

rơi bay quả thật chưa tường ra sao.

Đọc qua một vài bài bàn sơ chuyện vô thường của khổ nạn rơi, rời, bay, rụng; không dưng tôi lại nhớ đến thơ Bùi Giáng:

Cõi đời con én đưa thoi – Buồn rầu tôi định ra ngoài trăm năm Bỏ vui gượng bỏ đau ngầm – Bỏ tình yêu bỏ điệu vần ngữ ngôn – Tuy nhiên tận đáy linh hồn -Tưởng chừng chẳng bỏ bồn chồn được tim. (BG)

Đời và đạo, suy ra chỉ là hai mặt của một hình tướng bất di bất dịch, muốn tách rời làm đôi, tùy thuộc vào nhân duyên của mỗi người. Liên Hoa Thi là một trong muôn ngàn cách tỏ bày bằng thơ ca khi nhà thơ vọng tưởng về điều khó bề dứt bỏ giữa cõi hồng trần này. Trang bị một lòng thành, không rõ có nghe ra lòng thôi vẩn đục? Đơn cử một bài, với giọng kể đặc thù của riêng nhà thơ, bài Đạo Tôi:

nhớ thời “nhất quỷ nhì ma…” –

bạn bè thường hỏi nhau sa đạo gì? –

nhiều thằng bợm trợn chai lì –

phán ngay đạo dụ, không tùy công văn

vốn nho nhã tôi thưa rằng –

thích tu ở cõi gió trăng bãi cồn –

gần gần như “Bà La Môn” –

mơ hồ khoái đạo độc tôn độc quyền =

tín hữu phái nữ ưu tiên –

dành cho nhan sắc có duyên mượt mà –

đạo không từ gốc chà và –

căn bản thờ cúng cỏ hoa đứng đầu=

khỏi xuống tóc được để râu –

dù chỉ lún phún ngọn sầu vu vơ –

miễn là có đượm chất thơ –

yêu em chữ dựng tượng thờ nghiêm minh –

đạo tôi theo đậm chữ tình –

ngoài tình trai gái linh tinh tình người

ảnh hưởng Phật Khổng tinh khôi –

Lão Trang đều có phà hơi thở vào –

cái thời học trò ồn ào –

nay còn lưu lại những nao nao buồn –

đạo tôi học ở nhà trường –

xã hội thu hẹp yêu thương đậm đà –

thầy cô nghiêm khắc nhưng mà

bọn tôi xếp loại thứ ba vẫn thành –

nhân sĩ một cách ngon lành –

đa phần rạng rỡ công danh đàng hoàng =

dù bắt đầu rất nghịch hoan –

thôi không kể nữa, sắp an kiếp rồi –

trả lời câu hỏi một thời –

thật tình chưa thấu đạo tôi rõ ràng…

Trong tập Liên Hoa Thi, nhà thơ sử dụng nhiều giọng kể mà hầu hết đều cố tránh chất u hoài, gạn bỏ phiền muộn. Có bài thơ 5 chữ Mười “Chín” Vị La Hán xem chừng là dài hơi nhất. Nhưng theo cảm nhận của đứa tăm tối mãi lần khân trước sân chùa như tôi, trong một sát na tôi đã đối diện với “thần sầu quỷ khóc” khi vấp phải bài Màu Hoa Vu Lan Chợt Gặp. Thần sầu quỷ khóc chỉ là cách nói đầy ước lệ, thực ra tôi đang quỳ gối:

mãn phần, mẹ mất thật chăng? –

không đâu, mẹ lặn theo trăng trên trời –

tròn sáu mươi năm cuộc đời –

tôi sống thiếu vắng bóng người sinh tôi  =

mênh mông trong nỗi ngậm ngùi –

tôi lẩn tránh chỗ lắm người cài hoa –

lòng cầm không nổi xót xa –

chừng như mỗi bước đều là chiêm bao =

tôi đi đến những nơi nào-

tiếng chuông chùa mãi nao nao chạm lòng –

phảng phất hình bóng hoa hồng –

hiện cùng giọng hát tay bồng ru tôi=

dụi mắt xốn xang nụ cười –

trán non nớt ấm hương môi mẹ hiền –

tay thơm mùi sữa hồn nhiên –

tôi sờ má mẹ như ghiền đã lâu –

rõ ràng đã biết gì đâu –

kính yêu lòng đã ăn sâu khi nào –

vượt qua đầu đạn mũi dao –

cũng nhờ có mẹ luôn bao che mình =

người mất càng thêm hiển linh –

suy nghiệm theo những sự tình chính tôi –

càng tin mẹ vẫn trong đời –

khi tôi còn được làm người thế gian =

và hoa cho lễ vu lan –

không chỉ hồng trắng trang hoàng áo ai –

tôi nghe thoảng tiếng thở dài –

tiếng cười khe khẽ hoa cài áo em =

tôi chợt có hoa không tên –

nở từ thương nhớ ngày đêm thơm lừng –

khó ca ngợi nỗi mông lung –

với hư ảo với vô cùng linh thiêng =

cha là thánh mẹ là tiên –

nôm na chỉ vậy tùy duyên mỗi người –

bước tôi bất chợt thảnh thơi –

về đến nhà xếp bằng ngồi bình tâm.

(Vu Lan năm Mậu Tuất 2018).

Tựa đề bài viết tôi dùng chữ Ngọc Châu. Tên gọi đó thường được các cửa hiệu chuyên bán kim cương, ngọc quý, vàng bạc dùng cầu chứng môn bài, rất mực ăn khớp. Tuy nhiên từ xa xưa cũng có một nhà thơ đã mượn lấy, làm nhan bài “Những hàng châu ngọc” khi cất công sưu tập, ca ngợi tới những vần thơ tuyệt cú. Cũng xẩy ra trường hợp có kẻ đọc kinh không thông, khi lãnh hội ra, họ ví cái sự “hiểu” nọ là nhờ vào phút linh cầu sáng ánh ngọc soi. Và sau hết, Ngọc Châu cũng là tên thật của nhà thơ Luân Hoán.

Chú thích: Tôi chưa kiểm chứng được độ dày mà Liên Hoa Thi mang, bởi thi tập sắp hoàn tất việc in ấn này chứa đựng rất nhiều bài liên quan tới chủ đề (Phật ở đâu xa? Phật ở ngay tâm mình). Tôi cũng không biết là bài tôi “vụng tu” có được nhà thơ Luân Hoán sắp cho nằm chung trong cõi thơm ngát hương sen, bài kệ nhập môn sâu lắng nhưng dung dị cho những ai, như tôi, tìm học lấy sự tử tế cuối đời. Cảm ơn anh Ngọc Châu, thi sĩ Luân Hoán.

Hồ Đình Nghiêm
17 tháng 2, 2019

Leave a comment