Cảm nhận nhân đọc tập truyện Gió mỗi ngày một chiều thổi
Nguồn: https://trinhythu.wordpress.com/2015/11/30/nguyen-thi-hoang-bac-gio-moi-ngay-mot-chieu-thoi/
(Cảm nhận của Trịnh Y Thư nhân đọc tập truyện Gió mỗi ngày một chiều thổi của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc)
1.
Đọc tập truyện Gió mỗi ngày một chiều thổi (Sống xuất bản, 2015) của nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng Bắc, bạn đừng chờ đợi một câu chuyện với tình tiết lâm li, éo le, gay cấn hoặc có hậu; thậm chí, một câu chuyện có đầu có đuôi cũng chẳng có cho bạn nhẩn nha đọc những khi nhàn tản. Cũng chẳng có bao nhiêu bài học luân lí ở đây, một mẫu mực đạo đức lại càng hiếm hoi. Và, mặc dù ý thức tự thân của tác giả hiển lộ trên trang viết, thật sai lầm nếu chúng ta tìm kiếm nơi cuốn sách một kinh nghiệm sống hoặc một thông điệp nào đó cho cuộc sống hôm nay vốn dĩ bộn bề và vô cùng phức tạp, bởi Nguyễn Thị Hoàng Bắc viết văn không phải để truyền bá một tư tưởng luận đề hay cổ vũ một lí tưởng cao cả nào, những thứ đó hình như không có trong bộ từ vựng của chị. Vào một thời đại mà cả tư tưởng lẫn lí tưởng đều khánh kiệt như thời đại của chúng ta, chị viết văn chỉ để nhìn vào tận mắt sự nghịch lí, hay đúng hơn, sự phi lí của cuộc sống, đoạn cầm nó lên săm soi, lật phải lật trái, nhíu mày ngẫm nghĩ, bĩu môi khinh bỉ, nghiến răng giận dữ, cười ruồi khoái trá, hốt hoảng hoang mang, chạnh lòng đau xót, buồn nhớ sắt se, rồi trừng mắt nhìn vào vô tận. Và thay vì rao giảng bài học luân lí đạo đức thì chị ném tất cả lên không trung cho gió cuốn đi, bật tràng cười ha hả xem như chẳng có gì đáng nói, rồi bằng giọng nói đầy bỡn cợt, chị bảo, ối dào, trò đời ấy mà, như “Con kiến mày leo cành đào, Đụng phải cành cộc leo vào leo ra. Con kiến mày leo cành đa, Đụng phải cành cộc leo ra leo vào.” Ẩn dụ con kiến mượn từ ca dao, chí ít chị nhắc đến hai lần trong cuốn sách. Vâng, “Gió mỗi ngày một chiều thổi”, thổi tứ phương tám hướng, thổi tán loạn đất trời, nhưng đời sống thì như con kiến hết leo ra lại leo vào.
2.
Tập truyện gồm một truyện vừa mà nhan đề của truyện cũng chính là nhan đề cuốn sách, cộng thêm 12 truyện ngắn khác và một bài thơ xuôi mà chị gọi là thơ truyện. Cần nói đôi điều về hình thức biểu đạt của cái truyện vừa. Nó có chương hồi cẩn thận như một thiên tiểu thuyết cổ điển nhưng ý niệm biên niên không hiện hữu trong các chương. Kết cấu của nó là đa tầng, thời gian không gian pha trộn, đan xen nhau, thời sự chính trị lấn vào chiếm chỗ giữa hư cấu tiểu thuyết, trích đoạn ba xàm từ các nội san vớ vẩn (biểu hiện tính cách lố bịch của người đời) cũng được nhét vào. Cắt dán như vậy xem chừng chưa đã tay, chị còn tương vào đôi ba bài thơ. Toàn bộ chương 10 là một bài thơ khá dài. Thủ pháp collage được tận dụng, nếu có thể nói như vậy. Ý tưởng và mạch văn tuỳ tiện, giữa các chương ngay đến sự giao thoa chưa chắc đã có, nói gì đến tính cách hỗ tương. Truyện có nhiều nhân vật, rất nhiều cho một cái truyện vừa, chủ thể ở ngôi thứ nhất không phải lúc nào cũng hiện diện. Sự xuất hiện của các nhân vật trong truyện cũng lạ lắm. Hãy tưởng tượng ra một sân khấu kịch. Các nhân vật từ trong cánh trái sân khấu bước ra, làm vài động tác hay nói năng vài câu gì đó rồi biến vào trong cánh phải để nhường chỗ cho các nhân vật khác tuần tự chui ra. Có nhân vật trở lại sân khấu ở những hồi sau, nhưng có người mất tăm. Chúng ta cũng chẳng biết rõ số phận các nhân vật này đi về đâu, chỉ mơ hồ nghe được từ những lời đồn đại về họ, họ giống như những bóng ma của quá khứ, của kí ức, hiện về rồi biến đi. Chen vào giữa những tiết kịch lạ lùng ấy là ý thức tự thân trong bối cảnh một thực tại buồn bã của cuộc sống lưu vong, của tuổi già, bệnh tật và cái chết. Chủ thể ngôi thứ nhất khi là cô gái mười một tuổi sống trong một khu xóm lao động với tất cả những con người khốn khổ và những sinh hoạt điển hình của một xóm nghèo luộm thuộm, nhếch nhác dưới thời chiến tranh, nhưng thoắt cái đã là bà lão ngồi tư lự, đăm chiêu suy nghĩ về kiếp người và cuộc sống buồn tẻ nơi xứ người, lúc khác là kẻ một hôm quay về cố hương kiếm tìm quá khứ trong vô vọng. Không có gì chừng mực, ổn cố trong truyện của chị. Đọc một đoạn văn, thật khó đoán chị sẽ viết gì ở đoạn tới. Ý thức tự thân hiển lộ trong truyện đến nỗi có thể gọi đây là tự truyện cũng không sai bao nhiêu. Chí ít, xét về mặt hình thức, Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã khá thành công trong việc làm mới văn chương Việt. Và, với một văn phong trào lộng, một bút pháp già dặn, một kiến văn sâu rộng, một tâm hồn cực đoan nhưng nhạy cảm của nhà văn, một cảm xúc thật không làm dáng, không thời thượng, một giọng văn dí dỏm, mạnh mẽ, không ngại mếch lòng ai, tác phẩm của chị thuyết phục được tôi, một người đọc, rằng đây là một cuộc nghiệm sinh đáng giá mặc dù nó không hề cho tôi câu trả lời dứt khoát nào.
3.
Ám ảnh quá khứ có lẽ là mô-típ thường xuyên xuất hiện trong truyện Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Nó chiếm cứ nhiều thể dạng, ẩn dụ khác nhau, từ căn nhà Bộc Đền – một căn nhà chứa gái điếm bán dâm cho lính Pháp – cho đến người cha đi kháng chiến bị tù đày nhiều năm. Bộc Đền với cái chết oan nghiệt của chị Chúc Nị, người cha trở về như một bại tướng, tiều tuỵ, suy vi. Tất cả là quá khứ nhưng Quá khứ không chịu nằm yên mà cứ hung hãn đội mồ xông lên trong trận chiến không ngừng với Hiện tại và Tương lai. Ông triết gia José Ortéga Y Gassett chẳng nói “Quá khứ và tương lai không thể là cuộc chiến đấu tay đôi. Tương lai phải nuốt chửng quá khứ, nuốt hết, không để sót lại gì thì mới khỏi thua trận” đấy ư? Đối với Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Quá khứ quả không dễ dàng khống chế chút nào. Chị bảo: “. . . Quá khứ như bao điều vô thức, chúng vẫn im lìm tử thủ đâu đó như đông trùng hạ thảo nằm sâu trong lòng đất, chờ mưa hoà gió thuận là ngóc đầu vùng dậy sinh sôi nẩy nở . . .” Ở đoạn khác, chị viết: “Quá khứ, dẫu có đốt vàng hương cầu siêu, vẫn không chịu siêu thoát! Quá khứ, tương lai, hôm qua, ngày mai nhào trộn, lẫn lộn, vật vã, hành hạ, hạnh phúc, đau thương và vô lí.” Chí ít, văn gia và triết gia gặp nhau ở điểm này.
Quá khứ của Nguyễn Thị Hoàng Bắc chính là cái lịch sử tai ương của dân tộc. Chị viết không nhiều về chiến tranh. Hình ảnh rõ rệt và cụ thể nhất liên quan đến chiến tranh chỉ thấy thoáng qua trong truyện ngắn Giao thừa. Ngoài ra chỉ là ẩn dụ. Bên dưới những ẩn dụ tuy khá tàn bạo dẫu chẳng phương hại gì đến ai như căn nhà chứa, mối tình loạn luân giữa dì cháu, vân vân, ẩn tàng một bối cảnh lịch sử khốc liệt, tang thương mà trong đó nỗi thống khổ của những kẻ trong cuộc là vô hạn. Bi kịch đời sống lồng trong bi kịch lịch sử, không biết bi kịch nào là nguyên nhân, bi kịch nào là hệ quả, nhưng cả hai nghiền nát con sâu cái kiến một cách thô bạo không thương tiếc. Bi kịch xảy ra cách đây hơn nửa thế kỉ nhưng vẫn tiếp diễn, vẫn riết róng bám theo nạn nhân của nó cho dù bà ta đã tháo chạy nửa vòng trái đất sang kiếm sống tận một miền đất xa lạ, đìu hiu. Chị nào muốn nhớ đến cái kí ức mịt mùng ấy. Trong đêm Giao thừa (truyện ngắn Giao thừa) chị tự hỏi là nếu có cỗ máy thời gian như trong phim viễn tưởng thì liệu chị có muốn quay về sống lại thời ấy lần nữa không. “Đêm Giao thừa, lạ lùng, tỉnh táo và mơ màng, tôi nói với một mình mình: ‘Không’” Không là câu trả lời của chị, nhưng chị lại nói thêm: “Đôi khi người ta nói ‘không’ với cái vẻ bên ngoài bình thản, nhưng trong tận cùng đáy sâu xa, có điều gì như ẩn giấu một tiếng cười mừng vui và hiu hắt.” Quá khứ là thế. Nó bám chặt lấy kiếp người như chiếc vòng kim cô của Tôn Hành Giả, liên miên hành hạ, gây phiền nhiễu, đau nhức khôn nguôi. Chúng ta gánh vác Quá khứ trên lưng như gã gù vác khối u khổng lồ, như con ốc sên vác cái vỏ nặng nề của nó. Vô phương tháo gỡ! Có cách nào cho chúng ta tháo gỡ nó mà không đánh mất đi căn tính, bản nguyên của mình? Có chọn lựa nào khác không? Tôi e câu trả lời không dễ dàng chút nào. Nguyễn Thị Hoàng Bắc cũng chẳng cho chúng ta câu trả lời và chúng ta hiểu tại sao. Hơn nữa, nhà văn không phải là kẻ đi đào xới câu trả lời cho các vấn nạn nhân sinh. Hãy để công việc đó cho triết gia, nếu quả thật triết gia còn có mặt trên hành tinh này.
4.
Ám ảnh thứ hai của Nguyễn Thị Hoàng Bắc là cái chết. Cái chết của người em gái được nhắc đến nhiều lần như lời thú tội của con chiên ngoan đạo đi xưng tội hằng tuần, mặc dù cái chết ấy chỉ là tai hoạ từ trên trời giáng xuống. Ngoài sự đau xót thông thường do tình máu mủ, chị còn hoang mang. Hoang mang bởi ông Trời không có công lí, và bởi tại sao người ta có thể nhanh chóng muốn xoá sạch mọi dấu vết của người vừa chết. Tại sao người ta có thể xem nhẹ cái chết như vậy, trong khi đối với chị cái chết là một ám ảnh chẳng bao giờ có thể tẩy xoá ra khỏi tâm tư. Khi người em rể đem lại trả chị cái máy may cô em mượn khi còn sống, chị chỉ hơi bỡ ngỡ nhưng đã thật sự ngỡ ngàng khi anh ta đem lại cuốn an-bum hình cưới của hai người bảo chị cất giữ luôn đi, anh ta không cần nữa, anh ta đã có đời sống khác. Người ta có thể quên cái chết dễ dàng đến thế sao? Một người thân chết mà chỉ buồn một tị như buồn đội bóng đá tỉnh nhà thua trận ra quân đầu năm thôi ư? Tội nghiệp, chị chẳng bao giờ hiểu được thế nhân.
Đối diện với cái chết của những người thân là chịu đựng cái sức nặng khôn kham. “Nhưng sự gan dạ ồn ào hay lặng lẽ đi thẳng vào cái chết lại đập vào ngực tôi những cú đau không đỡ nổi.” Chị đau xót thú nhận như vậy. Nhân vật trong truyện của chị chết khá nhiều. Toàn những cái chết oan khiên. Chúc Nị chết vì có thai với khách chơi và bị ép phá thai; cô Vinh, một cô gái bao hạng sang, chết vì dịch tả; dì Oanh tự tử (nghe nói vậy) sau mối tình loạn luân oan nghiệt với đứa cháu trai; Hoa Ban tự tử hai lần (vì tình) nhưng không chết, cuối cùng vướng bệnh nan y chết khi chưa già; hai đứa bé sơ sinh con sinh đôi của vợ chồng Chịu Chơi chết trong căn nhà tồi tàn của họ (bị kiến đốt hay chết rồi kiến mới bu?)
Tại sao cứ tuổi già là phải nghĩ đến cái chết? Chị băn khoăn “làm sao để thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.” Chị ước ao phải chi ai cũng như ông anh hoạ sĩ ngoài 70 còn đi cưới một bà vợ “nết na bánh trái” đem về nhà cho “đẹp nắng chiều.” Kì thực, khi còn trẻ chúng ta ít để tâm đến cái chết. Chỉ vào lúc bản hoà âm đời sống đã chuyển sang những trường canh cuối, nhịp tiết dồn dập (càng già càng thấy thời gian trôi qua nhanh) thì chúng ta mới hoảng hốt kêu toáng lên, “Trời! Kiếp người sao mà ngắn thế!” như thể trăm năm qua rồi mà chúng ta vẫn chưa hưởng được thú vui nào trên đời. Hiếm ai xem cái chết là sự tiếp nối đời sống ở một dạng thể khác như người Tây Tạng quan niệm, và chúng ta cúi đầu không giấu được nét mặt bẽn lẽn, xấu hổ khi nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma bảo, “Con người sống như thể họ không bao giờ chết, rồi chết như chưa từng được sống.” Và, cũng chẳng mấy ai được như Boris Pasternak thi vị hoá cái chết với hai câu thơ cuối cùng trong bài thơ cuối cùng ông làm trước khi nhắm mắt xuôi tay giã từ cõi thế, “Vĩnh cửu, vô tận ngày, Vòng tay ôm chẳng bao giờ buông lơi.”
Nhưng tôi tự hỏi, người trần thế tầm thường như chúng ta, chết thì ai mà chẳng sợ cơ chứ! Con sâu cái kiến còn sợ chết huống chi con người!
5.
Tôi không dám nói Nguyễn Thị Hoàng Bắc là người khó tính nhưng hình như chị chẳng bằng lòng với cái gì trên đời. Cái chị chán ngán nhất lại là cái người ta (trẻ cũng như già) thèm khát nhất và luôn luôn tìm cách lao đầu vào: tình yêu và hôn nhân. Chị nhiều lần thú nhận mình đã thất bại trong hôn nhân. Còn tình yêu? Chị nói thẳng thừng, không quanh co, không úp mở, “Trong ý nghĩ tôi, cái mọi người gọi là tình yêu giữa đàn ông đàn bà chắc là không có.” Trời! Sao lại bi quan đến thế nhỉ? Cái gì đã khiến chị mất trọn niềm tin vào tình yêu và hôn nhân? Với chị, tình yêu và hôn nhân là gì? Có lẽ nó chẳng phải là mối tình vượt thiên thu như giữa Florentino Ariza và Fermina Daza trong Tình yêu thời dịch tả của Gabriel García Márquez, bảy tám mươi tuổi rồi mà vẫn tìm về với nhau, nguyện suốt đời sống bên nhau trên chiếc tàu thuỷ xuôi ngược dòng sông Magdalena hầm hập nóng. Nó cũng không phải là bấm app máy di động, tìm một mẫu người mình thinh thích, xong hẹn F2F, khoác tay nhau đi ăn tiệm (sau khi bấm Yelp tìm nhà hàng thật ngon) xong về phòng làm tình. Hai “kiểu dáng” yêu đương đó chắc không có trong bộ sưu tập của Nguyễn Thị Hoàng Bắc nhưng chị không nói rõ tại sao chị thất bại, tại sao chị không còn tin tưởng chút nào vào tình yêu, hôn nhân. Song, nhìn quanh quất, quả thật chúng ta không khỏi chán chường khi phải thú nhận là cặp phạm trù ấy đã bị đào thải ra khỏi cuộc sống này từ lâu rồi. Hãy xem nó như di chỉ văn minh nhân loại thời đồ đá, đồ đồng hay những tàn dư phong kiến, bạn ạ. Ngày nay Tình yêu, nếu còn tồn tại thì có lẽ chỉ tìm thấy ở thơ ca, như thơ của thi sĩ Du Tử Lê chẳng hạn. Và Hôn nhân? Hôn nhân đã hoàn toàn đánh mất trọng lượng của nó, nó nhẹ hơn không khí và được neo vào nền tảng gia đình bằng sợi chỉ mục mảnh hơn giây tơ cho nên chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng đủ cho nó bay tuốt lên trời cao. Mất hút.
Chả trách Nguyễn Thị Hoàng Bắc nhìn vào Tình yêu và Hôn nhân bằng cặp mắt lãnh đạm, thờ ơ.
Kẻ chối bỏ tình yêu là kẻ cực kì cô đơn. Đọc cuốn Trăm năm hiu quạnh chúng ta hiểu García Márquez muốn gửi gắm thông điệp ấy. Sự cô đơn khiến người ta tìm về làm bạn với cái bóng, hay cái alter ego của mình. Nguyễn Thị Hoàng Bắc có giới thiệu với chúng ta người “bạn” này của chị. Và chị cảm thấy tâm đắc với người “bạn” ấy hơn là người đời. Người “bạn” giúp chị thức dậy buổi sáng, vật lộn với công việc trong một ngày dài và giúp chị lên giường cố dỗ giấc ngủ lúc nửa đêm. Chị chẳng có ai ngoài người “bạn” ấy để mà tâm sự.
Tôi có cảm tưởng sự cô đơn là vấn đề cực lớn trong đời sống hiện đại. Người ta cảm thấy cô đơn ngay giữa đám đông, ngay khi sinh sống giữa đô thị nhộn nhịp, thậm chí ngay cả trong sinh hoạt gia đình. Cô đơn vì không dám đương đầu với đời sống, vì hãi sợ đời sống như ông Eugene O’Neill có lần nói, hay cô đơn vì bị cuộc đời ruồng bỏ. Tôi nghĩ cả hai tình huống đều bi thảm như nhau và hình như chúng ta không có lối thoát. Trăm năm trong cõi người ta thực chất là Trăm năm hiu quạnh.
6.
Nói về văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc mà không nói đến cái văn phong trào lộng, tính hài hước, dí dỏm, châm biếm trong văn chị thì như viếng Paris mà không đi thăm tháp Eiffel. Hơi văn chị thấm đẫm tính hài. Từ Long lanh hạt bụi đến Nhện, có sự thay đổi rõ rệt trong văn phong, càng lúc càng trào lộng, và tác phẩm Gió mỗi ngày một chiều thổi xác định tính hài là cái gì rất đặc trưng của cõi văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Nhưng cái hài ở đây không phải là sự chọc cười mua vui hiểu theo ý nghĩa bình dân, thông thường. Chị không hề có ý định chọc cười ai, những vấn đề chị đem ra mổ xẻ dẫu không khiến người ta rơi nước mắt thì cũng chẳng có gì đáng cười. Kì thực, cái hài là đặc tính cố hữu của đời sống thực tại, xung quanh chúng ta bất kì cái gì cũng có thể gây tiếng cười. Nó được nhắc đến trong Mĩ học phương Tây từ thời Hi Lạp cổ đại. Nhiều tác phẩm tiểu thuyết của các nhà văn kiệt xuất thời nay đều có tính hài. Hình như nó xuất phát từ ý tưởng cho là những thiếu sót, yếu kém của chúng ta là phản diện của chính phẩm chất nơi con người chúng ta. Nó tích cực phê phán gắt gao tính mâu thuẫn của đối tượng. (Biến bi kịch thành hài hước là việc làm nguy hiểm bởi dễ gây ngộ nhận. Vì nó mà 12 nhân viên của tờ tuần báo trào phúng Charlie Hebdo chết oan!)
Cùng lúc đọc tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng Bắc, tôi cũng đọc cuốn tiểu thuyết nhan đề Lễ hội những điều vô tích sự của nhà văn Milan Kundera xuất bản gần đây, và từ cuốn truyện vừa – cũng hài hước nhưng là cái hài hước theo tinh thần Rabelais – của ông nhà văn danh tiếng thế giới này tôi nhặt được câu nói sau: “Từ lâu rồi chúng ta đã biết là chẳng bao giờ có thể lật ngược thế gian này, không thay hình đổi dạng nó được, cũng không thể xoay chuyển hướng lao của nó đang đâm sầm vào những hiểm hoạ phía trước. Bởi thế chỉ còn cách phản kháng duy nhất: đó là đừng xem nó là cái gì nghiêm trọng.” Câu văn là cái epigraph của cuốn sách mà tôi thấy nếu đem ra áp dụng vào cuốn Gió mỗi ngày một chiều thổi thì không sai trật bao nhiêu.
Vâng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc chỉ có nước biến những chuyện mắt thấy tai nghe thành trò đùa cả thì chị mới cảm thấy bớt ngán ngẩm cho cuộc đời này. Đọc văn chị, tôi đồ có không ít người, nhất là những nhà mô phạm, nhíu mày khó chịu về lối viết bông lơn, giễu cợt. Tôi hiểu tại sao. Văn học Việt Nam là một nền văn học hết tải đạo đến tải đạn, hết tải đạn đến tải thương và hết tải thương thì xoay ra tải lương (thực). Nhà văn là kĩ sư tâm hồn, không được phép nói nhăng nói cuội. Nếu không ca tụng lí tưởng, lãnh tụ, đất nước, con người thì chí ít phải viết cái gì nâng tâm hồn lên. Khó lắm! Viết lạng quạng là tan xác pháo đấy! Nguyễn Thị Hoàng Bắc từng bị “tan xác” nhiều lần. Và hình như chị hoá giải những đòn phép âm kình ấy bằng cách biến chúng thành trò đùa trong tác phẩm của mình.
7.
Dù vậy, Nguyễn Thị Hoàng Bắc vẫn cảm thấy cực kì phẫn nộ với nhiều điều xảy ra xung quanh thế giới, và cái làm chị phẫn nộ nhiều nhất lại thuộc về vấn đề thời sự chính trị. Chị không kềm chế được nỗi bất bình khi nghe tin các tù binh chiến tranh Hồi giáo bị làm nhục trong trại tù quân sự Abbu Ghrab bên xứ Iraq và chị không ngần ngại gọi Tổng thống Mĩ George W. Bush là “tên mặt người giống khỉ” bởi chị hoàn toàn không tán thành cuộc chiến tranh Iraq. Nhìn từ góc độ “chính trị nước Mĩ”, hiển nhiên chị thuộc phe tả khuynh. Chị cảm thấy đau lòng trước cảnh chiến tranh chết chóc của dân Iraq, Chị bất mãn khi thấy anh mạnh hiếp anh yếu. Chị cảm thấy kinh tởm tính đạo đức giả của những tay con buôn chính trị “cao rao chống khủng bố mà thực chất là khủng bố triệt để tinh thần mọi người, mọi nơi, mọi chốn trên trái đất, để nắm quyền lũng đoạn nhân sinh.” Dù không hoàn toàn đồng ý với nhận định chính trị trên của chị nhưng tôi tôn trọng ý kiến đó, và chủ ý của tôi là không đem ra bàn luận để xem ai đúng ai sai (điều đó đã có các tay phê bình thời cuộc cãi nhau như mổ bò hằng đêm trên các kênh truyền hình CNN, MSNBC, Fox News). Tôi chỉ không tán đồng cách thế bộc lộ quan điểm chính trị trong một tác phẩm văn học. Đồng ý! Nhà văn có quyền phẫn nộ – nên là đằng khác – nhưng phẫn nộ với thời sự chính trị thì hình như các nhà văn bậc thầy đều khuyên chúng ta nên né tránh trong tác phẩm của mình. Ai cũng biết Márquez là người tả khuynh (hữu khuynh thì không thể là bạn thân của Fidel Castro). Ông ghét Mĩ, nhưng suốt cuốn Trăm năm hiu quạnh, ẩn dụ chống Mĩ duy nhất là cái công ti chuối. Trong cuốn Tình yêu thời dịch tả, người Mĩ đáng ghét nhất chỉ là những anh cao bồi trên tàu thuỷ lúc nhàn rỗi tiêu khiển bằng cách nhắm súng dài bắn chết những con hải trư nằm tắm nắng dọc hai bờ sông. Ngoài ra, không hề thấy ông thoá mạ các nhân vật chính trị bao giờ. Tuy thế, tôi thích cách xử lí của Kundera hơn. Ghét Stalin nhưng ông chỉ đem câu chuyện bông phèng Stalin bắn hạ 24 con chim ra mà châm biếm. Suốt cuốn Lễ hội những điều vô tích sự, không hề nghe ông lên án Stalin là tay độc tài khát máu bao giờ. Trong khí hậu một tác phẩm văn học, điều đó nếu có chẳng những thừa thãi mà xem ra còn có vẻ lố bịch.
Ý thức văn nghệ hiện đại thường được xem là sự quyết tâm của mỗi loại thể nghệ thuật tiến đến càng gần càng tốt bản chất đặc trưng của chính nó. Tôi thường nghe các nhà phê bình bảo thế. Thật vậy, thi ca, và nhất là hội hoạ, từ đầu thế kỉ XX phần nào đã quyết liệt khước từ tính mô phạm hay nhiệm vụ thiêng liêng (mà người ta thường gán lên chúng) để “nguồn nước tinh tuyền của hồn bướm mơ tiên khơi chảy.” Nhưng văn xuôi tiểu thuyết hình như vẫn bảo thủ, vẫn gồng mình ra gánh vác những trách nhiệm nặng nề như minh hoạ kỉ nguyên lịch sử, miêu tả xã hội, bảo vệ ý thức hệ, vân vân. Tôi xin mượn hơi hùm Kundera. Ông bảo, “Hãy để bình diện chính trị thụt lùi vào bóng tối và luồng sáng hội tụ quy chiếu lên cái ẩn mật mà nhà văn cho là thú vị nhất đối với hắn, cái ẩn mật hiện sinh.”
Ở điểm này, tôi cho tập truyện của Nguyễn Thị Hoàng Bắc vẫn chưa được “giải thiêng.”
8.
Gió mỗi ngày một chiều thổi, với những chủ đề cũ kĩ, quen thuộc – quá khứ, chiến tranh, lưu vong, cái chết, thảm kịch đời sống – nhưng qua một ngòi bút đầy cá tính và sáng tạo đã là một tác phẩm khá lạ hiếm trong sinh hoạt văn chương Việt lúc này. Tập truyện đụng chạm nhiều đến các vấn đề nhân sinh mà trong rừng thuật ngữ người ta hay gọi là cái human content. Nguyễn Thị Hoàng Bắc là kẻ “phải lòng với cuộc sống”, như định nghĩa nhà văn là gì của ông Võ Phiến. Chị cho chúng ta cơ hội nhìn vào cuộc sống bộn bề, rối rắm này bằng con mắt nửa buồn rầu nửa tinh quái – một kết hợp lạ lùng – để thấy thêm một lần nữa cuộc sống tuy chẳng có gì vui nhưng vẫn đáng sống.
Trên đây, tôi đánh đồng cái tôi của nhân vật trong tập truyện với cái tôi của tác giả. Làm thế là sai. Chẳng qua đó chỉ là sự gò ép yếu kém trong thể cách trình bày mà chính tôi phải lãnh phần trách nhiệm. Tuy lằn ranh giữa tác giả và nhân vật không phải lúc nào cũng rõ ràng, minh bạch, nhưng thật sự đấy là hai cá thể cần được nhìn từ góc độ quy chiếu và đối sánh để tìm kiếm ý nghĩa ẩn mật ở những tầng cao hơn. Không nên đồng nhất cảm xúc nhân vật với cảm xúc tác giả. Qua nhân vật chúng ta nhìn ra được phần nào tâm hồn và chủ đích của tác giả. Đôi khi nếu tâm lí nhân vật thiếu sự đào sâu thì ý thức tự thân trải rộng trên trang viết đóng vai trò phương tiện đắc lực giúp san bằng những lỗ hổng ấy. Bởi nếu có nhược điểm nào thì đây chính là chỗ yếu của tác phẩm Gió mỗi ngày một chiều thổi. Có lẽ do cấu trúc và nhất là do phong cách biểu đạt bằng những nét phác hoạ thay vì mở tung cánh cửa tâm hồn và quan sát thật kĩ, trong khi đào xới tâm lí nhân vật, tập truyện dường như chỉ dừng lại ở ngoài phòng khách chứ không tiến sâu vào phòng ăn, phòng ngủ. Điều đó khiến người đọc khó bắt được hồn phách của tác phẩm và phải nhờ đến “tâm lí tác giả” điền vào chỗ trống. Thế nhưng nếu “tiểu thuyết gia, không như thi sĩ hoặc nhà soạn nhạc, phải biết chặn lại tiếng kêu than của chính tâm hồn hắn” như Kundera nói trong tập tiểu luận Bức màn, thì tôi thấy quả có sự lúng túng của Nguyễn Thị Hoàng Bắc trong cố gắng thấu thị bản ngã của sự vật. Quan điểm chính trị tả khuynh của tác giả cũng không giúp ích gì nhiều. Nó chỉ khiến ánh mắt nhìn lên sự vật bị khúc xạ ít nhiều.
Sự thành công của một cuốn sách nằm ở chỗ nó gây cho người đọc cảm giác bâng khuâng sau khi đọc. Gấp cuốn sách, tôi bâng khuâng. Cuộc đời hoá ra chỉ có bấy nhiêu thôi ư? Như con kiến hết leo cành đào lại leo cành đa, hết leo ra lại leo vào.
Trịnh Y Thư