Lưu Diệu Vân, Lưu MêLan & Nhã Thuyên: Vào cánh cổng của tưởng tượng
Nguồn: http://phovanblog.blogspot.com/2016/05/luu-dieu-van-luu-melan-nha-thuyen-vao.html
Một nỗi ngạc nhiên đầy hứng khởi đã đến với tôi khi nhìn thấy một cuốn sách thơ đẹp, trong đó không chỉ một, cũng không phải hai, mà có đến ba nhà thơ nữ Việt Nam cùng sẻ chia những sáng tạo nghệ thuật của họ. Tất nhiên, tôi đang nói đến một dự án hoàn mỹ được thực hiện bởi một nhóm các tác giả và dịch giả, cả người Việt lẫn không-Việt, đã mang lại sự ra đời cho một tuyển tập thơ của Lưu Diệu Vân, Lưu Mêlan và Nhã Thuyên, ba nhà thơ nữ đang nổi, tên của họ đã trở nên ngày một thân quen hơn với công chúng yêu thơ trong cũng như ngoài nước. Không thể nào bắt kịp được với toàn bộ giới nhà văn nhà thơ Việt hiện sinh sống ở Hoa Kỳ, chứ chưa nói đến ở khắp mọi nơi trên thế giới, những người trong suốt bao năm qua đã cho ra đời một lượng lớn các tác phẩm thơ và tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh (một lỗi lầm không thể nguỵ biện mà bạn có thể đổ cả lên tôi), tôi cực kỳ phấn khích khi được đọc cuốn sách này, một sự phấn khích nảy sinh không phải chỉ vì nội dung phong phú của nó, mà còn vì những bối cảnh từ đó nó được sinh thành. Tôi buộc phải tự đặt cho mình một vài câu hỏi căn bản. Thứ nhất, cả ba nhà thơ nói trên đều sinh ra sau chiến tranh – hai người đang ở trong độ tuổi ba mươi và một người mới trong độ tuổi hai mươi. Liệu rằng họ có quá trẻ để viết nên những câu thơ ấy? Theo tôi thì không, tài năng và tuổi tác không nhất thiết lúc nào cũng song hành với nhau. Thứ hai, vì mỗi người lại cư trú ở một nơi khác nhau trên thế giới, liệu họ có thể chia sẻ một chủ đề chung, có thể cùng hòa chung một điệu nhạc? Đúng là họ có thể làm điều ấy. Ngày nay, khi thế giới cũng chỉ giống như một ngôi làng nhỏ, người ta có thể tìm được sự tâm đầu trong những nỗi trăn trở nhân văn về bất cứ lĩnh vực nào. Và thứ ba, mục đích tối hậu mà cả ba nhà thơ cùng nỗ lực đạt đến qua những tiếng nói phức hợp một cách hoàn hảo của họ là gì? Câu trả lời không còn có thể đơn giản hơn: Thế giới tưởng tượng.
Các bài thơ trong tuyển tập này không uyên thâm, cũng không mang tính triết luận trong cách hiểu khắt khe nhất của thuật ngữ; mà nhiều hơn, chúng biểu đạt những cảm nhận sâu kín về bản thể, những nhận thức nhạy bén về môi trường sống cũng như về thân phận riêng của mỗi cá nhân. Chúng hiện đại trong cảm thức bộc lộ mình trong sự riêng tư hết mực, đồng thời mang đến những cái nhìn thấu suốt về sự khác biệt đa dạng của khí chất nghệ sĩ. Những bài thơ này không thiếu đi chất trữ tình vốn từ lâu đã được xác lập như là một trong những rường cột của thơ Việt, nhưng cùng lúc, chúng phô bày một nỗ lực dấn tới lớn lao, cố gắng thoát khỏi những khuôn sáo (cliché) của sự tầm thường vô vị từ rất lâu rồi vẫn khóa trái những lối đi dẫn vào thế giới của những tưởng tượng khác lạ, dị thường. Đọc những bài thơ này, người đọc chắc chắn sẽ thâu nhận được một dạng thức nhất định của tự do và hành vi giải thiêng hiển lộ ngay trong cách diễn đạt và hình thức thơ. Ở đây, thơ được viết chủ yếu vì chính thơ. Bất kể thơ khởi lên từ khí chất nghệ sĩ hay những trấn áp văn hóa đều không đáng quan tâm, điểm đáng nói chính là nỗ lực trong việc phá chuẩn (de-canonize) tất cả những quan niệm trước đó vốn cho rằng thơ cần phải mang vác trên mình một sứ mệnh thiêng liêng hay phải phụng sự nghĩa vụ thanh lọc đời sống con người. (May mắn thay, đến hôm nay, vô số kẻ từng chìm đắm trong Cõi Không Tưởng đó hoặc đã chết hoặc đã cải đạo). Thay vào đó, thơ tập trung hướng đến khía cạnh cảm xúc và huyễn tưởng của những vấn đề nhân bản, điều mà, bất luận thế nào, cũng nên được coi là mục đích cao cả nhất mà văn học có thể hướng tới.
Tuyển tập này, bởi vậy, có thể được xem như là sự đoạn tuyệt dứt khoát với Chủ nghĩa hiện thực, Chủ nghĩa lãng mạn, Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa yêu nước, Chủ nghĩa cảm thương, cũng như vô số những thứ “chủ nghĩa” khác đã thống trị thơ Việt suốt một thời gian dài. Xu hướng này thực chất đã được chớm hình thành trước đó, trở nên nổi bật hơn cả trước tiên ở những cộng đồng lưu vong, sau đó dần dần có sự thẩm thấu trở lại vào trong nước thông qua hình thức xuất bản lậu, tự xuất bản samizdat vì nó bị cấm dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của chính quyền cộng sản, khi bất cứ một hành vi vi phạm nào cũng đứng trước nguy cơ bị khủng bố tàn nhẫn. Có thể kể ra nhiều nguyên do thuyết phục để lý giải sự phục hưng này trong thơ Việt, cả nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan, nhưng phải cần đến một vài tài năng trẻ, như bộ ba tác giả của cuốn thơ này chẳng hạn, mới đủ sức minh chứng cho điều ấy.
Lưu Diệu Vân, kẻ phản giáo bất đắc dĩ
Có lẽ nhiều người sẽ có chung một cảm nhận rằng sức hấp dẫn của thơ Lưu Diệu Vân nằm ở cách sử dụng hình tượng tài hoa, tinh tế. Thực chất, có thể nói nó đã lên đến mức điêu luyện (tour-de-force). Gần như ở bài thơ nào chúng ta cũng có thể thấy một sức hấp dẫn tạo nên bởi cách lựa chọn ngôn từ độc đáo, được xuất hiện đúng lúc đúng chỗ. Lời thơ gần giống như lời ca, nhưng lại như một sự kết hợp khá lạ thường, trừu tượng, đưa đến một không khí huyền bí, mà tới lượt nó, lại được trưng dụng để gây cảm giác về nỗi bất an. Ở đây chẳng có gì là tuyệt đối xác thực. Chẳng có gì dứt khoát. Chẳng có gì trọn vẹn. Bản thể nội tại bị mổ xẻ khi được đặt ngay trong môi trường sống đầy bấp bênh ấy, bởi nhà thơ sở hữu một năng lực tự ý thức sâu sắc về những mối quan hệ, không chỉ là những kết nối liên cá nhân, mà còn là những quan hệ giữa mỗi cá thể với chính môi trường mà mình đang sống trong đó.
Ngoại trừ “câu chuyện 1975 của tôi,” một bài thơ mang dáng dấp tự truyện, đa phần các bài thơ của Lưu Diệu Vân chạm đến những khía cạnh khác nhau của cái lăng kính nhìn đời đa diện đầy phức tạp, từ quan hệ tình cảm lãng mạn tới ý thức hệ, từ tư tưởng nữ quyền đến quan điểm chính trị. Khi đối mặt với những gì mà Milan Kundera gọi là “những vấn đề hiện sinh,” cô không chút ngần ngại che giấu cảm xúc chân thực của mình về sự vỡ mộng, sự phẫn nộ, tức giận, hay thậm chí, thịnh nộ. Trong bài thơ “khắt khe,” những gì mà cả một dân tộc đã tôn thờ trong suốt hàng ngàn năm bị cô hạ bệ thành việc rắc “lốm đốm những giọt máu hồng” làm vấy bẩn “mảnh khăn trắng” trinh nguyên. Thêm vào đó, với bài thơ “gọi hồn triết gia,” cô công khai lên tiếng cho một cuộc chiến chống lại hệ tư tưởng đã trấn áp người phụ nữ Việt trong suốt chiều dài lịch sử đất nước mình. Cô đang phẫn nộ trước sự ngu dốt mà dường như chẳng một ai cho rằng đáng quan tâm hay lưu ý. Vậy cô định sẽ làm gì? Có phải cô sẽ thổi một hồi kèn triệu tập đồng minh cùng trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến mang hơi hướng Don Quijote khi lao mình vào những điều bất khả? Hay cô có đứng ra làm kẻ tiên phong trên mặt trận chống lại sự phân biệt giới đã kéo dài hàng thế kỷ trên quê hương mình? Ồ, tôi cũng không biết nữa, nhưng có lẽ là không… Tại sao lại không ư? Bởi tôi trông thấy cô vẫn đang đứng đó, đơn độc, trong một cố đô cổ kính, không ngừng băn khoăn về căn tính của chính mình, về nơi chốn của riêng mình giữa một cảnh quan đã bị vùi vào quên lãng. Cô dường như lạc lối. Với cô, câu hỏi về căn tính một con người cơ chừng rắc rối, cô bị giày vò bởi những di sản văn hóa, đồng thời lại cũng không thể tìm được bất cứ một sự đồng cảm nào với hiện tại. Cô không tài nào hiểu nổi tại sao người ta lại đi “Cúng bái xác ướp một con rùa khổng lồ như tổ tông thân thuộc”. À, xin hãy dừng chân lại chính nơi ấy, phải rồi, chính xác là tại số 11 Hàng Gai. Chính nó đấy! Một biểu trưng tuyệt đối, không thể suy giảm, không thể phá vỡ, và bất hoại; một vực thẳm ngăn cách cô với di sản lịch sử, mãi mãi chia cắt bản thể nội tại của cô với thực tại. Không thể thương lượng. Một tình thế bất hòa. Xung khắc cực điểm. Về mặt nhận thức, làm sao bạn có thể kết nối với những kẻ [T1] tôn sùng thần tượng, nhất là khi thần tượng ấy lại là một kẻ sát nhân? Làm sao bạn có thể giao tiếp và gặp gỡ với những con người sở hữu cái mà Czeslaw Milosz gọi là “Tâm trí giam cầm” (The Captive Mind)? Một sự đầu hàng vĩnh viễn? Chính thế. Milosz đáng thương, một nhà thơ thế kỷ, viết cuốn sách tuyệt vời ấy vào năm 1953, nhưng chẳng có bất cứ một người Việt nào ở thời điểm đó (và thậm chí cả bây giờ) tỏ ra quan tâm đến. Cũng chính vì ý thức hệ cứng đầu và hung hăng ấy mà hơn nửa thế kỷ sau đó, một Lưu Diệu Ván đáng thương vẫn tự thấy mình không thể kết nối, bị cắt rời tuyệt đối khỏi nguồn cội của chính mình ngay khi đang đứng giữa pháo đài ngàn năm tuổi. Khí chất cô bất hòa với vùng đất này, một nơi mà “trên tấm bích chương các lãnh tụ bắt tay thân mật,” nơi những tên sát nhân ghê tởm không chút xấu hổ “chúc tụng những chiến thắng không sách sử ghi nhận” (chỉ được xác nhận qua những cuốn sách được viết bởi chính bọn hắn). Bài thơ “búp bê & xe đạp” không phải là một tuyên ngôn chính trị, mà đúng hơn, đó là một nóng lòng mong đợi đến một ngày phán xử công bằng có lẽ sẽ chẳng bao giờ tới.
Rất nhiều bài thơ của Lưu Diệu Vân ở cuốn này đi sâu vào bản ngã bên trong. Cuộc thăm dò bản ngã nào cuối cùng cũng gặp gỡ dục tính. Dưới góc nhìn riêng của nhà thơ, tự ý thức bao giờ cũng phải chạm đến phần tính dục như một chủ đề trung tâm trong bản giao hưởng đời sống. Chủ đề này chi phối những tác phẩm thơ của cô tới mức gần như mọi gợi nhắc về tình yêu đều có một chút gì đó liên quan đến cách cảm nhận của chính cô trong vị thế của một người nữ. Nhưng chính ở đây cũng tồn tại một nghịch lý trong cái nhìn của cô về tình yêu. Bài thơ “falls” mở đầu bằng những hình ảnh đẹp đẽ ngây thơ như “những cánh hoa trong suốt nở những chiếc cánh mặt trời nâu vàng”, và khép lại trong một cuộc truy hoan điên cuồng, nơi hành động làm tình được đặc tả với những chi tiết cụ thể nhất “mực dương vật/ thân thể nàng/ xuất tinh dấu vết chàng”trong khổ cuối. Ở đây, rắc rối nảy sinh khi ngay trong chính bài thơ này, cô đồng thời cũng thể hiện một thái độ lãnh đạm với tình yêu, “không nên thắc mắc về sự hiện hữu của tình yêu/ hay sự vắng bóng của nó.” Rõ ràng, công cuộc tìm kiếm tình yêu của cô gặp phải khá nhiều thất vọng, và sự vỡ mộng ấy đã được đẩy lên thành cơn cuồng nộ trong những bài thơ khác, chẳng hạn như “hậu-nữ quyền luận” hay “trị liệu kép.” Điều ấy khiến ta băn khoăn: phải chăng ở đây tồn tại một nghịch lý nào đó hay chỉ là một trong vô vàn những điều khó hiểu không thể giải thích được của thời hiện đại? Liệu có phải chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên đã mất đi mọi vết tích của tình yêu? Chuyện gì bất ổn đang xảy ra với thế giới này vậy? Không đâu, xin hãy dịu lòng, bạn thân mến! Hãy thử lắng nghe mà xem, những câu hỏi này đã từng được đặt ra kể từ trước buổi bình minh của nhân loại, và tất nhiên, và chẳng có một câu trả lời nào làm ta thỏa mãn trong hiện tại, hay trong bất cứ thời kỳ nào từ bất cứ ai, cả nhà thơ cũng vậy. Có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được câu trả lời. Hay đơn giản, hãy tĩnh tâm lại và nghe Woody Allen nói: “Tình yêu chính là câu trả lời, nhưng trong khi chờ đợi câu trả lời ấy, tình dục lại xới lên vài câu hỏi cũng khá thú vị.”
Nếu gặp Woody Allen, có lẽ bạn nên đưa cho ông ấy xem một vài bài thơ của Lưu Diệu Vân.Dù thế nào, những bài thơ của Lưu Diệu Vân vẫn đậm chất hài hước châm biếm. Tuy nhiên, đó không phải là kiểu hài hước hay châm biếm chỉ để giải trí hay tiêu khiển. Nó nảy sinh từ một khí chất nghệ sĩ nhạy cảm trước những nghịch lý của đời sống, và hàm lượng xúc cảm trong sự hài hước ấy lúc nào cũng mãnh liệt. Mặc dù trong một vài bài thơ, ngôn ngữ có vẻ vui tươi hơn, nhưng chưa bao giờ là một cái gì nhẹ nhàng hay tầm phào như những câu nói đùa. Chẳng hạn, một bài thơ dị thường nhỏ nhỏ như “tiếp thị sản phẩm mới” gây ấn tượng mạnh mẽ. Mỗi dòng thơ khiến tôi không thể nén cười, nhất là khi đọc đến những câu như “Cửa mình của đàn bà/ Để kiểm tra chất lượng.”
Chúng ta phải thừa nhận rằng Lưu Diệu Vân là một nhà thơ đa năng. Cô xử lý không chút gượng ép mọi vấn đề làm rung động trái tim mình, và cũng rất tự nhiên mang trọn xúc cảm và sự nhạy bén của mình ra để thăm dò vô số những góc cạnh khác nhau của phận người. Những suy tư của cô có thể không thâm thúy về chiều sâu, nhưng xúc cảm của cô thì bao giờ cũng mạnh mẽ, và đó mới chính là phẩm chất thiết yếu nhất của một nhà thơ đích thực. Võ Phiến, một nhà văn Việt Nam danh tiếng, người mới qua đời gần đây ở tuổi chín mươi, từng nói, “nhà văn là kẻ phải lòng với cuộc sống.” Lưu Diệu Vân là một nhà thơ, người mang một tình yêu nồng cháy với cuộc đời, nhưng đồng thời cô cũng là kẻ bị khước từ, bị ruồng bỏ bởi những tập tục và đạo đức quy phạm. Cô còn có thể là gì khác đây, nếu không phải là môt kẻ phản giáo bất đắc dĩ?
Nhã Thuyên, kẻ mơ triền miên sầu muộn
Nếu như Lưu Diệu Vân là một người hướng ngoại thì có thể coi Nhã Thuyên là một người hướng nội. Nếu Lưu Diệu Vân khám phá bản ngã nội tại trong thế đối nghịch với phông cảnh môi trường mang tính thực tế của cô, thì Nhã Thuyên tiến hành sự thăm dò ấy trong tương quan với một kiểu không gian phi thực mênh mang của sự trống rỗng. Đôi mắt chẳng trông thấy gì ngoài bóng tối, những giọng nói mất hút trong khoảng rỗng không giãn nở, chẳng để lại gì dù chỉ một tiếng vọng. Trong bài thơ “thực đơn thân thể,” thực tại được miêu tả như một khung cảnh mơ, ở nơi đó, “con đường như khúc cá khổng lồ bị chặt ngang, hố hố ụ ụ đặc đen máu cá nham nhở.” Những tưởng tượng dường như được kéo dài hầu như qua từng bài thơ, nhưng dẫu thế nào chúng cũng không ngừng gợi nhắc đến giới hạn của bản thể, một đường biên vốn mỏng manh, dễ tổn thương. Làm sao để có thể mạnh mẽ và tận hiến trong “một tồn tại vắng mặt,” nơi “mặt ai như mặt ngươi đang nói cười trong khi tự móc rỗng để đám con mắt tìm nhau hoảng loạn.” Một tồn tại vắng mặt ẩn hiện quá đỗi mênh mông và đáng sợ, bóng tối dường như ngập khắp mọi chốn, từ nơi này trải đến vô biên, giữa khoảng vô thủy vô chung ấy, chỉ những giấc mơ có thể lĩnh hội. Những cơn mơ tiếp nối những cơn mơ. Cô mơ mãi về Cái Chết và Tình Yêu, cứ như thể chỉ trong những giấc mơ, người ta mới được sống cùng cực ham muốn của bản ngã. Một bầu khí quyển u sầu tràn lan tỏa khắp các dòng thơ, thấm đẫm linh hồn của các chữ, tạo dựng một trạng huống tinh thần thảm sầu, bi thương. Ngay cả trong mơ, cô cũng không thể nào trốn thoát được nỗi buồn, nó dường như đã bị đóng đinh vĩnh viễn vào nỗi cô đơn bất tận. Trớ trêu thay, nó lại có một hấp lực vô cùng mãnh liệt với bản ngã, nó là một “điều gì dữ dội và đáng đợi chờ hơn chết.” Tôi tự hỏi, liệu cái điều-gì-dữ-dội-và-đáng-đợi-chờ-hơn-chết ấy sẽ đưa đến niềm vui và hạnh phúc hay ngược lại, là điều khủng khiếp nhất mà con người có khả năng chạm tới? Bất luận thế nào, Nhã Thuyên cũng không tìm kiếm một câu trả lời cuối kết. Mọi giấc mơ chỉ là ảo tưởng. Thật thế, bạn biết điều ấy, và rất tự nhiên, tôi cũng biết điều ấy. Mọi người không ai là không hiểu. Nhưng với Nhã Thuyên, nó chính là cái gì hệ trọng hơn cả để cuộc đời nảy nở. Tất cả những gì bị chôn vùi trong tiềm thức cần phải được thức tỉnh và sinh sôi. Bạn phải tự cứu mình thoát ra khỏi tình trạng bị giam cầm. Trong bài thơ “giấc mơ nước,” cô viết: “dưới sâu vẫn không có nước, chỉ có những ảo tưởng nước, những ảo tưởng chảy tuôn và nuôi bãi đất cằn, nhưng phải cào xới không thôi.” Còn nỗi cô đơn có gì mà khiến cho cô tôn sùng nó đến thế? Tôi muốn trả lời câu hỏi này bằng cách trích dẫn Octavio Paz, một nhà thơ Mexico ưu tú bậc nhất, người từng phát biểu rằng, “Nỗi cô đơn là một thực tế cùng cực nhất của phận người. Con người là tồn tại duy nhất có khả năng tự nhận thức về nỗi cô độc của chính mình.”
Hình ảnh trong thơ Nhã Thuyên thường giống như trong những giấc mơ. Trong bài thơ “những hình dung xa lạ,” vài giọt mưa ngây thơ trút xuống khu vườn từ bầu trời thu đã biến thành: “những mặt những mặt trút ào ạt xuống đường.” Những cách nhìn đời quen thuộc trong những cảnh huống thường nhật không tồn tại trong thơ cô. Nói đúng hơn, viết thơ cũng giống như hành thiền, một trạng thái mặc tưởng đầy thi tính, hy vọng là tôi có thể dùng cụm từ đó. “mưa đen” là một bài thơ đẹp được viết trong cảm thức này. Hầu hết những chất liệu, những mẫu thức đề tài điển hình trong thơ Nhã Thuyên đều có thể được gặp lại trong bài thơ này – cơn mơ, bóng tối, nỗi cô đơn, sự im lặng, nỗi sợ…, (xin chỉ gọi tên một vài trong số đó) – tuy nhiên, vẫn không phải nỗi tuyệt vọng đang dẫn dắt nội tâm con người; không phải sự vô vọng, mà là niềm tin vào bản ngã, năng lực tự nhận thức và ý thức tự quyết cuối cùng đã giành phần thắng. Bạn còn có thể đòi hỏi điều gì khác đây từ một người làm thơ, hỡi bạn thân mến?
Kết cấu văn bản thơ Nhã Thuyên rậm rạp và đan kết, đặc biệt là ở những bài thơ văn xuôi. Thêm vào đó, hệ thống hình ảnh và phép ẩn dụ thường giống như được bứng ra từ những giấc mơ hé lộ một đặc tính khác trong thơ cô: ngôn từ có lẽ cũng nảy sinh từ tiềm thức. Nhưng liệu chúng ta có thể gọi cô là một nhà thơ siêu thực hay không?
Khá nhiều nhà phê bình, cả giới nghiên cứu văn học Việt Nam, đã gán cho hai thi nhân nổi tiếng là Hàn Mặc Tử và Bích Khê – những nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ Mới (1932-1945) ở Việt Nam – cái danh xưng các nhà thơ siêu thực.
Theo tôi quan điểm này có vẻ như hơi thiếu sức thuyết phục.
Chủ nghĩa siêu thực, trong định nghĩa của những người tiên phong của chính trào lưu này vào khoảng đầu thế kỷ XX, là một sự bất tuân các nghĩa đen đã được gán cố định cho đối tượng; thay vào đó, nó tìm kiếm những ý vị thi ca hay mạch ngầm thi tính tiềm ẩn trong mọi sự vật được đề cập đến. Sau đó, qua việc xếp đặt các đối tượng liền kề nhau một cách phi lý, nó nhấn mạnh những mạch ngầm ngữ nghĩa, đồng thời, khơi gợi những ý nghĩa rộng hơn, những gì “tồn tại trong mối liên hệ mơ hồ với hình ảnh thị giác,” nhằm miêu tả thực tại “ở một cấp độ cao hơn.” Tôi chẳng tìm thấy bất cứ một biểu hiện nào trong số những đặc trưng ấy trong các tác phẩm của hai nhà thơ đáng kính trên kia. Thêm nữa, trong những bài thơ của họ có thể xuất hiện một vài hình ảnh huyễn tưởng, như thể lấy ra từ giấc mơ, nhưng họ tuyệt đối chẳng dính dáng gì đến lối viết tự động, một nền tảng căn bản của Chủ nghĩa siêu thực. Tôi cũng nghi ngờ quan điểm cho rằng những câu thơ có vần điệu đẹp đẽ của họ nảy sinh từ tiềm thức, vô thức thì lại càng không phải. Thực chất, đó là những tưởng tượng của ý thức, và gọi họ là nhà thơ siêu thực là một nhầm lẫn cơ bản. Họ là những nhà thơ tuyệt vời, sở hữu một năng lực văn chương trời phú, và có thể gọi họ là những người tiên phong theo một nghĩa nào đó. Những bài thơ của họ vẫn sẽ sống mãi trong trong trái tim người yêu thơ Việt. Một thời đại đã thuộc về quá khứ. Việc gán cho họ danh xưng là các nhà thơ siêu thực chẳng thể khiến những bài thơ vốn được yêu chuộng của họ trở nên hay hơn.
Điều ấy cũng đúng khi nói về Nhã Thuyên. Chùm bài thơ văn xuôi của cô khiến người đọc ngạc nhiên bởi hiệu ứng gây sửng sốt của ngôn ngữ. Tôi đã không đọc trước những bài thơ của Nhã Thuyên trong nguyên bản tiếng Việt, chưa từng làm việc ấy (thành thật mà nói, đó là sự tiếc nuối mà tôi không thể tha thứ cho mình), nhưng có lẽ điều đáng nói hơn cả ở đây là ngôn ngữ, khi được sử dụng trong dạng thức của biểu đạt nghệ thuật này, sẽ trở thành công cụ hữu hiệu nhất để phơi lộ dòng chảy tư duy bị vùi sâu trong tiềm thức. Thực tế, có thể kể đến nhà thơ Hoàng Trúc Ly, người từng thể nghiệm lối thơ này và có được thành công vang dội ở miền Nam Việt Nam trước 1975; về sau, nó được Nguyễn Hòa Trước đẩy lên một cấp độ cao hơn. Ở đây, hình thái ngôn ngữ Việt được đẩy đến tới hạn, hiểu theo nghĩa là được cách tân, và đa sắc hóa. Có thể ví đó là một sự hóa thân, một tuyệt kỹ làm biến hóa ngôn ngữ, đẩy nó lên đến cực điểm trong một hình thức thuần túy nhất. Tuy nhiên, một câu hỏi nảy sinh: chúng ta có chút hy vọng nào không trong việc giải mã những những ý nghĩa ẩn tàng bên dưới mỗi dòng thơ đầy mê hoặc ấy, hay là, hãy thừa nhận rằng nó thuộc về địa hạt của cái siêu hình (những gì ta không thể sử dụng một hệ thống thuật ngữ có sẵn nào để gọi tên), và cánh cửa để bước vào thế giới của nó chỉ có thể là trực giác, ở bên ngoài mọi luận lý của ý thức? Tôi thiên về cách đọc thứ hai hơn, mặc dù tôi thừa hiểu rằng những chất liệu thô được trực tiếp lấy ra từ tiềm thức – không bị sàng lọc, không bị làm biến đổi bởi những dụng ý nghệ thuật để mang vác một vật nặng khác trên lưng – chỉ hấp dẫn trong mắt các chuyên gia tâm lý học hay phân tâm học, khó mà có thể gọi chúng là thơ, huống hồ là nghệ thuật. Một vài người trong giới văn chương Việt gọi đó là Thơ Ngôn Ngữ, nhưng theo tôi thì thuật ngữ ấy quá dễ gây hiểu lầm. Các nhà thi pháp gọi một tác giả là nhà thơ “Ngôn ngữ” hòng chuyển giao cho độc giả quyền diễn giải bài thơ vốn là trách nhiệm của anh/cô ta, khiến cho việc diễn giải ấy trở nên đa chiều hơn; ngược lại, ở những bài thơ văn xuôi thấm đẫm phong vị Việt này, ý nghĩa, dẫu hết sức mơ hồ, vẫn khá chủ quan và rành mạch.
Những lập luận trên kéo tôi quay trở lại với bài thơ văn xuôi “dấu vết của khoảng trống” của Nhã Thuyên, được in trong tập sách. Đọc nó là đang bước vào thế giới của tưởng tượng. Chìm bên dưới tất cả những hình ảnh và những biểu tượng đầy tính huyễn tưởng, bên dưới cấu trúc ngôn từ đan cài xoắn bện, bên dưới cả những phiến đoạn độc thoại nội tâm, là một dòng mạch tư duy hoàn toàn sáng rõ. Ở đây, tất cả những chất liệu quen thuộc mang tính mẫu thức được lặp lại, giống như thể một cơn ác mộng đang tái diễn, và đối lập lại với cảnh tượng ấy là những ký ức chập chờn, là tình yêu, nỗi mất mát, và những suy lý không ngừng về tồn tại, hay chính xác hơn, về sự không tồn tại. Nỗi tuyệt vọng được gọi tên rõ nét, cũng một màu u ám hệt như trong “mưa đen.” Bài thơ kết lại bằng những dòng thơ “tôi lún sâu mãi xuống cát ướt, cho tới khi hoàn toàn vắng lặng, và tôi sẽ không trở về.” Dưới dòng thơ ấy, nhà thơ vẽ một vòng tròn. Có lẽ đó là hình ảnh tượng trưng cho một tình thế bị mắc bẫy. Hoặc, rất có thể, là một cái thòng lọng? Dù hiểu theo nghĩa nào, nó cũng chỉ gợi lên nỗi tuyệt vọng.
Nhà thơ Dylan Thomas từng nói: “Thơ khiến cho bạn nhận thức được rằng mình đơn độc đến thế nào trong một thế giới vô danh, rằng phúc lành và nỗi khổ đau vĩnh viễn song hành, và mãi mãi chỉ thuộc về riêng bạn mà thôi.” Đó cũng chính là điều mà tôi muốn nói về thơ Nhã Thuyên.
Lưu Mêlan, kẻ lý tưởng đáng thương
Lưu Mêlan nhìn cuộc đời quanh mình qua một cặp kính lúp, việc ấy khiến cho một số điều chắc chắn sẽ trở nên đáng sợ khủng khiếp trong mắt cô, cứ như thể cô đang đi quanh chúng ta với một vẻ mặt nhăn nhó lộ rõ sự ghê tởm, đôi mắt mở lớn, và giọng nói run rẩy. Đúng vậy, thế gian là một nơi chốn xấu xí, vô cùng xấu xí. Vậy là tất cả chúng ta cũng đồng hội đồng thuyền!So sánh với Lưu Diệu Vân, và đặc biệt là với Nhã Thuyên, kết cấu các văn bản thơ của Lưu Mêlan có vẻ mỏng mảnh hơn. Không chỉ thế, về mặt ngữ nghĩa, nếu như thơ của hai người bạn đồng hành kia thường mang tính đa tầng thì thơ cô thường đơn hướng. Ngôn ngữ thơ cô thẳng thắn và trực diện. Cô tiếp xúc với các đối tượng theo nghĩa đen của nó, không cố công đi vào tâm hồn sự vật, thay vào đó, chủ yếu sử dụng phông nền bối cảnh, phú cho nó một vài ý nghĩa điển hình, qua đó bày tỏ cảm xúc. Có thể dẫn lại bài thơ “Những Con kiến” như một minh họa tiêu biểu cho phong cách thơ này. Trong bài thơ“Ngày,” cô đảm nhận vị trí một người quan sát rốt ráo, huy động toàn bộ năm giác quan để khám phá môi trường sống quanh mình. Và rồi, giống như thể một thiên thần canh gác, cô sẽ loan báo cho chúng ta lời cảnh cáo về những mối hiểm nguy còn hiện tồn rõ mồn một trên thế gian. Một kịch bản tương tự cũng được xây dựng trong bài thơ “Hạt gạo.” Ở đây, cô kể cho chúng ta nghe câu chuyện cổ tích về một trong những vật phẩm được nâng niu nhất trong đời sống thường nhật của người dân Việt – hạt gạo. Nhưng đó lại là một truyện cổ tích buồn. Kết lại bài thơ, cô chỉ muốn được lẩn mình vào sau những thân cây lúa bởi “thế gian đang chôn vùi đời sống con người.”
Lưu Mêlan đặt người đọc vào một cuộc trò chuyện trực tiếp với tâm hồn cô, ngay cả khi nó đang chìm trong sự khiếp hãi khi đối diện với thế giới hay trong nỗi hổ thẹn mà cô cảm thấy thay cho cái mảnh đất cô vẫn gọi là quê nhà. Thế đấy, cũng như tất thảy chúng ta, cô lạc lối trên chính quê hương mình, chẳng có chút gắn kết nào với “những người đi bằng bốn chân.”Nhiều bài thơ của Lưu Mêlan biểu thị một nỗi tuyệt vọng và sự khóc thương cho một nơi chốn vốn được định danh là nơi chôn rau cắt rốn của cô, đất nước dấu yêu của cô. Đó cũng chính là lúc cô không kìm được cơn giận dữ và nỗi đau giằng xé. Đây là một điểm rất đáng lưu tâm. Bởi, một người trẻ như cô, một người vẫn còn cả chặng đường dài trước mắt để bước vào một cuộc đời vốn được cho là phong nhiêu giàu có, vậy mà dường như đã mất hết mọi hy vọng vào tương lai đất nước. Đó chẳng phải là một điều phi lý hay sao? Thật đáng thương thay! Thế mà, ngay những tiếng nói đáng thương ấy của cô rồi cũng bị nuốt chửng, bị át hết đi bởi tầng tầng lớp lớp những đợt sóng tiếng ồn xấu xí, vô cùng xấu xí.
***
Nhờ sự tài hoa của ba nhà thơ trẻ, cuốn sách này, mặc dù không đồ sộ về vẻ ngoài vật chất, nhưng đã tạo được một cú huých nhất định đến sự phát triển theo chiều hướng tiến hóa của thơ Việt đương đại, không những thế, có thể đảm nhận vai trò như một dẫn nhập thông minh cho những ai quan tâm đến văn học Việt Nam. Ba nhà thơ đại diện cho một thế hệ các nhà văn Việt mới, được gọi là thế hệ 8X. Mặc dù cả ba người không có một trải nghiệm trực tiếp nào về chiến tranh, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng họ không phải gánh chịu bất cứ một tác động nào từ những di chứng còn rơi rớt lại của nó. Chiến tranh để lại những hậu quả trầm trọng khôn lường. Hơn nữa, đối diện với hiện tại, chứng kiến con đường mà đất nước đang đi, chứng kiến sự tha hóa về đạo đức, sự thối rữa mục nát của các hệ thống chính trị, tình trạng mất tự do cá nhân, sự rỗng tuếch trên lĩnh vực tri thức, tính ì trệ kìm hãm sự tiến bộ và ngăn chặn những ý tưởng mới (kể đến đây dường như đã là quá đủ), cả ba người đều đang quyết liệt định hình tiếng nói của mình trong tư cách là những nhà thơ. Nhưng, đáng nói hơn, điều khiến cho mỗi nhà thơ này tìm được một chỗ đứng của riêng mình, tách biệt khỏi đám đông, ấy là bởi họ đã tìm được cho mình một cách tự ý thức độc đáo, chính điều này sẽ mang lại một lực đòn bẩy kích thích dòng chảy thường nhật cửa tư duy, để rồi chuyển hóa nó thành một hình thức nghệ thuật. Trên tất cả, đó là điều mà thơ ca hướng đến.
Giới tính của ba nhà thơ chẳng hề ngăn trở những điều họ đạt được. Có lẽ đây không hẳn là một điều đáng ngạc nhiên đối với bất cứ ai am hiểu truyền thống văn chương Việt. Mặc dù xã hội Việt Nam thời trung đại, và ở một mực nào đó, cả trong thời hiện đại, phải chứng kiến sự thiên vị giới và phân biệt đối xử lớn lao mà có thể đổ lỗi cho sự ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Hoa – các nữ văn nhân Việt Nam, từ thế hệ này qua thế hệ khác, chưa bao giờ phải chịu định kiến quá nặng nề từ phía những nam nhân cùng trong giới văn chương cũng như từ phía cộng đồng nói chung. Nhận định này có thể được chứng thực qua một thực tế là, nếu như ở nước Anh, chị em nhà Bronte phải mượn bút danh nam giới mới có thể xuất bản thơ và tiểu thuyết của mình, thì các nhà thơ nữ Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX như Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan (vợ của tri huyện phủ Thanh Quan), và nhất là Hồ Xuân Hương với lối nói bóng gió khiêu gợi về những hình ảnh dục tình, đã được đề cao và tôn vinh bởi chính những đấng nam nhi cùng thời.
Lưu Diệu Vân, Lưu Mêlan và Nhã Thuyên, đó là ba cái tên mà tôi phải tô đậm trong ghi chú để tự nhắc mình phải chộp lấy ngay những tác phẩm mới nhất của họ. Đây cũng là cuốn sách của tháng trong thú đọc của tôi. Vinh dự thay cho những người đã ấp ủ và biến nó thành hiện thực. Tôi biết rồi mình sẽ quay trở lại với nó, không phải chỉ một lần, mà nhiều lần, bởi dường như trong nó có chất gây nghiện. Và với tôi, thói quen cũng có một dư vị ngọt ngào.
Thái Hà
(chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Anh)