Ngu Yên, kẻ giang hồ trong nhạc và thơ
Nguồn: http://www.gio-o.com/NguYen/TruongKyNguYen.html
Ngu Yên: Người nghịch ngợm trong thơ
Một cách phiến diện, qua những đặc tính nghịch ngợm trong Thơ và nô đùa trong Nhạc của anh mà người ta cho rằng Ngu Yên là một gã ngông hay một kẻ giang hồ trong nghệ thuật. Chẳng hạn ngay trong cách tự giới thiệu về mình:
“…- Tên gì?
– Tên Ngu
– Họ gì?
– Họ Quá…”
Nhận mình là… Quá Ngu để đến với Thơ và Nhạc từ rất lâu, nhưng thật sự Ngu Yên đã mang đến cho hai lãnh vực đó những sắc thái quá mới và quá lạ so với trước đó, đối với người đọc và người nghe. Tuy nhiên là một người “không thích múa máy nhiều, chỉ thích vui chơi” nên anh chẳng màng đến việc gây dựng tên tuổi một cách…bình thường. Ngu Yên đã tâm sự là”không hiểu nổi mình, tại sao quá ham vui chơi. Người ta có thể đổi hết một đời để làm nên công danh sự nghiệp hoặc bỏ cả cuộc đời để đổi lấy ái tình. Tôi huến cả cuộc đời trong khoan khoái nô đùa…”. . Nhưng một khi tìm hiểu sâu xa về những sáng tác của Ngu Yên, có dịp tiếp xúc với anh, người ta sẽ nhận rađược một triết lý sống đặc biệt qua cách diễn tả thẳng thắn, thực tế và không mầu mè của một người dám phô bầy tất cả những điều gì muốn nói – dù thầm kín nhất – bằng ngôn ngữ, thể hiện qua Thơ dưới nhiều hình thức như : Tranh Thơ, Tùy Thơ, Ca Khúc Thơ, Thơ Đồng Tác, Thơ Cụ Thể, vv…là những thể loại mà chắc chỉ có mình Ngu Yên sử dụng!. Còn trong âm nhạc, qua những nhạc phẩm phổ từ thơ của mình, Ngu Yên thật sự đã là một kẻ khai phá khi gửi đến người nghe những âm điệu của Jazz, của Blues, của Flamenco hay nhạc Phi Châu, vv…qua CD “Bóng Nắng Khuya” của anh.
Với nhận xét của nhiều người cho anh là một kẻ ngông trong nghệ thuật, Ngu Yên đã dứt khoát phủ nhận bằng một tiếng “Không” . Một cách rõ hơn, Ngu Yên cho rằng anh chỉ không thích những chuyện bình thường hoặc tầm thường, nên nhất định làm một cái gì cho khác lạ. Nên” từ những cái đó người ta gọi tôi là ngông! Trên thực tế tôi không phải là người ngông như Tản Đà hoặc Bùi Giáng được”. Thật ra anh chỉ là một con người yêu sự tiến bộ và sự mới lạ, mặc dù nhận biết rằng “trong 10 chuyện mới lạ thì may ra chỉ có một chuyện đúng”. Tuy nhiên theo Ngu Yên “nó thể hiện được lòng can đảm, cái lòng của một con người làm cho xã hội tiến lên” Anh đơn cử một thí dụ đơn giản là có người khám phá ra điện thì xã hội mới có điện, mới có đèn sáng. Nhưng nếu con người cứ ở với cái đèn đó mãi thì không bao giờ tiến triển được nữa. Theo anh, chỉ cần một, hai người đã có thễ làm cho nhân loại tiến bộ. Nếu cho anh được chọn thì anh thích được làm con người lẻ loi kia để đi tìm một điều gì mới la. Nếu tìm không được thì phải chết âm u trong bóng tối. Ngu Yên khẳng định “…nếu để tôi sống một cuộc sống bình thường, hàng ngày cơm ăn, áo mặc của một công chức thì tôi chịu thua, không thể nào làm như vậy. Thì đó là cái cá tính của tôi.”. Chính vậy, qua những tập thơ hay những nhạc phẩm của Ngu Yên, người ta thấy được rõ ràng bản chất tự phá của anh, ” tức là mình phá mình mà không phá ai cả”, như anh nói. Sự tự phá đó mang mục đích nhận định về những điều đã học hỏi trong nghệ thuật từ trước tới nay đã đúng chưa, đã hay chưa. Vì ” biết đâu có một cái hay khác, cái đúng khác mà người ta chưa được biết, cũng như chính cá nhân mình cũng chưa được biết”, như anh tuyên bố.
Ngu Yên
Con người có tên Ngu Yên luôn mang mục đích khai phá nghệ thuật qua sự nghịch ngợm và nô đùa tự nhận mình là người đến muộn trong cuộc đời, vì “tới giờ này mình muộn màng tiến vào trong giới anh em văn nghệ sĩ để người ta tìm hiểu mình, nhưng thôi, có còn hơn không, cũng vui!”. Số người hiểu anh, thông cảm được sự “tự phá” của anh không phải là ít, trong số có những tên tuổi đáng được tin cậy trong văn giới như Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Mộng Giác, Võ Phiến, vv…Gần đây còn có nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc và nhà báo Lê Văn Phúc đã dành cho anh những bài viết với nhiều cảm tình khi thông cảm với cái “ngu” của anh là người…
“…Đôi khi ra phố chơ
Gặp người nghèo, cho thơ
Họ trả lại
Thương người buồn, tặng thơ
Họ không lấy
Khen người đẹp, làm thơ
Họ không nhận
Trời bất công
Sao đã sinh thơ còn sinh tiền…”
Với tập thơ mới nhất “Thi Sĩ Và Tôi”, Ngu Yên đã đưa ra nhiều bài thơ có bản chất tìm tòi và khám phá để đưa ra tâm tình con người và những ý nghĩ về đời sống con người, hoàn toàn không theo lề lối cũ. Đối với anh, đó làø một trong những khám phá về thơ theo quan niệm”thơ hay theo tiêu chuẩn “giá trị cũ”thì dễ thấy. Thơ hay theo tiêu chuẩn “mới”, phải chờ đến khi nào tiêu chuẩn ấy trở thành “cũ”…Sự tìm tòi và khám phá của Ngu Yên đặt trên quan niệm của anh là trong thi ca có nhữngng vùng rất âm u mà nhân loại nói chung chưa tìm đến . Cho nên đó là ” những nơi chúng ta phải ráng đi vô mặc dù đường gai góc, đường có thể trợt chân, té hộc máu. Nhưng nếu anh đi được con đường đó thì có thể mang lại một chút gì để chia xẻ với những người đồng loại. Còn dĩ nhiên đi không được thì thôi, ráng chịu thôi vì đường chính, đường xa lộ anh không đi thì anh phải ráng chịu!”. Và Ngu Yên vẫn lầm lũi tiếp tục đi trên con đường khám phá gai góc đó sau khi đã dầy công nghiên cứu thơ cổ, thơ mới cũng như thơ ngoại quốc cùng với tất cả những lý thuyết về thi ca. Từ đó anh rút tỉa ra một điều như sau:” tất cả đều từ truyền thống mà ra. Chúng ta không thể tự nhiên, bất thình lình nhẩy ra đứng giữa đường bảo là tôi sinh ra từ tảng đá như là Tề Thiên Đại Thánh được. Chúng ta đều phải sinh ra từ cái truyền thống văn thơ nào đó, nhưng không có nghĩa truyền thống đó mãi mãi là truyền thống”. Anh nêu lời phát biểu của nhà văn Cao Hành Kiện mà anh rất đồng ý khi cho rằng” truyền thống là những tảng đá rất lớn mà người ta sử dụng những tảng đá đó để lót trên con đường mà đi, chứ không phải dùng những tảng đá đó để mang trên vai để mà đi!”. Do đó, Ngu Yên đã đưa ra quan niệm rõ ràng của mình trong việc sáng tác thơ và nhạc là dùng truyền thống để tạo dựng một truyền thống mới. Bất cứ một điều gì thoạt đầu là mới, nhưng với thời gian khi người ta đã quen và đồng ý về giá trị của điều đó thì từ từ sẽ trở thành truyền thống. Và lâu ngày nó cũng sẽ cũ đi như mọi truyền thống khác. Một cách rõ ràng hơn nữa, theo anh, bản chất của cuộc đời là thay đổi. Và nghệ thuật thuộc về cuộc đời, thuộc về con người. Cho nên khi con người thay đổi thì nghệ thuật phảiù thay đổi.
Ngu Yên tên thật là Nguyễn Hiền Tiên sinh năm 1952 tại Kim Châu, Bình Định. Anh ở Qui Nhơn đến khoảng 2 tuổi thì theo gia đình về Nha Trang, học tiểu học và đi tu dòng sư huynh được 4 năm sau khi học xong lớp nhất. Anh sinh trưởng trong một gia đình có 10 người con, nhưng có 2 người mất sớm. Mẹ anh qua đời từ khi anh còn rất nhỏ, bố anh tục huyền và có thêm 5 người con, trong số có một người mất sớm. Vốn liếng về âm nhạc anh có được đã nhờ rất nhiều nơi các sư huynh đã hướng dẫn anh về xướng âm và phân tích âm nhạc để có thể phát triển khả năng của mình về nhạc và thơ ngay từ khi còn theo bậc trung học.
Nhưng sau 4 năm, Ngu Yên đã “có một lúc nào đó, trong cuộc đời mình cảm thấy mình là một người nghệ sĩ hơn là một kẻ tu hành” nên đã giã từ dòng tu để rong ruổi trên con đường nghệ thuật. Nhất là sau khi đọc quyển Đôi Bạn Chân Tình của Hemann Hess, anh tự phát giác anh là người không có bản chất tu hành mà thực ra mang bản chất của một người nghệ sĩ. Anh nhận ra anh có một lòng đam mê Thiên Chúa mãnh liệt khi còn trẻ. Cho tới khi lớn lên, anh mới phát giát rằng lòng đam mê của mình chính là dành cho nghệ thuật chứ không phải cho cái đẹp của tôn giáo. Và anh dứt khoát giã từ cuộc đời tu hành để luôn dính dấp đến nghệ thuật cho tới bây giờ, khởi đầu với âm nhạc.
Vào khoảng đầu thập niên 70 cho đến khi rời Việt Nam, Ngu Yên theo học luật. một cách rất tài tử vì “một năm đã ở trên Đà Lạt hết bẩy tháng trời để hoạt động văn nghệ”, và chỉ trở về Sài Gòn trong 2 tháng để gấp rút học thi!
Tại sao gắn bó với Đà Lạt như vậy?: Ngu Yên cho biết, thứ nhất ” vì Đà Lạt đẹp nên hợp với những người có tâm hồn mơ mộng và vui chơi như mình! Thứ nhì là “người đẹp” của tôi ở đó”. “Người đẹp” Ngu Yên đề cập tới chính là người vợ tên Ngọc Phụng của anh hiện nay – quen biết từ khi chị còn học lớp đệ Ngũ trường Bùi thị Xuân, Đà Lạt – trong thời gian này đang theo học trường Chính Trị Kinh Doanh. Cuộc gặp gỡ để sau đó đưa đến hôn nhân, xẩy ra thật tình cờ. Một lần Ngu Yên cùng bạn bè rủ nhau đi một chuyến tầu chợ ở Nha Trang lên Đà Lạt,. Vì không quen biết ai nên cả đám xin ngủ nhờ ở ngoài một vựa chứa chuối. Trong đêm đó họ kéo nhau qua nhà một người mới quen để đàn hát. Cô con gái của gia đình người hàng xóm chính là Ngọc Phụng, cũng được mời qua hát. Ngu Yên “đâm lòng mến mộ ngay”, như lời anh nói, để làm quen và để rồi được định mệnh đưa đẩy nên duyên chồng vợ.
Tại Đà Lạt, Ngọc Phụng và Ngu Yênï cùng nhau sinh hoạt trong một nhóm văn nghệ sinh viên dưới tên Thụ Nhân và thỉnh thoảng cũng trở về Sài Gòn hát tại các chương trình do sinh viên tổ chức tại đại học Vạn hạnh hay Văn Khoa. Hoặc đôi khi trên đài phát thanh Đà Lạt hoặc sinh hoạt với các nhóm mang tính cách địa phương như Bình Định, Nha Trang, vv…Cũng trong khung cảnh thơ mộng của Đà Lạt cùng sự hiện diện của Ngọc Phụng, Ngu Yên đã sáng tác được nhiều nhạc phẩm, đặc biệt là Một Ngày Với Tình Nhân là nhạc phẩm hiện nay anh vẫn thường trình diễn chung với vợ trong các chương trình văn nghệ cũng như trước đó hát tại quán cà phê Lục Huyền Cầm của Lê Uyên Phương. Ngọc Phụng, mặc dù tâm hồn văn nghệ vẫn còn đó, nhưng “nhường cho mình chơi để lam lũ làm ăn”, như lời Ngu Yên nói. Vì “”nhà mà có cả hai người làm văn nghệ cả thì chỉ có chết!”
Ngu Yên qua Mỹ vào ngày 29 tháng 04 năm 75 cùng với vợ và các em. Nơi anh cư ngụ đầu tiên là thành phố Little Rock, tiểu bang Arkansas. Tại đây anh thường cùng một số thân hữu đứng ra tổ chức hội chợ Tết hàng năm cũng như dựng một số tuồng cải lương mà anh coi như một nền ca nhạc rất đặc biệt của Việt Nam. Ngoài ra anh còn thỉnh thoảng thủ diễn một số vai trong các vở tuồng này, trong số có “Dương Quí Phi”, “Tiếng Trống Sang Canh”, vv.…
Thời gian ở Little Rock – một thành phố buồn và lạnh như Đà Lạt với đồi núi chập chùng – là thời gian Ngu Yên sáng tác được nhiều, thơ cũng như nhạc. Nhà anh ở lưng chừng núi, phía sau là thung lũng có sương mù rất đẹp. Trong khung cảnh thơ mộng đó, Ngu Yên đã hoàn tất 2 tập thơ đầu tiên của mình: “Hóa Ra Nét Chữ Lên Đàng Quẩn Quanh” và “Tựa Đề Ở Bên Trong”. Nhưng cũng trong khung cảnh buồn man mác đó, Ngu Yên lâm vào tình trạng anh cho là tuyệt vọng sau khi bỏ ra nhiều thời gian để nghiệm về cuộc đời, về con người cũng như sự hiện hữu của chính mình. Với đầu óc của một thanh niên lúc đó mới bước vào lứa tuổi 30 cùng ít nhiều va chạm với cuộc sống, nên anh thường tỏ ra suy tư trước những sự kiện chung quanh. Nhiều khi anh tự hỏi tại sao trên đời những người xấu lại được người khác ủng hộ trong khi những người chân chính, những người tử tế thì bị ghét bỏ?
Còn nếu có Thượng Đế, tại sao những người gian ác cứ giầu hoài trong khi những người lương thiện lúc nào cũng nghèo đói, vất vả hoặc chết sớm để không thực hiện được những ý tưởng, hoài bão của mình. Nhìn quanh mình anh còn nhận thấy có những người bỏ công sức ra giúp cho đồng loại lại bị cuộc đời ruồng bỏ, trong khi những người ăn trên xương máu của nhân loại thì lại được kính nể. Từ đó Ngu Yên thất vọng với cuộc đời và thất vọng cả nơi Thượng Đế để tỏ ra nghi ngờ sự hiện diện của Thượng Đế, nghi ngờ những giá trị được cha ông dậy dỗ. Từ lý do đó, anh không còn cứu cánh nào khác ngoài văn thơ và nhạc, trong tình trạng luôn suy tư về cuộc đời để tự hỏi: “tại sao mình có mặt trên cuộc đời này, tại sao cứ ở đây hoài, mệt thấy mồ luôn!”, Nói tóm lại, Ngu Yên “sống cũng mừng, mà chết cũng mừng”…
“Đôi lúc muốn mình chết phứt cho yên
Đôi lúc muốn sống lâu mưu đồ ảo ảnh
Đôi lúc quanh co hỏi mình muốn gì
Đôi lúc chán
Thấy mình thừa thãi
Đôi lúc yêu đời
Thấy mình xứng đáng ở đây…”
Vào tháng 06 năm 1993, gia đình Ngu Yên dời về Houston sau khi có với nhau 3 con gái. Hiện nay người con lớn đã ra trường về ngành Marketing, người thứ hai bắt đầu theo học y khoa và cô con út đang ở bậc trung học.
Từ cuối năm 95 tại Houston, Ngu Yên đã bắt đầu tổ chức những buổi ra mắt sách, CD, vv…Cho đến năm 96, anh tổ chức buổi trình diễn nhạc có tầm vóc lớn lần đầu tiên, sau khi đã thực hiện những buổi nhạc thính hòng bỏ túi tại những quán cà phê tại thành phố này. Đến năm 98, Ngu Yên đứng ra thành lập nhóm Viet Art Productions – với sự cộng tác của Nguyễn Cương – gồm một số anh chị em yêu nghệ thuật nhưng không nhắm nhiều vào vấn đề thương mại, với chủ trương “không để làm giầu, không phải để nổi danh nhưng chỉ để thỏa mãn sự ham vui làm đầu để cùng chia sẻ với đồng bào ở Houston cùng nhau vui chơi “. Hoạt động của Viet Art khởi đầu với chương trình nhạc thính phòng Màu Thời Gian với Lê Uyên Phương, Nga My-Trần Lãng Minh thu hút được trên 600 khán giả, khởi đầu cho những sự thành công sau này. Từ đó đến nay Viet Art đã tổ chức trên 20 buổi trình diễn nhạc lớn như đại hội chợ Tết năm 2003 vừa qua – được sự hợp tác của nhóm Thế Hệ và Mạng Lưới Tuổi Trẻ – với trên 10 ngàn người tham dự . Gần đây hơn cả, 2500 khán giả đã đến với chương trình thính phòng với chủ đề ” Tình Anh Lính Chiến ” nhân ngày quân lực vào tháng 06 vừa qua.
Cũng từ giữa năm 2003, Ngu Yên quyết định bán cơ sở thương mại theo đuổi từ nhiều năm qua để “rút về sống cuộc đời an nhàn để sáng tác, nếu không thì sáng tác không nổi, vì có nhiều projects đang làm nửa chứng, nhất là về những sách dịch, sách viết và sáng tác nhạc, thơ, vv…Làm một mình không có đủ thì giờ, mặc dù ngày nào cũng thức đến 2, 3 giờ sáng, nhất là vào weekend còn thức khuya hơn, khi sức khỏe không còn như lúc trẻ “
Với quyết định như vậy, có thể coi là Ngu Yên bắt đầu bước vào một giai đoạn mới với một sự dấn thân hơn vào lãnh vực thi ca và âm nhạc khi không còn vướng bận với công việc làm ăn, để “mình có thời giờ đi đây đi đó, giang hồ đầu đường xó chợ , nhìn ngắm cảnh đời thì mình sáng tác mới thấm thía được”
Trước khi đi tới một khúc quanh khác, Ngu Yên đã từng nghịch ngợm qua 6 tập thơ của mình: Hóa Ra Nét Chữ Lên Đàng Quẩn Quanh ( tập đầu tiên năm 1985 ), Tựa Đề Ở Bên Trong (1987 ), Hỡi Ơi ( 1990 ), Tình và Hãy Cho Ta Sống Giùm Đời Nhau ( tập Thơ đôi, 1995 ). Mới nhất là tập Thơ thứ 6 “Thi Sĩ Và Tôi”, xuất bản năm 2002.
Qua 6 tập thơ đó, Ngu Yên đưa ra nhận xét của mình về phản ứng nơi người đọc là “người nào thích thơ tôi sẽ yêu thơ tôi rất đằm thắm, rất nồng nàn. Nhưng người nào không thích thì phải nói rằng là ghét. Phải dùng chữ ghét mới đúng!. “. Trước những yêu hay ghét, Ngu Yên đón nhận cả hai, không có buồn phiền, “vì ngay từ đầu mình đã chọn cái thái độ là đi một con đường mòn tuy rằng có đường xa lộ, có đường máy bay. Thích băng vào rừng đi một mình thì phải chịu thôi. “. Với Ngu Yên, “làm thơ cũng như đánh bạc, hút bạch phiến. Ngập rồi, nó vận vào người, chia phối ý nghĩ, xây đắp nhân sinh quan, cư ngụ trong tâm tư, khiến cả đời đi vào một hướng khác. Càng đi càng xa cái hướng đồng loại cùng đi. Và sẽ có lúc hoặc người bỏ mình, hoặc mình bỏ người. Cùng cựa, tất mình phải bỏ mình…”. Nhưng hiện tại, Ngu Yên chưa phải bỏ mình, mà còn dấn thân thêm vào con đường anh đã chọn, để…
“… chẳng có gì để sợ
Ngoài trừ mất em
Họ đuổi không cho làm bác sĩ
Anh xin việc thi sĩ
Nghe nói
Làm thơ khỏi đóng thuế…”
Tuy vậy, anh vẫn còn một điều thắc mắc nên…
“Có những đêm thức khuya buồn thảm
Tôi và thơ trằn trọc thở dài
Cả hai đều không hiểu
thế nào là thơ hay”
Ngu Yên: Người nô đùa trong nhạc
Trong thơ, con người nghịch ngợm mang tên Ngu Yên đã gây ra những phản ứng đối chọi trước sự “tự phá” của mình trong việc đi tìm một truyền thống mới, trên một con đường anh cho là gay go, nhiều thử thách. Trong nhạc, anh được coi như người thích nô đùa, giỡn cợt với âm thanh. Với Ngu Yên, một người tự đặt cho mình cái tên… “Quá Ngu”, nhưng không chịu ngồi yên để nhất định vẫy vùng với những điều mới lạ. Với âm nhạc, anh tự hỏi tại sao đến bây giờ cứ phải dựa theo thang âm 7 “notes” của Tây Phương hoặc 5 “notes” ( ngũ cung ) của một số nước Á Đông? Tại sao cứ phải gò bó trong căn bản như vậy để không đi đến với những thang âm 8, 12 “notes”,vv…hoặc đưa những âm thanh của sấm sét, gió bão và rất nhiều loại âm thanh khác vào âm nhạc để chỉ giới hạn trong âm thanh của âm nhạc hiện nay, tuy rộng lớn nhưng xét ra trong trời đất còn quá nhỏ hẹp. Mang một hoài bão như vâïy trong đầu,. Ngu Yên từ những ngày gần đây đã đến với âm nhạc một cách tích cực hơn trong mục đích khai phá những điều mới lạ trong âm thanh, được thể hiện qua CD “Bóng Nắng Khuya”, phát hành trong năm 2002.
Người soạn hòa âm cho CD này là Lý Giai Niên, một người còn trẻ có tài năng và óc sáng tạo, thích đi tìm những gì mới lạ, hợp với quan điểm của Ngu Yên và em anh, Nguyễn Thảo là người trình bày tất cả những ca khúc trong CD này với một giọng hát và một cách trình bày đặc biệt không theo một lề lối bình thường. Còn riêng Ngu Yên , theo anh cho biết, những lời ca đã được viết bằng tất cả tấm lòng trong khi nhạc được viết theo cách…bất tuân qui tắc,”tuy nhiên chưa dám đi xa lắm”trong việc ” dùng ngôn ngữ của âm nhạc ẩn tàng sau ngôn ngữ của ca hát”. Anh cho đây là một sự thí nghiệm của 3 anh em. Thành công hay thất bại không quan trọng bằng sự thích thú vì đã làm được theo ý muốn mình, tuy biết rằng sự thưởng thức của những người khác còn rất là hạn hẹp vì “nhạc của mình đôi lúc khó nuốt lắm!, như Ngu Yên công nhận. Tuy vậy buổi ra mắt CD “Bóng Nắng Khuya” đã thu hút được một số lượng đông đảo. Điều đó đã chứng minh cho sự thành công của Ngu Yên, ít ra trên một mặt nào.
Thật sự, Ngu Yên đã chập chững đến với âm nhạc từ khi còn là một cậu học sinh trung học, sau khi đã được hướng dẫn về âm nhạc trong thời gian 4 năm đi tu để trở thành một sư huynh. Kết quả, anh không khoác lên mình chiếc áo dòng đen, nhưng lại khoác trên người một bộ quần áo bụi đời với mái tóc dài cùng râu ria lởm chởm để đi giang hồ đây đó, cũng như để giang hồ trong thi ca và âm nhạc. Ngu Yên từng xác nhận:” tôi có mộng giang hồ từ nhỏ. Tôi hay leo lên những chuyến tầu chợ để đi đó đây. Hồi đó tầu chợ dễ đi lắm, nó chạy rất chậm cho nên cứ nhẩy lên, nằm trên đó, tới chỗ nào thích thì leo xuống. Còn nếu không thì nằm một hồi, nó lại trở về quê quán cũ “.
Là một “kẻ giang hồ trong nhạc và thơ” nên Ngu Yên thích quen và giao du với những người bạn mới. Bởi vậy anh đã có dịp quen biết rất nhiều người có phong thái khác nhau để nghiên cứu về sáng tác của những người anh gọi là “kỳ nhân”. Mỗi người có những nét sáng tác đặc biệt mà anh dùng để bổ sung cho cá tính của mình.
Nhưng sáng tác đầu tay của Ngu Yên lại là một vở nhạc kịch mang một nội dung rất phổ thông, “nếu không muốn nói là cải lương”, như lời anh nói với tựa đề cũng…cải lương không kém:”Chia Tay Mùa Hoa Phượng”! Với một căn bản khá về nhạc lý, tại hải ngoại vào năm 1997, Ngu Yên dựng một nhạc kịch khác, theo tác phẩm “Bên Kia Sông Đuống” của Hoàng Cầm và tạo được nhiều tiếng vang tại Houston. Trong dịp này anh đã mời ái nữ của Hoàng Cầm là Kiều Loan hợp diễn cùng Mai Hương, Thái Hiền và người em út của anh là Nguyễn Thảo. Trong khi đó, giáo sư Vĩnh Lạc – một trong những tay piano tài ba của Việt Nam – đảm trách phần soạn nhạc, soạn hòa âm và phần hát bè cho vở nhạc kịch.
Sau này, khi chú tâm nhiều hơn vào sự “tự phá” trong âm nhạc của mình, Ngu Yên đã sáng tác một số nhạc phẩm, theo anh kể là ” có nhiều người nói sao anh làm cái nhạc gì mà nghe nhức đầu, hồi hộp và lắt léo quá vậy?”. Cho đến nay, những nhạc phẩm đó chưa có dịp nào ra mắt khán thính giả vì ” chỉ mới có người quen mình nghe mà đã tá hỏa tam tinh rôi thì làm sao người lạ có thể nghe được!”. Tuy nhiên Ngu Yên cho rằng trên thực tế còn quá sớm để nói về kết quả nơi sự nô đùa với âm thanh của anh, nhưng “lúc nào trong tâm nguyện của tôi cũng suy tư để tìm một cái căn bản khác, tìm một đường lối khác”
Con đường Ngu Yên theo đuổi quả thật khó khăn khi đại đa số quần chúng chỉ thích nghe những gì đã trở thành quen thuộc. Anh đưa ra một thí dụ: làm một bài thơ gần giống như Nguyễn Du thì dễ được người ta khen hơn là làm một bài thơ hoàn toàn khác hẳn với lối thơ của tác giả truyện Kiều. Thành ra ” nếu anh đi một con đường lạ thì người thưởng thức rất ít . Phải nói rằng khi chọn một con đường quá lạ thì nhiều khi chỉ còn một mình anh , và chỉ một mình anh biết anh làm cái gì.! Còn những người khác người ta sẽ cho rằng tên này chắc khờ, chắc điên hoặc không biết gì về âm nhạc”, như anh tâm sự. Thậm chí đã có một số bạn khuyên anh đi học nhạc lại, khi được anh cho nghe những nhạc phẩm họ cho là “kỳ quái” này. Nhận xét về nhạc Ngu Yên, Tuấn Ngọc cho là một loại nhạc “khó nuốt”, trong khi Ngô Thụy Miên lại tỏ ra rất thích thú trước những sắc thái mới lạ của dòng nhạc này.
Sở dĩ bị coi là “kỳ quái” và “khó nuốt” vì Ngu Yên đã hoàn thành một số nhạc phẩm mà không dựa trên qui tắc của thang âm, tức những hợp âm sẵn có vì muốn chọn những hợp âm hoàn toàn khác hẳn hoặc có khi nghịch đảo với những gì sẵn có. Thật ra anh cho rằng việc làm này không mới lạ gì đối với những bậc sư, nhưng trong nhạc trường Việt Nam nó trở thành lập dị. Theo anh, lý do đó đến từ tình trạng thường người Việt không ai muốn làm việc này hoặc không ai muốn tìm tòi những chuyện đó. Ngu Yên còn cho biết thêm thậm chí anh muốn đưa ra một loại nhạc có bản chất mỗi lần được hát phải khác nhau !. Như “cũng một bài nhạc khi mình vui, mình hát khác, khi mình buồn mình hát khác hoặc khi thất tình lại hát khác, hay khi được bình yên mình sẽ hát khác. Và bài nhạc đó phải cho phép người ca sĩ hát lên những cái điệu, những cái tiết tấu, những điều khác nhau, để diễn tả tâm trạng của mình.”
Ngu Yên hiện vẫn tiếp tục tìm tòi để đi tới một quan niệm khác về âm nhạc. Đối với bất cứ ai, nhất là đối với một người có tâm hồn nghệ sĩ như Ngu Yên, cũng có những ước mơ riêng của mình. Nhưng ước mơ là điều chưa chắc đã thực hiện được. Ngu Yên rất hiểu điều đó, nhưng anh đua ra một chủ trương như người Mỹ thường nói:” Người hèn nhát không bao giờ bắt đầu được, người yếu không bao giờ đi đến nơi được., chỉ có những người gan dạ và những người khỏe mạnh mới đi đến được California” Câu đó khiến anh suy nghĩ nhiều về những miền xa lạ trong âm nhạc. Muốn đặt chân lên được những vùng xa lạ đó, cần phải có sự can đảm, sức khỏe, thời giờ và sự hy sinh. Và nếu “đi không được nửa đường mà chết thì ráng chịu, bởi vậy phải biết chấp nhận con đường đi của mình. Còn nếu đi được tới nơi, anh cbỉ thỏa mãn được điều anh nghĩ trước đó rằng ở California có vàng, có nước, có trời mây, có khí hậu tốt nên anh tới thử cho biết. Nhưng khi tới nơi nếu không phải như vậy thì cũng ráng chịu thôi” . Ngu Yên chấp nhận tất cả, vì anh cho đó là sự “diễn tiến của đời sống con người, chứ không phải mong được thành danh hoặc trở thành đại nhạc sư. Điều đó tôi không bao giờ nghĩ tới “.
Đến nay Ngu Yên nhận là đã theo đuổi được phần nào diễn tiến đó, nhưng chưa có dịp đưa ra trước mọi người. Vì muốn thực hiện được điều đó, cần có tiền và thời gian để luyện tập cho một số ca sĩ mới, không phải là nhữg ca sĩ “bây giờ”. Hoặc nếu với những ca sĩ bây giờ, anh phải bỏ ra một nguồn tài chánh lớn để họ nhận tập những nhạc phẩm hoặc điệu hát “rắc rối nhức đầu” của mình. Hơn nữa, Ngu Yên thừa biết, những ca sĩ đã thành danh khó có thể dành thì giờ cho chuyện đó. Trừ một người. Đó là Julie, người nhận là giọng ca mình thích hợp với dòng nhạc của Ngu Yên cũng như rất ủng hộ con đường đi mới mẻ của anh để đã đưa tiếng hát của mình vào một CD gồm những ca khúc của Ngu Yên mang tên “Mong Manh Tiếng Cười Chạm Thiên Thu”. Cậu em Nguyễn Thảo của anh mà giọng ca đã có lần cất lên trong chương trình “Paris By Night” cũng là người rất thích thú trước những gì Ngu Yên đã và đang làm để quyết định lấy 10 ca khúc của anh để trình bày trong CD “Bóng Nắng Khuya” thay vì những nhạc phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng như dự định. Cũng chính giọng hát này sẽ trình bày một số ca khúc của Ngu Yên trong một CD khác mang tựa đề “Đợi Chờ Không Biết Đợi Chờ Ai”, sắp được tung ra một ngày không xa. Ngoài ra Nguyễn Thảo đã cùng với Julie trình bày một số nhạc phẩm của Ngu Yên trong buổi “Chiều Tan Trong Nhạc Jazz”, tổ chức tại San Jose vào ngày 12 thang 07 vừa qua. Như tên gọi của nó, buổi nhạc thính phòng này nghiêng nặng về loại nhạc Jazz, loại nhạc đối với giới thưởng thức nhạc người Việt vẫn được coi là hạn chế, tuy nhiên “Chiều Tan Trong Nhạc Jazz” đã được những người tham dự tỏ ra say mê trước những âm thanh mới lạ để tỏ ra khuyến khích việc làm của anh.. Tuy nhiên tất cả những gì của Ngu Yên được phô bầy cho người nghe chỉ là một phần nhỏ trong số hàng trăm nhạc phẩm được anh “kính cẩn cất vào trong các ngăn kéo, cũng như với thơ mà “mỗi khi làm được thơ hay, tôi lặng lẽ cất vào phù phiếm”.
Từ những ngăn kéo đó, thỉnh thoảng Ngu Yên lôi những sáng tác của mình ra hát một mình để nghe lại những âm thanh và nghiền ngẫm những suy tư về âm nhạc vì không có cách nào mang ra trước quần chúng. Anh chỉ hy vọng ” có thể sau khi mình qua đời , xa lánh cõi trần gian này rồi thì biết đâu đi sau mình có người họ cũng thấy được con đường giống mình, họ thích con đường như mình thì họ tiếp tục thôi”, như anh nói với nhiều tin tưởng. Về vấn đề khiến khán thính giả làm quen với những gì mình thực hiện, Ngu Yên công nhận là một yếu tố quan trọng. Theo anh, người làm nghệ thuật có thành công hay không trong xã hội có 2 mặt để nhìn. “Nếu nhìn trên khía cạnh của một người có liên hệ với xã hội nhân loại thì người thưởng ngoạn rất cần thiết. Nếu không có người thưởng ngoạn thì dù có viết, có làm cái gì chăng nữa cũng phải bỏ vào sọt rác “. Nhưng theo Ngu Yên, nếu nhìn từ một quan điểm của một cá nhân thì anh cho rằng sự quan trọng của một tác phẩm tùy thuộc vào cách làm việc và và sự diễn tiến của đời sống. Sự kiện đó đã được thể hiện qua những sáng tác của Ngu Yên, như một số được hòa âm theo thể loại Jazz là loại nhạc đã được biến thể nhiều sau thập niên 80, hoặc nhạc Flamenco hay Phi Châu khá mới lạ với người Việt, đôi lúc khó nghe trong những đoạn được sử dụng đàn điện tạo thành những câu kết chói tai. Ngay như người bạn đời của anh là Ngọc Phụng cũng đã đưa ra nhận xét về một số bài của anh là “làm nhạc như thế này thì ai hát cho nổi! ” . Nhưng với Ngu Yên, anh quan niệm là nếu đã có “note” nhạc và mình hát được, tất nhiên phải có người hát được, chẳng qua là hiếm hoi. Hơn nữa anh còn cho đó là cách ” để làm thức tỉnh con người, thức tỉnh sự bình lặng của cuộc đời”. Theo anh, trong cuộc sống hiện nay, mọi người sống rất vội vàng, hàng ngày chạy đua theo đồng hồ với những rắc rối của cuộc đời. Không ai đoán được trong một tiếng đồng hồ tới sẽ có chuyện gì xẩy ra. Cho nên âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung cũng bắt đầu thể hiện sự dồn dập, sự căng thẳng, những sự bất biến, những tai nạn xẩy ra. Điển hình là một số ca khúc trong CD “Bóng Nắng Khuya”, đặc biệt là nhạc phẩm Cười Đáp Trả Thanh Xuân, phổ từ thơ của Lê thị Huệ. Đây là một nhạc phẩm được viết với kỹ thuật nhạc kịch tuy rằng quá ngắn để nói lên một triết lý là trong sự bình yên hàng ngày của chúng ta tàng ẩn những bất an, bất ổn sắp sửa xẩy ra.
Qua bài viết dành cho Ngu Yên, một kẻ giang hồ trong nhạc và thơ, quan niệm sáng tác của anh đã được đề cập đến một cách rõ rệt. Quan niệm này nói lên được sự thích thú đi tìm những cái hay, cái lạ để đưa vào hai lãnh vực nghệ thuật này. Con đường Ngu Yên theo đuổi để tạo thành một truyền thống mới quả thật khó khăn khi phải đương đầu với những gì đã trở nên quen thuộc với người thưởng thức, đã bám rễ trong đời sống trí thức của con người từ rất lâu. Nhưng Ngu Yên vẫn tin tưởng nơi việc làm của mình, vẫn tin tưởng sẽ gặp được những người có đầu óc sáng tạo cũng như nhận biết được một triết lý trong âm nhạc và thi ca. Và hình như sự tin tưởng của một người nghịch ngợm trong thơ và nô đùa trong nhạc đang có dịp thành hình sau khi anh dấn thân một cách tích cực hơn nữa một khi bước vào một giai đoạn mới để có thể dành nhiều thời gian hơn trong việc sáng tác của mình.
Một số trao đổi sau đây sẽ giúp những ai muốn tìm hiểu thêm về Ngu Yên, về quan niệm trong nghệ thuật của anh…
· Anh quan niệm ra sao về vấn đề triết lý trong nghệ thuật?
– Bất cứ nghệ thuật nào đi đến một mức độ nào đó cũng phải có một sự support của triết lý. Bởi vì cuộc đời này nói cho cùng là nếu nghệ thuật không có giá trị thì tại sao lúc nào nhân loại cũng có sự hiện diện của nghệ thuật dù rằng bình thường trong đời sống không ai coi ngheb thuật ra cái quái gì!. Nhưng chắc chắn nếu không có nghệ thuật thì con người không thể có được như ngày nay. Thành ra triết lý sâu xa của nghệ thuật rất cần thiết để phổ biến cho mọi người.
· Quan niệm của anh về sáng tác…
– Thí dụ anh là một người đi câu cá. Nếu anh câu được con cá thì người ta sẽ khen ngợi:”ồ anh câu được cn cá lớn quá, anh này câu giỏi quá!”. Nhưng dầu anh là một người giỏi nhưng hôm đó anh không câu được con cá lớn mà chỉ câu được cá nhỏ thì anh chỉ được coi là thuộc loạim giỏi trung bình. Còn ngược lại, nếu anh không câu được con cá nào thì dù anh rất giỏi về câu cá thì anh cũng bị coi là không có tài năng gì cả đối với quần chúng bên ngoài. Nhưng đối với người câu cá thì thật ra con cá lớn, con cá nhỏ không phải là quan trọng. Cái quan trọng là anh có sử dụng cần câu đúng bằng cây trúc, cây tre mà anh ngâm nước, ngâm trời, ngâm mưa, ngâm nắng để cho nó dai; sợi cước anh tung ra có đúng không? Cái miếng mồi anh sài có đúng không. Còn vấn đề anh có câu được con cá nào không thì cái chuyện đó là chuyện của trời đất. Còn chuyện sửa soạn để đi câu cá đối với người sáng tác rất là quan trọng. Cho nên đứng trên cá nhân của tôi thì chuyện tôi sửa soạn cần câu, giây cước, mồi để đi câu thì chuyện đó nó quan trọng hơn là tôi câu được con cá. .Đó là sự chọn lựa của mình ngay từ đầu rồi.
· Kết quả của sự “câu cá” với anh như thế nào?
– Bây giờ mình câu được cái gì, làm được cái gì mình sẽ để lại cho những người thưởng thức. Và đúng, nếu người ta bảo rằng cái thằng đó cả một đời nó viết lách này kia, nó chỉ nói dóc thôi chứ cuối cùng nó đâu có làm được cái gì thì mình phải chịu thôi. Bởi vì đó là cái luật của trời đất, luật của nhân loại. !
Nhưng mà riêng về mặt âm nhạc mình không có dịp để trình bày cho nhiều người nghe. Phải nói như thế này: một trăm người thì có lẽ mình chỉ được một người nghe xong thì thích, bảo rằng cậu nên chọn con đường này. Đã đi thì ráng đi cho trót. Còn một người nữa thì bảo rằng là tôi rất thích, nhưng tôi nghĩlà cậu sẽ thất bại. Có lẽ 99 người kia thì bảo rằng; ông ơi, tôi thấy ông làm những bản nhạc bình thường thì tôi nghe tôi rất thích. Còn những bản nhạc này, ông ơi làm sao tôi nghe nổi, vừa đau tim, vừa nhức đầu như vầy? . Thật ra là mình có làm thử một số bài và được một số người rất yêu mến, nhưng trong thâm tâm mình, mình lại không yêu mến những bài đó. Bởi mình thấy nó cũng là cái chuyện mà nhiều người làm rồi đó! Thì mình cũng chỉ là một trong những người làm chuyện đó mà thực ra mình không mang được cái gì tới cho cái dòng âm nhạc cả. Với lại ngay cách suy tư của mình nó không đúng như là điều mình yêu mến, thành thử ra mình cũng không thích lằm. Tuy nhiên mình cũng phải có một vài bài để coi như là lót đường cho thính giả nghe cho nó lọt lỗ tai. Nhưng còn những bài kia thì cho tới giờ này, mà ngay cả chính anh cũng chưa được nghe mà ít có người được nghe lắm. Vì khi anh nghe xong, anh cảm thấy rất là nhức đầu!
· Anh nhận xét thế nào về vai trò một người làm nghệ thuật trong xã hội hiện nay?
– Tiếc thay trong đời sống cơm áo này mọi người coi trọng 100 đô la hơn một bản nhạc tình. Người ta coi trọng một cái job kỹ sư, coi trọng một ông kỹ sư hơn là một anh nhạc sĩ!. Do đó theo tôi, đó là một điều đáng tiếc cho nhân loại chứ không phải riêng cho người Việt Nam mình… Platon bảo rằng chúng ta hãy cho thi sĩ một vòng hoa rồi đuổi hắn ra khỏi thành phố là một quan niệm rất là sai lầm. Bởi vì từ khi thi sĩ ra khỏi thành phố rồi thì thành phố đó rất là héo hon, những người còn lại chỉ là những người công chức già, tâm hồn rất khô khan và sống với nhau bằng một tâm hồn khô khan thì không có gì vui. Làm sao anh có những bữa nhậu thâu đêm, làm sao anh có được một buổi ngồi hát Karaoke, làm sao anh có được một bữa trời mưa đi dưới trời mưa phơn phớt mà được nghe bài “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ.” Thành thử ra đối với một người nghệ sĩ, triết lý của nghệ thuật rất cần phải tồn tại và cần được phổ biến trong đời sống… Nhưng tiếc là mình không có đủ khả năng và không có đủ tầm lực để làm được những công việc đó.
TRƯỜNG KỲ