Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Lưng rồng – vẫn những ẩn dụ xót xa – Tru Sa

Tru Sa

Lưng rồng - vẫn những ẩn dụ xót xa

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/lung-rong-van-nhung-an-du-xot-xa-16051.html

Nổi danh từ tập truyện ngắn Bóng đè (NXB Đà Nẵng – 2005), Đỗ Hoàng Diệu trở thành mục tiêu săn đón của đủ loại độc giả cũng như búa rìu phê bình bởi dám lật tung thứ lịch sử vốn đã được mặc định. Vô vết tích nhiều năm, đến 2016 Đỗ Hoàng Diệu xuất hiện trở lại với cuốn tiểu thuyết Lam Vỹ, và bây giờ, Diệu một lần nữa tái ngộ sới văn chương bằng tập truyện ngắn Lưng rồng (NXB Hội Nhà Văn, Nhã Nam phát hành 2018).

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu. Ảnh Hồng Vĩnh

Nhưng những độc giả đang chờ đón một cú huých ngoạn mục, ắt sẽ thất vọng. Những bộ óc tò mò, ngơ ngáo luôn rình rập yếu tố nhạy cảm để được xưng tên bằng một trận bút chiến tào lao sẽ càng thất vọng. Dưới cái tên Lưng rồng là dòng minh định “Bóng đè và những truyện mới”. Cuốn truyện trên tay tôi chỉ là sự tái hợp của Bóng đè năm xưa đã được bổ sung, sửa chữa hoàn hảo hơn. Ba truyện mới trong sách: Lưng rồng, Lửa đạo và Mộng du là thể nghiệm mới của Đỗ Hoàng Diệu.

Sẽ là thừa nếu tôi bàn lại những sáng tác chủ chốt của Đỗ Hoàng Diệu như Bóng đè, Vu quy, Dòng sông hủi… bởi chúng đã quá quen thuộc trong trí nhớ của những người quan tâm đến văn học Việt Nam; mặt khác, chỉ bằng một cú click chuột, ai cũng có thể tìm thấy hàng dãy số những bài viết về Đỗ Hoàng Diệu, cả khen, chê, tán thưởng, trù dập, chỉ trích…

Nhưng ở vị trí người đọc, tôi muốn lạm bàn thêm những điều đã là quá khứ. Sáng tác ở Đỗ Hoàng Diệu không chú trọng cách tân nhưng vẫn mới. Nhục dục thuộc về bản năng nguyên thủy của loài người, vừa là cái đẹp vừa là sự tối đen của linh hồn. Đỗ Hoàng Diệu viết bằng bản năng săn mồi, nhưng đủ lý trí để con thú không nuốt chửng mình. Cô dùng nhục cảm để chất vấn quá khứ, dù là cô gái bị liệt tổ liệt tông nhà chồng cưỡng đoạt, người thiếu nữ không thể tự chọn cho mình một ngày vu quy xứng đáng hay những thân thể bị làm mồi cho chuột, trọc lốc trong nỗi buồn tuyệt vọng… Tất cả đều là sự cật vấn lại thứ quyền uy gia trưởng có từ ngàn năm. Trong Lưng rồng, lại là một truy vấn khác về quá khứ. Một cô gái điếm, hậu duệ của Thúy Kiều muốn xăm trên mình con rồng Việt và vỡ mộng, chết dần mòn trong bàn tay gã thợ xăm Tàu lai.

Tru Sa

Lưng rồng mở đầu bằng một đoản viết thơ mộng đến mức ám màu: “… Đã sang xuân, cây bàng vẫn mùa đông trụi lá. Vài cô mèo già uể oải đi về giữa các gian nhà chật hẹp, trong tự do bóng tối, trước lúc con người thức dậy buôn bán ánh bình minh. Thứ bình minh của rạng đông xám trên thành phố chưa tan thuốc súng”. Nhân vật mơ màng trong phố lạnh, rồi rất đột ngột: “Chân tôi dằn từng bước chắc nịch trên mặt đường lồi lõm. Tôi quyết tâm như người lính bình tĩnh ấn cò súng mắt thấy đích hòa bình. Con ngõ tối và ẩm hơn ngoài phố. Cảm giác chỉ cần nhô vai ra một chút là đụng vào rêu văn hiến, nghiêng đầu sang bên là tóc dính keo lịch sử… Gỗ ơi, tôi chỉ là ả vô danh, ả lầm lạc đang bặm môi tìm lòng dũng cảm trong chiếc vỏ đức tin”. Từ vị trí một nàng thơ đang chơi đùa trên phố lạnh, cô gái như bị tống vào căn buồng tối đen ẩm mốc, một căn nhà hoang khóa kín, một từ đường bỏ hoang. 

Con đường cô gái trở thành ngõ cụt ngay lúc vừa đặt chân ra ngoài, bởi địa điểm xăm mình là một căn gác chật chội, cầu thang cót két. Lẽ thường, khách hàng có quyền đòi hỏi, làm chủ trong mọi cuộc mua bán nhưng cô gái dường như đã quên mất vị trí của mình, hoặc đã bị người thợ xăm bỏ bùa, từ vị trí thượng khách cô trở thành nô lệ, còn người thợ xăm từ vị trí chủ nhà đã trở thành chủ nhân. Tôi ngờ rằng người thợ xăm hiện diện như một thầy mo điêu luyện phép phù thủy, vậy nên con rồng vờn mây đời Lý, trở thành hắc long. Hình xăm nuốt hết thân thể, thôn tính những địa danh Bắc-Trung-Nam trong đầu cô, để rồi “Mỗi mũi kim là một giọt máu. Mỗi mũi kim là một ước muốn, dâng tràn cho đến khi máu đầy chậu”.

Nhưng bi kịch cái chết của rồng không hoàn toàn ở việc chọn sai người xăm. Trong quá trình xăm, cô gái đã chấp thuận việc có một người con trai, học trò ông thầy nằm dưới để ôm víu như một liệu pháp giảm đau. Cô gái mê mẩn trong thân xác người con trai lạ, còn lưng trần phó mặc cho một người lạ uy quyền hơn. Nhục thú lấp dần lòng ái quốc, cô gái đã không thể vượt qua cơn đau thể xác. Trong quá khứ, Mỵ Châu đã bội phản Âu Lạc trong bàn tay Trọng Thủy, ngàn năm sau, lại một Mỵ Châu ngã lòng và chết đời trên một niềm tin sụp đổ.

Lửa đạo và Mộng du có vị trí đặc biệt trong tập truyện Lưng rồng, hai truyện này có thể tách rời và đứng riêng với nhau trong một ý nghĩa nằm trong và ngoài chủ đề về vết thương quá khứ, điều đã là tôn chỉ viết của Đỗ Hoàng Diệu. Lửa đạo viết về một cô gái bị người tình ruồng bỏ, có mang và muốn phá thai, tìm đến cửa chùa, nhà thờ để sám hối. Người đàn ông, tình nhân của cô gái hành nghề tư pháp, cầm dùi cui “kiểm soát ký ức con người”. Trong Dòng sông hủi cũng một người đàn ông với nghề nghiệp kỳ quặc: kiểm tra trí nhớ con người. Hai nhân vật này có thể là một hoặc là phiên bản nối tiếp nhau, người đàn ông trong Lửa đạo nhiều quyền lực hơn người đàn ông của Dòng sông hủi.

Bẵng đi gần chục năm, Đỗ Hoàng Diệu quan tâm thêm nhiều chủ đề khác, cụ thể ở hai truyện Lửa đạo và Mộng du, yếu tố tôn giáo được đề cập trong việc con người có thể lựa chọn cho mình một hình thức cứu rỗi. Cô gái trong Lửa đạo dù vào chùa, đến nhà thờ nhưng không cách nào thanh tẩy được sự bủa vây của bóng tối, nàng luôn nhìn thấy, chuyện trò với một thần chết luôn tự nhận quyền uy hơn Chúa. Thần chết, hiện diện để thay thế người đàn ông với biệt tài kiểm soát ký ức, hay đây là sự dẫn dụ của loài ác ma thứ thiệt, cám dỗ người đàn bà dâng con mình vào mâm ăn địa ngục… Đứa con cuối cùng cũng qua đời nhưng không có sự tự hủy từ người mẹ. Cô gái đã chết cùng đứa con, cái chết chia lìa mẫu tử, trong hình dáng một cây thánh giá. Lựa chọn này đúng hay sai, không ai biết.

Mộng du là một chuyện tình buồn. Một cô gái giấu mình trong nụ cười Mona Lisa trước khi chết. Sở trường của Đỗ Hoàng Diệu là không ràng buộc vào thủ thuật viết tuyến tính, tuân theo một cốt truyện có sẵn. Bố cục và cấu trúc truyện gắn kết trong sự hủy bỏ các luật lệ. Những con chữ tưởng như ma quái, điên loạn nhưng là sự chọn lựa phù hợp trong một phong cách riêng. Mộng du, theo cách đọc của tôi, là một truyện không có nghĩa, vấn đề chuyển tải trong đó chỉ là nỗi buồn, sầu bi, gần với một bài thơ tan nát cõi lòng hơn là một bản thảo được dày công sắp xếp, tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Từ Bóng đè, Dòng sông hủi, Những sợi tóc màu tang lễ, đến Vu quy, rồi tiểu thuyết Lam Vỹ, và bây giờ là Lưng rồng, Đỗ Hoàng Diệu đã khép lại sự nghiệp một thời của mình trong quá khứ để mở ra một chu trình mới. Lam Vỹ dù là cuốn sách mới nhưng nó cũng nằm trong chiếc khung của những gì Đỗ Doàng Diệu đã viết, cuốn sách như một cuộc dạo chơi, nhìn lại mình và nhìn về người, từ vị trí người con xa quê. Tôi cho rằng dù tiếp tục hay tạm dừng cho một lối đi mới, Đỗ Hoàng Diệu vẫn không đi khỏi chủ đề bóng tối của quá khứ trong một bút pháp điên, bởi lẽ mỗi người chỉ có thể viết về một cuốn sách, thứ sách hiện hữu bằng sự chắp lại từng trang giấy không chữ. 

Tập truyện ngắn Lưng rồng có thể ví von như dòng linh khí được vặn xoắn, dài ra, trũng dần trong màu ảm đạm, những sợi khí không thể hóa rồng, mà thành loài rắn đã bị lột da, đành ngậm ngùi nguyện cầu cho thế giới bằng hơi thở tàn tận, hắt hiu như sợi cỏ cuối cùng trên cánh đồng trọc. 

Tru Sa

Leave a comment