Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Cố hương & Văn chương – Thận Nhiên

Thận Nhiên

Cố hương & Văn chương

Diễn từ nhận giải thưởng Văn Văn Việt 2018

Nguồn: http://vanviet.info/van-de-hom-nay/dien-tu-nhan-giai-thuong-van-van-viet-2018/

Thận Nhiên

Kính thưa quý vị,

Tôi rất vui khi được trúng giải văn của Văn Việt năm 2018. Cám ơn ban giám khảo đã chọn tiểu thuyết Những ghi chép ở tầng 14”. Rất tiếc, tôi không thể đến dự lễ trao giải.

Hầu hết những sáng tác của tôi chỉ được phổ biến trên mạng, chưa được in ra giấy. Có lần tôi tự in một tập truyện ngắn và một tiểu thuyết, mỗi cuốn chừng 50 bản, để tặng bạn. Những năm sau này tôi không thể viết được điều gì thơ mộng như thời còn trẻ. Một cách vô thức, mọi ý tưởng đều đổ về, đều dính dáng tới: chính trị, thời cuộc, xã hội. Tôi nhận biết rằng điều đó là dấu hiệu bất bình thường, nhưng khó thoát được ra khỏi nó. Tôi không tạo ra đề tài để viết, mà ngược lại, đề tài tạo ra cái viết/cách viết của tôi. Có phải đó là ám ảnh khó khăn của những nhà văn di dân (immigrant writers), hay nghiêm trọng hơn: những nhà văn tị nạn (refugee writers)?

Tôi viết tiểu thuyết này vào khoảng năm năm trước, lúc đang sống ở Sài Gòn, ở căn hộ tầng 14, trong một chung cư ở huyện Bình Chánh.

Tìm lại căn cước của mình, và dấu vết của lịch sử và quê hương, là ám ảnh khắc khoải của người di dân. Cuốn tiểu thuyết này là về một người trẻ tuổi, sanh ra và lớn lên ở Mỹ, muốn giải tỏa những ám ảnh đó.

Tôi không có ý muốn tái tạo lại sự thật, thậm chí ngược lại vậy. Đây là một tác phẩm hư cấu, gồm 15 chương; nếu tách riêng, mỗi chương có thể được đọc như một truyện ngắn, và tất cả được sắp đặt với ý đồ kết nối lại thành một tiểu thuyết. Cấu-trúc -tiểu-thuyết-có-thể-tách-rời-thành-nhiều-truyện-ngắn là hệ quả của ý định cho nó xuất hiện trên mạng thay vì để in thành sách.

Cố hương – những kẻ tha hương & vô tổ quốc

Hai năm nay tôi đổi chỗ ở từ Dallas về Detroit, thuộc tiểu bang Michigan, nước Mỹ, đổi luôn công việc kiếm sống, từ viết báo thành lao động tay chân.

Do thường xuyên phải làm việc ngoài trời nên mỗi sáng tôi phải xem thời tiết trên iPhone để quyết định hôm nay sẽ làm gì, mặc gì cho thích hợp. Một hôm tôi thấy màn hình hiện ra thời tiết và nhiệt độ ở Detroit và Sài gòn khác biệt quá, ở đây 14 độ f mà Sài gòn 82 độ f. Cách biệt gần 70 độ f, một nơi lạnh cóng một nơi nóng hầm hập.

Nghĩ vẩn vơ, tôi thấy mình đã xa quê nhà lắm rồi. Cách biệt về nhiệt độ, cách biệt về không gian chỉ là những cách biệt ngoại tại, mà cách biệt về tâm cảm mới đẩy con người đi xa hơn thế.
Trong 29 năm vừa qua, kể từ 1990, tôi chia thời gian sống của mình ra làm hai phần; sau khi ở Mỹ thời gian khá dài, tôi về sống ở Sài Gòn 13 năm, rồi quay lại Mỹ 4 năm nay. Trước, tôi vẫn nghĩ Việt Nam là quê hương thứ nhất, Mỹ là quê hương thứ hai, cho tới gần đây thì thấy điều đó không còn đúng nữa. Những ràng buộc giữa mình với VN – quê hương thứ nhất – ngày càng trở nên lỏng lẻo chứ không thiết thân như trước.
Hình ảnh quê hương dần dần trở thành những hoài niệm.
Những gì hay đẹp của Việt Nam phần lớn đều nằm trong thì quá khứ, trong thời niên thiếu. Ngược lại, thực tại VN thì quá tệ, hầu hết những thông tin chỉ gợi lên đau buồn và giận dữ; và, tệ hơn nữa, tuy hàng ngày vẫn đau đáu theo dõi không sót một sự kiện nào, tôi thấy VN rời xa và không còn dính líu gì với thực tại của mình.

Không hội nhập được toàn phần với quê mới, không dứt bỏ với quê cũ, tôi thấy mình như con cá mắc cạn hơn là loài lưỡng cư có khả năng sinh trưởng và phát triển cả trên cạn lẫn dưới nước. Và, trong tiến trình tồn sinh đó, quê hương dần dần trở thành cố hương, và mình thì thực sự thành kẻ tha hương.

Detroit rất ít người Việt, họ sống rải rác chứ không tập trung như những tiểu bang khác. Chúng tôi là những người tha hương thật sự, vì vùng này hầu như không có các tổ chức của cộng đồng, không chợ búa, không báo chí, không văn hóa và những sinh hoạt chung. Chúng tôi chỉ tất bật kiếm tiền, 8-10 giờ mỗi ngày, 6-7 ngày mỗi tuần. Xong việc, ai về nhà nấy, hôm sau lại tiếp tục cày. Phần lớn thu nhập của những người tôi quen là dành lo cho gia đình ở VN, và tương lai là thế hệ con cái của họ. Không dưng tôi có ý nghĩ chúng tôi là những người lính viễn chinh, dành phần lớn của đời mình để chiến đấu cho một cố hương xa lắc.

Trong lúc này, nhiều anh chị em của tôi, bạn bè của tôi, những người đang sống ở ngoài Việt Nam không được, không thể về nước. Họ bị từ chối visa. Bị trục xuất. Bị đe dọa khi về nước.
Chúng tôi không bao giờ từ chối tổ quốc nhưng bị đẩy ra khỏi đất nước thành những kẻ vô tổ quốc.

Những người cầm quyền ở Việt Nam đang hành xử như thể họ độc quyền sở hữu đất nước, như thể đất nước là một thứ tài sản riêng của họ, mà không chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với chúng tôi; đất nước thành thứ tài sản mà họ có thể cho thuê dài hạn, mang thế chấp, bán bớt, bán dần, làm hư hỏng, làm tàn hại, và họ tỏ ra bất lực trước sự việc bị ngoại bang phương Bắc đe dọa và xâm chiếm bằng cách này hay cách khác. Họ xem chúng tôi là những kẻ vô tổ quốc, và không liên hệ gì đến đất nước, tuy nó vốn là sông núi mà tổ tiên chúng tôi từng chung tay gầy dựng bao đời. Họ gọi chúng tôi là bọn phản động lưu vong nước ngoài.

Chúng tôi có thể sống một đời sống tốt đẹp, an toàn ở những đất nước mà chúng tôi đang sống. Và cứ thế mà đi tiếp cho hết phần đời còn lại. Và quên.

Nhưng thật sự điều đó chỉ dễ dàng với một số người, và không với phần lớn.
Vô tổ quốc là một cảm xúc, một thứ tình cảm khó lòng chịu đựng.
Khi bị cướp mất căn nhà, người ta đau buồn, tiếc của, nhưng có khả năng chịu đựng sự mất mát và buông bỏ để tạo dựng một nơi trú ngụ khác. Nhưng khi bị tước đoạt và buộc từ bỏ nơi chốn từng lưu giữ những ký ức gắn bó thì người ta không thể buông bỏ.
Và không thể im lặng.

Chúng tôi không im lặng!
Chúng tôi không ăn cá, nhưng chúng tôi đòi sự sống cho những con cá đã chết, đang chết, sẽ chết.
Chúng tôi đòi nước cho từng vuông đất cằn khô hạn hán.
Chúng tôi đòi không khí sạch cho từng đô thị mà chúng tôi đã từng sống.
Vì sao ư?
Vì chúng tôi không là người dưng!
Chúng tôi không là nước lã!
Chúng tôi tha hương nhưng không khứng chịu là những kẻ vô tổ quốc như họ muốn biến chúng tôi thành!

Văn chương & Internet

Mới đây, nhà văn Trần Vũ nói với tôi rằng trong khoảng nửa năm vừa qua, ở Pháp đã in khoảng 1,000 đầu sách tiểu thuyết. Thật là con số kinh khủng với một đất nước có 65 triệu dân!

Hôm qua, nhà văn Khánh Trường than rằng cách đây một tháng, khi ông thông báo đang thực hiện tạp chí văn chương Mở Nguồn (nó gần như một tục bản của tạp chí Hợp Lưu ngày xưa) thì có khá đông người cho biết sẽ mua báo dài hạn, nhưng đến nay thì chỉ mới có hai người thực sự mua báo!

Qua hai con số 1,000 đầu sách tiểu thuyết ở Pháp và 2 độc giả mua báo VN thì chúng ta thấy được tình trạng văn học và xuất bản của hai dân tộc.

Khác với các đồng nghiệp sống dai trong nước nhờ vào sự bao cấp, nuôi nấng và dạy dỗ, của hệ thống chính trị Cộng sản, từ nhiều năm nay, những tạp chí văn chương ở hải ngoại lần lượt đình bản: Văn học, Hợp lưu, Văn, Việt, Chủ đề, Làng văn, Phố văn, Tạp chí thơ, Diễn đàn… trước sau theo nhau đóng cửa. Sách văn chương in ở hải ngoại cũng không còn độc giả, vì chẳng mấy ai mua. Các tiệm sách bề thế từ 30 năm trước ở các khu người Việt lần lượt đóng cửa hay chuyển mục đích thương mại.

Từ đó, văn chương rời bỏ mặt đất để bay lên mạng. Các webside Văn học Nghệ thuật Liên mạng, Tiền vệ, Talawas, Da màu, Litviet, Gió O, Văn Việt…(*) nối tiếp nhau ra đời và ngưng hoạt động. Tất cả phục vụ hai nhu cầu đồng hành và cho nhau: nhu cầu đọc cho độc giả, và nhu cầu xuất hiện cho người viết.

Một số nhà văn hải ngoại về in sách trong nước như phương cách đáp ứng nhu cầu chính đáng: để tác phẩm ra đời, để xuất hiện với độc giả, hẳn nhiên, với một mức độ tương nhượng về việc chịu sự kiểm duyệt của nhà nước. Điều này hẳn là không vui. Ở chiều ngược lại, một số người viết trong nước không chịu thỏa hiệp với chế độ kiểm duyệt và có ý thức đối kháng với nền chính trị độc tài, họ còn được gọi là nhà văn ngoài luồng, thì cho in tác phẩm của mình ở các nhà xuất bản hải ngoại, và thường cũng chịu số phận không có người mua. Một cuốn sách văn chương của tác giả hải ngoại hay của nhà văn ngoài luồng trong nước đều có số phận như nhau, điều nó để lại là thêm vào danh mục tác phẩm trong tiểu sử tác giả một con số, chấm hết. Từ đó, chọn lựa tốt nhất cho họ lúc này là lên mạng.

Nhìn lại các sáng tác văn chương VN trên không gian mạng thì ta thấy thể loại phổ biến nhất là thơ, và truyện cực ngắn, rồi tới truyện ngắn, sau cùng, và hiếm hoi, mới có tiểu thuyết. Số lượng tác phẩm tỷ lệ thuận với độ ngắn của tác phẩm. Lý do có thể là do người viết không phải đầu tư nhiều thời gian và công sức cho các thể loại có ít số lượng chữ, và độ ngắn của chúng thì hợp với cách đọc nhanh vội trên màn hình của laptop hay Smartphone.

Tôi nghĩ, sáng tác văn chương giống múa võ và đánh nhau.
Thơ và truyện cực ngắn là những bài quyền, yêu cầu là múa đẹp.
Tản văn, tạp văn, tuỳ bút cũng là những bài quyền, dài hơn, công phu hơn, trường quyền, hay dợt nhau qua lại vài cú trên sàn tập.

Truyện ngắn là thực chiến, là lên đài, là vào lồng sắt, nện nhau chí mạng như trong môn UFC (Ultimate Fighting Championship, tạm dịch là Vô địch Đối kháng Cơ bản), nhưng hết hiệp sẽ ngưng và có trọng tài can thiệp khi bị đánh gục.

Tiểu thuyết là thực chiến, nhưng đánh giang hồ, ngoài bến xe hay trong hẻm vắng, có vũ khí dao búa tuỳ nghi, không luật lệ, và chết bỏ.

Vậy, đối thủ trong những trận đánh ấy là ai?
Là độc giả!
Nhìn độc giả ngất xỉu, sặc máu, vỡ sọ bởi những thế võ của mình là khoái cảm của nhà văn. Và chính hắn, nhà văn, vừa là đối thủ vừa là nạn nhân đầm đìa máu me, vì hắn là độc giả đầu tiên của chính mình.

Tôi chơi Facebook và thử mở đường máu bằng cách post những sáng tác lên trang Facebook. Tôi luôn post bài trong chế độ public để bất cứ ai muốn cũng có thể đọc. Tôi có 2,817 bạn trong friendlist, những mong sẽ có chừng 200 người đọc mình. 200 người tri âm và ân tình là cũng vui rồi, trong khi chờ một ngày mai tươi sáng hơn, sẽ tới.

Tôi thấy không mấy ai post tiểu thuyết lên Facebook. Nó vừa bất tiện cho người đọc, vì quá dài để theo dõi, vừa bất công cho người viết. Bất công vì cặm cụi viết hằng mấy tháng trời mới xong một bản thảo, để rồi khi post lên thì nó không sống được quá hai ngày rồi bị hàng ngàn thông tin khác đè lên, chôn lấp.

Sau khi đã đăng trên Website Tiền Vệ mấy năm trước, tôi sửa chữa một ít chi tiết, rồi post từng chương tiểu thuyết “Những ghi chép ở tầng 14” lên Facebook. Nó được lọt vào mắt xanh của chị Ngô Thị Kim Cúc. Cám ơn chị. Chị đã đăng lên Văn Việt và đề cử dự giải, rồi tôi có giải thưởng hôm nay.

Trách nhiệm của nhà văn đối với tác phẩm là phổ biến nó, cho nó những đời sống mới hít thở phập phồng, cho nó cơ hội thử thách với sự thờ ơ của thời đại, thử thách với thị hiếu thưởng lãm nhanh chóng thay đổi của độc giả, tôi nghĩ vậy.

Tôi cám ơn lòng tri âm của các website văn chương Tiền Vệ và Văn Việt, và Facebook đã cho tiểu thuyết này những đời sống mới.

Có nhiều ý kiến bỉ thử rằng văn chương trên mạng là loại mỳ ăn liền.
Tôi không nghĩ vậy.

Chỉ những con ma lịch lãm về khuya thì mới biết trân quý tô mỳ nóng, mà ngon.

Thận Nhiên – Detroit, tháng Giêng, 2019

(diễn từ nhận giải Văn Việt)

(*) Chắc tác giả không có ý nói tất cả những website kể trên đều “ngưng hoạt động”, mà chỉ một số trong đó, nhưng câu văn có thể gây hiểu lầm. Thực tế Da Màu, Gió O, Văn Việt vẫn đang hoạt động. (Văn Việt)

Leave a comment