Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đọc Không Có Gì Từng Chết và Cảm Tình Viên của Việt Thanh Nguyễn – Phan Nhiên Hạo

Phan Nhiên Hạo

Đọc Không Có Gì Từng Chết và Cảm Tình Viên của Việt Thanh Nguyễn

Bài viết này nguyên bản bằng tiếng Anh, “Two Reading of Two Books by Viet Thanh Nguyen,” đăng trong tạp chí Journal of Vietnamese Studies (xuất bản bởi Đại Học UC Berkeley), số Winter 2018, Vol. 13, No. 1, trang 132-136. Dưới đây là bản dịch tiếng Việt của tác giả.

Phan Nhiên Hạo

Nhận định về văn chương thiểu số ở Hoa Kỳ, Việt Thanh Nguyễn viết, “căn cước của tác giả là điều có ý nghĩa bởi vì nghệ thuật tồn tại trong tương quan xã hội nơi tác giả và người đọc mang định kiến của họ vào việc đọc (Không Có Gì Từng Chết, 211). Đây chắn chắn là trường hợp của tôi khi đọc hai cuốn sách của Việt Thanh Nguyễn, Không Có Gì Từng ChếtCảm Tình Viên. Tôi tiếp cận hai cuốn sách từ góc độ một ngươi Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Và ai cũng biết hơn bốn mươi năm sau cuộc chiến, người Việt hãy còn chia rẽ sâu sắc. Ở đây tôi muốn đề cập đến vài khía cạnh trong hai cuốn sách của Việt Thanh Nguyễn mà tôi đặc biệt quan tâm từ góc độ một người tị nạn

Việt Thanh Nguyễn đến Mỹ lúc nhỏ trong khi tôi đến Mỹ vào tuổi trưởng thành. Như hàng triệu người Việt sống ở miền Nam, gia đình tôi thuộc phía bại trận trong cuộc chiến, và sau 1975 chúng tôi đã bị trừng phạt nặng nề bởi những người cộng sản chiến thắng. Ngươi Việt miền Nam như chúng tôi không coi cộng sản là những kẻ giải phóng. Và chúng tôi hãy còn thù nghịch với họ không phải chỉ vì những kinh nghiệm cay đắng trong quá khứ mà còn vì chúng tôi nhìn họ như nguyên nhân chính của tình trạng tuyệt vọng cho người Việt hôm nay. Cần thấy rằng cái gọi là chủ nghĩa chống cộng của người Việt lưu vong là phản ứng chính trị đối với một chính phủ độc tài cụ thể chứ không phải chỉ là sự từ khước một lý thuyết trừu tượng. Không nhìn nhận điều này, sẽ dễ dàng cho rằng chính trị của người Việt hải ngoại là sự phục thù.

Từ góc độ của một người tỵ nạn, thật khích lệ khi thấy miền Nam được đề cập tới trong hai tác phẩm của Việt Thanh Nguyễn. Phần lớn các tác giả Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam hôm nay chỉ quan tâm đối thoại với các cựu thù của họ, những Việt Cộng, và dễ dàng bỏ qua những người Việt đã chiến đấu bên cạnh người Mỹ trong cuộc chiến. Việt Thanh Nguyễn chỉ ra sự bất công đối với miền Nam trong những câu chuyện về chiến tranh kể bởi người Mỹ và truyền thông nhà nước Việt Nam. Miền Nam vắng mặt trong ký ức chiến tranh của người Mỹ vì người Mỹ không muốn dính dáng đến “kẻ yếu và kẻ bại trận” (Không Có Gì Từng Chết, 44). Ở Việt Nam, lâu nay nhà nước cộng sản vẫn nỗ lực nhằm xóa bỏ Nam Việt ra khỏi ký ức chiến tranh quốc gia. Chẳng hạn, họ gây khó dễ việc viếng thăm nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nằm bên ngoài thành phố, thậm chí phá hoại một số bia mộ (Không Có Gì Từng Chết, 37). Bị từ khước bởi người Mỹ và hạ nhục bởi người cộng sản, những người ra đi từ miền Nam, mà nhiều người hiện đang sống tại Mỹ, kiên quyết giữ ký ức chiến tranh cho chính họ. Việt Thanh Nguyễn nhìn điều này như “đạo đức của việc tự bảo lưu ký ức thực hành bởi những người yếu thế” (Không Có Gì Từng Chết, 43).

Miền Nam, tuy vậy, chỉ xuất hiện ngắn ngủi trong Không Có Gì Từng Chết. Phần lớn cuốn sách tập trung vào sự “mất cân đối” của ký ức chiến tranh giữa Mỹ với Việt Nam, và trong một chừng mực nhất định, với Cambodia và Lào. Được vận hành bởi một kỹ nghệ ký ức hùng mạnh, ký ức chiến tranh Mỹ luôn phủ bóng lên ký ức chiến tranh của những “quyền lực yếu hơn.” Việt Thanh Nguyễn cho rằng tình trạng mất cân đối này đem đến những hiểu biết giới hạn về cuộc chiến. Tuy điều này chính xác, tác giả cũng nên chỉ ra rằng ký ức chiến tranh ở Việt Nam thật ra không hề yếu. Nó đã và đang tiếp tục được xử dụng không chỉ để biện hộ cho sự thống trị tuyệt đối của đảng cộng sản mà còn để trừng phạt những ai dám thách thức nền sử học chính thống. Mặc dù đúng là cả hai phía cộng sản và hải ngoại đều chỉ muốn nhớ đến phần “nhân văn” của mình và vạch ra sự “vô nhân” của đối phương, hai bên vận hành trong hai hệ thống chính trị hoàn toàn khác nhau. Chính phủ Việt Nam có thể khóa miệng, thậm chí bỏ tù những người không đồng ý với họ. Người Việt hải ngoại không có thứ quyền lực đó, và họ sống ở Hoa Kỳ, nơi tự do ngôn luận được bảo vệ. Sẽ là thấu đáo hơn nếu tác giả chỉ ra sự mất cân đối này. Việt Cộng và Việt Kiều không phải là hai nạn nhân bình đẳng của kỹ nghệ ký ức Mỹ.

Trong Không Có Gì Từng Chết, Việt Thanh Nguyễn lên tiếng cho một “ký ức công bằng” của người Việt bằng cách chỉ ra vị thế thiệt thòi của những người viết về đề tài chiến tranh sống ở trong nước so với nền công nghiệp ký ức hùng mạnh của Mỹ. Những tác giả người Việt được trích dẫn bởi Việt Thanh Nguyễn, tuy vậy, ít nhiều đều là những người trong hệ thống nhà nước Việt Nam. Tác phẩm của họ chẳng có gì liên quan đến kinh nghiệm sống của người ra đi từ miền Nam. Việt Thanh Nguyễn có vẻ không biết đến nền văn chương phong phú và xuất sắc của miền Nam, văn chương hải ngoại sau 1975, và văn chương ngoài lề sinh động trong nước hiện nay. Những dòng văn chương này bao gồm nhiều tác phẩm sâu sắc, một số được viết bởi những tác giả quan trọng nhất của văn chương đương đại Việt Nam, về nhiều chủ đề liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Không được xuất bản ở Việt Nam, những tác phẩm này cũng hiếm khi được dịch ra tiếng Anh để đến với người đọc Mỹ.

Mặc dù Không Có Gì Từng Chết được viết chủ yếu cho đọc giả Mỹ, cuốn sách nên được đọc rộng rãi ở Việt Nam, đặc biệt bởi những người cầm quyền, vì nếu họ đồng ý với tác giả về một “ký ức công bằng” và “tha thứ không điều kiện,” đất nước có thể bắt đầu quá trình chữa lành những vết thương. Không may, có nhiều khả năng là nhà cầm quyền Việt Nam sẽ tảng lờ những kêu gọi của Việt Thanh Nguyễn. Tác giả trích dẫn Thích Nhất Hạnh, nhưng ngay cả Thích Nhất Hạnh cũng thất bại trong việc khuyến khích nhà cầm quyền tiến đến một hòa giải thật sự. Trong chuyến trở về Việt Nam năm 2007, Thích Nhất Hạnh tổ chức lễ cầu nguyện cho nạn nhân chiến tranh người Việt từ cả hai phía. Sau những thương lượng dài dòng, nhà cầm quyền cho phép lễ cầu siêu diễn ra ở ba thành phố, nhưng với điều kiện không nhắc tới những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi Thích Nhất Hạnh rời Việt Nam, các môn đệ của ông bị quấy nhiễu và cuối cùng bị trục xuất ra khỏi thiền viện của họ ở Bảo Lộc. Người cộng sản chỉ chấp nhận duy nhất những ký ức chiến tranh đem lại cho họ lợi ích chính trị và kinh tế, như loại ký ức được trưng bày tại Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh ở Sài Gòn. Bị vặn vẹo và thiên lệch, bảo tàng này thu hút nhiều du khách Mỹ mỗi ngày.

Nếu như Nam Việt Nam, và trong một chừng mực ít hơn, người Việt hải ngoại, chỉ chiếm một phần nhỏ trong Không Có Gì Từng Chết, hai chủ đề này là trọng tâm trong Cảm Tình Viên. Về cơ bản, cuốn tiểu thuyết là một mô tả chính xác về cộng đồng người Việt ở Mỹ cuối thập niên bảy mươi. Đây là cộng đồng của những người đã trải qua một cuộc chiến đẫm máu, mất mát tất cả, và giờ đây đang cố gắng sống còn trên một đất nước mới. Tôi không cảm thấy bị động chạm vì sự châm biếm của Việt Thanh Nguyễn đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, vì họ đúng là họ, và hài hước là khía cạnh hấp dẫn của Cảm Tình Viên. Tuy vậy, tôi thấy một vài chi tiết trong cuốn sách không thuyết phục.

Nhân vật chính trong Cảm Tình Viên có vẻ quá Mỹ trong vai một người Việt tị nạn đến Mỹ ở tuổi trưởng thành, và chỉ mới sống ở Mỹ một thời gian ngắn. Mặc dù tác giả cung cấp những lý do cho khả năng phát âm tiếng Anh hoàn hảo của nhân vật chính, bao gồm lý do là nhân vật này được dạy chút tiếng Anh vào lúc nhỏ ở Việt Nam bởi một nhà truyền đạo, những giải thích này có vẻ yếu ớt. Nhân vật chính cũng hành xử tự tin kiểu một người rất thoải mái với lối sống Mỹ, là điều mà theo kinh nghiệm cá nhân và quan sát của tôi về người Việt hải ngoại, là chuyện hiếm có đối với người mới nhập cư. Mặc dù nhân vật chính du học một vài năm ở Mỹ trước 1975, trong thực tế, vẫn là chuyện không tưởng để anh ta có một kiến thức bao quát về văn hóa Mỹ như vậy. Thật ra, nhân vật này xuất hiện như một học giả người Mỹ gốc Á phê phán văn hóa Mỹ hơn là một người tị nạn nỗ lực sống còn trên đất nước mới. Thêm nữa, có vẻ như nhân vật chính mô tả những người đồng hương Việt qua cái nhìn của một người Việt đến Mỹ lúc nhỏ hơn là một người đến Mỹ vào tuổi trưởng thành. Những chi tiết này, có thể không quan trọng đối với độc giả Mỹ, nhưng đối với tôi, chúng cho thấy Cảm Tình Viên là câu chuyện được kể từ góc độ một học giả Mỹ gốc Á hơn là một người Việt tị nạn.

Tôi cũng thấy chi tiết ba cảnh sát miền Nam hãm hiếp một nữ tù cộng sản trong tác phẩm có vẻ khó hiểu. Trong bối cảnh tàn bạo của chiến tranh Việt Nam, câu hỏi quan trọng là loại tội ác này có xảy ra thường xuyên hay không và liệu chúng là những câu chuyện cá biệt hay là sự thực hành có hệ thống ở mỗi phe. Không may, câu hỏi này có thể không bao giờ được trả lời, vì như Việt Thanh Nguyễn đã chỉ ra: “hãm hiếp là một trong những hậu quả kín tiếng nhất của chiến tranh” (Không Có Gì Từng Chết, 228). Có thống kê về chết chóc, nhưng không có thống kê về hãm hiếp. Tôi không muốn đi vào cuộc tranh luận về mức độ chân thực lịch sử của vụ hãm hiếp được mô tả trong tác phẩm. Lý do phân cảnh này khiến tôi cảm thấy kinh tởm, tuy vậy, nằm ở các chi tiết. Chúng không chỉ tô đậm một tội ác mà còn cho thấy những thành kiến cay nghiệt về miền Nam. Dưới sự quan sát của một cố vấn Mỹ và hai sĩ quan chỉ huy người Việt, ba viên cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa sát hiếp dâm một nữ tù Việt Cộng, dùng bạo lực tình dục như phương pháp thẩm vấn được dạy bởi cố vấn Mỹ. Ba viên cảnh sát gấu ó nhau về chuyện ai được hiếp trước, vì như những người Việt tiêu biểu, họ không quen với “khái niệm xếp hàng.” Họ than phiền về đống lầy nhầy để lại bởi kẻ hiếp dâm trước, nhưng rồi từng người, “không chùn bước bởi đống lầy nhầy, lập lại những động tác của kẻ trước…để chỉ trong vòng vài phút, đạt đến cùng một kết thúc tục tĩu.” Sau cùng, họ nhét một chai Coca vào cửa mình tù nhân và đùa giỡn. Không chỉ bịnh hoạn, những viên cảnh sát này được mô tả như những tên đàn ông èo uột, hành xử trẻ con. Trong ngôn ngữ của tác giả, những viên cảnh sát này không phải đàn ông; họ là, “thật ra, những con chuột” (Cảm Tình Viên, 351).

Không nghi ngờ gì đây là một phân cảnh quan trọng và có tính biểu tượng cao trong tác phẩm. Nó ngụ ý rằng chiến tranh Việt Nam, sau cùng, là trận chiến tàn bạo giữa những người Việt. Cái cách mà tác giả mô tả vụ hãm hiếp, tuy vậy, dường như chỉ lập lại những thành kiến dễ dãi: rằng Mỹ là kẻ giật dây và Nam Việt là con rối, rằng quân đội miền Nam là mục nát và bất lực, rằng lính miền Nam hoặc là những tên hiếp dâm hoặc là ma cô, trong số nhiều nhãn hiệu nhục mạ khác. Thật mỉa mai, tôi thấy cảnh hãm hiếp này cũng cường điệu như cảnh hãm hiếp trong bộ phim Hollywood mà nhân vật chính trong tiểu thuyết đã chế giễu. Trong tiểu thuyết, nếu đạo diễn Auteur chọn những người đàn ông Việt với “nhân dạng đặc thù,” những người “với màu da nâu vàng của chuối thối và mắt lươn ti hí” để đóng vai Việt Cộng và yêu cầu họ “cứ thoải mái, là chính mình” (Cảm Tình Viên, 164). Việt Thanh Nguyễn cũng mô tả các nhân viên cảnh sát như những người đàn ông nhân dạng xấu xí, với bộ phận sinh dục nhìn buồn cười: “cái chỉa lên, cái chỉa xuống, cái thứ ba ngoẹo về một bên” (Cảm Tình Viên, 350). Tương tự như những diễn viên đóng vai Việt Cộng trong bộ phim của Hollywood, ba viên cảnh sát cũng cười đùa trong khi hãm hiếp nữ tù cộng sản. Trong khi chế giễu nhân vật đạo diễn Hollywood về cảnh hãm hiếp trong phim của ông ta, coi đó như một thủ thuật điện ảnh rẻ tiền, điều thú vị là chính Việt Thanh Nguyễn lại đưa vào tác phẩm của mình một cảnh tương tự. Trong tiểu thuyết, khi bị nhân vật chính chỉ trích vì cảnh hiếp dâm dễ dãi, đạo diễn Hollywood trả lời: “Mình phải làm cho khán giả sốc một chút… Thỉnh thoảng họ cần được đá đít để tỉnh ra sau khi ngồi quá lâu… Đây là chiến tranh, và hiếp dâm là chuyện xảy ra. Tôi có bổn phận phải mô tả” (Cảm Tình Viên, 163). Tôi tự hỏi phải chăng Việt Thanh Nguyễn sẽ dùng lý lẽ tương tự để biện hộ cho những mô tả của chính tác giả về cảnh hãm hiếp trong tiểu thuyết. Phân cảnh này, nói như lời nhân vật chính, “thật sự là không cần thiết” (Cảm Tình Viên, 163).

Không Có Gì Từng ChếtCảm Tình Viên là hai tác phẩm xuất sắc viết bởi một tác giả thông hiểu cả hai văn hóa Việt, Mỹ, và về chiến tranh Việt Nam. Điều này cho phép tác giả nói về cuộc chiến với cả người Mỹ lẫn người Việt. Người Mỹ tuy vậy sẽ rất dè dặt khi phê bình một tác giả thiểu số viết về cộng đồng của anh ta, trong khi người Việt sẽ luôn đòi hỏi nhiều hơn từ một tác giả mà họ coi là người của họ. Vấn đề trở nên phức tạp hơn vì người Việt hãy còn chia rẻ sâu sắc về chiến tranh Việt Nam. Đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều tranh cãi về Cảm Tình Viên giữa những người Việt. Có lẽ vì vẫn chưa có nhiều người Việt đọc trọn cuốn sách viết bằng tiếng Anh này. Một nhà xuất bản ở Việt Nam đang cố cho ra mắt một bản dịch không bị cắt xén. Tôi hy vọng trong tương lai gần, sẽ có nhiều người Việt trong nước lẫn hải ngoại được tiếp cận với một bản dịch trung thành.

Phan Nhiên Hạo

Leave a comment