Khi nhắc tên Nguyễn Hàn Chung. Chẳng còn ai xa lạ với danh xưng này. Anh hiện ra, khoác áo thi nhân đi trên con đường tự chọn. Thoạt đầu là lữ thứ đơn độc xuống núi, rời khách điếm tửu lầu chẳng mấy lâu thì cớ sự đã thôi còn nguyên trạng. Ngựa hý dặm dài, đã có không ít người lao xao đang thúc vó câu sau bóng chữ anh đánh rơi đâu đó. Hình ảnh một nhà thơ, hãy nên khởi đi bằng lối ví von đó. Rõ nghĩa hơn, người mang tên Nguyễn Hàn Chung đã gây nên tiếng vang từ độ.
Khi nói tới thơ, người ta thường đưa ra một nhận định sơ khởi: Đó là thể loại chắt lọc, giản lược chữ, trong khi ở văn xuôi muốn diễn đạt cùng một trạng huống cảm xúc buộc phải viết dài ra. Rườm lời nhưng chưa hẳn đã thâu tóm đủ. Bởi thơ, tuy ngắn, lại có lúc mở được một cảnh giới khác. Thú vị và bất ngờ. Nhà văn Thảo Trường trước đây từng trả lời câu hỏi “Nhận định về truyện ngắn”. Ông cho hay: “Câu nói hay nhất là câu nói ngắn nhất. Viết truyện ngắn là dùng thứ kích thước nhỏ để dựng nên một vấn đề có khi… rất lớn”. Một bài thơ thường ít chữ hơn văn xuôi. Điều đó ai cũng rõ. Và do lẽ đó người ta vẫn sắp hạng thơ đứng cao hơn các thể loại dụng chữ khác. Ở lãnh vực hội hoạ, từ ngàn xưa danh hoạ Leonardo da Vinci có nói: “Giản đơn là thứ rất mực cầu kỳ”. Muốn vẽ được, thể hiện ra sự đơn giản, anh
phải dày công tập luyện. Thơ Haiku là gì? Phải chăng là một thứ rất mực cầu kỳ, bởi nó đơn giản tới tận cùng sự giản đơn. Một hòn sỏi rơi xuống giếng sâu. Chấm hết. Anh có nghe được tiếng khuấy động hồi âm? Anh có cảm thấu cái tịch lặng “xôn xao” tiếp theo?
Thơ vốn ngắn, có người đang muốn làm ngắn, muốn giam giữ thơ bằng hình thức chỉ bốn câu thôi. Không thể 5, chẳng cho 6, đừng nên 7, 8… Dạ thưa, người đó là nhà thơ Nguyễn Hàn Chung. Thi nhơn vừa chọn hơn hai trăm bài, gom lại, làm cho chúng cái giấy khai sinh bằng tên gọi “mót chữ trong kinh”. Bốn chữ này cũng là thứ cầu kỳ trong giản đơn. Chữ mót đã hay mà kinh là đại diện cho những lời răn thậm nghiêm túc. Nhà thơ mót được gì?
ngồi bên gái đẹp
càng thấy mình già
mà tìm gái xấu
suốt đời không ra.
(chụp bóng)
Người đọc bắt đầu sinh nghi. Kinh gì vậy cà? Cứu khổ? Không. Cứu nạn? Không. Kinh tụng về tình yêu chăng?E là vậy. Vì hơn ai cả, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung là người thiết tha yêu, mê man yêu, đắm đuối yêu. Ngây dại. Một sự mù loà gần như giả bộ, gần như bỡn cợt. Nổi bật ở thơ anh, cô đọng lấy một chữ “hóm”. Đơn cử bài “Hỏi”:
quen nhau chừng đổi đôi năm
chưa gặp gỡ chưa trăm trăm bữa nào
chưa xì lác chưa bài cào
nói yêu chết bỏ có tào lao không.
Ngoài “tào lao”, tôi đặc biệt thích chữ “văn minh” qua lối so sánh của nhà thơ:
nhớ em hồi nhỏ chơi thân
tắm sông tắm giếng truồng trần giỡn anh
ai đời cái bọn lưu manh
đem quần lót biến em thành văn minh.
(em thành văn minh)
Trang kinh sau đây mới đích thực là kinh, chẳng phải dễ để mót ra những chữ trùng lập cố tình, tạo ra chuỗi âm vọng tựa tiếng chuông ngân nga:
một chiều cô độc
một cô liêu
một tiếng chiều im
một tiếng chiều
một tiếng chiều xiêu
trong một tiếng
một chiều xiêu đổ
một chiều xiêu
(một tiếng chiều)
Kinh sách hoặc kinh ngạc hay kinh khủng thảy đều có thể hiện tới trong sát na “một chiều”, trong hữu hạn “một tiếng”. Mà dù là kinh gì đi nữa, buộc nó ẩn dấu chút ngờ vực và rồi anh phải đam ngộ nó. Tựu thành một thứ triết lý, chứng minh rằng chẳng có gì bất hoại ở đời này. Cách minh chứng của Nguyễn Hàn Chung thật cô đọng, thật thơ. Từ đó, dẫn mê man tới vô thường. Ngoài ra, nhà thơ rất tài ba ở thuật hoán đổi, xáo trộn thời gian. Bản luân vũ thoắt sáng thoắt trưa thoắt chiều, khó nắm bắt khung thời gian chính xác:
đêm gói em
chừa đôi mắt ấy
cầm lòng không đậu
mịt sương bay
tôi vừa chạng vạng
thành khuya khoắt
cứ dỗ tôi rằng
em …
sớm mai
(dỗ)
Khi mang chủ đích chọn in một thi tập chứa toàn thơ bốn câu, cha đẻ nó, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung đã tự làm khó anh, đã tự vạch ra một lằn ranh giới hạn để “đêm nằm vo cái tiêu điều thở ra”. Nhà thơ tâm sự:
thả bác học với bình dân
trộn mòn sáo với cách tân khuấy rồi
bắc lên lửa tốt nước sôi
cho lòng ai nhuyễn nhừ rồi húp ngon
(canh lòng thả)
Đó là phương cách sáng tác từng thử nghiệm qua, trong khi thơ bốn câu chỉ là một hình thức, một vỏ bọc nhỏ có khi chứa một thứ… rất lớn. Như vậy nhà thơ rất giàu có tính ẩn dụ, thật hồ đồ nếu anh mãi tìm đâu là “nước sơn” đâu là “tốt gỗ” trong khi nhà thơ đã nhân cách hoá vật thể chung quanh, cốt để tô đậm một tình ý.
tôi mút mùa thu
trên ngón tay
của em
vừa đếm lá chiều nay
mùi hương
lá
trộn
mùi hương
ngón
hong ấm trần gian
điếng dại này
(lá & ngón)
Hương ngón? Nghe lạ chăng? Mút mùa thu? Nghe đặng không? Đừng tìm lời phân giải. Thơ vốn là thế. Tách biệt ra, chỉ đọc và cảm nó. Anh cảm khi bắt gặp ở thơ vừa dấy lên một cung bậc mơ hồ, chỉ có vậy, tập chao lòng trước bao điều phi lý, thậm chí vô lối. Vận động của lý trí đòi nhảy ra ăn thua đủ, mổ xẻ rạch ròi sẽ khiến bài thơ tắt thở. Lẽ tất nhiên, một nhà phê bình sẽ chẳng tài nào gánh thêm chức phận kẻ làm thơ. Một người sắc sảo việc phân tích này nọ làm sao họ có được lối thuật tả phù chú, vẽ nên cảnh sắc thơ mộng và súc tích như trong bốn câu “trước hồ tịnh tâm”:
tiếng hồ im
đến mong manh
một tàn sen
rớt
cũng thành âm giai
đáy hồ
thấp thoáng cân đai
mặt hồ xiêm áo
một hai chú chuồn
Đó không phải là một trang kinh thì gọi là gì? Rất huyễn hoặc mà cũng rất chắt chiu ngôn từ. Giàu liên tưởng khi dùng chữ “cân đai” thấp thoáng đọng dưới đáy hồ. Hồ Tịnh Tâm còn gọi Hồ Tĩnh Tâm vốn là nơi ngày xưa làm chốn giải trí của vua triều Nguyễn ở cố đô Huế. Một cái nhìn tinh mắt về xiêm áo phù du.
Trước đây, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung có viết nên thi tập “lục bát tản thần”. Nó lăn lộn ra chốn “giang hồ” và nó khiến nhà thơ chịu chết. Chết một “thương hiệu” lạ thường mà người đọc gán ghép vào anh: “tản thần”. Tôi nghĩ là người đọc đã thương yêu nhà thơ khi gọi thế. Và tôi tin nhà thơ lấy làm vui khi nhận tiếng ong ve nọ, “mót chữ trong kinh”, với tôi là một tựu thành từ niềm vui ấy. Biến đổi ra một “cuốn kinh” với hơn hai trăm bài kệ chừng như dễ tụng, nam phụ lão ấu đều lĩnh hội được đôi điều khi bước vào cảnh giới thoạt trông là bông lơn, nhưng giấu sau chữ là một thành tâm sám hối. Sám hối về những lỡ làng trên cuộc lữ, giữa quan hệ gái trai, tình nhân hoặc vợ chồng. Phả vào chút nghịch ngợm, hà hơi thêm chất tự trào, thấp thoáng một lay động của hình ảnh ông Tú Xương mãi đương cự những éo le mà đời luôn bày biện.
Nhiều người coi thơ là những hạt ngọc, tôi đọc thơ bốn câu của tác giả Nguyễn Hàn Chung với ý nghĩ rằng đó là chén cơm trắng, gắp bỏ gia vị với đồ “mặn” ra, những hạt gạo kia thơm dậy một tấm lòng thiết tha yêu đời, yêu người, thậm chí thuần hậu yêu một hình ảnh tưởng chừng chỉ còn nằm trong hoài niệm, hư ảo, ngoài tầm tay. “mót chữ trong kinh” là một nỗ lực đi tìm vẻ đẹp mong manh mà thơ Nguyễn Hàn Chung là nhịp cầu, trải thân cho những ai hằng tin yêu thương có thể trấn áp, hoá giải bao muộn phiền.
Tôi chỉ là người đọc thơ bình thường. Nghĩa là tôi chỉ biết “mút ngón tay” chỉ trăng. Nghe Phật cười độ lượng: Ta nào có rao giảng điều gì đâu? Một người đọc vui thú khi được góp mặt, núp bóng đằng sau “mót chữ trong kinh”.
em lá trong tôi chập choạng chiều
vẫn thèm riêng sớt một lời yêu
thèm yêu như giọt sương trên lá
yêu thoáng hôn hoàng lặn mất tiêu
(thèm yêu)
Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung là một người hạnh phúc, tôi đoan chắc như vậy khi lạc chân vào cõi thơ anh vây lối. Tôi chưa hề nhìn ra nỗi đau khổ tột cùng như bao nhà thơ khác khi viết về tình yêu. Cho dù Nguyễn Hàn Chung vui gượng, tôi vẫn thích nụ-cười-giả-bộ-buồn mà anh thổ lộ. “mót chữ trong kinh” là mót lấy cái bi hài đầy thành thực. Tôi cảm ơn anh về nụ cười, với tôi, thơ anh chưa hề đánh mất niềm lạc quan.
Hồ Đình Nghiêm
2019