Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ðọc thơ Phan Nhiên Hạo, một tách trà đắng – Lương Thư Trung

Lương Thư Trung

Ðọc thơ Phan Nhiên Hạo, một tách trà đắng

Nguồn: http://thatsonchaudoc.com/banviet2/LuongThuTrung/TacGiaTacPham/DocThoPhanNhienHao.htm

Phan Nhiên Hạo còn rất trẻ. Tuổi đời hẳn phải trẻ hơn nhiều người, trong đó có tôi. Nhưng thơ Phan Nhiên Hạo không dễ đọc chút nào. Hai thi tập “Thiên đường chuông giấy” (1998) và “Chế tạo thơ ca 99-04” (2004) [1] là tập hợp thơ của một thi sĩ đã vượt ra ngoài mọi lề lối cũ của thi ca trước đó, và có lẽ cả sau này; nó có con đường riêng để đi, theo cách định hướng riêng của tác giả. Ðọc Phan Nhiên Hạo không dễ như đọc những bài thơ lãng mạn trữ tình, những bài thơ lấy trăng thanh gió mát làm chất liệu. Thơ Phan Nhiên Hạo là dấu vết của một mảnh đời, một bức tranh xã hội, một cái nhìn bao quát mà tỉ mỉ từng chi tiết của những chuyển dịch đời sống.

Tôi không quan tâm đến việc tìm xem Phan Nhiên Hạo làm thơ theo trường phái nào. Ðiều này thật ra không mấy quan trọng từ góc nhìn của một độc giả thơ. Và cũng bởi lẽ, chính Phan Nhiên Hạo dường như không chủ ý sáng tác theo một trường phái nào, mặc dù trong những bài tiểu luận gần đây, Phan Nhiên Hạo đã chứng tỏ ông là người am hiểu các phong trào thơ ca đương đại. Tinh thần thi ca độc lập này được Phan Nhiên Hạo nhiều lần đề cập khá trực tiếp trong thơ mình:

“người ta có thể đổi màu như kỳ nhông
từ hồng lãng mạn sang nâu hiện thực
hay sặc sỡ thời trang chủ nghĩa
Trong trường hợp nào cũng không nên ăn bã mía
nhả ra từ những kẻ rụng răng”

(“Ở nhà mùa hè với chiếc Remote Control”, CTTC 99-04, trang 86)

Ngay cả khi nhận ra “cơn đau bụng” chung của xã hội, của thơ ca hiện nay, Phan Nhiên Hạo cũng chọn cho mình một cách thế “vệ sinh” riêng:

“cơn đau bụng bốn ngàn năm lịch sử
Tất cả chúng ta đang đứng trước một nhà cầu
nhưng ngay cả trong chuyện này tôi cũng mang theo giấy vệ sinh
 riêng”

(“Không chết cái chết khác”, CTTC 99-04, trang 63)

Cũng trong bài “Không chết cái chết khác”, Phan Nhiên Hạo nhiều lần khẳng định ông không muốn “nhân danh” bất cứ điều gì, càng “nhân danh” càng rỗng. Ngôn ngữ thơ, ít nhất ở khởi điểm của nó, là một kinh nghiệm nghệ thuật riêng tư, rất riêng:

“nhưng khởi đầu ngôn ngữ luôn phát ra
duy nhất từ vòm miệng này, chiếc lưỡi đỏ, sự tức giận riêng tư,
không bao giờ nói “Tôi nhân danh…”

(“Không chết cái chết khác”, CTTC 99-04, trang 62)

Phan Nhiên Hạo nhận ra cái rối mù của cuộc đời, cái quanh co của giao tiếp, cái giả của văn chương và cái thật trong đời mà ông đang sống. Từ đó ông chối bỏ mọi ràng buộc, chỉ muốn tự tẩy rửa mình bằng một dòng nước mát:

“Bên trên những mùa màng đổ vỡ
những giao hưởng vụng về
những khán giả lòe loẹt quên đánh răng
những người đàn bà rụng tóc
những đứa con nít tập giết nhau
những người già thở than không ngơi nghỉ
chúng ta nói chuyện thơ ca
chúng ta hôn hít, giận hờn
chúng ta ngồi đứng, ngày mai trở dậy
tôi ước tôi có thể đi ra sông
đi ra sông
và khóc .”

(“Trên những mùa màng đổ vỡ”, TÐCG, trang 72)

Khóc” ở đây không thuần là khóc vì buồn chán, khổ đau, mà còn là biểu cảm của mừng vui hạnh phúc khi thoát ra khỏi những bùi nhùi vô nghĩa luôn bủa vây đời sống.

Thơ Phan Nhiên Hạo là một chuỗi câu chữ diễn đạt ý tưởng mà người đọc khó có thể tách rời ra từng phần một. Nó như một mạch điện nối tiếp, để sau cùng toả ánh sáng ở bóng đèn điểm cuối. Bài ”Trên những mùa màng đổ vỡ” vừa trích là một ví dụ. Những hình ảnh nối tiếp nhau tạo ra mạch điện chuyển dịch, để sau cùng “khóc” như một thứ ánh sáng bùng lên vào cuối bài, sau những xúc cảm u trầm, vây hãm trong phần trước đó của bài thơ.

Trong thơ Phan Nhiên Hạo không có chỗ cho lãng mạn, trữ tình, mà là một kho từ ngữ súc tích của “không gian bốn chiều”; người đọc phải chịu khó ngồi xuống với những trang thơ may ra mới nhận được chiều không gian thứ tư luôn luôn lẩn khuất trong những con chữ. Thơ Phan Nhiên Hạo không phải để cảm mà để nhận, không phải để ngâm nga mà để nghiền ngẫm, không phải để ca ngợi cuộc đời mà để nhận dạng cuộc đời.

Thơ Phan Nhiên Hạo khó đọc, nó là một tách trà đắng. Người đọc không khỏi bị vị chát của trà làm tê đầu lưỡi, nhưng sau khi những giọt nước trà vừa đắng vừa chát ấy thấm dần vào bên trong, ta nghe lan dần ra cái hậu ngọt của trà…

Boston, ngày 12-10-2004

Leave a comment