Bốn người ngoại quốc, hai tình yêu và một Hà Nội
Nguồn: https://zingnews.vn/bon-nguoi-ngoai-quoc-hai-tinh-yeu-va-mot-ha-noi-post1057635.html
“Thức tỉnh” – cuốn tiểu thuyết đầu tay viết năm 20 tuổi của Line Papin, một tác giả trẻ người Pháp gốc Việt, ra đời tại Paris nhưng mang đậm kỷ niệm thời thơ ấu của cô về Hà Nội.
Thức tỉnh là tác phẩm đầu tay của Line Papin, nữ nhà văn trẻ nhất của làng văn học Pháp trong mùa sách 2016-2017. Lấy bối cảnh ngay chính tại Hà Nội, cuốn tiểu thuyết kể về bốn người ngoại quốc trẻ tuổi lạc lõng, mê man và cuối cùng thức dậy trong nỗi bàng hoàng về thực tại.
Sự thức tỉnh của người trẻ
Anh, một người Pháp phục vụ bàn tại một nhà hàng Pháp giữa lòng Hà Nội, chán chường với cuộc sống, với tình yêu, đến mức hít thở thôi cũng trở nên nặng nhọc. Trong suốt cả câu chuyện, tên của anh ta không được nhắc đến dù chỉ một lần, tất cả sự hiện diện chỉ được kể lại qua đại từ “tôi”, “anh” hoặc “anh ấy”.
Cuốn tiểu thuyết Thức tỉnh của Line Papin
Juliet, cô con gái quyền quý trong gia đình đại sứ Australia tại Việt Nam có vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp, thơ ngây thì lại khao khát tự do, đã trúng tiếng sét ái tình với Anh ngay trong lần gặp đầu tiên tại bữa tiệc. Và cô cứ thế đi theo Anh về nhà, níu lấy đôi bàn tay Anh để đi khám phá hết miền đất xô bồ chốn đô thị, khác xa với khu đoàn ngoại giao yên tĩnh, sang trọng mà cô đang cư trú.
Raphael, một người bạn của Anh, cũng mang quốc tịch Pháp, luôn là người tỉnh táo nhất trong tất cả sự chán chường, là người sẽ đưa ra những cách giải quyết thỏa đáng nhất, dẫu kể Anh chẳng bao giờ nghe theo.
Và cuối cùng là Laura, một cô gái trẻ đầy phóng khoáng, đi vòng quanh thế giới để rời xa sự bí bách của cha mẹ áp đặt lên cô, đã tìm thấy Anh trong một cơn say mặn nồng. Nỗi cô đơn đã gắn kết họ lại, cho nhau hơi thở và niềm vui ngắn ngủi.
Những con người ấy chưa bao giờ hội ngộ đủ bộ tứ, xuất hiện đứt quãng trong hai khoảng thời gian quá khứ và hiện tại. Nhưng sự có mặt của mỗi người bổ sung khiếm khuyết cho những người còn lại, sự tiếp xúc và mối quan hệ giúp họ thức tỉnh và thoát khỏi ảo tưởng ban đầu về cuộc sống.
Với Juliet, đó là danh tiếng và mối quan hệ trong một gia đình đại sứ. Với Raphael là niềm tin về sự tỉnh táo. Với Laura, đó là mơ ước về một bến bờ hạnh phúc. Và cuối cùng với anh, đó là Laura, là Juliet, là tình yêu.
Hà Nội, nhân vật thứ năm
Trong một bài phỏng vấn về cuốn sách Thức tỉnh, khi được hỏi tại sao lại chọn Hà Nội làm bối cảnh của câu chuyện, Line Papin đã trả lời rằng, bởi đó là mảnh đất cô sinh ra và lớn lên trong suốt 10 năm đầu cuộc đời, cô muốn lưu giữ lại mọi ký ức về Hà Nội trong trang viết của mình.
Cuốn sách Thức tỉnh được xuất bản tại Pháp nhận được hai giải thưởng: Tiểu thuyết đầu tay (Premier roman) và Thiên hướng (Vocation)
Hà Nội hiện ra không hề được tô vẽ màu hồng cho những người khách du lịch, không phải tiếng chuông ngân nga ở phố Nhà thờ, không phải mùa lá rụng vàng dọc khắp con phố, không phải màn sương trắng bảng lảng trên mặt hồ. Mà thay vào đó là cảnh hồ bơi Quân Đội đông đúc, chật chội, là những vỉa hè lát gạch đỏ hình nanh sấu cập kễnh khiến người ta dễ vấp ngã, là Công viên nước rác nổi lềnh bềnh, là khu chợ Đồng Xuân san sát những dãy hàng.
Một Hà Nội mà Line Papin cho độc giả Việt và độc giả Pháp thấy không chỉ dừng lại ở hình ảnh, mà còn là âm thanh, là hương vị rất đỗi chân thực. “Tiếng còi xe, tiếng động cơ, mùi thịt nướng, tiếng rao hàng của người phụ nữ đội rổ bánh mì nóng thay nón che đầu: “Bánh mì nóng đây!”… Đầy ắp những tiếng còi, tiếng rao hàng, tiếng la hét, không giống như tiếng la ở phương Tây, đây là những tiếng la bản năng, những tiếng la sinh tồn, những tiếng la hét thật sự, tinh khiết, mộc mạc, không phải là những tiếng la phát ra từ những thành phố ngăn nắp”.
Chính Hà Nội xô bồ ấy, kèm theo món kem chuối banana split, và món xôi ruốc vỉa hè đã khơi gợi cho bốn con người thứ cảm xúc mãnh liệt, đam mê khao khát tình yêu, tình bạn, sự trưởng thành và thức tỉnh. Hà Nội giống như một nhân vật thứ năm góp phần làm nên chất xúc tác giữa các nhân vật, giống như chính Juliet đã nói, “đất nước này thiêu cháy trái tim em”.
Tác giả trẻ gốc Việt Line Papin
Line Papin tên Việt Nam là Xuân Linh, sinh năm 1995 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức, cha là sử gia nổi tiếng Philippe Papin, mẹ là dịch giả Mạc Thu Hương. Ngay từ nhỏ, cô đã say mê viết truyện, làm thơ và tự vẽ tranh minh họa. Năm 2016, trong số hơn 500 cuốn tiểu thuyết xuất bản tại Pháp, giới phê bình đã chọn ra 5 gương mặt mới để vinh danh, trong đó đặc sắc nhất chính là cuốn Thức tỉnh (tên gốc: L’éveil) của Line Papin.
Thức tỉnh là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Line Papin được xuất bản khi cô vừa tròn 20 tuổi. Cuốn sách đã được độc giả và báo chí tại Pháp đánh giá cao và nhận được hai giải thưởng: Tiểu thuyết đầu tay (Premier roman) và Thiên hướng (Vocation). Cuốn sách vận dụng lối viết câu dài, kể chuyện quay vòng từ hiện tại hồi tưởng về quá khứ, rồi lại trở lại hiện tại với nhiều chiêm nghiệm kèm lẫn những xúc cảm, niềm day dứt tiếc nuối.
Với sức sáng tác dồi dào và nguồn cảm hứng bất tận, chỉ một năm sau khi ra mắt Thức tỉnh, Line Papin đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết thứ hai Toni, và cuốn sách gần đây nhất mang tên Les Os des filles xuất bản năm 2019.
Thu Hoài