Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ai là trí thức? – Nguyễn Hưng Quốc

Nguyễn Hưng Quốc

Ai là trí thức?

Trí thức (intellectual), với tư cách một danh từ, ở Tây phương, chỉ thịnh hành từ giữa thế kỷ 19; ở Việt Nam, càng muộn hơn, có lẽ chỉ từ thập niên 1920. Trước, để chỉ ý niệm tương đương với từ “trí thức”, người ta dùng nhiều chữ khác, chẳng hạn, trong tiếng Anh, có “man of letter” hay “scholar”, trong tiếng Việt, có “nho sĩ”, “sĩ phu”, “văn nhân”, hay, trung tính hơn, “thức giả”. Tuy nhiên, vấn đề không phải là xuất hiện muộn. Vấn đề nằm ở chỗ khác: Trong khi, ở Tây phương, khi xuất hiện, chữ “intellectual” mang một hàm nghĩa mới; ở Việt Nam, chữ “trí thức” dường như mang nguyên hàm nghĩa của các từ tương đương trước đó: Một, chỉ những người học rộng biết nhiều (thức giả); và hai, chỉ một thành phần xã hội chủ yếu sống với và sống bằng kiến thức. Hai hàm nghĩa ấy dựa trên hai tiêu chí chính: bằng cấp và nghề nghiệp. Theo hai tiêu chí ấy, ngày xưa, người ta cho xã hội gồm nhiều thành phần, trong đó, có giới gọi là “sĩ” khác với các thành phần khác (nông, công, thương); trong sĩ, người ta chia thành hai hạng: hàn nho và hiển nho. Hàn nho thường là những người không hoặc chưa đỗ đạt, sống chủ yếu bằng dạy học hoặc chữa bệnh, được biết dưới những cái tên như thầy đồ hoặc thầy thuốc. Hiển nho, ngược lại, là những người đỗ đạt cao, được bổ làm quan, vừa có tiền vừa có quyền lực.

Theo cách hiểu truyền thống, một y tá có thể không, nhưng một bác sĩ nhất định là trí thức; một thợ máy có thể không, nhưng một kỹ sư thì hẳn thuộc tầng lớp trí thức. Có một ngoại lệ: những người sinh hoạt trong thế giới chữ nghĩa. Một nhà văn hay một nhà báo có thể không có bằng cấp gì cả nhưng thường vẫn được xem là trí thức vì công việc của họ gắn liền với sách vở, nghĩa là với tri thức. Tuy nhiên, cái gọi là bằng cấp ấy lại thay đổi theo từng thời đại. Xưa, dân trí thấp, một người từng lều chõng đi thi, dù không đỗ đạt gì, vẫn được xem là trí thức. Thời Pháp thuộc, đỗ tú tài (tốt nghiệp cấp ba) là đã được bước vào ngưỡng trí thức. Ở một số vùng, cái mức này có thể hạ xuống ở bằng thành chung (tốt nghiệp cấp hai). Những người có bằng tiến sĩ ở nước ngoài về, như Nguyễn Mạnh Tường hay Phạm Huy Thông, thì không phải là trí thức mà là đại trí thức. Dù thay đổi mức độ của tiêu chí, nội hàm khái niệm “trí thức” ở Việt Nam, cho đến tận bây giờ, vẫn khá rộng: Nó bao gồm từ giới cầm bút (nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, phê bình) đến giới dạy học (từ giáo viên đến giáo sư) và tất cả những người hoạt động trong mọi lãnh vực cần bằng cấp như: luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, nha sĩ, nhà khoa học, nhà sử học, v.v… Tất cả đều được gọi dưới tên chung là lao động trí óc.

Ai là trí thức?
Bảo Huân

Nhưng khái niệm lao động trí óc cũng quá rộng. Ở Việt Nam, dưới ảnh hưởng của Liên Xô, xã hội được phân chia thành nhiều giai cấp khác nhau: Ở trên, thuộc thành phần thống trị, có tầng lớp quý tộc, tư sản và địa chủ; phía dưới, thuộc thành phần bị trị và bị bóc lột, có công nhân và nông dân. Ở giữa hai thành phần ấy, có một tầng lớp trung gian, gọi là trí thức tiểu tư sản. May mắn là những người cộng sản, ở một số thời điểm nào đó, vì không muốn đánh mất cái chất xám trong thành phần trung gian ấy nên ở đâu cũng coi họ là một đồng minh tốt. Chính vì vậy, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nào, cũng có ba tầng lớp được xem là nòng cốt, bao gồm: công nhân, nông dân và trí thức. Trong ba tầng lớp ấy, trí thức bị xem là bấp bênh và khả nghi nhất. Lý do là vì, một, về phương diện kinh tế, họ thuộc thành phần tiểu tư sản hơn là vô sản; về phương diện lịch sử, họ thường đi với giai cấp thống trị; và về phương diện ý thức hệ, họ thường bị sa đà vào lý thuyết, tách lìa quần chúng và thực tiễn, hơn nữa, dễ bị ngả nghiêng giao động khi đối diện với khó khăn hay thử thách. Chính vì thế, những người cộng sản vừa sử dụng trí thức lại vừa nghi ngờ và khinh rẻ trí thức. Cả Lenin lẫn Mao Trạch Đông đều xem trí thức như là… cứt. Ở Việt Nam, dường như không có nhà lãnh đạo hàng đầu nào ăn nói bỗ bã như thế. Nhưng cũng ít ai thực sự coi trọng trí thức. Họ xem trí thức, nói như nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, thời đầu đổi mới, như “con nít”, luôn luôn cần được nắm tay dẫn dắt và dạy dỗ. Tất cả những điều ấy làm cho giới trí thức nói chung vừa tự hào vừa tự ti. Tự hào về kiến thức của mình, nhưng lại tự ti về vai trò của mình trong xã hội và trong lịch sử. Để vượt qua mặc cảm tự ti, hầu hết đều tự nguyện đem hết tâm trí và sức lực của mình để phục tùng và phục vụ lãnh đạo, từ đó, hình thành lớp trí thức phò chính thống, nói theo ngôn ngữ của Phạm Thị Hoài.

Khi Ngô Bảo Châu, trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, cho“trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”, ông không nói điều gì khác ngoài tâm lý và tâm thế của một mẫu trí thức phò chính thống tiêu biểu ở Việt Nam. Lạ. Mặc dù học hành và làm việc ở nước ngoài khá lâu, Ngô Bảo Châu vẫn giữ được “tính dân tộc” rất cao, cả trong cách diễn dịch lẫn cách hành xử liên quan đến trí thức.

Nói như vậy cũng là nói, liên quan đến vấn đề trí thức, cách hiểu ở Việt Nam và ở Tây phương rất khác nhau. Khác nhau từ căn bản: định nghĩa trí thức. Nếu ở Việt Nam, người ta xem trí thức là những người có ăn học và lao động trí óc, thì, trong tiếng Anh, ví dụ, Từ điển Oxford giải thích, tính từ intellectual có hai nghĩa chính: một, liên quan đến tri thức (of the intellect); và hai, liên quan đến sở thích hoặc khả năng giải quyết những vấn đề thuộc tâm trí như nghệ thuật, ý tưởng vị ý tưởng hơn là những vấn đề thực dụng (of interested in or able to deal with things of the mind – eg the arts, ideas for their own sake – rather than practical matters). Xin lưu ý đến cụm từ “ý tưởng vị ý tưởng” ở trên. Trong cuốn Intellectuals and Society, xuất bản năm 2009, Thomas Sowell cho đó chính là yếu tính của trí thức. Ông cho trí thức là những người làm những việc liên quan đến ý tưởng: “Công việc của một nhà trí thức bắt đầu và kết thúc với ý tưởng” (An intellectual’s work begins and ends with ideas; tr. 3 & 283).

Trong hai yếu tố Sowell đã nêu, yếu tố sau quan trọng hơn yếu tố trước. Khác với loài vật, hầu như loài người lúc nào cũng bắt đầu công việc với một ý tưởng nào đó. Một thằng móc túi ngoài phố, chẳng hạn, trước khi đưa tay ra móc túi người khác, bao giờ cũng bắt đầu bằng một ý tưởng: móc túi. Cụ thể hơn, hắn sẽ nghĩ đến một kế hoạch móc túi thật nhanh và thật gọn. Hơn nữa, hắn cũng nghĩ cả đến kế hoạch thoát thân nếu bị phát giác. Đó là chưa kể, một cách tự phát, từ trong vô thức, hắn có hẳn một quan niệm sống: bất chấp đạo đức và liêm sỉ, miễn là có lợi, hoặc ít nhất, tồn tại. Nhưng không phải ai cũng kết thúc công việc bằng một ý tưởng, kể cả những người gọi là lao động trí óc. Ví dụ, với các kỹ thuật gia, ngay cả những kỹ thuật gia thiên tài như Bill Gates và Steve Jobs, kết quả cuối cùng của công việc không phải là ý tưởng mà là những chiếc máy vi tính cũng như các sản phẩm liên quan đến kỹ thuật vi tính. Tất cả các kỹ sư đều giống như vậy: kết quả cuối cùng của họ là máy móc. Những người làm việc nhắm đến cái gì khác ngoài ý tưởng như vậy nhiều vô cùng, bao gồm phần lớn những người lao động trí óc: với các bác sĩ, đó là việc trừ và phòng bệnh; với các nhà kinh doanh, đó là lợi nhuận; với các chính trị gia, đó là các chính sách và quyền lực; với các nhà kỹ nghệ, đó là sản phẩm. Theo Sowell, tất cả những người ấy đều không phải là trí thức. Ngay cả phần lớn những người thuộc giới hàn lâm hay truyền thông, những người hầu như cả đời chôn vùi trong sách vở với các ý tưởng, cũng không hẳn là trí thức: Thường, họ là những kẻ tiêu thụ ý tưởng (consumers of the ideas of intellectuals) hơn là những người sản xuất ý tưởng. Họ có thể thuộc giới trí thức (intelligentsia) nhưng bản thân họ chưa chắc đã là trí thức (intellectual) (tr. 5). Tôi đồng ý với sự phân biệt của Sowell, tuy nhiên, tôi vẫn coi những người tiêu thụ ý tưởng là trí thức: những trí thức bình dân. Trong khi những người “sản xuất” ý tưởng là những trí thức thực sự; một số người trong họ, có ảnh hưởng sâu sắc trong cộng đồng: Đó là những trí thức công chúng (public intellectual).

Như vậy, khái niệm trí thức ở Tây phương – qua sự đúc kết của Thomas Sowell – rất hạn chế. Theo cách hiểu đó, hầu hết những người Việt Nam chúng ta quen gọi là trí thức đều không phải là trí thức, đặc biệt, trí thức công chúng.

Kết luận ấy hẳn sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng không bắt đầu như vậy, mọi cuộc tranh cãi về trí thức và nhiệm vụ của trí thức biến thành nhảm nhí.

Nguyễn Hưng Quốc
Trích từ tác phẩm: Những bài viết về chính trị

 

Leave a comment