Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ngựa Nản Chân Bon – Tựa của Võ Phiến

Võ Phiến

Ngựa Nản Chân Bon - Tựa của Võ Phiến

Nguồn: https://nguyenmonggiac.com/truyen-ngan/ngua-nan-chan-bon/387-ngua-nan-chan-bon-tua-cua-vo-phien.html

Bìa sách “Ngựa Nản Chân Bon”

Một buổi chiều trung tuần tháng chín năm 1983, Lê tất Điều gọi từ San Diego để báo vội vàng một tin tức: Nguyễn mộng Giác viết truyện hay quá trời .

Điều vẫn thế, lúc nào cũng tốt bụng, cũng phấn khởi, cũng sốt sắng với văn nghệ. Mặc dù đang thất nghiệp, đang kêu nản lòng với bút mực, nhưng luôn luôn theo dõi sát các hoạt động văn nghệ đó đây của anh em, và hễ chợt bắt gặp một thành công của bất cư ai đều hớn hở reo vui, vui cả trên đường dây điện thoại viễn liên .Truyện của Giác viết hay, tôi đã biết từ lâu, không phải vì tôi tinh hơn Điều hay bám sát tình hình kỹ hơn Điều, dĩ nhiên ; mà bởi vì tôi là người đồng hương của Giác. Ở cái tỉnh xa xôi của chúng tôi -xa Huế kinh đô cũ, xa Sài gòn thủ đô mới – số người dự vào việc văn nghệ chẳng được là bao, nên những kẻ cầm bút ai nấy đều gần gũi nhau, và khi cùng rời tỉnh nhà vào Sài gòn sinh sống, thì lại càng thân thiết , xem nhau như cật ruột. Chúng tôi theo dõi từng tác phẩm của nhau ngay từ trong bản thảo .

Nhân cú điện thoại của Lê tất Điều, tôi nhớ lại một câu chuyện xảy ra chín năm về trước ở Sài gòn, cùng liên quan đến Nguyễn mộng Giác, đến việc Giác viết hay . Hồi đó, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam chọn trao giải thưởng năm 1974 cho cuốn truyện dài Đường Một Chiều của Nguyễn mộng Giác. Lúc bấy giờ Hoàng ngọc Tuấn đang bị kẹt ngoài Trung đã làm một việc chưa từng thấy trong đời văn của Tuấn và trong lịch sử các giải thưởng văn chương ở ta : là từ ngoài Trung kêu lên ơi ới , tưng bưng tán thưởng . Thực vậy , Hoàng ngọc Tuấn đã gửi một lá thư “chào mừng” thật dài cho Hội Văn Bút Việt Nam ,lá thư được đăng tải trên các báo, khen Hội có tinh thần thưởng ngoạn và thẩm định Văn chương rất tinh tế , rồi lại phát huy thêm nhiều ưu điểm của tác phẩm trúng giải mà Hoàng ngọc Tuấn xác nhận đã đọc bản thảo, và nhiều ưu điểm của Nguyễn mộng Giác.

Ở đây tôi không có ý nêu lên cái việc Nguyễn mộng Giác được người này người kia trong văn giới yêu thích ; tôi chú ý đến chỗ sự yêu thích có pha mừng rỡ, đôi khi lại có lẫn chút ngạc nhiên. Tại sao vậy ?Sự thành công có gì bất ngờ ? Nếu Giác có địa vị ổn định rồi thì đã không có cái reo mừng nọ . Nghĩ đi nghĩ lại, thấy quả thực trong trường hợp của Nguyễn mộng Giác có điều thiệt thòi bất công : Giác đã không được chú ý rộng rãi và nhanh chóng xứng với tài mình .

Và như thế do nhiều lẽ .

Thứ nhất là do tình hình. Giác xuất hiện giữa lúc chiến cuộc đang hồi gay cấn, nước nhà lâm tình trạng rối ren. Tôi gia nhập sinh hoạt văn nghệ trước đó chừng mười lăm năm, và ngẫm lại bấy giờ mình đã may mắn được hưởng một hoàn cảnh thuận lợi : Sau hiệp định Genève, người ta có một cảm tưởng an lạc thái bình, ít ra trong vòng bốn năm năm đầu. Trong không khí lạc quan xây dựng, dư luận dễ dàng chú ý đến từng tác phẩm văn chương đặc sắc, từng bài thơ hay, câu ca đẹp, đến sự xuất hiện của mỗi một văn thi sĩ độc đáo. Mười năm sau đến thời của Giác, ôi thôi thật là tơi bời…hỗn mang. Các chính phủ dựng lên sập xuống đều đều, rụp rụp ; quân đội ngoại quốc đổ vào ào ạt, đảo lộn cuộc sống xã hội, nề nếp văn hóa; rồi Mậu Thân, rồi Mùa hè đỏ lửa, rồi lạm phát phi mã v.v..Con người bị xô đẩy dồn dập, chịu hết đòn chính trị quân sự đến đòn kinh tế đòn văn hóa, tối tăm cả mặt mũi , còn tâm trí đâu mà thưởng ngoạn văn chương với nghệ thuật. Câu thơ hay không xúc động bằng quả hoả tiễn nổ đánh ầm giữa khu phố chợ Vườn Xoài, cuốn sách lạ không làm giật mình bằng cái tin cổ thành Quảng Trị thất thủ, bằng tin giá xăng bất ngờ vọt lên giữa ngày mồng hai Tết v.v..

Trong cảnh bát nháo ấy phải là một cái gì thật giật gân mới mong được dư luận chú ý đến, mà văn chương. của Nguyễn Mộng Giác không phải là thứ văn giật gân. Ồ không! Giác không nhằm giật gân giật cốt ai cả. Giác viết những điều thật tinh tế giữa một thời thật náo nhiệt. Và cái này đưa chúng ta sang một chuyện khác.

Vào giai đoạn cuối, trong chết chóc hỗn loạn, miền Nam đã tự tìm cho mình một xu hướng văn chương thích hợp với hoàn cảnh: thứ văn chương tiêu khiển. Đàn ông đọc Kim Dung, đàn bà đọc Quỳnh Dao, rồi thiên hạ xúm nhau đọc truyện trinh thám gián điệp, đọc truyện hãi hùng thời Đức Quốc Xã, truyện ma quái hồ ly, đọc Lê Xuyên, Lệ Hằng, Nguyễn thị Hoàng mê ly, đọc mải miết, đọc say sưa trên báo hàng ngày, rồi thuê sách về mà đọc. .. Đây là thời kỳ của sách cho thuê. Sách thuê phải là thứ sách đọc ào ào rồi trả. Còn những thứ cầu kỳ điêu luyện thì không thể đọc thuê; những thứ ấy không phải của thời kỳ này. Cho nên cùng với hiện tượng sách cho thuê đã xảy ra hiện tượng sách Con Đuông. Sách Con Đuông là thứ sách không in, mà chỉ “thực hiện ” mấy chục bản đặc biệt để tặng một số giới hạn văn hữu chọn lựa mà thôi. Sách Con Đuông phần nhiều là thơ, lắm tập của những thi gia nổi tiếng từ lâu. Độc giả VN không phải lúc nào cũng chê thơ, ai cũng biết. Trong văn học sử Việt Nam đã từng có thời thơ được in đi in lại, thơ là con đường vương giả tiến lên đài vinh quang mà mọi tao nhân mặc khách đều ao ước. Nhưng đến đây thì tiếng nói thanh tao đành bị tiếng đại bác át hẳn.

Dĩ nhiên không thể nói trong giai đoạn sau ở miền Nam chỉ toàn sách xoàng. Không ai ngông cuồng rồ dại nói điều nhảm nhí như thế. Thời nào cũng có người tài, chỉ có xu hướng đổi khác. Đổi theo hoàn cảnh. Và người tài phần lớn cũng phải theo cái xu hướng của thời thế. Người kém viết sách tiêu khiển lảm nhảm: người tài viết hay, nhưng cũng liệu làm sao cho có thể tiêu khiển được thiên hạ thì “tiện ” hơn. Nhiều nhà văn tiếng tăm lớp trước, khi đổ ra viết truyện dài đăng nhật trình cũng chọn lối này. Ngay người bạn Hoàng Ngọc Tuấn, tài hoa bay bướm là thế mà sách của anh thuê về đọc ngốn đọc nghiến cũng thú ra phết. Duy Nguyễn mộng Giác thì không vậy.

Hãy nghe Hoàng Ngọc Tuấn nói với hội Bút Việt về cuốn Đường một chiều: “Theo tôi, đó là một tác phẩm được sáng tác rất công phu. Say sưa mà vẫn thận trọng, đầy cảm hứng mà vẫn tiết chế, cô đọng bằng một kỹ thuật cao và khéo léo; nội dung chứa đựng nhiều ý tưởng phong phú mà hình thức vẫn gọn gàng lôi cuốn”, và về truyện của Nguyễn Mộng Giác nói chung: “Truyện của Nguyễn Mộng Giác thường đặt ra cho người đọc những câu hỏi, tác giả không trả lời, chính mỗi người chúng ta, nếu chúng ta là những độc giả không ngại phải băn khoăn suy nghĩ khi đọc sách thì chính mỗi người trong chúng ta sẽ tự tìm lấy câu trả lời riêng cho chính mình. “

Thay mặt Hội Đồng Tuyển Trạch, Phạm Việt Tuyền nhận xét về tác phẩm được chọn thưởng, cho rằng “tình tiết rất hấp dẫn” (…) “khi đã xảy ra thành sự kiện thực tế rồi thì vẫn còn tạo bâng khuâng triết-lý như tách trà thơm ly rượu ngon đượm thêm tình nặng nghĩa sâu”(2)

Những chỗ ngợi khen xin vì đức khiêm tốn của Giác mà không nhắc đi nhắc lại, chỉ xin chú ý đến mấy điểm mà hai vị Hoàng và Phạm cùng “nhất trí” với nhau về Giác: ý tưởng phong phú, băn khoăn suy nghĩ bâng khuâng triết lý, đặt ra những câu hỏi v.v… Các điểm ấy chính Nguyễn Mộng Giác cũng gián tiếp xác nhận khi trả lời cuộc phỏng vấn của tạp chí Bách Khoa: “Các nhân vật của Kim Dung từ Trương Vô Kỵ cho đến Tiêu Phong, Lệnh Hồ Xung, đều đã xông pha, đã dấn thân theo cách riêng của mình, nhưng cuối cùng đều phải băn khoăn y như nỗi băn khoăn của Lệnh hồ Xung khi thấy Lâm bình Chi sử dụng Tịch tà kiếm pháp” (3).

Thành thử trong giai đoạn thời thế hỗn mang, người đời mong giải trí bằng cái gì nhẹ nhàng phù phiếm một chút thì Nguyễn Mộng Giác lại miệt mài với những suy tưởng băn khoăn triết lý, làm “vất vả” cả người viết lẫn người đọc. Vì thế đã biết Giác, ai cũng quí Giác, nhưng biết Giác không phải là khối quần chúng rộng rãi. Vì thế, lâu lâu lại bất chợt có sự mừng rỡ vì Giác được biết, được yêu thích.

***Tại sao chọn con đường heo hút cô quạnh như thế mà đi? Giác từng nói đến sự khác biệt giữa thế hệ mình và các thế hệ trước: Kẻ đi trước có niềm tin, tin ở xã hội, ở ngày mai, ở sức mạnh tri thức tiểu tư sản, tin ở sức mạnh của Miền Nam, ở chính nghĩa chống cộng v.v… Đến thế hệ sau 1960, thế hệ của Giác, thì mọi niềm tin đều sụp đổ, chỉ còn lại một cảnh bơ vơ hoang mang. (4) Do đó mà suy tư triền miên.

Quả có thế. Nhưng trong cảnh bơ vơ tinh thần nọ, người bạn Hoàng Ngọc Tuấn cứ phơi phới, Nguyễn thị Hoàng thì tuy xài dồn dập rất nhiều chữ nghĩa triết lý nhưng không ai dám bảo là thường hay suy tưởng, và Nguyễn Đình Toàn và Duyên Anh và bao nhiêu kẻ khác không mấy khi đặt ra những câu hỏi không lời giải đáp như Giác. Nỗi hoang mang của cả một thế hệ như dồn cả vào một số người nào đó thôi, một số không nhiều. Trong đó có Giác.

Nghĩ đến Giác, đến cái số những người thường âm thầm băn khoăn cái băn khoăn của thiên hạ, hoang mang cái hoang mang của thiên hạ, tôi chợt bâng khuâng nhớ về chỗ quê hương của mình, của chúng tôi.

Hãy khoan! Xin đừng ai vội nhếch miệng cười, cho rằng lại sắp có vụ nhắc đến những tên tuổi anh hùng lừng lẫy nọ kia của địa phương. Chúng tôi biết mình chẳng thừa kế được nét hào hùng nào của ai cả. Anh hùng là những trường hợp bất thường, rất ít dính líu đến chúng ta. Bây giờ, lưu lạc tha hương, chúng tôi nhớ về quê cũ là nhớ đến những cái gì thật tầm thường, quen thuộc thôi, đến cảnh ruộng vườn nhà cửa, đến bà con chòm xóm, bạn bè thân thuộc mà thôi.

Và những hình ảnh bạn bè hiện ra trong trí nhớ sao hầu hết đều có gì hao hao giống… Giác! Xin chọn một người không đến nỗi xa lạ với phần đông bạn đọc: Quách Tấn.

Tôi gặp ông lần đầu ngày còn là một đứa học trò trung học bốn mươi năm trước; và cho đến khi tôi trông thấy ông lần chót trước lúc ra đi, ông đã ngót bảy mươi, vẫn còn giữ nguyên một cái cười ấy: cười như trẻ thơ. Ông có già mà cái cười không già; ông là một lão nhi. Trẻ thơ đây không phải là vô tư lự. Không ai có thể bảo con người từ thuở thanh niên đã làm những bài thơ cực kỳ cô đọng trong Mùa Cổ Điển, con người trải qua bao cuộc thăng trầm của nước nhà đã bao lần vào tù ra khám, đã khóc cho những thảm cảnh xảy ra trên đất nước và ngay cả trong gia đình, rồi đau ốm, rồi mang cố tật trong tuổi già quạnh quẽ, con người như thế lại vô tư lự. Cái cười của Quách tiên sinh có vẻ trẻ thơ chỉ vì trông nó lành quá sức lành. Trong cái cười ấy, người ta thấy rõ trước mặt mình một kẻ hoàn toàn vô hại, không có chút mưu chút mẹo nào hết trơn. Một kẻ thàng.

Thàng là chữ Nguyễn Mộng Giác đã dùng trong một bài viết về tôi trên một số Văn đặc biệt (5). Thàng cũng là tiếng riêng của địa phương. Ngoài vùng Bình Định Phú Yên ra, tôi chưa hề nghe nơi nào khác dùng tiếng này. Thàng là chữ riêng của người Bình Định, và cũng là chữ riêng để mô tả người Bình Định. Thàng, cũng nói là thàng hậu; thàng hậu nghĩa gần như hiền hậu, nhưng còn đi xa hơn hiền hậu nữa kia, vì nó có khả năng mô tả, hiền hậu thì không. Hiền hậu, thực thà là một đức tính, một nết hay; thàng hậu còn là một vẻ người hiển hiện ra bên ngoài, trông rõ mồn một. Người thàng, thàng từ tiếng cười, giọng nói, nét mặt, thàng đi. Mà người thàng thì trời ơi, trong trí nhớ của tôi, tôi mường tượng mọi người Bình Định đều thàng hết: anh Ba, chị Bốn, ông Bảy, bà Năm, cô Tư, cậu Tám v.v… Hết thảy, không ai là không thàng. Muôn người như cùng một vẻ, một giọng.

Tôi nhớ vào khoảng năm 73, 74, ở chỗ cuối đường Nguyễn Thông có cái chợ trời nhóm hàng ngày bán đồ Mỹ, một buổi chiều nào đó tôi đang lội ngược lội xuôi giữa đám đông để tìm một món hàng, chợt nghe nổi bật lên một câu nói ngắn giọng đàn bà trong vắt! Tôi giật bắn người, quay lại, đảo mắt tìm nhớn nhác. Tôi lầm sao được? Trong khắp năm mươi tỉnh của Miền Nam, có nơi nào người ta nói cái giọng nói phẳng bèn bẹt, ngang tuột ra như thế? Quả nhiên, tiếng nói lại cất lên lần nữa, và tôi nhận ra ngay một người đồng hương đang lom khom mặc cả. Trông nó lạc lõng quá chừng. Dáng người ấy, nét mặt ấy, giọng nói ấy, quê mùa thàng hậu – tôi tưởng tượng nó dính liền với đồng ruộng, với những cảnh chợ làng chợ huyện ngoài ấy; một người đàn bà Bình Định, rặt Bình Định thuần túy như thế len lỏi làm gì ở chỗ chợ trời Nguyễn Thông tạp nhạp tứ chiếng giang hồ này? Người BìnhĐịnh ít khi rời khỏi làng mạc, chỉ sau này cảnh bom đạn ác liệt quá lắm mới đánh bật gốc nổi họ, đánh văng họ tản mác thế này. Mấy tiếng nói ngắn ngủi nổi lên lạc loài ở một góc đường đô thành, ngay trên đất nước mình, cũng làm cho tôi bồi hồi xúc động, ngẩn ngơ, huống hồ…

Nghĩ rằng một nhà văn viết về nước Mỹ không thể chỉ biết nước Mỹ trên bản đồ, trên sách vở, mà phải đến từng nơi nhìn tận mắt núi Mỹ, sông Mỹ, nghe tiếng chim tiếng gió, ngửi cái mùi đất mùi cỏ của nước Mỹ mới gọi là biết, cho nên vào năm năm mươi tám tuổi già, John Steinbeck một người một chó lên đường đi chu du khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Sau khi nhìn, nghe, ngửi nước Mỹ xong, nhà văn bảo ông kính trọng nơi này, ngưỡng mộ xứ nọ, mến chỗ kia, nhưng yêu thì ông chỉ yêu có tiểu bang Montana. Tại sao vậy? Đừng hỏi tại sao. Tình yêu không thể cắt nghĩa được. Ông yêu, ông phải lòng Montana, thế thôi. Dù sao Steinbeck có nói đến cảnh núi non vắng lặng đồng cỏ mênh mông và giọng người nồng nàn, cái giọng duy nhất còn giữ nguyên đặc điểm địa phương vào thời buổi của truyền thanh truyền hình này.

Về giọng nói Bình Định một chiều nghe ở chỗ chợ trời đô thành, giọng nói ấy làm tôi xúc động vì nó không phải chỉ là một giọng nói, tôi cứ có cảm tưởng nó liên hệ với một khía cạnh tâm hồn, liên hệ sâu xa với cá tính địa phương. Ở xứ tôi nghe giọng nói, tôi nghe cả cái tính tình mềm mỏng uyển chuyển của người Huế, cái bộc trực hùng hổ oang oang của người Quảng, nghe cả cái thàng của bà con xóm diềng quanh tôi. Từ ngày đến cái xứ lạ hoắc này, mình đâu có đôi tai của John Steinbeck để phân biệt giọng nọ với giọng kia; tôi ngơ ngơ ngác ngác, bốn bề lờ-lịt một màu, mất đi biết bao là dáng vẻ phong phú.

Cũng trong một bài báo Văn nọ, Nguyễn Mộng Giác nói đến những con người trông thì “thàng” nhưng kỳ thực lại “dữ”. Lại quả có thế nữa. Người lành đâu phải là người ngây. “Tọa trung đàm tiếu nhân như mộc”, họ không nhiều lời, không hay bộc lộ. Đời sống của họ thu rút cả vào bên trong, vào nội tâm. Từng cá nhân riêng lẻ, lặng lờ, triền miên suy tưởng, mộng mơ, băn khoăn, thắc mắc, hoang mang, “đặt ra những câu hỏi không lời giải đáp”.

Tôi nghĩ đến những câu thơ đường luật tinh vi, điêu luyện, cô đọng rất mực của Quách Tấn ngày nào. Giữa thời buổi náo nhiệt của thơ mới đang khởi nghĩa, thời ấm ĩ của thơ bạch nga 12 chân v.v… câu thơ Quách Tấn riêng chiếc một mình, tự thu rút lại, im ĩm, lặng lờ, cô tịch… Quách Tấn mà Chế Lan Viên đại khái đã giới thiệu như một tâm hồn yêu hồ ghét bể yêu cái tĩnh ghét cái động, yêu cái im lặng ghét cái ồn ào xao xuyến.

Tôi nghĩ đến cái ánh trăng tràn ngập bến My Lăng của Yến Lan, cái ánh trăng mờ mịt ngút ngàn, ánh trăng mông lung phiếu diễu mà thu hút huyền bí như cõi tiềm thức, nơi tích tụ những cái “dữ” của lòng người. Cái ánh trăng vẫn ám ảnh mọi nhà thơ Bình Định như Hoài Thanh từng nhận xét. Ám ảnh như những kỳ bích của cõi tiềm thức thăm thẳm vẫn ám ảnh các tâm hồn đơn độc của những con người “thàng” ít lời ít lẽ.

Cái lành ở đây thật là dữ, cái im lặng ở đây thật nhiều lời, đầy thắc mắc, đầy “câu hỏi”.

Nhưng kìa, tôi có vẽ vời, lắm chuyện về miền quê của mình chăng? Bình Định là cái gì mà đặc biệt quá vậy? Mà như thể một ốc đảo xa khơi tách lìa khỏi các tỉnh lân cận? Mà như thể một xứ sở nào riêng biệt, có “hồn nước” riêng, có dân tộc tính riêng vậy?

Không đến nỗi thế đâu. Tuy nhiên nhiều phen tôi vẫn lặng lẽ thắc mắc, đặt ra những “câu hỏi ” về chỗ địa phương mình. Từ ngoài đi vào, Bình Định chỉ cách Quảng Ngãi một cái đèo Bình Đê thấp lè tè, cách mà như không cách, chứ đâu phải như cách đèo Hải Vân, đèo Ngang, đèo Ba Dội v.v… Thế mà bước qua khỏi cái lằn ranh nọ, lập tức người ta đi vào một khu vực ngôn ngữ khác: Bên này lằn ranh là mô, tê, răn , rứa, chừ, ni, nớ…; bên kia lằn ranh là đâu, kia, sao, vậy, giờ, đây, đó… Một thay đổi đột ngột như vậy phải gây ra ngỡ ngàng chứ? Suốt một giải đất dằng dặc năm tỉnh từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi không khác, mà đến đây chỉ bước qua một làng, vượt qua một lằn mức là đổi khác. Phải chăng bước đường Nam tiến đã tả ra không suông sẻ, đã gặp một vấp váp ngập ngừng nào đó.

Người Việt các tỉnh miền ngoài đi vào nam là cùng đi với nhau, kẻ sau nối gót người trước, đi liên tục. Đến lượt Bình Định thì tặt một cái, giống người bị cắt đứt, ngắt quãng. Người Bình Định rời bắc vô nam vào một đợt khác, một thời khác, từ một địa phương khác, nói thứ giọng nói khác, với những đặc ngữ khác…

Buổi đầu ngàn dặm ra đi vào đất mới trong hoàn cảnh như thế, sao cho khỏi thấy lẻ chiếc bơ vơ?

Những di dân đầu tiên vào Quảng Ngãi là gốc Nghệ Tĩnh; nhưng tổ tiên người Bình Định dường như không phải vậy. Họ được đưa thẳng từ bắc vào. Lắm gia đình Bình Định còn giữ được gia phả ghi chép về ông tổ quê quán từ ngoài bắc. Họ mang từ bắc vào những tiếng nói xưa và giữ lấy, dùng mãi trong khi người Bắc đã thay đổi mà họ không hay biết: đó là trường hợp tiếng NẪU, cái tiếng vẫn làm đề tài chế nhạo người Bình Định. Họ mang theo từ ngoài Bắc những cách phát âm xưa, rồi cũng giữ chặt lấy, rồi truyền dần vào Nam, trong khi ở ngoài bắc cách phát âm đổi khác mà họ không hay biết: họ vẫn còn nói “minh mông” trong khi người bắc đã đọc ra “mênh mang” (6) từ lúc nào…

Nguyên cách nói năng như thế, nguyên một tiếng NẪU, nguyên một chuyện không có răn, rứa, chừ, mô, đã khiến họ lạc loài, không “hội nhập” được với cộng đồng di dân lớp trước sống sát cạnh mình.

Ở Bình Định có câu hát:

“Trung quân vương Bến Đá trở ra
Hiểu phụ mẫu Bồ Đề trở lại”.

Bến Đá (hay Thạch Tân) là tên cũ của cái đèo Bình Đê vừa nói. Và Quách Tấn giải thích câu này như sau:

“Ngày xưa, người Bình Định, ngoài việc đi lính và đi làm quan, ít ai ra khỏi đèo Bến Đá” (7)

Ấy, sự giao tiếp giữa hai tỉnh giới cận Bình Định và Quảng Ngãi nó hờ hững như vậy đấy.

Ờ, mà lạ thật! Răn, rứa, chừ, mô… là tiếng mượn của dân Chàm? Tại sao khi đợt di dân đầu tiên vào tận kinh đô Chàm, tận thành Đồ Bàn, thì lại không còn tiếp nhận ảnh hưởng của ngôn ngữ Chàm nữa? Phải chăng từ thế kỷ 15 về trước, Chiêm Thành tuy có lúc yếu kém phải mất đất, nhường đất cho Việt Nam, nhưng họ vẫn còn là một quốc gia với nguyên vẹn chủ quyền độc lập, họ vẫn còn uy thế đủ sức phát huy ảnh hưởng văn hóa tại những vùng đất nguyên là của họ; về sau, sau cuộc thất thủ kinh thành Đồ Bàn, quốc gia Chiêm Thành sụp đổ, dân Chàm co rút lại trong mặc cảm, chờ đợi tàn lụi, tránh chung đụng với kẻ chiến thắng, cho nên lúc này lớp di dân mới không có trao đổi gì với người địa phương, không vay qua mượn lại ngôn ngữ của họ nữa?

Bị dân bổn xứ tại địa phương xa lánh, lại không mật thiết mặn mà với lớp di dân cũ, không liên lạc chặt chẽ với triều đình, không được quan quân bảo vệ, đời sống trong xã hội vừa định cư chưa được tổ chức tử tế, người dân Bình Định buổi đầu sống lẻ loi và vất vả: họ phải múa võ tự giữ lấy thân ở chỗ hoang loạn nhiễu nhương.

Đời sống biệt tịch nơi biên cương ấy là hoàn cảnh tạo nên những tâm hồn nội hướng, đầy e ngại, băn khoăn! Ôi, tâm hồn con người lẽ đâu đơn giản, dễ “cắt nghĩa” quá vậy?

Dù sao, giữa những kẻ đồng hương chúng tôi với nhau, mỗi khi gặp gỡ, có dịp nhìn lại những chỗ tương đồng, nhìn lại cái ấn son quê hương trên dáng vẻ, phong cách, tính tình, ngôn ngữ của nhau, chúng tôi không tránh khỏi cái cám dỗ ấy: là nhắc về Bình Định.

***Định tìm hiểu Nguyễn Mộng Giác, tôi đã nói về cái thời của Giác, lại nói về cái nơi của Giác. Hỏng cả! Ở giai đoạn cuối của văn học Miền Nam vừa rồi, có phải ai ai cũng viết như Giác cả đâu? Và ở Bình định có phải ai cầm bút viết văn cũng viết như Giác cả đâu ? Mỗi tâm hồn là một bí mật, mỗi tài năng là một bất ngờ. Phần chung của thời đại, của địa phương vẫn có một vai trò, nhưng cái phần riêng của mỗi người đâu phải kém quan trọng. Vậy nên bắt đầu một cách tìm hiểu khác: lần dò qua các tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác chăng?

Tôi đã dông dài mười mấy trang giấy rồi, mà độc giả tìm đến tập truyện này là vì Giác chứ đâu phải vì ai khác. Tôi không có quyền chen vào la cà, làm mất cả vui. Vả lại, tìm Giác qua tác phẩm thì chính là điều các bạn đang làm: Với tập truyện trên tay, mỗi độc giả đang tiếp xúc với tác giả, hà tất cần đến ai khác.

Chúng ta vừa nói chuyện tìm Nguyễn Mộng Giác qua tác phẩm. Ờ, mà tại sao không đi tìm tác phẩm qua Giác có phải thú hơn không?

Đề tựa tập Lửa Thiêng, hình như Xuân Diệu đã nhắc đến hình dáng, đến mái tóc của Huy Cận. Năm xưa, giới thiệu Lỗ Tấn với độc giả Việt Nam, Đặng Thái Mai đã mô tả nhà văn Trung quốc kỹ càng, vì cho rằng “Hữu ư trung tất hình ư ngoại”.

Ở Giác, tôi chắc chắn tất cả bạn bè Giác và những ai quen biết Giác đều nhận thấy cái hiện ra bên ngoài rõ ràng nhất là sự nghiêm chỉnh: nghiêm chỉnh ở nét mặt, cái nhìn, phong thái. Đó cũng là cái tính cách hiển hiện nổi bật từ toàn bộ trước-tác của Nguyễn Mộng Giác.

Giác đến với nghệ thuật bằng một thái độ hết sức đứng đắn, chân thành, cẩn trọng. Trong giới văn nghệ không khỏi có những trường hợp hoặc chọn đề tài thời thượng cho ăn khách tưng bừng mà chơi, hoặc tung ra một cái gì giật gân để các nhà xuất bản xúm nhau giành giật, để hốt bạc ào ào một chuyến, hoặc nghĩ ra lối viết cách nào cho các em chịu các em khoái v.v…

Ở địa hạt nào cũng có người tếu kẻ quấy. Giác không thế! Muốn biết Giác làm văn nghệ thế nào, chỉ cần đến đối diện với Giác thì rõ ngay. Chỉ cần nhìn vào khuôn mặt Giác, nói chuyện với Giác mấy câu, người ta hiểu ngay vì sao trong bao năm qua, mỗi tác phẩm của Giác ra đời đều là một công trình nghiêm chỉnh tìm về chân tướng con người, Suy nghĩ đào sâu một vấn đề của thời đại, của kiếp người v.v…

Con người cẩn trọng ấy rất từ tốn, nói ít và nhỏ nhẹ; Nguyễn Mộng Giác không dàn trải mình ra bên ngoài, không bộc lộ náo nhiệt. Cuộc sống thu lắng cả vào bên trong. Im ĩm, lặng lờ. Giác triền miên sống với một vấn đề, một ý tưởng, lúc nào như cũng đang lăn qua trở lại trong đầu một nhận xét, một băn khoăn. Trong lúc đôi mắt sáng quắc như chiếu xoáy vào từng người từng vật quanh mình, đôi mắt thật tinh tường sâu sắc không để thoát một chi tiết nhỏ nhặt nào. Tôi tưởng tượng sự khốn khổ của gã nhạc sĩ vĩ cầm (trong truyện ngắn Trở lại gánh xiếc) khi bị cái nhìn lặng lẽ, sắc mà lành của Giác theo đuổi đôi kim găm ở ống quần gã. Tôi tưởng tượng đến những ngày tháng gần cái chết của bà Lộc (trong truyện dài Đường Một Chiều), của các nhà văn học giả (trong truyện ngắn Ngựa Nản Chân Bon), tưởng tượng đến những oan khiên trắc trở xảy đến cho cô tham sự hành chánh (trong truyện ngắn Tố Chân), đến những nghịch cảnh trong xã hội miền Nam Việt Nam sau ngày 30-4-75 v.v…

***

Những sự kiện, những vấn đề như thế nằm trong chỗ sâu thẳm của tâm trí Giác, ở đó chúng không ngớt âm thầm, thao thức, trăn trở… Đôi mắt của nhà văn đối diện, lúc bấy giờ, bỗng dưng trở nên thăm thẳm, tưởng chừng như cặp đèn chong ngày đêm không tắt ở một chốn đài điện thâm nghiêm u tịch…

Có phải tôi đang nói về những khổ nhọc của sáng tác?

Không hẳn đâu! Bởi vì một nhân vật, một đề tài được tác giả miệt mài ấp ủ chầy ngày, qua một quá trình sáng tác thận trọng, chín chắn, thì một khi xuất hiện vào tác phẩm, nó lại cũng có sức hấp dẫn và ám ảnh độc giả rất lâu dài.

Thú thực, tôi đã từng bị lắm nhân vật và vấn đề của Giác bám lấy, đeo lấy tâm trí, ám ảnh mãi. Cho nên vừa rồi không hẳn chỉ là những khổ nhọc của Nguyễn Mộng Giác mà thôi, rồi đó cũng sẽ là nỗi khổ nhọc của những độc giả yêu Giác nữa đấy!

Võ Phiến
Los Angeles 11-83

__________________________________________________________

(1) Toàn văn lá thư đăng trên tạp chí Bách Khoa số phát hành ngày 20-12-74.

(2) (3) (4) Bách Khoa số ra ngày 2-12-74, trang 79.

(5) Văn, số ra ngày 1-8-1974 Sàigòn.

(6) Nguyễn Ngọc Bích và Đào Thị Hợi trong thiên khảo cứu “Những địa tầng ngôn ngữ trong lịch sử tiếng Việt” cho rằng theo xu hướng chuyển hoán nguyên ậm từ I sang Ê, từ Ô sang A thì Minh mông là cách phát âm xưa nhất, rồi đến Mênh mông, sau cùng mới đến Mênh mang.

(7) Quách Tấn, Nước Non Bình Định. Nam Cường xuất bản, Sài Gòn 1968, trang 26.

Leave a comment