Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nhìn Lại Một Chặng Đường – Nguyễn Mộng Giác

Nguyễn Mộng Giác

Nhìn lại một chặng đường

Nguồn: https://nguyenmonggiac.com/tap-chi-van-hoc/526-nhin-lai-mot-chang-duong.html

Nguyễn Mộng Giác

Văn Học số 45, tháng 11 năm 1989

Hồi ấy là khoảng cuối tháng Ba năm 1985, tại căn nhà của Hoàng Khởi Phong đường Dapplegray thành phố Garden Grove. Căn nhà của anh bạn nhà-thơ-kiêm-thợ-tiện mới mua. Và để đủ tiền trả cho nhà băng hằng tháng, anh đành phải biến nó thành một “trại tị nạn”. Nhà chỉ có bốn phòng hẹp nhưng mỗi phòng là nơi ở của một gia đình, nhân số lên đến 16 người. Gia đình tôi bốn người ở căn phòng 16 thước vuông gần cửa ra vào. Gia đình Cao Xuân Huy bốn người ở căn bên cạnh. Một gia đình từ đảo mới qua năm người chiếm căn phòng gần bếp. Nhà lúc nào cũng ồn ào, đi đâu cũng đụng phải người, y như quang cảnh các barracks trại tị nạn Galang.

Đã thế, bạn bè những người ở trọ lại thường xuyên lui tới, những ông bạn Mũ Xanh của Cao Xuân Huy, những bạn thơ của Hoàng Khởi Phong, những bạn văn của tôi. Cái bàn ăn đặt gần bồn rửa chén và bếp không lúc nào vắng người, tiếng cười tiếng nói làm cho bà người Mỹ hồi hưu ở bên cạnh phải thường xuyên kêu ca, than phiền.Cũng tại cái bàn ăn ấy, vào một chiều cuối tuần tháng Ba, chúng tôi ngồi đấu láo đủ mọi thứ chuyện đầu cua tai nheo. Tôi nhớ hôm ấy có tôi, Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy, Nguyễn Bá Trạc, Bùi Vĩnh Phúc, Phạm Quốc Bảo. Nhằm một lúc cao hứng, không nhớ ai đó đề nghị cùng nhau ra một tạp chí văn chương. Mắt mọi người sáng lên. Trời! Một tạp chí văn chương. Một tạp chí văn chương đúng nghĩa! Cuộc họp mặt tự nhiên hào hứng hẳn lên. Trước hết nói tới bài vở. Văn phải thế này mới là văn. Thơ phải thế kia mới là thơ. Phê bình nhận dịnh phải thế nọ. Phải giương cờ lên mà đi. Tạo thành gió thành bão. Mỗi trang chữ phải là hoa là lửa. Thôi thì bao nhiêu giấc mộng lớn giấc mộng con xổ ra hết, mạnh ai nấy nói, nói cho hả hê, nói không chán. Rồi bàn tới tên báo. Tôi nhớ Hoàng Khởi Phong ưa cái gì mạnh, muốn tên báo chỉ một chữ thôi. Nguyễn Bá Trạc khôi hài đưa ra một cái tên tôi không nhớ là gì, nhưng bị bác ngay vì thiếu nghiêm chỉnh. Cuối cùng, mọi người hiện diện đều tạm chấp nhận một cái tên vô thưởng vô phạt: “Văn Học”. Sau đó cũng bàn nhiều chuyện quan trọng nữa như cách trình bày thế nào, hình vẽ ra sao, thơ phải in trang trọng thế nào… rồi mới nhớ tới một điều ít quan trọng nhất: tiền đâu in báo? Không khí bớt hào hứng, gió bão đột nhiên lắng dịu. Mọi người đều trầm ngâm, hơi bẽn lẽn, như vừa bị kê tủ đứng vào giữa đôi môi. Nguyễn Bá Trạc khoe thân với rất nhiều bạn bè kinh doanh trên San Jose. “Moa nói một tiếng tụi nó cho quảng cáo cả năm!” Có Nguyễn Bá Trạc dọn đường, Hoàng Khởi Phong cũng khoe có thể vận động các business ở Bolsa để họ giúp quảng cáo. Bùi Vĩnh Phúc than không biết giới kinh doanh thương mại nhiều, nhưng hứa sẽ thử vận động các bác sĩ trẻ anh quen. Lấy giấy ra tính thử, tự ra giá biểu quảng cáo, dự thảo phí tổn in ấn: Rồi, dễ ợt! Chỉ cần xin mười trang quảng cáo là dư sức qua cầu. Mỗi người có mặt phải xin hai trang quảng cáo. Số đầu ra vào tháng Năm 1985. Việc bài vở, trị sự được giao cho tôi lo (Vì lúc đó tôi đang làm cho một tờ tuần báo nên thạo việc ấn loát báo chí hơn tất cả mọi người trên bàn nhậu).

Sau đó mỗi người một nơi, gặp nhau lại còn nhắc tới dự định ra báo, nhưng tránh nhắc tới chuyện xin quảng cáo để in báo. Hoàng Khởi Phong thú nhận xin quảng cáo cho một tạp chí văn chương không phải dễ như xin quảng cáo trên một tờ báo biếu. Anh đặt hết tin tưởng vào một ông bạn cũ bấy giờ làm chủ một loạt những tiệm đồ gỗ trên Los Angeles. “Thế nào hắn cũng cho một trang quảng cáo. Hắn đánh cá ngựa bạc vạn, một trang quảng cáo nhằm nhò gì”.

Hoàng Khởi Phong dành một chiều cuối tuần lên lận Los Angeles tìm người bạn cũ nhà giàu. Kết quả rực rỡ quá sức tưởng tượng, nên phải vội triệu tập số anh em đã họp bàn hôm trước, mời thêm một số bạn mới. Người bạn Hoàng Khởi Phong không những đồng ý cho quảng cáo, mà còn đồng ý chi tiền in báo mỗi tháng. Anh giải thích rằng lợi tức anh quá lớn, đóng thuế quá nhiều, anh đứng làm chủ tờ Văn Học trên phương diện pháp lý (còn bài vở nội dung thì các bạn cầm bút muốn làm gì thì làm) thì anh được trừ bớt thuế, anh không móc tiền túi giúp Văn Học mà là dành một khoản tiền thuế để phục vụ văn hóa. Nghe thật đã! Chẳng những thế, anh còn đề nghị bên bỏ tiền (gồm anh và người Hoa cùng hùn hạp làm ăn với anh) và anh em Văn Học nên gặp nhau để bàn cho rõ mọi điều, tránh những ngộ nhận về sau. Trời! Đúng là ông trời còn có lòng với văn chương! Một chủ nhật cuối tháng Ba, hai bên đã gặp nhau ở quận Cam, rồi kéo nhau xuống San Diego gặp Lê Tất Điều, vì cả hai phía đều muốn mời cho được anh Điều làm chủ bút. Nhà văn Lê Tất Điều và anh bạn bảo trợ tờ báo có ân tình cũ với nhau nên mọi việc càng dễ dàng hơn. Sau cuộc họp mặt hào hứng ở San Diego, lại thêm một tin vui khác: anh Điều đã điện thoại và nhà văn Võ Phiến bằng lòng đứng tên chủ nhiệm. Tên báo thì thay vì lấy một tên mới, tại sao không tục bản tờ Văn Học Nghệ Thuật của hai nhà văn uy tín Võ Phiến, Lê Tất Điều?

Mọi sự từ vấn đề tài chánh cho tới nhân sự, bài vở đều diễn tiến tốt đẹp. Tôi thạo việc xếp chữ, sửa bài và in báo, thích hợp với vai trò thư ký tòa soạn.

Khoảng đầu tháng Tư, việc thu thập bài vở và xếp chữ đã gần xong cho số đầu tiên thì tôi nhận cú điện thoại của anh bạn bảo trợ, cho biết vì lý do riêng anh quyết định không bỏ tiền làm báo nữa. Mọi người được tin, chưng hửng, không biết tính sao. Tôi là người bị kẹt nhất, vì đã đưa bài thuê người đánh máy, và ỷ y vào khoản tiền sẽ ứng trước của ông bạn quý để thanh toán cho người ta. Tin Văn Học Nghệ Thuật tục bản đã bay khắp mọi nơi, các bạn văn khắp nơi đã gửi bài về, bây giờ đột nhiên dẹp tiệm, coi sao được. Nhìn quanh, ai cũng nản. Tôi liều, hứa với nhà văn Võ Phiến và anh Lê Tất Điều là sẽ tự xoay sở để báo ra đúng hạn như đã quảng cáo. Tôi mới ở trại tị nạn qua chưa lâu, nhu cầu đời sống chưa nhiều, ăn ở sao cũng được, nên tôi nghĩ tiền làm báo thuê hằng tháng đủ để trả tiền in tờ tạp chí văn chương. Chẳng lẽ thời nào văn chương cũng cần trợ cấp mới sống?

Văn Học Nghệ Thuật bộ mới tục bản sau ba năm đình bản trong tình huống như vậy.

Trừ những vất vả về tài chánh do một mình tôi phải đương đầu, tờ báo được rất nhiều thuận lợi về mặt uy tín và bài vở. Văn Học Nghệ Thuật bộ mới được thừa hưởng uy tín của Văn Học Nghệ Thuật bộ cũ do hai nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Điều chủ trương, cộng thêm bài vở đóng góp của những cây bút mới tôi quen trong thời gian phụ trách trang văn học của tờ tuần báo. Có thể nói Văn Học Nghệ Thuật là chỗ gặp gỡ của người cầm bút Việt Nam hải ngoại thuộc nhiều thế hệ, nhờ vậy số người đọc gia tăng nhanh, gánh nặng tiền nong có nhẹ bớt phần nào. Số tiền bù lỗ hằng tháng dần dà giảm đi. Anh em trong ban chủ biên đều vui, vì mặc dù ra báo ở cái thế chẳng đặng đừng, nhưng báo vẫn ra, vẫn sống.

Tuy vậy, khó khăn vẫn chưa hết. Tờ Văn Học Nghệ Thuật bộ mới ra đời chưa đầy một năm, thì chính tôi lại bị làm mục tiêu của một chiến dịch chụp mũ, chửi bới, do tập 1 của bộ trường thiên Mùa Biển Động. Không khí tranh luận trên báo chí lúc đó đôi khi đi quá cái tiêu chuẩn khách quan ôn tồn cần có của văn chương. Nhà văn Võ Phiến và nhà văn Lê Tất Điều e ngại cho tờ báo, muốn tôi thôi làm thư ký tòa soạn. Đây là kỷ niệm buồn nhất trong đời viết văn của tôi. Một lần nữa, tôi bị đẩy vào cái thế chẳng đặng đừng. Văn Học Nghệ Thuật đình bản, và Văn Học số 1 ra đời, với những bạn văn chịu đứng tên vào ban chủ biên như một cách chứng tỏ thiện cảm và lòng tin cậy của họ đối với tôi. Thành thực mà nói, ngoài lòng đam mê văn chương, chính tự ái cá nhân đã là một động lực khác giúp tôi chịu đựng mọi khó khăn để giữ cho Văn Học sống cho tới ngày nay.

Văn Học ra đời trong một phút bốc đồng lãng mạn, và sống được cho tới nay vì lòng tự ái tầm thường và cái thế bất đắc dĩ? Tôi đã viết như thế sao? Không. Không. Nếu tôi đã viết thế nào để bạn đọc kết luận như vậy, là tôi đã quan trọng hóa mình quá nhiều. Nhất định không phải như vậy. Không có bài vở của các văn hữu tứ phương gửi về, Văn Học không thể sống tới ngày nay. Quá lắm tôi chỉ làm được một việc rất nhỏ: liên lạc với những bạn cầm bút, sửa chính tả, trình bày cho bài viết được in ấn trung thực, trang nhã đúng ý tác giả, phổ biến tác phẩm đó đến bạn đọc. Từ trước tới sau, Văn Học chưa hề trả nhuận bút cho tác giả, một điều đáng lý tờ báo nào cũng phải làm. Vào những giai đoạn tài chánh khó khăn, nhiều nhà văn uy tín còn lấy làm ái ngại cho sinh mệnh của Văn Học, đã gửi bài còn gửi thêm tiền đóng góp cho Văn Học. Nếu nói ân nghĩa, thì Văn Học chịu ân của không biết bao nhiêu bạn viết cũng như bạn đọc. Với hỗ trợ tinh thần lẫn tài chánh đáng cảm động ấy, đáng lý Văn Học phái ổn định. Sự thực không được như vậy. Cho đến số 44 vừa qua, chưa tháng nào việc thu chi của Văn Học được quân bình. Tiền bù lỗ hằng tháng tuy không nhiều, lên xuống tùy theo số tiền thanh toán của các hiệu sách và tiền độc giả gia hạn về nhanh chậm, nhưng nói chung chừng hai, ba trăm Mỹ kim. Có tình trạng đó do tôi yếu kém về mặt quản trị và giao tế.

Tờ báo in xong giá vẫn mỗi số là 1,5 Mỹ kim. Theo cách định giá thông thường của các nhà phát hành sách, mỗi cuốn Văn Học đáng lý phải 5 Mỹ kim (vì còn trừ tiền bưu phí và hoa hồng cho các hiệu sách). Giá báo không cao như giá sách vì báo có khoản phụ thu là quảng cáo. Nhưng tôi lại quá kém tài trong việc giao tế để xin quảng cáo. Nhiều chỗ tôi đã liều lĩnh đến xin quảng cáo cho Văn Học, khi bị họ nghiêm mặt từ chối, tôi đỏ mặt, ngượng đến cả tháng. Nhiều thân chủ thuận quảng cáo rồi không chịu trả tiền, tôi cũng loay hoay không biết phải đòi cách nào. Thì đành phải bù lỗ vậy. Chịu đựng như vậy bao năm nay. Cho đến lúc gần đây, tôi tự hỏi: Hay chính mình là trở ngại chính cho Văn Học phát triển?

Phải, với một người khác xông xáo năng động hơn, Văn Học sẽ thoát khỏi tình trạng trì trệ về quản trị. Cũng có thể Văn Học vì thiếu chất thời sự, quá nghiêm túc mà không mở rộng được số độc giả? Nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng rút lại, tôi tự thấy Văn Học cần một sinh khí mới cho một giai đoạn mới. Tôi đem tâm sự này ra bàn với một số bạn trong ban chủ biên, và hai anh Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy đã nhận tiếp sức tôi, thay tôi điều hành tiếp tờ Văn Học.

Bữa họp mặt cao hứng ở đường Dapplegray có Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy. Hai bạn đã chứng kiến từ đầu các diễn tiến của tờ Văn Học, thì nay các bạn góp tay tiếp tục duy trì, phát triển tờ báo. Và cũng như tôi, cả hai bạn đều biết rõ là nếu không có sự đóng góp thân tình của các bạn văn bốn phương, không có lòng yêu mến lâu nay các bạn đọc dành cho Văn Học, thì Văn Học không thể tồn tại. Văn Học không có gì đổi thay, Văn Học chỉ bước thêm một bước mới, đẹp hơn, vững hơn. Tôi tin như vậy.

Nguyễn Mộng Giác

( Văn Học số 45, tháng 11 năm 1989 )

Leave a comment