Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Kiều Mỹ Duyên – Chinh Chiến Điêu Linh – Trần Vũ

Trần Vũ

Kiều Mỹ Duyên - Chinh Chiến Điêu Linh

Nguồn: https://baotreonline.com/van-hoc/mien-nam-men-yeu/kieu-my-duyen-chinh-chien-dieu-linh.baotre

Kiều Mỹ Duyên

Tên thật là Nguyễn Thị Ẩn

Năm 1960 bà được học bổng sang Úc học ngành báo chí. Trở về Sàigòn bà bắt đầu viết phóng sự xã hội rồi phóng sự chiến trường cho nhiều nhật trình. Bà cũng giữ mục Người Yêu Của Lính và Thương Người Hậu Phương trên báo Công Luận. Năm 1976, bà vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1982, bà tốt nghiệp khoa Báo Chí, Chính Trị và Địa Ốc tại California State University of Fullerton.

Đã xuất bản: Chinh Chiến Điêu Linh và Hoa Cỏ Bên Đường.

Kiều Mỹ Duyên

Lời Giới Thiệu:

Thuở niên thiếu tôi loanh quanh trong Sàigòn là nơi sinh ra. Mỗi mùa Hè tôi đi xa nhất đến Vũng Tàu vì bố mẹ luôn sợ Việt cộng đắp mô đường sá. Những khi cầu Cỏ May gần Ô Cấp bị gài mìn là các chị em tôi đành du lịch …Thủ Đức. Quê hương xa xôi chỉ xuất hiện vô hình trên trang giấy. Tôi khám phá sau Biên Hòa đầy những địa danh vì Phan Nhật Nam dắt tay tôi vào những làng mạc của đất Mẹ. Tôi thuộc nằm lòng Dọc Đường Số Một, thuộc hết những tên ấp và các tên trại lính. Suối Rô, trại Polei Kleng, Dakto, Chu Pao, Ben-hét… Sao có những tên lạ lùng vậy? Chúng ở đâu? Tôi tìm trên bản đồ với ngón tay học sinh nhưng sẽ không bao giờ tôi kịp đi đến.

Sau 75, Sàigòn giống đang phong tỏa cúm Tàu lúc này. Các chốt chặn với xung kích phường đội và cách mạng 30 cùng khắp. Ngăn thôn quê mang rau cải, thịt thà vô phố xá. Mục đích bắt phải đi kinh tế mới. Buổi tối mặt đường đầy những manh chiếu cong queo ôm những thân người co quắp, vì vô gia cư, vì lý lịch nên bị đuổi nhà và vì đi kinh tế mới chịu không thấu đành quay về ngủ la liệt trên mặt đất. Đạp xe phải tránh những em bé lăn lóc. Ai du lịch khi ấy? Chỉ có ra biển Đông du lịch trại tị nạn.

Nhiều thập niên sau Kiều Mỹ Duyên đem tôi về khoảng thời gian sắp lớn. Tôi bắt gặp lại tâm tình mình những ngày tuổi nhỏ, ước ao ra những vùng hỏa tuyến, vào từng ngôi làng, đến các quận lỵ để được tham dự.

Phóng sự chiến trường của một nữ phóng viên khác ra sao so với bút ký của đàn ông quân nhân viết ngoài mặt trận?

Ba chữ nữ-phóng-viên tự thân đã gây tò mò. Vì sao phụ nữ không sợ súng đạn? Vì sao lao vào chỗ đầy địa lôi nơi trực thăng rớt hà rầm? Kiều Mỹ Duyên phải mang tánh khí mạnh mẽ, xông xáo và là týp phụ nữ hiện đại của miền Nam lúc đó. Bà đậu tú tài rồi sau khảo hạch nhận học bổng sang Úc học phân khoa báo chí. Kiều Mỹ Duyên trở về và thay vì ở thủ đô để trốn mặt trận, bà ra tiền tuyến gặp lính. Gặp dân chạy loạn. Để hy vọng còn nhìn thấy hy vọng trong mắt đồng bào mình. Một trái ngược làm nên chữ viết.

Bút ký của Kiều Mỹ Duyên không có tiếng “tách” khô khan khi tháo dây an toàn của ống phóng hỏa tiễn M-72. Cũng không có tính cách chuyên môn của một quân nhân đang chấm tọa độ gọi pháo binh. Không có các chi tiết mìn đĩa, mìn claymore định hướng hay phân tích chiến thuật đánh công kiên của Bắc-Việt. Cũng thiếu tiếng văng tục chửi thề hoặc những tiếng lóng quân đội rất thông dụng trong các đơn vị tác chiến. Vì là bút ký của một nữ phóng viên, không phải của lính tráng đàn ông viết nhật ký. Thiếu, nhưng đầy ắp thao thức dân sự của một phụ nữ đô thị về tỉnh lỵ và chứng kiến. Chiến Tranh.

Chiến tranh qua mắt nhìn của một phụ nữ Nam-Việt không sôi động xáp-lá-cà như trong bút ký của Huỳnh Văn Phú vì Kiều Mỹ Duyên không cầm súng. Nhưng tươi rói cảm xúc còn oi mùi lửa. Xúc động nhưng vẫn kềm cho chữ viết giữ được sự dung dị, và ưu điểm ở đây, ở tính cách từ tốn quan sát và chậm rãi ghi nhận khiến thấm lâu vào người đọc.

Những trang bút ký viết tay đánh mất rồi tác giả sao lục lại ở thư viện quốc hội Hoa Kỳ và cho xuất bản năm 1994 là một quý giá. Vì ghi lại tâm tình của quân dân miền Nam khi ấy. Trẻ giới thiệu lại một lần nữa Chinh Chiến Điêu Linh, với đồng ý của tác giả.

Chương nhập Buổi Chiều Trên Sân Bay Đà Nẵng là câu chuyện của tướng Lewis W. Walt với một cô bé có thể đang học ở trường Phan Bội Châu ở Sơn Trà, bên dưới sự rộn rịp rì rầm của một phi cảng quân sự. Vào đầu mùa Hạ năm 72.

Trần Vũ

Leave a comment