Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tủ sách Trẻ – Trần Vũ

Trần Vũ

Tủ sách Trẻ

Nguồn: https://baotreonline.com/van-hoc/trong-ham-ruou/tu-sach-tre.baotre

Sách là cầu nối giữa con người với xã hội, giữa hiện tại với quá khứ, đôi khi giữa hôm nay với ngày mai. Sách, với trẻ em càng quan trọng vì là sự vun bồi đi từ ngây thơ đến nhận thức. Sách cho trẻ nhỏ một thế giới riêng ngay trong gia đình, tuy nhỏ bé nhưng mênh mông trí tưởng và, giúp đứa bé quen với những gì không nắm được bằng tay mà bằng ý nghĩ. Sách, là cuộc du ngoạn. Sách thiếu nhi, khởi đầu hành trình.

Tháng 6 năm 2022 truyện dài Đu đưa trên ngọn cây bàng của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đoạt giải thưởng Khát Vọng Dế Mèn của báo Thể thao & Văn hóa. Là giải thưởng hàng năm dành tôn vinh các tác giả viết cho thiếu nhi.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy sinh năm 1980 tại Thái Nguyên, hiện sống tại Hà Nội và làm biên tập viên cho công ty Nhã Nam. Tác phẩm đầu tay là tạp bút Trong vòng tay mẹ, xuất bản năm 2021. Đu đưa trên ngọn cây bàng là cuốn sách thứ hai.

Với bạn đọc của tuần báo Trẻ, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy không xa lạ, là cộng tác viên thường xuyên đã từng góp mặt với các văn phẩm: Đọc Trư Cuồng của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Thị Hoàng – Nhà văn của bản ngã đam mê, Nhật ký Corona Hà Nội, Đọc Dịch Hạch của Camus, Kiểu gì Tết nó vẫn đến (tạp bút), Chích.. Chích.. (chuyện mâm gà luộc cúng Tết) v.v.

Đu đưa trên ngọn cây bàng là câu chuyện của một cô bé ở vào lứa tuổi ô mai, sinh sống ở một miệt quê không xa thị tứ. Bối cảnh nửa chợ nửa quê, không hoàn toàn đồng ruộng tuy vẫn có những luống rau, những ngọn đồi, những rặng phi lao nhưng cũng có phố không xa, xe máy với các cửa hiệu vun mơ ước. Thời điểm truyện ở vào lúc mới dứt Bao Cấp, đang Đổi Mới, vừa Mở Cửa, hết Cấm Vận tuy hãy còn thiếu thốn. Chính thời điểm ấy kết nối hy vọng vào với khốn khó.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, ảnh chụp ở Hà Nội, 2022 

Văn của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thoăn thoắt, đôi khi nghịch nghợm với cá tánh con trai rồi vụt ý nhị duyên ngầm. Tác giả biết giữ sự thành thật non nớt tự nhiên của một cô bé lên mười một. Đứng về cấu trúc, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy phác  họa nỗi niềm của cô bé với cha mẹ thành những trang nhật ký xen kẽ tạp kịch, đôi lúc là chuyện kể, khi khác như một thoáng hồi ức, lúc khác như một cảnh phim dã ngoại sống động. Chính cách thức thay đổi lớp lang liên tục này với nhiều hoạt kê, nhiều tình huống gây xúc động đã níu tay người đọc.

Ưu điểm khác, tác giả biết tách ra khỏi thể truyện đẫm tính tuyên truyền của các cô bé giao liên Mai Thị Sáu, nữ sinh anh hùng Trần Bội Cơ, nữ giao liên biệt động Trần Thị Thu Nguyệt mà báo Hà Nội Mới viết: “Lên 14 tuổi, Nguyệt đã tìm đường theo cách mạng. Từ cô bé giao liên chuyển thư từ mật, Thu Nguyệt chuyển vũ khí vào Sài Gòn và sau đó trực tiếp đánh Mỹ.” – để trả tuổi thơ về cho tuổi thơ. Đu đưa trên ngọn cây bàng là truyện của lứa tuổi Mai Bê Bi miền Bắc.

Khác biệt giữa truyện dài và truyện ngắn nằm ở đâu? Nếu thử tìm câu trả lời, bằng vào dung lượng lớn, truyện dài giúp quyến luyến nhân vật. Truyện ngắn, vì quá ngắn, người đọc chưa kịp sống đã hết truyện. Truyện ngắn làm bật lên một cảnh đời thái lát bằng dụng công kỹ thuật và thủ pháp nhưng không nhất thiết bằng sự tương giao với nhân vật. Đu đưa trên ngọn cây bàng là truyện dài, và trong thể loại này, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thành công khi làm người đọc bịn rịn với bộ ba Kiên-Thủy-Linh.

[Trần Vũ]

(Bạn đọc có thể đặt mua qua tusachtre.com, giá bán 5$ từ VN chưa cước phí)

Leave a comment