Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đỗ Lê Anh Đào: Văn chương là thăm dò và thám hiểm tâm tư của mình – Trần Doãn Nho

Trần Doãn Nho

Đỗ Lê Anh Đào: Văn chương là thăm dò và thám hiểm tâm tư của mình

Nguồn: https://vietluan.com.au/18933/do-le-anh-dao-van-chuong-la-tham-do-va-tham-hiem-tam-tu-cua-min/

Đỗ Lê Anh Đào là một cây bút trẻ hải ngoại thuộc thế hệ một rưỡi, tức là thế hệ của những người sang định cư ở Hoa Kỳ vào lứa tuổi thanh, thiếu niên. Nhanh chóng hấp thụ ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Hoa Kỳ, am tường tiếng Anh hơn tiếng Việt, nhưng cô thiếu nữ này lại viết văn và làm thơ bằng tiếng Việt, đăng tải bài vở trên các tạp chí văn chương Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn do Trần Vũ thực hiện, cô cho biết, “… tôi là người Việt (không phải người Mỹ gốc Việt), học nói tiếng Việt trước tiên, nên lòng kiên nhẫn của tôi với văn chương Việt Nam bao la hơn với văn chương Mỹ. Mục đích của tôi là tìm được sự cân bằng, mà không phải dung hòa cả hai.”

Chẳng lạ gì, cũng như nhiều nhà văn cùng hoàn cảnh, văn, thơ Đỗ Lê Anh Đào mang nét đặc biệt rất riêng của một người đứng giữa hai thế giới, vừa chứa đựng không khí của nền văn hóa cũ, lại vừa có tính cởi mở phóng túng của nền văn hóa mới. Đọc cô, tôi được đi sâu vào chiều sâu tâm hồn của một cô gái Việt đồng thời cảm thấy mình như trẻ hẳn ra vì cái bạo dạn, tươi tắn, mới mẻ, khác lạ của một thiếu nữ Mỹ. Đặc biệt hơn, Đỗ Lê Anh Đào lại có giọng văn, giọng thơ tinh nghịch, giễu cợt qua nhiều đề tài khác nhau, diễn đạt cái tâm thức đậm nét Mỹ trong một thứ ngôn ngữ Việt khá nhuần nhuyễn, tinh tế. Khi viết về tình dục, cô táo bạo một cách rất hồn nhiên, cụ thể nhưng không sống sượng; ngổ ngáo nhưng không sỗ sàng.

Đỗ Lê Anh Đào

Hãy đọc thử vài trích đoạn. Trước hết là thơ. Thơ cô dung dị, thoải mái, cụ thể, không gượng ép về cả vần điệu lẫn ý nghĩa. Diễn tả cảm giác của một cô gái Việt Nam so sánh với một cô gái Việt Nam khác cùng trang lứa, Đỗ Lê Anh Đào viết:

-Tôi không thích Michelle Trần

vì cô ta gầy ốm và xinh đẹp

(…)

-Tôi không thích Michelle Trần

vì tóc cô ngửi như mùi bánh flăng caramen

Rõ ràng là ganh tỵ. Ấy thế mà bài thơ dẫn đến một kết thúc khác, thật bất ngờ:

-Tôi không thích Michelle Trần

đứa con gái với đôi mắt lường gạt

khi nó nút lưỡi tôi trong nhà vệ sinh,

đôi mắt điêu trá

trở thành…

sáng tươi. (Cô Gái Xinh Đẹp)

Ấy, Đỗ Lê Anh Đào: nghe vui, ngộ nghĩnh, lại lạ nữa! Cũng giọng điệu từa tựa, ở một bài thơ khác diễn tả một cuộc tình tan vỡ, cô đưa đến một kết thúc cũng bất ngờ không kém:

“người tình nhắc tôi thường xuyên

phụ nữ Việt Nam tứ đức

công, dung, ngôn, hạnh

nhưng riêng anh thì vẫn lui tới mấy “quán  phê bikini” đều đều,

tự do ngâm mộ những  gái mặc áo dài may bằng loại vải “tơ mỏng,”

lặp đi lặp lại khen khoa học hiện đại biết cách  cấy  nhân tạo.

 “Em cũng nên đi sửa đi,” anh nói.

Cuối cùng thì chúng tôi chia tay.

Tôi cũng chẳng thèm tìm hiểu coi có phải vì ngực tôi lép hay không.

Tôi không bao giờ tự sửa sang mình cho thích hợp với đòi hỏi của đàn ông.

Đôi khi tôi cũng mặc áo lót, nhưng tôi không có ý định làm vợ.”

Bài thơ có cái tựa đề rất không-giống-ai, Đàn Bà Mà Không Mặc Áo Lót Là Không Biết Làm Vợ. Chữ nghĩa thì rất Việt mà ý tưởng lại đầy nét phóng túng kiểu Mỹ. Đúng như lời cô phát biểu trích dẫn ở đầu bài, “cân bằng” mà không “dung hòa” Việt-Mỹ.

Văn Đỗ Lê Anh Đào cũng hao hao thế, tinh nghịch, tếu, nhất là rất thực. “Món Quà” là một truyện ngắn, diễn tả mối quan hệ đồng tính giữa hai cô gái, một Việt một Tây Ban Nha; cả hai đều là nạn nhân của những vụ hiếp dâm. Truyện mở đầu bằng một lối viết trực tiếp, rõ ràng, không quanh co, rào đón:

“Juanita không phải loại con gái tôi thường mê. Nó ốm yếu, cao dỏng, không có nét cong của đàn bà. Hơn nữa ngôn ngữ nó thô tục, chữ trước chữ sau là nó chửi thề còn hơn thủy thủ. Lần đầu gặp nhau trong Nhóm Ủng Hộ Những Nạn Nhân Hiếp Dâm nó bảo tôi quá nhỏ nhẹ sau khi tôi ngồi nguyên buổi mà không nói tiếng nào. Theo Juanita thì những vết thương của nạn nhân phải trở thành lời, phải nói ra miệng thì chúng nó, cùng với thủ phạm, mới có thể chết đi được. Nó bảo tôi với nó là hai chị em khác mẹ cha, cùng lớn lên trong một cấu trúc gia đình, tôn giáo, chỉ là khác quốc gia khác ngôn ngữ.”

Cảnh quan hệ đồng tính nóng bỏng cũng được viết với lối văn tỉnh queo như thế:

“Đêm hôm đó tôi uống tám shot Patron Gold, khi say mềm trong tay Juanita, khum bàn tay trên bầu vú của nó, núm nó căng cứng, không biết vì rượu hay vì tay tôi nóng. Nó bảo nó biết vú nó nhỏ nhưng núm vú nó to, nó bảo tụi đàn ông ngu đần ích kỷ nên mới thích bầu vú, bầu vú không lớn lên hay nhỏ đi khi đàn bà sướng. Chỉ có đàn bà ô môi với nhau mới biết là núm vú là trung tâm truyền cảm.”

Cách viết như thế có thể làm một số người thuộc thế hệ thứ nhất dị ứng. Vì dám nói những điều đáng ra không nên nói. Thực ra, nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy, cô diễn tả chuyện đồng tính một cách rất hồn nhiên, chẳng khác gì diễn tả cảnh người ta uống một ly nước hay ăn một múi cam. Cô bảo, “Trong trường hợp của tôi, đúng thật tôi đã từng là một giáo dân Công Giáo, theo học những điều có thể gọi là “giáo dục lành mạnh.” Tuy nhiên, theo cô, “Tôi không nghĩ đời sống Hoa Kỳ thác loạn. Mỗi người đều có một quyền lựa chọn. Ở Hoa Kỳ, bạn cũng có thể lựa chọn để sống rất hiền thục. Ngay cả ở Las Vegas, thành phố được gọi là Sin City, thành phố của tội lỗi, vậy mà mới đây tôi đi ăn sáng ngồi cạnh hai mẹ con nói chuyện về đạo Tin Lành rất thành kính. Riêng tôi, tôi đã lựa chọn những điều hỗn loạn, vì những hoàn cảnh như vậy thách thức và quyến rũ tôi. Tôi cũng đã có nhiều lúc ở trong những hoàn cảnh rất êm đềm và lành mạnh, và tôi hoà nhập vào những hoàn cảnh đó cũng khá giỏi. Nhưng tôi cần sự phức tạp để có thể thưởng thức sự đơn giản, cần nỗi buồn để thưởng thức niềm vui.”

Như thế là đã rõ. Khác với quan điểm cho văn chương là phải thế này thế nọ, phải “:tải đạo,”… Đỗ Lê Anh Đào muốn khám phá những điều gai góc, bất thường trong cuộc sống. “Tôi tìm đến với văn chương, và nhất là với thơ, để tự thăm dò và thám hiểm tâm tư của mình, qua ống kiếng của một người khác,” theo cô, cũng trong cuộc phỏng vấn nói trên với Trần Vũ.

Trên đây là tâm tư của cô về cuộc sống ở Mỹ. Vậy cô nghĩ gì về đất nước, nơi gia đình cô đã bỏ ra đi?

Hãy đọc một trích đoạn trong bài thơ “Những Kẻ Sinh Sau”:

Tôi không trải qua thời đen tối

Chiến tranh, mất mát và lưu đày cùng viết lời tựa cho lịch sử tôi

Nhưng tôi chẳng thuộc khối những người đau khổ.

Nỗi hổ thẹn ám ảnh những kẻ sinh sau một tai ương

là sự xấu hổ câm lặng.

Không được nhắc tới

Không được viết ra.

Thường trực lẫn lộn giữa những hỗn loạn

giữa tái lập hiện hữu trên một đất nước mới,

Gánh nặng phải bảo tồn di sản

phải kể lại câu chuyện của những người cha,

Trong cuộc kiếm tìm và tranh đấu với sự chuyển dời

Căn cước của chúng tôi không được nắn bởi

Chiến thắng

Hay bi kịch

mà bởi những mâu thuẫn không tên

và cách phát âm bẩm sinh không chuẩn.

Thực là rối rắm! Những dòng thơ cho thấy thứ tâm cảm hết sức đặc thù của một cô gái khi qua Mỹ chỉ mới mười ba tuổi: chơi vơi và chới với giữa quá khứ và hiện tại, giữ tan nát đổ vỡ và ổn định, thành công. Bài thơ sau đây cho thấy nỗi nhức nhối và cảm giác chua chát của Đỗ Lê Anh Đào về sự bất công của lịch sử đối với ngày 30 Tháng Tư, 1975 và qua đó, đối với những người chiến bại:

“trang đầu của mạng tài liệu wikipedia ghi nhận:

ngày 30 Tháng Tư,

ngày Hoàng Hậu ở Netherlands

đêm Walpurgis ở một vài quốc gia Châu Âu

ngày Chiến Thắng của Việt Nam

lịch sử của những kẻ chiến bại

không có trong sách giáo khoa lịch sử Việt Nam hiện thời

không có trong sách giáo khoa lịch sử Hoa Kỳ

một trang mạng kiến thức miễn phí cũng không cung cấp

là thành phần thế hệ 1.5 của dân tộc Việt Nam lưu vong

tôi đi tìm nguyền gốc thay đổi tổ quốc ở đâu?” (Câu Hỏi Ngày 30 Tháng Tư)

Quả thực, dù được sống trong một xứ sở văn minh, giàu có và đầy cơ hội, nhưng nỗi đau đáu vê quê hương, đất nước, về những thảm nạn mà gia đình và những người thất trận phải gánh chịu sau ngày chế độ VNCH sụp đổ không bao giờ nguôi ngoai trong lòng thế hệ trẻ.

*

Đỗ Lê Anh Đào sinh năm 1979 ở xóm đạo người Bắc di cư năm 1954, Gò Vấp. Định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1992, lúc mới lên 13 tuổi. Theo học ngành tâm lý học ở đại học UCLA. Cô cộng tác với các tạp chí văn học Việt Nam hải ngoại như Nha Magazine, Hợp Lưu, Văn Học, Thơ, talawas.org, Viet Weekly. Ngoài việc viết truyện làm thơ và viết báo, cô còn trình diễn ảo thuật ở Las Vegas để thám hiểm tâm lý con người và thu nhập đề tài sáng tác.

Trần Doãn Nho

Leave a comment