Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Dưới bóng đổ của đế quốc – Nguyễn Hương

Nguyễn Hương

Dưới bóng đổ của đế quốc

David Harvey và The New Imperialism

71U4w0a2AdL

Ðầu thế kỷ 21. Tầm nhìn lịch sử của chúng ta mệt lả. Bao nhiêu thứ đã được tuyên bố cáo chung: từ thượng đế bị Nietzche cáo phó cuối thế kỷ 19, cho đến tư tưởng Khai Sáng thọ thương trong dòng phê phán chủ nghĩa hiện đại từ giữa thế kỷ 20, cho đến cả thời hiện đại giẫy chết trên tờ khai sinh của thời ‘hậu hiện đại’ lẫn lộn trong hằng loạt luận lý và danh xưng ‘hậu’ – hậu cấu trúc, hậu thuộc địa, hậu đế quốc, hậu duy vật, hậu nữ quyền, hậu cộng sản. . . ở cuối thế kỷ 20. Chỉ có ‘hậu tư bản’ là chưa thấy. Thay vì cáo chung tư bản chủ nghĩa, ngay trước khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Francis Fukuyama (“The End of History?” The National Interest, Summer 1989, và The End of History and the Last Man. Avon. Reprint edition 1993) tuyên bố lịch sử chuyển động theo biện chứng Hegel đã kết chung ở thể chế dân chủ tự do (liberal democracy) và kinh tế tư bản hàng hóa. Một tuyên dương lạc quan giữa thời rũ liệt tư tưởng bên cạnh những chỉ tiêu kinh tế đang lên. Dù lạc quan hay yếm thế, ở cuối thế kỷ, chừng như chúng ta đồng ý lịch sử đã sang trang, và những hố huyệt đã lấp. Trống trải, quang đãng từ luận lý cho đến những giá trị đã mở đầu thời hiện đại – Tự Do, Bình Ðẳng, Huynh Ðệ. Thế giới vẫn dẫy đầy những tương quan quyền lực chênh lệch về tài sản, về màu da chủng tộc, về địa lý. Và chúng ta lấp huyệt chỉ để cho những bóng ma trỗi dậy. Và đầu thế kỷ thời hậu đế quốc cũng là lúc bóng ma đế quốc trở về giữa thanh thiên bạch nhật, hiện thân bằng xương bằng thịt. 5 tháng 1 năm 2003, bìa ngoài của tờ New York Times Magazine chạy tít: “Ðế Quốc Mỹ: Ráng Mà Quen’ (‘American Empire: Get Used to It’).

David Harvey viết Chủ Nghĩa Ðế Quốc Mới dưới bóng đổ của Ðế Quốc Mỹ, mà lại không phải từ trong lòng đế quốc.

Quyển sách mới nhất của Harvey ra lò cùng lúc với quyển Paris, Thủ Ðô của Hiện Ðại (Paris, the Capital of Modernity. NY: Routledge, 2003), cũng của ông. David Harvey người Anh, hiện là giáo sư nhân chủng học tại Trung Tâm Cao Học của Ðại Học Thành Phố New York. Harvey xuất thân từ địa lý học, viết quyển Ðiều Kiện (và trạng thái) Hậu Hiện Ðại (The Condition of Postmodernity. Oxford: Basil Blackwell, 1989) đã biến thành một trong những quyển sách gối đầu của giới quan tâm đến quá trình toàn cầu hóa trong mối tương quan giữa kinh tế và văn hóa. Ở đây, Harvey từ chối không nhìn nhận hậu hiện đại là một thời đại tách rời khỏi hiện đại trong các hình thức văn hóa của nó. Hậu hiện đại bản chất là hiện đại dính với cấu trúc sản xuất tư bản. Tất cả những hình thức văn hóa mà người ta cho là hậu hiện đại thật ra chỉ là sự hỗn loạn rất hiện đại nhưng tốc độ gia tăng vì chiều thời gian và không gian bị ép lại trong phương thức sản xuất tư bản toàn cầu. Harvey cho rằng đó chỉ là hiện tượng của phương pháp sản xuất hậu-Ford dựa vào tích lũy uyển chuyển (flexible accumulation). Vào thập niên 1930, lãnh tụ cộng sản ý Antonio Gramsci ((The Antonio Gramsci Reader: Selected Readings 1916-1935. NY: NY U Pr. 2000, tr. 275-299) đã bàn về xã hội tư bản dựa trên chủ nghĩa Ford (không phải chỉ sản xuất qui mô theo qui trình công nghệ dây chuyền kiểu Taylor với lương qui định theo đơn vị thời gian lao động giờ mà còn là vấn đề trả lương đủ để công nhân có thể trở thành người tiêu thụ, và kiểm soát đời sống công nhân về mặt văn hóa đạo đức). Harvey đẩy xa hơn để cho thấy bắt đầu từ khoảng 1973, nền kinh tế tư bản đã chuyển sang tích lũy uyển chuyển thay vì tích lũy qui mô theo lao động có quy định dưới xã hội tổ chức theo phương thức Ford. Ðây là phản ứng cứu nguy tư bản sau đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu đầu thập niên 1970. Trong phương thức tích lũy uyển chuyển vắt ra lợi nhuận bằng cách lợi dụng những khác biệt trong mức sống; về luật lệ lao động, công nghệ, thuế má; về cả văn hóa và những quan niệm về giới tính. Những khác biệt này thường tìm thấy trên bình diện địa lý. Ðưa đến việc các công ty hoặc mang khâu sản xuất sang các vùng biên giới (đầu là khu Maquiladoras ở biên giới Mỹ-Mexico), hoặc các khu chế biến xuất khẩu tại các xứ nghèo (ở Ðông Á, rồi Ðông Nam Á, rồi Nam Á, rồi Châu Mỹ La Tinh, rồi Phi Châu), công nhân rẻ, và nhất là lao động nữ khéo tay, ngoan ngoãn. Thay vì trả lương giờ theo luật lao động như tại các xứ giàu, các công ty sản xuất có thể trả theo sản phẩm, hoặc ký hợp đồng cho nhiều tầng công ty nhỏ hơn cũng trả lương công nhân theo sản phẩm. Như thế không phải kiểm soát toàn diện đời sống công nhân như theo tổ chức xã hội kiểu Ford, mà chỉ dựa vào sức lao động của mỗi công nhân mà trả lương. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Và những lúc thị trường xuống thì công nhân phải chịu giảm việc, ít lương mà không kêu ca vào đâu được.

Từ đó Harvey phác họa lý thuyết ‘spatio-temporal fix’ của tư bản: tư bản phải nhảy từ nơi này sang nơi khác để lợi dụng những khác biệt nêu trên, ở trục không gian và thời gian. Thí dụ mang sản xuất sang một nước nghèo trong khu chế xuất miễn thuế và ít luật lệ qui định lao động và môi sinh hơn, đó là lợi dụng khác biệt không gian; và nếu đầu tư ở một nơi lâu quá sẽ bị phá giá khi nơi đó bắt đầu bị đọng vốn. Vì thế tư bản phải di động liên tục từ nơi này sang nơi khác và cứ phải bắt đầu chu kỳ lại từ đầu ở mỗi nơi hay mỗi lãnh vực đầu tư.

Lôgic Lãnh Ðịa: từ Cường Quốc đến Ðế Quốc

Trong Chủ Nghĩa Ðế Quốc Mới, Harvey kết hợp phân tích trên về lôgic tư bản toàn cầu với lôgic của lãnh địa quốc gia để giải thích hiện tượng đế quốc Mỹ hiện thời (chương 2). Lôgic lãnh địa đòi hỏi nhà nước phải kéo những lợi nhuận của nền tư bản toàn cầu về lãnh thổ của mình trong khi tư bản thì bắt buộc phải lưu động và phải vượt biên giới quốc gia. Lôgic lãnh thổ là thứ lôgic của chính trị và quốc gia.

Nhưng Harvey đặt câu hỏi tại sao Mỹ đã phải đổi chiến lược sang dạng đế quốc trực tiếp can thiệp và cai trị như ta thấy ở Afghanistan và Iraq để bảo vệ cho quyền lợi quốc gia? Ở những thập kỷ 1920 và 1930, Mỹ đã thử nghiệm chiến lược gián tiếp kiểm soát những điều kiện ảnh hưởng đến quyền lợi mình tại Châu Mỹ La Tinh. Sau Thế Chiến Thứ Hai, Mỹ phát triển và áp dụng lối gián tiếp kiểm soát này ở mọi nơi bằng cách ủng hộ dựng lên những tập đoàn lãnh đạo phải nghe theo một số đòi hỏi của Mỹ. Ðến sau thập niên 1970 thì hệ thống này được củng cố bằng những tổ chức quốc tế có tính cơ cấu để giữ kinh tế thế giới thuận lợi cho Mỹ- các tổ chức như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) và World Trade Organization (WTO) mà tiền thân là General Agreement on Tariff and Trade (GATT) vào thời hậu Thế Chiến Thứ Hai. Ðến thời Clinton, sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, thì Mỹ đã giữ địa vị bá quyền, kể cả về kinh tế, nhờ vào cái gọi là “sự đồng thuận Washington,” có nghĩa là đồng thuận đa cực nhưng chủ yếu là theo ý Mỹ. Vậy trở lại câu hỏi tại sao bây giờ lại phải hung hãn đem quân đi đóng chiếm lãnh thổ theo đế quốc kiểu xưa thế kỷ 18 và 19? Câu trả lời là dầu hỏa (chương 1 và tr. 81- 86), giữa một bình diện kinh tế toàn cầu đã thay đổi chính vì lôgic tư bản theo spatio-temporal fix.

Lôgic Tư Bản và Bóng Ma của Rosa

Theo Mác, mâu thuẫn trong bản chất của kinh tế tư bản tất yếu dẫn đến khủng hoảng sản xuất thừa hoặc tích lũy quá độ (overaccumulation). Ai đầu tư cũng mong đợi lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận, thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ dẫn đến sự suy sụp kinh tế toàn diện (như hồi thời Depression cuối thập niên 1920). Vì thế luôn luôn hệ thống tư bản phải giải quyết vấn đề tìm ra cách nâng cao lợi nhuận. Bóc lột giá trị thặng dư từ lao động không thể đi quá đà đến chỗ bần cùng hóa tuyệt đối đội ngũ lao động, nhất là khi điều đó có thể dẫn đến biến động chính trị. Theo Harvey thì tư bản phải di động liên tục – spatio-temporal fix nói trên – để giải quyết vấn đề tìm chỗ cho vốn đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận. Khi tư bản di động như thế thì những vùng địa lý khác có cơ hội lôi kéo lợi thế về cho mình, kể cả tích lũy vốn.

Mỹ, trong thời hậu Thế Chiến Thứ Hai, đã thành công trong việc giữ lợi thế kinh tế cho lãnh thổ của mình. Nhưng từ khi Âu Châu bắt đầu kết hợp lại thành một khối kinh tế thì địa vị kinh tế của Mỹ bắt đầu bị lung lay. Phía Ðông Á và Ðông Nam Á trong ba thập kỷ 1970, 1980, và 1990 cũng đã vượt lên về kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chính hồi 1997 bên Ðông và Ðông Nam Á là dấu hiệu cho thấy vùng này đã đến chỗ có tiến trình tích lũy rất cao dẫn đến tình trạng dư vốn. Ðến cuối thập kỷ 1990 và đầu thế kỷ mới thì địa vị kinh tế Mỹ đã bị đe dọa ít nhất là từ phía Ðông/Ðông Nam Á và Liên Bang Âu Châu (tr. 81- 86).

Tóm lại những thế lực có thể cạnh tranh lại Mỹ là Liên Bang Âu Châu, Nhật, Trung Quốc, và các nước còn lại tại Ðông và Ðông Nam Á. Các nước này lại hoàn toàn lệ thuộc vào dầu nhập cảng, phần lớn nhất là nhập từ Trung Ðông. Harvey đặt câu hỏi còn cách nào tốt hơn là Mỹ trực tiếp kiểm soát số lượng dầu Trung Ðông để giữ địa vị bá quyền của nó?  

Có nghĩa là Harvey đã đưa ra hai lôgic tác động nhau theo biện chứng, dẫn đến một kết luận không khác những kết luận về đế quốc chủ nghĩa hồi đầu thế kỷ trước là bao nhiêu. Ðầu thế kỷ 20, dựa trên phân tích của J.A. Hobson (Imperialism. London [1902] 1965)), V.I. Lenin và K. Kautsky cũng đã bàn đến chủ nghĩa đế quốc chính là chủ nghĩa tư bản độc quyền (Imperialism: The Highest Stage of Capitalism (1917), trong Lenin Selected Works, vol. 1. Moscow: Progress. 1977, tr. 634-731). Ta có thể xem chính sách của Mỹ dưới thời Clinton kiểu ‘thỏa hiệp bóc lột giữa các khối đoàn kết quốc tế của các tập đoàn tư bản tài chính’ là theo tiên đoán của Kautsky (Lenin trích dẫn trong Imperialism, tr. 704), và chính sách chiến tranh đế quốc của Mỹ hiện thời là theo tiên đoán của Lenin về giải quyết quân sự giữa các tập đoàn tư bản độc quyền. Nhưng Harvey không bàn đến cuộc tranh luận ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 này. Thay vì coi chủ nghĩa đế quốc là hiện tượng của bản chất tư bản độc quyền, hay coi đế quốc chủ nghĩa là điều tất yếu của quyền lợi quốc gia, Harvey tách chúng ra thành 2 lôgic của tư bản và của lãnh địa, tác động nhau, dẫn đến chủ nghĩa đế quốc mới.

Toàn bộ lý thuyết này dựa trên những điều Harvey triển khai về phương thức tích lũy của nền tư bản đương thời. Chẳng những tích lũy uyển chuyển lưu động theo không gian và thời gian, nó còn phải bần cùng hóa và tiêu hủy một số bộ phận trong chính nó để giải quyết vấn nạn tích lũy quá độ và tạo ra những lĩnh vực đầu tư mới. Khía cạnh này Harvey gọi là tích lũy bằng bần cùng hóa (accummulation by dispossession).

Trong quyển Tích Lũy Kinh Tế viết năm 1913 (The Accummulation of Capital: An Anti-critique. NY: Monthly Review, 1968), Rosa Luxemburg giải thích phương thức tái sản xuất tư bản và đế quốc chủ nghĩa bằng cách chứng minh rằng việc tích lũy tư bản phải dựa vào những môi trường phi tư bản. Có nghĩa là chủ nghĩa tư bản tồn tại được nhờ vào lợi dụng được những phương cách sản xuất khác nó (sản xuất nhỏ, sản xuất nông nghiệp, v.v.). Vốn tư bản phải có chỗ đầu tư vào những lĩnh vực hoặc vùng địa lý phi tư bản, và điều này dẫn đến chủ nghĩa đế quốc. Harvey khởi đi từ điểm này của Luxemburg, nhưng đẩy đi xa hơn.

Harvey cho rằng tích lũy tư bản đương thời bao trùm mọi nơi vì tính chất lưu động của nó. Do đó tiến trình tích lũy xảy ra bằng cách nó phải tự hủy diệt một số bộ phận (dân số hay khu vực) trong chính nó để đẩy ra ngoài (chương 4). Thí dụ, trong một cuộc khủng hoảng dư vốn đầu tư, một số người đầu tư, một số chủ và thợ sẽ bị phá sản và bần cùng hóa. Ta đã thấy điều này ở Ðông Nam Á trong đợt khủng hoảng tài chính 1997. Có khi cả khu vực sẽ bị phá sản, như vùng Rust Belt của Mỹ bị mất các xí nghiệp công nghiệp nặng và nhẹ do các công ty mang đi sang các nước công nhân rẻ (outsourcing, off-shoring) theo lý lẽ spatio-temporal fix nói trên. Thí dụ nữa là hiện tượng các trung tâm thành phố lớn bị xuống dốc vì công ăn việc làm bị dời đi nơi khác có lao động làm việc ngoan ngoãn hay hiệu quả cao hơn. Sau khi những bộ phận dân số hay khu vực này đã bị phá sản và đẩy ra ngoài, thì chúng lại biến thành những nơi có triển vọng lợi nhuận cao cho vốn đầu tư mới nhảy vào khai thác. Ðội ngũ lao động, bất động sản, chế độ thuế má v.v. tại những nơi này sẽ rẻ hơn, và mức lợi nhuận sẽ cao hơn. Ta thấy tiến trình này trong hiện tượng ‘sang hóa’ (gentrification) tại các trung tâm thành phố lớn khi các công ty bất động sản vào mua lại những căn nhà cũ xưa hay cả những nhà kho hoang phế để sửa sang thành những khu nhà ở rất mốt cho dân yuppy. Ðiều đáng quan tâm là có thể số dân bị bần cùng hóa có thể sẽ không bao giờ được đưa trở vào mức sống trù phú của hệ thống tư bản. Các dân da màu và nghèo tại trung tâm các thành phố lớn thường còn mất thêm chỗ ở vì giá bất động sản sẽ tăng vọt trong thí dụ vừa nêu trên. Có nghĩa Harvey bổ túc Luxemburg: không phải tư bản chỉ đi tìm những thứ ngoài tư bản để bóc lột mà chính nó tự hủy diệt một số bộ phận và đẩy ra ngoài rìa của hệ thống tư bản mà bóc lột.

Thuyết tích lũy bằng bần cùng hóa thật ra cũng không mới. Mác đã từng cho thấy khi có khủng hoảng, tư bản sẽ phản ứng bằng cách phá hoại một phần lực lượng sản xuất để lấy lại cân bằng giữa đầu tư, sản xuất, và tiêu thụ, tạo điều kiện cho sản xuất mới. Harvey chỉ mượn những phân tích căn bản Mác-xít để phê phán các phía cạnh mới của tư bản đương đại như tính uyển chuyển và tốc độ lưu động toàn cầu của nó. Nói tóm lại, Harvey chiêu hồn từ Mác cho đến Luxemburg, và cả những bóng ma không được gọi như Lenin và Kautsky cũng lởn vởn ở mỗi câu văn.

In the Belly of the Beast: Lỗ Hỗng trong thuyết Ðế Chế của Harvey

Chỗ yếu nhất trong thuyết Chủ Nghĩa Ðế Quốc Mới là luận điểm cho rằng Mỹ phải hung hăng đi xâm lược vì xã hội dân sự của Mỹ đã đi đến chỗ không thể cai trị được. Harvey trích dẫn ý của Hannah Arendt về ‘một cộng đồng xây trên căn bản quyền lực’ bắt buộc phải tiếp tục bành trướng quyền lực để giữ nguyên trạng, nếu không thì cả xã hội sẽ tan rã thành một đống những quyền lợi riêng tư (tr. 15- 16). Nhưng Harvey đã không khai triển được luận cứ này ngoại trừ đề cập sơ qua về khái niệm ‘trong và ngoài’ của chính trị đế quốc (tr. 184). Có nghĩa là những thế lực nắm quyền trong xã hội luôn phải vạch ra đâu là ta đâu là thù, đâu là trong và đâu là ngoài. Ðiểm này có thể hay nếu Harvey khai triển được bằng cách thật sự bàn đến vấn đề màu da và dân nhập cư tại Mỹ (Harvey nhắc phớt qua vấn đề này mà không khai triển, td tr. 188). Chẳng hạn như Harvey có thể nói rộng hơn bằng cách bàn đến sau biến cố 11 tháng 9, chính trị và những luật an ninh quốc phòng trong nước Mỹ quay chung quanh việc nhận diện những phần tử nào thuộc về Mỹ và phần tử nào ngoại lai, nguy hiểm. Dân nhập cư mất đi rất nhiều sự bảo vệ của luật pháp, có thể bị tình nghi là không trung thành với Mỹ, bị đánh giá theo màu da và nguồn gốc (hiện thời thì Trung Ðông, Á-rập, Hồi giáo), trong khi đó quân đội Mỹ hiện tích cực chiêu binh trong số dân thường trú chưa có quốc tịch và quyền công dân. Thoạt nghe thì như mâu thuẫn, nhưng đó chính là chính trị thời đế quốc phải vạch lại những lằn ranh ‘trong ngoài’ phức tạp hơn là hình thức tổ chức chính trị quốc gia (nation-state). Quá trình này sẽ dẫn đến những chủ thể phức tạp hơn là chủ thể công dân của một quốc gia. Ðiều này không đáng ngạc nhiên nếu ta nhìn lại những biên giới nhận diện trong ngoài rất phức tạp và nhiêu khê của thời thực dân: công dân da trắng tại mẫu quốc, công dân da trắng định cư tại thuộc địa, dân da màu từ thuộc địa tại mẫu quốc có thể là công dân hay không, dân bản địa có quốc tịch mẫu quốc và dân bản địa không có quốc tịch, dân trung thành với nhà nước thuộc địa nhưng không có quốc tịch mẫu quốc, v.v. Ta có thể xét lại những phạm trù chủ thể thời đế quốc khác hơn, hoặc đang định nghĩa lại, phạm trù công dân trong một cộng đồng quốc gia.

Ðiều đáng tiếc hơn nữa là Harvey không triển khai, gạch nối được luận điểm của ông ta về quá trình tích lũy bằng bần cùng hóa với sự hình thành của những nhóm người bị bần cùng hóa (Harvey nhắc phớt qua ở tr. 188), dẫn đến nhu cầu quân sự hóa trong nước – cả hệ thống luật pháp, cảnh sát, tòa án, và nhà tù gia tăng đàn áp họ để bảo vệ chênh lệch về tài sản và quyền lực. Thí dụ tiến trình quân sự hóa cảnh sát tại các thành phố lớn như New York, Los Angeles và chiến tranh chống ma túy từ những năm 1980, cùng với hàng loạt luật chống tội phạm dẫn đến kết quả nhà tù Mỹ chứa 2.033.331 tù nhân (vào cuối năm 2002 theo thống kê US Dept of Justice, Bureau of Justice Statistics home page http://www.ojp.usdoj.gov/bjs/prisons.htm 4/8/04). Sự chênh lệch màu da chủng tộc thấy rõ hơn nếu ta xem tỷ lệ 3.437 nam tù nhân da đen so với tỷ lệ 450 nam tù nhân da trắng cho mỗi 100.000 dân (tài liệu vừa dẫn). Các nhà giam của Sở Di Trú (US Immigration and Naturalization Service) cho đến khoảng 1998 gồm 9 nhà tù và 5 trung tâm giam giữ do tư nhân cai quản theo hợp đồng, với tổng số tù nhân di trú là 15.000 (Jonathan Simon. “Refugees in a Carceral Age.” Public Culture 10(3): 577-07). Trong 6 năm qua, số tù nhân bị giam trong các nhà tù di trú (như Krome Avenue Detention Center gần Miami) đã tăng vọt, kết quả là một ‘quần đảo ngục tù Mỹ’ không theo tiêu chuẩn giam giữ thường phạm của các nhà tù chính thức, và nhân quyền lẫn công quyền của các tù nhân di trú không được bảo đảm (Mark Dow. American Gulag. Berkeley: University of California Press. 2004). Nếu tính tất cả dân số bị giam giữ để sửa trị trong hình thức này hoặc hình thức khác tại Mỹ thì tỷ lệ tù nhân hiện bị giam cầm gồm từ 3% đến 5% dân số đã trưởng thành. Trong lịch sử, không có xã hội nào có tỷ lệ giam cầm cao đến thế (Simon, tr. 577). Ðó là chưa kể đến hậu quả chênh lệch tỉ lệ giam cầm giữa dân đa số da trắng và thiểu số di dân da màu sẽ vì bộ luật Patriot Act I trong 2 năm qua (và Patriot Act II trong tương lai gần) tước đoạt dần sự bảo vệ pháp lý các quyền tự do dân chủ, nhất là của dân nhập cư.

Harvey chỉ nêu lên vấn đề quốc nội Mỹ một cách rất nửa vời mà không xét lại sự lớn mạnh của phong trào tân bảo thủ (neo-conservatism) đòi tự do trong lĩnh vực kinh tế (neo-liberalism) từ cuối thập niên 1970 nhưng đã xiết chặt về xã hội (hiện tượng nhà tù nói trên), về văn hóa (thí dụ phong trào chống phá thai), và về tôn giáo (thí dụ phong trào thiên chúa giáo cơ bản chính thống). Vậy có phải tự do trong lĩnh vực kinh tế trong thời điểm lịch sử cuối thập kỷ 1970 đã đi kèm với phản tự do hay độc tài trong lĩnh vực xã hội và văn hóa? Như vậy có phải là ta không thể trở về chủ nghĩa tự do mới (thường hiểu trong nghĩa kinh tế tự do) mà không bị chủ nghĩa bảo thủ mới đi kèm để tước đoạt tự do trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị?

Sau cùng, cũng chính vì Harvey không nhạy về những vấn đề màu da chủng tộc nên ông có vẻ dị ứng với các phong trào đấu tranh theo căn cước của các nhóm bị bần cùng hóa và bị đẩy ra rìa bởi nền tư bản thế giới. Harvey cảnh cáo chúng ta rằng không phải nhóm đấu tranh chống bần cùng hóa nào cũng ‘tiến bộ’ trong khuynh hướng chính trị của họ (tr. 177). Thí dụ Harvey cho rằng phong trào võ trang (da trắng) cực hữu tại Mỹ (Rightwing militia) bản chất là phản động cho dù họ bị dồn vào chân tường vì bị đào thải bởi lôgic tư bản. Bọn này ‘phản động’ vì họ khư khư giữ lấy căn cước để ngoái lại tiếc nuối thời vàng son của họ không bị sự vẩn đục và cạnh tranh từ dân da màu nhập cư hay tại các nước nghèo đang được công việc làm outsource. Vì ngờ vực những hình thức đấu tranh dựa trên thứ căn cước nguyên thủy nên Harvey phải bênh vực phong trào đấu tranh của thổ dân Chiapas ở Mexico bằng cách cho rằng căn cước thổ dân họ dùng để vận động thật ra chỉ là chiến thuật (tr. 175). Thái độ của Harvey rất Mác-xít (và Khai Sáng) khinh khi dị ứng với những thứ chính trị dựa vào căn cước nhận diện màu da chủng tộc nguồn gốc vì chúng đặc thù thay vì phổ quát. Tại sao Harvey không dùng thước đo một phong trào tranh đấu có chuyên nhất độc quyền hay không (exclusive hay inclusive) thay vì phản động hay tiến bộ là những khái niệm về chiều tiến của lịch sử từ thời Khai Sáng mà Tây Phương (cả tả và hữu phái) đã thường dùng để tự cho mình tiến bộ hơn các giống dân họ cai trị trong thời thực dân? Như thế Harvey sẽ không phải cứu vớt phòng trào Chiapas từ sự miệt thị của chính ông ta bằng cách cho rằng căn cước thổ dân bản địa của phong trào phản kháng này thật ra chỉ là chiến thuật.

Subcomandante Marcos, một lãnh tụ dấu mặt của phong trào đấu tranh Chiapas, có lần viết thư cho nhà văn John Berger. Marcos tả cảnh đang ngồi đọc tiểu thuyết của Berger ở Chiapas khi hai em Heriberto và Eva chạy đến giật lấy sách. Ngoài bìa quyển truyện là bức tranh vẽ cảnh nông thôn Anh của họa sĩ John Constable. Heriberto nhìn con ngựa trong tranh ra thành con La Muneca, con ngựa đã theo quân nổi loạn Chiapas suốt năm qua. Và dòng sông trong tranh Constable trong cái nhìn của hai em là lòng sông chạy ngang qua làng Realidad – hiện thực. Tranh Constable không làm cho hai em liên tưởng đến miền quê Anh Quốc. Thay vào đó, bức tranh đã mang hai em trở về hiện thực của chúng: chỗ của chúng, thế giới của trẻ con, của nông dân thổ dân Mexico nổi loạn (Thư Marcos, trong Berger, The Shape of a Pocket. NY: Pantheon, 2001, tr. 227-228). Hiện thực thế giới thổ dân của hai em là kết quả của kinh tế tư bản thế giới; hiện thực thổ dân của hai em không phải là chiến thuật.

Sau khi Fukuyama bảo đảm lịch sử kết chung ở kinh tế tư bản hàng hóa, Jacques Derrida đã viết về bóng ma của Mác (Specters of Marx: The State of the Debt, the Work of Mourning, and the New International. Peggy Kamuf dịch. NY: Routledge. 1994). Harvey dưới bóng đổ của đế quốc Mỹ cũng vực dậy những bóng ma cần thiết để phê phán thứ không chịu chết như Tư Bản hay thứ đội mồ sống dậy như Ðế Quốc. Nhưng Harvey tuy viết từ New York lại không nhạy bén đủ để sờ ra kết cấu bề dày từ trong lòng đế quốc với tất cả những mâu thuẫn màu da chủng tộc của nó.

Nguyễn Hương
22-04-2004

Leave a comment