Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đọc Tập Sống của Đặng Mai Lan – Đặng Thơ Thơ

Đặng Thơ Thơ

Đọc Tập Sống của Đặng Mai Lan

Trong truyện ngắn Tập Sống, mà Đặng Mai Lan (ĐML) dùng làm tựa đề cho tuyển tập, có đoạn sau:

“Đó, chị đang lao thẳng về cái phía trước đó. Chẳng vì một mãnh lực nào cả. Chị lao đi bằng nỗi bất lực của chính mình. Chỉ một điều duy nhất chị hiểu rằng tự phút giây này chị đang bắt đầu tập sống.”

Người đàn bà trong đó, trải qua nhiều mất mát, đã bắt đầu tập sống khi 42 tuổi. Người đàn bà ấy, trong một buổi chiều cô quạnh, ngồi vào một chiếc ghế ưa thích, để cho chiếc ghế bành ôm ấp mình khít khao, nói chuyện với nó – cái ghế. Vào cuối truyện, nàng đốt đi cuốn sách nàng đã viết. Cuốn sách ấy dự định viết cho người tình đọc, cuối cùng chưa ai đọc, chỉ có lửa đọc. Nàng nghĩ, “Niềm đam mê như lửa bỏng đang trở về với lửa.”

Cuốn truyện của ĐML đã bắt đầu như thế, bằng chuyện viết, đốt đi cái mình đã viết, và từ đó khởi đầu một hành trình tập sống. Và tôi nghĩ, đó là định nghĩa viết của ĐML. Như thể điều chị viết ra là dự thảo cho đời sống mà chị sắp lao tới trước. Rồi tôi nghĩ lại, hay chị dùng đời sống như là bản nháp cho những điều chị sẽ viết? Với một nhà văn, đời sống và phóng tưởng, cái nào là bản nháp của cái nào?

Tôi đi tìm câu trả lời trong mười truyện ngắn của ĐML.

Có một mảng lớn, bao trùm thế giới truyện của ĐML, là độc thoại nội tâm, dòng liên tưởng. Trong đó là tiếng nói và lời kể của một người phụ nữ trong nhiều vai trò của đời sống, có khi là giọng nói một người tình, một người vợ, có khi là tiếng nói một người mẹ, một người em gái, một người con gái trong gia đình. Với những truyện như Chờ, Tập Sống, Qua Cầu, Hoa Vàng, Quá Khứ, Đi và Về, vv… ĐML viết từ kinh nghiệm và cảm xúc, từ suy tưởng và trăn trở, được ép ra, chắt lọc từ cõi sống của chính chị. Đọc ĐML như đi vào một căn phòng và để những vách tường tự chiếu lại những hình ảnh nó đã thu hình, đã ghi âm, đã chứng kiến trong nhiều năm tháng. Như người mẹ mỗi ngày vào phòng từng đứa con đã khôn lớn đi xa, phủi những lớp bụi mỏng bám trên những đồ vật thân yêu của con, ngửi một thứ mùi phai nhạt từ những chiếc lá ướp xạ hương trong bình, mân mê từng món đồ của chúng “như một người điên trầm lặng” (Tập Sống). Đọc ĐML, như đi vào một ngôi nhà cũ, kín đáo, nhẹ nhàng, âm thầm “rờ mó tất cả mọi vật trong nhà bằng từng cảm giác sâu sắc và lắng nghe mọi cảm xúc vỡ tràn như lũ.” (Đi và Về). Đọc ĐML để đi vào những đời sống khác nữa. Đọc ĐML để đối mặt với cái chết đang hiện hình rõ dần giữa mình và người thân yêu nhất đời mình, khi người đàn bà chia tay chồng ở bệnh viện, “đi qua một nguyện đường dựng bằng những tảng đá xanh cũ kỹ, một nhà dưỡng lão vừa mới xây, vài bãi đậu xe vắng ngắt trước khi bước ra khỏi cánh cổng có cái cần gác tự động nhấc lên và hạ xuống. Cái cần như một nhát chém đứt lìa, chặn đứng bên này bên kia, đôi bờ (…) Nhát chém chia lìa trong trí tưởng anh là cái nhắm mắt vô vọng của chị.” (Vết Loang)

Trong dòng diễn tiến của truyện, ĐML không ngừng suy tưởng về đời sống, đồng thời chị để mình tự chìm đắm trong những suy tưởng ấy. Nhiều khi có một sự dừng lại của mạch truyện vì những suy tưởng của chị, hay nói cách khác, những suy tưởng của chị cứ tiếp diễn còn diễn tiến câu chuyện đôi lúc bị bỏ quên… Nhiều khi thế giới truyện ĐML chỉ còn là những biểu tượng tìm thấy qua màu sắc của những bông hoa, qua cảm giác của lửa cháy trong lò sưởi, qua sự gớm ghiếc những vết dơ hữu hình và vô hình đang ám vào đời sống; qua những băn khoăn về tình yêu, cái chết, bản ngã, hành trình tìm kiếm một quê hương thật sự cho mình, hay không khí mơ mộng của một kẻ đi lạc vào quá khứ và quên mất đường ra… Nếu đọc lần đầu, chúng ta dễ có nhận định rằng thế giới truyện của ĐML chứa toàn cảm xúc, chị buông thả cho những cảm xúc dẫn dắt tư tưởng, phó mặc cho cảm xúc định hình câu chuyện. Đọc ĐML lần đầu rất khó tìm ra 1 cốt truyện rõ ràng, như những mảnh hình không theo thứ tự lớp lang, chồng chất lên nhau, liên tục; những mành rời của một không gian này lại ráp vừa vặn vào một thời gian khác. Chúng ta biết vậy, nhưng vẫn khó ngừng lại để tự kiểm nghiệm và xác định chỗ đứng của mình trong truyện. Vì sao? Vì dòng văn của ML lại tuôn chảy không ngừng, lôi cuốn, quyến dụ và đẩy người đọc đi tới trước. Dù viết về bất cứ đề tài gì, điểm nhất quán ở truyện ĐML là văn chương đẹp, tinh tế, cô đọng, thanh thoát. Những tự sự ngổn ngang giàu âm điệu, tự nhiên, như thơ. Đọc văn chị tôi có cảm giác quen thân như nghe lại những ý nghĩ của chính mình, phát ra từ chính nội tâm mình. Chính hơi văn thoáng đầy nhạc tính này đã đẩy người đọc lướt đi, giúp họ băng qua những nét đứt rời của những mảnh không gian và thời gian khác nhau trong truyện, một cách an toàn.

Tuy vậy, vẫn cần cẩn thận, truyện của ĐML có những lấp lửng giữa hư và thật, giữa tưởng tượng xảy ra trong truyện và điều thực sự xảy ra trong nhân vật. Người đọc nếu không cẩn thận sẽ bị rơi vào bẫy của tác giả.

Trong Hoa Vàng, hai nhân vật nữ đều không có tên, đều xuất hiện dưới ngôi thứ ba là “cô”, cả hai đều yêu hoa vàng và họ yêu chung một người đàn ông. Phải đến cuối truyện mới biết được đó là hai người khác nhau. Có một sự đánh tráo nào đó trong cách ĐML nói về nhân vật của mình, thủ-pháp phát-sinh vì yêu cầu của nội-dung truyện, rất cần thiết. Cần có một sự mơ hồ nào đó cho thấy tâm trạng nhập nhằng của người đàn ông đa tình đi lại giữa hai nơi chốn, đi dây giữa hai người phụ nữ, họ cùng đáng yêu, cùng yêu anh, và cùng yêu hoa vàng; trong anh cũng có sự nhập nhàng như thế về tình yêu dành cho họ. Anh nằm cạnh người này và nhớ đến người kia, anh nhìn bó hoa mua tặng người này và nhớ đến luống hoa trước nhà người kia. Và cũng nơi hai mảnh ghép lại của 2 người phụ nữ, chúng ta sẽ thấy chân dung người đàn ông, sáng tỏ, phản bội, bị dày xé, xung đột bởi sự phản bội của mình. Trong giấc ngủ màu vàng những bông hoa vẫn ám-ảnh anh như một tội lỗi quyến rũ và tươi đẹp nhất.

Khái niệm những không gian dang dở, hay những mảnh không gian rời thể hiện rất rõ trong truyện ĐML. Ở ranh giới những không gian ấy là những đường nứt rạn mà nhân vật để lại dấu chân họ, khi nhân vật kể lại câu chuyện họ. Trong truyện ngắn mang tên Quá Khứ, nhân vật nữ yêu một người đàn ông có vợ hơn cô 16 tuổi. Người đàn ông là một nhân vật trí thức của cộng đồng, với một quá khứ nghệ sĩ ở Sài Gòn, một sự nghiệp lẫy lừng, và những cuộc tình kín đáo. Khởi đi từ một đoạn băng cassette với lời nhắn: “Hy đây! bây giờ là 5 giờ sáng. Anh sửa soạn ra phi trường, hôn em…” Đoạn băng này nàng đã giữ kỹ trong nhiều năm, thỉnh thoảng lấy ra nghe lại, và sống lại cuộc hẹn hò với người đàn ông. Tình yêu này, nghe có vẻ tuyệt vọng cô độc. Nhưng không phải, nàng an tâm trong tình yêu ấy. Người đàn bà này vốn yêu thích một nụ hôn hàm thụ, như nụ hôn gửi qua lời nhắn trong điện thoại, hơn nụ hôn thực ngoài đời. Đây là một hình thức nữ quyền vượt quá mọi nữ quyền, không nắm giữ, không lệ thuộc? Đối với nàng, bảo vệ hình ảnh người yêu trong tâm tưởng quan trọng hơn việc chiếm hữu anh ta bằng thực thể ở ngoài đời. Nàng chịu khó dựng lại quá khứ của người mình yêu, quá khứ rất xa trước khi nàng gặp anh. Để làm gì? Để có thể yêu anh trước khi nàng thực sự bước vào cuộc đời anh. Để có thể yêu một con người vượt quá giới hạn mà đời sống cho phép mình biết về người ấy. Và cứ thế, nàng sẽ yêu anh trải suốt thời gian sống của anh, cho đến khi anh bước vào tuổi già, cho đến khi nàng đã bước ra khỏi quan hệ ấy. Cái tình yêu trải dần theo thời gian và vượt thời gian như thế, chỉ có thể được bảo chứng bằng sự cô độc và sức phóng tưởng nội tâm phong phú; và tồn tại bất chấp những phản bội hay lãng quên hay giả dối. Cuối truyện, nàng bắt gặp người đàn ông trong tiệm ăn với một phụ nữ khác. Và phản ứng của nàng? Không tức giận, không cay đắng, nàng đã nghĩ:

“Chính thực là tôi, người đàn bà hôm nào đã ngồi đó với ông mà không là ai khác.”

Người đọc có thể đặt câu hỏi, vậy thì nàng đang nhìn thấy một hình ảnh của chính mình trong quá khứ, hay nàng tự lắp mình vào một nhân vật khác của hiện tại? Có nhiều cách diễn giải. Một trong những diễn giải là tác giả đang đưa ra một bài tập về cách sống. Và như một nguyên do để viết. Như Anais Nin đã nói, “Chúng ta viết để nếm trải cuộc sống hai lần, trong giây phút hiện tại và trong hồi tưởng.”

Ngoài Hoa Vàng và Quá Khứ mà ĐML đã dùng thủ pháp phân mảnh và lắp ghép, còn có 2 truyện ngắn khác có thể coi là đặc sắc của tuyển tập. Cái Đấm và Vết Loang. Trong hai truyện này, ĐML cũng đặt để cạnh nhau những sự kiện để người đọc liên tưởng và dựng lên thế giới truyện từ hai đầu những sự kiện hay vật thể. Trong Vết Loang, nhân vật “chị” xuất hiện với một ám ảnh ngay đầu truyện, nỗi ám ảnh thấy thế giới quanh mình nhơ bẩn. Cái nhơ nhuốc bắt đầu từ vệt bẩn đen trên cánh cửa tủ và chị phải dùng đến thuốc tẩy cực mạnh để lau chùi. Lau chùi mãi đến độ mùi thuốc tẩy bám vào tay chị, dùng bao nhiêu xà bông, lotion cũng không hết mùi; vậy mà vết bẩn vẫn không biến đi. Trái lại nó còn loang ra khắp nơi. Từ cánh cửa tủ, cái vết bẩn chạy khắp nhà, nhìn đâu chị cũng thấy nó, nó loang trên rèm cửa, vách tường, những phiến gỗ. Nó là một mảng tối ám mà dù ra sức lau chùi cật lực, điên cuồng, thôi thúc, chị vẫn không tẩy rửa được. Nó đang “rình mò trêu ngươi” chị. Nhưng nó là gì mà dai dẳng ám ảnh vậy? Đến cuối truyện thì chúng ta biết được. Nó là “cái khối nhão mềm nhưng có hàng ngàn vết chân li ti rắn rết cắm vào da thịt anh, mọc rễ.” Những thứ thuốc tẩy cũng là những giọt hóa trị vận tốc 14 giọt một phút nhỏ đều vào mạch máu. Còn vết loang đang nằm trong lá phổi của anh.

Đặng Thơ Thơ

Truyện bắt đầu bằng một vết bẩn bí ẩn và kết thúc bằng một vết loang không thể tẩy rửa. Đây là hiện thực mà ĐML đã trải qua, đã nghiệm sinh, và xử dụng hiện thực đó làm bản nháp cho cái viết. Ngược lại, Cái Đấm, là một hành trình đảo nghịch. Một truyện hoàn toàn hư cấu. Đây là một truyện đứng riêng biệt khỏi tuyển tập, vì nhiều lý do. Viết từ giọng của ngôi thứ ba, nhân vật nam, một “hắn” là Việt Kiều cặp kè và bao một cô gái trong quán bia ôm, cô gái trẻ chỉ hơn con gái hắn vài tuổi. Thoạt đầu hắn chán ngán những cuộc du hí dung tục mà tên bạn, một “gã” thuộc loại Việt Gian thứ “bảnh” (chữ dùng của ĐML) đã tìm cách rủ rê. Đến nỗi tên bạn phải văng ra câu:

“Mẹ, thằng này đi Tây về mà nẫu đ. chịu được.” Nhưng mọi sự thay đổi khi cô gái xuất hiện. Hãy nghe ML mô tả giây phút ấy:

“Cô gái xuất hiện lúc gã đã chếnh choáng. Màu áo đỏ thẫm, son môi đỏ thẩm. Mái tóc hoe hoe nửa nâu nửa vàng, man man. Cô gái nhìn hắn bình thản. Sự bình thản làm hắn khó chịu. Và cả cái màu đỏ của chiếc áo, hắn ghét màu đỏ, nó rừng rực như khối lửa, làm nóng rần huyết quản hắn. Nó thúc dục cái bản năng của giống đực trong hắn phải bước ra, phải dập ngay đám lửa ấy.”

Nhiều người đã viết về đề tài này, tôi đã đọc rất nhiều, nhiều khi đến phát chán chuyện Việt Kiều về nước gặp gỡ những cô gái trẻ, một quan hệ sòng phẳng qua đường. Nhưng hầu hết người viết đều là những nhà văn nam. Còn đây là ĐML, một nhà văn nữ, có lẽ chị là người đầu tiên chọn lựa đề tài này. Và đặc biệt là chị viết rất thành công khi mổ xẻ tâm trạng, xúc cảm của một người đàn ông trung niên, lần đầu về lại quê nhà. Văn phong, ngôn ngữ, tâm lý nhân vật, đậm đặc không khí của một quan hệ mua bán tình cảm đó. Một đoạn tâm sự của hắn:

“Lạ lùng hơn là những sợi tóc vàng vàng nâu nâu, hắn thích vò nát chúng trong hai bàn tay của mình. Hắn mê đắm cái mầu nâu non ấy, biết đó là thứ màu bẩm sinh, khi nhìn ra một thứ hoe vàng mượt mà khác ở những phần kín đáo trên thân thể đứa con gái. Thế nên màu tóc luôn gợi lên những thèm muốn.”

Nhưng truyện của ĐML không chỉ đi theo một chiều. Luôn luôn nếu tinh ý chúng ta sẽ thấy những ý tưởng khác nổi lên, như những ý tưởng nâng đỡ, tạo chiều sâu và những tầng lớp khác cho tác phẩm. Từ đầu truyện, ĐML cho hắn nhớ đến một bài văn tiếng Anh từ thời trung học, kể chuyện một phạm nhân được thả tự do, về làng, nằm dưới gốc cây nhìn nắng và hít thở không khí, mùi đất, và tìm thấy quê hương. Hình ảnh này được chiếu lại lần nữa gần cuối truyện, nhằm minh họa một mục đích khác (tr.48-50)

“Hắn nhảy thốc xuống đất, ngó quanh quất. Bốn bề vắng ngắt. Mùi nước tiểu ngai ngái bốc lên mũi hắn. Hắn đang ở đâu? Ngay trên quê hương mình mà hắn vẫn luôn tự hỏi không biết mình đang ở đâu. Hình như đây là lần đầu tiên cô gái chở hắn qua khúc đường này. Trời bỗng nhiên nổi gió. Đám cây lá hai bên đường rì rào xao động. Lá, gió hợp tấu, quẫy đập. Trăng lúc ẩn lúc hiện, rãi từng vũng ánh sáng nhăn nheo mệt mỏi trên mặt đường, trên bức tường trước mắt hắn. Hắn nhận ra hắn đang đứng trên một bãi đất hoang, trước một bức tường dài. Có lẽ của một hãng xưởng nào đó. Không phải nghĩa trang. Làm gì còn có nghĩa trang trong thành phố. Hắn nhớ như vậy. Bức tường loang lỗ, ố bẩn. Hắn ngắm nghía. Trong bóng tối lờ mờ mắt hắn long lên như mắt một con thú đang sục sạo tìm mồi.

Cái đấm! Cái đấm! Hắn vừa đọc ra hai chữ cái đấm tô đen nguệch ngoạc trên tường. Hắn lầm bầm trong cổ họng … Cái đấm, cái đấm đây rồi! Ha…ha…!

– Cái đấm cấm đái… Cái đấm cấm đái… thì ông cứ đái… Cấm đái thì ông cứ đái … Ha ha!
Hắn cười. Lạ thay những gì hắn vừa thốt ra như không phải là giọng nói của hắn, một gã đàn ông trung niên. Và cái giọng cười nữa, cũng không phải của hắn nốt. Ôi giọng cười nó tươi trẻ, vui vẻ làm sao!

Gió thổi mạnh hơn. Mùi nước tiểu thấm vào đất đá lâu ngày bốc hơi theo gió, lan man. Hắn rùng mình. Bụng hắn căng cứng. Hắn tiến sát bức tường, mở dây kéo quần. Những tia nước ấm vàng từ thân thể hắn bắn ra, rơi trên một vỏ hộp hay một vật gì đó bằng kim loại nằm trong đám rác rưới, đồ phế thải dưới nền đất, dội lên những tiếng long tong. Tiếng long tong như mưa tràn qua máng xối. Những tiếng mưa ngày cũ và hàng loạt âm thanh không tên, nhưng quen thuộc gần gũi biết dường nào. Chúng thao thiết bật lên cùng một lúc, gõ trên hồn hắn từng tiếng động kỳ diệu, tê mê.

Phạm nhân trở về làng cũ trong ánh sáng đầu ngày. Ông nằm xuống một gốc cây ngửa mặt nhìn trời, đón nhận những tia nắng ban mai và hít thở hơi đất, mùi cỏ cây mà bao năm trời ông thiết tha thèm khát…

Cơ thể nhẹ tênh, sảng khoái. Hắn ngước mắt nhìn trời. Khuôn mặt ngây ngây. Không phải cái ngây ngất nhẹ nhỏm của lượng nước trong người vừa được thải ra. Không phải cơn ngây trong men rượu cay, trên da thịt đàn bà.

Cô gái đứng lặng nhìn hắn, lắc đầu. Làm sao cô hiểu được?

Quê hương không chỉ là chùm khế ngọt, là con diều biếc trên cánh đồng xanh, là ca dao êm ả những trưa hè… Quê hương của hắn, một mảnh kỷ niệm mà hắn vừa tìm lại được, hắn đang hít thở từng hương hơi của chúng như « phạm nhân trở về làng cũ » trong bài học năm xưa.”

ĐML đang định nghĩa lại quê hương. Hay đúng hơn chị định nghĩa cách một Việt Kiều bây giờ định nghĩa lại quê hương. Quê hương dưới mắt Việt Kiều phải chăng là chỗ có thể làm mọi thứ, làm những chuyện mà hắn không thể hay không dám làm ở một nơi nào khác? Quê hương bây giờ thay vì là nơi thăng hoa tinh thần của một phạm nhân, kẻ di dân, một kẻ bị đời sống lưu đày hiểu dưới nhiều hình thức; lại trở thành nơi con người sống với phần thấp kém nhất của mình?

Có nhiều câu hỏi đưa ra, và nhiều cách trả lời. Nhưng rõ ràng, qua Cái Đấm, ĐML đã tìm cách vượt khỏi giới hạn quen thuộc, đã chứng minh với chính chị rằng viết là một quá trình tập sống. Nhà văn hơn hết là người có thể sống những mảnh đời không thuộc về mình, sống vượt trên giới hạn xã hội, giai cấp và giới tính của mình. Từ viết đến sống là một quá trình liên tưởng, đánh tráo, thử nghiệm, lắp ghép và dựng lại cho riêng mình mình những điều thực sự có nghĩa với chính mình. Truyện của chị xây dựng trên nhiều yếu tố đối nghịch, hoặc nỗi tha thiết với quá khứ và sự từ khước hiện tại (Quá Khứ), hoặc tình yêu và phản bội (Hoa Vàng), hoặc tìm kiếm và phụ rẫy (Đi và Về), hoặc quê hương như một ký ức đẹp hay quê hương là một hiện thực rác rưởi (Cái Đấm), hoặc ám ảnh hữu hình có thể điều khiển được và ám ảnh vô hình ngoài tầm tay (Vết Loang) – tạo ra nhiều tầng lớp thưởng thức và ngắm nhìn- cũng đa dạng như chiếc chuông ngân chị tả trong truyện, dùng để biết gió về, chiếc chuông có đến 8 âm thanh, nhưng người ta thường chỉ nghe ra 2 điệu. Tập Sống có thể nhìn như một thách thức của cuộc sống đối với người viết. Người viết lao tới trước, không bằng sức lực mà bằng bất lực, hay đúng ra bằng sức lực của sự bất lực. Và chính trong những giây phút bất lực nhất của đời sống chúng ta lại có thể sáng tạo những dòng chữ chấn động cuồng nộ nhất.

Sẽ còn rất nhiều điều có thể nói về tuyển tập truyện ngắn thứ hai của ĐML. Nhưng có lẽ nên dành cho người đọc một khoảng trống vừa đủ để họ đi vào cõi viết của ĐML, để người đọc tự khám phá ra những cái đẹp ẩn dấu trong văn chương chị. Tôi xin mượn chính câu nói của ĐML để kết thúc cho phần giới thiệu cuốn sách này:

“Những giòng chữ đẹp đẽ kia tất cả chỉ là sự sáng tạo tuyệt vời từ nỗi cô đơn phù thủy.”

(Bài này được đọc lần đầu trong buổi ra mắt sách của Đặng Mai Lan ngày 1 tháng 2, 2009 tại phòng hội tòa soạn Việt Báo)

Đặng Thơ Thơ

Leave a comment