Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nguyễn Đình Toàn – Thơ và Ca Từ

Nguyễn Đình Toàn - Thơ và Ca Từ

Nguồn: https://vietbao.com/a310543/van-hoc-press-tran-trong-gioi-thieu-nguyen-dinh-toan-tho-va-ca-tu

Trân trọng giới thiệu: NGUYỄN ĐÌNH TOÀN 

THƠ & CA TỪ

Culture Art Education Exchange Resource

liên kết với VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2021

Thiết kế bìa: Đào Nguyên Dạ Thảo

 

Sách đã có bán trên BARNES & NOBLE

Ấn phí: US$19.00

Xin bấm vào đường dẫn sau:

THO VA CA TU: NGUYEN DINH TOAN by Dao Nguyen Da Thao, Paperback | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)

@@@

Những đêm nhớ lại

(Trích đoạn)

– Đặng Mai Lan

… Qua một tấm màn quá khứ của nhiều thập niên, bạn trở lại như một kẻ đang chơi trò cút bắt với tôi. Bạn đứng đâu đó tôi không thấy. Nhưng bạn đã vén cái  bức màn sờn cũ ấy để tôi nhìn lại tôi xưa. Và thêm một tương quan giữa bạn với một người tôi cũng chưa hề gặp mặt, làm tôi nao lòng thao thiết nhớ về những ngày có thể nói với tôi là những ngày tươi đẹp nhất. Ngày biết mê đắm một tiếng nói, một câu văn.

Tôi đang nhớ lại những đêm Sài Gòn.

Xóm  đêm, các ngôi nhà đã then gài cửa đóng trong bóng tối im, nhưng vẫn còn đâu đó những ngọn đèn toả sáng dưới những mái nhà ngủ muộn. Thỉnh thoảng có tiếng cười của ai đó đi về trong con ngõ.  

Căn gác luôn được mở rộng bởi một cửa sổ có cánh là một khung kẽm sợi dầy, đan kết thành những mắt lưới tròn. Cửa được đóng mở bằng cách nâng lên hạ xuống cái khung lưới ấy. Từ khoảng trống đó có thể nhìn thấy cả một khoảng trời bao la phía ngoài. Lý tưởng cho những đêm trăng sáng hay những đêm mùa hè khi mà khí hậu tột cùng oi bức. Nửa đêm thức giấc hay trằn trọc, chẳng cần bật đèn đêm cũng có thể nhìn thấy mọi thứ đồ đạc trong phòng.

Nhưng những đêm thứ năm, cái khung lưới ấy luôn được sập xuống. Cả bức màn vải bên trong cũng được kéo kín để ngăn chắn luồng ánh sáng hắt vào từ phía ngoài. Như thể bóng tối cũng là một cánh cửa của mỗi người thao thức được khép kín riêng tư. Sự khép lại, đắm mình trong bóng tối của chủ nhân căn  gác nhỏ này như chỉ để gìn giữ riêng cho mình một điều gì đó đắm đuối mê say, như nó chỉ là của riêng mình, phải nâng niu cất giấu.

Kỳ thực, điều ấy chỉ là một khoảnh khắc thời gian. Mà thời gian nào có phải của riêng ai. Chỉ là một giọng nói, là những âm thanh được phát đi từ một làn sóng điện lan toả trong đêm, trên khắp mọi miền đất nước.

Những đêm thứ năm hò hẹn, những phút giây hò hẹn của những người yêu nhau. Của tình đầu, tình xa, tình nhớ. Những ai đã yêu, chưa yêu cũng cảm ra được một thứ tình yêu vào buổi ấy dù chỉ bằng những lời nói, câu ca.

Dù Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng, nhưng giọng nói dịu dàng ấm áp như chuyên chở thời tiết của bốn mùa. Mùa bàng bạc trong những bản tình ca. Tiếng xào xạc của những chiếc lá thu rụng đầy trên phố. Những sợi  mưa rơi ẩm ướt những thềm nhà, long lanh trên cây lá.

Sương mù, bóng tối và những con đường có ai đó, đang chia tay ai. Nghe qua một giọng nói mà tưởng như có thể ngửi thấy cả mùi hương hoa trên cây, mùi cỏ dại bên đường. Vị ấm nóng của ly cà phê hay hương thơm khói thuốc trong góc quán đêm về.

Tiếng nói không chỉ làm đêm thành phố êm đềm thơ mộng hơn. Những bài hát  đã xoa dịu  đêm quê hương đầy ánh hoả châu, ấm áp đêm tiền đồn heo hút.

Có bao nhiêu người đã thả hồn trong âm thanh ấy vào những đêm thứ năm như thế? Những đêm khó quên.

Giờ ra chơi, hành lang trước lớp nhìn như là một trung tâm văn hoá.

Người con gái cầm cuốn sách, giở từng trang dò kiếm và đọc lại cái đoạn mà có lẽ cô vừa mới đọc đêm qua. Giọng miền Nam nhưng khi cô đọc, đôi mắt miên man lướt theo từng câu từng chữ. Ngừng lặng đúng lúc như đang diễn tả một bài nhạc của một người am hiểu về nhạc lý, làm chơi vơi tâm tưởng những người bạn quanh cô.

Đó chẳng phải là một cuốn sách duy nhất đã được đọc trong những giờ ra chơi. Nhưng những cô học trò hiện diện vào những buổi ra chơi của bao ngày tháng đó, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ quên được cuốn sách và  nhân vật nữ không tên, người con gái có một vết nám trên mặt. Cuộc sống của nhân vật nữ này có thể như là một hình mẫu, một giấc mộng tương lai, mà họ, những cô học trò ngoan hiền như chim non còn nằm trong tổ  đã từng mơ được bay bỗng, được sống những ngày đời như thế. Một đời sống tự lập đầy quyến rũ, không nằm trong lệ ước của đời thường.

Một trong những thiếu nữ năm ấy chính là tôi.

Chỉ là một đoạn văn, nhưng tôi đã cảm nhận thêm một thứ mùi hương khác. Khác với cái mùi của không gian, cảnh vật, của tình cảm yêu đương mà tôi hằng nghe diễn tả từ một tiếng nói trên đài phát thanh vào những đêm thứ năm. Cái mùi mẫu tử này ai lại chẳng từng hít thở, nâng niu bằng một cách nào đó trong đời sống. Cái mùi thiêng liêng, nồng nàn và ấm áp.

Tôi biết đến nhà văn Nguyễn Đình Toàn qua tiếng nói, rồi đến văn chương. Dù cái  biết về  văn chương thuở ấy chỉ là một  “con đường” không dài, không ngắn mà đi qua là mãi hoài lưu luyến.

Mãi mãi, cho đến tận bây giờ…

Có những đêm mất ngủ, tôi vẫn tìm thấy lại mình của những đêm thứ năm xưa. Những đêm nằm cong mình, đắm chìm theo tiếng nói, trong bóng tối của căn gác nhỏ.

Chỉ là hồi tưởng, vậy mà tôi cũng tìm lại được cái cảm giác khi nằm nghe những bản tình ca, cùng với âm thanh của gió, mưa, của tiếng lá khô rơi trên đường… Dù thứ cảm giác thuở ấy chỉ là sự mường tượng, dù thực tại  bên ngoài ngập đầy băng tuyết của mùa đông.

Vẫn nhớ chiếc radio xinh xắn như một hộp bánh biscuit hình chữ nhật bằng nhựa cứng màu hồng pha trắng, mà trên mặt có khắc một hàng chữ: “Chính phủ quốc gia Nhật Bản kính tặng những chiến sĩ của quân lực Việt Nam Cộng Hoà”.

Chiếc radio thời chiến chẳng phải chỉ dành cho những chiến sĩ nơi tiền đồn heo hút, mà cả người nhà chiến sĩ là tôi cũng may mắn được sở hữu.

Vẫn nhớ đến hình vẽ trên một bìa nhạc mà tôi đã dùng để bọc cuốn nhật ký của những ngày tháng chớm biết mong đợi, nhớ nhung.

“Ngày thần tiên em bước lên ngôi, đã nghe son vàng tả tơi…” Bài hát tôi yêu, mê từ thuở chưa lên ngôi, chưa hiểu thế nào là vàng son tơi tả.

Bây giờ thì tiếng nói đã thành tiếng hát. Bàn tay ngồi viết từng trang sách giờ lướt trên những cung đàn. Và văn chương làm rung động bao tâm hồn thiếu nữ nay là những khúc bi ca, tiếng nói của kiếp người trên một quê hương khốn khổ.

Đêm quê hương, đêm treo trên một cành ngang

Chôn nhau xong làm dấu nhớ chỗ ai nằm

Cơn mưa giông, đêm qua đông trời lạnh lắm

Gió khắp bốn bề, cây rừng núi run hình bóng

Mai rạng đông đến lượt ai đem chôn

Cố thắp cho em một ngọn đèn

Bằng nhọc nhằn cay đắng

Của hình hài rã trong trại giam.

Tôi đã lắng nghe tiếng hát và bùi ngùi với những câu ca, trong những bản nhạc như thế. Cũng với bóng đêm, cũng là những khoảnh khắc một mình, hay những đêm trở giấc.

Tôi vui mừng khi biết tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Toàn được tái bản. Ngoài hai chữ “vui mừng” đơn giản nói lên cái cảm xúc của mình, không biết phải dùng từ nào khác cho đúng nghĩa.

Hai cuốn sách dầy cả bảy trăm trang gồm sáu truyện dài. Có những truyện tôi chưa hề đọc, hay có đọc chỉ loáng thoáng đâu đó một vài chương.

Có thể có những dòng chữ lôi cuốn hơn những gì tôi đã đọc ngày xưa. Nhưng khi cầm  hai cuốn sách đặt mua từ Amazon, cái trang đầu tiên tôi giở ra là tìm đến “con đường”, tìm đến đoạn văn tả về một đêm chia tay của hai mẹ con, của  người con gái có vết chàm trên mặt.

Tìm, như tìm lại đời mình những ngày tháng cũ tươi hồng.

Nghĩ lại, tôi đã đến miền Nam Cali rất nhiều lần, gặp bao nhiêu người trong giới văn nghệ sĩ. Sao chưa bao giờ tôi gặp được ông, nghe được một giọng nói mà không qua một âm thanh sàng lọc nào của máy móc.

Bạn thân mến, tôi sẽ gửi cho bạn một điện thư để nói với bạn rằng, bạn hãy đi gặp ông ấy. Hãy nói với ông rằng, từ Sài Gòn tới Paris, gần cả nửa thế kỷ dài, có một người đã lắng nghe tiếng nói của ông và vẫn nghe mãi cho đến bây giờ. Mong ông nhiều sức khoẻ!

Leave a comment