Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Khánh Minh, Chữ Nghĩa Nơi Tấc Lòng – Cung Tích Biền

Cung Tích Biền

Khánh Minh, Chữ Nghĩa Nơi Tấc Lòng

Một số ít các nhà thơ nữ, không cứ là trong sáng tác, ngay đời thường của họ, đã là một bài thơ, là Thơ. Đó là sự thuần khiết về tâm hồn, sự hiền hòa, thơ mộng, thanh cao trong ứng xử. Họ là một cành dị thảo trong vườn hoa vốn đã đầy hương sắc.

Một hôm, được mời dự một buổi ra mắt một tập thơ của Khánh Minh, được mời phát biểu đôi lời, tôi nhớ tôi chỉ nói đúng mấy từ, “Nói về thơ Khánh Minh ư? Khánh Minh, đã là Thơ rồi”.

Khánh Minh là nhà thơ, viết cả văn.

Thường, một người làm văn, khi mần thơ, thường không được hay. Ngôn ngữ thô cứng. Chỉ rặt lý luận. Khen thơ ấy hay, chỉ vì nhà văn ấy đã khéo léo lôi kéo người thưởng ngoạn, thay vì thơ, đã đi đường tắc theo cái lý lẽ, lý luận về “cái sự đời” tương đối chặc chẽ do ông đưa ra. À, thơ hay, đúng vậy. Kiểu tam đoạn luận.

Nhà thơ mà viết văn? Cũng chẳng hay ho chi, trừ một vài tài năng hiếm hoi. Thi sĩ viết văn? Đó là cuộc sa đà vào tràng giang mơ mộng, cái chữ lênh đênh trôi dạt. Không cô đọng. Vì văn quá thơ, nên  văn quá hiền. Rêu nhạt. Không có cái sắc sảo, ác, gọn, tỉnh táo như nhà văn.

Xem Tản Đà, một người mần thơ linh kiệt, như thần trời nói hộ chỗ thần tiên:

 “Cửa động

 đầu non

 đường lối cũ

 Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi

[ đoạn cuối, thơ Tống biệt]

Mà/ nhưng văn của ông? Thật là con đường rừng quanh co rối rắm, lẫn lộn lá xanh lá vàng, bờ cao, suối nước. Nói gọn, một khu vườn bấy lâu thiếu chăm sóc.

Khánh Minh, thơ và văn. Cô chưa đứng trên đỉnh. Cô chỉ lơ lửng chỗ sườn non. Nhưng, thế cũng là hân hạnh cho người đọc. Ở đây thấy được đồng bằng dưới kia, thấy biển, thấy cái nhân gian xanh lơ bàng bạc. Ở đấy, đã đầy đủ những biểu tượng của hiện thực, và bao la là biểu cảm với cái thế giới hư vô, huyền áo của tâm hồn.

Thơ và văn của Khánh Minh rất đều. Không cái nào là tay trái.  Khánh Minh, người có hai tay mặt.

**

Những ai là người Việt, từng sống trong thời gian dài dặc ba mươi năm, dài hơn hai mươi năm nội chiến từng ngày. Trà trộn với chiến tranh, hòa bình, chia cắt, tù đày, mỗi người trong chốn nhân gian rủi ro ấy, không ai trốn khỏi những hoạn nạn, thương tích. Thương tích thể hình, thương tích hủy hoại sâu thẳm trong tâm/ linh hồn.

Đủ kiểu thương tích. Mỗi người có, một, hai. Như ta có sẵn vài cái xương sườn trong cơ thể.

Khánh Minh không thoát ngoài. Khánh Minh đứng trong cái Bóng dĩ vãng. Thơ văn của cô là trĩu nặng nỗi cảm hoài, lắng trầm ký ức.

Hãy đọc Một nhịp dừng của Khánh Minh, Dừng ở nơi đâu? Nơi chốn sâu nỗi lòng. Dừng trong cơn mơ xanh biếc, rất long lanh những phận người.

Khánh Minh nhớ Cha. Ở ngoài ánh sáng, cô nói hộ cái hoàn cảnh tối tăm, cái tâm tư xám màu, của thân phụ mình đang trong trại tù Gia Trung.

MỘT NHỊP DỪNG

Khoảnh khắc những vòng tay. Hụt hẫng 

Một vuông trời đêm, thức giấc

Bóng tối so dài hạt lệ…

Khoảnh khắc những đêm thầm, nỗi sợ 

Nín cơn mơ, canh chừng lời nói mớ 

Bình minh bật trắng âm u

Khoảnh khắc những bước chân, bóng hút 

Đôi mắt ngó con đường đi, bỗng cụt 

Mầu san hô đỏ dưới chân ngày

Khoảnh khắc dài theo tiếng gọi 

Rốt lại một chiều câm tiếng nói 

Đợi chờ đuối một giấc mơ

Khoảnh khắc vói theo mùa xuân trôi 

Mầu hoa tím ở trên đồi

Thường về lao xao trong giấc ngủ

Khoảnh khắc những vòng xe lăn mãi 

Biết đâu một nhịp dừng thơ dại

Tôi lại về kịp giấc tôi mơ…

2012

(Viết theo nỗi niềm của cha tôi, những năm tháng ở trại tù Gia Trung)

Một bài thơ gây nhiều xúc động cho người đọc. Tâm sự, nỗi cảm hoài riêng tây ấy cũng là một tâm cảm chung của mọi người Miền Nam trong buổi kết thúc cuộc chiến chinh Nam Bắc.

Một sớm mai thức giấc, bàng hoàng nhìn ra, “Chúng ta mất hết cả rồi”. Tan nát đời thường. Cạn kiệt những hy vọng. Chúng ta bị bao vây bởi những sợ hãi, khốn cùng trong tuyệt vọng. Một trại tù chung, bao la từ con đường đi phố thị đến những ai sống trong lũy tre làng. Không cứ là chốn Gia Trung, có rào kẽm gai cổng sắt, ngoài đời này, chúng ta cùng một cảnh chung,“Một vuông trời đêm, thức giấc. Bóng tối so dài hạt lệ…” Và, ngay trong giấc ngủ, vẫn “Khoảnh khắc những đêm thầm, nỗi sợ. Nín cơn mơ, canh chừng lời nói mớ” 

Trong tháng ngày thảng thốt ấy, một cơn gió lạnh, thoảng, người đã rùng mình như lưỡi gươm đưa. Trong nắng, đã chảy đầy bao vết thương. Rán chiều, lệ đỏ.

Một Nhịp Dừng. Bài thơ hay. Cấu trúc lạ. Ngôn ngữ đẹp, sâu lắng. Mỗi chữ/ từ, đã rõ lộ sự cần thiết trong Thơ, là “Ý tại ngôn ngoại”. Xác Chữ ở đây, mà Hồn chữ nơi Cõi ngoài, nơi lai láng mối giao hòa giữa tác giả và người thương ngoạn. Một tâm tình chung, trong hoàn cảnh, lịch sử chung chịu. 

Và, hãy đọc một đoạn văn, Khánh Minh viết:

“Về, là về lại một nơi mình đã chia xa, một chốn cũ, nơi mình được ngồi yên lặng để bầu thân thuộc chuyền cho mình những dưỡng chất đã tiêu hao theo những dặm dài, để được nhìn thấy mình cùng không khí ấy mới mẻ thế nào, cũ kỹ ra sao. Hẳn sẽ là bước về nôn nao hối hả.

“Về, là về cõi thời gian, một dòng chảy mơ không bờ bến, nếu không dành tâm tới lui với nó, khuấy lên hiện tiền một tiếng gọi, vén chút mù sương của ký ức, dợm một bước những phút giây sẽ tới, thì dòng chảy ấy sẽ hư vô. Nên bước về như thước phim quay chậm.

“Và sẽ chập chùng trên đó những bước chân của xác phàm lẫn tâm thức. Nơi chốn ấy là Sài Gòn, thời gian ấy là Sài Gòn. Vâng, Sài Gòn….

“Ngôi nhà ba mẹ tôi ngày trước, có hàng tràm bông vàng bên kia vệ đường, tới mùa hoa gieo phấn thì bụi vàng xác hoa li ti đầy trước ngõ.

“Tôi đứng yên trước cổng, nếu có bấm chuông cũng sẽ không có ai mở cửa. Tần ngần cầm chiếc chìa khóa, tôi mở, tiếng lách cách nghe lạ như lâu lắm chưa từng…Tôi đi thẳng lên lầu nơi có bàn thờ, mùi gỗ cầu thang âm ẩm, tôi nhìn hình cha, một chút sợ sợ, không biết vì sao, có lẽ tại âm dương nghìn trùng trong căn phòng thờ im lặng, tôi đặt tay lên khuôn hình, ba ơi, con về với ba đây.

Phất phơ mầu áo lụa mỡ gà bộ bà ba xô dạt tôi, A, tôi đã theo mầu áo này mà về.

… Mầu áo tôi không quên cha tôi mặc tối hôm ấy. Buổi tối, như vậy thôi, đừng nhớ thêm gì nữa về thời gian…, một toán lính xông vào nhà tôi như một trận bão, túa lên những phòng và dồn 8 người gia đình tôi xuống phòng khách. Một tờ giấy được dơ lên, một lời được đọc. Đêm đóng lại theo từng bước chân của mỗi người được gọi lên phòng của mình.

“Tất cả phòng đều bị niêm phong. Có ai nghe tiếng một chùm chìa khóa quăng mạnh xuống mặt bàn gỗ như thế nào không, có thể không là gì nhưng đêm đó âm thanh ấy đã làm cả nhà tôi giật nẩy người. Đó là chùm khóa nhà. Và sau đó là tiếng loảng xoảng của những chiếc còng tay. Ba tôi đi, hai em trai tôi đi, bước lên một cái xe bít bùng. Họ đang bước vào bóng tối. Cùng đi là tất cả sách vở trong nhà. Tiếng những chiếc xe nhà binh như tiếng rú…

 (Trích Lần Theo Mộng Ảo Mà Về) 

Đoạn văn này khá sâu sắc. Lối hành văn và chữ nghĩa là của một tay dụng chữ già dặn. Cô đọng trong diễn tả nỗi đau thầm, nhưng thanh thoát, xanh lơ cái bình thản, của một người hiểu đời.

Chữ nghĩa thấy ra đơn giản, thực sự chúng bị xé bức, công phá bởi ký ức đau đớn, một dĩ vãng xám ngắt trong mù mưa thời thế.

Hà cớ gì người trở lại thềm nhà xưa với trọn niềm đau? Không hề là mộng ảo. Đây là Cõi đời thật. Về lại nơi cố quận, chi vì nhớ Cha mà về. Nhớ màu áo xưa. Nhớ Bóng tối phận người.

Một ngôi nhà xưa. Một nơi thờ phụng chừng vắng khói hương. Một người nhớ người, trong cái sầu lắng của nguyên-màu-kỷ-niệm.

Bùi Giáng xưa cũng nhớ người. Hỏi người mai sau, nhưng chính là nhớ người trong ngày tháng cũ:

“Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu sơ nguyên”.

Một bài thơ lạnh. Nhưng Nhà thơ đáo để là chỗ này. Cái chuyển luân của kiếp người, và cái bất biến  từ tự nhiên. Trăng, là trăng vạn đại. “Em” là em một kiếp khác. Không phải người khác. Sao vậy? Nguyễn Công Trứ đã từng cảm khái “Kiếp sau xin chớ làm người / làm cây thông đứng giữa đời mà reo”. Nếu hậu kiếp được là một chủng loài khác, thuyết lý của nhà Phật cũng đồng ý vậy, thì “Em” của Bùi Trung niên Thi sĩ có thể là “Con nai vàng ngơ ngác”. Bùi Giáng đã từng nói, “Đứng ngã ba nhìn ra ngã bảy, nhìn xe cộ hóa hươu nai”.

Cùng văn phong ấy, Khánh Minh đã viết: “Về, là về cõi thời gian, một dòng chảy mơ không bờ bến, nếu không dành tâm tới lui với nó, khuấy lên hiện tiền một tiếng gọi, vén chút mù sương của ký ức, dợm một bước những phút giây sẽ tới, thì dòng chảy ấy sẽ hư vô”

Cuộc xoay vần, chuyển luân kiếp người, tựu trung, chỉ trong cái đứng im, và lặng yên của Nguyên Màu. Vạn sự tự nhiên. Vạn vật như nhiên. Thiên hà ngôn tai. Trời đất nào có nói gì đâu. Chỉ lòng ta bối rối.

Một căn nhà cũ. Khánh Minh đã trở lại.

Thơ văn của cô, ra đi từ tấc lòng, trở về trong tấc lòng.

**

Tôi chỉ đọc một ít thơ văn của Khánh Minh. Và Cái nhìn của tôi có thể giới hạn trên ngần ấy. Nhưng chỗ chữ nghĩa cố kim có cái lạ. Văn là người. Gặp người chỉ nhìn qua đôi mắt nụ cười có thế biết…rõ người. Dân gian thường bảo “Coi mặt mà bắt hình dong”.

Đọc vài trang chữ biết chữ nghĩa ấy thế nào. Là, dâm tình Kim Bình Mai. Rổn rảng binh đao Tam Quốc chí. Hay đầm đầm cái vị hương tình Hồng Lâu mộng.

Đọc dăm ba chục chữ đã biết là văn Mai Thảo, với chữ nghĩa mới mẻ, dồn dập hoa mỹ, hay Bình Nguyên Lộc lời chậm rải tỉ tê, hồn nhiên của trời mây Nam bộ. Đọc dăm câu thơ, biết ngay thơ Nguyên Sa hay thơ Tô Thùy Yên. 

Tất nhiên phải có cái tài mới có cái Mới, cái Lạ. Cái mới phải đa diện. Cái lạ phải thật sự là Lạ, khác thường, chỉ một, mới đóng dấu ấn vào trí não người.

Tôi hiểu, Khánh Minh cũng có cái ý thức “Đứng riêng mỗi mình”. Đây là thái độ chân thiện, cần thiết trong mỗi người cầm bút.

Rât mừng, trong chừng mực, thơ văn Khánh Minh có một chốn riêng. “Mình không giống ai”. Và, mong sẽ không ai giống mình. Cô đã thành công.

Cảm ơn Khánh Minh đã cho tôi đọc một số tác phẩm của em. Và, viết những dòng này. Một tương phùng gió thoảng, trong tình văn hữu.

Cung Tích Biền 

Garden Grove một ngày cuối năm,31 tháng 12 – 2022.

Leave a comment