Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nguyễn Thị Khánh Minh Và, Giác-Quan-Thi-Sĩ – Du Tử Lê

Du Tử Lê

Nguyễn Thị Khánh Minh Và, Giác-Quan-Thi-Sĩ

Nguồn: https://dutule.com/p124a6306/22/khi-van-chuong-nguyen-thi-khanh-minh-hat-bong-tren-dam-truong-nhan-the-
https://dutule.com/p124a6335/22/nguyen-thi-khanh-minh-va-giac-quan-thi-si-

Cách đây chưa lâu, một người bạn không thuộc giới làm thơ hay viết văn, nhưng là người nặng lòng với văn chương Việt, ông hỏi tôi, đại ý: Theo tôi thì trong hàng ngũ những người nữ, viết văn, làm thơ sau biến cố tháng 4-1975, ai là người có được cho mình, sự thành tựu ở cả hai phương diện thi ca và văn xuôi? Chừng sợ tôi không nắm được câu hỏi, ông mượn một hình ảnh rất “ấn tượng” trong kho chuyện chưởng của Kim Dung: Hình ảnh “song kiếm hợp bích”.

Tôi hỏi lại trí nhớ mình. Trí nhớ tôi, sau đấy, đã cho người hỏi câu trả lời, đại ý:

“Theo cảm nhận riêng của tôi thì một trong những nữ đạt tới mức độ “song kiếm hợp bích” đó là Nguyễn Thị Khánh Minh”.

Người bạn tôi lại hỏi:

“Vậy tôi có bao giờ viết về người nữ trẻ có được hai đường kiếm “hợp bích đó?”

Tôi đáp có và, hứa với ông, sẽ lục tìm; gửi lại ông, đôi bài viết về Nguyễn Thị Khánh Minh, ngay khi tìm được.

.

KHI VĂN CHƯƠNG NGUYỂN THỊ KHÁNH MINH HẮT BÓNG TRÊN DẶM TRƯỜNG NHÂN THẾ

Dưới đây là một bài viết, đúng hơn một đoản văn, tôi viết từ tháng 4 năm 2010, sau khi đọc mấy bài thơ mới của Khánh Minh (thời điểm đó):

“Tôi không biết Nguyễn Thị Khánh Minh đã chọn thi ca như con chim cô quạnh, chọn rừng sâu để phủ dụ những vết thương thời thế ngược ngạo sớm tìm đến cô? Hay, thi ca đã tìm đến cô, như tìm đến một người tình? (Một người tình có đủ những yếu tính mà nó hằng mòn mỏi?)

Tôi không biết.

Có thể chính Nguyễn thị Khánh Minh cũng không biết.

“Nhưng điều tôi biết được, cho đến ngày hôm nay thì, Thi Ca và Nguyễn Thị Khánh Minh chính là một hôn phối lý tưởng. Mỗi phía đã tìm được nửa phần trái tim thất lạc của mình.

Tôi gọi đó là một hôn phối lý tưởng vì, khởi tự cuộc phối ngẫu này, những con chữ đằm đằm chân, thiết ra đời.

Những con chữ được sinh thành từ tình yêu Thi Ca / Nguyễn thị Khánh Minh, khoác nơi tay nó những hình tượng mới mẻ, hắt bóng trên dặm trường nhân thế, những chiếc bóng lấp lánh thương yêu và, những nhịp chuyển, dịch mới, tách, thoát hôm qua.

Dù cho đôi lúc, nghỉ chân nơi dọc đường gập ghềnh trí tuệ cam go, Nguyễn Thị Khánh Minh chợt thấy: “Thương niềm đau từng mặc chữ long lanh…”

Tôi cũng gửi người bạn nặng lòng với văn chương 2 bài thơ, của tài hoa thi ca Nguyễn Thị Khánh Minh:

CHÂN KIẾN

Nỗi đường trường ứa lệ
Bước chân tôi, con kiến bé u buồn
Đêm vực sâu, ngày dồn sóng bể
Bước chân mù, con kiến bé, tăm phương…

TÌM

Thắp bao nhiêu lần ngọn lửa

Đốt bao nhiêu lời
Vẫn không tận mặt được Thơ

Dễ biết mấy để nói dối
Con đường lời quanh co
Thương trái tim trần thân bão tố

Mỗi khoảnh khắc là mỗi quay lưng
Thói quen của đi tới là quên
Thương nỗi nhớ còn ràng chân quá khứ

Mỗi nụ cười là mỗi xóa
Hạt lệ cũ
Thương niềm đau từng mặc chữ long lanh…

.

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH, GIỮA MÙA BỘI THU THƠ. MỚI.

Dõi theo bước chân thi ca của Nguyễn Thị Khánh Minh, trên đăm trường chữ, nghĩa, ba năm sau, tôi viết:

“Những ngày gần đây, với tôi, Nguyễn thị Khánh Minh là nhà thơ nữ có được cho mình một mùa thơ bội thu. Chẳng những họ Nguyễn không trở lại con đường mình đã đi – – Gặt, mót những vụ mùa đã cũ – – Hoặc lai-tạo hoa, trái từ những đời cây đã được chỉ danh… Mà, Nguyễn Thị Khánh Minh còn đẩy thơ mình, tới những tìm kiếm lao lung. Để sau đấy, cô có thể “Thản nhiên bóc ra từ tôi những giọt lệ” Vì nơi đó, “Là tấm gương soi cảm xúc tôi từng lúc” – – Nhưng “Chẳng phải bằng con ruồi giả – như người ta câu cá.”

(Những cụm từ trong ngoặc kép, là những câu thơ tôi trích từ bài “Thơ ơi” của Nguyễn Thị Khánh Minh.)

Cũng thế, “Phút mong manh của những từ” của Nguyễn Thị Khánh Minh, bài thứ hai, trong giới thiệu lần này, với bạn đọc, thân hữu, tôi nghĩ chúng sẽ “…mãi còn dư âm cái trườn mình của dòng chảy”…

Một dòng chảy thơm ngát tài năng và trí tuệ. Một dòng chảy mênh mang trên mọi bế tắc, loay hoay phổ cập những giả hình, tôi nghĩ”.

Sau đấy, tôi cũng mời người bạn của tôi, đọc thêm 2 bài thơ khác của Nguyễn Thị Khánh Minh. Bài “Thơ ơi” và “Phút mong manh giữa những từ”.

1.

Thơ,
Có khi Nó cõng tôi qua một cơn phiền muộn
Có khi Nó cho tôi một giấc mơ bình yên
Với những lãng quên cần thiết
Đôi khi Nó khiến tôi thành con bé
Nhìn mọi điều với con mắt mơ mộng cả tin
Có khi lại bằng góc độ già nua khắc nghiệt với những điều làm tổn thương lòng tin cậy
Nó trao tôi trong nỗi buồn chứa chan lời hy vọng

Nó sẻ chia niềm cô độc trên mỗi bước tôi đi
Tình cờ thôi, trong một chớp giao cảm đặt vào lời tôi ánh sáng một đôi cánh
Nghĩa là Nó làm tất cả để cho tôi sống
Cho tôi bay cao
Chỉ riêng nỗi đau từ chính Nó gây ra
Nó lại không làm gì cả
Chỉ thản nhiên bóc ra từ tôi những hạt lệ…

Cứ tưởng viết xong một bài thơ là đã vơi được nước mắt
Nhưng chấm hết
Vẫn thấy còn khắc khoải
Cứ thế, trang giấy mở mãi theo những giòng lệ …
Lời tôi viết
Là tấm gương soi cảm xúc tôi từng lúc,
Tôi viết nên bài thơ
Chẳng phải bằng con ruồi giả – như người ta câu cá-

2.

Khó mà thoát khỏi sự cám dỗ
Tôi mải miết
Điều gì được khi tôi đặt dấu chấm hết một bài thơ?

Sau một vụ mùa
Tôi chỉ đem về nhà được đôi ba hạt lúa chín
Chút màu vàng của nó lấp lánh trên tay
Làm tôi đã vô cùng sung sướng

Giống như tôi đã tắm, đã hưởng
Tất cả những ngọt ngào mát mẻ của con sông
Và dẫu tôi không mang về một hạt nước nào của nó
Nhưng làn da tôi thì mãi còn dư âm cái trườn mình của dòng chảy

Bài thơ hoàn tất, dù là một điểm hẹn quyến rũ,
Nhưng phút mong manh giữa những từ
Lại là lúc những đoá hoa đang nở. Đang tỏa hương.
Tôi có gì đâu phải vội.

Gần hơn nữa, phải nói là mới đây thôi, sau khi đọc bản thảo tản văn “Bóng bay gió ơi”, tôi đã viết xuống vài cảm nghĩ của mình. Lần này, có phần dài hơn, vì những trang văn-xuôi-như-thơ của cô:

“Không nhớ bao lâu, tôi chưa có dịp gặp lại Nguyễn Thị Khánh Minh – – Sau khi người thơ nữ từng có được cho mình những “mùa thơ bội thu”, phải nhập viện, giải phẫu cột sống!

Tôi cũng không biết, những chùm hoa “tử uyên ương” trong thơ của Nguyễn còn đỏ tươm một góc vườn? Hay đã thẫm. Chiều. Những tách trà son, nhạt. Bơ vơ hành lang yên, ắng. Đìu hiu?

Tôi cũng không biết, Nguyễn còn di chuyển bằng chiếc walker mà, từ những bước chân gập ghềnh kia, từ ghế ngồi nọ, thơ có được cho nó, những hôn phối mới? Những hôn phối giữa chữ, nghĩa đằm thắm, tỏ tình kín đáo cùng tâm thức, nhậy cảm.

Nhưng tôi biết, gần đây, Nguyễn đã có được cho mình, một cõi-giới văn xuôi – – Không chỉ là những chấm-phá-thi-ca. Với tôi, cõi giới ấy còn như những luống-hoa-thi-ca, thấy được, rực rỡ từ cánh rừng tâm hồn Nguyễn – – Nắng, gió mưng, mưng.

Tôi không rõ Nguyễn gọi những trang văn xuôi vun đầy những luống-hoa-thi- ca của mình kia, là “tùy bút” hay, nhiều phần là “tản văn” (theo cách gọi hôm nay ở VN)?

Tuy nhiên, dù với chỉ danh nào thì, tôi vẫn muốn nói, tôi thích lắm, những trang thơ-văn-xuôi ấy.

Nơi bất cứ một trang văn xuôi nào của Nguyễn, tôi cũng được thở ngạt ngào hương thơm của những động tự hay, tĩnh tự bay lên từ hồi ức Nha Trang, những ngày mới lớn. Saigòn, những ngày Duy Tân. Quê người, những ngày đi tìm cái tôi, thất thổ, lênh đênh: Những Nguyễn!”

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH VÀ, GIÁC-QUAN-THI-SĨ.

Rõ hơn, tôi cảm được cái “nồng của nắng”, cái “ngát rộng của gió khơi” hay, “…nhánh sông đang hối hả chạy ra biển…” của Nguyễn:

“…Con đường phố biển. Nồng của nắng, ngát rộng của gió khơi, hợp tấu cùng muôn ánh tươi rói của sắc màu mùa hè làm con đường lênh đênh như một nhánh sông đang hối hả chạy ra biển. Xanh ngắt trời nối xanh thẫm nước biển đổ tràn mắt tôi. Các cô gái mặc áo tắm đi hai bên đường, nổi làn da đỏ nắng, mắt họ biếc xanh, tiếng cười họ xôn xao những tán lá. Tôi đi như cái bóng giữa dòng nắng thanh xuân của họ. Bóng phất phơ giữa những đường ranh của thời gian…” 

Hoặc hình ảnh người con gái “ngậm tuổi mười sáu…” của mình, nơi mùa hè. Quê cũ: 

“Và tôi ngậm tuổi mười sáu hát ca suốt mùa hè như con ve sầu trong một phim hoạt hình trẻ con, không màng gì đến thu sang đông tới, để rồi, trong đêm mưa ve vác cây đàn sầu ủ dột trên lưng, đi xin ăn, tới nhà kiến, bị xua đuổi, có lẽ kiến bảo, sao suốt mùa hè chỉ lo đàn ca…” (Trích “Đường Main, một ngày cuối hạ”)

.

Tôi cũng không biết, những chùm hoa “tử uyên ương” trong thơ của Nguyễn còn đỏ tươm một góc vườn? Hay đã thẫm. Chiều. Những tách trà son, nhạt. Bơ vơ hành lang yên, ắng. Đìu hiu?

Nhưng, nơi bất cứ một trang văn xuôi nào, tôi cũng được thở ngạt ngào hương thơm của những động tự hay, tĩnh tự bay lên từ hồi ức Nguyễn, những ngày thiếu nữ. Rõ hơn, tôi cảm được cái “núm nắng gió” trong đoạn văn:

“…Tôi không là họa sĩ, chỉ mong ký ức dẫn lời để có thể phác hoạ được cùng người một cách diễm lệ hình ảnh 16 mùa nắng Nha Trang, Nha Trang nhi đồng, Nha Trang dậy thì, và, Nha Trang lớn lên xa vợi, giật lùi sau chuyến xe lửa đang chở tia nhìn nuối buồn đau ngày tôi bị gỡ đi cái núm gió nắng mặn mòi ấy…”

Rõ hơn, dù Nguyễn nói, Nguyễn không là họa sĩ, nhưng bằng vào tản – văn dưới đây, tôi trộm nghĩ, ngay những họa sĩ tài hoa nhất, từng phải lòng với văn chương, cũng sẽ ngẩn ngơ, nếu không muốn nói là sẽ ganh với bức tranh niên thiếu có đủ ba chiều không gian, vẽ bằng chữ trên tấm canvas-thiếu-thời của Nguyễn:

“… Thật sự lúc này tôi thấy mình đã sẩy đi ít nhiều ký ức về Nha Trang, Người đã cùng tôi một thời bé dại. Tôi đâu biết rằng, mỗi bước nhảy cò cò của tôi là từng bước một ánh nắng buổi mai đi về sau lưng, mỗi mảnh ngói nhỏ ném xuống đánh dấu ô ‘cái nhà’ của mình chỉ là một không gian hư ảo, tan đi khi những đường phấn kẻ ô chơi bị xóa vội vàng dưới cơn mưa … Tôi cũng không hay mỗi trái banh thảy lên từng thẻ đũa bị tóm, tờ tợ như từng mảnh thời gian bị lấy đi, để khi tàn một ván chơi thẻ thì thời gian không còn dấu gì trên vuông gạch (…)

“…Đó là thời gian của chồi nắng. Chồi 3, chồi 5 tuổi. Nắng ăn nắng ngủ và nắng khóc nhè…”

Và, vì thế:

“…dường như em đã lớn lên trong cái kén của riêng mình, như thế.” (Trích “Những mùa nắng Nha Trang”).

Tôi cũng không biết, những chùm hoa “tử uyên ương” trong thơ của Nguyễn, còn đỏ tươm một góc vườn? Hay đã thẫm. Chiều. Những tách trà son. Nhạt. Bơ vơ hành lang yên, ắng. Đìu hiu? 

Nhưng, tự nơi những trang văn xuôi của Nguyễn, tôi còn được thở ngạt ngào hương thơm của những động tự hay, tĩnh tự của Nguyễn, bay lên từ những bình nguyên đời thường. Từ những ngọn-đồi-thao-thiết-thi-ca… 

Ở kênh, mạch nào của cõi-giới tản-văn Nguyễn Thị Khánh Minh, với tôi, cũng vẫn là những con chữ, đẹp. Những con chữ như những bông hoa, làm thành những lẵng hoa mang tên tuổi thơ. Mang tên kỷ niệm. Mang tên bằng hữu. Mang tên tình yêu…Treo dọc thủy trình dòng-sông-tùy-bút của Nguyễn.

Dòng-sông-tản-văn này, đã đem lại cho tôi những lượng đất bồi đáng kể trước những sạt lở chữ, nghĩa trong văn xuôi của chúng ta, hôm nay.

Nhưng dù ở kênh, mạch nào, tôi vẫn cho rằng, thi sĩ là người có cái may-mắn-bất-hạnh, được Thượng Đế ký thác cho y / thị một giác quan riêng. Tôi không hề có ý nhắc tới cái chúng ta quen gọi là “giác quan thứ sáu.” Loại giác quan giúp một số người tiên đoán, hoặc, thấy trước những điều sẽ xảy ra. 

Tôi cũng không hề có ý muốn nhắc tới cái chúng ta quen gọi là “trực giác.” Một năng lực đặc biệt, không cần kinh nghiệm, học hỏi, vẫn có thể trực cảm những sự kiện mơ hồ. Tôi muốn nói tới loại giác quan không có số: “Giác-quan-thi-sĩ”. Đúng vậy. Đấy là chữ, tôi muốn dùng. Tên, tôi muốn gọi. 

Không có giác quan này, thi sĩ không thể tương thông với trời, đất. Không có giác quan này, thi sĩ không thể “nghe” được tiếng nói của im lặng. Không có giác quan này, thi sĩ không thể “thấy” được hình ảnh của hư vô. Không có giác quan này, thi sĩ không thể “chạm, đụng” được lẽ bất tận không gian, thời gian. Không có giác quan này, thi sĩ không thể “ngửi” được mùi hương kỷ niệm.

Không có giác quan này, thi sĩ không thể “nếm” được vị chát, cháy đỏ thần kinh của chia ly; vị ngọt điếng tê cảm xúc của hạnh ngộ…

Tôi không biết may mắn (hay bất hạnh) cho người bạn nhỏ của tôi, Nguyễn Thị Khánh Minh, là người đã được Thượng Đế ký thác cho cô, giác quan đặc biệt ấy.

Dưới đây là một đoản văn đi ra từ giác-quan-thi-sĩ của Nguyễn Thị Khánh Minh: 

“… Nhắm mắt lại. Phút này đây.

“… Nghe được hương trâm trâm bên vệ đường rầy xe lửa về quê nội, ai biết được mầu lấm tấm ngũ sắc kia đã cấy trong tôi mùi quyến luyến quê nhà đến vậy. Hễ chìm vào là nghe tiếng xe lửa xập xình, ánh nhìn cô gái nhỏ chạy lùi theo những hình ảnh vụt qua, bụi cây, ngọn núi, chiếc cầu nhỏ, những ô lúa xanh và con mương ốm chạy ngoằn ngoèo theo bờ ruộng. Lại nghe được cả mùi thơm của đất bùn, đất ải quyện lẫn mùi phân trâu bò, mùi rơm rạ trong nắng trưa. Nếu không có một tuổi thơ gắn bó với mùi hương ấy thì chắc tôi không thể nào cảm được trọn vẹn cái êm ả, bình yên, mộc mạc của một làng quê, không chia được với ai nỗi nhớ nhà, không xẻ được với ai niềm hạnh phúc có một “nhà quê” để gậm nhấm lúc chia xa. 

“… Tôi cho những mùi ấy là “duyên nợ” của tôi, vì hợp với nhịp đập tim tôi, rung động với tôi ở một tần số cao nhất của tâm linh, cho nên, nói như ai kia, là chẳng lẽ mình mong quê nhà cứ lạc hậu mãi sao, thì thật là một kết luận hơi oan ức, đối với tôi.

“Lý tưởng là, có đủ khôn ngoan, tinh tế để vừa phát triển vừa giữ được tiết tấu riêng của Nhà Quê. Nhưng nếu, để đổi lấy văn minh mà mất hết trơn cái nhịp, cái mùi gần gũi ruột thịt như thế, tôi chọn, thà đi về trên con đê bên đường rầy xe lửa ngắt nụ trâm trâm mà hút mật ngọt, thà trở lại quê nhà, tắm trong đêm dưới ánh trăng bên cái giếng gạch đóng đầy rêu, cười khúc khích với người chị đang tuổi dậy thì, chị Bích ơi, em biết sẽ có ngày chị em mình lại về nhà nội và tắm khuya bên bờ giếng ấy, phải là đêm có trăng để em thấy được những mảnh sáng bắn tung tóe từ người chị, hẹn thế nhé, nhưng đừng dọa em, dưới giếng có con rắn thật to nghe, mà cho dù thế cũng không cưỡng được em cái thích tắm dưới trăng khuya bên giếng gạch cũ của bà nội đâu, chị Bích à (…) 

“… Vâng, những hương ấy đã bỏ bùa tâm hồn tôi. Là mấu chốt cho cảm xúc thăng hoa, là sợi dây cho tôi lần về kỷ niệm, là đôi cánh giúp tôi còn có thể bay lên, là cái kén cho tôi náu mình, là liều thuốc mê cho tôi đôi lúc cần, để quên đi những nỗi sợ, những nỗi đau cùng những bất an trong cuộc sống…” 

Tôi nghĩ, một ngày nào, tình cờ gặp Khánh Minh, tôi sẽ lập lại: 

“Cảm ơn Khánh Minh. Cảm ơn những lượng phù sa mà, Nguyễn đã bù đắp cho những sạt, lở chữ, nghĩa nơi dòng sông tản văn của chúng ta, hôm nay. Từ đó, tôi thấy tôi đã cùng bóng, gió…bay lên. Bay lên rồi đấy: “Bóng bay gió ơi”. 

Du Tử Lê,  (Calif. Jan. 2015)

Leave a comment