Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đọc “Dây thun lỏng” (khúc côi, khúc giữa, khúc cuối) của Hồ Đình Nghiêm – Trần Doãn Nho

Trần Doãn Nho

Đọc "Dây thun lỏng" (khúc côi, khúc giữa, khúc cuối) của Hồ Đình Nghiêm

Nguồn: https://kontumquetoi.com/2017/12/07/tran-doan-nho-docday-thung-longkhuc-coi-khuc-giua-khuc-cuoicua-ho-dinh-nghiem/

Tính cách “rất Huế” trong một truyện ngắn của Hồ Đình Nghiêm

Trong một truyện ngắn của Hồ Đình Nghiêm có tựa đề là “Dây thun lỏng,” những cụm từ “khúc côi, khúc trữa, khúc đưới” được ông sử dụng rất nhiều. Đây là những cụm từ mà người Huế “chay” thường sử dụng trong khẩu ngữ hằng ngày, cũng như những từ “mô, tê, răng, rứa.”

Cũng như nhiều truyện khác, đây là một truyện ngắn khá ngắn, so với độ dài bình thường trong truyện ngắn của nhiều tác giả khác và truyện kể bằng ngôi thứ nhất – “tôi” – là tác giả hóa thân.

Tác giả có một anh bạn thân học cùng lớp, tên Long, người Nam, trước năm 1975, ra Huế du học. Long con nhà giàu nên ăn xài sang hơn đám học trò nhà nghèo ở Huế. Có lần, cậu ta may một cái quần tây đắt tiền nhưng không vừa ý, nên nhờ tác giả đi theo đến gặp ông thợ may để than phiền. Ông thợ may nhìn nhận khuyết điểm của mình và hứa sẽ sửa lại.

Là dân Huế chính gốc, ông phân trần với cậu học sinh người Nam chính gốc bằng một câu nói khiến anh chàng này ngẩn ngơ, không hiểu, phải nhờ tác giả thông dịch: “Tui đồng ý là khúc trữa có hơi bị nhăn nhíu, nhưng khúc đưới và khúc côi ni, anh xem đi, phải nói là khéo tay. Hàng vải ni rất khó may, anh thông cảm để tui chỉnh sửa lại.”

Sau Tháng Tư, 1975, cả miền Nam tan đàn xẻ nghé, Long trở vào Nam với gia đình. Tuy mất bạn, nhưng anh ta lại là đầu dây mối nhợ cho một câu chuyện tình qua đường của tác giả. Một ngày nọ, thiếu đói và túng quẫn, tác giả lấy bộ áo quần còn lành lặn của mình ra chợ trời bán, thì gặp một cô gái tên Ngà, trước đây, ở nhà quê lên Huế học may với ông thợ may quần cho Long. Cô thành thật kể một câu chuyện bất ngờ về Long.

“Chú Quý nói, tao chịu đèn cái thằng Sè-gòn đó rồi. Hắn nhiều tiền, không ưa mặc cả, dễ tính, là hạng người mà mình có chặt đẹp hắn cũng mần thinh. Hắn ưa ngủ đò cho biết sự tình mà tao can ngăn, vui thú chi nơi mà ham, chưa kể dây dưa tới bịnh tình. Chú đưa em tám ngàn, nói mi ngủ với hắn chút xíu có chết đi mô mà sợ. Em nhắm mắt đánh liều cho anh Long ưa làm chi đó thì mặc sức làm. Em thì ốt dột mà anh Long thì gà mờ, loay hoay chi chút mà cũng bở hơi tai. Anh nói: Thất bại! Lần khác anh lợi sẽ uýnh một trận ngó đường hoàng hơn. Giờ thì anh phải dìa.”

Hai người đi uống cà phê và trở thành thân nhau. “Ngà ngồi gần, tôi ngó vô áo bà ba và thấy một đường khe rám nắng. Hình như vì trời oi bức, chẳng thấy bóng dáng chiếc xu-chiêng. Vóc vạc, mặt mày, tay chân, hình thể, tôi đoán tuổi Ngà khoảng hai chục, hoặc nhỏ hơn.”

Tháng sau, tác giả đi tìm Ngà, cũng ở chợ trời. Cả hai kẻ lạc loài, đói khổ thông cảm hoàn cảnh của nhau nên đến với nhau tự nhiên như nhiên. Đối với tác giả, “Tôi chỉ nhớ Ngà. Tôi thiếu vitamin N. Khủng hoảng thiếu. Trầm trọng vắng.” Còn Ngà thì, “Đời em như tấm mền rách.”

Khỏi cần gạ gẫm mất công, tác giả nói thẳng là muốn ngủ với Ngà, “Nói thiệt nghe, khúc đưới của em có hơi xấu, ở côi thì ngó tàm tạm, còn khúc trữa? Chắc Ngà phải cho anh thấy mới nói năng linh tinh như ông Quý tiệm may.” Ngà không phản đối.

Thế rồi, “Cửa đóng then cài không lâu, tôi và Ngà lần lượt mở khóa cho nhau. Ngà mặc quần vải mỏng có tròng dây thun ở lưng, thắt thỏm. Đói ăn bụng lép rồi dây thun đang tới hồi lỏng, mất tính đàn hồi co giãn nên chi thoắt một cái là khúc trữa lộ hình. Nó sẽ tiết ra một dòng sữa mật mà riêng viện bào chế chẳng chịu gọi là vitamin. Nó sẽ bồi dưỡng cho tôi thứ mà văn học gọi trái cấm ở thiên đường nhiều cám dỗ. Tôi ôm giữ lấy khuôn mặt Ngà. Tôi hôn vào môi khô đang bấn loạn thở. Tôi đồng ý với anh là khúc đưới hơi thô thiển, nhưng phần côi và khúc trữa xoắn tít những cụm chỉ rối vụng về tay gỡ, thì phải mạnh dạn để nói, đó là tặng vật của đời.”

Thú thật, truyện này lôi cuốn tôi, ngoài những chi tiết Huế mà anh đưa vào như vẫn thường tìm thấy  trong các truyện ngắn khác của anh, còn nhắc tôi nhớ đến những cách nói rất Huế mà qua thời gian, lắm khi tôi quên mất vì không có dịp dùng đến. Chẳng hạn như:

-Chạy mau lắm thê, không phải nói trạng mô nợ = Chạy mau lắm cơ, không phải nói cho oai/nói khoác đâu.

-Anh kẹt tiền hung? = Anh thiếu tiền lắm phải không?

-Anh cũng đã chộ rồi = Anh cũng đã thấy rồi.

-Chơ cớ làm răng mà mặt anh xanh ngắt ra rứa? = Vậy thì vì sao mà mặt anh tái mét như thế?

-Ôm kè kè cái bọc chi rứa? = Ôm sát bên mình cái bọc gì vậy?

Còn “khúc côi, khúc trữa, khúc đưới” thì thật là Huế hết nói! Khúc là đoạn hay phần. “Côi” là “trên,” “trữa” là “giữa” và “đưới” là “dưới.”

Trong lời phân trần mà người thợ may nói với cậu học sinh miền Nam trích dẫn ở trên, “khúc đưới” chỉ phần ống quần, “khúc trữa” chỉ cái đáy quần, và “khúc côi” chỉ phần lưng quần. Nhóm từ này trở thành một hình thức ẩn dụ ám chỉ cuộc tình chớp nhoáng của hai kẻ nghèo túng, thất cơ lỡ vận trong những tháng ngày bơ vơ sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam.

Đối với cô gái tên Ngà, “khúc đưới” chỉ phần chân, “khúc côi” chỉ phần ngực, và “khúc trữa” để chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ.

Truyện đọc lên nghe có vẻ erotic, nhưng lại chẳng erotic tí nào. Đây là một trong những đặc điểm của văn Hồ Đình Nghiêm. Trong nhiều truyện, anh đã sử dụng những chi tiết khá hình tượng như thế để mô tả các hành vi tính dục, nhưng lồng trong một cách diễn đạt hồn nhiên, pha chút giễu cợt nên những đoạn “nóng” nhất trở nên dí dỏm, thay vì gợi dục.

Chính vì thế, tôi đồng ý với nhà văn Lê Thị Huệ, chủ nhân trang mạng Gió-O, khi chị nhận xét một cách tổng quát rằng, Hồ Đình Nghiêm có “một bút pháp tinh nghịch, thông minh, duyên dáng.”

Hồ Đình Nghiêm viết nhiều, đa dạng về nội dung cũng như bối cảnh, nhưng một phần lớn viết về Huế. Hễ “đụng” tới Huế là chẳng khác gì “gái có hơi trai, khoai có hơi cuốc,” hơi văn của anh dường như tràn trề sinh lực, mẫn cảm, bề bộn hẳn lên. Đọc các truyện Huế của anh, “Hành lý,” “Và Sầu ơi,” “Am khuất,” chẳng hạn, tôi tưởng như đang ngồi nhẩn nha uống cốc trà hay cốc cà phê, nghe một người Huế kể chuyện đời, rề rà, chậm rãi, chi li.

Văn của anh, nói chung, là một trộn lẫn khá lạ giữa sự nghiêm túc và nét dí dỏm lại đượm mùi chua chát được giấu một cách khá kín đáo qua cách diễn đạt trông rất thành thật, tự nhiên. Ngoài ra, anh viết phóng túng, nhiều liên tưởng. Từ chi tiết này, anh đột ngột nhảy qua chi tiết khác, có khi rất cách xa nhau, tưởng chừng như không dính líu gì nhau. Có thể nói, truyện ngắn của anh là một pha trộn giữa tản mạn, tùy bút và đôi chút tự truyện.

Nội dung truyện hầu hết không có gì cao xa, không có những sự kiện gây sốc, hay những nhân vật lạ thường mà chỉ là những chuyện vụn vặt, lỉnh kỉnh, rất thường ngày mà ta có thể thấy, có thể nghe đâu đó từ một ai đó. Cái hay của Hồ Đình Nghiêm thường nằm trong những chi tiết, đôi khi, rất dễ bỏ qua ấy, khi đọc. Nhưng mà đọc xong, lại nghe như lòng có muối xát. Đau đau, chua chua, mằn mặn, buồn buồn, tê tê tái tái.

Trong đoạn kết của “Dây thun lỏng,” anh viết: “Tôi vật Ngà xuống tấm chiếu có vẽ hình long phụng đưa móng bám giữ chữ Phúc. Hôm qua, tôi nghe hung tin, người yêu tôi (người tôi yêu) đã bị rơi vào tay bọn hải tặc Thái. Tôi đã chết, hôm qua. Và hôm nay, hồn ma tôi chợt hiện. Nó yêu Ngà để nước mắt quỷ sứ tự dưng chảy hoen ra chiếu lạnh.”

Một liên tưởng rất Hồ Đình Nghiêm! Sex, hài hước, chua chát. Và bi thương.

Hồ Đình Nghiêm sinh ở Huế 1957. Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế 1978. Vượt biển 1980, định cư ở Canada 1981. Truyện ngắn đầu tay viết ở trại tị nạn Kowloon, Hồng Kông. Hiện sống cùng gia đình ở Montréal, Canada. Ông đã xuất bản năm tập truyện ngắn: Nguyệt Thực (1988), Tờ Mộng Rách Rồi (1991), Vầng Trăng Nội Thành (1997), Mùi Hương Trên Đồi (2005), Kẻ Âm Lịch (2017).

Trần Doãn Nho

Leave a comment