Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ghé thăm Nguyễn Đình Toàn – Lê Xuân Trường

Lê Xuân Trường

Ghé thăm Nguyễn Đình Toàn

Nguồn: https://nvnorthwest.com/2014/01/ghe-tham-nguy%E1%BB%85n-dinh-toan/

Chiều dài lịch sử của nền tân nhạc Việt Nam đã để lại cho chúng ta nhiều ca khúc của các nhạc sĩ có tên tuổi luôn được hâm mộ và tồn tại đến tận bây giờ, không chỉ trong lớp người lớn tuổi yêu thích mà ngay cả giới trẻ, đã lớn và lứa tuổi mới lớn cũng có khá nhiều bạn yêu thích và tìm nghe. Buồn Tàn thu của cố nhạc sĩ Văn Cao hay Giọt mưa thu của cố nhạc sĩ Đặng Thế Phong những ca khúc tiền chiến hay không phải là tiền chiến rất nhiều thể loại của nhiều dòng nhạc mà các nhạc sĩ như Đoàn Chuẩn – Từ linh, Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Từ Vũ, Cung Tiến Nguyễn Xuân Khoát, Ngọc Bích, Tuấn Khanh, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Đình Chương, Nguyễn Ánh 9 v.v…. Những nét nhạc, lời ca bật ra trong một lúc nào đấy đã để lại dấu ấn của tác giả và reo vào lòng người nghe những dấu ấn khó phai mờ. Có những ca khúc người ta hát say mê mà không hề biết tên tác giả là ai, thậm chí còn có những ca khúc đã bị hát sai lời và trên những đĩa nhạc hình như vẫn còn làm lơ cả tên tác giả. Dòng nhạc Việt Nam đã trôi qua nhiều thế hệ; những bài hát bắt nguồn từ cảm xúc nồng cháy, bộc lộ tâm tình sâu kín của tác giả của các nhà thơ, nhà văn, về tình yêu thiên nhiên, với quê hương, với những người thân yêu từng câu từng chữ được phổ nhạc luôn là sự truyền cảm mà luôn sống mãi mãi với thời gian. Điều đó chứng tỏ rằng sức mạnh truyền cảm của những bài hát cách đây thật nhiều năm vẫn luôn luôn sống mãi và tồn tại trong lòng người nghe, buồn thay khi chẳng mấy ai để ý đến người sáng tạo, hay nói một cách khác, chẳng có tài liệu gì nhiều về những người nhạc sĩ đã để lại nhiều vốn liếng quý báu ấy cho nền âm nhạc Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Tôi ghé thăm nhà văn Nguyễn Đình Toàn – ông trao tôi 2 quyển sách với tựa “Bông Hồng Tạ Ơn” trong đó, ông ghi lại gần 234 tác giả từ nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, những người mà ông đã có kỷ niệm với, những người mà đáng nhẽ chúng ta phải cùng Tạ Ơn họ cho những đóng góp nghệ thuật cao cả, hết sức phong phú để gầy dựng lên một nền móng kiên cố, vững chãi cho những thế hệ sau này tiếp nối duy trì sự phát triển của Văn Học Nghệ Thuật. 2 ngày tôi đã đọc xong 2 quyển sách của ông tặng lòng bùi ngùi, và thầm cảm ơn ông, cũng như 234 tác giả mà ông đã viết trong đó. Những nhân tài nồng cốt dù có người chỉ sáng tác được một ca khúc để đời cũng xứng đáng để vinh danh, xứng đáng để lưu truyền lại. Đất nước chúng ta trải qua bao nhiều thăng trầm. Không có mấy ai lưu lại nhiều những tài liệu về tiền nhân, những hình ảnh lại không có vả lại không được cất giữ cẩn thận. Có cái có, cái không, có những điều chỉ nghe kể lại mà không một trang giấy được viết để lưu lại. 2 quyển sách mà nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã ghi lại, với ít nhiều kỷ niệm mà ông đã biết, và đã từng hội ngộ với những gì ông nhớ lại, và cảm nghĩ của ông viết

Nguyễn Đình Toàn Sinh ngày 19/11/1930 tại Bồ Đề, Gia Lâm, Bắc Việt. Viết văn từ năm 1954. Những tác phẩm đã phát hành như:

1. Chị em Hải, nhà xuất bản Tự Do, 1962

2. Những kẻ đứng bên lề, nhà xuất bản Giao Điểm, 1964

3. Con đường, nhà xuất bản Giao Điểm, 1967

4. Ngày tháng, nhà xuất bản An Tiêm, 1968

5. Phía ngoài, nhà xuất bản Hồng Đức, 1969

6. Giờ ra chơi, nhà xuất bản Khai Phóng, 1970

7. Đêm hè, nhà xuất bản Hiện Đại 1970

8. Đêm lãng quên, Văn Uyển, 1970

9. Không một ai, nhà xuất bản Hiện Đại, 1971

10. Đám cháy, Văn Uyển 1971

Đã cộng tác với: Văn, Tự Do, Văn Học, v.v. và thực hiện chương trình nhạc chủ đề Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng phát thanh.

Nguyễn Đình Toàn sinh ra và lớn lên bên kia bờ Hồng Hà, huyện Gia Lâm nối liền với Hà Nội bằng nhịp cầu Long Biên vươn dài ngang dòng nước đỏ máu phù sa. Chỉ cách một cây cầu mà nếp sinh hoạt khác hẳn. Huyện Gia Lâm, có phi trường dân sự, có thôn xóm, luỹ tre bụi chuối, có bờ đê cao ngất xanh om cầu kỳ, mỗi năm một lần mở hội vào tháng Tám Âm lịch và một thị trấn chạy dài từ dốc cầu tới gần lối rẽ vào phi trường là hết. Đứng bên bờ đê Gia Lâm, có thể nhìn thấy lề Hà Nội với chiếc cột đồng hồ, Bảo tàng viện và cửa ô Yên Phụ.

Nhưng khi nhớ về miền Bắc, Nguyễn Đình Toàn chỉ nói tới Hà Nội, với tất cả mê đắm qua lớp lớp nhớ thương. Hà Nội là trung tâm miền Bắc, ở đó, mọi sinh hoạt được nâng lên hay hạ xuống đều có giá trị quyết định. Toàn, nhớ phố hàng Ngang, hàng Đào, nhớ con đường tàu điện với tiếng chuông leng keng buồn bã, nhớ chợ Đồng Xuân, nhớ nhà Thủy Tạ, nhớ cầu Thê Húc, nhớ đền Ngọc Sơn, nhớ tháp Rùa, nhớ cả hàng dương liễu xõa tóc xuống hồ Gươm soi bóng! Nguyễn Đình Toàn nhớ, nhớ nhiều lắm, nào thành phố, nào người tình bé bỏng, nhưng cái nhớ ở đây thuộc về ký ức, nên nó được phác họa qua tâm tưởng bằng những hình dung mê cảm nhất.

Người làm văn nghệ bao giờ cũng đa sự, họ có biết chăng, nỗi nhớ thương một khi đã bày tỏ được, coi như hết, không còn thuộc về mình nữa. Một món nợ đã trả xong, một chia lìa vừa dứt khoát! Cái đau ở chỗ đó. Nhưng may mắn thay, sự nghiệp văn học của Nguyễn Đình Toàn không nằm ở môi trường ấy. Nó được hình thành trong vùng trời khác, nơi mà định mệnh và tình yêu đang chụp bắt, đang bủa vây, đang khép những bất ngờ và khổ não cho mỗi tuổi trẻ. Nói chuyện về âm nhạc với ông, ông luôn nhắc đến âm nhạc Việt Nam; cần phải có sự phát triển và trân trọng hơn. Những nhạc phẩm xưa đã được những danh ca trình bầy thuở xưa hãy để nguyên nó như vậy (Let It Be). Trừ khi nào trong một buổi hòa nhạc vinh danh người nghệ sĩ đó; Những nghệ sĩ khác trình bầy lại với một phong cách tribute để tôn vinh thì hay nhất. Có nhiều nhạc phẩm tiền chiến Việt-Nam đã trở thành bất hủ và cho đến giờ đã hơn 50 năm cũng vẫn trở thành bất hủ mà người ca sĩ trình bầy đã gắn bó với những ca khúc đó muôn đời như “Tình Ca” của nhạc sĩ Phạm Duy do Thái Thanh trình bầy. “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” của nhạc sĩ Phạm Duy và Ngọc Chánh do Elvis Phương trình bầy. “Giọt Lệ Cho Ngàn Sau” của nhạc sĩ Từ Công Phụng do Tuấn Ngọc trình bầy v..v.. Cho đến nay những ca khúc đó đã trở thành bất tử. Nhưng trong suốt thời gian qua những sáng tác kinh điển ấy cứ bị những trung tâm băng nhạc xao nấu đủ mọi hình thức, cứ lại phải hát đi hát lại nhiều lần bởi biết bao nhiêu tiếng hát có người thậm chí đã hát xai lời, và xửa lại tiết tấu, làm ca khúc chở nên dị hợm, khó nghe và mất hẳn đi sự giá trị mà dáng nhẽ chúng ta phải bảo tôn như một báu vật. Những người làm văn nghệ hình như đã không để ý nghệ thuật hay không nghệ thuật. Miễn sao sản phẩm mang về được lợi tức đáng kể là được rồi không cần biết phải nâng cao giá trị từ chuyện chọn bài bản cho đến người trình bầy. Ai cũng có thể làm cho chính mình một đĩa nhạc mà không để ý đến nội dung cũng như trình độ nghệ thuật trước khi gửi đến người nghe. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người trau truốt và cố công tìm tòi nhằm cống hiến đến người thưởng thức những sản phẩm có giá trị lâu dài, nhưng con số ấy quá hiếm hoi. Một bản nhạc viết ra đã bị biết bao nhiêu sự lạm dụng về tác quyền và được trình bầy không cùng trong khuôn khổ. Nhạc sĩ vẫn mãi nghèo mà ca sĩ hay người thương mại băng nhạc thì càng ngày càng giầu và được nhắc nhở ca tụng. Tên tuổi của người nhạc sĩ đã bị lãng quên.

Những người làm nghệ thuật nói chung và những người viết lên những tác phẩm âm nhạc nói riêng đều là những nhạc sĩ đã bóp hết tim óc và trái tim đam mê của chính mình thêu dệt lên những nhạc phẩm, những tác phẩm nghệ thuật để quần chúng thưởng thức dưới bất kỳ một hình thức nào đều đáng được tôn danh, khen tặng trong sự trân trọng. Cám ơn 2 quyển sách của nhà văn Nguyễn Đình Toàn “Bông Hồng Tạ Ơn” Bên nhà văn Nguyễn Đình Toàn vào một một chiều mưa mùa Đông để nghe…Ông nói:

“ Mưa ơi mưa, mưa từ vực sâu…

Hay mưa rơi từ đỉnh trời đau

Mưa có mong người sau, thương yêu nhau bền lâu,

Thì kiếp này còn gì nữa đâu? “ (Mưa khuya – Nguyễn Đình Toàn)

Lê Xuân Trường

Leave a comment