Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nguyễn Hưng Quốc: Văn Học Việt Nam Dưới Chế Ðộ Cộng Sản. 1945-1990

Nguyễn Hưng Quốc

Lời nói đầu - Cho ấn bản lần thứ ba (2014)

Nguồn: https://uyennguyen.net/2017/07/19/nguyen-hung-quoc-van-hoc-viet-nam-duoi-che-do-cong-san-1945-1990-2/

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc – Ảnh: Nguyên Việt 

Trong mấy thập niên vừa qua, trên báo chí cũng như trong nhật ký của Trần Dần (Ghi, 2001), hồi ký của Tô Hoài (Cát bụi chân ai 1992 và Chiều chiều, 1999), Nguyễn Khải (Đi tìm cái tôi đã mất, 2006) và Nguyễn Đăng Mạnh (Hồi ký; chỉ phổ biến trên internet), tự truyện của Vũ Thư Hiên (Đêm giữa ban ngày, 1997) và Bùi Ngọc Tấn (Chuyện kể năm 2000, 2000) cũng như nhiều bài viết rải rác về Trần Đức Thảo, Đặng Đình Hưng, Phùng Quán và Nguyễn Hữu Đang, người ta phanh phui ra rất nhiều chuyện thuộc loại thâm cung bí sử trong sinh hoạt văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Qua đó, chúng ta thấy rõ hơn bộ máy đàn áp thô bạo, thậm chí, dã man của chế độ cộng sản đối với văn nghệ sĩ cũng như những đau đớn ê chề mà nhiều cây bút thuộc loại tài hoa nhất nước, từ Nguyễn Bính đến Nguyên Hồng, từ Trần Dần đến Phùng Quán, từ Trần Đức Thảo đến Đặng Đình Hưng… phải gánh chịu. Đó là những nguồn tài liệu vô cùng phong phú và quý báu. Có thể nói chưa bao giờ chúng ta biết nhiều những sự thực đằng sau sinh hoạt văn học dưới chế độ cộng sản như vậy. Có điều, lạ, cho đến nay, giới nghiên cứu văn học trong nước vẫn chưa khai thác để viết lại lịch sử văn học trong 70 năm qua (kể từ sau năm 1945). Trong sự thiếu vắng ấy, quyển sách này, vốn được biên soạn tại Pháp từ năm 1990, dù còn khá nhiều hạn chế về tài liệu, có lẽ vẫn còn có ích cho những ai muốn tìm hiểu về thực trạng của cái gọi là nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Nghĩ thế, tôi đồng ý cho in lại theo yêu cầu của nhiều bạn đọc.

Ở đây, có mấy điều tôi xin được nói thêm: Thứ nhất, về thời gian, quyển sách này chấm dứt ở thời điểm 1990, lúc chính quyền Việt Nam đóng sầm cánh cửa đổi mới lại và cũng là lúc hệ thống cộng sản tại Nga và Đông Âu sụp đổ. Giai đoạn hậu-đổi mới ấy chắc chắn có nhiều vấn đề thú vị nhưng dù sao cũng nằm ngoài phạm vi quyển sách này.

Thứ hai, một số người, kể cả những người đang sống trong nước và là đảng viên đảng Cộng sản đề nghị tôi bỏ chữ “chế độ cộng sản” trong nhan đề và thay bằng một chữ khác, nhẹ nhàng hơn, ví dụ “dưới chế độ xã hội chủ nghĩa”. Thú thật, đó là điều tôi cảm thấy khá khó hiểu. Tôi không hiểu tại sao ngay cả đảng viên đảng Cộng sản lại cũng thấy hai chữ “cộng sản” có cái gì như xấu xa? Không hiểu nên tôi vẫn giữ nguyên. Vả lại, đó là tên chính thức của đảng cầm quyền tại Việt Nam từ nhiều chục năm vừa qua. Và đến nay, tiếc thay, vẫn còn.

Thứ ba, trong quyển sách này, xuất phát từ ba góc độ: xã hội học văn học, lịch sử văn học và phê bình văn học, tôi phân tích, trước hết, các quan đ iểm, chính sách và hệ thống tổ chức cũng như kiểm duyệt văn học; sau đó, trình bày diễn tiến văn học qua từng giai đo ạn, và cuối cùng, đánh giá các ưu khuyết điểm của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa theo từng thể loại, từ thơ đến văn xuôi và phê bình nghiên cứu văn học. Tôi cố gắng khách quan đến tối đa dù, chắc chắn, không thể che giấu ít nhiều cảm giác buồn bã khi nhìn lại những bóng tối u uất đè nặng lên thân phận giới cầm bút dưới chế độ cộng sản từ năm 1945 đến 1990.

Thứ tư, như đã trình bày trong lời nói đầu của hai ấn bản trước, do được viết ở hải ngoại, trong điều kiện thiếu thốn tài liệu, quyển sách này không thể tránh được hạn chế. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hạn chế ấy, nhưng cũng mong quý bạn đọc thể tất.

Cuối cùng, thứ năm, trong ấn bản này tôi chỉ sửa lại vài chữ, đây đó. Đại thể, nó vẫn giống hai ấn bản đầu.

Melbourne 19/7/2014
Nguyễn Hưng Quốc

Leave a comment