Trần Thị Ngh., lạc đạn và mười truyện ngắn
Nơi Trần Thị NgH. vận tốc làm cho người đọc giật mình:
“Mặt mụ ta thấy ghét thật. Da căng bóng, hai con mắt nhỏ, tóc chải xước ra sau túm lại thành cái búi củ hành chừa cái trán trống trên đó một mụt ruồi bằng đầu đũa đậu lửng lơ giữa đôi chân mày đã bị cạo trọc lóc để thay vào hai đường xăm vụng về. Đầu đít một mét tư, mụ ngồi thun lại còn có mấy tấc sau lưng ông xe ba bánh, hai tay bấu hai bên yên. Tưởng tượng từ đàng xa lao xe 100 phân khối tới mục tiêu, tôi có thể cày nát mụ không kịp ngáp. Chắc chắn lúc đó mụ đang nhìn kẻ sát nhân trong cự li gần.” (Lạc Đạn Và Mười Truyện Ngắn, Thời Mới, Toronto, 2000, t. 148)
Đó là vận tốc của những ý tưởng độc ác chảy trong đầu một người.
Từ quan niệm nhân bản truyền thống, phát xuất một số nhà văn chuyên trị những ý tưởng đẹp, hành động cao cả của con người. Ở Trần Thị NgH., ngược lại, thường là những ý tưởng quái đản, những tính toán hèn hạ được ghi lại rất rõ ràng rành mạch. Sự ngược đời đó tạo nên một tác phong văn học đặc biệt.
Ở Trần Thị NgH. những nét ác, nét xấu trong các nhân vật được mô tả một cách chi li. Giả dụ bất chợt, nhân vật có một thoáng nào đó thấy mình hơi bị tốt thì lập tức, cô ta hay bà ta phải xét lại xem cái tốt đó có thực không hay là ẩn sau nó là một hậu ý xấu xa. Thủ pháp văn chương ấy xoáy vào chỗ xét lại đó: tạo ra những nhân vật, xưng tôi, rất tàn nhẫn với chính mình và cái tôi ấy được tác giả định nghĩa như sau: “Tôi thường tham dự mọi thứ với tư cách một người không phải là tôi. Cái tôi thực sự chỉ biết rình mò những vai trò do chính mình thủ diễn.” (Lạc Đạn, trang 104). Câu này giải thích phần nào biệt hiệu Trần Thị NgH. và cách trình bày bìa sau cuốn Lạc Đạn. Tại sao là NgH. mà không phải Nguyệt Hồng? Nguyệt Hồng có lần nói vì viết văn giấu mẹ, nên phải để tên tắt. Nhưng khi mẹ biết rồi, tại sao không đổi? Tại sao bìa sau cuốn truyện lại in tấm hình tác giả giơ hai tay lên che mặt? Có phải vì đã là NgH. cho nên phải che mặt chăng? Hay vì muốn che mặt để có thể đa hóa nhân cách? Một thái độ ít thấy trong văn chương. Đó cũng là thái độ mổ xẻ hiện sinh con người trong một tư thế rất đặc biệt: tư thế Trần Thị NgH. alias Trần Thị Nguyệt Hồng.
Triết học hiện sinh xuất hiện ở miền Nam những năm 60, phong trào khá rầm rộ, tạo ra một từng lớp trí thức trẻ tuổi dấn thân, có ý thức về tự do và bản ngã. Ảnh hưởng triết học hiện sinh phần nào giải thích tính chất đa diện của xã hội miền Nam thời bấy giờ: Ai đánh nhau cứ đánh nhau. Ai phản chiến cứ phản chiến. Ai sa đọa cứ sa đọa. Ai đạo đức cứ đạo đức… Một xã hội có nhiều màu sắc đối chọi nhau, những từ ngữ “xuống đường”, “nổi loạn”, “buồn nôn” … trở thành một thứ nha phiến mới của tinh thần, được tiêu thụ trên nhiều cấp độ, trong học đường cũng như ngoài xã hội. Và trong văn chương, nhiều người đưa luồng tư tưởng mới này vào sáng tác. Họ đem vào văn học những cách nhìn đời khác: mạnh bạo, trâng tráo, trắng trợn hơn và đôi khi cũng sâu sắc, đau đớn hơn.
Ở thời điểm ấy, xuất hiện một số nhà văn phụ nữ như Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ… có thể những nhà văn này không trực tiếp đọc triết học hiện sinh, nhưng họ đã gián tiếp chịu ảnh hưởng văn chương hiện sinh, chất tự do trong lối sống, và sự nhận thức về mình, đã ngấm vào họ, qua ngả học đường, xã hội và sách vở, khiến cách viết của họ khác hẳn với giọng văn lãng mạn hoặc tả chân thời trước. Họ không “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” nữa. Và nếu họ có tả chân thì lối tả chân của họ cũng chẳng còn giống một tí gì lối viết của Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao. Bởi đã có một khác biệt sâu xa giữa hai thế hệ: những ngòi bút tả chân truyền thống chĩa bút vào nhân vật mà tả, tức là vào người khác, còn họ, bây giờ họ chĩa bút vào mình, họ tả chân chính mình. Ví dụ: Túy Hồng dửng dưng nhìn vào đời tư của mình, vào đời tư của người thân, lạnh lùng phân tích một cách cay độc, không nề hà gì cả. Họ có thể nói toẹt ra hết, không có vấn đề nào là cấm kỵ, không có vấn đề nào là không được đả động đến. Thật sự những nhà văn phái nữ ở miền Nam thập niên 60 đã tạo được một chân dung khác của văn học, họ dẵm lên lãng mạn tiền chiến bằng những bước chân trần trụi ngổ ngáo của con người tự do, dám phân chất cái tôi của chính mình.
Nguyễn Thị Hoàng viết Vòng tay học trò, phá những cấm kỵ của xã hội về tình yêu giữa cô giáo và học trò. Thụy Vũ, Nhã Ca, đều đưa ra những quan niệm mới về người phụ nữ: tự bứt mình khỏi những công thức và đạo lý xã hội. Khái niệm về cá nhân cũng rõ ràng hơn. Khái niệm về thân xác cũng minh bạch hơn. Họ chủ động trong đời sống, đời sống tình cảm cũng như đời sống thân xác.
Chính những ý thức sáng suốt về bản thân đã đưa đến thái độ: nhà văn nhận xét về mình một cách mỉa mai và cay độc. Đó là sự tự trào, sự lật đổ chính mình. Lật đổ những thần tượng. Lật đổ tình yêu lý tưởng. Lật đổ những khóc lóc mùi mẫn về cuộc tình tan vỡ. Thể xác được đưa ra như một yếu tố tiên thiên (Nietzsche), đi trước tình cảm. Người phụ nữ đòi hỏi quyền tự do thể xác như nam giới và họ không thèm đòi nữa, họ thực hiện việc này như một quyền, xuyên qua tác phẩm. Và sau sự trao đổi thể xác, người phụ nữ mới thường ráo hoảnh, dửng dưng, chôn sâu những tình cảm sướt mướt của mình trong sự bình tĩnh đáng ngại. Đó là một cuộc cách mạng tư tưởng đích thực, người phụ nữ tự giải phóng mình khỏi nhà tù đạo đức xã hội, khỏi giáo điều Khổng Mạnh tứ đức tam tòng, nhưng đồng thời họ cũng phải vào đời một cách dấn thân hơn, quyết liệt hơn. Họ không còn thủ phận làm người nội trợ trong gia đình mà phải xông xáo ngoài xã hội, nhận trách nhiệm về hành vi, về cách ứng xử của mình. Những nhà văn nữ ấy, trong thập niên 60, vô tình hay hữu ý đã góp phần vào cuộc cách mạng nữ quyền, mà Simone de Beauvoir đã đi tiên phong ở Pháp, cầm đầu ngọn đuốc tư tưởng khi bà viết cuốn Le deuxième sexe (Phái yếu – Phái hạng hai), in năm 1949, đặt vấn đề ý thức về bản thân như điều kiện tiên quyết của hiện sinh con người – người phụ nữ.
Tôi không chắc những nhà văn nữ của ta thời ấy đã đọc tác phẩm của Beauvoir, vì lúc ấy sách chưa được dịch sang tiếng Việt, nhưng chắc chắn họ chịu ảnh hưởng gián tiếp nữ quyền, từ Beauvoir, như toàn thể phụ nữ trên thế giới. Phải nhấn mạnh điểm những nhà văn như Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ… phần lớn đều đã tiếp nhận nữ quyền một cách gián tiếp: Có thể nói họ vô tình mà hiện sinh.
Nhưng đến cuối thập niên 60, một khuôn mặt trẻ xuất hiện: Trần Thị NgH. Ngòi bút Trần Thị NgH., lần này đích thực có ý thức hiện sinh, nghĩa là có phong cách hiện sinh trong chiều sâu, có những nhận xét sâu sắc về bản thể, về tự do, về hành động. Về tồn tại. Tại sao tồn tại.
Trần Thị NgH. dùng lối viết lạnh, không cho tình cảm nhuộm hồng, nhuộm xanh bầu trời. Tác giả trải tình huống lõa thể trong tư thế bấp bênh để phơi bày sự thực.
Hơn hai mươi năm sau 1975, Trần Thị NgH. xuất hiện trở lại với hai tác phẩm. Tập đầu nhan đề: Truyện Ngắn Trần Thị NgH. do nhà xuất bản Văn Nghệ, tại California in năm 1999 và tập thứ nhì mang tên Lạc Đạn Và Mười Truyện Ngắn, do nhà xuất bản Thời Mới tại Toronto, Canada, in năm 2000. Hai tập truyện này chắt lọc những tác phẩm khá tiêu biểu cho cá tính văn học của Trần Thị NgH.
Sinh năm 1949. Bắt đầu viết văn năm mười lăm tuổi (trong mục Các em viết, trên báo Sống, do Duyên Anh phụ trách). Truyện ngắn đầu tiên được đăng báo của người lớn, viết lúc 18 tuổi. Tác phẩm của NgH. in rải rác trên các tạp chí: Văn, Vấn Đề, Thời Tập, Thời Văn và được giới cầm bút chú ý ngay. Sau chọn thành một tập, mang tên Những ngày rất thong thả, do Trí Đăng in năm 1975, tại Sài Gòn, nhưng chưa kịp phát hành thì gặp biến cố 30/4/1975.
Im lặng trong hơn hai mươi năm. Năm 1997, Trần Thị NgH. xuất hiện lại trên văn đàn với những truyện ngắn mới. Ngòi bút sâu sắc và từng trải hơn. Viết ít nhưng viết kỹ. Đặt ra những chủ đề khó khăn hơn, như vấn đề thân xác, vấn đề tự tử, vấn đề tội ác, v.v…
Trần Thị NgH. xuất phát từ mạch sống của xã hội miền Nam những năm 60, một xã hội chiến tranh nhưng chịu mở cửa đón những luồng tư tưởng mới: từ Mác-xít đến hiện sinh. Do đó, giới trẻ miền Nam, thời 1968, đã có những phản ứng bất ngờ đối với chiến tranh, đối với tình yêu và tội ác.
Ở Trần Thị NgH., những dấu hiệu thay đổi lộ ra trong sự nhận diện bản thân, đưa đến ý thức con người tự do và độc lập, đưa đến sự cảm nhận chất nhạt nhẽo và chán chường của cuộc đời. Đời đáng sống hay không đáng sống? Tự tử là một chủ đề. Nhận diện tội ác là một chủ đề khác.
Nếu đem đối thiếu cái tôi của Trần Thị NgH. với cái tôi cá nhân, trong văn học lãng mạn tiền chiến, sẽ thấy một khác biệt rất rõ: cái tôi lãng mạn là cái tôi chưa dám là tôi, cái tôi bị trói buộc bởi lễ giáo gia đình và bởi chính bản thân con người chưa thoát được những thành kiến nẩy sinh từ môi trường xã hội.
Triết học hiện sinh thúc đẩy ý thức cá nhân đi xa hơn nữa: Con người ý thức được sự tự do và trách nhiệm của mình. Ý thức được sự độc lập của mình với các thành kiến xã hội, với các hình thức quyền uy chính trị. Sự tự do đến tự bản thân, do bản thân mà ra, chứ không phải là thứ tự do bao cấp, do cha mẹ định đoạt hoặc xã hội hay chính quyền cho phép. Và cũng chính từ ý thức tự do này nẩy sinh mầm mống “hoang mang” và tuyệt vọng nơi con người.
Tác phẩm Lạc Đạn đưa ra những con người có ý thức tự do. Nguyệt, nhân vật chính trong truyện dài Lạc Đạn, có thể coi như một Nguyệt Hồng âm bản. Dĩ nhiên là hoàn cảnh sống của nhân vật có thể là hư cấu. Nhưng những suy nghĩ, những cách ứng xử của nhân vật này phải là của một Nguyệt Hồng, cô sinh viên hai mươi tuổi những năm 60-70, rất đợt sóng mới, vừa đọc Bonjour tristesse (Chào buồn) của Françoise Sagan. Nhưng tiểu thuyết của Trần Thị NgH. tiến xa hơn tiểu thuyết của Sagan trong chiều sâu của ý thức: Nguyệt vượt trên những đợt sóng mới hời hợt bề ngoài, mà Sài Gòn là một biểu tượng, để tìm đến những suy nghĩ sâu sắc về bản thân. Nguyệt, cô gái Việt mới lớn đối chọi với xã hội Việt còn nhiều cổ lệ, đã ý thức được rằng tự do phải phát xuất từ bản thân. Nguyệt tìm cách sống tự lập, độc lập, chịu trách nhiệm về lối sống đó. Nguyệt ý thức được thân xác thuộc về mình chứ không phải của cha mẹ. Thân xác là mình, mình muốn trao mình cho ai, vào lúc nào là do mình quyết định, chứ không phải do cha mẹ đặt đâu con xin ngồi đấy. Nguyệt kể: “Tôi là một người có tâm sự, nhìn cuộc đời bi quan và với chút ít học thức hiểu biết nhờ sách vở tôi làm bộ khinh miệt đời sống, sống buông thả liều mạng, làm như tôi là một người đang bị nhiễm hóa bởi tất cả những cái đó rồi đột ngột tôi gặp tình yêu. Dự mầu nhiệm cải biến tôi thành ngọt ngào nhỏ nhẹ. Tôi làm như thể tôi không thể sống thiếu Dự. Thực ra tôi ý thức được hết những chuyện này.” (Lạc Đạn, trang 38).
Trong lời thổ lộ trên đây, người nói rất tỉnh táo khi nhận diện những hành động của mình. Rồi những chữ “làm như tôi”, “tôi làm như”, “tôi làm bộ” … hoặc “Thực ra tôi ý thức được hết những chuyện này”, tóm lại là gì? Là câu chuyện tình mà Nguyệt kể ở đây, là do chính nàng bày ra, nàng muốn cho anh chàng có tên Dự kia biết là nàng đang yêu anh ta. Nhưng thực sự Nguyệt yêu người khác. Nàng yêu Trường, người anh rể họ, tình yêu không thể toại nguyện. Nguyệt chọn Dự, lính thủy quân lục chiến mặc đồ rằn ri, mẫu “người hùng thời đại” cho cuộc thử nghiệm gặp gỡ thân xác lần đầu. Kết quả vô vi, vô cảm. “Tôi nằm ngửa ngó ngược lên trần. Đêm ngoài tầm hiểu biết. Má ngủ chưa má. Má biết con đang ở đâu với ai không. Đêm ở xa má lo lắng. Không ai kéo chăn lên ngực con, má xót xa nghe con ho rúm ró vặn vẹo…” (Lạc Đạn, trang 43).
Cuộc thử nghiệm bạo trợn trên đây chỉ để chứng tỏ thân xác là của riêng mình, chứ không hề chối bỏ tình mẫu tử: Mẹ cha là “tác giả” tôi, cũng như nhà văn là tác giả tác phẩm. Nhưng khi tôi, tức tác phẩm đã ra đời, nó trở thành một thực thể độc lập, nó có một đời khác, không còn tùy thuộc vào người sáng tạo ra nó nữa. Hành trình con người cũng là hành trình của một tác phẩm nghệ thuật mà mẹ cha là tác giả: Khi đã vào đời, nếu muốn thực sự trưởng thành, thực thể con phải tự biết cắt rốn. Phải tự biết cai sữa. Phải tự biết rời vú mẹ. Điều này rất đớn đau.
Nguyệt trong Lạc Đạn là một thực thể con như thế, tự do và ý thức được sự tự do của mình. Nguyệt độc lập. Tự lập thân. Tự thử nghiệm những cuộc tình khác nhau, kể cả sự đồng tính, với Thắm.
Người yêu là Trường, anh chàng này đứng ngoài “góp ý” đôi khi an ủi, đôi khi khích lệ, đôi khi phân tích những hành động của Nguyệt như một kẻ bàng quan. Tất cả xẩy ra một cách lạnh lùng.
Nguyệt thường cắt đứt những đoạn đời của mình bằng một số nhận thức sáng suốt, đại loại: “Tôi bỏ cư xá trước hết vì cảm thấy không thể tiếp tục đời sống hợp quần trong đó tôi xả thân bằng thiện chí giả dối. Chỉ là một cái vỏ mà thôi. Tôi tưởng tôi hạnh phúc với Thắm nhưng rõ ràng là mọi người đã đến với nhau với ít nhiều tư lợi.” (Lạc Đạn, trang 68).
Nếp sống tự do và độc lập luôn luôn đòi trả giá và cũng được trả giá: “Tôi phải đi lang bang kiếm tiệm ăn tiện đường đi về dù ở Huế đàn bà con gái ngồi quán một mình kể như được coi là phi thường” (trang 68). “Những ngày về chỗ ở mới (một mình) mới thấy mình hoàn toàn độc lập không cần phân bua chuyện chi với ai, không ai dòm ngó xét nét.” (trang 69). “Có những đêm tôi nằm im chịu trận, cố sua đuổi cơn sốt thịt da nhen nhúm, đùa đẩy hết những cảm giác có thể nhớ lại, đã được biết qua một lần ở đâu đó.” (trang 69).
Nhìn về khía cạnh nam nữ bình quyền, thì rõ ràng Nguyệt không đòi hỏi nữ quyền. Nguyệt thừa thông minh để hiểu: về quyền lực không thể đòi hỏi hay thương lượng mà được “họ” cấp cho. Về quyền lực, muốn có, phải cướp, như cướp chính quyền, hoặc phải tự xác định bằng khả năng. Người phụ nữ không có sức mạnh để cướp quyền, nên họ bắt buộc phải chọn giải pháp thừ nhì: Nguyệt xác định sự bình đẳng bằng chính hành động. Bằng ngòi bút. Trong tiểu thuyết Việt Nam, người ta chỉ thấy những người đàn ông đi lang thang một mình, ăn cơm tiệm một mình, về nhà trọ một mình. Bây giờ xuất hiện một nhân vật nữ làm đầy chuyện “một mình” như đàn ông, chẳng “phi thường” ư? Bây giờ tức là khoảng năm 68-70. Khi Trần Thị NgH. viết Lạc Đạn.
Không phải chỉ có một mình Nguyệt là có ý thức tự lập, tự do mà hầu như những nhân vật nữ khác trong Lạc Đạn đều ít nhiều có cá tính như thế cả. Mẹ Nguyệt là một mẫu người tự lập khác, tự xác định mình trong xã hội cổ. Bà đã truân chuyên trải qua những cuộc đổi đời, Tây đô hộ rồi cách mạng bùng nổ. Con bà theo kháng chiến. Bà là mẹ chiến sĩ, nuôi bộ đội, nhưng cuối cùng gia đình bà bị liệt vào hạng cường hào, bị đem ra đấu tố…
Tất cả những dập vùi này đưa ông Chính, chồng bà, đến chỗ nghiện ngập, gần như điên dại. Nhưng bà không hề nao núng, bà vẫn đứng vững nuôi con, nuôi mười một đứa con đến khi không còn đứa nào cần bà nữa. Đó là một người đàn bà thuộc thế hệ trước, nhưng tự mình bước trên hoàn cảnh để đứng vững, làm cột trụ gia đình khi người chồng ngã gục, đầu hàng hoàn cảnh.
Vì vậy, ý thức (phụ nữ) độc lập, tự xác định mình, không chỉ là sản phẩm của xã hội hiện đại, mà người đàn bà đã được “giải phóng”, hoặc đã thấm nhuần triết học hiện sinh, mà nó tiềm ẩn trong con người từ khi có con người, từ những bà Trưng, bà Triệu, từ những bà Tú Xương, “quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng”. Nhưng những ý thức trách nhiệm ấy chỉ được hiểu, được giải thích và khai triển dưới con mắt một chiều, vụ lợi của xã hội phụ quyền, để biến họ thành những “tấm gương” liệt nữ trả thù chồng như bà Trưng, bà Triệu; hoặc thành mẫu người vợ tận tụy tần tảo nuôi con phục vụ chồng như bà Tú Xương. Cả hai nhãn hiệu ấy đều có chất phục tòng, đều có lợi cho xã hội phụ quyền. Nếu nhìn những người đàn bà này, dưới một khía cạnh khác, sẽ thấy: đó là những người phụ nữ đã trực tiếp nhận thức được phần trách nhiệm của mình. Họ hành động như những cá nhân độc lập, không phụ thuộc vào một thứ quyền uy nào. Bà Trưng, bà Triệu có ý thức quốc gia, nhưng ý thức này chỉ dành riêng cho đàn ông, cho nên khi hai bà khởi nghĩa cứu nước, họ phải nói là khởi nghĩa để trả thù chồng. Bà Tú Xương có ý thức gia đình. Nuôi con và nuôi chồng, trong khi chồng chỉ biết làm thơ và say rượu. Họ không phải là những kẻ tòng phu. Mà phu tòng họ.
Những nhân vật như vậy, hiện diện trong truyện của Trần Thị NgH. Ngược lại, những nhân vật nam trong truyện ngắn của Trần Thị NgH. thường bị nhập vào “phái yếu”, đôi khi dẫn đến những tình trạng khôi hài, ví dụ trong truyện ngắn Người Thuận Tay Trái, một công tử, con một, kiểu d’Artagnan hiện đại, được người vợ tả như sau: “Ngay đêm tân hôn chàng khóc. Sao vậy? Nhớ má. Tôi dỗ dành, ngủ đi, mai tôi đưa ông về nhà trọ thăm bà già.” (Truyện ngắn Trần Thị NgH., trang 78). Hoặc trong Lạc Đạn, ông Chính, cha Nguyệt, là một trường hợp “tòng thê”, một thứ Tú Xương không có thi tài. Rồi đến Trường, Dự, Tấn… những người đàn ông trong cuộc đời Nguyệt đều trở thành những đồ “phụ tùng”, hoặc họ ngồi nhìn Nguyệt hành động để “góp ý” như Trường, hoặc họ chỉ là những thử nghiệm của Nguyệt như Dự và Tấn. Tóm lại, xã hội dưới mắt Trần Thị NgH. đã bị đảo ngược: phái xưa nay chuyên quyền độc trị gia đình, phái nhất, phái khỏe, bị lật nhào, trở thành phái hai, le deuxième sexe, loại công dân hạng nhì với tất cả hệ lụy, đáng thương hại.
Từ sự lạnh lùng nhìn nhận lại “bản thân”, xuất phát sự lạnh lùng nhìn cuộc sống. Thấy những nhạt nhẽo vô bổ trong đời sống hàng ngày: mọi người chỉ làm sơ sịa những động tác của một diễn viên tồi, cốt đóng vội vai trò của mình. Như vậy sống làm gì?
Chán đời từ nhỏ. 11 tuổi uống thuốc ngủ lần đầu. 16 tuổi viết nhật ký, bắt đầu yêu và thù gia đình. 17 tuổi, uống thuốc ngủ, ngủ một mình trong phòng hai ngày không ai biết. Tóm lại nhiều lần tự hủy mà không chết.
Đề tài tự tử, xoay đi xoay lại nhiều lần trong tác phẩm của Trần Thị NgH. như một cách xử lý đối với thân xác. Một biện pháp tuyệt vọng. Nhưng do một đẩy đưa nào đó, mọi chủ mưu tự hủy đều thất bại. Dường như hành động tự hủy không phải là một giải pháp “thích đáng”. Song song với vấn đề tự hủy, tội ác cũng được nêu ra, không phải như một bản cáo trạng của quan toà mà ở đây, nhà văn chỉ là kẻ thuật lại những hành trình đưa đến tội ác.
Truyện ngắn Phòng Cho Thuê mô tả tội ác của một bà già không chịu nổi tính chất quân phiệt của người chồng, bèn tìm cách “giải quyết vấn đề”. Truyện ngắn Khoanh Vùng trình bày một tội ác khác: người đàn bà tìm cách giết tiếng gà gáy, bởi chúng chẳng khác những máy phóng thanh phường, bạ lúc nào cũng rú lên, kể cả nửa đêm về sáng, bức bách người ta phải tỉnh dậy để nghe nó “gáy”. Sự cưỡng bức nghe cũng có thể dẫn đên tội ác. Ở truyện ngắn Lexomil, kẻ giết người không chịu được “tiếng ồn rầm rĩ” suốt ngày đêm do một mụ hàng xóm quyền uy gây ra. Ðó cũng là một trường hợp bị nhồi tai, nhồi sọ đến chỗ không thể “đút nút lỗ tai được”, dẫn đến án mạng. Những nguyên nhân rất tức cười đưa đến những hậu quả không cười: Những sự áp đặt phi lý nhất, tào lao nhất, tiếu lâm nhất lúc nào cũng có thể dẫn đến một kết thúc bi thảm.
Ở hai truyện ngắn Tuyệt Tác và Chín Biến Khúc Quanh Tuyệt Tác, Trần Thị NgH. khai triển hình thức tân liêu trai: quan hệ dục tính giữa họa sĩ và tác phẩm, trong cuộc gặp gỡ phảng phất Tú Duyên-Giáng Kiều. Với văn phong gọn và sắc, Trần Thị NgH. mô tả não trạng nhầy nhụa của người nghệ sĩ trong cơn hỏa mộng sáng tác.
Là một trong những nhà văn có tư chất độc đáo, những vấn đề NgH. đưa ra thường trầm trọng, nhưng luôn luôn được viết bằng giọng văn gần như vô cảm. Làm cho cái tàn nhẫn càng tàn nhẫn thêm, cái thương tâm càng thương tâm hơn, cái cô đơn càng cô đơn hơn. Những nhân vật của Trần Thị NgH. như những xác người đang cố sống nốt một đoạn thời gian chờ giờ khâm liệm.
Thụy Khuê, Paris tháng 12/2001