Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Núi đoạn, Sông lìa – Đặng Mai Lan

Đặng Mai Lan

Núi đoạn, Sông lìa

Trong suốt gần hai tháng, thành phố bị hạn chế việc đi lại, tất cả những cửa hàng, trung tâm thương mại đều bị đóng cửa. Tôi chỉ mong mau đến ngày mọi sinh hoạt được khôi phục lại, để làm những việc mà chưa kịp làm, đã bị cấm cản.

Tôi nghĩ, việc trước tiên là tôi sẽ đi mua cây cảnh về trồng, điều lẽ ra phải thực hiện từ giữa tháng ba, khi thời tiết bắt đầu vào xuân.

Nhưng mà tôi đã không làm điều đó, tôi đọc sách.

Chuyện đọc sách thì có gì lạ ?

Ba ngày ròng rã để đọc một cuốn sách gần ba trăm năm mươi trang. Lạ quá đi chứ, vì đã lâu, tôi không còn sự đam mê lâu bền với những trang sách.

Có thể nói, đầu giường ngủ của tôi luôn có hai ba cuốn sách gọi là “gối đầu”, và cuốn nào tôi cũng đọc, nhưng đọc hoài không xong. Đọc một đoạn của cuốn này, rồi lại lật qua cuốn kia. Đọc kiểu này, thì kể như không đọc chi hết. Và tôi nghĩ, điều này không phải chỉ riêng tôi.

Không biết có nên đổ thừa cho tuổi tác, cầm cuốn sách đọc chưa hết một trang đã buồn ngủ. Hay tại cái nền văn minh tin học hiện đại của toàn cầu, quá nhiều thông tin, muốn tìm chi cũng có, và ta đã mất khá nhiều thời gian của một ngày vào đó, trở thành thói quen với nhiều thích thú, không còn thiết đến những trang giấy thơm mùi mực?

Điều gì đã khiến tôi đọc một hơi cuốn truyện dài này?

Tôi không có nhiều sách của Ngô Nguyên Dũng, chỉ một hai tập truyện. Những truyện ngắn anh viết từ cuối thập niên tám mươi. Những truyện ngắn đa phần kể lại cuộc sống trên xứ sở anh đang sống, dĩ nhiên là có cả ký ức quê nhà. Nhà văn lưu vong nào chẳng thế! Viết gì thì viết, những mảng quá khứ lẫn khuất đâu đó, rồi chúng cũng len lén nhập vào truyện thôi.

Truyện dài “Núi Đoạn Sông Lìa”, với tôi, là một sự khám phá.

Ngô Nguyên Dũng

Tôi không dám nói là tác giả Ngô Nguyên Dũng đổi cách viết từ cuốn sách này. Vì có thể anh từng viết những truyện có thổ ngơi phong cảnh, nhân vật của sông nước, ruộng đồng Nam bộ, viết bằng một cách viết rất là “Nam kỳ lục tỉnh” mà tôi chưa được đọc. Tỷ như cuốn sách này, xuất bản từ năm 2017, nhưng cho đến  giờ tôi mới cầm được  trên tay.

Chuyện nói về một ngôi làng, một ngôi nhà của một gia đình trung lưu nề nếp.

Nhà nằm cạnh bờ sông, hầu như tất cả mọi sự giao thông đi lại đều phải dùng ghe thuyền. Làng bên sông, nên đến mùa mưa dầm, nước sông dâng cao, người làng phải mang đồ đạc, lẫn gia súc nếu có thể. Họ vượt sông, tìm đến núi và tá túc trong một ngôi chùa.

Truyện có nhiều nhân vật, nhưng Cẩm một cô gái,  tuổi có lẽ chừng mười hai, mười ba. Cô bé có một tâm hồn nhạy cảm, mơ mộng. Cô có những giấc mơ lạ lùng và luôn trở thành một điềm báo. Trong suốt cuốn truyện Cẩm như tờ giấy tinh khôi, không hề có một vết nhăn với bao biến cố. Cẩm là tất cả những gì hiền hoà, thánh thiện. Tác giả đã dùng tâm tư cô gái nhỏ để nói về những nét đẹp, phong cảnh yên bình êm ả của một miền cực Nam trù phú.

Ngoài kia nắng đã lên cao. Mảnh trời trong vắt, không một gợn mây, làm phông bức tranh sơn thuỷ, lồng trong khung cửa gỗ nâu bóng. Vài cành sứ già đâm ngang, lá thưa, bông đơm trắng muốt, bụ bẫm. Một sợi khói lãng đãng giây lát rồi tan biến. Tiếng tụng niệm rầm rì dậm tiếng mõ từ chánh điện theo gió, đưa lại, lúc rõ  lúc không. Chợt, có cánh chim gì không biết từ khung cửa trái lao ngang. Thoắt cái mất hút vào mênh mông. Tiếng cánh loạc xoạc rớt lại lẻ loi. Cảnh tượng diễn ra chỉ vài giây, mà sao Cẩm nhận rõ mồn một. Cái màu xanh rười rượi của bầu trời. Cành bông sứ no nê sức sống. Làn khói uốn mình theo nhạc kinh. Bóng chim ngoắc ngoảy vệt cánh đập, như rẩy mực mồng tơi lên sắc trời tinh khiết.”

Đó là một cảnh thanh bình, êm ả ở chùa Phụng, nơi Cẩm cùng gia đình lên trú ẩn, tránh lụt. Nhưng còn bao nhiêu thiên nhiên tươi đẹp khác được vẽ lên trong tâm hồn cô gái, trong những lúc cô đắm mình tư lự mông mơ.

Gia đình có bốn người con, tất cả tên gọi của họ đều bắt đầu bằng chữ C: Chúc, Châu, Chung, Cẩm. Người cha không có nghề nghiệp gì rõ rệt, mà Cẩm phải điền đại vào tờ khai học bạ bằng hai từ “buôn bán” khi nói về cha mình, ông Phạm Huy Chương.

Ông Chương thường vắng nhà, ông lang bạt suốt từ Nam ra Bắc. Mọi việc trong nhà đều do người vợ quán xuyến, cùng với hai gia nhân là chú Năm Tự chèo ghe, và chị bếp Ba Khởi.

Chỉ trong một giấc mơ, một lần  khi ông Chương trở lại nhà, giấc mơ trong một giấc ngủ trưa ngắn ngủi nhưng làm ông toát mồ hôi, sợ hãi. Một giấc mơ toàn màu đỏ, và những khẩu hiệu.

Lúc đó, người đọc mới hiểu người cha này chỉ mượn cớ rày đây, mai đó buôn bán để đi làm “cách mạng”.

Chúc, cậu con trai trưởng độ tuổi hai mươi. Và Châu, cô thiếu nữ mới qua tuổi dậy thì, thanh xuân như ngọc biếc. Châu hay nghêu ngao bài “Khúc hát thanh xuân” do một người thầy  dạy cô hát. Có thể nói đây là hai nạn nhân của thời cuộc, của ý thức hệ.

Người con thứ ba tên Chung ít được nói đến. Nhưng có rất nhiều nhân vật, người này dính líu tới người kia để thành truyện. Mỗi nhân vật là một cuộc đời đầy lý thú, đôi  khi đầy tính dị đoan, huyễn hoặc. 

Như ông Ba thầy bói mù bẩm sinh, bàn tay mất lóng cụt ngủn, vậy mà lại vanh vách chuyện  khứ lai, thiên la địa võng khi mò mẫm lòng bàn tay kẻ khác. Nghe tiếng gió, ngửi hơi mưa, nhiệt độ nóng lạnh đêm ngày để đoán ra thiên thời địa lợi.

Bà Út nhỏ, người chăm sóc ngôi miếu ông Ba Thê, và cũng là người vợ sau cùng của ông già đã chết, được gia đình dựng miếu thờ này. Bà già nua nhưng nhanh nhẹn, thoắt ẩn thoắt hiện khi trò chuyện với Cẩm trong khu vườn, cạnh bên ngôi miếu

Bà Vãi trắng và chú tiểu Lai là hai mẹ con bà Dupont. Gia nhân trong nhà thường gọi là ông bà Bông. Một cặp vợ chồng Pháp, sành sõi tiếng Việt, tới đất phương Nam sinh sống.

Mỗi chủ nhật ông bà Bông thường nhờ gia nhân mời gọi hàng xóm tới nhà để rao giảng đức tin Thiên Chúa. Thế mà bà đã vào chùa xin làm công quả, tu hành khi ông Bông bị du kích chống thực dân cứa cổ thả trôi sông, bắt giam bà và thay nhau hãm hiếp đến mang thai…

Còn nhiều, nhiều lắm…

Tôi thực sự thú vị với những nhân vật, những câu chuyện ở làng Ngàm Long, tỉnh Trà Sơn này.

Giọng văn và những chữ nghĩa linh động bóng bẩy của Ngô Nguyên Dũng viết về miền Nam hay thì đã đành, bởi chưng anh sinh trưởng trong Nam. Nhưng khi anh viết về một làng quê Việt Bắc, như chợ làng Thồi bên ven đê, nhánh tẻ của con sông Hồng. Hay làng Khánh thoai thoải dựa sườn núi Vạn, mà theo tác giả, núi chỉ là một bướu đất của dãy Hoàng Liên Sơn.

Không khí chợ quê với những ngày rét mướt, chợ nhúm từng nhóm, nhưng không thiếu một thứ hàng hoá nào… Khi đọc, tôi đã liên tưởng đến bài “Đi chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ, một bài học thuộc lòng mà học sinh phải thuộc từ những năm tiểu học.

Dân “Nam kỳ”, nhưng tôi nghĩ Ngô Nguyên Dũng khi tả cảnh quê Bắc, cũng không kém gì những sĩ phu Bắc-Hà.

Những câu chuyện dân dã miền Nam mà anh kể ra trong truyện, qua những lời đồn đãi của người dân quê thường có tính ma mị, hoang đường. Ngược lại, chuyện một nhà sư miền Bắc hoàn tục, bỏ chùa, xuống núi trồng hoa lại đẹp như một trang cổ tích.

“Lúc tiết trời cuối năm trở rét hanh hanh, cỏ cây se sắt tinh tuý càn khôn. Rồi như một hỷ tín trời ban, chỉ sau vài hôm nắng xổi, núi Vạn thay áo hoa đào. Sáng sương tan, thấy vách núi ửng hồng đẫm nắng vàng tằm. Sắc hoa sẫm theo tuổi ngày. Rực lên, phóng đãng phơi phới. Trách sao nhà sư tên Khánh, mỗi mùa rừng đào thắm nụ, tâm cảm không khỏi dấy động hoang mang. Khẽ thôi. Chỉ đủ khuấy lên dăm hạt bụi trần. Những hạt bụi từ bấy lâu nay, nhà sư dày công tu tập, nén chúng nơi đáy tiềm thức tận cùng. Ngắm hoa lơi lả cùng nắng gió, thốt nhiên những tờ kinh bay hết chữ. Giấy trắng không đủ sức nhốt bụi, hoá nhẹ tênh, thốc lên.”

Tình dục, một thứ nhu cầu bình thường của con người. Nhưng dễ trở thành hệ luỵ, là bi kịch, làm đảo lộn hết mọi giá trị cuộc sống.

Trong một tình huống oái oăm, chú Năm Tự bỗng trở thành một gã nô lệ tình dục của hai ông bà Bông. Cô Mừng bị thầy Ba mù ếm con trong bụng như lũ trẻ quê bàn tán. Hình tượng của một cụ đồ, một nhà nho bị rớt xuống, chao đảo chấp chới trên bụng cô hàng chè vối, xinh đẹp, đáo để ở làng Thồi. Rồi một nhà sư rũ bỏ kinh kệ, khi ông nhận ra mình cần một giống cái trong những đêm trăng…

Nhưng điều đáng nói là Chúc, đam mê xác thịt của cậu con trai đang độ trưởng thành, đã được cô năm Bạch Liên, một cô đĩ làng dẫn dắt, rèn luyện thêm cho Chúc những bài học về nhục cảm. Từ cô đĩ làng, cô trở thành con đĩ cách mạng, đưa cậu đi miết vô bưng.

Chúc đã đôi lần kinh tởm khi nhìn thấy gã anh Hai thủ trưởng hành lạc cùng cô đĩ. Gã đàn ông miệng lúc nào cũng nhai trầu đỏ quẹt, nhổ bèn bẹt trên nền đất, nhóp nhép những khẩu hiệu độc lập, tự do mà ai cũng kính nể, e dè.

Ngay cả khi cô đĩ vô sản thú nhận với Chúc rằng:

“Hồn tôi trọn đời nguyện dâng cách mạng, còn xác tui như cái bến nước cho ghe xuồng mười phương tấp lại.”

Nhưng từng ấy, không thể nào dập tắt được ngọn lửa đam mê dung tục trong thân xác Chúc. Chúc chọn đi tập kết, sống đời truỵ lạc với cô Năm Bạch Liên. Nhưng có lẽ trong tâm, cậu cũng dư biết rằng, cậu khó lòng thoát khỏi vòng vây tổ chức.

Trong tất cả những nhân vật, hình ảnh đẹp nhất có lẽ là thầy giáo Hoàng. Một thanh niên đến từ đất Bắc. Một trí thức lý tưởng, yêu nước thương dân. Thầy mang nhiều nghệ sĩ tính và là thần tượng của Châu, là tình yêu đầu đời của cô thiếu nữ luôn tin rằng ngày ấy khi xuân ra đời, một trời bình minh, có lũ chim vui”. Thầy tự ví mình như nhân vật Dũng, một nhân vật khoác áo phong sương đi làm cách mạng trong tác phẩm “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh.

Nhưng tôi thực sự hụt hẫng trong cái kết về nhân vật Hoàng này. Nó là một sự bẩn thỉu, tận cùng  tàn nhẫn.

Những từ “đoạn lìa sông núi” được lặp lại nhiều lần trong những trang viết.

Khi chị Năm Quắn, chị Chín Hí, hai người đàn bà bỏ làng lên tỉnh theo gánh hát cải lương.

Khi gia đình ông Chương phải bán đất đai ruộng vườn về Sài Gòn sinh sống.

Rồi đất nước chia đôi…

Gia đình ông Chương có thêm hai thành viên mới. Những đứa trẻ ra đời mà tác giả gọi chúng là “đứa con tập kết”. Những đứa trẻ thành hình bằng những mưu toan.

“Những sông những núi những rừng những liên hệ huyết thống đứt lìa muôn đoạn.”

Tôi nghĩ, đoạn lìa sông núi mà anh viết ra không chỉ là những đoạn lìa từ buổi ấy.

Gập cuốn sách, tôi chợt nhớ đến “Khung Rêu” của nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ.

Cả hai truyện có lẽ bối cảnh được dựng trong cùng một thời gian, thời “kháng chiến” chống Pháp của Việt Minh.

Cũng có những mất mát, chia lìa theo dòng lịch sử nhiễu nhương của đất nước.

Nhưng “Khung Rêu” chủ yếu nói về sự suy sụp của một ngôi nhà, một dòng dõi, gia phong. “Núi Đoạn Sông Lìa” là sự tàn vong của đất nước, khởi đầu bằng những năm tháng đó, cho đến bây giờ!

Đặng Mai Lan
Sceaux 21/05/20

Leave a comment