Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Một tiểu thuyết tư tưởng thâm sâu với bảy biến tấu, hai chủ đề, một lằn ranh – Tô Đăng Khoa

Tô Đăng Khoa

Một tiểu thuyết tư tưởng thâm sâu với bảy biến tấu, hai chủ đề, một lằn ranh

Nguồn: https://damau.org/70766/mot-tieu-thuyet-tu-tuong-thm-su-voi-bay-bien-tau-hai-chu-de-mot-lan-ranh

* Đọc “Tập Sách Cái Cười và Sự Lãng Quên” của Milan Kundera do Trịnh Y Thư Dịch

Độc giả Việt Nam đam mê tiểu thuyết hiện đại của nước ngoài có lẽ không xa lạ gì với Milan Kundera. Tôi được biết đến Kundera qua tác phẩm dịch thuật nổi tiếng của Trịnh Y Thư “Đời Nhẹ Khôn Kham” khoảng hơn một thập kỷ trước. Tôi còn nhớ lúc đó, tuy chưa quen thân với Trịnh Y Thư nhưng tôi rất khâm phục cách dịch rất tài tình tựa của quyển sách này. Từ “The Unbearable Lightness of Being” đến “Đời Nhẹ Khôn Kham” đối với tôi lúc ấy là một “cú nhảy” xuất thần trong dịch thuật. Theo lời tâm sự của Trịnh Y Thư về việc dịch Milan Kundera thì giữa dịch giả và tác giả đã có một mối quan hệ “phi vật thể” gắn bó trên 30 năm. Theo tôi đó là một khoảng thời gian đủ dài để phần tinh túy của tư tưởng tác giả và dịch giả hòa nhập thành một. Đó chính là nền tảng của tác phẩm dịch thuật lần này của Trịnh Y Thư, trong đó sự giao thoa của tư tưởng được phơi bày qua tiểu thuyết “Tập Sách Cái Cười và Sự Lãng Quên”, một tác phẩm mà Trịnh Y Thư tâm sự với tôi rằng anh tâm đắc nhất khi dịch.

Và quả thật tiểu thuyết tư tưởng này, “Tập Sách Cái Cười và Sự Lãng Quên” đã không hề làm tôi thất vọng. Sau khi gấp lại trang sách cuối cùng, tôi chiêm nghiệm lại và càng phục cách mà Milan Kundera đặt tựa cho quyển sách: “The Book of Laughter and Forgetting” và cách mà ông phối trí cấu trúc tập sách. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc – cha ông là cầm thủ piano kiêm nhà âm nhạc học – Milan Kundera đã sắp xếp tác phẩm của mình gồm bảy phần như là những biến tấu âm nhạc nối tiếp nhau. Trong lời tựa của tác phẩm này ông viết:

Sách này là cuốn tiểu thuyết viết theo dạng thức biến tấu. Những phần của sách nối tiếp nhau như những chặng đường chuyến du hành dẫn đến cái nội tại của chủ đề… Nó là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên...”

Bảy phần, bảy biến tấu về hai chủ đề về cái cười và sự lãng quên, được Milan Kundera phối trí theo thứ tự như sau:

Phần 1. Những cánh thư thất lạc

Phần 2. Mama

Phần 3. Thiên Sứ

Phần 4. Những cánh thư thất lạc

Phần 5. Litost

Phần 6. Thiên Thần

Phần 7. Biên Thùy

Theo lời của Milan Kundera, cách phối trí các biến tấu này là nhắm tới việc: “dẫn đến cái nội tại của chủ đề”. Ở đây một câu hỏi rất quan trọng cần được nêu ra để làm cho sáng tỏ: Chủ đề của tác phẩm là “cái cười và sự lãng quên”, như vậy “cái nội tại” của “cái cười” và “sự lãng quên” là gì? Vì sao gọi là “nội tại”?

Nếu chúng ta cẩn thận đối chiếu lại một lần nữa lời giới thiệu sách của Kundera với cách thức mà ông phối trí tập sách theo bảy phần, chúng ta nhận ra sáu phần đầu chính là những biến tấu, mà theo Kundera: “chúng nối tiếp nhau như những chặng đường của chuyến du hành dẫn đến cái nội tại của chủ đề” – tức là phần 7 – Biên Thùy. Vì thế, theo tôi hiểu, cái “nội tại của chủ đề” trong tập sách này là khái niệm về “biên thùy” hay là một lằn ranh.

Biên thùy theo nghĩa đen là nơi xác định một ranh giới, một lằn ranh, nó mở ra trước mặt kẻ du hành một sự lựa chọn rất quan trọng: Đó là sự chọn lựa vượt qua, hay không vượt qua lằn ranh này!

Giá trị tư tưởng và triết học của tác phẩm Kundera nằm ở đây: tức là việc ông khéo léo phối trí các biến tấu như những cuộc du hành dẫn độc giả đến “biên thùy” (lằn ranh) của cái “cái cười” và “sự lãng quên”.

Khi ý thức được lằn ranh của cái cười và sự lãng quên cùng với những “hệ quả khôn kham” của sự vượt qua hay không vượt qua lằn ranh này, chúng ta sẽ có quyết định sáng suốt nhất cho đời sống của chính chúng ta.

Bản thân Kundera cũng lựa chọn cho chính mình “sự vượt qua” một “biên thùy” địa lý khi ông tị nạn chính trị tại Pháp. Sự lựa chọn này cho ông một môi trường tự do cần thiết cho tư duy và sáng tác của ông. Có lẽ vì thế chăng mà trong tư tưởng của Kundera, khái niệm “biên thùy” và “lằn ranh” là những khái niệm quan trọng nhất luôn luôn ám ảnh ông?

Nhưng Kundera còn muốn đi sâu hơn nữa. Ông thiết trí các biến tấu của tiểu thuyết để dẫn độc giả tới một biên thùy (lằn ranh) của nội tâm: Tại đây chỉ một “cái cười” hay là “một sự lãng quên” thì mọi sự đều sẽ hoàn toàn đổi khác!!!

Trong biến tấu số 2 của tập sách (Phần 2 – Mama) “cái cười” của Karel chính là “lằn ranh” mà vợ anh vượt qua về mặt nội tâm: Trong khi làm tình cùng lúc với hai người đàn bà hiện tại (Marketa và Eva) và một hình ảnh của bà vú nuôi Nora hiện về trong tâm thức, anh chàng Karel bỗng phá lên cười sằng sặc, chỉ vì một tư tưởng thoáng qua trong đầu anh. Chính cái cười, vừa vô duyên, vừa không hợp thời hợp lúc này của Karel đã xô vợ anh Marketa vượt qua một lằn ranh của nội tâm: sau khi tự cho mình như một cái xác không hồn, không quá khứ, không tương lai, Marketa tưởng tượng ra anh chồng mình Karel cũng như một kẻ không có cái đầu, và cả ba người (Karel, Marketa, và Eva) đang dự một ngày hội hóa trang. Sau khi tự cho là như vậy Marketa được giải phóng và cảm giác sung sướng bất tận khi vượt qua được lằn ranh nội tâm của chính mình:

“Nhưng đến đây cái thân thể không đầu bỗng ngưng chuyển động, và tiếng hét vô nghĩa nghe ngu ngốc không thể nào tưởng tượng nổi thốt ra từ miệng Karel: ‘Ta là Bobby Fishcher! Ta là Bobby Fishcher!’ đã khiến mọi hưng phấn đột ngột biến mất trong lòng cô” (trích Phần 2 – Mama).

Ở đây trong biến tấu số 2 này, cái cười sằng sặc của Karel và sự quên lãng của Marketa dẫn độc giả tới lằn ranh nội tâm của Marketa và làm nhân chứng cho “sự vượt qua” một lằn ranh của nàng Marketa. Cùng với “sự vượt qua” này, độc giả chúng ta cũng hiểu rằng tình yêu của Marketa dành cho Karel cũng kết thúc. Nhưng ranh giới không phải chỉ là nơi một cái gì đó kết khúc, nó cũng đồng thời là nơi mà một cái gì đó khác bắt đầu.

“Cái cười” ở Phần 7 – Biên Thùy về câu chuyện của một người đàn ông và cái mũ bên huyệt mộ trong một đám tang cũng dẫn độc giả tới lằn ranh của “cái tinh túy nhất của sự kiện” tức là “có ý nghĩa” hay “vô nghĩa”, “nghiêm trang” hay “đùa cợt”.

Ở đây chỉ đơn cử hai cái cười trong tập truyện, tuy nhiên độc giả có thể tự mình chiêm nghiệm về “cái cười” dẫn tới một lằn ranh qua nhiều kinh nghiệm khác, chẳng hạn như trong bộ phim The Joker (Oscar 2019). Trong The Joker, nhân vật chính mắc bệnh phá lên cười sằng sặc mỗi khi anh bị căng thẳng thần kinh. Cuộc đời Joker trải qua nhiều khó khăn đau khổ, tuy nhiên anh vẫn duy trì tính Thiện. Nhưng khi bị dồn tới chân tường, ở nơi mà đa số mọi người chúng ta phải khóc, thì chỉ trong một tư tưởng bất chợt xẹt qua trong đầu, anh chàng Joker lại cười. Và chúng ta hiểu rằng trong tình trạng đáng lẽ ra phải khóc, chính “cái cười” của anh dẫn anh tới “biên thùy” của Thiện và Ác. Chính sau cái cười đó, Joker vượt qua lằn ranh của Thiện-Ác và có thể làm bất cứ điều gì mà trước “cái cười” đó, anh hoàn toàn không thể!

Tập sách còn là biến tấu của “Sự Lãng Quên”, ở biên độ nhẹ, có thể là sự cố ý làm cho lãng quên đi một mối tình thời thơ ấu của anh chàng Mirek với cô nàng Zdena. Chàng Mirek cất công lái xe một đoạn đường rất xa mạo hiểm vì bị mật vụ theo dõi chỉ với một mục đích: thâu hồi những lá thư thất lạc của Mirek gửi cho Zdena thời trẻ dại. Tựa đề “Những lá thư thất lạc” này được Kundera sử dụng tới hai lần, có lẽ là để nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ văn bản (văn viết) trong việc quyết định lằn ranh giữa “Nhớ” và “Quên”. Chúng ta cũng nhận thấy “Sự Lãng Quên” cũng được thực hiện ở mức độ cả một cộng đồng qua việc báo chí Bohemia “viết lại lịch sử” bằng cách xóa Clementis ra khỏi bức hình chụp với lãnh tụ Gottwald. Cái còn lại của Clementis chỉ là một chiếc mũ! (Tôi thấy chi tiết này cũng thú vị: Kundera mở đầu các biến tấu của ông bằng chiếc mũ trên balcony tại quảng trường Praha trong buổi ăn mừng chiến thắng đảng cộng sản Bohemia, và kết thúc các biến tấu cũng bằng một chiếc mũ trong huyệt mộ.)

Khi khép lại tập sách “Cái Cười và Sự Lãng Quên”, tôi có một cảm giác thật hài lòng với những gì tôi được hứa hẹn sẽ nhận được trong lời giới thiệu của chính Kundera: “Sách này là cuốn tiểu thuyết viết theo dạng thức biến tấu. Những phần của sách nối tiếp nhau như những chặng đường chuyến du hành dẫn đến cái nội tại của chủ đề… Nó là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên…”

Cái nội tại của chủ đề chính là cái “Biên Thùy” mà cái cười và sự lãng quên sẽ dẫn chúng ta tới. Một cái cười có thể xóa tan tất cả cô đơn, làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng cũng có thể xô chúng ta vượt qua một lằn ranh nào đó: Lằn ranh Thiện-Ác chẳng hạn, và từ đó mở ra một loạt những gì khả-dĩ và bất-khả-dĩ. Mặt khác, sự-lãng-quên và cái đối nghịch lại với nó là sự-nhớ, hay sự-khắc-cốt-ghi-tâm chính là cái quyết định cái gì “Hữu” cái gì “Vô” cái gì xảy ra và cái gì không xảy ra trong cuộc đời này.

Tôi xin chân thành cảm ơn Kundera, nhà thiết kế các biến tấu rất ma mị và tài tình, và đặc biệt là nhà thơ, nhà văn, dịch giả Trịnh Y Thư, một người anh mà tôi rất quý mến đã “ăn nằm” với tư tưởng Kundera trên dưới 30 năm để tạo nhịp cầu nối giữa Kundera và độc giả Việt Nam khởi đi từ “Đời Nhẹ Khôn Kham”, và lần này là “Tập Sách Cái Cười và Sự Lãng Quên”.

Tô Đăng Khoa
2021

Leave a comment