Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đọc sách “Sự mỉa mai của Tự do: Giới tính, Văn hóa và Quản trị Tân tự do ở Việt Nam” của Nguyễn Võ Thu Hương – Nguyễn Phúc Anh

Nguyễn Phúc Anh

Đọc sách “Sự mỉa mai của Tự do: Giới tính, Văn hóa và Quản trị Tân tự do ở Việt Nam” của Nguyễn Võ Thu Hương

Nguồn: https://chuyenlinhtinh.com/doc-sach-su-mia-mai-cua-tu-do-gioi-tinh-van-hoa-va-quan-tri-tan-tu-do-o-viet-nam-cua-nguyen-vo-thu-huong-nguyen-phuc-anh/

61N1TvPEgSL

Quyển sách “Sự mỉa mai của Tự do: Giới tính, Văn hóa và Quản trị Tân tự do ở Việt Nam” của Nguyễn Võ Thu Hương viết về mại dâm ở Việt Nam trong bối cảnh một Việt Nam đang đổi thay theo xu hướng tự do hóa thị trường và toàn cầu hóa nền kinh tế.

Nhà nghiên cứu đã chỉ ra những ngụy biện ẩn sau lập luận rằng: “thị trường tự do” là cơ sở để đem lại tự do cho con người. Tác giả chỉ ra rằng “thị trường tự do” thực chất là một xu hướng khác của việc nô dịch hóa những người nghèo.

Đồng thời, trái với quan điểm chung cho rằng: lợi ích của “thị trường tự do“, “toàn cầu hóa kinh tế” mâu thuẫn với lợi ích của nhà nước xã hội chủ nghĩa, tác giả đã chứng minh mâu thuẫn đó chỉ là bề nổi. Trên thực tế, “thị trường tự do” và “toàn cầu hóa kinh tế” ở Việt Nam đang hỗ trợ cho việc duy trì quyền lực chính trị hơn là đối nghịch lại với quyền lực đó.

Câu chuyện về quyền lực hiện đại được tác giả Nguyễn Võ Thu Hương kể lại thông qua trường hợp của những nữ lao động tình dục trong xã hội Việt Nam.

Hình ảnh nữ lao động tình dục đã được xây dựng bởi chính sách nhà nước và truyền thông như là những người “mất nhân phẩm“, “tệ nạn của xã hội” và cần được “hoàn lương“. Họ được miêu tả như những người thấp kém, có vấn đề đạo đức, lười lao động, song lại kiếm được rất nhiều tiền nhờ kinh doanh thân xác không xứng đáng. Sau đó họ lại hoang phí tiền bạc kiếm được vào ăn chơi, tiêu xài vô độ.

Tác giả chỉ ra rằng đây là những thành kiến sai lầm. Bởi trái với vẻ ngoài hào nhoáng mà nữ lao động tình dục buộc phải khoác lên mình, họ là nạn nhân bị bóc lột dã man bởi những băng nhóm tội phạm, nợ nần lãi suất cao bởi chính yêu cầu “nghề nghiệp” của họ. Đồng thời với đó, họ liên tục phải đối mặt với những rủi ro “nghề nghiệp“, mà rủi ro nào cũng buộc họ phải chi rất nhiều tiền bạc để cứu lấy bản thân mình.

Tác giả bằng nghiên cứu của mình, lần lượt chỉ ra bằng cách nào mà quyền lực nhà nước, truyền thông, và xã hội đã biến nữ lao động tình dục trở thành những tồn tại xấu xa và mất giá trị. Đối lập với đó, truyền thông và nhà nước xây dựng hình ảnh những người phụ nữ nghèo khác như những “lao động chân chính“, hì hục làm việc trong những dây chuyền sản xuất, cống hiến thân mình cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Điều nghịch lý lớn nhất đó là, việc “hoàn lương“, trả “tự do” cho những nữ lao động tình dục là để biến họ thành những nữ lao động giá rẻ trong những nhà máy sản xuất, bóc lột, không đếm xỉa đến quyền lợi của người lao động.

Những người phụ nữ chân chính, hoàn lương, và tự do này là nền tảng cung ứng lao động, hợp “đạo đức” cho một nền kinh tế chủ yếu dựa vào bóc lột lao động rẻ tiền. Họ được “tự do” để bán mình cho một cơ chế tước đoạt sự tự do khác.

Đó chính là điều tác giả gọi là sự mỉa mai của tự do.

Từ trường hợp của những nữ lao động tình dục, Nguyễn Võ Thu Hương cho thấy một khía cạnh của quyền lực xã hội hiện đại. Cơ chế hoạt động của quyền lực trong xã hội hiện đại là khiến mọi người đều tin rằng họ đang có tự do. Ai cũng nghĩ rằng mình có quyền tự do lựa chọn, và lựa chọn đấy là hợp đạo đức, khỏe mạnh và tốt đẹp cho họ. Nhưng thực chất, họ đang chọn trong một số vô cùng giới hạn những giải pháp mà xã hội đang thiết lập sẵn mà thôi.

—————————

Quyển sách Critical Dialogues in Southeast Asian Studies The Ironies of Freedom Sex, Culture, and Neoliberal Governance in Vietnam (March 2012) Nguyen-vo, Thu-huong

Nguyễn Phúc Anh

Leave a comment