Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nhã Ca, một xuất hiện rực rỡ của văn học miền Nam – Du Tử Lê

Du Tử Lê

Nhã Ca, một xuất hiện rực rỡ của văn học miền Nam

Nguồn: http://vanviet.info/van-hoc-mien-nam/van-hoc-mien-nam-54-75-309-nh-ca-1/

Nói tới bối cảnh của hai mươi năm văn học, nghệ thuật miền Nam, người ta không thể không ghi nhận sự hiện diện có tính cách khởi công, vỡ đất của những tạp chí văn học. Mặc dù không phải tạp chí nào, xuất hiện trong khoảng thời gian từ phôi thai, tức trước điểm mốc 1960 tới giai doạn chín mùi, sung mãn sau 1960 cũng đều có những đóng góp tích cực cho nỗ lực thay da, đổi thịt của dòng văn học này.

Tuy thế, người ta vẫn cần ghi lại những diễn đàn văn học chính trong giai đoạn vừa kể. Như tạp chí Sáng Tạo, ra đời năm 1956; Bách Khoa, 1957; Hiện Đại, đầu năm 1960; Thế Kỷ 20, giữa 1960 và, Văn Nghệ 1961…

Ở hai thời điểm trước và sau 1960, một số người cho rằng, chúng ta cũng không nên gạt bỏ phần đóng góp của hai đài phát thanh chính là Đài Phát Thanh Quốc Gia, tức Đài Phát Thanh Sài Gòn, và đài Quân Đội. Hai cơ quan truyền thông này không chỉ là nỗ lực chính đưa dòng tân nhạc của miền Nam tới với quảng đại quần chúng, mà còn góp phần quảng bá sáng tác thơ văn của một số nhà thơ nhà văn miền Nam nữa.

Ở đài phát thanh Sài Gòn, ngoài chương trình Tao Đàn nổi tiếng của cố thi sĩ Đinh Hùng, những nhà văn, nhà thơ như Mai Thảo, Nguyễn Đình Toàn, Phan Lạc Phúc, Trần Dạ Từ… hàng tuần cũng có những chương trình phát thanh nhằm giới thiệu sinh hoạt văn nghệ và, sáng tác mới của bằng hữu.

Nhã Ca

Tôi gọi giai đoạn đầu từ 1955 tới 1960 là giai đoạn khởi công, vỡ đất mà tiêu biểu là tạp chí Sáng Tạo. Tạp chí cổ suý dòng văn chương mới. Một dòng văn chương chủ trương đoạn tuyệt hẳn dòng văn chương tiền chiến.

Nhưng ngoài những lời lẽ, đi kèm những lên tiếng chung một cách mạnh mẽ, của những thành viên nhóm Sáng Tạo, người đọc vẫn không thấy nhóm này đưa ra những tiêu chí, hay những chuẩn mực để có được sự phân biệt cụ thể giữa “văn chương tiền chiến” và “văn chương hôm nay” (theo cách gọi của nhóm Sáng Tạo).

Nhóm Sáng Tạo không vạch rõ đâu là đặc tính của dòng nền văn chương cũ và, đâu là đặc tính của dòng văn chương mới.

Về văn xuôi, ngoài một Mai Thảo làm mới hình thức câu văn, bằng chủ tâm không đặt nặng nhu cầu tuân thủ văn phạm như vai trò chủ từ, động từ, bổ túc từ một mệnh đề, mà ông lại chú trọng tới phần hình ảnh, sử dụng nhiều tính từ để tạo làm thành một câu văn óng ả, đối xứng, nhịp nhàng… Nó có thể chảy dài lướt thướt hay ngắn ngủn. Cách viết của ông sớm được một số người trẻ bắt chước.

Trong khi nhà văn Doãn Quốc Sỹ, một trụ cột khác của nhóm Sáng Tạo vẫn trung thành với lối viết cũ. Truyện của ông vẫn được xây dựng trên những yếu tố căn bản như cốt truyện, tâm lý nhân vật. Thí dụ truyện dài “Dòng sông định mệnh”.

Người thực sự bước cả hai chân vào thế giới văn chương mới lại là họa sĩ Duy Thanh với những truyện ngắn của ông. Mặc dù nỗ lực của ông không được dư luận thời đó chú ý đúng mức.

Về thơ, ngoài những bài thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, những tác giả khác vẫn tiếp tục dòng thơ tiền chiến hiểu theo nghĩa vẫn áp dụng âm luật một cách chặt chẽ, vững chắc cho những bài thơ bảy, tám hay, năm chữ của họ. Điển hình như đa số thơ của Tô Thùy Yên.

Ngay cả những bài thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng, từng gây xôn xao văn giới một thời, khi ông đem nhiều hình ảnh đậm tính chất tây phương vào thơ. Nhưng lục bát Cung Trầm Tưởng vẫn tạo dựng trên nhịp chẵn hay nhịp đều và, căn bản là khai triển, đi nốt con đường lục bát do Huy Cận, Hồ Dzếnh khai phá từ thập 1940.

Đó là khuynh hướng đoạn tuyệt loại lục bát được dùng như một phương tiện kể chuyện dễ dàng nhất. Hoặc hình thức chuyển tải tâm sự riêng của tác giả, dễ tìm được sự đồng cảm nơi người đọc.

Lục bát thời Huy Cận, Hồ Dzếnh là loại lục bát tiêu trừ chủ thể “tôi”. Chí ít cũng đẩy lui chủ thể “tôi” xuống hàng thứ yếu – – Để tự thân hình ảnh, ngôn ngữ, không gian của bài thơ chiếm giữ ngôi vị hàng đầu. Tự thân bài thơ là xương sống, là máu huyết, là sức sống rực rỡ, chói lòa của chính nó.

Sự xuất hiện của lục bát Cung Trầm Tưởng trên Sáng Tạo, từng được cố nhà văn Mai Thảo gọi một cách thân yêu là “Bà Huyện Thanh Quan… Mới”!

Chưa một lần tôi hỏi tác giả “Đêm giã từ Hà Nội” nguyên nhân sâu xa của ví von này. Nhưng hiển nhiên, theo tôi, khó có thể có một biểu lộ nào khác về lòng yêu mến lục bát Cung Trầm Tưởng nồng nàn hơn thế.

Tới đây, tôi cũng thấy cần ghi lại một sự kiện mang tính văn học miền Nam, 20 năm. Đó là sự xuất hiện của dòng thơ Nguyên Sa, từ đầu mùa Sáng Tạo. Tiếc rằng, sự cộng tác của tác giả này, với Sáng Tạo không được dài lâu vì sự ngộ nhận hay xung khắc giữa Nguyên Sa và Thanh Tâm Tuyền. (Tương lai, có thể tôi sẽ có một bài viết riêng về ngộ nhận đáng tiếc giữa hai nhà thơ tên tuổi đó).

Ngay tự những số đầu tiên của Sáng Tạo, thơ Nguyên Sa dù là thơ vần điệu, thơ tự do hay, thơ xuôi, đã như cơn địa chấn, có sức quyến rũ dữ dội, đẩy xô những người làm thơ đang / còn ngập ngừng, e ngại trước phong trào thơ Tự Do, lao mình vào phong trào thơ tự do với niềm tin và, lòng hăm hở phơi phới.

Thí dụ “Tiễn biệt” một trong những bài thơ của Nguyên Sa, in trong Sáng tạo, có những câu như:

“… Sao người không đi vào không gian trong – Bức tường vô hình nên bức tường dầy mênh mông – Và sao lòng tôi không là vô tận – Cho gặp gỡ những đường tàu đi song song…” (1)

Hay bài “Paris”, hình dung những phản ứng của tác giả, sau khi rời bỏ nơi chốn này. Ông viết:

“… và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris – để khói thuốc xám trên môi dăm người bạn – và trên môi tôi – điếu thuốc sẽ run trên những đường cong lận đận – điếu thuốc sẽ run như chân người vũ nữ vừa quen – đôi chân người mà tôi không dám nhớ cũng không dám quên – còn quay đảo giữa điệu nhạc mềm như khói thuốc…” (1)

Hay bài “Tôi sẽ sang thăm em”:

Tôi sẽ sang thăm em – Để những mớ tóc màu củi chưa đun – Màu gỗ chưa ai ghép làm thuyền – Lùa vào nhau nhóm lửa…” (1)

Hoặc nữa, một bài thơ xuôi nhan đề “Mời”:

“… Tôi mời em vứt bỏ lại đàng sau những kinh thành buồn bã với phong tục, thói lề, bạc vàng giả dối: muốn làm người yêu thì phải đỗ tú tài.

“Tôi muốn mời em đi ngay. Không cần lấy vé. Không phải đợi chờ vì điều kiện du hành là những ngón tay lồng vào nhau và tâm hồn đơn chiếc.

Còn nếu cần thì tôi sẽ làm người bán vé. Nhưng tôi sẽ không quên làm người đồng hành duy nhất để đưa em đi. Và tôi sẽ làm người lái tàu để không ai được dự phần vào câu chuyện đôi ta…” (1)

Đó là một số bài thơ Nguyên Sa, xuất hiện trên Sáng Tạo. Lùi lại thời điểm trước 1960, tôi chưa thấy ai đem vào trong thơ, những hình ảnh, những liên tưởng, ẩn dụ… như thế.

Một số người có thể không thích thơ Nguyên Sa, vì nó không đáp ứng được những thắc mắc, những đòi hỏi siêu hình; hoặc vì thơ Nguyên Sa không thỏa mãn những tư duy triết lý trầm trọng của họ. Nhưng khó ai có thể phủ nhận những cái mới của thơ Nguyên Sa.

Trở lại với nhóm Sáng Tạo (không có Nguyên Sa,) sự kiện trên diễn đàn này đã có cùng lúc hai dòng chảy cũ và mới. Tôi cho, cũng dễ hiểu. Thời gian đó, đa phần các nhà văn, nhà thơ của miền Nam vẫn tiếp tục đi tiếp con đường của dòng văn chương tiền chiến. Khác chăng, họ đào sâu hơn, tâm lý nhân vật. Những bối cảnh xã hội cũng mở rộng hơn và, không nhất thiết phải quy kết, tập chú vào một chủ đề. Chẳng hạn chủ đề giầu nghèo, chủ đề đả phá nếp phong kiến, ao tù hủ tục v.v…

Nói cách khác, ngay trên diễn đàn Sáng Tạo và, qua những bài lai cảo, được chọn đăng, người đọc thấy dường có song song, hai dòng chảy: Dòng thơ văn nỗ lực hướng về cái mới và, dòng thơ văn tiền chiến nối tiếp.

Với những nhận định trên, tôi muốn được gọi giai đoạn này là giai đoạn “dò đường” hay “mở đường”.

Phải đợi tới đầu thập niên 1960, khi lớp người mới, những cây bút sung mãn khát khao đi tới, thực sự nhập cuộc, lúc đó dòng văn chương miền Nam mới thực sự tách thoát và, từ đó, định hình.

Đó là giai đoạn xuất hiện những tên tuổi như Dương Nghiễm Mậu, Quách Thoại, Nguyễn Đình Toàn, Trần Dạ Từ, Mai Trung Tĩnh, Đỗ Quý Toàn, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn,) Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng, Diễm Châu v.v.… Hàng ngũ đông đảo những cây bút tiêu biểu này, dứt khoát tiến về phía trước, đã giúp cho con tầu văn học, nghệ thuật miền Nam vừa rời bến, còn dùng giằng, lưu luyến bờ cũ, thẳng ra biển khơi.

Trong bối cảnh này, thơ Trần Thy Nhã Ca xuất hiện.

Nhã Ca, bật sáng những ngọn đèn tâm thức soi thấu đáy tầng vô thức.

Với bút hiệu Trần Thy Nhã Ca, thơ Nhã Ca xuất hiện lần đầu trên tạp chí Hiện Đại, số ra mắt, của nhà thơ Nguyên Sa chủ trương. Cũng ở số ra mắt đó, tác giả “Áo lụa Hà Đông” đã dành cho thơ Trần Thy Nhã Ca vị trí trang trọng nhất.

Người đọc cũng như một số anh chị em văn giới thuở đó, xao xác hỏi nhau:

“Trần Thy Nhã Ca là ai?

“Ai là Trần Thy Nhã Ca?”

Những câu hỏi được cất lên nhiều thêm nữa, khi những bài thơ kế tiếp của bà, càng lúc càng dội vang xa hơn.

Nhà thơ Thành Tôn, người hiện có trong tay tạp chí Hiện Đại số 1, cho biết, ba bài thơ đầu tiên của Trần Thy Nhã Ca là: “Bài Nhã Ca thứ nhất”, “Ngày tháng trôi đi” và, “Thanh xuân.”

Bài Nhã Ca Thứ Nhất” là một bài thơ 4 chữ, có những đoạn như:

Tôi làm con gái

Buồn như lá cây

Chút hồn thơ dại

Xanh xao tháng ngày

Tôi làm con gái

Một lần yêu người

Một lần mãi mãi

Bao giờ cho nguôi

Tôi làm con gái

Bao nhiêu tuổi đời

Bấy lần thơ dại

Buồn không ai hay. (2)

Ngày tháng trôi đi” là một bài thơ 7 chữ:

Ngày cũng vừa xanh dáng tịch liêu

Đường xa sầu tiếp với mây chiều

Bày chim én cũ qua thành phố

Về gọi thời gian vỗ cánh theo

Thôi trả cho giòng sông tối đen

Trả cho người đó nỗi ưu phiền

Còn đây chút tủi hờn thơ dại

Rồi cũng xa vời trong lãng quên

Mắt dõi theo vừa ngút bóng cây

Đời chia dăm bảy dấu chân bày

Tôi hồn vẫn đứng im như tượng

Trông tháng ngày đi trên cánh tay. (Trọn bài.) (2)

Và đây, trích đoạn bài “Thanh Xuân”:

Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây

Người đi chưa dạt dấu chân bày

Bày tay nằm đó không ngày tháng

Tình ái xin về với cỏ cây

Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài

Khuya chìm trong tiếng khóc tương lai

Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối

Tôi mất thời gian lỡ nụ cười

Đời sống ôi buồn như cỏ khô

Này anh em cũng tợ sương mù

Khi về tay nhỏ che trời rét

Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ.” (2)

Tính tới đầu đầu thập niên 1960, trong sinh hoạt văn học miền Nam, chúng ta có rất ít nhà thơ nữ. Đã thế, họ lại thường không nói về phía khuất lấp của thân, tâm mình.

Tình yêu, nếu được họ đề cập đến, dẫu thừa thãi những tính từ chỉ tính chất cô đơn, sầu muộn, hoặc những hình ảnh lãng mạn đã sáo mòn thì, chúng cũng vẫn giống như thể họ đang nói xa xôi, mơ hồ, quanh co về một phần số hẩm hiu, một thất lỡ, vay mượn chuyện tình từ một nữ lưu nào đó, trong đời thường!

Trần Thy Nhã Ca không vậy! Thơ bà xuất hiện, như tiếng nổ lớn của một khối thuốc nổ TNT.

Ngay tự những dòng thứ nhất của bài thơ thứ nhất, tác giả đã tự giới thiệu, không chỉ giới tính mà còn là “tiểu sử” đời mình một cách trực khởi. Tự tin. Không mặc cảm:

Tôi làm con gái

Bao nhiêu tuổi đời

Bấy lần thơ dại

Buồn không ai hay.”

Với số chữ ít oi của thể thơ 4 chữ (bằng nửa số chữ thể thơ 8 chữ,) nhưng mỗi con chữ trong đoạn thơ tôi vừa lập lại của Trần Thy Nhã Ca lại có khả năng tự bào phân ở cấp số nhân, để cái hình hữu hạn này khơi dẫn tới tượng mênh mang của những chân trời nắng, gió lênh đênh cảm thức hiu quạnh, mới.

Cũng thế, ở bài thơ thứ hai, trừ một hai câu mang âm hưởng thơ Huy Cận (như câu “đường xa sầu tiếp với mây chiều”) thấp thoáng trong bài thơ là những nhát chém không hình tích của những lát dao chữ nghĩa và, hình ảnh xẻ dọc toàn cảnh:

“Bày chim én cũ qua thành phố

Về gọi thời gian vỗ cánh theo”.

Hoặc:

“Tôi hồn vẫn đứng im như tượng

trông tháng ngày đi trên cánh tay”…

Với tôi, là những cánh cửa hé mở cho thi ca miền Nam thời kỳ đó, một chân trời khác.

Bước vào bài thứ ba, bài cuối cùng trong loạt bài đầu tiên của Trần Thy Nhã Ca, với những câu như:

“Bàn tay nằm đó không ngày tháng

Tình ái xin về với cỏ cây.”

Hoặc phỏng, rát hơn với hai câu mà, mỗi chữ tựa một hòn than vừa bén lửa:

“Khi về tay nhỏ che trời rét

nghe giá băng mòn hết tuổi thơ”.

Với tôi, chừng đó ngôn ngữ, chừng đó hình ảnh và sự điêu luyện trong nghệ thuật diễn tả, đã đủ khẳng định, đủ định hình chỗ đứng của tài hoa thi ca này.

Tôi không biết trước khi có cho mình bút hiệu Trần Thy Nhã Ca, tác giả đã có cho mình bao nhiêu bút hiệu?

Tôi cũng không biết tác giả làm quen với thi ca từ năm nào? Bao nhiêu tuổi? (3)

Chỉ biết tôi đã lặng, điếng như một nạn nhân bất lực, chới với giữa hai đối cực:

Cực tiểu là hình ảnh bàn tay quá mức nhỏ bé của con người, theo phản ứng tự nhiên, tuyệt vọng như chống trả cái cực đại là thời tiết (cái rét) hay thiên nhiên.

Với 14 chữ, Trần Thy Nhã Ca tự thú (một cách buồn bã,) bản chất “con tin”, tính thất lạc của thân phận con người trước thiên nhiên, trong dòng chảy thời gian, bất tận.

Tôi vẫn cho rằng, thời tiết (hay thiên nhiên,) nơi chốn… tự nó vốn trung tính, hoặc vô ký. Nếu chúng có mang một linh hồn, một ý nghĩa nào đó, thì phần linh hồn, phần ý nghĩa kia, do con người, do chúng ta mặc, khoác cho chúng.

Từ đó, với tôi, cái rét (thời tiết) trong thơ Trần Thy Nhã Ca, không chỉ là một ẩn dụ (metaphor) hay một hoán dụ (metonymy) cho một trạng thái tình yêu mà, nó còn là một thực chứng bơ vơ, thất lạc của bà trước thiên nhiên.

Nói cách khác, đó là thân phận không thể chối bỏ của định phận người nữ, với kết cuộc vốn là bôi xoá, lãng quên trong dòng chảy nhân quần!

Hiểu như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng hơn, có được cho mình câu trả lời:

– Tại sao thơ Nhã Ca, lại đầy rẫy những đối kháng dữ-dội-buồn-thảm, khi bà luôn tự nói về mình, như một sinh vật có khả năng bật sáng những ngọn đèn tâm thức nghìn nến, để soi thấu đáy tầng vô thức thân phận mình?

Những bài thơ kế tiếp của Trần Thy Nhã Ca, càng thêm xác tín cho sự hiện hiện rực rỡ của bà trong dòng văn học 20 nam miền Nam Việt Nam. Chúng mở ra và, đi đến những chân trời chưa một người làm thơ nữ nào thời đó, bước tới.

Một trong những bài thơ kế tiếp của Trần Thy Nhã Ca được nhiều người nói tới, là bài “Tiếng Chuông Thiên Mụ”. Bài thơ ghi lại “biến cố” bà bỏ nhà ra đi năm bà mới 19 tuổi.

Có người cho rằng, thơ Nhã Ca mà bài “Tiếng chuông Thiên Mụ” là một thí dụ; ra đời trong bối cảnh miền nam Việt Nam thập niên 1960 đã được “giải phóng”, không còn bị truyền thống đạo lý, xã hội khắt khe cấm kỵ. (Vì thế) bà mới dám mạnh mẽ tự chọn tình yêu, chọn sống cuộc đời cho riêng mình…

Nhận định này, tuy chỉ để đưa tới những ngợi ca sự can đảm của Trần Thy Nhã Ca; Nhưng với tôi, nó lại không chỉ là một nhận định hời hợt vì chưa hay, không hề đọc kỹ thơ Nhã Ca mà nó còn làm giảm rất nhiều tính cương cường, lẫm liệt, đối đầu xã hội và, luôn cả những nghĩ lại chua chát, thất vọng, ê chề… trong đôi phút nào đó, nơi thẳm sâu tâm hồn người nữ, thi sĩ này nữa.

Bài thơ vừa kể, mở vào bằng những câu vẫn mang tính tự giới thiệu (hay tự khẳng định) thân thế mình:

“Tôi lớn lên bên này sông Hương – Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ – Cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ – Cửa từ bi vồn vã bước chân sông – Mặt nước xanh trong suốt tuổi thơ hồng – Tháp cổ chuông xưa sông hiền sóng mọn – Những đêm tối bao la những ngày tháng lớn – Những sáng chim chiều dế canh gà – Tiếng chuông buồn vui dợn thấu trong da – Người với chuông như chiều với tối.”

Từ bối cảnh “Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ” với “Cửa từ bi vồn vã bước chân sông”, bà đi tới một chọn lựa gây ái ngại hay hoảng hốt, lo lắng cho bất cứ bậc phụ huynh nào, thậm chí, cả những người trẻ, ở tuổi bà, thuở ấy nữa.

Nhưng với bà thì, dường như đó là sự chấp nhận một hò hẹn bất trắc với trăm năm hay, một thách đố với định mệnh:

“Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi – Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông – Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn – Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy – Tiếng chuông đến chỉ một mình tôi thấy – Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan – Tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em – Tiếng chuông tan rời như lệ mẹ hiền – Tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố.”

Và đây là phần ê chề, thất vọng của tác giả, như tôi mới viết ở trên:

“Từ dạo xa chuông khôn lớn giữa đời – Đổi họ thay tên viết văn làm báo – Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo – Cửa từ bi xưa mất dấu đứa con hư – Tháp cổ chuông xưa, sông nhỏ sa mù – Giòng nước cũ trong mắt nhìn ẩm đục – Con đường cũ nghe trong hồn cỏ mọc – Chuông cũ giờ đây bằn bặt trong da (…) Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay – Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay – Trên mặt nước trên mặt người mặt lộ – Cho con trở về đứng mê sảng ngó.” (2)

Nhưng với tôi, hai câu thơ trong bài “Bài Tháng Sáu”, không được nhiều người nhắc “Tôi đã biết tội thân làm con gái – Đời không thương tất cả héo khô dần” (2) – – Mới thực sự cho thấy tài năng ngoại khổ của tiếng thơ này.

Tôi không nghĩ khi viết xuống hai câu thơ trên, Trần Thy Nhã Ca muốn khai triển hoặc, ứng dụng cái tương quan hữu cơ giữa tâm và, sinh lý.

Tôi cũng không nghĩ một nhà thơ phái nam, dù tài hoa nhất mực, có thể cảm nghiệm được sự héo hon, đưa lần tới héo khô những cơ phận trên thân thể người nữ! Một khi nâng niu, thương yêu, ân cần rời bỏ họ. Như những con sóng cấp bảy, cấp tám thình lình rút xa, rất xa bờ cát.

Cảm thức bị lãng quên, bị vất lại, bị bỏ xó… luôn là cảm thức sâu kín, trầm trọng nhất của bản năng người nữ. Nó thường dẫn dắt thân, tâm người nữ tới những kết luận hay chọn lựa cực đoan. Tận. Tuyệt.

Tôi nghĩ, bà viết như một thốt kêu tự nhiên, của con chim thương tích. Lẻ bạn.

Tôi cho, đó là một thứ cảm-tính-chỉ-riêng-thi-sĩ.

Và, vì thế, câu thơ lớn lao. Nó như ngọn núi sừng sững (nhiều phần chênh vênh,) giữa biển khơi và, vực thẳm.

Nhã Ca, nhà văn nữ nói “không” với dục tính.

Sau hai bài viết về hiện tượng thơ Nhã Ca rực rỡ ngay tự bước khởi đầu, của nền văn học miền nam Việt Nam, 20 năm; nhiều bạn đọc, đa số là những người trẻ, hỏi chúng tôi về tiểu sử của bà.

Do vậy, trước khi mời bạn đọc bước vào phần thứ ba của loạt bày này, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn, tiểu sử của nhà thơ và, cũng là nhà văn Nhã Ca, căn cứ theo tài liệu được ghi trên trang mạng Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:

Theo tài liệu này, người ta được biết, Nhã Ca tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh năm 1939 tại cố đô Huế. Năm 1960 bà vào Saigòn. Tại thủ đô miền Nam tự do này, bà chính thức bước vào con đường làm thơ, viết văn.

Trong 15 năm, tính 30 tháng 4-1975, bà đã xuất bản 36 tác phẩm. Hai lần được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc. Lần thứ nhất, năm 1965 với thi phẩm “Nhã Ca Mới”. Lần thứ hai, 1966, với truyện dài “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác”.

Trong số 36 tác phẩm xuất bản tại Việt Nam, tác phẩm “Giải Khăn Sô Cho Huế”, viết về biến cố tết Mậu Thân, 1968 tại Huế, khiến bà bị nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội giam cầm một thời gian. (Riêng nhà thơ Trần Dạ Từ, người bạn đời của bà, bị tù tới 12 năm!)

Đồng thời, cũng vì tác phẩm này, bà là người nữ duy nhất có tên trong danh sách 10 “Biệt kích văn hóa” ác ôn nhất ở miền nam Việt Nam, cùng với những nhà văn đồng thời khác, như Mai Thảo, Duyên Anh, Chu Tử, Nguyễn Mạnh Côn v.v…

Trong một bài viết về Nhã Ca, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ghi:

“Nói về kỷ niệm mà chị nhớ hoài là thời kỳ trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn ở Việt Nam, Nhã Ca kể có lần được theo xe tù đi thăm nhà trưng bày tội ác Mỹ Ngụy ở trường Dược cũ tại Saigòn, thấy sách của mình và bạn hữu được bày dưới danh nghĩa ‘Tội ác Mỹ Nguỵ’. Đặc biệt cuốn ‘Giải Khăn Sô Cho Huế’ được treo trang trọng. Bà đã đứng nghiêm cạnh Lê Xuyên, Hoàng Anh Tuấn, Trần Việt Sơn… kính chào tác phẩm của mình và bạn hữu.”

Nói về thành tựu văn xuôi của Nhã Ca thì, bà là nhà văn miền Nam đầu tiên và sớm nhất, có tác phẩm được dịch qua 2 ngoại ngữ Pháp và Anh. Đó là các cuốn “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác”, được dịch sang tiếng Pháp, với nhan đề “Les cannons tonnent la nuit” và cuốn “Đoàn Nữ Binh Mùa Thu” được Barry Hilton dịch sang tiếng Anh, với tựa đề “The Short Times”.

Năm 1970, trong một bài viết của Tường Vy, đặc phái viên của cơ quan VTX, (lên mạng sau này,) có một đoạn nguyên văn như sau:

“… Từ lâu nay, chúng ta đã nói nhiều tới việc trao đổi văn hóa, giới thiệu văn hóa Việt Nam với ngoại quốc. Nhưng mãi tới nay, mới có một tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại được chọn dịch và xuất bản bên Mỹ. Cũng mãi tới nay, mới có một dịch giả người Mỹ thông thạo tiếng Việt, để dịch một tác phẩm Việt Nam trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Anh ngữ. Hợp đồng xuất bản giữa Nhã Ca và ông Barry Hilton hôm nay, vì vậy, phải được coi là bước khởi đầu quan trọng cho việc giới thiệu văn chương Việt Nam với thế giới.

“Trên đây là lời Linh Mục Thanh Lãng, Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Việt Nam; Tuyên bố trong buổi lễ ký hợp đồng phiên dịch và xuất bản tác phẩm Nhã Ca tại Hoa Kỳ, do Trung tâm Văn Bút bảo trợ, tổ chức hôm Chủ Nhật 13 tháng 6 vừa qua…”

“Tác phẩm được phiên dịch và xuất bản tại Hoa Kỳ là một truyện dài (Đoàn Nữ Binh Mùa Thu) vừa hoàn thành của Nhã Ca, có tựa đề ‘The Short Times’ và dịch giả người Mỹ ông Barry Hiltn, khi tuyên bố thành thạo bằng tiếng Việt với quan khách trong buổi lễ, đã ca ngợi tác phẩm này là ‘là một bi ký cổ điển, có giá trị tiêu biểu cho một giai đoạn đặc biệt của hai dân tộc Hoa Kỳ và Việt Nam…”

Trở lại với tiểu sử của tác giả “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác”, người ta được biết, tháng 9 năm 1989, nhờ sự can thiệp mạnh mẽ, liên lủy của Hội Văn Bút Quốc Tế, phối hợp với Hội Ân xá Quốc Tế và Thủ tướng Thuỵ Điển Ingvar Carlsson, cuối cùng, bà cùng toàn thể gia đình được Thủ tướng Thuỵ Điển bảo lãnh qua Thuỵ Điển.

Năm 1992, bà cùng gia đình di chuyển qua Hoa Kỳ, tiểu bang California, thành lập và, điều hành hệ thống Việt Báo Daily News tại quận hạt Orange County.

Từ thi ca với tác phẩm đầu tay “Nhã Ca Mới”, bước qua văn xuôi, với tác phẩm thứ nhất được xuất bản là truyện dài “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác”, người ta không thấy có một khoảng cách nào giữa văn xuôi và, thi ca của Nhã Ca. Nếu không muốn nói, đó chỉ là bước song hành, hoặc hai dòng chảy của một tài năng lớn, người nữ.

Trong sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật của miền Nam, sự kiện một thi sĩ đắm mình trong thử thách giữa ngọn triều văn xuôi hoặc ngược lại, là điều bình thường.

Ở một chừng mực nào đó, cũng có một số tác giả được ghi nhận là thành công. Cả hai lãnh vực. Nhưng, như Nhã Ca thì không.

Kể từ ngày miền Nam có Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc, trải qua hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà, một nhà văn hay nhà thơ, được chọn để trao giải vốn đã khó, nói chi tới việc một tác giả như Nhã Ca, trong hai năm (1965, 1966) được chọn để trao liên tiếp hai giải Văn Chương Toàn Quốc cho cả hai bộ môn thi ca và, văn xuôi.

Cũng trong khoảng thời gian từ 1965 tới 1970, sinh hoạt văn xuôi của miền Nam trở nên rộn ràng, nhiều mầu sắc hơn nữa, với sự xuất hiện thêm nhiều cây bút nữ trên các diễn đàn văn chương.

Mỗi xuất hiện đó, là một nhan sắc. Riêng. Mỗi đi tới kia, là một phong cách. Khác.

Tuy nhiên, nhiều hay ít, những cây bút nữ đó cũng có chung một điểm gặp gỡ. Đó là phạm trù tính dục trong văn chương.

Tính dục được ghi nhận từ người nữ: Vừa như một “giải phóng” người nữ khỏi những vòng rào, những vạch phấn khoanh vùng; san bằng khoảng cách nam / nữ; vừa như một từ trường có lực thu hút tò mò không nhỏ, nơi người đọc.

Khuynh hướng hay trào lưu này, nếu tôi được phép nói như vậy, hoàn toàn không có Nhã Ca. Nói cách khác, Nhã Ca là nhà văn nữ của văn chương miền Nam hai mươi năm, đã nói không, với dục tính. Bà không chỉ nói “không” với dục tính mà, cũng khác hơn các nhà văn nữ cùng thời, cõi giới văn xuôi của bà còn mở vào nhiều thể tài. Từ chiến tranh, đất nước, thời cuộc tới xã hội, gia đình, tuổi trẻ nữa.

Tuy từ chối khai thác tính dục trong văn chương, nhưng không vì thế mà truyện của Nhã Ca có số bán kém hơn những tác phẩm khai thác dục tính của một số nhà văn nữ khác. Trái lại.

Căn cứ theo bài viết có tính tường thuật, cộng với kết quả thăm dò, nghiên cứu của ký giả Tường Vi thì truyện của Nhã Ca có số bán cao nhất.

Các chủ nhiệm, chủ bút nhật báo ở miền Nam, 20 năm, có tập quán mời những nhà văn được coi là “ăn khách” viết truyện đăng tải mỗi ngày (trong giới gọi là feuilleton) nơi trang trong nhật báo của họ… Nên, báo nào có được feuilleton Nhã Ca thì số bán sẽ gia tăng ở mức độ không thể phủ nhận.

Lý do? Câu trả lời có ngay, rằng:

Tuy tiểu thuyết Nhã Ca không nhằm đào sâu lãnh vực tính dục; nhưng tính lãng mạn, thơ mộng và luôn cả phần tâm lý, văn chương mượt mà trong cõi giới văn chương của bà, đã đáp ứng nhu cầu hay, khát khao cái đẹp không chỉ của giới trẻ mà luôn cả lớp người đã trưởng thành và những người lính nơi những tiền đồn heo hút nữa.

Với những tài liệu tôi hiện có về đời-văn-Nhã-Ca, tôi rất thích đoạn sau đây (vì tính chuyên nghiệp của một phóng sự) của tác giả Tường Vi, khi cô viết:

“Trên nhật báo Chính Luận, trong một bài liệt kê các khoản chi tiêu cần thiết để đối chiếu với số lương tháng ít ỏi, một nữ giáo chức đã ghi: ‘sách Nhã Ca’. Như vậy trong những món ăn tinh thần của một lớp người, sách Nhã Ca đã được kể vào loại nhu cầu cần thiết và bền bỉ.

“Tại các trường Trung Học, nhất là những trường nữ, một số lớn tác phẩm Nhã Ca đã trở thành một đề tài thuyết trình thường xuyên của học sinh.

“Một số văn phẩm của Nhã Ca cũng được chọn làm đề tài cho một số luận án ra trường của các sinh viên văn khoa Saigon, Huế, Đà Lạt.

“Ngoài số độc giả đông đảo là giáo chức, sinh viên học sinh, Nhã Ca cũng được đọc nhiều trong giới binh sĩ. Trên mục tìm bạn bốn phương của tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, có lần đã đăng một lời rao tìm bạn nguyên văn như sau:

“ ‘Lính tiền tuyến muốn tìm những cô bạn gái trong trắng, tươi vui như hình ảnh cô bé Vành Khuyên trong truyện Trưa Áo Trắng…’ ”

“ ‘Trưa Áo Trắng’ là tên một cuốn tiểu thuyết của Nhã Ca mới xuất bản năm ngoái, viết về một đám nữ sinh chơi vũ cầu buổi trưa bên hông trường nữ trung học Gia Long.

“Trả lời một câu hỏi của người phỏng vấn, Nhã Ca xác nhận:

“ ‘Nếu không nghĩ tới độc giả, chắc chắn tôi đã không viết văn làm gì. Tôi vẫn thường tự nhủ, bạn đọc của tôi đã phải bỏ những đồng tiền xương máu của họ ra đổi lấy từng cuốn sách. Vậy bổn phận của mình là phải viết cho xứng đáng với sự hy sinh ấy. Vậy chắc chắn sẽ chả bao giờ tôi có thể trở thành loại nhà văn tự cho mình là lớn đến độ tuyên bố là viết mà không thèm đếm xỉa đến độc giả.’. ”

Nói tới văn xuôi của Nhã Ca sớm trở thành một món ăn tinh thần cần thiết của độc giả thuộc nhiều thành phần khác nhau, ở miền Nam mà, không nhắc tới ảnh hưởng tác phẩm của bà, trong lãnh vực điện ảnh, tôi cho là một thiếu sót.

Về mặt này, ký giả Tường Vi ghi nhận như sau:

“Một số tiểu thuyết Nhã Ca đã được đưa lên màn ảnh. Hãng phim Việt của Đạo diễn Hà Thúc Cần đã dựng một phần ‘Giải Khăn Sô cho Huế’ thành phim ‘Đất Khổ’. Hãng Lidac, với đạo diễn Lê Dân, đã đưa cuốn tiểu thuyết ‘Cô Híp Py lạc loài’ lên thành phim ‘Hoa mới nở’. Hai cuốn tiểu thuyết khác của Nhã Ca, ‘Đoàn nữ binh mùa thu’ và ‘Tình ca trong khói lửa đỏ’, cũng đã được hãng Phim Việt mua bản quyền…”

Tôi vẫn nghĩ thơ mộng là vòm cửa lớn mà một tác giả có khả năng, có đủ tâm, tài nên mở ra cho tuổi trẻ bước vào. Nó sẽ trở thành một hành trang tinh thần lấp lánh tin yêu mai sau; khi họ tới giai đoạn phải bước vào thực tế phũ phàng. Cuộc đời.

Vòm cửa này, tôi nghĩ, cũng cần thiết không kém, cho người trưởng thành, cơ hội về lại ngôi nhà xưa. Ngồi xuống những bậc thềm quá khứ, ngắm nhìn thanh xuân một thời, hay mơ ước một đời, bóng dáng mình.

Tôi cho nó ý nghĩa. Nó đang kể. Nó thiết thực hơn cả những tiểu thuyết thời thượng, như những cái đuôi của những triết lý nhất thời nữa.

Nhân cách văn chương và, nhân cách đời thường, Nhã Ca

Nói về nhân cách một nhà văn (tiếng chỉ chung: nhà văn và nhà thơ,) tôi luôn nghĩ họ có nhiều hơn một nhân cách.

Nhân cách thứ nhất: Nhân cách văn chương (chỉ tài năng nhà văn).

Và, nhân cách thứ hai: Nhân cách đời thường.

Về nhân cách văn chương của Nhã Ca thi sĩ, Nhã Ca nhà văn, thì đã là một nhân cách rực rỡ. Đã định hình. Bất khả chuyển.

Riêng nhân cách đời thường, nơi Nhã Ca, với tôi, cũng là một nhân cách đáng trân trọng.

Kinh nghiệm trong đời thường cho chúng ta rất nhiều thí dụ cụ thể về những cá nhân tạo, đạt được những thành tựu đáng kể trong văn chương. Nhưng nhân cách đời thường ở họ, lại là con đường nghịch chiều. Một hướng đi, một ngã rẽ khác.

Ngay với những tài năng lớn, được thực chứng bởi những sản phẩm nghệ thuật giá trị, nhưng trong đời thường, họ lại có một nhân cách khác.

Đó là thứ nhân cách phản ảnh cái tâm đố kỵ. Ganh ghét. Thủ đoạn… Hoặc đó là cái tâm chật hẹp với tinh thần phe phái. Cục bộ. Địa phương. Khoanh vùng. Một thứ nhân cách ấp, xã với tinh thần Lý trưởng hoặc Chánh tổng…

Trước thực trạng này, sinh thời, cố Thi sĩ Nguyên Sa từng chỉ danh đó là cái tinh thần “phe ta”. “Đảng ta”. “Vùng đất ta”. Hoặc “quần thần, đàn em ta”… hiển hách. Ngoại giả là cỏ rác. Phải dẹp bỏ. Chặt đầu!

Nói về nhân cách Nhã Ca đời thường, tôi mãi nhớ hình ảnh một “buổi họp kín.” Diễn ra trong phòng âm u trong ngôi nhà sau cùng trên đường Tự Do, Saigòn, của cặp vợ chồng nhà thơ, nhà văn Nhã Ca / Trần Dạ Từ.

Nhà văn Mai Thảo kể, đó là “buổi họp” đầu tiên và cũng là cuối cùng (?) cực kỳ nghiêm trọng giữa nhà văn Nhã Ca với 5 người con của bà.

Buổi họp nhằm đi tới “biểu quyết”:

– Có đồng ý cho bác Mai Thảo tạm trú một thời gian, giữa lúc bác đang bị săn lùng ráo riết bởi chính quyền Cộng sản?

Mỗi lần nhớ lại hình ảnh 5 bàn tay nhỏ xíu cùng hăng hái, dứt khoát dơ lên trong tình cảnh tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào, trên mái đầu những trẻ thơ này, tôi không khỏi bùi ngùi. Cảm phục.

Tôi vẫn nghĩ không thể khi không, không thể tự nhiên có được cùng lúc, 5 bàn tay bé xíu dơ lên, trong một quyết định đầy nguy nàn như vậy.

Tôi nghĩ bà mẹ, người sinh ra những đứa trẻ đồng lòng dơ tay “biểu quyết” cho bác Mai Thảo được trốn trong nhà mình; khi mà người cha của chúng là nhà thơ Trần Dạ Từ, còn đang dật dờ trôi từ nhà tù này tới nhà tù khác. Khi mà chính người mẹ của chúng, cũng từng chịu cảnh tù đầy hơn một năm bởi chế độ mới, hiện còn bị theo dõi ngày đêm…

Dù một nách 5 con nhỏ, nhưng tác giả “Yêu một nhà văn” vẫn chưa bao giờ bỏ qua một kỳ phép được thăm nuôi chồng.

Về những chuyến đi thăm nuôi nhà thơ Trần Dạ Từ, cố nhà văn Mai Thảo, trong tác phẩm “Chân Dung 15 nhà văn, nhà thơ Việt Nam”, do nhà sách Văn Khoa, Calif., xuất bản năm 1985, viết lại theo lời kể của một người từng đi chung với Nhã Ca, như sau:

“… Chuyến đi cho nhìn thấy tất cả những vất vả dọc đường. Cho nhìn thấy cuộc sống điêu đứng hiện giờ của Nhã Ca ở Sài Gòn sau đại nạn 1975. Cho nhìn thấy sự can trường lạ lùng của bà, một mình giữa cơn hồng thuỷ (…)

“Một chiếc xe nhỏ ọp ẹp, khởi hành lúc 5 giờ sáng ở bên xe Petrus Ký. Đồ thăm nuôi chất đầy. Mọi người ngồi chen chúc, ngộp thở. Ai nấy đều mệt mỏi, ủ rũ, riêng chị Nhã là người mạnh mẽ nhất. Chị đùa cợt cho vui dọc đường, săn sóc tất cả mọi người. Xe tới rừng lá Phan Thiết đã bể bánh. Phải ngưng lại một đêm. Mọi người xuống xe nằm ngủ ngay bên vệ đường với đêm rừng lạnh buốt. Riêng Nhã Ca thức, bó gối ngồi tới sáng. Chiều hôm sau mới tới Nha Trang. Lại một màn gối đất nằm sương ở bến xe, khiến mọi người mệt lả cơ hồ không chịu đựng nổi nữa. Lượt đi tưởng độ hai ngày kéo dài tới bốn ngày ở dọc đường. Ngày hôm sau ra Qui Nhơn, từ Qui Nhơn đi Pleiku, xe lại hư máy nữa ở chân đèo Cả. Tài xế dở chứng đòi quay về Saigòn, chị Nhã năn nỉ mãi. Chị hò mọi người cùng đẩy xe lên con đèo cao ngất. Đẩy năm bảy cây số tới ngang trại giam trên đường 19, đã xế chiều. Mọi người cùng phải khiêng vác nặng, đi lê lết qua ba cây số đường rừng mới tới trại. Thời gian cho gặp thân nhân chỉ có nửa giờ. Thấy chồng, chị Nhã xúc động ôm lấy và bị bọn cán bộ la lối chửi mắng là đã có cử chỉ sàm sỡ đồi trụy. Chị nín thinh, chịu đựng, ra khỏi trại mới chảy nước mắt (…)

“Từ chỗ ẩn lánh của mình, nghe chuyện về Nhã Ca, Nhã Ca trong đổi đời, trong giông bão, về những ngày tù đầy của Nhã Ca ở Phan Đăng Lưu, về những chuyến thăm nuôi Trần Dạ Từ, tấm lòng son sắt thuỷ chung, tôi không sao kìm giữ được xúc động…”

Chỉ trong cương vị người nghe kể lại, không thực sự trông thấy, càng không là người tham dự chuyến đi nuôi chồng của Nhã Ca, nhưng tác giả “Chuyến tàu sông Hồng” đã không thể không thú nhận rằng, ông “không sao kìm giữ được xúc động”!

Nói về nhân cách Nhã Ca đời thường, tôi cho rằng, tôi cũng sẽ rất không phải, nếu không nhắc tới sự kiện nhà văn này, đã dùng tiền tác quyền, một tác phẩm của mình, làm giải thưởng cho những luận án tiến sĩ y khoa. Mặc dù, điều này, tôi cũng chỉ mới được biết gần đây, qua bài viết của ký giả Tường Vi:

“Trên những đặc san cuối năm do Đại Học Y Khoa Huế xuất bản, trong phần tin tức, thường có loan báo “luận án tiến sỹ y khoa đoạt ‘giải thưởng Nhã Ca’ hàng năm. Đây là một giải thưởng được thiết lập từ năm 1969 và do chính nữ văn sỹ Nhã Ca bảo trợ. Khoản tiền dùng cho giải thưởng này chính là tác quyền cuốn ‘Giải khăn sô cho Huế’ một bút ký nổi tiếng của nhà văn nữ này, viết về biến cố Mật Thân tại Huế.

‘Ngày 23 tháng chạp năm Mùi (1967) đang sống ở Sàigòn, Nhã Ca nhận được điện tín của gia đình từ Huế gọi về chịu tang thân phụ của bà vừa từ trần. Bảy ngày sau, cuộc tổng công kích tết Mậu Thân bùng nổ, và nhà văn nữ này, ngoài cái tang gia đình, đã phải chịu cái tang chung cho cả thành phố bị tàn phá.

‘Những điều tai nghe mắt thấy trong hơn hai tháng lưu lạc trong biến cố tết Mậu Thân tại Huế được Nhã Ca viết lại thành tác phẩm ‘Giải khăn sô cho Huế’ và toàn bộ tác quyền đầu tiên của cuốn sách nổi tiếng này được dành tặng cho Huế. Một phần góp vào việc cho trường nữ trung học Đồng Khánh. Một phần được trao tặng cho Đại Học Y Khoa Huế, và vị khoa trưởng y khoa Huế thời đó là bác sỹ Bùi Duy Tâm đã dùng khoảng tiền này để thiết lập một giải thưởng mệnh danh là ‘giải thưởng Nhã Ca’ dành cho luận án tiến sỹ y khoa xuất sắc nhất hàng năm.

Đến đây, tôi không thấy cần thiết phải kể thêm, dẫn chứng thêm về nhân cách đời thường của tác giả “Đoàn nữ binh mùa thu”.

Tự thân đời sống bà, những năm tháng nắng, mưa những thời gian huy hoàng và bão tố… đã nói đủ, nói hơn những gì chữ nghĩa tôi, có thể vươn tới.

Cạnh đó, tôi nghĩ, dù muốn hay không, đã 35 năm trôi qua. Thời gian với bản chất cần mẫn (đôi khi đáng nguyền rủa của nó,) vẫn lặng lẽ làm công việc không ai khiến, chẳng ai nhờ.

Đó là sự khép miệng những vết chém. Chà mỏng những đường sẹo. Lấp đi những phần khuyết…

Nhưng điều nó không làm được, theo tôi, dù cho nó có thêm bao nhiêu cái 35 năm nữa, đó là:

– Nhân cách đời thường của nhà văn Nhã Ca.

Nhân cách này cũng tựa một dòng chảy khác. Một dòng chảy song song với nhân cách văn chương rực rỡ của bà.

Du Tử Lê
(April 2010)

Chú thích:

(1) Theo “Thơ Nguyên Sa Toàn Tập”, (Tập 1). Đời Xb. California, 2000.

(2) Theo “Nhã Ca Thơ” Vietbook, USA, Calif. xuất bản, 1999.

(3) Gần đây, khi sưu tầm tài liệu cho bài viết của mình, tôi tình cờ đọc được một trích dẫn, ghi lại lời kể của Nhã Ca. Bà cho biết, với bút hiệu khác, bà đã cho đăng thơ, văn rất sớm, trên tờ Văn Nghệ Học Sinh của Lê Bá Thảng, khoảng giữa thập niên 1950.

Khi đó, nhà thơ Trần Dạ Từ, người bạn đời của bà sau này, phụ trách phần bài vở.

Nguồn: http://www.dutule.com/a3419/nha-ca-mot-xuat-hien-ruc-ro-cua-van-hoc-mien-nam-

Leave a comment